May 25, 2014

PHÓNG SỰ TÁN SỎI THẬN Ở VIỆT NAM- ĐÀO PHƯƠNG DUNG & NGUYỄN KIM THANH.

ĐÀO PHƯƠNG DUNG



Hôm nay Dung đã hoàn hồn và khỏe hơn sau ngày tán sỏi.Các đằng ấy biết không, hôm tán sỏi về,suốt đêm ngủ,D cứ nghe văng vẳng bên tai tiếng tán sỏi kèm theo cả tiếng chó cún ( bên hàngxóm ) sủa inh ỏi, D cứ ở trong trạng thái lơ mơ không biết mình còn nằm trong bệnh viện tán sỏi hay đang ở nhà nữa,vì đang nằm ở nhà sao lại có tiếng tán sỏi, mà nếu đang nằm bệnh viện sao lại có tiếng con cún hàng xóm sủa inh ỏi ? ..
  Hôm trước D hứa kể hành trình tán sỏi gian nan như thế nào,quả thật có bệnh mà vào bệnh viện là cả một quá trình không tưởng,hình như đi bệnh viện kiểu này sẽ khiến thêm bệnh khác mất thôi.Trước khi có quyết định tán sỏi của bác sĩ,bệnh nhân phải đi xét nghiệm đủ thứ, như xét nghiệm máu, đo điện tim đồ,chụp x quang lục phủ ngũ tạng..v.v...mà mỗi lần qua một xét nghiệm là mất cả ngày trời.Đầu tiên phải đến bệnh viện từ rất sáng sớm ( có nhiều người từ dưới tỉnh lên từ 5 giờ sáng) nên dù mình có đến sớm cách mấy cũng đã có gần cả trăm sổ xin khám bệnh đề sổ trước mình rồi.Ở VN ,bây giờ ngày nào cũng đầy ắp bệnh nhân ở bất cứ bệnh viện nào, các bạn ạ!
   Ngồi đợi khoảng 1 tiếng rưỡi bệnh viện mới bắt đầu làm việc, gọi tên từng người lên để cho số vào khám bệnh, khi có số rồi lại tiếp tục ngồi đợi khoảng hơn nửa tiếng, ( có khi hơn ) mới tới số của mình để vào khám bệnh ( thực sự khám bệnh chỉ khoảng 5 đến 10 phút thôi) được giấy giới thiệu của bác sĩ để đi chụp x quang thận rồi thì phải vội chạy ngay đi tìm chỗ đóng dấu. Tới chỗ đóng dấu lại tiếp tục để sổ để xin số thứ tự khác (giống như xếp hàng theo thứ tự vào đóng dấu,để khỏi chen lấn thì phát số và cứ nhìn lên bảng điện tử thấy số của mình thì tự động đi vào..đỡ 1 cái là không phải chen lấn..nhưng cũng mệt mỏi lắm ).Khi xin được con dấu của bệnh viện rồi thì tiếp tục ngồi đợi khoảng nửa tiếng ( nếu ít bệnh nhân ) để được đóng tiền chụp x quang hay xét nghiệm máu.Cầm được biên lai dóng tiền rồi thì lại tất tả chạy bay ngay đi tìm chỗ chụp x quang ( nếu không chạy thì chắc chiều mới chụp x quang được,vả lại từ chỗ xin dấu của bệnh viện đến chỗ chụp x quang là từ phía đông bệnh viện phải chạy qua phía tây bệnh 
viện ,mà b viện thì rộng mênh mông,đi tìm thôi cũng mất nhiều thời gian, chưa kể nếu để nhầm chỗ là ngồi đợi đã đời luôn ,khi nhân viên b viện cầm lấy sổ mình và phán :sổ này phải đem qua bên phòng.....nộp,chứ không phải nộp ở đây..thế là lại mất thêm thời gian chạy đi kiếm cho đúng chỗ,và lại tiếp tục ngồi đợi gọi tên..)Khi được gọi tên ,cũng chưa được chụp ngay đâu ,nhân viên bảo đến phòng số mấy,lại đi tìm phòng đó ,tiếp tục ngồi đợi cũng khoảng nửa tiếng mới thực sự được vào chụp x quang.Chụp thì cũng nhanh nhưng nhân viên lại phán: 1 tiếng rưỡi sau ra quầy nhận kết quả.Lúc này thì mệt mỏi lắm rổi nhưng cũng đành ra ngoài sân ngồi đợi họ đem kết quả ra.Có kết quả rồi ,phải trở về chỗ cũ, xin lại 1 số thứ tự khác để đem kết quả vào phòng khàm cho bác sĩ xem...để có hướng điều trị như thế nào. ..Thế là mới làm 1 phần mười giai đoạn chữa bệnh mà mất nửa ngày trời...Ngày mai còn tiếp tục đi chụp phổi ,đo điện tim,chụp cản quang,xét nghiệm máu.vân vân và v..v..Mới đi có 1 ngày trời mà đã muốn bở cả người rồi.Suốt buổi chỉ đi làm một xét nghiệm thôi mà chạy cứ như cờ lông công,mệt đứ đừ.Đã vậy, nếu kết quả xét nghiệm mà có vấn đề gì, thì lại bắt mình chữa vấn đề đó xong ,mới nói đến tán sỏi tiếp,như huyết áp cao hay bị bệnh tiểu đường thì khoan nói đền tán sỏi..Như D khi đo diện tim đồ thì có vấn đề vế tim ( trước đây tim D rất tốt, sau vài giờ cứ phải chạy như chạy maraton mới kịp, lại còn hồi hộp hoang mang nữa chứ, chắc vậy mà tim mới có vấn đề,thế là phải đi khám lại tim đã,lại bắt D đi thử máu nữa ( dù hôm trước có lấy của D mấy cc máu rồi) bây giờ lại rút thêm mấy cc máu để xem bệnh bướu cổ như thế nào, lại chạy đi tìm chỗ khám bướu cổ ( cũng trong bệnh viện đó ) nhưng may quá, bướu đơn thuần nên không sao, rồi lại tiếp tục làm xét nghiệm  khác tiếp.Vì thế D bảo hồi hộp là như vậy, vì không biết mình có được chữa bệnh một cách xuông sẻ không...Thôi D mệt rồi không viết tiếp được nữa đâu , mà các bạn đọc chắc cũng mệt hụt hơi vì D kể chả có thứ tự lớp lang gì cả nhỉ Chưa kể một mình mình trong phòng với cái máy tán sỏi nó cứ lạnh lùng diễu qua lại trước mắt mình....Kề ra nữa thì dài lắm .Bye các bạn nhé.

NGUYỄN KIM THANH

.


  Muốn có mặt ở nhà Dung lúc 6g sáng, thì 5g30 Thanh đã phải dậy, thu sếp đi mua sẵn hai cái bánh bao cho hai đứa để kịp tới bệnh viện sớm mà về sớm...
    6g30 Thanh và Dung đã đến được phòng tán sỏi nộp sổ.Mới chỉ có một cuốn! Mừng rơn! Nghĩ rằng Dung sẽ là người thứ hai thì ...vể sớm lá cái chắc?
     7g, Cô y tá đến mở cửa, gọi tên Dung, nhìn vào sổ Dung, Cô bảo đi đóng dấu! ..Ừ thì đến chỗ có dấu, đóng kịch vào một cái là xong chứ gì? Khi tụi Thanh đến chỗ đó thì thấy một chồng sổ cao cả 15cm! Nộp vào chở gọi tên mãi mới được phát một cái phiếu nhỏ xíu, đến phòng chở đóng dấu!!! Xong xuôi, tụi Thanh chạy ù vế phòng tán sỏi thì ở đây giờ đã đông người! Mộng về sớm tan tành theo mấy khói!!!
    Đưa sổ xong, cô y tá bảo đi đóng tiền rồi mang giấy biên lai về...,mang giấy về ,cô ấy phát cho hai viên thuốc nhưng dặn đừng uống, chờ gọi tên mới uống .chờ gọi tên uống vào, ngồi chờ tiếp cả nừa tiếng mới cho vào phòng tán sỏi. Có một Cô trạc chừng năm mươi mấy, chân đi hơi đau. Dung bảo sao Cô không kêu chồng con vào vì phải đi lại nhiều nơi lắm?_ Cô ấy bảo:Hai lần trước ông ấy đau tôi đều vào chăm sóc...nhưng đến phiên tôi thì...đừng hòng! Dung bảo: Con đâu? Sao không kêu nó vào?_ Cô ấy bảo: Nó đi làm xa ,gọi làm gì cho mất công!!! Dung quay lại Thanh nói: xem ra đọc thân như Dung mà còn có phươc , được bạn đi cùng!!! Mọi người chung quanh cũng đều trợn mắt ngạc nhiên : bạn Cô ấy à? Hồi nào đến giờ tôi chưa thấy ai có bạn đi cùng cả!!! Thanh cười :"bạn từ tấm bé mà"!!!
    Dung vào  phòng tán sỏi,Thanh ngồi ngoài giữ đồ đạc cho Dung. Tiến máy tán sỏi cứ cạch,cạch-cạnh cạch đều đặn ...người ta tán sỏi có 45 phút, còn Dung hơn cả tiến đồng hồ mời ra...Thanh hỏi vội: "Có đau lắm không?"_ Dung bảo :"Không đau, chỉ thấy mỏi mỏi và muốn ói" .Cả hai đứa nằm lăn ra giường nằm nghỉ! Lưng Thanh cũng mỏi rã rời...Ngồi chờ mải mới co người đưa sổ kèn toa thuốc, mua thuốc xong mới chở Dung về....
    Trên đường vế đi ăn phở gà và uống sacoche , nhìn mặt Dung tươi tỉnh hẳn ra, chẳng ai biết Dung mới ở bệnh viện về...

                                                                                                                 KimThanh

May 21, 2014

LỜI DI CHÚC CỦA TIỀN NHÂN

LỜI DI CHÚC CỦA TIỀN NHÂN:
VUA TRẦN NHÂN TÔNG
(1258-1309)
 
Các Người chớ quên!
Nghe lời Ta dạy
Chính nước lớn
Làm những điều bậy bạ
TRÁI ĐẠO LÀM NGƯỜI
Bất nghĩa bất nhân
Ỷ nước lớn
Tự cho mình cái quyền ăn nói!
Nói một đường làm một nẻo! Vô luân!
Chớ xem thường chuyện nhỏ ngoài biên ải.
Chuyện vụn vặt thành lớn chuyện: NGOẠI XÂM!
Họa Trung Hoa!
Tự lâu đời truyền kiếp!
Kiếm cớ này bày chuyện nọ! TÀ MA!
Không tôn trọng biên cương theo quy ước
Tranh chấp hoài! Không thôn tính được ta
Chúng gậm nhấm Sơn Hà và Hải Đảo
Chớ xem thường chuyện vụn vặt Chí Nguy!
Gặm nhấm dần
Giang Sơn ta nhỏ lại
Tổ ĐẠI BÀNG thành cái tổ chim di
Các việc trên khiến Ta đây nghĩ tới
Canh cánh bên lòng “ĐẠI SỰ QUỐC GIA”!
Chúng kiếm cớ xua quân qua ĐẠI VIỆT
Biến nước ta thành quận huyện Trung Hoa!
VẬY NÊN
CÁC NGƯỜI PHẢI NHỚ LỜI TA DẶN
KHÔNG ĐỂ MẤT
MỘT TẤC ĐẤT CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI
HÃY ĐỀ PHÒNG
QUÂN ĐẠI HÁN TRUNG HOA!
LỜI NHẮN NHỦ
CŨNG LÀ LỜI DI CHÚC
CHO MUÔN ĐỜI CON CHÁU NƯỚC NAM TA.

VUA LÊ THÁNH TÔNG
(1473)
“Nếu các ngươi đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ
làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.
**********

May 20, 2014

HÔN LỂ BIỂN - TUL.


Biển lạnh 

            Truyện kể biển xưa rất  lạnh lùng
            Ngày đêm tung ngọn sóng triều dâng
            Một hôm nhìn lại buồn biển lặng 
            thảng thốt nhận ra đã bạc đầu

                            Nàng thả theo mây một nụ cười
                            rực hồng hoa giấy nở trên đồi
                            mắt buồn tư lự xa xăm hỏi 
                            Biển của  ngày xưa ? Biển của  ai ?




Nụ cười hoa
           
             Biển khóc giữa trời,  biển hoan ca 
             biển đi theo sóng,  biển về nhà
             hoa  tràn dốc đá lung linh đón  
             Trong vòng tay biển rộng bao la
                              
                             Ngày thức sớm mặt trời ca hát
                             Lời cầu hôn theo sóng đi xa
                             Biển hồn nhiên trẻ mãi không già
                             Tim sỏi đá biến màu ngọc biếc

       
               Nắng vội vã thêu  khăn áo cưới
               Gió  hôn mùi biển mặn trên môi
               Mây lang thang xe ngựa đón mời 
               huyên náo biển một ngày hôn lễ.

                                 Chú  Còng nhỏ tung tăng dự lễ
                                 Em Ốc xinh vội vã theo sau
                                 Chị Cá lanh chanh được dẫn đầu
                                 Ngừng se cát Dã Tràng nghe ngóng
                             

Tình nhân nghe biển gọi

                                              Buổi  sáng gọi  tình nhân  ra  phố
                                              bánh croissant cho bữa điểm tâm
                                              này em ,  nghe phố biển rất gần?
                                              và anh nói  hương cafê trong gió


              Đường xuống biển quanh co dốc đá
              tình nhân nghe tiếng biển  bên tai
              viết lời  thơ trên ngọn sóng dài
              đừng bỏ cuộc! Chút tình ngây dại

                                            Đứng trước biển  một ngày không hẹn 
                                            xin được làm  nhân chứng tình cờ
                                            Biển với  anh dào dạt dại khờ 
                                            Em  rực rỡ cô dâu ngày hôn lễ.

              Từ đó Dã Tràng thôi kể lể
              ngày về .....
              mình em trên biển vắng  
              ......se cuộc  tình  long đong !!!!!  (1)
                
                       
Hoa giấy trải đầy trên đồi POSHANU nhìn  xuống biển
Mũi Né Jan 2014

(1) theo ý của một độc giả trong comment về bài thơ Neo Thuyền Trên Biển Vắng.

PHÓNG SỰ MỒ MẮT Ở VIỆT NAM- Chung Đào



Chung Dao

Sau lần test mắt để tái tục bằng lái xe ở Mỹ, tôi không còn lựa chọn nào khác là quyết định đi mổ mắt cườm.  Cho dù bao nhiêu học trò là BS có khuyên rằng “cô ơi trong y khoa lúc nào cũng có một xác suất rủi ro, cho nên nếu mắt cô chưa đến nỗi tệ, đeo kính còn nhìn thấy thì không nên mổ.  Cha con đòi đi mổ hoài mà con không cho.”.  Tuy nhiên với sự khuyến khích của một bà chị đã từng mổ mắt, tôi quyết định đi mổ với sự hướng dẫn và ủng hộ tinh thần của chị.

Mổ mắt xong phải kiêng không đọc sách, xem TV, không làm việc nặng và nhất là không vào bếp nấu ăn nên tôi quyết định mổ ở VN là tiện nhất vì có người giúp việc lo mọi chuyện cho mình.  Mọi chuyện đều có trời định, mổ đâu cũng có rủi ro và có số phần.

Bệnh viện mắt đông như kiến, hai cái loa bắc to đọc tên bệnh nhân, một để đến đóng tiền một để vào phòng khám bệnh.  Bệnh nhân từ các tỉnh đã đến từ sáng sớm vì họ muốn mổ xong đón xe về trong ngày, tiết kiệm chi phí khách sạn.  Mới có 7g sáng mà đã có khoảng vài trăm bệnh nhân đứng ngồi lố nhố.

Thủ tục đầu tiên là đóng tiền làm các xét nghiệm xem bạn có bị tiểu đường, tension,,,, hay không kế đến là siêu ăm mắt để xác định có gì bất thường đối với tình trạng mắt của bạn không.  Cửa đóng tiền chen chúc nhau nhìn vào dù cô thâu ngân đã xướng tên thật to vào micro.  Thỉnh thoảng lại có người hoảng hốt kêu mất tiền hay mất điện thoại, thế là những người còn lại vội vàng giãn ra sờ lại túi quần, túi áo hay bóp xách của mình xem có còn tiền bạc và điện thoại không.  Chính bà chị xung phong dắt tôi đi mcũng đã từng bị móc mất điện thoại trong kỳ mổ mắt vừa rồi.

Các phòng xét nghiệm đông như kiến cỏ, không những các y tá sẵng giọng mắng mỏ bệnh nhân mà ngay cả các ông bảo vệ cũng thế, hình như họ chỉ có một chỗ này để thị uy bà con.  Thình thoảng một cái đầu ló vào “cô ơi ở đây có ưu tiên cho người giàkhông cô?” cô y tá trả lời ngay “ở đây ai cũng già hết anh ơi, không có ưu tiên”.  Mà thật vậy tôi có lẽ là một trong những người ít tuổi ở đấy cũng đã ngoài 60 rồi còn gì, mọi người đang chờ sốt ruột nhưng vẫn cười vang với cuộc đối thoại ấy.  Các bệnh nhân ở quê lên hơi ngớ ngẩn hỏi nhiều một tí là bị nạt nộ tưng bừng dù bên cạnh đó có hàng chữ kẻ mực xanh rõ to “lương y như từ mẫu”.  Ghi sai tên người ta người ta xin đính chính cũng mắng xối xả, nghĩ tới dịch vụ y tế ở Mỹ mà tủi cho dân mình.

Sau khi đã hoàn tất các thủ tục xét nghiệm, mọi người được phát cho một bộ quần áo bệnh nhân để vào phòng mổ.  Mục đích để mặc quần áo sạch đã khử trùng vào phòng mổ nhưng nhiều ông bà lại mặc nguyên bộ đồ mổ ấy ra ngoài trang phục của mình thế là y tá lại được dịp quát nạt la hét.

Sau đến thủ tục làm cam kết là phải chịu mọi hoàn toàn rủi ro, cô y tá thoăn thoắt đọc cho từng bệnh nhân viết “tôi hiểu rõ tình trạng mắt của mình, đồng ý mổ và chấp nhận mọi rủi ro trong quá trình phẫu thuật không khiếu nại gì..” bệnh nhân phải tự ghi bằng chính tuồng chữ của mình, nếu bệnh nhân quá già hay không biết chữ người nhà sẽ được kêu vào để ký thay.  Một ông Việt Kiều cự nự “sao lại bắt bệnh nhân chấp nhận rủi ro và cam kết như vậy? lẽ ra bệnh viện phải cam kết mổ không bị rủi ro chứ”.  Cô y tá trả lời “chú ơi thủ tục ở đây là thế, nếu chú không đồng ý thì thôi khỏi mổ..” thế là bệnh nhân đành chịu.

Các cô y tá trong phòng mổ có lẽ là dịu dàng nhất vì phòng mổ cần sự yên tĩnh, và có lẽ trong giờ phút căng thẳng của bệnh nhân trước khi mổ họ không nỡ làm cho bệnh nhân sợ hãi quá có thể nguy hiểm tới cuộc phẫu thuật chăng? Sau 75, theo giải thích của các học trò BS của tôi, thì mổ cho người sống thì được dùng chữ phẫu thuật, còn giải phẩu bây giờ chỉ dùng cho mổ tử thi thôi.

Sau khi được chích thuốc tê vào con mắt mổ, bệnh nhân được đánh dấu thập và băng con mắt đó lại, ngồi lố nhố trước phòng mổ đợi tới phiên mình.  Phòng mổ được sắp xếp hai giường mổ, ở giữa là ghế ngồi của ông BS phẫu thuật.  Cứ trong lúc BS mổ bệnh nhân ghế bên kia, thì bên này y tá lo chuẩn bị cho bệnh nhân khác sẵn ng.  Ông BS cứ thế xoay qua xoay lại mổ như mổ gà, mỗi ca mổ chỉ mất có 10 phút.  Giọng nói nhẹ nhàng của ông xoa dịu phần nào nỗi sợ hãi của bệnh nhân.  Có ông bệnh nhân trong chiến tranh đạp trúng mìn chỉ còn có một mắt, leo lên bàn mổ vẫn khẩn thiết năn nỉ BS “BS ơi em còn có một mắt BS giúp mổ cho tốt” thật là tội nghiệp.

Sau khi mổ mọi người sẽ được băng mắt lại và theo lệnh của y tá phải để đên hôm sau quay lại thay băng làm thuốc mới được mở băng ra.  Tất cả bệnh nhân được tập trung lại như trại cải tạo để cô y tá phát thuốc và giải thích cho cả đám một lần duy nhất, tiết kiệm sức lực của cô.  Ngày hôm sau trở lại thay băng, hỏi thăm mọi người, ai cũng nóivề nhà đến chiều chiều là tui hé hé coi có đui chưa.  Đã từng có một ông BS nổi tiếng ở BV này bị một Việt Kiều kiện vì mổ mắt xong thì không còn nhìn thấy gì nữa.  Tuy nhiên những rủi ro trong y khoa, chẳng ai lường trước được.

Phải công nhận rằng bây giờ BS ở Việt Nam cũng rất giỏi nhưng cơ sở hạ tầng của các bệnh viện chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, mà người dân lúc nào cũng tập trung vào các bệnh viện trung ương ở tuyến trên, họ hoàn toàn không tin tưởng vào các bệnh viện tỉnh nên có một  nghịch lý là dưới tỉnh thì bệnh viện thưa vắng, còn trên Saigon thì lại quá tải.  Đội ngũ chuyên viên y tá cũng không đủ để phục vụ bệnh nhân, những người có thu nhập cao một chút chọn cách mổ dịch vụ đắt gấp 3 hay 4 lần so với mổ thông thường, nhưng được phục vụ tận tình hơn.  Chưa nói tới những người đi khám bệnh hay mổ bằng bảo hiểm y tế thì còn bị hạch sách dài dài có lẽ vì họ không thu được tiền ngay và còn phải làm thủ tục phiền hà.

Thôi thì mổ xong mà con mắt còn sáng là ông trời thương rồi, vì không chỉ trình độ BS, máy móc tối tân, cơ sở hiện đại mà còn có bàn tay của đấng tối cao quyết định cho sự thành công của ca mổ tôi tin như vậy vì bạn tôi ở Thụy Sĩ cũng mổ mắt, cũng chọn BS giỏi mà rốt cuộc xui xẻo lạbị bong võng mạc hỏng cả mắt.

Saigon May 20th 2014

May 19, 2014

Tiếng Hát Hoả Châu- Mimosa




Buổi sáng ngày 4 tháng 5, khuôn viên nhà thờ Tòa tổng Giám mục đầy nắng nhẹ. Sàigòn vẫn đang 
trong mùa nóng, nắng thủy tinh hanh vàng trên những ngọn cây. Tháng 5 là tháng người Công giáo gọi là tháng hoa dâng Mẹ, vì mẹ Maria hiện ra cho dân làng trông thấy lần đầu tiên vào ngày 13 tháng 5 năm 1917 tại Fatima, Bồ Đào Nha. Sau khi xong thánh lễ, tiếng hát của cô Khánh Ly từ những hàng ghế phía cuối của nhà thờ vang lên bài thánh ca “Xin vâng”. Mọi người gần như quay xuống để xem cô ngồi đâu, nhưng cô ngồi lẩn khuất trong đám đông

Sau khi cô hát xong, mọi người bắt đầu tìm cô để chụp hình chung với cô. Đám đông vây quanh cô hết tốp này đến tốp khác. Cô được nhiều người ái mộ quá. Đừng nói là thế hệ lớn tuổi mới chụp hình với cô nghe, giới trẻ bao vây cô nhiều lắm. Ở tuổi đó mà được như cô là xinh đẹp lắm. Cô nổi tiếng kéo dài suốt nhiều thập niên, được báo chí đặt cho rất nhiều tên mà tôi không nhớ hết: “Nữ hoàng chân đất, tiếng hát da vàng…”
    
Trên đường về nhà, tiếng hát của cô như vẫn còn vang bên tai tôi. Tiếng hát kéo tôi trở ngược về 
miền ký ức rất lâu rồi hồi tụi mình học trung học, đại học. Tuổi thơ của tôi hay của các bạn đồng niên TV lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh, nên dù ít hay nhiều chúng ta đều bị ám ảnh bởi mùi khói của súng đạn. Giọng hát của cô thành công ở loại nhạc da vàng của Trịnh Công Sơn, nhạc quê hương, nhạc tình đôi lứa lãng mạn, nhạc tình thời chiến tranh, nhạc tiền chiến. Nhưng sao trong tất cả dòngnhạc cô hát, tôi chỉ thích cô hát những bài ca da vàng của Trịnh Công Sơn và những bài nhạc tình thời chiến tranh lúc đó. Hay tôi bị ấn tượng vì thời đó lúc mỗi tối tôi đang học bài thì tiếng hát của cô vang ra từ cassette nhà ai: “…..chiều đi trên đồi cao hát trên những xác người. Tôi đã thấy tôi đã thấy trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn…”. Lúc đó đang thời kỳ chiến tranh, nên tiếng máy bay cứ bay vần vũ trên bầu trời đêm thường xuyên. Tôi nhìn ra ngoài trời, có khi ánh sáng của những trái hỏa châu tập trung ở một hướng nào đó làm sáng rực bầu trời đêm. Cứ mỗi lần nhìn thấy ánh sáng của trái hỏa châu, tôi thấy lòng buồn man mác. “…Ghế đá công viên dời ra đường phố,Người già ho hen ngồi im tiếng thở. Từng vùng đêm đen hoả châu thắp đỏ. Em bé loã lồ suốt đời lang thang..
.
                                                      

Tôi nhớ có lần mình lang thang ở mấy kiosque đường Nguyễn Huệ bỗng nghe một bài hát mà giai điệu rất hay, còn lời bài hát thì văn chương bay bổng. Cô bán hàng giới thiệu cho tôi bài “Kỷ vật cho em” của Phạm Duy mới ra. Tôi quyết định mua liền cuốn băng có bài hát đó. “Em hỏi anh bao giờ trở lại. Xin trả lời mai mốt anh về…Em một chiều dạo phố mùa xuân, bên người yêu tật nguyền chai đá… ”. Đây là bài hát về tình yêu trong chiến tranh tôi cho là hay nhất. Có rất nhiều người hát bài Kỷ vật cho em, nhưng tôi vẫn thích cô hát bài này vì tiếng hát của cô Khánh Ly diễn tả được nỗi đau thương của con người trong chiến tranh: một chút xíu tiếng khóc, một chút xíu tiếng nấc, một chút xíu tiếng than, một chút xíu tiếng nghẹn ở trong tim của thân phận người trong thời chiến.  Không khí như ngột ngạt bức rức không nói ra nhưng tự thâm tâm mỗi người phải biết: “là ngày mai mình còn sống hay không?”. Cứ mỗi đêm tôi nhìn ra ngoài trời, trên cao lập lòe ánh hỏa châu thì tiếng hát của cô cứ vang bên tai tôi: “…Một ngày mùa đông trên con đường mòn. Một chiếc xe tang trái mìn nổ chậm. Người chết hai lần thịt da nát tan....”.

Thế hệ trẻ bây giờ may mắn hơn chúng tôi nhiều được lớn lên trong thanh bình. Chỉ mong những trái hỏa châu đêm đêm sẽ không bao giờ còn có dịp nở bung trên quê hương thân yêu./.

Sài gòn ngày 6 tháng 5, 2014
Mimosa

May 17, 2014

Nhớ tiếng ve xưa


NHỚ TIẾNG VE XƯA

 Ngô Oanh



Nhìn sân trường của các em nhỏ vắng lặng, tôi biết thêm một mùa hè nữa lại về. Nhớ ngày xưa tháng 5 giờ này ve sầu đậu trên cây đã cùng nhau hát vang ca khúc “hè về”.

Tiếng ve vang lên rộn rã, làm lòng người học trò lúc ấy thấy nôn nao trong tấc dạ như thế nào mà không diễn tả được thành lời. Nếu hỏi học trò thích mùa gì nhất, thì ai cũng đều thích mùa hè? Kỳ lạ, đi học mà lại cứ thích nghỉ ở nhà chơi, học trò có những cái “quái” như thế. Có lẽ vì học trò đã quá mệt mỏi, căng thẳng với bài vở, nên nghỉ học là sung sướng nhất. Tiếng ve sầu kêu vang cùng hoa phượng vỹ nở tươi thắm là hai kỷ niệm không quên của tuổi học trò của chúng ta ngày ấy. Đáng tiếc thay thế hệ trẻ bây giờ không còn biết tiếng hát của ve sầu là gì, vì người ta đã bê tông hóa tất cả các lề đường, các cây cổ thụ hai bên đường đều bị chặt hết để mở rộng lề đường. Ngày xưa hầu hết các lề đường đều là cỏ, nhà nhà đều có hàng rào có khi là bông bụp, có khi là hoa bìm bịp hoặc Tigôn…. Nhưng cái mảng xanh ấy đã bị khai tử chắc là trên ba chục năm rồi thì phải? Người ta xây cửa, xây hàng rào kiên cố để chống trộm cướp, ôi nghĩ đến chỉ thấy lòng buồn man mác. Con người bây giờ luôn sống trong tâm trạng hoài nghi: sợ trộm, sợ cướp.


                                             





Thưở còn học cấp 2, tôi và các bạn cùng xóm hể cứ hè về, nghe tiếng ve, tiếng dế kêu vang là hay rủ nhau đi bắt ve, bắt dế. Nhìn con ve sầu đậu trên cành cây đang từ từ lột vỏ để thoát xác, không ai trong chúng tôi nỡ bắt chúng. Thật kỳ diệu, đôi cánh của chúng mỏng dính như vỏ lụa trắng ngần có nhiều gân cứ từ từ dài ra, lớn dần. Phải mất vài tiềng đồng hồ chứ không ít đâu để con ve sầu thoát ra cái vỏ ấu trùng màu nâu. Loài côn trùng không chích, không cắn, vô hại đối với con người. Ve sầu đực tạo âm thanh bằng cách rung hai cái loa làm bằng màng mỏng. Những vòng sườn được co giản thật nhanh, làm rung màng mỏng tạo sóng âm thanh. Ve lắc mình và dùng cánh để tạo nhịp lên xuống cho “bài hát” của mình. Ve cái không tạo được âm thanh, nhưng có hai cái màng hai bên mình, chỉ dùng để nghe ve đực hát và “bị dụ dỗ”. Ve đực khi không hát, cũng dùng hai cái loa ấy làm tai, “nghe” ngóng động tĩnh chung quanh.

Các bạn trẻ bây giờ ở thời đại @, giải trí chỉ còn dán mắt vào di động, laptop, tivi… ngồi thu mình cô đơn một chỗ, đâu biết tiếng ve, tiếng dế kêu như thế nào! Còn chúng ta ngày ấy, hay rủ bạn cùng xóm chơi những trò chơi gần gũi với thiên nhiên. Mùa hè của chúng ta là cây phượng vỹ rực rỡ bông màu đỏ tươi thắm, chúng tôi hay bẻ nhụy rồi chơi trò “đá gà” móc 2 cái nhụy lại với nhau, đứa nào bị gãy hết đống nhụy trước thì thua. Mùa hè còn là nghe tiếng dế kêu “rét rét”, nghe tiếng ve sầu rỉ rả bản nhạc “hè về”. Không hiểu loài ve, loài dế chúng đã “đi định cư” ở nơi nào nhỉ? Cho tôi hoài niệm một chút tiếng ve xưa./.

Ngô Oanh




GIẾNG NƯỚC TRÍ QUANG

GIẾNG  TRÍ QUANG

                             


Với  lòng kính trọng và tri ân công ơn dạy dỗ của  thầy Đào Đức Hoàng, Minh Tâm A1 đã đại diện cho TV63-70 làm một giếng để tưởng nhớ và hồi hướng công đức cho Thầy. 

Cám ơn Minh Tâm vẫn luôn chu đáo thay các bạn làm giếng để tưởng nhớ đến công ơn Thầy ,Cô của chúng mình . 

Có vài hình ảnh cùng thư của Minh Tâm  xin gửi đến các bạn.

Tâm đã đại diện các bạn 63~70 làm một giếng để tưởng nhớ va` hồi hướng công đức cho thầy Hoàng , Tâm xin gửi đến các bạn đây .
Chúc các bạn một cuối tuần vui vẻ và thoải mái.
Thân mến.

Minh Tâm  




May 13, 2014

TV6370 VIẾNG CÔ VƯỢNG LẦN CUỐI !!!!




CHÚNG CON TRƯNG VƯƠNG 6370
VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC
TRƯỚC SỰ RA ĐI VĨNH  VIỄN CỦA GIÁO SƯ VIỆT VĂN
 CÔ LÊ THỊ VƯỢNG
VÀO LÚC 9H00 NGÀY 12 THÁNG 5 NĂM 2014
NHẰM NGÀY 14 THÁNG 4 NĂM GIÁP NGỌ..
TANG LỄ VÀO LÚC 6 H NGÀY 14 THÁNG 5 NĂM 2014.
CHÚNG CON ĐSTV VÀ TV6370
XIN NGUYỆN CẦU CHO HƯƠNG LINH CỦA 

CÔ LÊ THỊ VƯỢNG
ĐƯỢC VÃNG SANH AN NGHỈ  TRONG CÕI VĨNH HẰNG  

CŨNG XIN THÀNH KÍNH CHIA BUỒN CÙNG TANG QUYẾN 
.




13/5/2014

         Chiều tối nay Thanh cùng các bạn Dung, Liên, Anh Thư, Tâm mini,Kim Hoa ,Tân,Thanh (mặt trời) và Ngọc Yến cùng đến viếng tang Cô Vượng! 
          Các bạn An Trinh, Thành Oanh, Phan Tân Lê,Bich Ngọc có việc bận không đi được có nhờ tụi Thanh gửi phúng điếu Cô! 
          Thanh có gặp nhóm các chị Trưng Vương niên khóa 60-67, hơn chúng mình ba niên khóa. Cô Đức Tân cho Thanh hay là buổi sáng có Cô Hiền, Cô Tố và Cô Đức Tân đến viếng Cô Vượng.
          Theo con gái nuôi của Cô kể lại là gần đây Cô khỏe ra, mới đi chơi Bửu Long với con cháu và buổi sáng hôm Cô mất Cô vẫn ăn uống bình thường...sau đó Cô kêu hơi choáng váng ,mệt và ra đi rất nhẹ nhàng!!! Cầu mong hương linh Cô sớm lên cõi Phật!



THƯ, LIÊN , DUNG , THANH, KIM HOA VÀ MINH TÂM


NGỌC YẾN, TÂN LÊ VÀ THANH  (mặt trời)

14/5/2014


Sáng sớm hôm nay (14/5/14) Thanh thay mặt các bạn Trưng Vương 63-70 đưa tiễn Cô về chốn bình yên  vĩnh cửu.
  Dẫu biết: " Thời gian đã qua đi thì không bao giờ trở lại...
                  Dòng sông đã trôi đi thì sẽ không bao giờ quay về chốn cũ...."
  Nhưng Thanh vẫ muốn lưu lại trong ký ức khoảng thời gian cùng Thầy Cô và các bạn chung sống trên một khúc sông êm đềm, thơ mộng ,hiền hòa trong thời thơ ấu...
   Ngày gặp Cô vào dạy văn lớp đệ lục A2,trong ký ức lúc 12 tuổi của Thanh hiện lên vóc dáng Cô mảnh mai, gầy yếu, Cô giảng day tận tình ....nhưng nét mặt Cô luôn có vẻ âu lo mệt mỏi và muộn phiền!!!....không như các Thầy Cô khác! 
   Mãi cho đến thời gian gần đây ,hơn một năm nay,Thanh mới nhìn thấy được nét mặt tươi tắn, an vvui ....Cô đã hẹn đi chơi  với các học trò cũ ở Bình Dương...nhưng Cô đã không thực hiện được!!!! Hình như đã đến lúc Cô phải ra đi trong nhẹ nhàng ,thanh thản???
   May mắn  trong ngày tiễn Cô đến nghĩa trang Gò Dưa ,Thanh cùng đi với chị Vân Loan (niên khóa 54-64.Hình như "Trời đã sắp xếp chỗ Cô gần ngay cạnh bên chỗ Thầy . Thầy mất năm 1990, chung quanh mộ Thầy chằng chịt các ngôi mộ khác từ thời đó.Theo lời con gái Cô kể thì cách nay hơn một năm, người nhà ngôi mộ kế bên Thầy tự ý bốc mộ đem đi nơi khác ...nên Cô có ngay chỗ nằm cạnh bên Thầy đến mãn cuộc đời....
   Cầu mong hương linh Thầy và Cô luôn mãi bên nhau .....
                                                                                                                                                                          KimThanh

May 12, 2014

TRANG THƠ NHẠC CUỐI TUẦN

 TIẾNG HÁT MỘT THỜI KỶ NIỆM.



Khánh Ly + Trịnh Công Sơn trong sân trường Đại học Văn Khoa Saigon xưa.


Gần đây trên diễn đàn mạng ở hải ngoại ít nhiều cũng nói về chuyện nữ ca sĩ Khánh Ly sẽ trở về hát ở Việt Nam, và trên diễn đàn mạng VN mấy ngày vừa qua đã đăng tải và có nhiều  bài viết cùng hình ảnh của ca sĩ Khánh Ly về buổi live show duy nhất của  Khánh  Ly được tổ chức tại Hà Nội.

Gạt bỏ và không đề cập đến  những ý kiến về vấn đề này, Trang thơ nhạc cuối tuần xin gửi đến các bạn một vài video clip đã được đăng tải lên youtube , để chúng ta cùng nghe lại tiếng hát Khánh Ly trong một loạt những tình khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Những tình khúc và tiếng hát này  một thời đã để lại nhiều kỷ niệm cho chúng ta về một quãng đời đã xa . 
Mời các bạn cùng thưởng thức.

                              


Liên khúc mở đầu - Diễm Xưa - Tình Xa- Tình Nhớ.

May 11, 2014

MỪNG NGÀY CỦA MẸ

  HAPPY MOTHER' S DAY


ĐSTV thân mến chúc các bạn TV6370, cùng quí đọc giả và thân hữu một Ngày của Mẹ thật  ngọt ngào bên gia đình thương yêu, và hạnh phúc cùng các con các cháu.



Thiệp do Hải Châu làm.
Hoa Dogwood do nhiếp ảnh gia Bạch Mai chụp.

May 9, 2014

MẸ TÔI -BÍCH QUY

 


   
          Năm nay mẹ tôi đã tám mươi bảy tuổi rồi. Cái tuổi mà các bạn mẹ tôi nhiều người đã quy tiên. Bà được sáu cháu ngoại, có nếp, có tẻ, có đứa ở gần, lại có đứa ở quá xa , có đứa đang đi học và có cả đứa đã đi làm . Mẹ thương tất cả các cháu hay nhắc đứa ở xa và hối bố mẹ đứa đi làm lo mà dựng vợ gả chồng cho con.
           Thời còn trẻ, mẹ tôi cũng đẹp lắm, Đấy là tôi chỉ nhìn hình mà thấy thế thôi.
           Gương mặt bà toát ra vẻ hiền hậu, thật thà. Mẹ tôi không có con trai nhưng bố tôi lại rất yêu quý bà. Vừa rồi chúng tôi còn được ăn mừng ngày cưới thứ 63 của ông bà. Đó cũng là "kỷ lục" mà chị em tôi cùng thầm mơ ước. Chỉ cần đủ năm mươi năm , người ta đã làm lễ "kim cương" được rồi , vậy mà...tình yêu của bố mẹ tôi còn quý hơn cả kim cương?

           Hằng năm cứ đến lễ hội Hai bà Trưng mà cô Ninh là hội trưởng hay mời mẹ tôi và các bà bạn đồng trang lứa về dự hội. Mẹ tôi kể các bà đều là nữ sinh trường Đồng Khánh, tiền thân của trường Trưng Vương bây giờ. Đã có lần cô Ninh còn viết một tiểu phẩm để mẹ tôi và một bà bạn lên sân khấu diễn kịch . Chỉ có hai nhân vật diễn tả "Mối tình của chàng trai trường Bưởi và cô nữ sinh Đồng Khánh" . "Cô nữ sinh " lúc ấy là mẹ tôi đã ...Bảy mươi lăm tuổi !!! . Chao ơi, Tôi không thể biết bằng tuổi ấy tôi sẽ ra sao? Có còn ...hăng hái được như mẹ tôi không?

           Tôi còn nhớ Đại hội Trưng Vương năm ấy các bà mặc áo dài lục tục lên sân khấu . Các bà đứng chen nhau thành hàng dài . Cô Ninh đứng giữa cầm micro và bắt nhịp cho các bà hát bài hát ngắn quen thuộc từ hồi còn đi học bằng tiếng Pháp và một bài tiếng Việt. Rồi cứ mỗi năm mỗi thưa dần đi , cho đến năm ngoái thì tôi chỉ còn thấy vài cụ lên sân khấu phải có con cháu dìu đi. Các cụ đều trên tám lăm tuổi cả rồi . Chỉ lên cho có mặt để đại diện cho lứa học trò xưa của thế kỷ trước thôi . Thật là ngậm ngùi vì có cụ đã về miền tiên cảnh, có cụ ốm đau và có cụ theo con cháu dời đi xa không thể đến được. Thời gian trôi thật nhanh, ngay cả các thầy cô giáo dạy chúng tôi là thế hệ sau của lớp người như cô Ninh và mẹ tôi cũng đã quá già rồi . Bọn học trò như chúng tôi cũng có đứa làm "bà nội, bà ngoại" đấy thôi.

           Càng ngày tôi càng thấy mẹ tôi quên nhiều những chuyện mới xảy ra nhưng lại nhớ được cả những chuyện lúc tôi chưa sinh ra. Mẹ tôi hay nhớ về quê ngoại , ở tận làng Hữu xa xôi miền Bắc. Đặc biệt mẹ tôi chẳng bao giờ bầy tỏ cái sự thương nhớ ấy với chúng tôi, " lũ vịt giời" chỉ có hai đứa kịp sinh ra trên đất Hà nội nhưng lại chẳng biết tý nào về chốn ấy vì quá nhỏ đã phải theo bố mẹ vào Nam khi đất nước bị chia cắt. Chỉ khi có các anh chị họ tôi ở miền Bắc vào thăm là mẹ tôi mới trút nỗi niềm :
- Cô nhớ quê quá, bao giờ mày ra cho cô theo với. Cô vẫn nhớ cái nhà lớn ở giữa cái sân to có cây nhãn bên cạnh cái bể nước ấy cháu ạ. Cây nhãn sai quả lắm, thưở nhỏ cô vẫn trèo lên hái đấy.
             Mẹ tôi quên là mình chẳng thể đi đâu xa được nữa rồi.

             Có khách đến nhà là mẹ tôi thích lắm, cứ tưởng như ai cũng biết quê của bà.
- Này , cháu có biết làng Hữu không ? Làng Hữu Thanh Oai ấy .
Mẹ tôi đinh ninh rằng ai cũng phải biết cái làng Hữu yêu quý của bà . Lúc mới thông thương, mẹ và tôi cũng có dịp được ra thăm . Đó là quê nội của mẹ tôi , một làng quê yên ả , có con sông Nhuệ chảy qua cây đa đầu làng. Phong cảnh thật hữu tình . Lúc ấy , làng của mẹ tôi chưa có gì thay đổi vẫn y như hồi mẹ rời xa nên khung cảnh ấy cứ in đậm mãi trong tâm trí của bà.
Thỉnh thoảng bà hay kể mình nằm mơ thấy trở về làng cũ. Có lẽ mẹ tôi cứ sống với cái tiềm thức ấy lại đẹp hơn. Hiện tại thì nó đã chẳng còn dấu vết gì của cái hồi xa xưa ấy. Người ta đã biến cải nó thành phố phường mất rồi .

             Mẹ tôi mà đi tắm thì rất lâu mới ra . Chẳng ai biết bà làm những gì mà lâu thế? Có lần bà kể :"Suýt nữa thì ngã may mà bám được vào cái lavabo " Từ đó chúng tôi thuyết phục bà không được cài cửa nhà tắm. Có lần, cần lấy cái khăn tôi đã hé cửa vào thì thấy bà đang... cọ sàn nhà tắm. Lần khác thì bà đang ngồi giặt khăn....Chung quanh bà xếp những bốn cái chậu nhựa. Hỏi sao bà để lắm chậu thế? Bà bảo thế mới tắm đủ. Thì ra bà chẳng tắm bằng vòi sen có nước nóng, lạnh mà cứ hứng ra chậu rồi mới tắm.

           Tôi bắt đầu nấu bữa cơm chiều thì bà cũng lấy quần áo vào nhà tắm. Tôi nấu xong và dọn cơm ra , gọi bà thì bà bảo :"Cứ mời ông ăn trước đi, mẹ ăn sau" Bố tôi ăn xong rồi mà mẹ tôi vẫn chưa ra. Vậ̣y là bà đã ở trong nhà tắm hơn hai tiếng đồng hồ. khi ra ngoài với đầu tóc ướt nhem, mấy đầu ngón tay nhăn nheo vì ngâm nước quá lâu. Không thể để tình trạng này kéo dài. Tôi quyết định từ nay phải tắm cho bà. Lúc đầu nghe tôi nói là bà giãy nảy lên ngay, phản ứng rất quyết liệt không chịu để tôi tắm .

           Tôi phải vừa cương quyết vừa dịu ngọt mới dỗ được bà vào nhà tắm. Tôi dẹp hết các chậu của bà và để bà ngồi vào một cái ghế tắm , vừa gội đầu xong thì tôi nhẹ nhàng xoa xà bông tắm rửa , kỳ cọ cho bà. Ngày xưa thân thể mẹ tôi thẳng thớm , cao ráo là thế, vậy mà bây giờ...tôi xót xa nhìn cái lưng còng xuống cong như con tôm khiến hai bầu vú mẹ tôi gần chạm đến rốn. Cái bụng cũng to ra, chảy xệ xuống che lấp cả háng. Có lẽ mẹ tôi bị bệnh loãng xương nên mới thế.
Tôi lau khô người và mặc quần áo vào cho bà . Xong đưa bà ra ngoài ngồi vào ghế. Bà nói :" Sao mà tắm nhanh thế? Tắm thế thì sao mà sạch được?" Tôi hiểu là mẹ tôi đã quen tắm lâu và cho như thế mới kỹ càng , mới sạch được. Tôi quyết định từ đây sẽ mỗi ngày tắm cho mẹ và tôi thấy rằng chỉ trong vòng một tuần bà đã quen cho tôi tắm và bà cũng cảm thấy như thế khỏe ra. Sau đó , dù tôi bận việc hay đi vắng thì bà cũng đợi tôi về để tắm cho bà.

           Xem truyền hình, mẹ tôi hay hỏi những câu :
           - Nó nói cái gì thế con?

           - Xem chẳng hiểu gì cả
           - Phim gì mà cứ chốc lại đánh nhau .
Mẹ tôi đã nghe không rõ và không nghe kịp nữa rồi. Chỉ có phim hoạt hình là mẹ ít hỏi nhất.

            Đến bữa , cha mẹ tôi ngồi cạnh nhau . Ông luôn xẻ nửa bát cơm cho bà, còn bà thì gắp thức ăn cho ông. Món ăn thường được cắt thật nhỏ hoăc xay ra hay nấu thật mềm cho dễ ăn. Có khi ông còn xúc cho bà ăn và cứ nhìn bà thật "đắm đuối" . Thỉnh thoảng ông còn nắm lấy tay bà thật là tình cảm. Ông cũng đã chín mươi hai tuổi rồi , mắt mờ, chân run nhưng vẫn cứ muốn săn sóc bà.

Trước kia mẹ tôi rất chăm chỉ làm việc nhà, bây giờ bà đã quên và lẫn nhiều nhưng vẫn thích làm như một thói quen. Bà lấy quần áo ra , sắp xếp lại nhưng lại quên không biết cất thế nào cho đúng chỗ, thế là thay vì gọn gàng bà lại làm bừa bãi ra thêm. Rốt cuộc bà lại có thêm việc mới là đi tìm những vật dụng của mình chẳng biết cất ở đâu.
           - Có đứa nào lấy của mẹ cái lược không? Vừa để đây mà đâu mất rồi?
Bà cũng chẳng còn nhớ là mình "vừa để" hay đã dúi vào một xó xỉnh nào rồi. Có lần người ta cho hộp bánh, bà đem cất kỹ rồi quên , đến khi tôi sắp xếp lại tủ mới tìm thấy thì nó đã quá date và không còn dùng được nữa rồi.

        Mẹ tôi vẫn ăn được và ngủ rất nhiều. Lưng còng nên bà nằm cong lại như con tôm . Mẹ tôi đã chẳng còn phân biệt được ban ngày hay ban đêm . Mời bà ăn cơm chiều thì bà bảo :
- Mới sáng ra đã ăn cơm à? Chưa ăn sáng mà.

        Một hôm mẹ tôi leo được hai bậc cầu thang thì ngã . Bà nằm sõng soài ở chân cầu thang. Máu chảy ướt cả áo. Tôi đỡ bà lên ghế, cầm máu và băng bó vết thương cho bà. Tôi chỉ có thể đoán rằng khi ngã bà đưa tay lên đỡ và cái vòng vỡ đã cứa vào sau tai làm chảy máu. Bà rất tỉnh táo hỏi :
        - "Mẹ nghe bịch một cái to lắm. Đứa nào ngã thế?"
Trời ơi, bà đã không biết là mình ngã. Khi tôi băng bó thì bà bảo :
        -"Làm cái gì trên đầu mẹ thế? " Rồi lấy tay giật cái băng ra. Mấy lần như vậy. Cuối cùng phải xỏ hai cái tất vào tay bà , rồi giữ yên thì bà mới thôi.
          

          Đi khám thì chẳng phát hiện ra bệnh gì nhưng kể từ ngày ấy thì mẹ tôi cứ yếu dần đi. Tất cả thức ăn đều phải xay nhiễn và mẹ tôi chỉ có thể nuốt chứ không phải nhai nữa.
Mẹ tôi đã chẳng phân biệt được ngày đêm và vị trí nữa rồi . Bà hay hỏi "Giường ở đâu?" "Nhà tắm ở đâu?". May mà mẹ tôi vẫn còn "nhận diện" được những người thân quen.

          Cũng y như khi chăm em bé nhưng bé thì dễ thương , mỗi ngày mỗi lớn, mỗi nở ra như một đóa hoa còn mẹ tôi dù có chăm sóc kỹ lưỡng thế nào thì mẹ tôi cũng ngày càng yếu đi, héo dần đi thôi ....

         Tôi nghiệm ra rằng qua bên kia con dốc cuộc đời, ông Trời sẽ lấy lại từ từ sức khỏe và tâm trí để người ta lại trở về với tuổi thơ vô tư như hồi còn là nhi đồng.

          May là Trời còn thương không để mẹ tôi phải bệnh tật nan y gì. Vẫn biết sinh tử là lẽ tự nhiên nhưng tôi vẫn mong mẹ cứ sống với tiềm thức đẹp đẽ một thời, cứ vô tư như trẻ thơ với hiện tại và cả tương lai để cho con cháu được ngày ngày cận kề bên mẹ , Mẹ ơi....


BÍCH QUY