May 17, 2015

TRANG THƠ NHẠC CUỐI TUẦN - CA SĨ MỘC LAN

 CA SĨ MỘC LAN.

Vào khoảng thập niên 60 trên những chương trình phát thanh và truyền hình Saigon khán thính giả thường được thưởng thức những chương trình tân nhạc thật đặc sắc . Một trong những ban nhạc nổi tiếng thời đó là ban nhạc Tiếng Tơ Đồng do nhạc sĩ Hoàng Trọng làm trưởng ban với sự góp mặt của 3 giọng hát Châu Hà, Kim Tước và Mộc Lan.

Ngày 11 tháng 5 năm 2015, nữ danh ca Mộc Lan đã qua đời tại Thủ Dầu Một.
Để tưởng nhớ về một người ca sĩ tài danh  trong nền tân nhạc Việt Nam, DSTV xin được trích lại một phần bài viết của tác giả Hà Đình Nguyên viết về ca sĩ Mộc Lan và  xin mời các bạn và độc giả thưởng thức lại tiếng hát của nữ danh ca Mộc Lan.




Những người am hiểu và gắn bó với nền tân nhạc Việt Nam, hẳn vẫn còn nhớ về một thế hệ nữ ca sĩ cách đây hơn 60 năm. Đó là những giọng ca: Mộc Lan, Tâm Vấn, Châu Hà, Kim Tước... Thời may, tôi được gặp một người trong số họ: danh ca Mộc Lan.
Tiếng tăm của nữ danh ca một thời Mộc Lan thì tôi đã từng nghe biết từ lâu qua những lời truyền tụng và sách báo. Thời hoàng kim của bà đã cách đây hơn nửa thế kỷ nên một kẻ hậu bối như tôi dù rất ao ước cũng khó lòng gặp được, bởi bà đã “mai danh ẩn tích” từ rất lâu... Qua sự giới thiệu của một nhà thơ, được biết nhà văn Trần Áng Sơn (vốn là chỗ quen biết với tôi) chính là em ruột của bà, tôi nhờ anh Sơn dẫn đến thăm bà. Một ngày cận Tết, anh Trần Áng Sơn đưa tôi đi, nhưng dặn nhỏ: “Hạn chế hỏi chuyện đời tư nhé!”. Tôi vâng dạ mà... buồn thiu bởi thú thực tôi đang rất muốn hỏi bà một số chuyện tình cảm liên quan đến các nhạc sĩ Châu Kỳ, Đoàn Chuẩn..., đành gặp trước rồi tính sau.

Dù đã được anh Trần Áng Sơn báo trước nhưng tôi cũng không thể ngờ người đàn bà tài sắc một thời này, nay lại có hoàn cảnh khó khăn như thế. Bà hiện sống - có thể nói là cô độc trong một căn nhà chỉ chừng mười mấy mét vuông ở cuối con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM). Càng cô độc hơn khi một mình bà phải nuôi nấng, chăm lo cho người con gái trên 50 tuổi bị bệnh tâm thần. Mảnh lưng ong ngà ngọc một thời nay đã còng xuống, trí nhớ có phần mai một nhưng vẻ xuân sắc ngày ấy vẫn chưa phai nét trên khuôn mặt mà mái tóc đã gội tuyết sương... Bà khoe: “Tôi mới vừa nói chuyện qua điện thoại với nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân ở bên Mỹ gọi về (nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân là tác giả các ca khúc Buồn thu, Đường tơ lưu luyến, Người đưa thư đã đi qua...). Bây giờ buồn lắm, bạn bè chỉ còn dăm người, ai nhớ đến mình, gọi điện hỏi thăm hay gửi cho chút quà là mừng lắm, cảm động lắm... Châu Hà, Kim Tước đang ở nước ngoài, chỉ có Tâm Vấn thỉnh thoảng có ghé thăm. Tất cả đều già yếu rồi nên chẳng ai trách ai...”.

* Cô đi hát từ bao giờ và bài hát đầu tiên cô biểu diễn trước công chúng là bài nào?

- Tôi tên thật là Phạm Thị Ngà, sinh năm 1931, tuổi Mùi. Đi hát từ thời 14 - 15 tuổi ở Đài Pháp Á. Nghệ danh Mộc Lan do nhạc sĩ Lê Thương đặt cho tôi. Bài hát đầu tiên thì không nhớ nổi nhưng tôi nổi tiếng với bài hát Em đi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc Trần Văn Khê). Ông Khê viết bài này rất kỳ công, có xen kẽ những đoạn vừa nói vừa diễn tả rồi lại hát, cho nên bài hát rất dài và rất kén người hát. Tôi may mắn được coi là người đầu tiên thể hiện thành công bài hát này... Nghe nói ông Khê về nước mấy năm nay rồi, lẽ ra tôi phải đến thăm ông vì cái ơn hồi đó ông uốn nắn cho giọng hát của tôi từng chút một, nhưng giờ cả hai đều già yếu. Tôi nhớ dạo ông ấy còn ở bên Tây, tôi đã từng về quê của ông ấy ở xã Vĩnh Kim (Cái Bè, Mỹ Tho) hát. Mới đó mà đã hơn 50 năm rồi...

* Ngoài Em đi chùa Hương, cô còn hát thành công những ca khúc nào nữa?

- Nhiều lắm. Tiếng thời gian, Hình ảnh một buổi chiều (Lâm Tuyền), Gởi gió cho mây ngàn bay, Chuyển bến (Đoàn Chuẩn), Thoi tơ (Đức Quỳnh), Nhớ nhung (Thẩm Oánh), Phố buồn (Phạm Duy)... Sau này, tôi hát trong ban Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng. Lúc đó, Hoàng Trọng được mệnh danh là “Vua Tango” nên những bài tango của Hoàng Trọng đều do tôi hát đầu tiên...

* Hiện cô còn giữ băng đĩa nào ghi âm những bài hát này không?

- Hồi xưa, tôi ghi âm nhiều lắm. Thu vào đĩa 45 vòng, vào băng Magne, Akai... nhưng rồi mấy lần dọn nhà đâm ra thất lạc, cái nào giữ được thì ẩm mốc, hư hỏng hết... Có mấy người bạn ở nước ngoài gửi cho vài đĩa nhạc nhưng nhà chẳng có máy mà nghe nên cũng chỉ để đó.

*Nhiều người cho rằng bài hát Gởi người em gái là của Đoàn Chuẩn viết riêng cho Mộc Lan. Điều này đúng không?

- (cười...). (Anh Trần Áng Sơn gật đầu xác nhận: “Đã có rất nhiều tài liệu cho rằng nhân vật nữ trong Gởi người em gái của Đoàn Chuẩn chính là chị Mộc Lan”)... Thực ra thế này, dạo đó tôi ở trong Nam, còn ông Đoàn Chuẩn ở ngoài Bắc, ông ấy sáng tác và gửi bài hát vào Nam cho các ca sĩ, không cứ gì gửi cho riêng tôi. Tôi vào Nam từ rất sớm do ông anh tên là Long dắt vào. Mấy năm sau, khi tôi chung sống với ông Châu Kỳ ở Huế thì tôi đón Trần Áng Sơn vào ở chung (1952).

* Cô nhận xét thế nào về nhạc sĩ Châu Kỳ?

- Ông ấy rất hiền lành, đã hứa làm cái gì thì làm tới nơi. Riêng với phong trào âm nhạc thì ông ấy rất nhiệt tình. Sống có tình cảm nên bạn bè rất quý. Có điều nhậu vô là nói lèm bèm. Tính tôi nghe nhiều không chịu được, bực lắm! Mình đi hát thì phải tiếp xúc với nhiều người mà ông ấy lại quá ghen...

* Nhạc sĩ Châu Kỳ mất, cô có biết tin không?

- (ứa nước mắt)... Trước đó ít lâu, tôi có việc đi ngang Hội quán Nghệ sĩ trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3), thấy Châu Kỳ ngồi phía bên ngoài. Thấy tôi, Châu Kỳ ngoắc lia lịa: “Bà vào đây chút đã!”. Tôi xua tay: “Tôi mắc công chuyện phải đi gấp!”... Ít lâu sau nghe tin ông ấy mất. Tâm Vấn và Thanh Nhạn gọi điện thoại bảo tôi nên đến viếng ông ấy một chút nhưng tôi bệnh quá không đi được. Để chừng nào tôi khỏe khỏe một chút, tôi với Tâm Vấn sẽ đến thắp cho ông ấy một nén hương...

...Chia tay người của một thời mà lòng tôi nặng trĩu. Nhan sắc ấy, giọng ca ấy từng khuấy đảo sân khấu ca nhạc cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Kẻ đưa người đón dập dìu mà nay vò võ còng lưng trong căn nhà chật hẹp. Có tâm sự cũng chẳng biết sẻ chia với ai bởi bên cạnh bà giờ chỉ còn người con gái ngờ nghệch, khật khùng... Anh Trần Áng Sơn bảo thậm chí đến cơm nước bà cũng không thể tự nấu, phải đặt cơm tháng, người ta mang đến nhà cho mẹ con bà... Buồn ghê!

Hương sắc 60 năm trước 
Khi biết tôi có ý định viết về nữ ca sĩ một thời vang bóng Mộc Lan, nhà văn Trần Áng Sơn không nói gì nhưng trao cho tôi bộ Những trang sách khép mở (3 tập). Để bạn đọc hình dung được một Mộc Lan hương sắc của 60 năm về trước, xin trích từ những trang viết của Trần Áng Sơn:
“Khi tôi chưa đầy một tuổi thì mất cha. Mẹ tôi, người đàn bà chân quê không đủ sức nuôi dưỡng, dạy bảo 8 đứa con đang sức ăn sức lớn. Tình cảnh gia đình thật bi đát, 8 anh chị em tôi ở trong tình trạng xẻ nghé tan đàn bất cứ lúc nào... Cuối cùng người lãnh trách nhiệm hy sinh để cứu những đứa em còn quá nhỏ dại là anh hai tôi - anh Long. Anh phải từ bỏ trường học, từ bỏ võ đài - nơi anh ấy đang nổi lên như một võ sĩ quyền Anh trẻ tuổi đầy hứa hẹn. Anh dắt theo hai chị tôi: chị Ngọc, chị Ngà từ Hải Phòng vào Sài Gòn tha phương cầu thực. Cảnh chia ly ấy diễn ra khi tôi vẫn còn là một đứa trẻ lẫm chẫm tập đi. Tôi lớn dần lên trong cơ cực, trong đạn bom Thế chiến thứ hai, và khi tiếng súng toàn quốc kháng chiến nổi lên cũng là lúc gia đình tôi hoàn toàn bị đứt liên lạc với các anh chị tôi ở Sài Gòn...

Ngày các anh chị rời xa gia đình, tôi còn quá nhỏ nên không hình dung được họ ra sao, nhưng qua lời mẹ tôi kể lại thì các anh chị tôi đều rất đẹp: anh Long cao lớn, đẹp như thầy chúng tôi. Còn chị Ngà (sau này là nữ danh ca Mộc Lan - PV) đẹp như tranh vẽ, mẹ kể da của chị trắng như trứng gà bóc, răng đều tựa như hạt cườm, tay cứ như tay tiên. Tóm lại trong 5 chị gái, chị Ngà tôi đẹp nhất. Tôi giữ hình ảnh đẹp như tranh vẽ của người chị trong tâm hồn như một niềm kiêu hãnh...

Một hôm vừa đi học về, tôi ngạc nhiên thấy nhà có khách - một người phụ nữ sang trọng, rất đẹp, cái đẹp sắc như dao cau. Tôi ngỡ ngàng ngộ nhận đó là chị Ngà tôi ở Sài Gòn mới về. Nhưng không phải, người ấy là chị Thanh, chị dâu tôi - vợ anh Long. Đúng là chị về từ Sài Gòn để tìm lại gia đình sau hơn 10 năm thất lạc. Mẹ tôi rất mừng, cơn ác mộng những đứa con thất lạc trong chiến tranh không còn phủ cái bóng ảm đạm lên gia đình tôi nữa. Mẹ tôi còn cho biết chị Ngà tôi bây giờ đã trở thành ca sĩ nổi tiếng khắp Bắc - Trung - Nam. Chị ấy đang lưu diễn ở Hà Nội theo lời mời của Đài phát thanh Hà Nội cùng với nữ ca sĩ số một của Hà Nội bấy giờ là Minh Đỗ. Tin này đối với tôi thật bất ngờ. Thời thơ ấu khổ cực nhưng tôi luôn giữ hình ảnh người chị đẹp như tranh trong ký ức, chị ấy đã phải rời xa tổ ấm để chia bớt phần ăn cho những đứa em. Thế mà cô gái nghèo ấy sau hơn 10 năm xẻ nghé tan đàn đã trở thành ca sĩ danh tiếng. Tuy chưa biết khi hát chị tôi lấy nghệ danh là gì nhưng tôi tin chắc cái tên phải xứng với sắc đẹp và giọng hát của chị ấy. Vào thời điểm này (1952), tôi sắp bước sang tuổi mười lăm...

Sau chuyến lưu diễn ở Hà Nội, chị Ngà tôi và anh Long về Hải Phòng thăm mẹ và các em sau hơn 10 năm đứt liên lạc. Đúng như mẹ tôi nói, chị tôi đẹp thật, đẹp hơn cả lời miêu tả với tất cả niềm âu yếm của mẹ tôi. Các anh chị tôi nhìn thấy cảnh mẹ và các em sống quá cơ cực đã đi đến quyết định làm thay đổi cuộc đời tôi. Cuối năm 1952, các anh chị tôi về thăm mẹ lần thứ hai và chuyến bay của hãng Air France cất cánh từ sân bay Gia Lâm đến Huế có tôi bay cùng...

Những ngày đầu ở Huế, tôi sống chung với chị và anh rể - đôi vợ chồng ca nhạc sĩ Mộc Lan - Châu Kỳ trong một căn phòng nhỏ phía sau Ty Thông tin Huế dưới chân cầu Tràng Tiền. Căn phòng quá nhỏ cho một đôi uyên ương quá nổi tiếng ở đất Thần Kinh. Tôi cứ ngỡ đẹp và hát hay như chị tôi thì phải ở trong lâu đài khuê các. Vậy mà thực tế lại như thế này ư? Nó khác xa với hình ảnh rực rỡ của chị tôi khi đứng trên sân khấu cất tiếng hát họa mi làm say mê biết bao tâm hồn mơ mộng, đa tình, trong đó có cả tôi. Tiếng hát của chị tôi nâng tâm hồn tôi bay theo cánh diều căng gió trên bầu trời xanh ngắt...

Anh rể tôi - nhạc sĩ Châu Kỳ khá đẹp trai, giỏi nhạc hát hay, không cao lớn nhưng đứng trên sân khấu không đến nỗi bị khuất lấp bởi sự rực rỡ của chị tôi. Giọng hát của anh chị tôi là một sự tô điểm cho nhau, khi họ song ca, cảnh vật trở nên tưng bừng, lòng người rộn rã. Mặc dù lúc đó ở Huế có cặp song ca nổi tiếng Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết nhưng họ thuộc về một lớp khán giả riêng biệt, khác hẳn với đôi uyên ương Mộc Lan - Châu Kỳ, họ thuộc về mọi lứa tuổi, mọi thành phần nhưng trước hết là giới trẻ bởi sự trẻ trung của mình và cũng vì nghệ thuật ca hát mới mẻ mà họ cống hiến mỗi khi xuất hiện...

Ít lâu sau, anh Long có lệnh gọi nhập ngũ. Anh Châu Kỳ và chị tôi vào Sài Gòn và họ chia tay nhau. Tôi rất buồn vì cuộc chia ly này. Người chị đẹp như tranh của tôi bước chân xuống đời cũng vấp váp như bất kỳ cô gái nào, vì yếu đuối, vì ảo vọng. Thế là Huế để lạc mất con chim họa mi của mình. Liệu có còn ai nhớ đến bản nhạc Đi chơi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, Trần Văn Khê phổ nhạc) khi duy nhất thời đó chỉ một ca sĩ hát thành công, đó là chị tôi - Mộc Lan.

Mấy năm sau tôi cũng từ biệt Huế vào Sài Gòn. Tôi lại về sống chung với chị tôi đang trong tình trạng phòng không chiếc bóng. Trên bước đường công danh, chị tôi đã tiến một bước dài. Khác với Thái Thanh, Tâm Vấn, chị tôi bước lên sân khấu như một nữ hoàng. Không sân khấu đại nhạc hội nào vắng bóng chị tôi. Các ban nhạc trên đài phát thanh, các câu lạc bộ, phòng trà, nơi nào cũng muốn có ca sĩ Mộc Lan hiện diện...”.

Giai thoại cuộc tình Đoàn Chuẩn - Mộc Lan 
Bấy lâu nay, trong giới nghệ sĩ vẫn lưu truyền có một mối tình thật lãng mạn giữa chàng nhạc sĩ phong lưu Đoàn Chuẩn và nữ ca sĩ lừng danh Mộc Lan. Chuyện tình này mang đậm phong cách hào hoa của “Đoàn công tử”. Thực hư như thế nào chỉ những người trong cuộc mới rõ.
Ở đây chúng tôi xin thuật lại như là một giai thoại. Xuất phát của giai thoại này có lẽ là từ bộ sách Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến (2 tập) do nhạc sĩ Lê Hoàng Long biên soạn, trong đó có bài viết Gởi gió cho mây ngàn bay nói về cuộc gặp gỡ và lối tỏ tình ly kỳ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với ca sĩ Mộc Lan. Nhiều bài viết (trên báo chí, trên mạng internet) và cả những lời kể hầu như đều dựa theo những tình tiết mà nhạc sĩ Lê Hoàng Long đã viết. Người viết bài này cũng đã từng gặp gỡ những người trong cuộc (Lê Hoàng Long, Mộc Lan, Châu Kỳ) chỉ trừ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (do ông ở ngoài Bắc và nay đã mất). Cuối năm 2002, khi thực hiện bài phỏng vấn tác giả ca khúc Gợi giấc mơ xưa tại tư gia của ông ở đường Cách Mạng Tháng Tám (gần Bệnh viện Thống Nhất - ngã tư Bảy Hiền), nhạc sĩ Lê Hoàng Long có tặng cho người viết bộ Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến, do đó mới “thắc mắc” chuyện tình cảm giữa nữ danh ca sắc nước hương trời Mộc Lan và “Ông hoàng nhạc tình” Đoàn Chuẩn.

Như ở bài trước chúng tôi đã từng nói đến, nữ ca sĩ Mộc Lan nổi tiếng cả nước với bài hát Đi chơi chùa Hương của nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp. Bài hát này có những đoạn xen kẽ giữa hát và nói thơ cho nên rất dài và kén người hát. Dạo ấy (đầu những năm 1950), bài hát này hầu như chỉ có Mộc Lan độc diễn. Nàng là người gốc Hải Phòng nhưng vào Sài Gòn khá sớm (khoảng cuối thập niên 1940), lập gia đình với ca sĩ kiêm nhạc sĩ Châu Kỳ, rồi về quê chồng ở cố đô Huế sinh sống. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nàng vẫn được mời đi lưu diễn, kể cả ra Bắc (sau năm 1954, chia đôi đất nước mới cách ngăn sự đi lại giữa hai miền). Và trong một lần hát Đi chơi chùa Hương ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), giọng ca và sắc đẹp của nàng đã khiến một anh chàng đẹp trai, tài hoa và phong lưu bậc nhất thời đó ngây ngất. Chàng chính là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn...

Thời ấy ở miền Bắc có những sản vật nổi tiếng được truyền khẩu và trở thành “ca dao, thành ngữ”: “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét” (dưa của làng La, cà của làng Láng, nem do làng Báng gói, tương do làng Bần làm, nước mắm của hãng Vạn Vân, cá rô sống ở Đầm Sét mới là món ngon đích thực). Đoàn Chuẩn chính là con của chủ hãng nước mắm Vạn Vân giàu có nức tiếng ở Hải Phòng. “Cái nết” ăn chơi của Đoàn công tử cũng là đề tài râm ran từ Hải Phòng đến tận Hà Nội (có lẽ chỉ thua bậc tiền bối là công tử Bạc Liêu ở trong Nam mà thôi). Chàng có hai thú đam mê, đó là âm nhạc và... ô tô! Về âm nhạc, ông từng học đàn guitar với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và học guitar Hawaii với nhạc sĩ Wiliam Chấn. Sáng tác đầu tay của ông là ca khúc Ánh trăng mùa thu (1947) ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh (kể cả sau này, tất cả tác phẩm của Đoàn Chuẩn đều ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Nhiều người cho rằng đến nay Từ Linh vẫn là một ẩn số, nhưng theo tìm hiểu của người viết thì Từ Linh tên thật Hà Đình Thâu, vốn là nhiếp ảnh gia và là em ruột một người bạn thân của Đoàn Chuẩn. Người được nhạc sĩ chia sẻ từng bản nhạc khi vừa viết xong cũng như trút hết bầu tâm sự về những bóng hồng đi qua đời mình. Sau 1954, Từ Linh vào Nam và mất năm 1992. Một tình bạn “tri âm, tri kỷ” rất đáng trân trọng. Về ô tô thì vào thời điểm đó ông có đến 6 chiếc, trong đó có chiếc Ford Frégatte (cả Việt Nam chỉ có 2 chiếc của ông và... Thủ hiến Bắc kỳ). Tài tử Ngọc Bảo, người cùng thời với nhạc sĩ đồng thời là giọng hát được coi là hát nhạc Đoàn Chuẩn thành công nhất từng thú nhận: “Tôi là tay ăn chơi có hạng nhất Bắc kỳ nhưng còn thua xa người lịch lãm, hào hoa Đoàn Chuẩn”... Đoàn Chuẩn kết hôn từ rất sớm (năm 1942), vợ ông là cô bạn cùng lớp, cùng 18 tuổi - tên Xuyên, đẹp người đẹp nết, chịu đựng sự hào hoa của chồng cũng như chung thủy chăm sóc ông cho đến cuối đời một cách rất đáng khâm phục...

Trở lại với sự kiện sau khi nghe nữ danh ca Mộc Lan hát Đi chơi chùa Hương ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), “Đoàn công tử” quyết tâm chinh phục người đẹp nhưng thời gian nàng lưu lại Hà thành quá ngắn, không đủ thời gian cho công tử “xuất chiêu”. Khi Mộc Lan trở về Sài Gòn thì ít lâu sau chàng cũng đáp máy bay theo vào. Nhưng rồi qua dọ hỏi, chàng lâm vào tình trạng bẽ bàng khi biết được cành lan kia đã có chủ, nàng đã là vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ. Tuy thế với cách “chơi ngông công tử”, Đoàn Chuẩn đã đặt một khoản tiền rất lớn cho một tiệm hoa, để mỗi buổi sáng người đẹp sẽ nhận được một bó hoa hồng tươi thắm mà không hề có tên người gửi tặng. Suốt 3 tuần đều đặn như thế, Mộc Lan không khỏi xúc động cũng như rất tò mò muốn biết người tặng hoa “mai danh ẩn tích” kia là ai? Nghĩ hết cách, nàng đành phải nhờ chủ tiệm hoa chuyển tới người ấy một bức thư cảm ơn với những lời lẽ chân thành nhưng cũng có những đoạn đầy ẩn ý. Được sự đồng ý của Đoàn Chuẩn, người chủ tiệm hoa đã tiết lộ tên và địa chỉ của “gã tình si hào hoa” - chính là... “Ông vua slow” Đoàn Chuẩn vang danh khắp nước. Mộc Lan thật bất ngờ và xúc động. Đoàn Chuẩn lại tiếp tục gửi tiền vào để tiệm hoa đều đặn tặng hoa cho nàng trong suốt hai tháng nữa... Rồi một ngày, Mộc Lan nhận được một cánh thư gửi từ phương Bắc. Trong phong bì không phải là những lời tỏ tình yêu thương mà là một bài hát. Khuông nhạc được kẻ bằng tay cẩn thận, ca từ được viết nắn nót trên tờ giấy pơ-luya xanh mỏng tang: “Gởi gió cho mây ngàn bay. Gởi bướm đa tình về hoa. Gởi thêm ánh trăng, màu xanh lá thư về đây với thu trần gian...”. Và dường như Đoàn Chuẩn cũng nhận biết đây là mối tình vô vọng nên lời ca càng trở nên da diết: “Nhưng thôi tiếc mà chi, chim rồi bay, anh rồi đi. Đường trần quên lối cũ, người đời xa cách mãi. Tình trần không hàn gắn thương lòng...”.

Cũng theo nhạc sĩ Lê Hoàng Long thì nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn viết Gởi người em gái (tựa cũ Gởi người em gái miền Nam) tặng riêng cho... ca sĩ Tâm Vấn (bạn thân của Mộc Lan). Người viết đã có may mắn được gặp bà Tâm Vấn trong một cuộc triển lãm tranh ở đường Lê Thánh Tôn (Q.1, TP.HCM), bèn đánh bạo hỏi bà chuyện này. Bà cười xòa: “Không, ông ấy làm bài này là để tặng cho Mộc Lan, bạn tôi”.....

Hà Đình Nguyên.

Xin mời thưởng thức giọng hát của danh ca Mộc Lan 

(Các bạn highlight rồi right click vào link  youtube thì sẽ vào youtube được )


  Em đến thăm anh một chiều mưa - Tô Vũ
 https://youtu.be/AAn1KbaGxTo

Suối tóc - Văn Phụng
https://youtu.be/cULsPKhQMh0

Hoài Cảm - Cung Tiến
https://youtu.be/RQeHy-YupYQ

Chuyển biến - Đoàn Chuẩn Từ Linh
https://youtu.be/RQeHy-YupYQ

Còn gì nữa đâu - Phạm Duy
https://youtu.be/WsHa4DOGw7o

Phố Buồn
https://youtu.be/eYLmjZm2JpA

Bóng người  đi
https://youtu.be/sxYUuW3nyB4

Một đời hoa
https://youtu.be/Q5Csz0nKfpo

No comments:

Post a Comment