Jun 18, 2016

T Ì N H C H A C O N

T Ì N H   C H A  C O N

                                                                              BÌNH  MINH



         Chủ nhật này là ngày lễ của cha. Không biết con gái sẽ "quà" gì cho bố nó. Hồi còn nhỏ xíu, con hay được thầy cô dạy cách làm quà cho ngày của mẹ, ngày của cha. Con bé khi thì làm bình hoa cho mẹ từ những cóng yaourt trang trí lại, khi thì quà cho bố bằng những bức tranh có đóng khung mà con chăm chút vẽ và dán khung lấy ở trường.

          Bà Tư nhớ,  hồi mới sanh, ông Tư chăm chút con thật nhiều. Cứ đi làm về, tắm rửa sạch sẽ là ông bế con suốt, còn cho con bú bình, mà ông gọi là"Ti bố".Con bé cứ lúc bố đi làm thì được mẹ chăm, còn bố về thì nũng nịu trong lòng bố, mẹ bế thì ư ư không chịu. Ngay cả lúc ông Tư ăn, ông cũng đặt con vào lòng, ôm một tay, còn một tay tự xúc cơm ăn. Không biết có phải tại nhìn bố ăn mà mới bốn tháng tuổi, con bé cứ lấy lưỡi đẩy núm vú bình sữa ra, nhất định không chịu bú; mà lấy thìa đút sữa cho thì mới chịu nuốt. Sữa mà phải đút từng thìa! Thế là ông Tư đành nhường con gái cho vợ  vì sợ làm con sặc, nên từ đó bà Tư phải đút từng thìa từng thìa sữa. Bà cứ nhớ là tới 84 thia, từ thìa nhỏ đến thìa lớn hơn ,cho tới lúc con tự biết ăn lấy thức ăn xay.

      Ông Tư cưng chiều con lắm. Con lớn hơn một chút, ông thích dẫn con đi mua sắm, từ cái cặp đi học, đôi giày, quần áo đều chiều theo ý con. Còn chuyện ăn uống cũng vậy, miếng nào ngon ông gắp cho con"miếng này mềm, ngon nhất nè con". Bà Tư thì coi như chuyện bình thường và sung sướng thấy con gái được bố cưng như bà ngày xưa.
    
       Con bé cũng lớn dần trong sự yêu thương của bố mẹ. Cho đến một hôm, bà Tư bồ một quả dưa to. Quả dưa thơm nức và chín tới, màu vàng cam mọng nước, chỉ bị dập một chút xíu ở đầu trái. Con gái đứng mép bàn, nhìn mẹ bổ dưa vào ba chén:
_Mẹ ơi, chỗ này hơi dập, còn ăn được, để bố ăn cho mẹ.

Bà Tư sững sờ nhìn con gái:

_Ủa, sao con nói chỗ dưa dập lại để bố ăn?
_Con vẫn thấy bố bảo miếng này ngon cho con, còn miếng nào xấu hơn để bố ăn cho.

Bà Tư nhìn con chăm chú. Con bé chỉ mới sáu tuổi.Vậy là từ nhỏ, tất cả những gì xung quanh; con đều ghi nhận như một tờ giấy thấm gặp nước. Con chưa phận biệt được những gì con nhận được là do tình yêu thương của cha mẹ dành cho con ,chứ không phải do cách sử xự đương nhiên như vậy. Bà Tư chợt nhận ra mình phải chú ý đến con nhiều hơn nữa, phải giải thich cho con từng chuyện nhỏ, nếu không khéo, con sẽ thành người ích kỷ, tham lam một cách "đương nhiên" vô tình.

        Bà Tư cắt bỏ miếng dưa dập vào thùng rác:

_Con biết không, bố nói vậy ,vì bố thương con lắm, bố muốn dành cho con những cái tốt đẹp nhất đấy. Bây giờ mẹ chia đều, nhà mình ai cũng được ăn ngon như nhau nhé.

        Năm nay con đã mười sáu tuổi và học lớp 12. Có lần, lớp con họp mặt lớp ở nhà riêng của một cô bạn.Vì là buổi chiều tối, nên bà Tư muốn ông Tư đưa con đi và đón con về.  Bà Tư biết tình cha đối với con của ông Tư lớn lắm. Bà Tư không hình dung được lúc con có bạn trai hay lúc con lập gia đình sẽ như thế nào? Không biết ông Tư sẽ "gườm gườm " hay theo dõi bạn của con gái đến đâu?
       Mỗi lần kể chuyện bạn bè cặp bồ nhau trong lớp, con bé hay liếc liếc nhìn bố nó rồi tủm tỉm:"bố đừng lo, con chưa để ý anh nào, hì hì không chừng con bị "bóng". Gương mặt ông Tư vừa dãn ra lại co vào lo lắng. Bà Tư chêm vào:

_Đấy, con gái lại biết đùa, làm bố lo đầy. Bố mẹ tin tưởng con biết suy nghĩ, biết chọn bạn mà chơi, có gì thì kể bố mẹ nghe nhé.

       Bà Tư hiểu chồng lúc nào cũng muốn che chở, bảo vệ cho con, bà biết ông không đồng ý lắm với ý kiến của bà. Ngày xưa, hồi bằng tuổi con, bố của bà cũng hầu như lúc nào cũng muốn cho các con ở nhà, có đi chơi thì thường chung với gia đình, còn chuyện họp bạn đi chơi xa ngay cả do trường tổ chức hầu như không có, nhất là thời buổi chiến tranh lúc đó. Bà Tư biết rất rõ ,con gái bà cũng rất yêu quí bố mẹ, rất hiểu điều mà cha mẹ hay lặp đi lặp lại"tuổi nào việc nấy, tuổi đi học, con lo đi học là chính". Nhưng bà cũng hiểu những vui chơi trường lớp cũng sẽ là những kỉ niệm đẹp, những thư giãn cần thiết của tuổi học trò. Bà Tư tin là, tin tưởng vào con , bà cũng sẽ được con tin tưởng tâm tình, như vậy bà sẽ giúp con được nhiều hơn nữa. Bà biết có những đứa trẻ càng khó khăn cấm đoán ,lại càng làm ngược, và không chọn cha mẹ hay gia đình làm nơi nương tựa nữa, như vậy làm sao giúp được con.?

Chủ nhật, mới sáng sớm, con gái đã dậy sớm, bày sẵn bàn ăn sáng, chờ bố vào bếp là con đưa một cuộn giấy có cột sợi nơ màu đỏ làm quà.Ông Tư hồi hộp mở ra xem.Ồ, một phiếu điểm cuối học kì .Con đứng đầu lớp  với nhiều lời khen tốt của thầy cô. Bà Tư góp lời:

_Ai mà được con gái "cưng" quá nhe!

      Ông Tư sung sướng nhìn thành tích của con gái như thành tích của chính mình. Con gái đã hiểu ông và cho ông một món quà quí giá mà ông rất thích. Con bé rất thương bố, nên chăm chỉ học hành. Ông Tư chợt nhận ra vợ ông có lý. Bây giờ con cũng không còn nhỏ, ông cũng có hiểu gì ý thích của con khi con lớn? hay là theo ông, vẫn chỉ là những cái ăn cái mặc như hồi con còn bé?  .Ừ làm cha không phải chỉ cưng chiều chăm nuôi,  "bao bọc "con thật kỹ càng, mà biết "nghe" con và để con tin tưởng vào mình thì mới giúp và hướng dẫn con được  nữa, cấm cản chưa chắc gì tốt. Ông Tư cảm ơn thầm có bà Tư luôn nhắc nhở ông những lúc tình yêu con của ông trở nên"mù quáng",ông thấy mình hạnh phúc hơn bao giờ hết.


2 comments:

  1. Tình cha con đã được thể hiện thật thắm thiết trong đó có sự góp sức của bà mẹ tuyệt vời cho đứa con thật hạnh phúc được sống trong tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ.
    BQ

    ReplyDelete
  2. Lòng yêu thương của người cha luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho con mình

    ReplyDelete