Nov 22, 2017

NGÀY LỄ TẠ ƠN - Đọc lại bài cũ của Bùi Bảo Trúc

 Nhân ngày Lễ Tạ Ơn, DSTV xin post lại những bài viết cũ của tác giả Thư Gửi Bạn Ta Bùi Bảo Trúc .
Cám ơn Mỹ Trang đã chuyển . 
Thân chúc các bạn mùa Lễ Tạ Ơn thật hạnh phúc bên gia đình thương yêu.




CÁM ƠN CÁI CỐI CÁI CHẦY - Bùi Bảo Trúc
November 26, 2015

Bạn ta,

Trong cuốn The Importance of Living của Lâm Ngữ Đường (Nguyễn Hiến Lê dịch là Một Quan Niệm Sống Đẹp) có một chương đề cập tới Kim Thánh Thán, một nhà phê bình và cũng là một nhà văn nổi tiếng sống trong thế kỷ 17 dưới triều nhà Thanh. Lâm Ngữ Đường kể là trong một chiều mưa khi ngồi với một người bạn trong một ngôi miếu cổ, Kim Thánh Thán đã ghi lại những chuyện trải qua trong đời sống mà ông cho là đã đem lại cho ông những niềm vui lớn nhất trong đời. Ông kể lại được tất cả 33 điều. Đọc những điều đem lại lạc thú cho Kim Thánh Thán người ta thấy đó không phải là những gì vĩ đại cho lắm mà hầu hết chỉ là những chuyện khá tầm thường, như một cơn mưa ào đổ xuống giữa trưa hè, đống tuyết ngoài sân, mầu đỏ của ruột trái dưa hấu, xóa nợ cho một người quen, con mèo thình lình xuất hiện khiến lũ chuột phá phách phải bỏ chạy… Những chuyện đó đều kết thúc bằng một câu hô thán: “Chẳng cũng khoái ư!”
Đọc hết những điều đó, những điều mà Kim Thán Thán cho là đem lại sướng khoái cho ông, thì người ta có cảm tưởng là ông kể chúng ra như một cách cảm ơn chúng. Ông cảm ơn những điều đã đem lại cho ông những niềm vui trong đời sống. Những điều ấy sau đó được ghi chung trong bài phê bình Tây Sương Ký rất nổi tiếng của ông. Những điều ghi xuống trong lúc ngồi trong miếu nhìn mưa rơi đó được coi là một bài tản văn hay nhất cổ kim của văn học Trung quốc.
Vậy thì ngay cả những chuyện tầm thường cũng vẫn có thể là những thứ đáng để được cảm ơn trong đời sống chứ chẳng cần phải là những điều gì cao siêu khó làm, khó thấy trong đời sống.
Tự nhiên tôi nhớ mấy câu tội nghiệp này, chắc là của một cô gái nghèo ở một vùng quê nào đó:
Cảm ơn cái cối, cái chầyĐêm đêm giã gạo có mày, có taoCảm ơn cái cọc cầu aoNửa đêm vo gạo có tao, có mày…
Người phụ nữ trẻ đầu tắt mặt tối lo công việc nhà cho chủ quần quật vẫn tìm được an ủi nơi những đồ vật vô tri gần gũi chung quanh: cái cối, cái chầy giã gạo, cái cầu ao … Cô đơn và tội nghiệp biết chừng nào. Có lẽ vì thế mà cô cảm ơn chúng.
Ngày lễ Tạ Ơn năm nay tôi cũng thấy phải cảm ơn nhiều thứ ngoài những điều vẫn tâm nguyện cảm ơn mỗi đầu ngày khi thức dậy với ngày mới chứ chẳng cần phải đợi cho đến Thanksgiving…
Thí dụ cha mẹ, gia đình chị, em, con cháu … cả những người đã ra đi, bạn bè, nước Mỹ đem cho đời sống bình an, những ân tình của bạn bè suốt chiều dài đời sống, những năm tháng đã sống trên đời này, quá khứ, tuổi thơ kỷ niệm, những cuốn sách đã đọc, những bài thơ, những bản nhạc nghe rồi vẫn còn ở lại trong trí, mùi nước hoa, mùi mái tóc, mùi cà phê buổi sáng, mùi đất khi những giọt mưa vừa rơi xuống… Bằng ấy điều phải cảm ơn mỗi lúc thoáng qua trí nhớ. Nhưng cũng còn biết bao nhiêu điều, biết bao nhiêu thứ chưa kể ra vì trí nhớ cũng có lúc mỏi mệt không tìm lục thấy.
Chẳng hạn như cái mở chai tire bouchon đang nằm trước mặt. Thiếu nó thì làm sao … giải quyết cái chai đỏ tối khuya hôm nay. Nó không là cái cối giã gạo, cái chầy, cái cọc cầu ao nhưng không có thì khổ. Hai ba giờ sang đi mua ở đâu? Hay cái hộp viễn khiển remote control giữa lúc bệnh lười vùng lên không muốn đứng dậy đổi đài khác để khỏi phải xem những đoạn pha trò vô duyên hay … lại đổi đài để tránh một cuốn phim Tầu cho đầu óc khỏi bị nhiễm độc. Hay là cái ly chân dài rót đầy Pinot Noir, Cabernet Sauvignon… bị (?) ánh sáng đèn chiếu hắt qua. Hay một bản nhạc có giọng ca thân thiết một thời. Rồi cũng phải cảm ơn cuốn sách cũ đọc từ mấy chục năm trước vừa tìm lại được và mở lướt qua vài trang là bao nhiêu thứ lũ lượt kéo trở lại, lôi theo cả những cơn mưa trong cái thành phố chưa trở lại từ gần nửa thế kỷ nay. Hay đôi mắt mà Đinh Hùng thấy “có thơ mùa hạ / má phấn hồng lên bóng phượng hoa”. Nhiều khi chỉ là một câu hát lạc lõng trong đầu cứ trở lại hoài trên môi…”Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung…”. Hay cũng cần cảm ơn một chuyện tử tế bất ngờ đến nào đó, như tô mì Quảng treo tòn ten ở cửa trong lúc không có nhà giữa lúc đang phân vân không biết làm sao đối phó với cái ông dạ dầy khó tính đang thức giấc. Hay những giấc mơ gặp lại dăm ba người, ngửi lại được mùi hơi thở thơm của những đứa con và luôn cả mùi khai của chiếc giường trong căn nhà cũ ở Sài Gòn. Những buổi sáng chủ nhật chở chúng đi chơi, nét hân hoan trên mặt chúng, những âm thanh của thành phố không còn trở lại được nữa. Lại cũng phải cảm ơn “mảnh tàn y” còn giữ lại được như như chiếc áo thị Bằng còn gây quyến luyến cho nhà vua sau sự ra đi vĩnh viễn. Thôi cũng phải cảm ơn cái iPhone: không có nó làm sao sống.
Vậy nên hôm nay, ngày Thanksgiving, phải cảm ơn thêm những thứ vừa kể ở trên, sợ rằng vài ba năm nữa, trí nhớ bỏ đi thì làm sao nhớ lại được mà … Thanksgiving chúng.
Cảm ơn tất cả. Cảm ơn đời sống (coi vậy mà) rất đáng sống này.


Ngày 22 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,

Hôm nay là ngày rất thích hợp để nói vài ba câu về một sinh vật bị đối xử hết sức bất công ở nước Mỹ.
Đó là con gà tây, hay gà lôi, mà mỗi năm, người Mỹ lấy cớ nói là cảm tạ những ân sủng nhận được của Thượng Đế rồi đem chúng ra giết thẳng tay để bầy lên bàn ăn.
Những con gà này không hề gây thù chuốc oán gì với các ông bà Thanh Giáo đổ bộ lên mỏm Plymouth sau chuyến đi đầy gian khổ vượt đại dương sang tân lục địa lập nghiệp hồi năm 1620 để phải gánh chịu lấy số phận kinh khủng như thế.


Thực ra, đáng lý người ta phải đặc biệt đối xử tử tế với những con gà này trong ngày Thanksgiving mới đúng. Lý do là chính những con gà này đã cứu sống được đám di dân sau mùa đông đầu tiên đầy kinh hoàng ở Massachusetts. Bệnh tật, thời tiết khắc nghiệt và đói ăn đã khiến cho đoàn di dân này chết đi khá nhiều. Khi mùa xuân trở lại năm 1621, họ được những người da đỏ trong vùng chỉ cho cách trồng ngô, săn gà tây để có cái ăn mà sống.
Và để trả cái ơn cứu sống đó, mỗi năm, khoảng gần 50 triệu con gà tây bị bỏ lò, rồi lôi lên bàn tiệc. Cực kỳ vô lý!
Người ta không nên làm thế. Để đền cái ơn cứu sống đó, người dân Mỹ nên tha mạng cho loài gà tây trong ngày Thanksgiving và giết những con vật khác để ăn, hay nếu không thì cũng tạm kiêng thịt một ngày để tưởng nhớ những con gà tây cứu sống đám di dân đầu tiên của nước Mỹ mới là phải.
Nhưng đó mới chỉ là trong dịp lễ Tạ Ơn. Trong những ngày thường, người Mỹ cũng không tử tế gì với những con gà tây này.
Ngôn ngữ của họ, khi đề cập đến loài gà tây chỉ toàn những ý nghĩa không tốt đẹp.
Turkey, danh từ gọi con gà tây trong ngôn ngữ của người Mỹ còn được dùng để chỉ một người ngu đần, xuẩn động. Tử tế và tốt đẹp biết là chừng nào!
Turkey còn có nghĩa là một thất bại thê thảm, như một cuốn phim, một vở kịch không có được bao nhiêu người xem chẳng hạn...
Toàn là những điều không tử tế gì dành cho những con gà tây từng cứu mạng những người di dân đầu tiên của quốc gia di dân này.
Người Mỹ phải bỏ tục lệ ăn thịt gà tây trong dịp lễ Tạ Ơn mới phải. Họ nên làm theo đề nghị của Benjamin Franklin, một trong những nhân vật lập quốc của nước Mỹ và dùng con gà tây làm biểu tượng cho nước Mỹ thay vì con đại bàng, một giống chim hoàn toàn không đem lại bất cứ một thứ lợi lộc gì cho nước Mỹ mà cũng chẳng là giống chim anh hùng gì cho cam, chỉ chuyên bắt nạt những giống chim nhỏ hơn để kiếm ăn như những nghiên cứu mới đây đã cho thấy.
Nước Mỹ nên xét lại cách đối xử dành cho những con gà tây này để phần nào tỏ ra công bình, nếu không muốn nói là biết ơn nó.
Tại sao lại gọi là lễ Tạ Ơn trong khi đem những con gà từng cứu mạng mình ra mà ăn như thế?
Mà thịt chúng thì có ngon gì cho cam. Nếu ngon mà ăn thì cũng có thể... tha thứ được. Chứ nó dở như vậy mà cũng ăn, vừa không thích thú gì, lại mang tiếng là đối xử ác và vô ơn với loài gà tây.

Ngày 25 tháng 11 năm 2010
Bạn ta,

La Rochefoucauld là người chán ghét, khinh bỉ thế giới loài người, thế giới mà ông cho là trong đó, ngay cả những tình cám tốt đẹp nhất cũng chỉ là để phục vụ những quyền lợi hết sức riêng tư, cá nhân mà thôi.

Trong cuốn Maximes, ông viết một câu đại khái sự biết ơn, ở đa số con người, chỉ là một hy vọng rất mạnh mẽ, những bí mật, mong muốn có được những đặc ân, những ưu đãi lớn hơn. Ðiều đó có nghĩa là khi chúng ta cám ơn cuộc đời hôm nay về hạnh phúc của chúng ta, về những ân sủng mưa móc chúng ta nhận được, về những niềm vui nhỏ của những ngày qua, thì chúng ta cũng lại kín đáo xin với ơn trên đừng có lấy chúng đi mà hãy cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta đã có.

Cám ơn, tạ ơn nhưng vẫn không quên xin sỏ, nài nỉ để được cho thêm mới chịu.

Thực ra, La Rochefoucauld có hơi quá. Nghĩ lại, bạn sẽ thấy cuộc sống cũng có rất nhiều điều phải cám ơn. Cám ơn hạnh phúc đã có, và lại càng phải cám ơn nhiều hơn khi bất hạnh không xẩy tới nữa. Tôi bắt đầu nghĩ người Mỹ rất có lý khi để riêng ra một ngày để làm công việc đó, công việc mà đáng lý ra chúng ta phải làm mỗi ngày, đó là cám ơn những hạnh phúc đang có cũng như những khổ đau chưa tới...

Thí dụ cám ơn tiếng Việt, cám ơn Ðinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân vẫn thỉnh thoảng về ghé thăm, cám ơn những gì Nguyên Sa, Bùi Giáng và Mai Thảo đã để lại. Cám ơn buổi chiều, cám ơn buổi sang, cám ơn đêm khuya, cám ơn người trở lại, cám ơn sự ân cần, cám ơn sự tốt đẹp, cám ơn sợi tóc, cám ơn mùi hương, cám ơn bàn tay, cám ơn những ngày cuối với người cha, cám ơn chuyến đi thảnh thơi, cám ơn sự ra đi nhẹ nhàng, cám ơn đời sống, cám ơn cái chết, cám ơn cặp kính, cám ơn cái xe hạng bét, cám ơn cái Big Mac, cám ơn tái nạm gầu gân sách, cám ơn sự trung thành, cám ơn những lá thư, cám ơn những cú điện thoại, cám ơn ngày hôm nay, cám ơn ngày hôm qua, cám ơn ngày mai, cám ơn cái dấu phẩy, cám ơn cái dấu chấm. Cám ơn Ðông Hồ, cám ơn Vương Hồng Sển, cám ơn tiếng nói, cám ơn trí nhớ, cám ơn sự quên lãng, cám ơn tính nhớ dai, cám ơn mì gói, cám ơn cơm đường, cám ơn cháo chợ, cám ơn cái chìa khóa, cám ơn cái thang máy, cám ơn Bud, cám ơn Michelob, cám ơn Miller, Heineken. Cám ơn người Mẹ, cám ơn bài hát ru còn mãi, cám ơn sự dịu dàng, cám ơn người dưng khác họ, cám ơn giọng Bắc kỳ, cám ơn giọng Trung kỳ, cám ơn giọng Nam kỳ. Cám ơn ly cà phê buổi sáng, cám ơn tờ báo, cám ơn cái ô chữ không khó quá, cám ơn cái bút, cám ơn cái nghiên, cám ơn anh đồ, cám ơn ngả nón trông đình, cám ơn ca dao, cám ơn tục ngữ, cám ơn tục ngữ rất... tục, cám ơn thỉnh thoảng biết chửi thề, cám ơn nói móc, cám ơn nói cạnh, cám ơn nói khóe, cám ơn nói xỏ xiên, cám ơn nói mát cám ơn cái đèn, cám ơn cái lap top, cám ơn những cuốn tự điển, cám ơn nói lái, cám ơn Hồ Xuân Hương, cám ơn Võ Phiến, cám ơn Ðặng Trần Côn, cám ơn chữ nghĩa truyện Kiều, cám ơn nói phét. cám ơn ăn tục, cám ơn sự vu khống, cám ơn sự... không (?) vu khống, cám ơn sự ngộ nhận, cám ơn sự bịa đặt, cám ơn người thầy cũ, cám ơn những năm thơ ấu, cám ơn những năm tuổi trẻ, cám ơn những năm sồn sồn, cám ơn menopause, cám ơn không menopause, cám ơn mùa đông, cám ơn mùa xuân, cám ơn mùa hạ, cám ơn mùa thu, cám ơn thơ Ðường, cám ơn Tagore, cám ơn lục bát, cám ơn các xóm nhà lá, cám ơn qui tắc tam xuất, cám ơn cái bảng cửu chương, cám ơn các thứ phim trong các kỳ thi, cám ơn cái tẩy, cám ơn cái gọt bút chì, cám ơn cái ngòi bút lá tre, cám ơn những năm ở Việt Nam, cám ơn những năm không ở Việt Nam, cám ơn người bạn cũ, cám ơn những người em, cám ơn cái Mobylette, cám ơn cái Solex, cám ơn cái Lambretta 120, cám ơn cái Deux Chevaux rất lễ phép, cám ơn những viên thuốc cúm, cám ơn Salompas, cám ơn cục xà bong, cám ơn dao cạo, cám ơn cái lược, cám ơn cái gương, cám ơn lọ keo xịt tóc, cám ơn sự ngớ ngẩn, cám ơn giọng hát trong buồng tắm không đi hát ở đám cưới, cám ơn sự vô duyên, cám ơn sự hồn nhiên, cám ơn những cuốn sách của Lê Bá Kông, cám ơn Thiều Chửu, cám ơn Nguyễn Văn Khôn, cám ơn Nguyễn Ðình Hòa, cám ơn Lê Văn Ðức, cám ơn Thái Thanh, cám ơn Phạm Ðình Chương, cám ơn Hội Trùng Dương , cám ơn Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa, cám ơn Nat King Cole, cám ơn Patti Page, cám ơn người bỏ trái tim lại Cựu Kim Sơn, cám ơn cái nốt ruồi vẫn còn trên môi Cindy Crawford, , cám ơn những ngày trốn học, cám ơn mùa thi, cám ơn Ðinh Ngọc Mô, cám ơn Vũ Kiện, cám ơn Nguyễn Quốc Trụ đại úy pháo binh dù, cám ơn những người còn sống và những người đã chết.. cám ơn kỷ niệm đã để lại, cám ơn...

Và như bạn thấy đó, La Rochefoucauld cũng không hoàn toàn đúng như trong ngày hôm nay...

Bùi Bảo Trúc

No comments:

Post a Comment