Ý NGHĨA CỦA BAO LÌ XÌ
Ai trong chúng ta cũng đều quá quen thuộc với bao lì xì màu
đỏ: ngày Tết, sinh nhật, đám cưới, tân gia…chúng ta đều dùng bao lì xì cho gọn.
Tôi nhớ hồi nhỏ, lúc còn đi học, mỗi lần Tết đến ba mẹ hay bà con, khách của
gia đình tặng cho bao lì xì là khoái tỉ lắm. Sau Tết luôn có màn “tổng kết
doanh thu” để xem năm đó mình được bao nhiêu tiền. Có khi lấy tiền đó chơi cá
ngựa, có khi đặt bầu cua cá nai…
Nhưng mấy ai trong chúng ta để ý đến ý nghĩa, phong tục… vì
đây là tập tục du nhập từ người Hoa từ bao nhiêu năm về trước. Từ ngày tôi bắt
đầu nhận phong bao lì xì, phải tính khởi điểm bắt đầu biết xài tiền sơ sơ, chắc
là khoảng 6, 7 tuổi gì đó cho đến tận sau này: Ở vai trò người nhận cũng như
người cho, tôi chưa biết hết ý nghĩa, hình ảnh trên bao lì xì, ngoại trừ việc hễ
ở vai trò người nhận thì cứ rút ruột bên trong ra rồi đếm, đếm…còn ở vai trò
người cho thì cứ mua hay kiếm những bao mới tinh, đẹp đẽ rồi bỏ tiền mới vào
trong đó.
Tình cờ cô giáo dạy tiếng Hoa cho tôi biết ý nghĩa, hình ảnh
trên bao lì xì khác nhau thế nào, ồ vậy mà mình cứ tưởng là tất cả các hình chỉ
là để trang trí. Tiếng Hoa đọc là “lai see”.
Màu đỏ của bao tượng trưng cho sự may mắn và được coi là
ngăn ngừa tà ma. Số tiền trong bao thư
thường là con số thí dụ 88 hay 168
vì người Hoa tin số 8 là con số may mắn, còn số lẻ thường dành cho đám
tang. Tuy nhiên có sự khác biệt là có một vài nơi ở Trung Hoa, số tiền lẻ vẫn
được ưa chuộng ở đám cưới vì người ta cho là số lẻ khó chia. Hoặc tổng số tiền
cũng không nên là 40, 400, 444 hoặc chia chẵn cho 4 vì âm tiếng Hoa số 4 (sì) đồng
âm với danh từ cái chết (siˇ).
Ở tiệc cưới số tiền trong bao lì xì dùng để trang trải chi
phí cho người tham dự, cũng như để tỏ lòng hảo tâm đối với tân lang và tân giai
nhân. Ở đám cưới người ta dùng bao có hình mấy đứa trẻ, ý muốn đôi vợ chồng mới
cưới sẽ có con.
Còn ngày Tết, bao lì xì có hình con cá vì âm tiếng Hoa con
cá (yú) đồng âm với giàu có (yú) hoặc có khi hình ông thần tài: có ý nghĩa đem
lại sự may mắn về tài lộc.
Theo truyền thống thì bao lì xì là người lớn tuổi cho người
nhỏ tuổi, ông chủ cho nhân viên, cha mẹ cho con cái, người có gia đình cho người
độc thân.
Tuy nhiên ở VN ngày nay, không cứ khư khư phong tục đó, mà
ngược lại con cái trưởng thành có thu nhập khá giả sẽ lì xì lại cho cha mẹ già
yếu để tỏ lòng hiếu thảo. Thật đáng trân trọng sự suy nghĩ như vậy.
Trong bao lì xì, không ai bỏ tiền xu vào đó, mà thường là 1
tờ tiền mới để tránh nặng nề. Tờ tiền mới có ý nghĩa là người cho đang nghĩ về người nhận bao lì xì, nếu dùng tiền cũ người
ta cho rằng người nhận bị lãng quên.
Người nhận và người
cho đều tin là mình may mắn từ bao lì xì.
Ở Việt Nam, lì xì là tiền hên và thường là dành cho trẻ em. Bao
lì xì màu đỏ có khi cũng dành cho dịch vụ: tặng vũ công, thầy giáo, bác sĩ…
Từ nhiều năm sau này, người Việt đã thiết kế những bao lì xì
mang hình ảnh quê hương: cành mai, trái
dưa hấu…
Chưa có một tài liệu nào rõ ràng về nguồn gốc của bao lì xì.
Chỉ có những truyền thuyết như sau:
Truyện dân gian Trung Quốc kể lại, ngày xưa ở Đông Hải có một cây đào
to, có rất nhiều yêu quái sống trong bộng cây, nào là hồ ly tinh, chuột tinh,
sói già… Chúng luôn muốn ra ngoài để gây hại, nhưng bình thường luôn có các thần
tiên ở hạ giới canh giữ chúng nên không con nào thoát ra ngoài được. Nhưng vào
đêm giao thừa, khi tất cả thần tiên đều phải về trời để phân công lại nhiệm vụ,
lũ yêu tinh lại có cơ hội tự do. Có một loại yêu quái gọi là con Tuy thường xuất
hiện vào đêm giao thừa để xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến lũ trẻ giật mình, khóc
thét lên và sẽ bị bệnh sốt cao hoặc ngớ ngẩn. Vì thế những gia đình có con nhỏ phải
thức cả đêm để canh không cho con Tuy hại con mình. Một lần, có mấy vị tiên đi
ngang nhà kia, hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ đứa trẻ. Cha mẹ chúng đem
gói những đồng tiền ấy vào vải đỏ. Khi con Tuy đến, những đồng tiền lóe sáng,
nó sợ hãi bỏ chạy. Phép lạ này lan truyền ra, rồi cứ Tết đến, người ta lại bỏ
tiền vào trong những chiếc túi màu đỏ tặng cho trẻ con. Tiền đó được gọi là tiền mừng tuổi .
Một
truyền thuyết
khác kể rằng, tục tặng tiền mừng tuổi bắt nguồn từ hoàng cung nhà Đường (Trung
Quốc). Năm đó, Dương Quý Phi sinh hạ hoàng tử, được tin mừng vua Đường Huyền
Tôn đích thân đến thăm và ban cho Dương Quý Phi một số vàng bạc gói trong giấy
đỏ. Dương Quý Phi coi đó vừa là tiền mừng, vừa là chiếc bùa Hoàng đế ban tặng
con trẻ để trừ tà. Việc này được đồn đại ra ngoài, từ cung đình lan rộng ra dân
gian, nhiều người bắt chước tặng tiền mừng và cũng bắt đầu coi như tặng món lộc
trừ tai họa, mang lại nhiều điều may mắn cho trẻ con. Theo những nghiên cứu khác, tục mừng tuổi
ở Trung Quốc đã có từ đời Tần. Vào thời gian đó, người ta dùng một sợi chỉ đỏ để
xâu tiền thành một xâu theo hình con rồng hoặc thanh kiếm để ở chân giường hoặc
cạnh gối trẻ em. Xâu tiền đó gọi là tiền Áp Tuế giống như cách gọi của người
Trung Quốc ngày nay, có nghĩa là món tiền mừng cho đứa trẻ, với mong ước đứa trẻ
được tiền, được lộc có thể vượt qua tuổi đó với những điều tốt lành và may mắn.
Trung Hoa, Việt Nam, Thái, Myanmar dùng bao màu đỏ. Nhật, Hàn Quốc dùng bao lì xì màu trắng, không phải màu đỏ, gọi là “ sae bae don” chỉ dùng ở trong nước. Ở Nhật thì tên người nhận được ghi trên bao thư.
Trung Hoa, Việt Nam, Thái, Myanmar dùng bao màu đỏ. Nhật, Hàn Quốc dùng bao lì xì màu trắng, không phải màu đỏ, gọi là “ sae bae don” chỉ dùng ở trong nước. Ở Nhật thì tên người nhận được ghi trên bao thư.
Bao
lì xì màu xanh lá cây:Mã Lai, Brunei, Indonesia và Singapore bắt chước tập
tục của Trung Hoa nhưng thay vì dùng màu đỏ, thì họ dùng bao màu xanh lá cây.
Màu xanh lá cây được người Hồi Giáo sử dụng.
Để kết thúc bài viết, tôi cầu chúc tất cả chúng ta, trong
tâm tưởng, lời nói, lúc nào chúng ta cũng gửi đến bao lì xì màu đỏ thắm cho người
thân quen chung quanh ta.
Sàigòn ngày 30 tháng 1 năm 2013
( Có trích dẫn một phần từ nguồn Internet)
NGÔ OANH
No comments:
Post a Comment