CÓ MẸ BÊN ĐỜI
Hoàng Anh Thư
Ngày sinh tôi ra, tôi chắc rằng mẹ đã ôm tôi và hôn tôi nhiều lắm vì tôi là con gái đầu lòng của mẹ . Thế rồi lần lượt bốn em tôi ra đời...mẹ bận rộn hơn và chẳng còn nâng niu tôi nữa. Chúng tôi như đàn gà con quẩn chân mẹ. Chỉ riêng chuyện cho ăn, tắm rửa, dỗ ngủ cũng đủ làm mẹ quay cuồng, tất bật từ sang đến tối rồi.
Ba tôi là một công chức cần mẫn, tôi thấy ông suốt ngày chăm chỉ đi làm. Sinh con một bề toàn là gái nhưng tôi thấy ba tôi rất thương vợ và quý con. Ở vào cái thời cách đây hơn nửa thế kỷ , không ít lần tôi nghe các bác hay trêu ba tôi là phải có bà hai để kiếm thêm thằng cu nhưng ba tôi chỉ cười chẳng trả lời .
Mẹ tôi ở nhà chăm sóc đàn con cùng với một chị giúp việc. Khi em thứ tư của tôi ra đời thì chị giúp việc xin nghỉ đi lấy chồng. Từ đấy mẹ tôi cũng chẳng mượn ai nữa và tự làm lấy mọi việc. Ngày ấy tôi mới chín tuổi nhưng đã giúp mẹ trông em được rồi, ngặt nỗi tôi cũng còn bé quá mà em thì nặng, tôi bế em mà như mèo tha chuột, thỉnh thoảng lại làm em ngã. Tôi vụng về, cho em ăn bột thì em vùng vẫy đổ cả ra ngoài nên hay bị mẹ mắng. Tôi tủi thân, chui vào xó cửa khóc tấm tức...Mẹ bận quá nên cũng chẳng có thì giờ dỗ tôi mà lại quát thêm :" Có nín đi không? Cho thêm mấy roi bây giờ ." Nỗi ấm ức làm tôi "ghét" mẹ, thấy mẹ không công bằng, thấy mẹ thương em hơn,còn " bắt " tôi phải nhường đồ chơi cho em...Tôi vừa giữ em , vừa học bài , vừa làm những việc vặt mẹ sai bảo. Đôi khi tôi cũng hãnh diện là cánh tay của mẹ, giúp mẹ được nhiều việc mỗi khi được các bạn của mẹ đến chơi khen ngơi. Mẹ tôi thì chẳng bao giờ khen con chỉ trách mắng là nhiều làm như thể khen nhiều thì chúng tôi sẽ hư.....Tuy thế mẹ tôi rất chú ý đến việc học của con cái. Lần đầu dắt tôi đến trường, mẹ cứ đứng lấp ló bên cửa sổ lớp vì sợ tôi chưa quen . Còn tôi thì cứ quay đầu ra cửa tìm mẹ chẳng nghe thầy giáo dặn dò gì...
Khi còn học tiểu học, mẹ tôi hay kèm cho tôi làm bài tập làm văn. Mẹ hay sửa những câu văn thiếu "đủ thứ" của tôi cho hoàn chỉnh và thêm thắt ý tưởng này nọ cho hay hơn.Thầy tôi đọc là biết ngay nên có lần bài văn của tôi được đọc cho cả lớp nghe và thầy đã hỏi :"Có ai chỉ cho em làm bài này không?" Tôi đứng lên "thật thà khai báo" : - "Thưa thầy ở nhà mẹ em dạy đấy ạ" Thật ra mẹ tôi chỉ hướng dẫn và không bao giờ làm bài hộ tôi cả.
Trong mắt tôi ngày ấy, mẹ tôi đẹp lắm, mắt to, sóng mũi vừa phải và cái miệng cười rất tươi nhưng mẹ lại ít khi cười có lẽ vì đàn con làm mẹ bận rộn đến không cười nổi? Mẹ có mái tóc dày, lúc nào cũng uốn quăn có nếp gọn ghẽ. Tôi đã từng hãnh diện khi nghe bạn khen mẹ đẹp.
Rồi mẹ dắt tôi ra chợ, "giới thiệu" cho tôi những bà bán hàng mẹ hay mua và chỉ cho tôi cách lựa miếng thịt ngon hay con cá tươi : Này là thịt cốt lết, thịt ba chỉ, thịt mông sấn...,này là cá thu, cá bạc má, cá ngừ... Rồi lại còn rau dền, rau muống, rau khoai , cà rốt, su hào, bắp cải. Tôi phải mở to mắt ra "nhận diện" và lẩm nhẩm cho thuộc nhưng phải sau nhiều lần nhầm lẫn thì tôi mới nhớ và phân biệt được mà mua đúng thứ mẹ dặn. Sau này tôi mới hiểu đó là những bài học đầu tiên, thực tiễn trong việc nội trợ mà tôi học được ở mẹ.
Một lần tôi bị sốt, nằm mê man, mở mắt ra thấy mẹ đang lo lắng để tay lên trán. Rồi mẹ pha sữa và đút cháo cho tôi. Mẹ âu yếm bảo :"Con ăn đi cho chóng khỏi" Lúc ấy, tôi thương mẹ quá và chỉ muốn mình cứ được...ốm mãi để được mẹ săn sóc, hỏi han. Chẳng qua là tôi hay thấy mẹ nựng nịu em bé và những đứa em còn bé nên tôi cũng thèm được mẹ ôm ấp , nâng niu nhưng mẹ bảo tôi là "chị cả" nên không thể đòi mẹ làm thế được và còn phải biết làm gương cho em. Đôi lúc tôi cũng muốn ôm mẹ, kể cho mẹ nghe chuyện ở trường, chuyện nhỏ bạn được mẹ cho đi uốn tóc và cả chuyện cô giáo hôm nay mặc một cái áo mới nhưng thấy mẹ luôn chân, luôn tay, nghe tôi kể lể một cách lơ đãng , lại còn ngắt chuyện : "Xê ra cho mẹ tắm em, đứng đấy làm gì?, lấy cho mẹ cái khăn bông cho em" Thế là tôi lại cụt hứng. Lâu dần tôi chỉ còn trả lời những câu nào mẹ hỏi mà ít dám nói chuyện với mẹ. Tôi cảm thấy mẹ rất nghiêm khắc và hay la rầy chúng tôi. Các em tôi mà vào lớp một rồi thì cũng chẳng thấy mẹ tôi ôm ấp hay hôn hít chúng nữa. Mẹ không thích chúng tôi nhõng nhẽo hoặc mè nheo xin xỏ .Lâu dần chúng tôi cũng quen làm lấy mọi việc cho mình mà không cần đến mẹ nhắc nhở.
Lúc chúng tôi còn bé, mẹ hay gọi ông thợ cắt tóc dạo vào và lần lượt từng đứa ngồi vào ghế cho ông cắt tóc và chỉ có một kiểu duy nhất là cắt "Bum bê". Mẹ còn đứng chỉ cho ông ấy cắt cao lên cho nó mát. Đằng trước, đằng sau cắt bằng thẳng tắp, sao cho có hai cái góc vuông ở thái dương và ở dái tai thì mới được. Em kế tôi rất ghét kiểu này và đã có lần nó trốn sang nhà hàng xóm đến tối mới về, Khỏi phải nói là mẹ giận thế nào. Lần ấy nó bị phết ba roi và mẹ tự cắt tóc cho nó, trông còn xấu hơn vì nó không chịu ngồi yên nên tóc bị xiên xẹo rất buồn cười.
Khi tôi còn học tiểu học thì ba mẹ tôi chăm chúng tôi kỹ lưỡng đến mức không cho đi đâu nếu không có ba hoặc mẹ đi cùng. Tôi còn nhớ năm lớp nhì, sau khi cả lớp đi thăm Thảo cầm viên về thì phải làm bài văn tả lại buổi đi chơi hôm đó. Tôi đâu có được ba mẹ cho đi nên tôi về khóc ti tỉ và...bắt đền mẹ : "Mẹ không cho con đi chơi với lớp nên con không biết làm bài mà ngày mai phải nộp bài cho cô rồi. Làm sao đây?" Thế là tối hôm ấy mẹ ngồi cạnh và bảo tôi nhớ lại lần đi chơi với bố mẹ trong Thảo cầm viên và thêm thắt bạn bè trong lớp vào như thế nào...Kỳ ấy tôi chỉ được trên điểm trung bình một chút nhưng tôi nhớ mãi là muốn làm văn thì phải có đầu óc tưởng tượng chứ không phải có thế nào viết ra thế ấy.
Để tiết kiệm, mẹ tôi hay mua cả tấm vải và cắt may quần áo cho chúng tôi giống nhau. Để phân biệt thì mẹ thêu số vào quần áo. Tôi số một, kế đến là số hai, số ba...Chúng tôi mà có sang hàng xóm chơi thì chỉ cần nhìn vào quần áo và đầu tóc thì biết ngay chúng tôi là chị em một nhà . Mẹ tôi bảo : "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm con ạ" . Lớn hơn một chút em tôi hay thầm thì : " Mẹ quản chúng mình như trong trại lính" và nó nhất định không chịu mặc "đồng phục" ở nhà. Mẹ thấy chúng tôi lục tục vào trung học thì cũng thôi không may "đồng phục nhà" nữa.
Khi lên trung học thì vì nhà xa nên tôi được đi xe trường, còn ngoài ra muốn đi đâu thì ba tôi chở. Có lần tôi nghỉ học vì bị ốm phải nhờ ba chở đến nhà bạn mượn sách vở , tôi mượn xong tập vở lại còn nói chuyện với bạn cũng hơi lâu, ba tôi vẫn kiên nhẫn chờ rồi chở tôi về. Thời buổi loạn lạc, xe cộ chạy ẩu tả ngoài đường nên ba mẹ tôi lúc nào cũng lo sợ và che chắn chúng tôi rất kỹ. Cô tôi còn bảo ba mẹ tôi có " ngũ long công chúa" nên phải "rào" lại kẻo có đứa nhòm ngó.
Mẹ tôi rất thích chùi soong, nồi cho trắng bóng. Tôi chỉ cần rửa sạch bên trong là được nhưng mẹ phải kỳ cọ cho đến khi soi gương được mới thôi. Mẹ bảo khi treo lên cái đáy nồi quay ra ngoài nên nó phải trắng bóng thì mới coi được. Khi nồi soong bị lỗ châm kim phải vứt đi thì người đổ rác còn nhặt lên và thắc mắc :"Nồi nhà ai mới thế này mà đã vứt ?" Mẹ mà lau nhà thì đứa nào ngồi đâu là phải ở yên đấy cho đến khi nhà khô mới được đi
Mẹ vất vả, bận rộn lại đông con nên chẳng có thời gian để nhìn tôi lớn. Ngày tôi nhú ngực, tôi đã phải lấy băng vải ép chặt vì tưởng như ai cũng nhìn mình và sợ bạn trêu chọc. Rồi tôi tự ra chợ mua cái áo ngực đầu tiên, rồi lại chui vào xó nhà khâu cho nhỏ lại vì không mặc vừa nên nó dúm dó trông rất buồn cười. Lần thấy kinh đầu tiên, tôi đã hoảng sợ biết bao nhưng cũng không dám hỏi mẹ mà thầm thì với nhỏ bạn thân , rồi tự lấy vải xếp lại làm băng. Ngày ấy chẳng có sẵn và tiện lợi như bây giờ và thời ấy chuyện giới tính cũng chẳng được "người lớn" đề cập đến như bây giờ.
Không kể những chiếc áo dài trắng đồng phục ở trường, vào lần sinh nhật thứ mười lăm, mẹ đã mua vải rồi dẫn tôi đi may chiếc áo dài màu đầu tiên : Chiếc áo dài bằng vải soir màu xanh con két. Tôi cảm thấy mình lớn hẳn ra. Mẹ bảo sẽ cho tôi đi ăn đám cưới chú tôi. Lần ấy tôi cảm thấy vừa hãnh diện vừa mắc cỡ khi ai đó khen tôi dạo này thành cô thiếu nữ rồi đấy và trêu tôi chừng nào cho ăn cưới? Mẹ tôi bảo :"Cháu còn bé, đang đi học mà" nhưng trong lòng mẹ chắc cũng thích khoe với họ hàng có con gái lớn.
Sau biến cố lớn làm thay đổi đất nước, đời sống chúng tôi bị đảo lộn. Ba tôi bị mất việc và mẹ tôi đã sát cánh cùng ba tôi làm mọi việc để mưu sinh. Tôi đi làm, phụ với ba mẹ không để cho các em gián đoạn việc học dù đã phải vượt qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn, ăn độn sắn khoai. Tôi học được ở ba mẹ tính kiên nhẫn và cứng cỏi để vượt qua khó khăn. Rồi thì các em tôi cũng tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Ba mẹ tôi cũng đã dễ thở hơn và cũng không cần phải canh chừng chúng tôi nữa. Chúng tôi đã lớn và có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ mình.
Chẳng bao lâu thì tôi lập gia đình, các em tôi cũng thế. Ông bà lại là chỗ dựa vững chắc để chúng tôi có thể yên tâm gửi con mà đi làm Lần đầu tiên có cháu trai, ông vui lắm và đòi lấy họ của ông đặt tên cho cháu. Lại một lần nữa ông bà lại bận như có con mọn. Ông bà vui vì có cháu, nhưng cũng vất vả, bận rộn với cháu rất nhiều. Thật đúng là "Cháu bà nội, tội bà ngoại" Chúng tôi như chim non đủ lông cánh, dần tách ra với gia đình nhỏ của mình nhưng vẫn luôn qua lại chăm sóc ông bà.
Có lần mẹ tôi bị đau bụng cấp tính, đau lăn lộn, toát mồ hôi. Bác sĩ bảo phải mổ vì có sạn mật. Tôi thấy mẹ rất bình tĩnh khi vào mổ. Mẹ tôi ḷại còn an ủi, khuyến khích những người đồng bệnh cùng phòng rằng cứ yên tâm không sao cả. Thật ra thì tôi biết mổ xong , mẹ tôi cũng đau nhưng bà chẳng hề kêu ca.
Các cháu lớn lên đi học thì ông bà cũng được thong thả hơn. Mẹ tôi gặp lại các bà bạn cũ ngày xưa cùng học trường Đồng Khánh là tiền thân của trường Trưng Vương bây giờ . Một số các bác ấy còn ở Hà nội và một số ở Saigon không đi theo con cháu ra nước ngoài. Rồi lể hội Trưng Vương được mở ra, mẹ tôi hăng hái tham gia. Có năm mẹ tôi lên hát đồng ca với cô Ninh là hội trưởng và các bà bạn. Nhìn các bà tóc bạc, tóc muối tiêu mặc áo dài, đứng chật cả sân khấu, trịnh trọng hát lại các bài tiếng Pháp thời xưa.Tôi thấy hãnh diện vì dòng chảy Trưng vương lại được khơi nguồn và nối tiếp
.Tôi nhớ nhất là vào năm 2002 , cô Ninh có viết một vở kịch thơ để cho mẹ tôi cùng cô Định, cũng là học trò Đồng Khánh ngày xưa đóng vở kịch này.Vở kịch có tên là : MỐI TÌNH CỦA CHÀNG TRAI TRƯỜNG BƯỞI VÀ CÔ NỮ SINH TRƯỜNG ĐỒNG KHÁNH. Vở kịch chỉ có hai nhân vật : Đó là cô Định đóng vai anh học sinh trường Bưởi , đội nón kết trắng, áo the đen, quần vải trắng, đi guốc mộc và mẹ tôi đóng vai chị nữ sinh trường Đồng Khánh với nón lá, áo dài tím, quần trắng,đi guốc thấp. Mẹ tôi được các cô trang điểm và đội tóc giả cho ra vẻ nữ sinh. Đặc biệt nhất là lúc ấy chàng trai trường Bưởi đã ...bảy mươi tám tuổi và cô nữ sinh trường Đồng Khánh thì ...bảy mươi sáu tuổi. Hai bà đã cùng với cô Ninh đạo diễn, tập với nhau hàng tháng trời.
Chỉ riêng chuyện thuộc được lời thơ và diễn cho biểu cảm , tôi cũng thấy... khâm phục các cụ rồi. Các cụ đã cho con cháu thấy một tinh thần Trưng Vương rất cao và bền bỉ qua năm tháng dù các cụ đã lớn tuổi.
Bà cụ mẹ HAT ( aó xanh) trong vai cô nữ sinh Đồng Khánh ( TV xưa) |
Khi phông màn được kéo lên, tôi thấy trên sân khấu, anh học sinh trường Bưởi tay ôm cặp sách đi tới, đi lui, ngó về phía xa với vẻ băn khoăn, sốt ruột. Thỉnh thoảng đứng lại nghểnh cổ , ngó ra xa. Bỗng anh thấy bóng nàng, anh vội sửa lại mũ, vuốt lại áo (trong tiếng nhạc nền Hoa tím ngày xưa). Cô nữ sinh Đồng Khánh vui vẻ đi tới, tay cầm cập sách và nón lá, bỗng nhận ra anh chàng lúc tới gần. Cô vội quay mặt đi, lấy nón che nghiêng đầu hơi mắc cở, cô làm mặt nghiêm , lẩm bẩm :
- Thì ra lại là chàng ta,
Đến hôm nay nữa đã là mười hôm.
Khi cô đi qua, anh liền từ từ đi theo sau lưng. Cô vẫn đi không dừng lại, nói trêu đùa vừa đủ nghe:
- Đường này về phố Hàng Bài
Anh đến trường Bưởi đi sai đường rồi.
Anh lấy lá thư trong cặp, cầm trong tay và tiến lên để đưa thư
- Xin cô dừng bước cô ơi,
Mong cô nhận giúp cho tôi yên lòng.
Cô nhìn trước, nhìn sau rồi... khoát nhẹ tay
- Đường đây, phố xá người đông,
Bạn bè qua lại tôi không dám cầm.
Cô vẫn cứ đi, chàng lẽo đẽo theo sau nằn nì
- Vậy thì đến hết học kỳ,
Ngày nào tôi cũng đứng lì ở đây.
Cô đành từ từ đứng lại, dáng e lệ, nói nhỏ, vẫn nhìn về phía trước nhưng cổ tay lại... ngoặt ra đàng sau
- Nói lời xin cũng nể lời
Anh cố tình...cũng được...đưa tôi tạm cầm
Duyên tình là chuyện trăm năm
Vội vàng cũng có thể lầm, tính sao?
Chàng đặt lá thư vào tay cô, run quá làm rớt cặp , sách vở bung cả ra ngoài, lộn xộn. Chàng vội vàng gom lại, đứng dậy cạnh cô, cô liếc nhìn rồi lại ngó về phía trước:
- Vậy thì sáng mai qua đây,
Tôi xin đón đợi gốc cây phượng này
Mong rằng đón nhận lời hay
Mặt hồ Hoàn Kiếm cũng say hương tình.
Nàng gật đầu hai cái đồng tình rồi vội vã bước đi. Chàng mở cặp xếp lại tập vở nhưng mắt vẫn dõi nhìn theo nàng rồi từ từ đi về phía ngược lại....trong tiếng nhạc nền.
Vở kịch đã được vỗ tay nồng nhiệt và hai diễn viên được tặng ..hai bó hoa mang về nhà. Khỏi phải nói là mẹ tôi đã vui như thế nào khi được các cô và con cháu khen ngợi. Niềm vui còn kéo dài đến mấy ngày sau. Ba tôi không đi xem nhưng thấy mẹ tôi ôm hoa về thì trách yêu: " Mẹ bây già rồi mà còn ham vui" Em tôi bảo : "Các cụ xưa quá, thời nay chẳng ai làm thế cả". Tôi thì lại thấy thời ấy các cụ tỏ tình một cách rất kín đáo , dễ thương nhường nào....
Thấm thoát thế mà đã gần mười năm rồi, những lần hội Trưng vương sau các cụ tham dự càng thưa dần đi. Cô Ninh vẫn là con chim đầu đàn nhưng các cụ chỉ còn chưa đếm đủ hai bàn tay khi lên sân khấu. Phần vì các cụ quá cao tuổi hay ốm đau, phần thì các cụ đã khuất núi..Các cụ đều trên tám mươi gần chín mươi cả rồi.
.Lưng mẹ tôi cũng đã còng xuống vì sức nặng thời gian, tóc cũng bạc trắng như bông , mẹ tôi gầy đi nhiều nhưng vẫn đi lại được. Trông cụ bé nhỏ hẳn so với lũ con cháu đang tuổi làm, tuổi ăn..Mẹ tôi cũng quên dần nhiều thứ và lại hay lẫn lộn chuyện này, thứ kia. Đôi lúc cụ ngồi thẫn thờ nhớ bà ngoại tôi cùng hai người anh đã khuất hoặc nhắc đến những bà bạn thân cùng trường mới mất .Cũng có lúc cụ ngồi nhắc đến gia đình hai em tôi định cư ở xa....rồi cứ mong ngóng hỏi đi hỏi lại " Bao giờ tụi nó lại về?"
Ba tôi tuy đã chín mươi tuổi nhưng lúc nào cũng quan tâm đến bà. Lúc ăn uống, ông luôn luôn gắp đồ ăn cho bà. Đi đâu về, câu đầu tiên khi vào nhà là ông hỏi "Bà đâu rồi ?" Ai đến nhà thăm cũng mong có được tuổi già như ba mẹ tôi..Số phận đưa đẩy cho tôi lại được kề cận , chăm sóc ông bà. Tôi yêu ba mẹ biết bao và tôi mong mình mãi mãi được cài bông hồng trên áo...
Anh Thu Hoang
Một bài viết đặc sắc về mẹ của Hoàng Anh Thư. Nghệ thuật viết chân tình gỉ an dị nhưng lôi cuốn và đề cao được những cá tính vừa dịu dàng vừa nghiêm khắc , vừa cần kiệm vừa đầy đủ, vừa tổ chức vừa cương quyết thực hành , vừa sạch sẽ vừa yêu đời lạc quan không những cho mình mà cho tất cả nhưng người xung quanh ...mẹ đã làm tất cả hoàn hão và đó là nghệ thuật nuôi dưỡng hạnh phúc....
ReplyDeleteAT oi, luc nao cung nho canh hang ngay me AT trang non na ngoi ky co noi nieu soong chao cho den that bong loang o trong san nha khu cu xa Le Dai Hanh.
ReplyDeleteMH