May 9, 2014

MẸ TÔI -BÍCH QUY

 


   
          Năm nay mẹ tôi đã tám mươi bảy tuổi rồi. Cái tuổi mà các bạn mẹ tôi nhiều người đã quy tiên. Bà được sáu cháu ngoại, có nếp, có tẻ, có đứa ở gần, lại có đứa ở quá xa , có đứa đang đi học và có cả đứa đã đi làm . Mẹ thương tất cả các cháu hay nhắc đứa ở xa và hối bố mẹ đứa đi làm lo mà dựng vợ gả chồng cho con.
           Thời còn trẻ, mẹ tôi cũng đẹp lắm, Đấy là tôi chỉ nhìn hình mà thấy thế thôi.
           Gương mặt bà toát ra vẻ hiền hậu, thật thà. Mẹ tôi không có con trai nhưng bố tôi lại rất yêu quý bà. Vừa rồi chúng tôi còn được ăn mừng ngày cưới thứ 63 của ông bà. Đó cũng là "kỷ lục" mà chị em tôi cùng thầm mơ ước. Chỉ cần đủ năm mươi năm , người ta đã làm lễ "kim cương" được rồi , vậy mà...tình yêu của bố mẹ tôi còn quý hơn cả kim cương?

           Hằng năm cứ đến lễ hội Hai bà Trưng mà cô Ninh là hội trưởng hay mời mẹ tôi và các bà bạn đồng trang lứa về dự hội. Mẹ tôi kể các bà đều là nữ sinh trường Đồng Khánh, tiền thân của trường Trưng Vương bây giờ. Đã có lần cô Ninh còn viết một tiểu phẩm để mẹ tôi và một bà bạn lên sân khấu diễn kịch . Chỉ có hai nhân vật diễn tả "Mối tình của chàng trai trường Bưởi và cô nữ sinh Đồng Khánh" . "Cô nữ sinh " lúc ấy là mẹ tôi đã ...Bảy mươi lăm tuổi !!! . Chao ơi, Tôi không thể biết bằng tuổi ấy tôi sẽ ra sao? Có còn ...hăng hái được như mẹ tôi không?

           Tôi còn nhớ Đại hội Trưng Vương năm ấy các bà mặc áo dài lục tục lên sân khấu . Các bà đứng chen nhau thành hàng dài . Cô Ninh đứng giữa cầm micro và bắt nhịp cho các bà hát bài hát ngắn quen thuộc từ hồi còn đi học bằng tiếng Pháp và một bài tiếng Việt. Rồi cứ mỗi năm mỗi thưa dần đi , cho đến năm ngoái thì tôi chỉ còn thấy vài cụ lên sân khấu phải có con cháu dìu đi. Các cụ đều trên tám lăm tuổi cả rồi . Chỉ lên cho có mặt để đại diện cho lứa học trò xưa của thế kỷ trước thôi . Thật là ngậm ngùi vì có cụ đã về miền tiên cảnh, có cụ ốm đau và có cụ theo con cháu dời đi xa không thể đến được. Thời gian trôi thật nhanh, ngay cả các thầy cô giáo dạy chúng tôi là thế hệ sau của lớp người như cô Ninh và mẹ tôi cũng đã quá già rồi . Bọn học trò như chúng tôi cũng có đứa làm "bà nội, bà ngoại" đấy thôi.

           Càng ngày tôi càng thấy mẹ tôi quên nhiều những chuyện mới xảy ra nhưng lại nhớ được cả những chuyện lúc tôi chưa sinh ra. Mẹ tôi hay nhớ về quê ngoại , ở tận làng Hữu xa xôi miền Bắc. Đặc biệt mẹ tôi chẳng bao giờ bầy tỏ cái sự thương nhớ ấy với chúng tôi, " lũ vịt giời" chỉ có hai đứa kịp sinh ra trên đất Hà nội nhưng lại chẳng biết tý nào về chốn ấy vì quá nhỏ đã phải theo bố mẹ vào Nam khi đất nước bị chia cắt. Chỉ khi có các anh chị họ tôi ở miền Bắc vào thăm là mẹ tôi mới trút nỗi niềm :
- Cô nhớ quê quá, bao giờ mày ra cho cô theo với. Cô vẫn nhớ cái nhà lớn ở giữa cái sân to có cây nhãn bên cạnh cái bể nước ấy cháu ạ. Cây nhãn sai quả lắm, thưở nhỏ cô vẫn trèo lên hái đấy.
             Mẹ tôi quên là mình chẳng thể đi đâu xa được nữa rồi.

             Có khách đến nhà là mẹ tôi thích lắm, cứ tưởng như ai cũng biết quê của bà.
- Này , cháu có biết làng Hữu không ? Làng Hữu Thanh Oai ấy .
Mẹ tôi đinh ninh rằng ai cũng phải biết cái làng Hữu yêu quý của bà . Lúc mới thông thương, mẹ và tôi cũng có dịp được ra thăm . Đó là quê nội của mẹ tôi , một làng quê yên ả , có con sông Nhuệ chảy qua cây đa đầu làng. Phong cảnh thật hữu tình . Lúc ấy , làng của mẹ tôi chưa có gì thay đổi vẫn y như hồi mẹ rời xa nên khung cảnh ấy cứ in đậm mãi trong tâm trí của bà.
Thỉnh thoảng bà hay kể mình nằm mơ thấy trở về làng cũ. Có lẽ mẹ tôi cứ sống với cái tiềm thức ấy lại đẹp hơn. Hiện tại thì nó đã chẳng còn dấu vết gì của cái hồi xa xưa ấy. Người ta đã biến cải nó thành phố phường mất rồi .

             Mẹ tôi mà đi tắm thì rất lâu mới ra . Chẳng ai biết bà làm những gì mà lâu thế? Có lần bà kể :"Suýt nữa thì ngã may mà bám được vào cái lavabo " Từ đó chúng tôi thuyết phục bà không được cài cửa nhà tắm. Có lần, cần lấy cái khăn tôi đã hé cửa vào thì thấy bà đang... cọ sàn nhà tắm. Lần khác thì bà đang ngồi giặt khăn....Chung quanh bà xếp những bốn cái chậu nhựa. Hỏi sao bà để lắm chậu thế? Bà bảo thế mới tắm đủ. Thì ra bà chẳng tắm bằng vòi sen có nước nóng, lạnh mà cứ hứng ra chậu rồi mới tắm.

           Tôi bắt đầu nấu bữa cơm chiều thì bà cũng lấy quần áo vào nhà tắm. Tôi nấu xong và dọn cơm ra , gọi bà thì bà bảo :"Cứ mời ông ăn trước đi, mẹ ăn sau" Bố tôi ăn xong rồi mà mẹ tôi vẫn chưa ra. Vậ̣y là bà đã ở trong nhà tắm hơn hai tiếng đồng hồ. khi ra ngoài với đầu tóc ướt nhem, mấy đầu ngón tay nhăn nheo vì ngâm nước quá lâu. Không thể để tình trạng này kéo dài. Tôi quyết định từ nay phải tắm cho bà. Lúc đầu nghe tôi nói là bà giãy nảy lên ngay, phản ứng rất quyết liệt không chịu để tôi tắm .

           Tôi phải vừa cương quyết vừa dịu ngọt mới dỗ được bà vào nhà tắm. Tôi dẹp hết các chậu của bà và để bà ngồi vào một cái ghế tắm , vừa gội đầu xong thì tôi nhẹ nhàng xoa xà bông tắm rửa , kỳ cọ cho bà. Ngày xưa thân thể mẹ tôi thẳng thớm , cao ráo là thế, vậy mà bây giờ...tôi xót xa nhìn cái lưng còng xuống cong như con tôm khiến hai bầu vú mẹ tôi gần chạm đến rốn. Cái bụng cũng to ra, chảy xệ xuống che lấp cả háng. Có lẽ mẹ tôi bị bệnh loãng xương nên mới thế.
Tôi lau khô người và mặc quần áo vào cho bà . Xong đưa bà ra ngoài ngồi vào ghế. Bà nói :" Sao mà tắm nhanh thế? Tắm thế thì sao mà sạch được?" Tôi hiểu là mẹ tôi đã quen tắm lâu và cho như thế mới kỹ càng , mới sạch được. Tôi quyết định từ đây sẽ mỗi ngày tắm cho mẹ và tôi thấy rằng chỉ trong vòng một tuần bà đã quen cho tôi tắm và bà cũng cảm thấy như thế khỏe ra. Sau đó , dù tôi bận việc hay đi vắng thì bà cũng đợi tôi về để tắm cho bà.

           Xem truyền hình, mẹ tôi hay hỏi những câu :
           - Nó nói cái gì thế con?

           - Xem chẳng hiểu gì cả
           - Phim gì mà cứ chốc lại đánh nhau .
Mẹ tôi đã nghe không rõ và không nghe kịp nữa rồi. Chỉ có phim hoạt hình là mẹ ít hỏi nhất.

            Đến bữa , cha mẹ tôi ngồi cạnh nhau . Ông luôn xẻ nửa bát cơm cho bà, còn bà thì gắp thức ăn cho ông. Món ăn thường được cắt thật nhỏ hoăc xay ra hay nấu thật mềm cho dễ ăn. Có khi ông còn xúc cho bà ăn và cứ nhìn bà thật "đắm đuối" . Thỉnh thoảng ông còn nắm lấy tay bà thật là tình cảm. Ông cũng đã chín mươi hai tuổi rồi , mắt mờ, chân run nhưng vẫn cứ muốn săn sóc bà.

Trước kia mẹ tôi rất chăm chỉ làm việc nhà, bây giờ bà đã quên và lẫn nhiều nhưng vẫn thích làm như một thói quen. Bà lấy quần áo ra , sắp xếp lại nhưng lại quên không biết cất thế nào cho đúng chỗ, thế là thay vì gọn gàng bà lại làm bừa bãi ra thêm. Rốt cuộc bà lại có thêm việc mới là đi tìm những vật dụng của mình chẳng biết cất ở đâu.
           - Có đứa nào lấy của mẹ cái lược không? Vừa để đây mà đâu mất rồi?
Bà cũng chẳng còn nhớ là mình "vừa để" hay đã dúi vào một xó xỉnh nào rồi. Có lần người ta cho hộp bánh, bà đem cất kỹ rồi quên , đến khi tôi sắp xếp lại tủ mới tìm thấy thì nó đã quá date và không còn dùng được nữa rồi.

        Mẹ tôi vẫn ăn được và ngủ rất nhiều. Lưng còng nên bà nằm cong lại như con tôm . Mẹ tôi đã chẳng còn phân biệt được ban ngày hay ban đêm . Mời bà ăn cơm chiều thì bà bảo :
- Mới sáng ra đã ăn cơm à? Chưa ăn sáng mà.

        Một hôm mẹ tôi leo được hai bậc cầu thang thì ngã . Bà nằm sõng soài ở chân cầu thang. Máu chảy ướt cả áo. Tôi đỡ bà lên ghế, cầm máu và băng bó vết thương cho bà. Tôi chỉ có thể đoán rằng khi ngã bà đưa tay lên đỡ và cái vòng vỡ đã cứa vào sau tai làm chảy máu. Bà rất tỉnh táo hỏi :
        - "Mẹ nghe bịch một cái to lắm. Đứa nào ngã thế?"
Trời ơi, bà đã không biết là mình ngã. Khi tôi băng bó thì bà bảo :
        -"Làm cái gì trên đầu mẹ thế? " Rồi lấy tay giật cái băng ra. Mấy lần như vậy. Cuối cùng phải xỏ hai cái tất vào tay bà , rồi giữ yên thì bà mới thôi.
          

          Đi khám thì chẳng phát hiện ra bệnh gì nhưng kể từ ngày ấy thì mẹ tôi cứ yếu dần đi. Tất cả thức ăn đều phải xay nhiễn và mẹ tôi chỉ có thể nuốt chứ không phải nhai nữa.
Mẹ tôi đã chẳng phân biệt được ngày đêm và vị trí nữa rồi . Bà hay hỏi "Giường ở đâu?" "Nhà tắm ở đâu?". May mà mẹ tôi vẫn còn "nhận diện" được những người thân quen.

          Cũng y như khi chăm em bé nhưng bé thì dễ thương , mỗi ngày mỗi lớn, mỗi nở ra như một đóa hoa còn mẹ tôi dù có chăm sóc kỹ lưỡng thế nào thì mẹ tôi cũng ngày càng yếu đi, héo dần đi thôi ....

         Tôi nghiệm ra rằng qua bên kia con dốc cuộc đời, ông Trời sẽ lấy lại từ từ sức khỏe và tâm trí để người ta lại trở về với tuổi thơ vô tư như hồi còn là nhi đồng.

          May là Trời còn thương không để mẹ tôi phải bệnh tật nan y gì. Vẫn biết sinh tử là lẽ tự nhiên nhưng tôi vẫn mong mẹ cứ sống với tiềm thức đẹp đẽ một thời, cứ vô tư như trẻ thơ với hiện tại và cả tương lai để cho con cháu được ngày ngày cận kề bên mẹ , Mẹ ơi....


BÍCH QUY
                                              

5 comments:

  1. Mời các bạn ghé thăm ĐSTV với bài mới về ME của Bích Quy.
    Ngày của Mẹ lại về với chúng ta , phần lớn vào độ tuổi này chúng ta hầu như đã chứng kiến MẸ đã ra đi nhưng một số bạn , trong đó Bích Quy may mắn vẫn còn có Mẹ bên cạnh để được phụng dưỡng . Tác giả chứng kiến cũng như trải nghiệm từng bước Mẹ thân yêu đi về cõi " trẻ thơ" , người già em bé gặp nhau ở một điểm HỒN NHIÊN TRÁI CHIỀU , em bé lớn dần , ĐI LÊN để đạt tới tri thức , người già thì RỚT LẠI VÀO LÃNG QUÊN .
    Sự kỳ diệu đó chẳng phải ngẫu nhiên , đó là quy luật , chu kỳ biến chuyển trong mọi sự .....cũng như bốn mùa tuần hoàn
    Mẹ chúng ta nếu không còn nữa thì những hoa lá mùa xuân phải chăng là biểu tượng cho những nụ cười và tình yêu bất tử của lòng Mẹ.
    Mẹ yêu , con nhìn thây Mẹ trên bạt ngàn vĩnh cửu .........

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào các cô, con là một người bạn của cô Nguyễn Thị Thanh, biệt danh của cô hồi còn đi học là Thanh ốm, niên khóa 63-70.
      Nhà cô không có máy tính, không có internet gì hết, con vẫn hay lên mạng và cập nhật tin tức trên trang blog này cho cô, vì cô rất nhớ các bạn học ngày xưa của cô.
      Cô có nhờ con gửi 1 lá thư cô viết lên trang blog này cho mọi người, nhưng con không post bài lên đây được, chỉ có thể comment thôi, vậy các cô giúp con làm sao để đưa là thư này của cô Thanh lên đây với.

      Delete
  2. Bài viết của Bích Quy thật xúc động, nhất là đối với những ai không còn có mẹ để còn được chăm sóc, yêu thương.

    ReplyDelete
  3. It is just a wonderful picture of an elderly couple! I would give it a title " LOVE YOU FOREVER"
    The story is so thoughtful that I truly want to translate it into all different languages in the world! I could see that love in Bich Quy family is a precious treasure that has been passed on from generation to generation. Look at the picture, they do not need fancy clothes, and Bich Quy did not need to use fancy writing style. Her writing is so simple and so bold, but it shines with a lifelong lesson about love that we all should learn from it! It is a great blessing that Bich Quy could write an unique story about her mom on Mother's Day. We will pray that she and her family will have many more wonderful days together!

    Anmie Nguyen

    ReplyDelete
  4. Huong doc say mê bài viết về Mẹ của Anh Thư. Lúc thì cảm động lúc thì phì cười. Chắc vì nhờ có Anh Thư săn sóc quá chu đáo nên hai cụ thật là thọ và sống hạnh phúc bên nhau đấy!
    Cầu chúc Thư có sức khỏe dồi dào để còn chăm sóc cho hai cụ, và thật là hạnh phúc bên song thân và các con...

    ReplyDelete