Oct 6, 2020

TRƯỜNG XƯA- Mỹ Trang

Trường xưa  

 


Canada có đủ 4 mùa nhưng mùa thu với nắng quái mưa
sầu là mùa hay làm chúng ta hoài niệm về những ngày đã
qua . Các bạn cũng như chúng tôi vì ở bắc bán cầu nên
mùa tựu trường là bắt đầu của mùa thu . Thế nên mỗi khi
thấy trẻ con cắp sách đến trường là lòng chúng ta lại rộn
ràng như vừa được đọc lại bài văn của Thanh Tịnh : 
“Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và
trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao
nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…
Kỷ niệm về ngôi trường xưa cũng nhạt nhòa theo năm
tháng nhưng tình bè bạn thắm thiết đã làm chúng ta nhớ lại
như mới hôm qua .
“Trường làng tôi không giây phút tôi quên dù cách xa
muôn trùng trường ơi” (Phạm Trọng)
Nhớ ngày nào nhập học được mặc quần áo mới , sách vở
thơm mùi mực giấy để rồi ngày rời trường lòng vấn
vương.
Những cây hoa soan hoa phượng như gắn liền với tuổi
thơ.

 

 

Các bạn có còn nhớ chúng ta đã viết gì cho những quyển
sổ nho nhỏ gọi là “lưu bút ngày xanh “ không ?

 

 
Bao giờ cũng có câu như : tặng bạn tấm ảnh làm kỷ niệm
mai kia dù ảnh có phai màu nhưng sẽ nhớ mãi đến nhau
Rồi chúng ta có bao nhiêu quyển lưu bút mà không biết
cất nơi đâu.Những người bạn của lớp học đầu đời nay đã
đi về nơi nao ?
Những cánh phượng hồng ép vào sách vở, chùm hoa ti
gôn màu máu con tim đã tan theo cùng năm tháng.
Rồi những rung động của thưở đầu đời với bóng hình ai
vấn vương .
Nhớ tà áo trắng thơ ngây , nhớ mắt ai cười long lanh ,
nhớ nụ cười thẹn thùng để rồi bao năm không gặp nghìn
năm vẫn chưa quên. Rồi yêu câu thơ của Mường Mán 
Còn nhớ chi ngôi trường con gái
Lớp học sầu khung cửa giờ chơi
Cặp sách quăng đâu đó mất rồi
Vì O bận tay bồng, tay bế
Chuyện hôm ni sẽ thành chuyện kể
Những lúc chiều đem nắng sang sông
O bâng khuâng nhè nhẹ hỏi lòng
Mình nhớ ai mà buồn chi lạ  
Tất cả đã xếp lại trong ký ức của trường xưa.
Ngôi trường đầu tiên của tôi là trường Nguyễn Tri Phương
rất gần nhà đường Da bà Bầu (sau đổi tên là Nhật
Tảo),một tên đường mà tôi ngại ngùng khi phải cho địa chỉ
Trường nằm trên một con đường vòng sát là Hội Dục Anh
( nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi) và viện y tế . Ở giữa là bãi
cỏ rất rộng nên trẻ con hay ra đá banh , chạy nhảy chơi
đùa . Hồi mới di cư vào Nam hình như gđ tôi cũng tạm trú
ở đây nên sau đó thì chọn luôn làm nơi định cư.
Nhớ nhất là năm lớp nhì học với cô giáo Thảo và hay bị
đám bạn trêu chọc vì tên mình được ghép với một trò nam
thành danh từ kép ! Ngày nào đi học về cũng bị nghe
chúng hát : 
Q ui nếu bụng T sình thì sao
Mua chai thuốc chuột uống cho rồi đời 
Mà tôi nào có hiểu sình là gì rồi còn phải lăn ra chết nữa .
Thế rồi không muốn đi học, rồi khóc lóc muốn xin đổi
trường thế là bố tôi gửi gấm ngay cho chú út đang dậy ở
tuốt bên Gia Định.
Và tôi đã phải đi thật xa, phải ngồi sau xe lambretta của
chú M mỗi ngày để đến tận trường Chi Lăng . Mẹ tôi mua
cho tôi một chiếc mũ xếp rộng vành màu da trời rất thông
dụng vì có thể xếp gọn mà lúc đội thì bật xòe ra che nắng
Chỉ phải lúc gió mạnh thì vành mũ bằng sắt bật cong thay
đổi dạng xoành xoạch làm người đội không giống ai !
Những ngày lớp nhất với tôi mới khốn khổ vì lớp chú M
dậy toàn con trai chỉ có mình tôi là con gái ! Tôi được xếp
ngồi riêng ở một góc và bao giờ cũng phải là người giơ
tay đầu tiên trả lời câu hỏi của thầy giáo. Cũng may tôi vì
quá sợ chú nên chịu khó thuộc bài . Đã thế ở lớp tôi còn
làm một hình phạt nặng cho các trò nam như quì dưới
chân con gái hoặc dưới cột cờ giữa sân trường. Có lẽ sợ
bị quê với các lớp khác nên các bạn nhỏ đành chọn quì
cạnh tôi cho xong bản án . Mỗi tuần lớp con gái có giờ học
nữ công thêu thùa nhưng lớp tôi học chỉ có thủ công .Giờ
thể dục tôi cũng không được tham gia nên chỉ chọn một
góc để chơi đá cầu một mình. Và ngoài ra tôi còn biết chơi
đánh khăng , tạt lon , dích hình toàn là trò chơi của con
trai .Vì không có bạn nên những lúc rảnh ở lớp tôi chỉ biết
lấy bút vẽ . Mà tôi thấy mình vẽ cũng được lắm . Hình
toàn là công chúa với hàng mi cong vút mũi dọc dừa với
áo đầm xòe( như Barbie )chịu ảnh hưởng của loạt phim
Sissi do Romy Schneider đóng thời đó . Tuy nhiên không
dấu được chú tôi nên bị phạt vẽ 1000 “ con đầm “ mà phải
nhờ bà tôi năn nỉ ổng mới hạ xuống còn 100 ! Thế là chừa
luôn vẽ vời , thui chột một tài năng chưa đươc khám phá ..
Học ở Chi Lăng vài tháng thì chú M tôi bị gọi động viên ở
quân trường Thủ Đức . Tôi mừng lắm kết thúc những
ngày đi học căng thẳng dãi nắng dầm mưa , giã từ ngôi
trường xa xăm tận bên GĐ .
Bà tôi bảo tôi là “chó ba chùa” vì tôi lại phải theo chú Đ
đến trường Bình Đông học cho xong chương trình lớp
nhất . Mà cũng chả sao vì tôi biết làm gì ngoài đi học !
Chú Đ hiền và dễ thương lượng cũng chở tôi đến lớp chú
dạy mỗi ngày . Tôi không nhớ rõ đường đến trường chỉ
biết phải đi về phía Phú Lâm có trường TH Mạc Đĩnh Chi
rồi qua những ruộng đồng bát ngát và chạy mãi theo dọc
bờ sông .Thỉnh thoảng có những ruộng hoa sen mà tôi
vẫn luôn ao ước được lộị vào để nhấm nháp hạt sen thơm
ngát và hái những đóa hoa màu son tươi thắm ..
Ngôi trường BĐ tuy nhỏ bé nhưng trồng nhiều cây
phượng che nắng rất đẹp . Tôi nhớ nhất là nhà vệ sinh
kiểu nhà vườn miền nam được dựng trên ao với đàn cá
tra đói mồi nhảy tưng tưng khiến một con nhỏ ở thành phố
sợ hãi bỏ chạy. Chú tôi đành xin với ông hiệu trưởng của
trường cho tôi được sang nhà ông ngay bên cạnh để giải
tỏa nỗi niềm.. Các bạn trong lớp thật bình dị và dễ thương
khiến tôi an tâm hơn . Một bạn gái nhỏ tên Rậu dẫn tôi đi
hái trái ô môi ăn đen cả mồm rồi lội nước ven sông mỗi
khi chú tôi bận họp ở trường . Ngày đó có một trò nam ,
con ông hiệu trưởng dẫn tôi vào vườn hái tặng trái mãng
cầu xiêm mà phải nói dối khi mang về ! Và tôi cái gì lạ
cũng sợ,như sợ quen bạn trai vì đọc truyện của nhà văn
Duyên Anh có câu :
Con gái chơi với con trai
Về sau cái vú bằng hai quả dừa !
Thật tiếc thay một quãng đời ấu thơ non nớt .
Mùa hè năm đó tôi biết mình sẽ phải thi vào lớp đệ thất
một trường trung học nổi tiếng nên cũng đem bài vở học
lai rai .Bố tôi bắt mỗi ngày phải làm một bài toán trong
quyền “141 bài tính mẫu” do ông biên soạn in thành sách
thời dạy cho chị cả của tôi lúc ở Hà Nội . Rồi có lẽ thấy tôi
thích chơi với lũ trẻ trong xóm hơn là học nên một lần nữa
ông lại phải gửi tôi cho bác Ng Huy Côn tác giả quyển
“100 bài tính mẫu” đang dạy toán tại trường Tân Thanh
gần chợ Đũi . Bác giáo Côn ở khu Lê Đại Hành nên hai
buổi đi dạy bác cho ngừng taxi đón tôi theo .Bác trông văn
minh vì đi giày tây “đơ cu lơ” đen trắng và thích ca sĩ
Dalida . Điều này tôi biết vì bác hay hỏi tôi có nghe qua
chưa . Tôi thì còn bé tẹo chỉ nghe lóm những đĩa nhạc
của các anh tôi như Beattles , Shadows , Cliff Richard ,
Connie Francis ..thành ra mỗi người một thế giới âm nhạc
Bác C dạy toán rất dễ hiểu và mỗi khi chấm bài nộp , bác
cho tôi chọn trong ba màu mực trên cái bút Bic tối tân thần
kỳ ..
Thỉnh thoảng bác cũng thưởng cho tôi một ly chè hay cái
bánh sừng bò bên đường trước khi về nhà .
Học được vài tuần thì ngưng vì bác bị đau gì đó nên tôi lại
trở thành kẻ thất học triền miên .
Mùa hè năm đó phải gọi là đỏ lửa vì tôi như tù nhân giam
lỏng .Ngày nào sau bữa quà sáng là phải ngồi vào bàn
học với chương trình do bố tôi sắp đặt . Thế là hết những
buổi rong chơi , bán hàng bán quán , đào giun bắt dế . Tôi
,một cô bé sắp thành người lớn rồi !
Ngày thi đệ thất được tổ chức ở trường tiểu học Cầu Kho
trên đường Phát Diệm . Buổi sáng thi toán động tử xe đạp
mà tôi chỉ đủ giờ giải được ¾ nhưng buổi chiều thi câu
hỏi thường thức và luận văn khá hơn . Tôi đã tưởng thi rớt
nhưng lại đậu với hạng 78 .
Cuộc đời tôi đã lật sang một trang sách mới mà vẫn chưa
biết trường Trưng Vương ra sao.Nghe các anh tôi dọa
trường đó gần sở thú phải cẩn thận đề phòng hổ báo
xổng chuồng thì chỉ có từ chết tới tử thương .
Ngày nhập học thấy ngôi trường kín cổng cao tường với
những cánh cửa rất lớn làm tôi yên tâm hơn .Tuy nhiên
một đoạn hàng rào của sở thú chả hiểu vì sao bị thủng
lưới …Và hình như trong suốt 7 năm ở TV tôi chưa bao
giờ mua vé vào cửa sở thú !

 




Rồi tôi được khoác lên chiếc áo dài trắng đầu tiên mới
hãnh diện làm sao ! Hồi đó ngày thứ hai chào cờ phải
mặc áo dài xanh da trời tuy vậy thỉnh thoảng vẫn có màn
học trò bị phạt vì quên dù rằng còn rất ít tuổi .
Tôi phải đi xe trường mà mọi người hay gọi đùa là “xe bắt
chó”, nhét học trò hơn 60 đứa như cá hộp Sumaco .Vì xe
chở quá tải nên bao giờ cũng có vài đứa phải đứng không
có chỗ ngồi Tôi may mắn có một bạn luôn giữ chỗ bằng
cách để cặp sách bên cạnh nên tuy là những người cuối
cùng lên xe mà vẫn được ngồi . Ông tài lái xe gọi là ông
Sáu vì ông có sáu ngón tay ! Tôi hay nhìn bàn tay để trên
vô lăng của ông . Tôi nghĩ ông không muốn cắt bỏ vì ông
dùng để kẹp điếu thuốc lá khi lái xe ..Thời đó không cấm
hút thuốc nên ngồi gần đầu xe là cả người hôi mùi thuốc
và dầu săng diesel. Vậy mà tôi cũng ngồi xe đó được 3
năm trước khi làm anh hùng xa lộ dong duổi đoạn đường
dài từ chợ lớn đến sở thú !
Chiếc xe máy đầu tiên là mini Cady rất nhẹ màu xám xem
ra dễ điều khiển hơn chiếc Velo Solex ngày xưa của chị D
. Tôi đã khám phá phố phường Sài gòn , Chợ lớn vi vút
cho đến một hôm bánh xe cán nhằm cục đá ngã lăn ra
đường chảy máu đầy chân.Cũng may là đường không có
xe nhiều nên lại lồm cồm bò dậy dắt chiếc xe hư hao về
nhà ..
Sau đó tôi được cho một chiếc xe Suzuki màu đỏ ngon
lành hơn chỉ phải ống khói hơi thấp nên khi trời mưa lớn
ngập nước nơi đoạn đường Trần Quốc Toản thì xe không
nổ máy . Nhiều lần tôi đã phải gọi xích lô máy để mang xe
về . Có lẽ vậy mà bố tôi rất cưng con gái út sắm ngay cho
chiếc Honda dame C50 màu cẩm thạch mới toanh . Xe tôi
lúc nào cũng láng cóong và chạy ngon lành là nhờ cậu em
út lo bảo trì để lâu lâu mượn chạy vài vòng .
Đoạn đường đến trường rất dài nếu nhớ không lầm tôi
phải chạy xe gần 30 phút . Những hôm trời hơi lạnh còn
phải khoác thêm chiếc áo len ! Có thể vì tôi có đến 5 hay 6
áo màu khác nhau (do bố tôi nhờ một người quen mua
dùm bên HK ) nên có cớ để diện thôi …
Từ đường Thống Nhất rẽ vào Ng. Bỉnh Khiêm phải ngang
qua quán Hẹn nơi các nam sinh Võ Trường Toản hay tụ
tập làm chúng tôi rất ngại ngùng .Chả hiểu vì sao đoạn
đường N.B.K rất ngắn mà có tới hai trường nam và nữ
(không ưa nhau?) xây gần nhau . Các nữ sinh TV đi bộ
qua đó có cô mắc cở rảo bước , có cô “Lăng Ba vi bộ” cho
các anh thẫn thờ ..Chúng tôi đi xe nên qua cửa khẩu mau
lẹ ấy thế mà vẫn nghe được những lời châm chọc ..Nhiều
khi nhớ lại cũng thấy hơi bậy nhưng vui .
Cuối đường NBK là ngõ cụt vì có hàng rào chắn của công
xưởng hải quân . Trong đó có nhiều cây me và trái me
rụng ngập đường khiến nhiều cô học trò nho nhỏ thèm
thuồng.
Hàng cây bên đường rất cao và có nhiều sâu. Những
con sâu nhả tơ bay trong gió dính vào tóc ai ướt đẫm hơi
sương của buổi sớm mai .
Nhớ những giờ học với các thầy cô mến yêu .Nhớ hoàng
tử Chột trấn giữ cổng sau tuy nhăn nhó nhưng hay mềm
lòng với các cô em ngọt ngào . Nhớ chị Nụ dáng le te
chạy như ma đuổi .
Nhớ những hôm cúp cua hay phải nghỉ vì cô giáo đi đẻ là
chúng tôi có màn đi ăn quà ở chợ Bến Thành hay xem
cinema . Có lần không đủ tiền xem phim phải đi chui bằng
cách cho tiền ông quét rạp dẫn vào từ xuất đầu tiên chưa
có khách!
Nhớ hàng quà là những xe hàng rong nào đậu đỏ bánh
lọt , xâm bổ lượng, bò bía , bò khô ngon khỏi chê .Và nơi
trường lớp tôi đã cùng các bạn thân của tôi trải những
năm tháng vui vẻ lẫn lo âu đùa nghịch, cùng chia nhau
từng miếng cóc ổi và tâm sự nhiều bí mật của thời mới
lớn .
Ai cũng có một thời tuổi trẻ ngu ngơ nhưng dễ thương.
Đối với riêng tôi , mỗi khi có dịp đi qua trường cũ là lòng
lại bồi hồi, tim đập thật nhanh như tiếc nuối một chuyện gì.
Phải chăng một quãng đời trong sáng không muộn phiền
với bao mộng mơ đầy ước vọng của ngày mới lớn đã bỏ
ta mà đi ?
Hôm nay ngồi ghi lại như một chút gì để nhớ rồi để gió
cuốn đi .Các con chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được
một cuộc sống bình dị , chả có gì vui chơi mà khi mẹ nó
(hay bố nó) kể lại lóng lánh những giọt nước mắt hạnh
phúc . 

 

Mỹ Trang
Montreal Canada

1 comment:

  1. Trang viết văn thật nhẹ nhàng dễ thương, có trí nhớ dai, bao nhêu kỷ niệm với những mái trường xưa đươc thuật lại vanh vách,

    Chúc Trang và anh Cương tận hưởng những ngày Thu còn lại .
    Thân mến

    ReplyDelete