Sep 30, 2011

TUỔI GIÀ CÒN KHỔ̉-Bích Quy









TUỔI GIÀ CÒN KHỔ

Bích Quy



Ai đó đã mãn nguyện mà nói rằng "Tuổi già là thời sung sướng nhất". Thật hạnh phúc thay

Sống qua khỏi tuổi năm mươi là coi như được nửa đời người rồi. Bình thường ra thì nửa trước đã hoàn tất dù có cả khổ đau lẫn hạnh phúc. Nửa sau chắc là đỡ hơn vì mọi thứ cũng đã định hình rồi : Công việc, con cái, nhà cửa gần như đâu vào đấy cả rồi. Tưởng như có thể xoa tay mà an hưởng tuổi già...

Cỡ sáu mươi thì ta đã cho là già vì đến tuổi này thường là đã nghỉ hưu rồi. Tuổi hưu thì phải được nghỉ ngơi mà hưởng thu cái thành quả bao nhiêu năm phục vụ và tích lũy. Ngẫm ra chỉ dành cho các ông mà thôi. Đa số phụ nữ đến tuổi này, nếu vẫn còn sức khỏe thì cũng chưa sướng đâu. Phải chăm lo cho cha mẹ già : Nào sắc thuốc, nào hầm thức ăn, dắt cụ đi dạo, đưa cụ đi chữa bệnh. Chưa kể các cụ trái tính , trái nết bắt bẻ từng chút thì cỏn đau đầu hơn hoặc các cụ phải nằm liệt một chỗ thì thật là nguy to...


Tuổi này thì con cái cũng đã lớn, chúng chưa lập gia đình thì cũng đã đi làm rồi. Thế là phải cơm nước cho chúng có sức mà lo chuyện...thiên hạ. Đến khi chúng lập gia đình rồi thì cũng chưa yên đâu . Có con nhỏ rồi thì mẹ già là chỗ dựa vững chắc nhất.
Chúng cứ khéo léo mà "hót" rằng :
- "Bà mong mãi mới có cháu, vậy nên con gửi cháu cho bà vui để con còn đi làm.."
Thế là bà đành ôm cháu vào lòng, "vui" thì cũng có vui nhưng chẳng được bao lâu thì mệt nhoài vì bao nhiêu "rắc rối" với cu Tý suốt ngày. Nào thay tã, pha sữa, cho ăn, tắm rửa....khiến bà cứ xoay trở suốt ngày như thời con mọn. Chưa kể thỉnh thoảng lại :
-" Hôm nay con bận họp về trễ lắm, bà dỗ nó ngủ hộ con nhé."
Bà thương cháu quá, lại thương con đi làm vất vả, lẽ nào làm ngơ. Thế là bà lại "ầu ơ ví dầu" ru cháu ngủ...


Đấy là các con đã ra riêng, những đứa không có điều kiện phải ở chung với cha mẹ thì đúng là : "Một mẹ già bằng ba con ở"
Kể ra nói thế thì cũng hơi quá nhưng vai trò Quản gia, vệ sinh nhà cửa và nấu ăn thì "ba con ở" cũng có khi chẳng "uy tín" bằng " một mẹ già"

Ông nhà đến tuổi này thì cũng về hưu hay ngấp nghé về hưu nhưng coi bộ ông rảnh rang hơn bà nhiều. Ông được làm những cái mình thích, bù khú với bạn bè, đi chơi đó đây có khi hàng tháng trời mà khi về đến nhà vẫn thấy đâu vào đấy, nhà cửa vẫn sạch sẽ tinh tươm, con cháu vẫn đề huề. Ông có rủ bà đi chơi thì bà lại viện cớ phải coi nhà , đi hết sao tiện. Ông luôn yên tâm là có bà ở nhà quán xuyến mọi việc rồi. Đành rằng ông cũng có giúp bà đôi chút trong việc vườn tược, cây cối , đưa bà đi chợ hay dắt chó đi dạo hoặc thay cái bóng đèn không sáng.v...v.... nhưng vui thì ông làm, không vui thì ông mặc kệ cũng chẳng sao. . Ông khỏe mạnh thì còn đỡ, rủi nhỡ ông ốm đau thì bà lại còn cơ cực hơn nữa...Lớp phải hầu ông, lớp thì cha mẹ, lớp lại cháu con.. Thật là "Thân này ví xẻ làm ...ba" chứ chẳng phải làm đôi như người ta vẫn nói.


Bạn bè trách bà cứ ôm đồm làm chi cho cực thân. Ừ thì bà sẽ đi chơi đây. Bà chỉ dám đi chơi có một tuần thôi. Cơ mà lúc về thì hai tay bà phải giơ thẳng lên trời mà than rằng : "Chao ơi, sao mà lộn tùng phèo hết cả thế này..." Rồi bà lại tay khăn, tay chổi tất tả lau dọn, sắp xếp cho đâu vào đấy, cho đúng cái trật tự mà bà đã làm, đã sắp xếp gọn gàng bấy lâu nay.


Bao nhiêu sức khỏe tích cóp trong lúc đi chơi, nghỉ ngơi thoải mái với bạn bè lại tuôn ra hết, chân tay mỏi nhừ, cơ thể rã rời. Biết bao giờ bà mới thực sự được nghỉ ngơi ? Bà than thầm..."Sao số mình nó khổ thế?" Nhưng ngay bây giờ nếu có ai bảo bà nghỉ ngơi thì bà lại áy náy không yên, làm sao mà nghỉ ngơi được trong khi còn bao nhiêu người và bao nhiêu việc cần đến bà?


Thật ra cũng chỉ tại bà ôm đồm quá thôi và cứ tự nghĩ không có mình thì mọi việc sẽ không ổn, sẽ ngưng trệ hết. Trong đó cũng có cả cái hạnh phúc được thấy ba mẹ khỏe mạnh, thấy chồng con ăn ngon, thấy cháu vui đùa xúm xít chung quanh....Nhưng đến lúc nào đó mệt quá thì bà cũng nên buông xả, nghỉ ngơi đi, chẳng ai nỡ bắt bà phải cáng đáng quá sức đâu. Khi đó bà hãy đi chơi xa để đừng nhìn thấy cái mớ bùng nhùng công việc ở nhà. Đừng bận tâm , lo lắng vì người khác. Mọi việc sẽ lại đâu vào đấy thôi. Chẳng hơn là đến lúc nào đó chịu không nổi phải vào an dưỡng trong....nhà thương. Khi ấy mọi người lại phải rối lên vì...bà .


Thời gian trôi qua thật mau, bà đã bảy mươi rồi .Bây giờ thì đúng là bà lão, lưng bà đã hơi còng xuống vì bệnh loãng xương. Tóc cũng đã rụng nhiều và bạc nhanh quá. Trước đây bà còn chịu khó nhuộm vì trong nhà có mẹ tóc trắng xóa rồi , nếu bà cũng trắng tóc nữa thì kỳ quá. Nay thì có thể cho nó trắng luôn được rồi. .Da mặt thì cũng ̣đã nhiều nếp nhăn. Mắt bà trở nên nhỏ hơn vì mí đã sụp xuống và phải đeo kính nặng độ hơn. Mỗi lần nói chuyện đã phải nghiêng tai nghe mà vẫn không rõ. Răng thì cái còn cái mất khiến bà nhai trệu trạo chẳng còn thấy ngon.

Mỗi năm bà chỉ còn lo làm bốn cái đám giỗ cho cha mẹ hai bên. Các cháu thì cũng đã lớn. Mỗi lần gặp bà , chào hỏi xong là nó ra chỗ khác chơi chứ không còn quấn quýt bà như hồi thơ bé nữa. Các con bà cũng lần lượt ra riêng chỉ khi nào rảnh rỗi nó mới lên thăm bà. Nhà cửa cũng vắng lặng hẳn đi. Công việc cũng vì thế mà bớt bận rộn hơn . Sức khỏe cũng kém xưa nên bà làm gì cũng thấy chậm hơn. Mọi khi lau cái nhà thì chỉ mất hai mươi phút là sạch từ trong ra ngoài. Bây giờ thì không thế. Lau một cái phòng nhỏ xong là bà đã thấy mệt rồi, ấy thế mà cũng hết ngần ấy thời gian bằng lau cả cái nhà.Bà phải đi uống nước rồi nằm thở một chốc, mai lại làm tiếp. Bà cứ chia nhỏ công việc ra mỗi thứ một chút lại vừa làm vưà nghỉ . Thỉnh thoảng bà vẫn thích ra chợ gần nhà, chẳng phải mua gì nhiều nhưng là để nói chuyện với bà bán hàng quen hay ngắm nhìn hàng hóa cho vui.


Ông lão nhà bà cũng chậm chạp lắm rồi. Con cái cũng chẳng cho ông lái xe nên ông chẳng thể chở bà đi đó đi đây được nữa. Muốn đi đâu phải đợi đến chủ nhật may ra nó mới rảnh mà cho đi nhờ. Ông hay kêu nhức mỏi, đau lưng và phải ăn kiêng đủ thứ. Nào huyết áp, nào bệnh gout , lại còn thỉnh thoảng cứ húng hắng ho vì hút thuốc lá... Ông cũng chẳng thể giúp gì nhiều cho bà. Tuy vậy bà vẫn cảm thấy hạnh phúc vì còn ông bên cạnh Đôi khi bà lo sợ đến ngày nào đó ông bỏ bà đi trước thì rồi sẽ ra sao? Bà chẳng dám nghĩ tiếp...

Thấm thoát thế mà bà đã tám mươi . Ông cũng tới cõi mà bỏ bà ra đi rồi. Cái tổ của bà đã thực sự trống trơn. Trước kia bà mong có ngày được thong thả nghỉ ngơi, chẳng phải làm gì thì bây giờ bà lại sợ phải nghỉ ngơi nhiều quá. Bà luôn phải nghĩ ra chuyện để mà nhúc nhắc chân tay. Bà cũng cố giữ cái nếp tập thể dục buổi sáng cho đỡ bệnh. Khổ nỗi bà cũng quên nhiều quá, vừa nói chuyện điện thoại xong, bỏ xuống là bà quên ngay chẳng nhớ mình nói với ai và nói chuyện gì. May là bà cũng có nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ nên thỉnh thoảng cũng tụ họp nhau ăn uống hay đi chơi đó đây... và cũng phước là con cháu của bà cũng chăm lo cho bà đầy đủ.


Đôi khi làm nhiều thì bà cũng mệt nhưng bà vẫn muốn mạnh khỏe để được làm việc, dù việc ấy chỉ để phục vụ cho mình khỏi phiền đến người khác. Bà thầm cầu mong ông Trời cho bà được mạnh khỏe đến phút chót, rồi có "gọi" thì bà sẽ "dạ" thật to mà ra đi thanh thản. Cuộc sống vẫn cứ trôi đi cuốn theo tất cả , để rồi ai cũng phải ra đi một mình, chẳng còn gì phải làm, chẳng còn gì phải lo...




2 comments:

  1. Giời ơi, sống mãi đến tám mươi cơ ấy hả , sợ lắm sợ lắm ,cho già này sáu boa sáu boa là vui rồi . Sống già chết già cái ma lọm cọm.

    HC

    ReplyDelete
  2. Bài viết của Anh Thư thật hay và phản ảnh đúng hình ảnh của các cụ bà còn sống ở VN. Ở Băc Mỹ này, việc giữ cháu nấu cơm cũng bớt đi, các cháu thường đi nhà trẻ nhiều hơn, ông bà chỉ thỉnh thoảng giữ cháu khi bố mẹ bận việc cuối tuần; các cụ ông cũng phải chia xẻ công việc trong gia đình với cụ bà nhiều hơn và các cụ thường đi chơi chung chứ cụ ông đi chơi lẻ thì cũng không dễ. Tuổi già của các cụ nơi xứ người thì không đến nỗi phải làm lụng vất vả chỉ sợ không còn sức khỏe, sống lẻ loi, cô độc, con cháu đều bận bịu không có giờ viếng thăm nên khổ tâm mà thôi. Dung hòa giữ hai nếp sống, giũ gìn súc khỏe, năng hoạt động, giúp đỡ nhũng ngưòi chung quanh khi có thể sẽ thấy tuổi già vui và có ý nghĩa hơn

    Thân KĐ

    ReplyDelete