Chị ơi em có con mèo
Nó hay nghịch ngợm leo trèo lắm cơ
Hôm qua dưới gậm bàn thờ
Có con chuột nhắt nó vồ được ngay
Meo meo nó hát cả ngày
Em yêu nó lắm luôn tay bế bồng
Suốt mình nó trắng như bông
Trên đầu lại có chòm lông đốm vàng
Nó đi trông rất nhẹ nhàng
Lim dimđôi mắt mơ màng đáng yêu.
Đó là con mèo của cô Tỉnh . Cô là em gái của bố tôi.Theo thứ tự : Yên ,Ổn , Nhàn ,Tỉnh, cô thứ tư ,và sau cô còn có nhiều tên các cô chú khác : Thông, Minh, Định , Trịnh , Nghĩa, Danh, Dự.... Theo tôi nghiệm thấy, hình như gia đình nào đông con,thì trong bầy con đó ,thể nào cũng có một người bị ...không được bình thường.Cũng như một cây nhiều trái,thì cũng phải có trái bị vẹo vò... Bầy gà vịt chim muông cũng có con bị " Đẹt " và cô Tỉnh là người hơi bị dớ dẩn- coi như là khuyết tật. Tôi lớn lên với bài hát ru " Con Mèo " mà cô hay hát ru tôi ngoài hè.Theo lời người nhà kể thì khi cô còn bé, bị bế xốc trên vai, và đã làm cô té rớt dọng đầu xuống đất, cô bị " long óc " nên mãi đến bảy tuổi mới biết nói , rồi trở nên khật khùng . Cô ở với ông bà nội, và khi các anh chị lập gia đình, có con, thì cô là người babysit - tín nhiệm , trung thành và miễn phí, cho tất cả các đứa cháu của các ông anh bà chị, sau cùng đến cả ông em của cô, các cháu đều được ẵm bồng ru ngủ ... Lời ru chậm rãi, đôi mắt thong thả lim dim theo điệu hát trầm bổng ...giống như con mèo của cô nó hiền từ, nó trắng trẻo...và nó khoan thai... Cô đã ru tôi,và các em tôi,mỗi cái bài hát con mèo này hoài, và tôi nhớ khuôn mặt hiền lành ngớ ngẩn của cô, suốt đời chịu thiệt thòi, phải làm công không cho các anh chị em. Nếu có ai mua sắm cho cô,thì cô cũng chỉ để dành, không dám mặc những quần áo lành lặn đẹp đẽ. Đúng là ( Việt Nam còn dại chưa khôn . Sống mặc áo rách chết chôn áo lành ) . Cô cũng biết may vá chút đỉnh ( bà tôi dạy cô ) và cũng biết dùng tiền sắm riêng cho mình cái gương cái lược hay bánh xà phòng thơm. Cô cất vào cái rương nhỏ màu xanh và quí như của gia bảo !
Nếu tôi có một người anh em bị tàn tật như vậy, chắc tôi không nỡ bắt họ phải bồng cháu, nấu cơm rửa bát quét nhà, gánh nước chẻ củi... ( đôi khi còn coi cô là một gánh nặng nợ !! ) Cô chẳng hề được trả lương mà có khi còn bị những trận đòn của anh, của em, của cha mẹ, rất đau, vì cái tội " nói ngang " và rất lỳ . Người ta bảo " Ông Vua Còn Thua Người khùng " để mà bênh vực cái ngang bướng lì lợm dớ dẩn của những con người bị bệnh thần kinh !
Tôi lấy ví dụ , nhớ năm đó Xuân Kỷ Dậu 1969, mới sau Tết Mậu Thân , nên mọi người ăn Tết rất " Cảnh Giác " . Ngày mùng một, bà tôi đi lễ nhà thờ, đóng cửa dặn cô ở nhà trông nhà, ( nhớ đừng mở cửa cho người lạ vào ) sau đó mẹ tôi, tôi và ông chú đến chúc tết bà. Nhưng cô nghe lời bà dặn, nhất định không mở cửa cho chị, cháu cùng em trai vào nhà ! Thật đúng là "Hàng vô điều kiện" .Tôi phải cười trừ, đứng ngoài cửa chờ bà đi lễ về. Bà tôi cũng phải kềm lắm mới không cho cô một cái bạt tai !
Những ngày đất nước đã bị giải phóng (1975 ) Cô và bà về quê nuôi các em cho chú "đi học cải tạo" . Tôi thương cô phải làm thân " tiều phu kiếm củi " . Chẳng biết Trung Chánh Hóc Môn ngày đó sao vẫn còn có những rừng cây Muồng, để cô đi hái lá Muồng , quả Muồng về cho bà phơi làm trà uống thay nụ vối ướp gừng ! Rồi thân cây Muồng bó lại từng bó " tiều phu Tỉnh " cứ lầm lũi khiêng vác về làm củi cho bà và thím nấu cơm ! Những bữa ăn đạm bạc và những lời đay nghiến, vì hình như lúc đó người ta cảm thấy nuôi một người tâm thần dớ dẩn ở trong nhà nó là "một gánh nặng" . Và tôi phải thầm phục các xứ xở văn minh tiên tiến, mà tôi gọi là các xứ Siêu Cộng Sản, lấy của người giàu chia cho người nghèo, bằng cách đóng thuế. Họ có quỹ An Sinh Xã Hội , để cưu mang giúp đỡ những người kém may mắn .Những kẻ bất hạnh này sẽ không bị thêm một lần ngược đãi, bị làm lụng vất vả và bị khinh thường ! Tôi nghe hình như cuối đời cô Tỉnh, đi đến đâu cô cũng khoe có người em trai làm đến Thiếu Tá. Chứ chẳng có ai bao giờ khoe một người đàn bà hy sinh " làmthân trâu ngựa " cho gia đình mình mà cái người đó khùng khùng ngẩn ngơ ! Riêng tôi, cái bài hát Con Mèo tinh khôn, hiền lành giỏi giang hay chuột ...của cô Tỉnh ...luôn làm tôi nhớ về cô với một kiếp người khốn khổ. Tôi luôn phân vân tự hỏi : Hình như người ta, ai cũng có mang một cái Nghiệp ? ?
Cô Tỉnh hay là cô say ??
Sao cô ghẹo chị Nguyệt giữa ban ngày ??
Mẹ tôi tên là Nguyệt, Trần thị Bích Nguyệt, trăng rằm sáng tỏ, mà lại gặp cô Tỉnh - hay là cô Say ... ? khéo ỡm ờ câu hát ví von ... Tỉnh say đây nào phải say rượu , say đời hay say trăng ? ? mà một con người như say đi ở một bến mơ - không hề biết sự thực ở đời với những khổ đau vất vả hằn lên kiếp sống. Cô cũng chẳng hề ghẹo được chị Nguyệt của cô, vì sau cái cuộc Đổi Đời lầm than đó, chị Nguyệt - hay mẹ tôi , cũng đã lui về ở với các con, tại một địa chỉ nghe cũng chẳng ái ố mỹ miều gì " Xóm Lò Da " hay còn gọi là khu nhà ổ chuột . Mà chuột ở đây không phải là những con chuột nhắt ...mà chuột cống và người sống thênh thang đề huề trong không khí bốc mùi khó thở của cái lò thuộc da ! Không thể còn có cái mùi nào nó kinh khủng hơn . Nhưng nhờ mua được nhà này trước ngày VC vào , nên còn có hộ khẩu thành phố. Không thì chúng hốt đi kinh tế mới bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc mất rồi ! Xóm lò da đó, chuột cống chạy rầm rầm, coi người chẳng ra cái thá gì , cho nên tôi đã phải đi rước cho bằng được một con mèo. Chủ cũ của mèo đã đặt cho nó một cái tên rất Người là em Quỳnh Hương ! Và các em tôi nhất định gọi tên Quỳnh Hương cho em mèo đen dữ tợn. Mèo mới nuôi có một tháng mà làm thịt gần hết các ông kễnh mõm nhọn đuôi dài ! Mỗi lần em Quỳnh Hương tha chuột về khoe, là cả nhà tôi nhốn nháo... Chị Nguyệt ( mẹ tôi ) sợ chuột bắt chết, miệng vừa hét lên vì sợ, chân nhảy vội lên divan đứng dựng cả búi tóc lên ...Gào tụi tôi đuổi mèo ra sân
- Ơ mà mèo bắt được chuột ,nó phải tha về khoe với chủ Thành Tích của nó chứ ?
Cho nên em Quỳnh Hương cứ chui xuống gầm divan gầm gừ với cái xác chuột không chịu chui ra.
Khu nhà Ổ Chuột đó quí em Quỳnh Hương vô vàn , cho đến một hôm tự dưng em bị mất tích. Hay là em đi theo gã mèo hoang nào rồi ?? Tưởng là từ nay mãi mãi không thấy em... Ai ngờ đâu cái lão láng giềng ... Một hôm tình cờ tôi qua nhà lão mua chuối ( nhà lão bán chuối xứ, mà bán xỉ nên mua về từng xe chất đầy nhà ) tôi thấy lão " Xích " em Quỳnh Hương gần cạnh sạp chuối của lão ! Tôi giải phóng em ,sau khi đã cho lão bán chuối một màn xỉ vả ! Chuyện đến em mèo mà cũng bị nhốt tù cải tạo là thế
EM QUỲNH HƯƠNG.
CHUYỆN CON MÈO PHẦN HAI
|
Tranh Bùi xuân Phái |
Con mèo Quỳnh Hương của nhà tôi dạo đó đã được một lần " đi vào văn học " , vì cậu Hoàng em tôi, ( học sinh lớp bốn trường Khiết Tâm ) đã làm luận như sau : " Nhà em có nuôi con Quỳnh Hương mà em gọi là con mèo " Văn chương" . Lời văn ngược ngạo của cậu bị cô giáo mắng cho, mà cậu không cách chi cãi lại được , cô giáo đâu có biết đó là sự thật ?
Vì bắt chuột tài tình như vậy nên đôi lúc Quỳnh Hương bị đi du lịch như là đi tour vậy đó. Bà tôi mượn em vài tuần, sui gia của chị Nguyệt ( mẹ tôi ) cũng mượn vài tuần ! Sau cái lần bị lão bán chuối nhốt " tù cải tạo mút chỉ " em Quỳnh Hương đâm ra sợ Người và khó lòng mà vồ được em , cho nên dịch vụ " cho mượn mèo " tạm ngưng. An Nam ta nuôi mèo để bắt chuột, nuôi chó để giữ nhà , chứ nào có nuôi gia súc làm cảnh đâu ? Cho ăn thì cơm thừa canh cặn , gì không ăn được nữa thì " đổ cho chó, vứt cho mèo " ... nhưng bà tôi lại khác, lúc Quỳnh Hương ở với bà, thì luôn luôn, bà sới cơm cho mèo trước, dầm cá bống kèo kho tiêu cúa bà mà đãi em như khách quý, khiến cho thím tôi nhìn bà rất ư khó chịu. Bà chiều mèo hơn chiều cháu. Người chưa ăn đã lo cho mèo...Em Quỳnh Hương ăn nhỏ nhẻ ( như mèo ) và em có tài bắt chuột, lại không hề ăn vụng, nên Quỳnh Hương được ưu đãi...Thỉnh thỏang, nó cũng trèo lên cây dừa thoăn thoắt mà rượt chim sẻ. Cả nhà thì chỉ có mỗi cô Tỉnh là nói chuyện được với mèo , và mèo cùng nghe lời cô răm rắp, cô gọi :
- Quỳnh Hương này, tôi để cơm đây nhớ... ăn đi không nó thiu ra mất đấy... ăn hết đi, bà trộn cá rồi, ngon lắm...
- Thế là em mèo ngoan ngõan đến ăn cơm không bỏ xót một hột.
Những ngày ở Trung Chánh ; Đi thăm bà và cô, là tôi lại được thấy cảnh nhà quê thôn dã mà tôi rất thích. Trước nhà có cây Lý ( cùng họ với cây mận ) quả sai từng chùm , hoa Lý trắng nhiều sợi li ti ( như hoa Lộc Vừng ) . Quả Lý chín thì trắng mịn, ăn vừa thơm vừa ngọt.và thật mềm ( lạ lùng món quà quê ) .
Hoa Thiên Lý
Bà trồng Đu Đủ, trái cũng lúc lắc. Hàng rào râm bụt hoa đỏ chói chang- Giếng nước sau hè róc rách , cây dừa bên giếng cao chót vót.Sau nhà có bụi tre Mạnh Tông khổng lồ, thân tròn, lá to, những cơn gió lay động cành tre rì rào như nhiều lời thở than... Bà sai cô đi hái măng xào nấu cho các cháu ăn. Cô đủng đỉnh cầm con dao, loáng một cái đã thủng thẳng cầm bụp măng to tướng đi vào. Lũ em tôi ngây thơ hỏi :
- Ủa sao cô hái măng nhanh quá vậy ? Cháu tưởng cô phải trèo tít lên ngọn cây tre mới hái được đọt măng này chứ ?
- Việc gì tôi phải trèo lên ngọn cây tre ? Đi học mà chẳng biết đằng mù nào cả, tre già măng mọc, nghe thủng chửa ? măng nó mọc ở dưới gốc tre này này...
- Hớ hớ...thế mà chúng cháu không biết, tưởng cô phải trèo tít lên ngọn cây !
Cô Tỉnh làm việc nhà từ nhỏ, vì chỉ còn cô là gái, ( chị Nhàn của cô thì đã theo chồng ), các chú thì mất hết từ lúc bé, và bà cần cô đỡ đần, nên lúc nào cô cũng thỏ thẻ :
- Mẹ tôi đi đâu, thì tôi đi đấy...
Cô rất sợ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Khi cô còn trẻ,cũng có lần người ta mai mối để xin cho cô lấy chồng, nhưng ông bà không gả ( là đúng ) những người bị bệnh tâm trí như vậy, luật pháp cũng không cho phép kết hôn, vì sợ sinh sản ra những trẻ bất bình thường.
- Mẹ tôi đi đâu, thì tôi đi theo đấy. Cô đã phải tâm niệm một điều như vậy để mong luôn luôn theo phụng dưỡng Bà.
Nhưng cuối cuộc đời , cô cũng lại đi trước bà. Tội nghiệp cho cả bà và cô. Ngày đó, chú cũng định cư ở Mỹ mất rồi, bỏ bà và cô ở lại nhờ người quen chăm sóc.
Khi cô Tỉnh trở bệnh vì biến chứng của bệnh tiểu đường, mà người ta không biết, lại đi coi thày bói, nói là cô bị ma làm , quỷ ám. ( bói ra ma, quét nhà ra rác ) .
Vì sợ bị tà ma ám chướng, người ta " Trục Quỷ " bằng cách lấy roi Dâu đánh cô , cho tà ma Xuất. Ma chẳng thấy đâu, chưa xuất thì cô đã quá đau đớn mà qua đời !
Và tôi thù coi bói coi tóan dị đoan mê tín là như thế.
Lúc cô Tỉnh mất, tôi cũng chẳng về dự được đám ma, và cũng chỉ biết cô cũng được hỏa táng. Em Quỳnh Hương rồi thì ở nhà một mình vắng vẻ- Bà cũng bị gãy xương hông mà nằm liệt giường. Ra vào hiu quạnh, em mèo cứ đến nằm dưới chân giường bà, đôi lúc nó cũng đi thơ thẩn , tới bữa ăn lại ngơ ngác tìm cô Tỉnh , nó nhớ tiếng gọi của cô mà thẫn thờ. .. Cái chén đựng cơm có hình con cá, bỏ chỏng trơ... Đâu có ai nói cho mèo biết là cô Tỉnh đã mất rồi ?
Tôi cũng chúa là dớ dẩn . Chỉ vì nhớ đến cô Tỉnh với bài hát ru con mèo. Lại nhớ đến cô qua câu hát ghẹo chị Nguyệt mà viết về con mèo. Tôi xin lỗi ai đó có người thân quen hay chính bạn có tên Quỳnh Hương ...Tôi thật không muốn làm tổn thương quý bạn đã lấy tên bạn mà đặt cho em mèo. Nhưng theo tôi thấy ở xứ Mỹ này, người ta cưng ai thì mới đặt tên con thú cưng của mình bằng cái tên Người Yêu Dấu, rất ư là hài hòa. Ví dụ có con chó cưng tên gọi con Robert ...hay gọi tắt là Rôp Rôp. Thật sự ( dù bạn có gọi hoa Hồng là tên gì chăng nữa , thì nó vẫn là hoa Hồng Xin bạn miễn thứ cho tôi đã gọi em mèo đen dữ tợn là em Quỳnh Hương.
Em Quỳnh Hương
Tôi nhớ đến côTỉnh và miên man nhớ lại những ngày thơ ấu (nghe kể lại ) khi tôi còn bé tí và sống với ông bà nội , sau khi bị một trận ốm la liệt vì bệnh đậu mùa ( lúc tôi hơn một tuổi. ) Lành bệnh thì tôi ăn trả bữa, An Nam ta gọi Recovery là phục hồi sức khỏe, hay ăn trả bữa ( bù những bữa đã không ăn được ) . Hôm đó ông bà đi vắng , cô giữ tôi ở nhà, và cho tôi ăn cơm . Ăn hết bát , cháu lại chỉ cái nồi, cô lại xới cho ăn, và cứ thế xơi hết nồi cơm... Con bé sắp tắc thở vì cái " Trống Cơm " to đùng. Ông bà về nhà thấy cháu thở không được, vội vàng mang đi bác sĩ. Và vị bác sĩ khả ái đó vỗ bụng cháu bảo cháu chẳng có làm sao cả. Nếu cho ăn thêm vào thì chắc khỏi cần mang tới bác sĩ. Ôi cô Tỉnh hiền lành thật thà như đếm ! Ai bảo sao làm vậy. Cô không thể đi học , mà cô cũng có trí nhớ để thuộc những câu ca dao, những bài học thuộc lòng của trẻ nhỏ. Không biết đọc số , nhưng cô nhận ra tiền qua mầu sắc và hình ảnh. " Khôn ngoan hiện ra mặt " chỉ cần nhìn vào khuôn mặt và trông đôi mắt là có thể biết ngay người đối diện có thông minh sáng dạ hay không. Mắt nó có thần. Cho dù được trang điểm , mặc , đội các thứ lên người, nhưng khi trình làng thì con người quê kệch vẫn lộ ra qua ánh mắt .Tôi nói thế vì ngày đó lúc tôi lên tám,thì cô Tỉnh lên chơi ở với gia đình tôi một thời gian ở Đalat. Chị Nguyệt ( mẹ tôi ) hay bày trò, đã đem cô đi phi dê, rồi mặc áo dài lụa quần trắng , vẽ mắt bôi môi, bảo cô đi ỏn ẻn để chụp hình. Cô có tấm hình đẹp như tài tử Xi Cà La Ma và trông như nữ diễn viên chính trong phim cô Tỉnh về nhà quê ! Sau khi chụp hình xong thì cô vứt trả lại hết quần trắng áo lụa cho chị Nguyệt . Một người như cô , chẳng se xua gì đến cuộc sống lụa là chưng diện, có lẽ cô thấy đời sung sướng hơn những kẻ phải lo toan đầu tắt mặt tối. Tôi cho là cái u tối không được khai phá có làm bớt những nỗi suy tư. Nhưng có lẽ người ta cần được suy tư để mà thông sáng . Nét đẹp sinh lực của tư tưởng là nét đẹp tuyệt vời nhất. |
HẢO CHI
|
|
Hôm nay là ngày giỗ của cô Tỉnh , Hảo Chi muốn được post lại "chuyện con mèo " để tưởng nhớ cô.
ReplyDelete