May 19, 2014

Tiếng Hát Hoả Châu- Mimosa




Buổi sáng ngày 4 tháng 5, khuôn viên nhà thờ Tòa tổng Giám mục đầy nắng nhẹ. Sàigòn vẫn đang 
trong mùa nóng, nắng thủy tinh hanh vàng trên những ngọn cây. Tháng 5 là tháng người Công giáo gọi là tháng hoa dâng Mẹ, vì mẹ Maria hiện ra cho dân làng trông thấy lần đầu tiên vào ngày 13 tháng 5 năm 1917 tại Fatima, Bồ Đào Nha. Sau khi xong thánh lễ, tiếng hát của cô Khánh Ly từ những hàng ghế phía cuối của nhà thờ vang lên bài thánh ca “Xin vâng”. Mọi người gần như quay xuống để xem cô ngồi đâu, nhưng cô ngồi lẩn khuất trong đám đông

Sau khi cô hát xong, mọi người bắt đầu tìm cô để chụp hình chung với cô. Đám đông vây quanh cô hết tốp này đến tốp khác. Cô được nhiều người ái mộ quá. Đừng nói là thế hệ lớn tuổi mới chụp hình với cô nghe, giới trẻ bao vây cô nhiều lắm. Ở tuổi đó mà được như cô là xinh đẹp lắm. Cô nổi tiếng kéo dài suốt nhiều thập niên, được báo chí đặt cho rất nhiều tên mà tôi không nhớ hết: “Nữ hoàng chân đất, tiếng hát da vàng…”
    
Trên đường về nhà, tiếng hát của cô như vẫn còn vang bên tai tôi. Tiếng hát kéo tôi trở ngược về 
miền ký ức rất lâu rồi hồi tụi mình học trung học, đại học. Tuổi thơ của tôi hay của các bạn đồng niên TV lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh, nên dù ít hay nhiều chúng ta đều bị ám ảnh bởi mùi khói của súng đạn. Giọng hát của cô thành công ở loại nhạc da vàng của Trịnh Công Sơn, nhạc quê hương, nhạc tình đôi lứa lãng mạn, nhạc tình thời chiến tranh, nhạc tiền chiến. Nhưng sao trong tất cả dòngnhạc cô hát, tôi chỉ thích cô hát những bài ca da vàng của Trịnh Công Sơn và những bài nhạc tình thời chiến tranh lúc đó. Hay tôi bị ấn tượng vì thời đó lúc mỗi tối tôi đang học bài thì tiếng hát của cô vang ra từ cassette nhà ai: “…..chiều đi trên đồi cao hát trên những xác người. Tôi đã thấy tôi đã thấy trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn…”. Lúc đó đang thời kỳ chiến tranh, nên tiếng máy bay cứ bay vần vũ trên bầu trời đêm thường xuyên. Tôi nhìn ra ngoài trời, có khi ánh sáng của những trái hỏa châu tập trung ở một hướng nào đó làm sáng rực bầu trời đêm. Cứ mỗi lần nhìn thấy ánh sáng của trái hỏa châu, tôi thấy lòng buồn man mác. “…Ghế đá công viên dời ra đường phố,Người già ho hen ngồi im tiếng thở. Từng vùng đêm đen hoả châu thắp đỏ. Em bé loã lồ suốt đời lang thang..
.
                                                      

Tôi nhớ có lần mình lang thang ở mấy kiosque đường Nguyễn Huệ bỗng nghe một bài hát mà giai điệu rất hay, còn lời bài hát thì văn chương bay bổng. Cô bán hàng giới thiệu cho tôi bài “Kỷ vật cho em” của Phạm Duy mới ra. Tôi quyết định mua liền cuốn băng có bài hát đó. “Em hỏi anh bao giờ trở lại. Xin trả lời mai mốt anh về…Em một chiều dạo phố mùa xuân, bên người yêu tật nguyền chai đá… ”. Đây là bài hát về tình yêu trong chiến tranh tôi cho là hay nhất. Có rất nhiều người hát bài Kỷ vật cho em, nhưng tôi vẫn thích cô hát bài này vì tiếng hát của cô Khánh Ly diễn tả được nỗi đau thương của con người trong chiến tranh: một chút xíu tiếng khóc, một chút xíu tiếng nấc, một chút xíu tiếng than, một chút xíu tiếng nghẹn ở trong tim của thân phận người trong thời chiến.  Không khí như ngột ngạt bức rức không nói ra nhưng tự thâm tâm mỗi người phải biết: “là ngày mai mình còn sống hay không?”. Cứ mỗi đêm tôi nhìn ra ngoài trời, trên cao lập lòe ánh hỏa châu thì tiếng hát của cô cứ vang bên tai tôi: “…Một ngày mùa đông trên con đường mòn. Một chiếc xe tang trái mìn nổ chậm. Người chết hai lần thịt da nát tan....”.

Thế hệ trẻ bây giờ may mắn hơn chúng tôi nhiều được lớn lên trong thanh bình. Chỉ mong những trái hỏa châu đêm đêm sẽ không bao giờ còn có dịp nở bung trên quê hương thân yêu./.

Sài gòn ngày 6 tháng 5, 2014
Mimosa

1 comment:


  1. Mòi các bạn ghé thăm ĐSTV với MIMOSA và TIẾNG HÁT HOẢ CHÂU.KHÁNH LY
    có những giai thoại kỳ thú, vô tình hay cố ý dàn dựng , của những nhân vật nổi tiếng thường làm người ái mộ thêm lòng yêu mến thần tượng của mình . Khánh Ly lần này đã để lại một dư âm có lẽ hay hơn tất cả những buổi họp báo , những lần trình diễn, kể cả buổi live concert vừa qua ở Hà Nội. . Khánh Ly , tiếng hát đã từng một thời là biểu tượng cho những chia lìa đớn.đau , vô nghĩa của chiến tranh ..tiếng hát lạc loài vô vọng của những xác người ...... .
    Khánh Ly đã rất thông minh , khi cô tạo cho mình một sự xuất hiện kỳ diệu ở Sài gòn , khi chuyến về nước kỳ này cô chỉ trình diễn một đêm duy nhất ỏ HN ., .không hát ở Sài Gòn có lẽ tiếng hát đó nhắc nhở Sài Gòn nhiều quá , cũng làm cho người ta sợ chăng? nhưng Khánh Ly đã biết cách hiện ra., đã âm thầm , lẩn khuất và rồi đúng lúc .... " , cất tiếng hát từ phía sau ,từ xa hay từ quá khứ và kỷ niệm .. ......
    Bất ngờ và lý thú khi cô để người ái mộ tìm thấy Khánh Ly của đám đông và trong đám đông , với tiếng hát "' trổi dậy" , không lẫn vào đâu được!!!!!!
    Cám ơn MIMOSA đã có một bài thật hay cho ĐSTV.

    ReplyDelete