Tôi nhớ lần đầu tiên cách đây nhiều năm, người chị gọi điện thoại hỏi tôi có đi thăm Đức Mẹ Tà Pao không? Lúc đó tôi cũng chưa biết Đức Mẹ Tà Pao là gì? ở đâu? Nhưng tôi cũng OK đi liền.
["Tà Pao" là tên đặt theo tiếng của dân tộc K’Ho có nghĩa là “Một giấc mơ đẹp” (“Tà”: đẹp theo nghĩa linh thiêng, “Pao”: giấc mơ). Nhưng nếu được viết hoặc phát âm là “Tàmpao” thì có nghĩa là “Suối mơ”].
Sau đó tôi có nghe mấy chị mô tả tượng Đức Mẹ ở trên đỉnh núi, tôi cũng chưa hình dung đỉnh núi đó cao thấp thế nào, chỉ biết là đoàn hành hương của một chị ở nhà thờ bên Gia Định tổ chức. Đoàn này chuyên đi vào giờ đêm, khởi hành ở Sàigòn là 7 giờ tối, lên tới tượng đài là khuya cỡ 12 giờ, rạng 4 giờ sáng sẽ khởi hành ra biển Mũi Né tắm ở đó, ăn trưa rồi 1 giờ lên xe về Sàigòn. Lịch đi hành hương, kết hợp du lịch luôn như vậy.
Chà! đi xe ban đêm, tôi chưa từng trải kinh nghiệm nên không hiểu sức khỏe yếu như mình có chịu được không? Tôi nhớ lúc đó bắt đầu từ quốc lộ, rẽ trái vào con đường lúc đó hẹp lắm, đó chính là rừng Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Nhờ ánh đèn xe rọi, tôi thấy nhà dân nằm sát đường, tán lá cây mọc chìa ra mặt đường. Tôi tưởng tượng lỡ có chiếc xe khác chạy ngược chiều thì không biết sẽ ra sao…. đường thì rất là hẹp và tối thui, người dân thì đã ngủ hết, mà nhà cửa thưa thớt, vì đây là rừng mà. Nhưng cuối cùng rồi cũng tới nơi, tôi chỉ định đứng ở dưới đất, hướng về tượng đài Đức Mẹ và đọc kinh, cầu nguyện cũng là đủ rồi. Nhưng tôi không yên được với mấy chị, các bà cứ bắt tôi phải leo lên 425 bậc. Tôi nhìn mà ngán quá, không biết đôi chân “lực sỹ viện bài lao” của mình có leo nổi hay không, nhưng tôi cứ đi từ từ, hễ mệt thì ….đứng lại mà thở. Lúc đó, chỉ vừa có các bậc thang chứ chưa kịp có tay vịn, tôi ngán quá, nhưng vẫn can đảm tiếp tục. Cuối cùng rồi tôi cũng lên chiêm ngưỡng tượng đài. Đêm khuya lên tới đó, chỉ toàn nghe tiếng đọc kinh và hát, vì hết đoàn của nhà thờ này sẽ có đoàn của nhà thờ khác, hình như không bao giờ dứt tiếng cầu kinh bên chân Mẹ. Tôi và vài chị bạn chụp hình lưu niệm cùng Mẹ.
(Tượng Đức Mẹ được đúc bằng xi măng trắng cao 3 m, đặt trên một bệ vuông cao 2 m, nghe đồn là tượng do bà Ngô Đình Nhu cho trực thăng thả trên đỉnh núi vào thời chiến tranh, nên tượng chưa kịp được gắn trên đỉnh). Tôi thấy tượng thật đẹp và càng đẹp hơn khi nghe các chị từng đến đây nhiều năm về trước nghe Đức Mẹ hiện ra đã … bò lên tới trên tượng đài. Tôi dùng chữ bò lên vì lúc đó các chị nói chưa có làm bậc thang, phải bò lên. Các chị kể cho tôi nghe câu chuyện Mẹ hiện ra chữa cho vợ của một người tiều phu bị liệt nằm bất động một chỗ. Tôi còn biết có một đoàn xe của một chùa ở Sàigòn do một vị sư dẫn đi, lúc đó chưa có bậc thang. Các bà này hay thật, đức tin đã làm người ta quên đi sự nguy hiểm, chính tôi cũng không hiểu là nếu lúc đó mình có …chịu bò lên hay không? Điều đó cũng nói lên nỗi khao khát của con người, muốn chiêm ngưỡng thực tế sự huyền nhiệm của mẹ Maria.
Lúc đó tôi mới chợt nhớ lại là mình đã có xem đoạn băng video nhiều năm về trước nữa, (chắc là khoảng thập niên 90) ống kính quay được rất lâu cả tiếng đồng hồ, hình Đức Mẹ hiện ra bên sườn núi, chung quanh dân chúng đứng xem rất là đông: xe gắn máy, xe khách, xe đạp…Từ đó về sau người ta đi viếng Đức Mẹ Tà Pao rất nhiều, vậy mà tới bữa nay tôi mới viếng thăm Mẹ, cũng thật là trễ tràng. Rồi những năm sau nữa, mỗi năm tôi đều đi viếng Mẹ Tà Pao, cũng là cơ hội để tắm biển. Mỗi năm tôi chứng kiến đường xá ngày càng mở rộng lớn hơn, có năm chúng tôi đi vào lúc công nhân đang đặt ống cống, đường dằn xốc dữ dội, tài xế là tay lái “cao bồi” giỏi lắm mới lạn lách khéo léo qua những hố cống bự trên đường. Có năm nghe nói cây cầu nhỏ gì đó bị gẫy, tài xế chạy vào đường khác, giống như ruộng rẫy của nhà dân hay sao, vì khuya quá tôi không thấy rõ, kiểu này xe có tuột xuống dưới, chắc kêu cứu hỏng biết có ai nghe không? Mà nếu có một chiếc xe nào khác chạy ngược chiều, tôi không hiểu tài xế sẽ xử lý ra sao, xe nào nhường xe nào? Vì đường đê chỉ cho phép một chiếc xe chạy.
Năm đầu tiên, chúng tôi đọc kinh xong xuống núi chắc là 1 giờ khuya, chị trưởng đoàn dẫn chúng tôi đi về nhà soeur ngủ, ăn sáng rồi đi ra biển Mũi Né. Tôi nhớ là khuya như vậy mà chúng tôi xách hành lý, đi bộ trên những con đê, khá xa đấy các bạn. ( Vì chung quanh chưa có hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, chỉ cần cỡ hai sao mà ở rừng Tánh Linh thì chắc hẳn phải gọi là Đế Vương rồi). Ngủ ở nhà soeur sạch sẽ lắm, ăn sáng ngon và thật là rẻ. Những năm sau, chị trưởng đoàn thay đổi, chúng tôi không đi bộ xa để tới nhà soeur nữa mà thuê ghế bố, ngủ tại chân núi, tảng sáng thì chúng tôi mới di chuyển.
Có anh bạn trong đoàn nói vui là ảnh cầu nguyện xin Mẹ hiện ra …. ngay chợ Bến Thành để ảnh đỡ mất công đi xa.
Hồi tưởng lại quá khứ lúc nào cũng thấy đẹp, những chuyến đi thăm Mẹ Tà Pao, có vất vả, có mệt nhọc, có hồi hộp, lo âu, nhưng sau này biết làm sao tìm lại được những giây phút quý giá đó.
Ngô Oanh
Mời các bạn ghé thăm ĐSTV với Thành Oanh kể chuyện buổi đi viếng Đức Mẹ Tà Pao. kếthợp du lịch Mũi Né. Một địa danh linh thiêng và nổi tiếng mà có lẽ chúng ta ít người có dịp tới chiêm ngưỡng . Nguyên do có thể vì đường rừng khó đi chăng?
ReplyDeleteNho mo Thanh Oanh co tinh than mao hiem va ke chuyen hay ma H biet duoc tuong Duc Me Ta Pao. Hinh chup dep lam Oanh a!
ReplyDeleteThành Oanh vào tháng 5-2014 có đi viếng Đức Mẹ Tà Pao nữa không? Đọc lại bài viết của TO nên KĐ mới biết là tượng Đức Mẹ do bà Ngô Đình Nhu cho trực thăng thả trên đỉnh núi vào thời chiến tranh.
ReplyDeleteĐường đi tuy khó khăn nhưng có niềm tin thì vẫn giúp có thể vượt qua những lúc ấy và cảm nhận có sự đồng hành của bề trên đã ban thêm sức cho mình.
KĐ