Feb 25, 2013

Cô tiểu thư một thời của nhạc sĩ VĂN CAO.


Cô tiểu thư một thời của nhạc sĩ Văn Cao
                                   

KHUÔN MẶT EM
Thơ VĂN CAO


Giữa những ngày dằng dặc
Chỉ còn khuôn mặt em
Sáng trong và bình lặng


Dù hai đứa chúng ta
Chưa lúc nào sung sướng
Những ngày đau khổ ấy


Khuôn mặt em
Như mảnh trăng những đêm rừng cháy


Trên đường đi
Anh đặt em trên đồng cỏ
Thấy em đẹp mãi màu xanh cỏ dại


Trên đường đi
Anh đặt em trên dốc núi
Ðể tìm lại những đường mềm của núi


Trên đường đi
Khuôn mặt em làm giếng
Ðể anh tìm làm đáy ngọc châu


Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng
Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng


(1974)




Căn phòng nhỏ của tác giả Tiến quân ca nằm trên gác 2 một ngôi nhà cổ tại số 108 phố Yết Kiêu (Hà Nội). Bà Nghiêm Thúy Băng, vợ nhạc sĩ Văn Cao, năm nay tròn 80 tuổi. 
Căn phòng vẻn vẹn 30m2, vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao cùng các con đã ở từ năm 1954, nay chỉ còn bà và vợ chồng người con trai thứ ba sinh sống. Hai con gái và hai người con trai lớn của ông bà đã ra ở riêng.
Giữa ngôi nhà là bức tượng cùng chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật của Văn Cao đặt trên cây đàn piano cũ. Còn chiếc dương cầm của Văn Cao ngày trước, bà bảo cất kỹ trong phòng trong và bọc xốp lưu giữ, không muốn cho ai tiếp xúc.

Bà Nghiêm Thúy Băng kể, năm 1945 khi báo Độc Lập ra công khai, nhạc sĩ Văn Cao xuất hiện và tới nhà in Rạng Đông, nơi mẹ của bà làm chủ, để in tác phẩm. Ông là người trình bày báo Độc Lập, phụ trách trang Văn nghệ số mới ra. Lúc này, cô tiểu thư của nhà in Rạng Đông đứng ở tiệm sách nhỏ làm công việc nhận và giao hàng cho khách đến in. Vì thế hai người quen nhau.



Nhắc đến tác giả Suối mơThiên thai, bà luôn lấy làm tự hào về người chồng của mình. Rất nhiều bức ảnh, bút tích của cố nhạc sĩ được bà lưu lại cất giữ cẩn thận.
Tấm hình hai ông bà chụp cùng nhau.
Cưới nhau đầu năm 1947, ông bà cách nhau 7 tuổi. Kết hôn xong, cả hai đi du lịch ở dòng sông Ba Thá, nơi có nhà thờ Chương Mỹ, và từ đây đã ra đời bài hát Làng tôi nổi tiếng.
Hồi trẻ bà là nữ sinh trường Đồng Khánh, sau này làm cán bộ tại xí nghiệp điện ảnh Việt Bắc, nghỉ hưu từ năm 1982 đến nay.
Thời còn trẻ mỗi khi Tết đến bà làm đủ loại bánh, mứt. "Cái gì cũng phải tự làm và biết làm tất cả", bà bảo. Thời kỳ kháng chiến, phu nhân nhạc sĩ Văn Cao cũng đã phải nếm trải nhiều khổ cực. Người con đầu lòng của hai ông bà sinh ra đúng khoảng thời gian bài “Trường Ca sông Lô” ra đời, và anh được đặt tên Vân Thao (có nghĩa mây Vân Cù, sông Thao).
Trước Văn Cao thường uống cà phê, nhưng từ khoảng năm 1940 ông bắt đầu uống rượu. "Ông ấy và tôi có thể tâm sự suốt đêm, tôi như một người bạn của ông ấy vậy", bà nhớ lại. Bàn tay bà run run, xúc động mỗi khi đứng trước bàn thờ ông.
Thỉnh thoảng, bà xem lại những dòng chữ của người nghệ sĩ tài hoa.

Và bức tranh Văn Cao vẽ bà từ thời còn son trẻ. 

Bức ảnh nhạc sĩ Văn Cao lúc 25 tuổi được bà phục chế và lưu giữ cẩn thận.

Hoàng Hà



2 comments:

  1. Mời các bạn ghé thăm ĐSTV với cô tiểu thư một thời của nhạc sĩ Văn Cao
    .cô là tình yêu bất diệt của ộng, là vợ từ những ngày họ còn rất trẻ
    , là cảm hừng của những ca khúc lẫy lừng , là tình yêu và định mệnh
    cho những câu thơ bất hủ, là hội hoạ chân dung tuyệt vời của Văn Cao.
    Cô hiện nay đã 80 tuổi , sống bình lặng ở Hà Nội . Những hình ảnh ,
    thủ bút, kỷ vật , những tác phẩm và nhất là cây đàn piano của Văn Cao
    đã được cô gìn giữ chăm chút, yêu thương mãi , nhu ông vẫn còn sống
    thuở nào .

    ReplyDelete
  2. Cám ơn TUL đã cho biết thêm về người vợ hiền của NS Văn Cao.
    KĐ khi nghe bài Thiên Thai của NS thì đã mến tài của ông ngay vì ông dã minh họa một cách tuyệt vời thế giới thần thoại của cổ tích bằng giai điệu và lời ca rất hay, cũng vì thế KĐ đã chọn bài này để cùng với giới trẻ Sherbrooke thực hiện Vũ Khúc Thiên Thai cho đại hội Tết 1980.
    Ông viết bản nhac này lúc ông còn rất trẻ chưa đầy 20t, thật là tuổi trẻ tài cao chắc vì lẽ đó mà đã lọt vào mắt nhung của Cô Thúy Băng chăng?
    thân

    ReplyDelete