TRỞ LẠI NHÀ THỜ CÁI RẮN
Ngô Oanh
Về Cái Rắn kỳ này vì lo sợ bị cúp điện nên tôi đem theo một cây đèn nhỏ giống đèn mansion hồi xưa, kể cả đèn cầy. Các bạn có thấy tôi giống như dọn nhà về ở Cái Rắn không?
Lúc chiếc vỏ lãi cặp sát nhà thờ là ngày thứ bảy 22/9/12, điều đầu tiên tôi phải tìm kiếm là gì các bạn biết không? Đó là hàng rào bông bụp bao quanh chu vi nhà thờ. Vì tôi rất là yêu thích khung cảnh phải có bông hoa. Nhưng các bạn có biết là tôi cảm thấy thật tiếc vì sao không? Hàng rào bị
cắt xuống thấp lắm, trông nó như một đứa trẻ suy dinh dưỡng. Các anh ở nhà thờ giải thích cho tôi hiểu là lâu lâu phải cắt cành cho thân cây có tầm thấp xuống để bỏ đi những cành khô già. Vài tháng sau, nó sẽ đâm ra những cành nhỏ, mới đầy sinh lực, từ đó mới có những bông hoa to đẹp.
Vậy cây cối và con người đều có quy luật giống nhau. Con người muốn sống thánh thiện, tốt đẹp phải can đảm chặt bỏ đi những thói hư tật xấu của mình, từ đó những cá tính tốt đẹp mới có chỗ để vươn lên. Chứ nếu ta cứ để như vậy, lúc nào cái xấu cũng sẽ lấn lướt cái tốt. Vậy là tôi phải chờ thêm vài tháng nữa, nếu có dịp trở lại nhà thờ sẽ trông thấy hàng rào bông bụp tuyệt đẹp, điều mà tôi không còn tìm thấy ở Sài Gòn nữa.
Con đường mơ ước
Chúng tôi có dịp cùng nhau ra chụp hình dọc theo “con đường
mơ ước” của cha sở. Con đường mới vừa làm xong, thật sạch sẽ. Đúng là mơ ước vì
phải chờ khá lâu nhà thờ mới có kinh phí để xây con đường này. Con lộ dài 1600
m, bề ngang 2m, chạy thẳng ra tới quốc lộ 1A ( xe khách tuyến Saigon, Cà Mau,
Năm Căn đi qua quốc lộ này). Người dân địa phương quen gọi là con lộ “Kênh Ba Ngàn”.
Song song với “con đường mơ ước” này là con
kênh, bao quanh mặt trước và bên tay mặt của nhà thờ; ô thật là “romantic”.
Nếu ở Sàigòn mà có căn nhà tràn đầy bông hoa và có hồ bơi nữa thì được coi là đại gia, vậy thì nhà thờ Cái Rắn chắc cũng là "đại gia” vì ai muốn bơi lội tung tăng sẽ có sẫn “hồ bơi” là con kênh rộng lớn bao quanh nhà thờ.
Làng quê có khác, thật là yên tịnh không ồn ào như Sàigòn. Ngủ đêm ở nhà thờ cũng là một trải nghiệm thật thú vị. Tôi vốn là người khó ngủ, nên những tiếng động ban đêm dễ làm cho tôi để ý. Tiếng động đều đặn nhứt là tiếng tạch tạch của chiếc vỏ lãi chạy đêm. Đó cũng là một âm thanh hay lắm các bạn, âm thanh của nó hòa quyện cùng một bầy ếch , nhái, ểnh ương, chàng hiu gì đó, nghe cứ giống như một dàn hợp xướng của đủ loại nhạc cụ, tôi giả vờ so sánh: tiếng của con ểnh ương này là tiếng đàn organ nè, tiếng của con chàng bàu này là tiếng của đàn violon nè, còn tiếng tạch tạch của chiếc vỏ lãi như tiếng nhịp trống nè. Ngày xưa hồi còn ở tuổi teen đang học ở Trưng Vương, ba mẹ tôi có chỉ dẫn thật nhiều lần về cách phân biệt âm thanh của con ểnh ương, con chàng hiu, v/ v .Nhưng thú thật là tôi "hơi bị điếc" về cái khoảng phân biệt âm thanh, nên cuối cùng thì thật sự tôi chẳng biết con nào phát ra âm thanh gì nữa. Đúng là cư dân thành thị nên bù trớt về những gì thuộc về đời sống nông thôn.Lúc có dịp tiếp xúc với mấy em nhỏ ở nhà thờ, (mấy em này đang học lớp 12) tôi có hỏi nhân dịp tuần tới là Trung Thu thì mua bánh này ở đâu? Các em trả lời ở đây không có bán bánh đó, chỉ có ra thị xã Cà Mau thì mới có. Cư dân ở đó chỉ ăn bánh in, nên hình như bánh in thật là phổ biến. Trong khi ở Sài Gòn, người ta phát ngán vì đã quá quen thuộc với bánh Trung Thu. Thời nào và ở đâu cũng vậy, cái câu: “No dồn, đói góp" xem ra lúc nào cũng đúng. Chỗ thì dư thừa quá nhiều, chỗ thì thiếu thốn đủ thứ.
Cũng xin giới thiệu với các bạn là nhà thờ có 2 cái ao cá. Các soeur nuôi cá điêu hồng là chính,
có khi tôi thấy có lẫn một ít cá chim. Một cái hồ như vậy nhưng nuôi được tới gần 1500 con.Tôi có dịp ra câu cá, thấy chúng lội tung tăng cả đàn, nhưng dụ chúng lọt vào lưỡi câu cũng phải có tay nghề nghe các bạn. Vì không dễ gì chúng chịu cắn câu à nghen. Tôi thì không được kiên nhẫn lắm để quăng cần câu và dụ khị chúng.
Đời sống ở vùng sâu, vùng xa trôi qua mỗi ngày thật nhẹ nhàng, êm dịu. Ở Cái Rắn, tôi có thể tránh xa được cái ồn ào, bụi bặm, ngột ngạt của Sàigòn. Ra đường thì chạy xe phải căng thẳng thần kinh, sơ sẩy dễ mất mạng lắm, mình không tông vào người ta thì người khác cũng tông vào mình. Nhưng thú thật là để ở luôn trở thành cư dân của Cái Rắn chắc tôi có phần suy nghĩ vì hình như tôi còn chút ham vui vì Cái Rắn không có phòng trà ca nhạc, rạp chiếu phim hiện đại, sân khấu để xem kịch, ca nhạc…Tôi cũng có dịp gặp những giáo dân ở địa phương Rau Dừa cách Cái Rắn 20 km tới dự thánh lễ.
Tôi nhẩm tính khoảng cách giống từ nhà tôi tới Hóc Môn, chạy xe gắn máy đã thấy mệt nhoài, mà những người giáo dân này họ thật siêng năng. Điều gì thôi thúc họ chịu khó như vậy? chỉ có một câu trả lời duy nhất: đức tin – lòng yêu mến Chúa.
Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện tôi đọc được trong cuốn hồi ký của cô Opra Winfrey – nữ hoàng truyền thông của Hoa Kỳ. Cô kể khi còn nhỏ cỡ 6, 7 tuổi gì đó, nhà của người bà (grand mother) thật là nghèo, không có xe ô tô di chuyển được, phải đi bộ là chính. Mùa đông tuyết rơi dầy kín mặt đất, bà của cô Opra với tấm lòng rất yêu mến Chúa Jesu, dắt cô Opra chạy lúp xúp trên tuyết, nhất định phải đi lễ nhà thờ. Bà của cô không khi nào bỏ lễ. Thật đáng khâm phục, có lẽ lòng ngưỡng mộ của người bà đã vượt tận trời xanh, nên Chúa Trời đã thưởng công cho cháu của bà là Opra nhiều năm sau trở thành tỷ phú của nước Mỹ.
Bởi vậy phải nói thật lòng trong thâm tâm, tôi thật sự ngưỡng mộ các vị linh mục, các soeur đã hy sinh đời sống riêng tư của mình đến ở vùng đất tràn đầy thử thách để hòa nhập cùng người dân nơi đây với mong ước giúp mọi người thăng hoa được cả hai mặt đời sống vật chất và đời sống đức tin.
Mong có dịp được trở lại nhà thờ Cái Rắn lần nữa để khám phá những điều mới lạ hay hay về một vùng đất thật xa xăm với Sài Gòn.
Ngày 26/9/20
Ngô Oanh
Ngô Oanh viết bài thật hay đọc thấy vui, có một cái nhìn về cách sống mà KĐ rất thích. Viết nhiều nữa nhe Oanh, cám ơn Oanh và Hoa đã đại diện TV6370 đi lo việc phúc thiện nơi hẻo lánh , xin chúc các bạn sức khỏe dồi dào, hạnh phúc và nhiều may măn
ReplyDeleteThân mến
KĐ