Jan 26, 2025

Tản mạn về mâm ngũ quả - Nguyễn Gia Việt

  Người Miền Nam mà nói “chưng mâm ngũ quả” nghe kỳ cục!


Một bạn hỏi rằng, “ngũ quả” là cách của Miền Bắc trăm phần trăm, vì chữ “quả”. Bạn nói nếu trúng Nam Kỳ phải kêu là “chưng 5 thứ trái cây”




1. Người Miền Nam không có "quả", kêu trái hết.

Ca dao Nam Kỳ thì có câu:

“Đưa em cho tới Đông Hồ
Em trả trái mít, em bù trái thơm.”

Nam Kỳ kêu trái,  Bắc Kỳ kêu "quả". Người Miền Bắc kêu bưởi, đào, táo, cam, quýt...đều là "quả"hết. Chữ quả là chữ Hán Việt, 果quả là trái cây.

"Đôi ta ăn một quả cau
Cùng mặc áo vá nhuộm nâu một hàng
Bao giờ cho gạo bén sàng
Cho trăng bén gió, cho nàng bén anh."

Nhưng người Miền Nam lại không kêu quả, mà kêu là "trái". Chữ "trái" là chữ bổn địa Miền Nam.

"Nghe vẻ nghe ve, nghe vè trái cây
Dây ở trên mây là trái đậu rồng,
Có vợ có chồng là trái đu đủ,
Chặt ra nhiều mủ là trái mít ướt
Hình tựa gà xước, vốn thiệt trái thơm
Cái đầu chơm bơm, thiệt là bắp nấu
Hình thù xâu xấu, trái cà dái dê
Ngứa mà gãi mê là trái mắt mèo
Khoanh tay lo nghèo là trái bần ổi
Sông sâu chẳng lội là trái mãng cầu."

Người Bắc đọc "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" thì Nam Kỳ dạy "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây."

Sơn Nam trong "Cá tính của Miền Nam" viết về “Đào mương lên liếp” của Miệt Vườn. Miệt Vườn là văn minh Miền Nam, là nơi trồng nhiều trái cây.

Cây ổi thì cho ra trái ổi và trái bưởi, trái cam, trái nho, trái lựu, trái bòn bon, trái dâu, trái măng cụt, trái cà chua, trái dưa leo, trái nhãn ...đều là trái hết

Hãy đọc những câu ca dao của người Nam Kỳ:

“Đói lòng ăn trái ổi non
Nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn nghĩa xưa.”

Và:

"Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng nhồi biết tấp vào đâu?"

Nam Kỳ là xứ sở của vườn trái cây, của những vựa trái cây, chành trái cây.

Bài vè "Bậu lỡ thời" so sánh con gái quá lứa như trái cây chín rục:

"Bậu lỡ thời như trái chín cây
Trái chín cây người ta làm mứt
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông
Giấy trôi sông không ai thèm ngó."

Miền Nam có quả, nhưng là "quả phụ" tức đàn bà góa chồng còn kêu là "cô phụ", "sương phụ". Ngoài ra còn có "nhơn quả" , “công quả” trong nhà Phật .

Trong thể thao môn túc cầu hay còn kêu là môn "đá banh" , các cầu thủ giành nhau "trái banh". Người Miền Nam không kêu quả banh.

2. Chưng trái cây Miền Nam:

Tết thấy nhiều bạn viết “trưng bông”, ”trưng trái cây”.

Nếu bạn là người Nam Kỳ viết “trưng bông” là sai. Người Bắc hay viết “trưng diện” và ‘trưng ngũ quả”.

Nam Kỳ phải là chưng bông và chưng trái cây.

Chưng trái cây xuất xứ từ chữ chưng diện.

Hồ Biểu Chánh viết vầy:

”Còn cô Hai Phục thì cô chưng diện theo cái phẩm “hoa khôi sắc đẹp.”

-Bàn thờ Nam Kỳ mình sao ta?

Nhà Nam Kỳ có cái tủ thờ ở giữa, hai bên mé chái tả hữu là hai bộ ván (bộ ngựa), giữa nhà là cái bàn dài có chừng 10 cái ghế dựa, khách tới nhà thường được gia chủ mời ngủ ở hai bộ ngựa này.

Người Lục Tỉnh chưng trên tủ thờ có bộ tam sự gồm hai chưn đèn, cái đỉnh trầm vuông trái đào, cái lư hương (vùa hương), bên trái là cái bình bông, bên phải là bàn thang chưng trái cây, giữa ngay cái vùa hương là ba chung nước, để cái đèn hột vịt nhỏ xíu hoặc sau này có thêm cây đèn điện màu đỏ để suốt ngày đêm.

Người Miền Nam khác Miền Bắc là chưng trái cây trên cái chò cây cao cao, trên cái chò là dĩa lớn kêu là dĩa bàn thang hay dĩa chưng trái cây.

Người Bắc kêu là “dĩa quả tử”, trên bàn thờ người Bắc chỉ có dĩa trái cây mà không có cái chò.

-Nghệ thuật chưng trái cây Miền Nam:

Nhà giàu, nhà quý tộc:

Trái cây Nam Kỳ mình nhiều không kể hết nên ông bà mình có nghệ thuật chưng trái cây, kêu chính xác là "Chưng nghi ở Nam Kỳ."

Nam Kỳ mình hồi xưa ở những nhà điền chủ, quý tộc không có chưng trái cây trên bàn thờ bình thường, họ xếp trái cây thành hình tứ linh Long, Lân, Qui, Phụng trên cái dĩa bàn thang lớn.

Đó là chưng nghi, kêu là tạo hình mâm quả.

Đám cưới nhà giàu có mâm chưng nghi, họ sẽ lấy những thứ trái cây như bưởi, khóm, dừa, xoài, nhãn, ớt, đậu đũa, đậu que, cà tím, đậu bắp hòa cùng đinh lăng, nha đam, mạch môn, lưỡi cọp ...mà tạo thành hình rồng phụng.

Thí dụ mâm đám cưới tên là mâm "Loan phụng hòa minh" có hình con rồng quấn quít bên con phụng thì ớt hiểm, ớt sừng trâu đỏ chót thành móng rồng, lá thiên tuế kết thành hình đuôi rồng, trái muối đỏ xỏ kẽm xen kẽ với bông vẹt làm đuôi phụng, trái đậu bún làm miệng rồng, đậu bắp làm mặt phụng, vỏ trái cám, trái cóc kèn làm vảy rồng, trái mận làm mắt rồng…

Bàn thờ chưng mâm quả lớn này cũng phải rộng, lớn mới đủ, kết hợp với hai cặp chưn đèn và cái lư hương cũng lớn.

Với trung lưu và bình dân:

Tết nhứt, các gia đình Miền Nam ngày xưa chứng rất nhiều loại trái cây và xếp lên trên dĩa bàn thang. Hồi xưa chưng tuỳ thích, tức là có gì chưng nấy, ba loại cũng được, chục loại cũng xong.

Có nhà chưng hai thứ là bưởi và quýt. Có nhà chưng bưởi và mãng cầu. Có nhà chưng chuối sứ và trái bưởi trên bàn thờ cũng xong.

Thuật ngữ “Mâm ngũ quả” rõ ràng không phải của người Miền Nam xưa.

3.Tại sao Miền Nam lại có “mâm ngũ quả”?

Chữ “quả” chỉ trái không phải của Miền Nam. Người Miền Nam rất tự do không gò bó trong chưng trái cây thì làm sao có “chưng mâm ngũ quả” trong năm thứ?

Trong truyện Hồ Biểu Chánh không thấy dòng nào “mâm ngũ  quả”. Và đương nhiên đọc Trương Vĩnh Ký cũng không thấy nói.

Sao mờ thấy vì dân Lục Tỉnh Nam Kỳ tánh tự do chưng bao nhiêu trái là tuỳ thích, tuỳ hòan cảnh, không bó buộc.

Nhưng đọc Hồ Trường An thấy viết rằng: ”chưng ngũ huê ngũ quả”.

Có thể hiểu, chưng “ngũ quả” có lẽ ảnh hưởng từ người Bắc di cư vào trong Miền Nam. Nhưng từ trước 1975 không ảnh hưởng nhiều lắm trong Miền Nam vì người Miền Nam vẫn có gì chưng nấy.

Người Miền Bắc thích áp đặt này nọ, trong chưng trái cây cũng vậy. Thí dụ trái Phật thủ như bàn tay Đức Phật nhưng chưng thôi, không ăn được.

Con số 5 là tượng trưng cho “ngũ hành ”kim - mộc - thủy - hỏa - thổ" là năm thứ tạo ra thế gian.

Mâm ngũ quả ở Bắc Kỳ phải có chuối và bưởi là không thể thiếu vì nó tượng trưng cho âm-dương. Ngoài  ra còn có thứ không thể thiếu là trái sung hoặc trái mây, rồi thêm trái “quất” (tắc).

Cái chữ “mâm ngũ quả” xuất hiện rầm rộ ở Miền Nam sau 1975 sau khi “giải phóng Miền Nam”, khi mà truyền thông, tuyên truyền là do người Miền Bắc nắm hết.

Trên báo người ta đọc được những bài về “Nghệ thuật trưng ngũ quả Miền Nam”.

Chưng ngũ quả của người Nam Kỳ theo truyền thông thường là : Mãng cầu Xiêm. – Sung. – Dừa. – Đu đủ. – Xoài. ngụ ý “cầu sung túc vừa đủ xài”.

Kinh tế bao cấp, cuộc sống khó khăn, vượt biên, đi kinh tế mới, đánh tư sản đói rách nên làm người ta mơ về bàn thờ ngày Tết kêu là "mâm ngủ quả" kiểu "Cầu Dừa Đủ Xoài Sung" hay "Cầu Vú Dừa Đủ Sung".

Trái sung là trái vô dụng trong các loại trái cây Miền Nam vì không ăn được. Xóm làng Nam Kỳ sung chín rục đỏ đất không ai dòm. Trước 1975 không ai chưng trên bàn thờ trái sung, chưng cho ông bà quở à? Sau 1975 nghèo quá, đói quá, mơ quá nên bắt chước người Bắc lôi trái sung lên bàn thờ luôn.

Thiệt ra chưng hơn 5 loại hoặc ít hơn 5 loại trái cây cũng được.

4. Trái chuối trong văn hoá chưng trái cây của người Nam Kỳ.

Ngày xưa, trước 1975 người Miền Nam chưng trái cây luông tuồng, tự do. Nhà có bụi chuối sứ, chuối cau cứ ra chặt đem chưng lên dĩa bàn thang.

Chuối cúng ở Miền Bắc phải là chuối già lớn trái  và cong vút lên. Còn Nam Kỳ thì không cúng chuối già vì nó giống cái kia. Nam Kỳ chưng chuối sứ và chuối cau thôi.

Ngày thường, đám giỗ, đám cưới Nam Kỳ hồi xưa chưng chuối thoải mái.

Nhưng cũng sau 1975, sau những năm đói khát bao cấp, người Miền Nam bắt đầu “sợ phong long”.

Tết người Nam Kỳ không cúng chuối vì sợ chúi nhủi, chúi lúi.

Dân Miền Nam Tết chưng chuối sẽ bị phản ứng liền, nhứt là những nhà làm ăn, nhà thượng lưu, đó là quy tắc hình thành theo năm tháng.

Ông bà mình từ từ loại chuối ra khỏi cái dĩa bàn thang ngày Tết và đám cưới, chuối chỉ còn trong đám ma, đám giỗ và chưng ngày thường.

Từ trước do ảnh hưởng người Tàu, Tết và đám cưới người Miền Nam cũng kiêng chưng bông trắng. Bông huệ trắng được xem là bông đám ma.

Tết Nam Kỳ kiêng cử từ đó.

Xin khẳng định chữ "kiêng cử", "kiêng kị" không phải là mê tín dị đoan, phạm trù mê tín dị đoan nó qua cái nghĩa sùng kiểu thần thánh và u mê, đôi khi lạc hậu và có hậu quả, kiêng kị thì chẳng hậu quả chi hết.

"Có thờ có thiêng
Có kiêng có lành"

Ngày Tết người Nam Kỳ kiêng kị chưng bông trắng, mặc đồ đen. Nếu Tết mặc áo dài trắng mà màu trắng là màu tang tóc và màu đen cũng tốc tang, người Tàu cũng kiêng hai màu này.

Nam Kỳ chưng bông vạn thọ và bông mai, bông cúc vàng, mặc áo dài xanh, vàng, đỏ, xanh đậm và có hoa văn.

Cái đỏ lòm đáng yêu của người Nam Kỳ ngày Tết là dưa hấu, dưa hấu ngon ngọt và đỏ xẻ ra cát mịn nguyên trái, màu đỏ của quê nhà làm người ta yêu thương xứ sở.

Cây chưng ngày Tết, Bắc Kỳ chưng tắc vì nó là cây quất, quất Tết sướng quíu. Tàu thích chưng tắc vì nó vàng vàng tròn tròn giống vàng, rồi 稷子 tắc tử có nghĩa hạt kê là sung túc. Nhưng người Nam Kỳ lại có "Tắc tử" có nghĩa là "Thì chết" trong câu "Phúc thống phục nhân sâm tắc tử"( Đau bụng uống nhân sâm thì chết).

Nhưng Nam Kỳ cũng không quan niệm hết về cây tắc.

Bắc Kỳ kêu cây tắc là cây quất, Trung Kỳ kêu cây tắc là cây quật, vùng Sài Gòn xung quanh tới Mỹ Tho kêu cây tắc, xuống miệt dưới Miền Tây né kêu là cây hạnh.

Nam Kỳ kiêng chưng cam trên bàn thờ vì nó cam phận, chỉ chưng quýt chưng bưởi. Nhưng nghĩ vầy, cam là trái nuôi người bịnh, Tết nhứt thấy trái cam là nghĩ tới cái cảnh lê lết ở bịnh viện nên kiêng nó chăng?

Tết Nam Kỳ có một món nhà nào cũng có, đi chung thịt kho hột vịt, đó là nồi khổ qua nhồi cá thát lát hầm.

Vì sao nó tên khổ qua thì không ai biết, nhưng làm nồi khổ qua xả xui là tâm lý dân Nam Kỳ ta ngày Tết.

Mà ngẫm cũng rất khoa học, ăn đồ Tết rất nóng táo bón -nổi ghèn muốn chết, ăn khổ qua vô cho mát, dù nó có vị đắng nhưng đâu ai nói nó đắng nghét cuộc đời đâu.

Tết Nam Kỳ không ăn vịt, có người nói vịt lẹp bẹp chậm, cũng có thể, nhưng thịt vịt có tính hàn, khó tiêu, có lẽ kiêng bị Tào Tháo rượt chăng?

H.Phúc ST

Jan 24, 2025

Đến chúc Tết Cô Chi Hương

 Cứ tưởng Tết này không đến thăm Cô được .Hai hôm trước Thanh gọi hơn 10 cuộc điện thoại, có chuông kêu ...nhưng không bắt máy !!!

  Hôm nay sẵn đi công việc ghé nhà cô.Hàng xóm bảo cô bị lãng tai ,gọi khó lắm !!!
   Thanh bấm chuông, lay cửa ầm ầm ...may quá cô ra mở cửa !!!
Sau khi tặng quà, chúc Tết Cô ,Thanh thử bấm điện thoại nhà cô ,cách cô hơn 1m.Chuông kêu 5 lần mà cô bảo không nghe gì !!! Hèn chi !!!
  Năm nay cô đã 90 tuổi rồi. Cô không ra ngoài nhưng vẫn tự nấu ăn và lau nhà lấy nhé...giỏi chưa ???

Kim Thanh đại diện các bạn TV63-70 đến thăm và  mang quà Tết Cô Chi Hương  


  Thôi thế là Thanh đã thăm Tết Cô được rồi.. Chúc các bạn mình năm mới Ất Tỵ luôn vui khỏe và nhiều may mắn nhé...

Jan 21, 2025

GIẾNG HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC CHO CÔ NẠI

 


IMG_20250121_154907.jpg


Các bạn thân mến,

 Giếng nhóm mình làm để nhớ ơn và hồi hướng công đức cho cô Nại vừa hoàn tất, Tâm xin gửi đến các bạn hình giếng kèm theo đây.
 Vì gửi cho nhóm nên Google họ chỉ giới hạn cho 
mình gửi một bức ảnh. Tâm sẽ gửi riêng cho cô Đức, và cho Hoàng Ánh, là hội trưởng Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương Nam California các hình khác để cô Đức hay Hoàng Ánh chuyển đến gia đình cô Nại.
 Mình cùng góp lời cầu nguyện cho hương linh cô Tâm Toàn Đinh Thi Nại được sớm siêu sinh tịnh độ.
 Học trò cũ của cô,
Trưng Vương 6370

CÔNG DỤNG CỦA MUỐI



1. Đuổi kiến: Rắc muối ở cửa ra vào, ngách cửa sổ và bất cứ chỗ nào kiến chui vào trong nhà. Lý do là vì kiến sợ không dám bò lên muối.

2. Dập tắt lửa bùng cháy vì dầu mỡ: Nếu lửa bùng cháy vì dầu mỡ thì bạn hãy dập tắt ngọn lửa với muối (không dùng nước vì dầu nóng sẽ bay tung tóe).

3. Giữ nến khỏi chảy khi đốt: Nhúng cây nến mới vào trong một dung dich muối đậm đặc trong vài giờ rồi lau cho thật khô, thì cây nến sẽ không chảy mau khi đốt lên.

4. Giữ cho hoa đã hái được tươi: Thêm môt chút muối vào nước cắm hoa thì hoa sẽ được tươi lâu hơn.

5. Cắm hoa giả: Cho muối vào bình cắm hoa giả rồi thêm chút nước lạnh. Khi muối khô sẽ giữ các hoa giả tại chỗ.

6. Sửa tường: Muốn bít các lỗ đinh hoặc vết lở trên tường thạch cao, lấy 2 muỗng muối và 2 muỗng bột bắp trộn với khoảng 5 muỗng nước.

7. Giết cỏ dại: Nếu cỏ dại mọc ở kẽ hở giữa các khối gạch hay khối đá trong vườn, bạn hãy rắc muối vào các kẽ này rồi tưới nước.
8. Nướng thịt ngoài trời: Khi nướng mà lửa bùng cháy vì mỡ nhõ xuống than, rắc một ít muối lên ngọn lửa để kiềm chế ngọn lửa và khói mà không làm than nguội đi.

II. LAU CHÙI

9. Rửa sạch ống thoát bồn rửa chén bát: Hoà muối vào nước nóng rồi đổ vào ống thoát của bồn rửa chén để khử mùi và giữ cho mỡ không tích tụ.

10. Tẩy vết trắng trên bàn gỗ để lại bởi ly nước và đĩa nóng: Trộn muối với dầu thực vật rồi đem chà nhẹ lên vết dơ.

11. Chùi chảo gang dính mỡ: Rắc nhiều muối vào chảo rồi lấy khăn giấy chùi sạch.

12. Rửa tách trà / cà-phê cáu bẩn: Lấy muối trộn với xà-bông rửa chén rồi chà nhẹ lên vết cáu bẩn.

13. Chùi sạch tủ lạnh: Trộn dung dịch baking soda pha muối dùng để lau tủ lạnh sẽ làm mất mùi bên trong mà không phải dùng hóa chất.

14. Chùi đồ đồng hay đồng thau: Trộn muối, bột mì và giấm (tỉ lệ 1:1:1) rồi lấy bột nhão chà lên kim loại. Khoảng một tiếng sau thì lấy khăn mềm chùi sạch và miếng vải khô đánh bong.

15. Chùi rỉ sét: Trộn muối và chanh với đủ nước để làm thành bột nhão. Sau đó chà lên chỗ sét rỉ, để cho khô, rồi lầy khăn mềm và khô chà sạch.

16. Rửa bình pha cà-phê: Cho muối và đá cục vào trong bình, lắc mạnh rồi súc bình cho sạch.

III. GIẶT QUẦN ÁO

17. Tẩy vết rượu vang trên khăn bàn bằng bông hay vải sợi: Lấy khăn hay giấy thấm rượu lau càng nhiều càng tốt, rồi rắc ngay muối lên chỗ rượu vang đổ. Muối sẽ giúp hút hết rượu ra khỏi các sợi vải của khăn bàn. Sau bữa ăn, ngâm khăn bàn vào nước lạnh trong 30 phút trước khi đem giặt (cách này cũng hiệu nghiệm cho quần áo).

18. Phơi quần áo vào mùa đông: Trong lần giặt sau chót, thêm một chút muối để khi phơi trên dây ngoài trời, quần áo không bị đóng giá.

19. Giặt màn cửa in màu hay thảm: Dùng nước muối để giặt thì màu sắc sẽ tươi sáng hơn. Muốn cho các thảm bạc màu trông như mới, bạn hãy chà mạnh với một miếng vải nhúng trong nước muối thật mặn và đã vắt ráo.

20. Gột vết dơ của mồ hôi trên quần áo: Pha bốn muỗng ăn muối vào trong 750ml nuớc nóng, rồi nhúng miếng bọt biển vào trong dung dịch, chà lên vết dơ trên quần áo

21. Gột vết máu trên quần áo: Nhúng quần áo dính máu vào nước muối lạnh, sau đó giặt với nước xà-bông ấm rồi bỏ vào nước đem đun sôi.

22. Làm sạch mặt bàn ủi: Rắc một chút muối lên một miếng giấy rồi là bàn ủi nóng lên.

IV. CHĂM SÓC CÁ NHÂN

23. Bảo trì bàn chải đánh răng: Nhúng bàn chải đánh răng vào nước muối trước khi dùng lần đâu tiên thì bàn chải sẽ bền lâu hơn.

24. Đánh răng: Trộn một phần muối với hai phần baking soda. Dùng bàn chải đáng răng chà hỗn hợp lên răng giống như thường lệ. Bạn cũng có thể súc miệng bằng dung dịch nước muối hoặc dùng nước muối để làm sạch răng giả.

25. Súc miệng: Pha môt phần muối và một phần baking soda vào trong nước sẽ giúp làm mất mùi hôi miệng.

26: Trị các bệnh về miệng: Nếu miệng bị loét, hãy súc miệng với nước muối ấm nhiều lần trong ngày.

27. Trị vết ong chích: Tẩm nước vào vùng da bị ong đốt rồi áp lên trên một lớp muối để giảm sưng tấy.

28. Trị vết muỗi cắn: Vã nước muối lên chỗ muỗi đốt cho đỡ ngứa. Có thể dùng cao dán gồm muối trôn với dầu ô liu cũng hiệu nghiệm.

29. Xoa bóp sau khi tắm: Sau khi tắm, da hãy còn ướt bạn hãy chà thân thể với muối khô. Da sẽ dịu mát và máu sẽ lưu thông tốt hơn

30. Trị viêm họng: Thường xuyên súc miệng với nước pha muối.

V. TRONG BẾP:

31. Thử xem trứng có mới hay không: Bỏ hai muỗng nhỏ muối ăn vào nước rổi thả quả trứng vào: trứng mới sẽ chìm, trứng cũ sẽ nổi.

32. Luộc trứng lòng đỏ còn sống: Bạn hãy luộc trứng trong nước muối vì muối làm tăng nhiệt độ sôi của nước, vì vậy lòng trắng trứng chóng chín hơn.

33. Giữ cho trái cây không bị thâm: Bỏ trái cây vào nước có pha chút muối.

34. Lột vỏ trái hổ đào: Ngâm trái hổ đào vào nước muối trong nhiều giờ sẽ làm cho vỏ dễ lột hơn.

35. Khử mùi hành tỏi trên bàn tay: Rửa với xà bông và nước rồi chà bàn tay lên bất cứ vật gì làm bằng thép không gỉ. Bạn cũng có thể chà hỗn hợp giấm và muối lên các ngón tay

36. Đánh lòng trắng trứng hay kem: Bạn hãy cho thêm chút muối, lòng trắng trứng hay kem sẽ chóng nổi

37. Giữ pho-mát được lâu hơn: Muốn cho pho-m át không bị mốc, bạn hãy bọc pho-mát trong miếng vải có tẩm nước muối trước khi cho vào tủ lạnh.

38. Bảo vệ mặt đáy của lò nướng: Nếu thức ăn trào xuống mặt đáy của lò nướng thì bạn hãy rắc một nhúm muối lên chỗ dơ. Chỗ dơ này sẽ không cháy khét và được nướng thành một lớp vỏ cứng dễ cậy ra khi lò để nguội.

Hy vọng những công dụng trên của muối sẽ giúp các bạn có thêm những cách hay để bảo quản và dọn dẹp cho căn bếp xinh của mình, cũng như chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

H.Phúc  (Sưu tầm).

Jan 18, 2025

Biếu Quà Tết Giáo Sư Gia Lai

 Hàng năm cứ vào dịp Tết nhóm bạn TV 63-70 luôn có những cuộc thăm viếng và quà Tết đến các vị giáo sư TV , ban xã hội Chu Oanh , Minh Tâm , Kim Thanh luôn sẵng sàng lo về việc này, sự quan tâm và quý mến của học trò Trưng Vương  63-70 đối với các Thầy Cô đã dạy dỗ vào thập niên 63-70  đã làm ấm lòng các Thầy Cô tuổi tác khá cao , sức khỏe và các sinh hoạt cộng đoàn cũng bớt dần; nhận được quà Tết của các học trò TV63-70 đóng góp, Cô Gia Lai đã viết thơ cám ơn đến các học trò vẫn còn luôn quý mến Cô dù đã hơn 60 năm xa cách; bạn Kim Thanh đã chuyển thơ và Kim Đoan xin đăng lên để các bạn xa gần cùng đọc .


Cô Gia Lai  2025

Cô Gia Lai  2024 


Xin cảm ơn tất cả các bạn trong nhóm đã đóng góp  và nhất là Chu Oanh, Minh Tâm, Kim Thanh, Kim Thoa đã nhiệt tình  trong việc này.

 


 
Nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025 sắp đến, KĐ xin thân chúc các bạn và gia đinh một năm mới được tràn ơn lành :


 

MỪNG XUÂN ẤT TỴ

SỨC KHỎE DỒI DÀO

AN KHANG THỊNH VƯƠNG

GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC
 
VẠN SỰ NHƯ Ý
 
Kim Đoan

Jan 2, 2025

Chia buồn cùng gia đình Giáo Sư Đinh thị Nại

     Nhận được tin buồn:

 
                                                    Bà Đinh thị Nại



Pháp danh Tâm Toàn
Cựu giám học và giáo sư
 

Trường n trung học TRƯNG VƯƠNG Sài Gòn
vừa từ trần tại Mỹ, Anaheim, California 
ngày 21-12-2024
hưởng thọ 96 tuổi


Toàn thể cựu nữ sinh TV 63-70 xin chân thành chia buồn cùng  tang quyến. Nguyện xin hương linh GS Nại được tiêu diêu nơi miền tịnh độ.