Jul 7, 2011

Sinh Ngô


Sinh Ngô

Tôi thích nhiều tác phẩm của các nhà văn nữ vì qua đó đôi khi tôi gặp được chính mình.

Nhiều năm trước đây tôi có đọc được một bài viết của Nhã Ca, bà viết về đứa con trai của bà. Đứa con trai bà lớn lên ở xã hội Mỹ nên có quan niệm luyến ái rộng rãi lắm. Bà kể, con trai bà dắt về nhà một cô gái trẻ cũng “fashion” trong cách ăn mặc, cử chỉ như con trai bà. Một thời gian ngắn sau, con bà lại đưa về nhà một cô gái khác. Khi bà hỏi về cô gái trước thì con bà thản nhiên trả lời, con đã “dump” nó rồi. Mà cái màn ”dump” con gái nhà người ta cứ diễn đi diễn lại trước mắt của bà mẹ. Đọc bài viết của Nhã Ca, tôi cứ tự hỏi mình sao bà có thể viết dễ dàng, dí dỏm chỉ từ một đề tài bình thường trong một cuộc sống đời thường đến vậy.

Tôi cũng có đứa con trai lớn lên trong xã hội Úc này. Một lần dọn phòng cho con, tôi tình cờ bắt gặp một quyển vở thuộc loại nhật ký tình yêu của con tôi. Tôi thật ngạc nhiên! Thời này, điện thoại cầm tay đã trở thành vật bất ly thân của mấy cô cậu tuổi mới lớn. Các cô cậu liên lạc nhau bất kể ngày đêm, bất kể ở đâu, bất kể đang làm gì, đang ăn, đang xem Ti vi, ngay cả .... đang ngủ. Cuộc điện đàm lại kéo dài hàng giờ, làm như các công ty điện thoại biết thông cảm cho cái tuổi hẹn hò mà quên gởi hóa đơn thanh toán. Con trai tôi to lớn, lưng dài vai rộng, cứ như một thằng Úc, vậy mà ngày đám cưới của nó, nó cũng mặc áo dài khăn đống cổ truyền, sùm sụp lạy trước bàn thờ gia tiên và xin cho đứa con gái mang họ Lê được đổi theo họ Nguyễn của nhà chồng tôi. Lúc này tôi mới hiểu ra, cái nhật ký tình yêu, cũ xưa như thời lá me bay trước cửa trường Trưng Vương của mẹ nó, có hiệu quả. Người yêu của con tôi, cùng viết với con tôi trong quyển nhật ký tình yêu của chúng chính là con bé họ Lê này, là cô dâu của ngày cưới.

Tôi khoe với bạn bè, con tôi “làm được việc” vì giờ đây tôi đã lên chức bà nội, có cháu nội đích tôn. Ngày cuối tuần vào nhà thương thăm cháu nội, nhìn cái đầu nhỏ, cái mặt nhỏ trong cái nôi nhỏ bằng nhựa của bịnh viện, bà nội ngày đầu tiên là tôi đây ... cười ngất. Tôi nói với chồng con và con dâu, cái mặt này trông quen quen. Mà không quen sao được, cái trán rộng thênh thang như phi trường Sydney của chồng tôi đang được copy y chang qua cái trán không tóc của thằng cháu nội.


Con trai tôi gọi điện thoại sang, mẹ cho con gửi cháu 1 tiếng để tụi con đi gặp người kế toán. Tôi ừ với con và liếc vào cái đồng hồ. Tôi chỉ có một thời gian ngắn trước khi đi làm. Tôi đặt thằng cháu nội lên giường và vào nhà bếp bắc vội nồi cơm. Từ trong bếp, tôi bắt đầu nghe tiếng khóc của nó. Hơn 20 năm nay trong nhà tôi không có một tiếng khóc của trẻ thơ, bây giờ thì inh ỏi khắp nơi. Tôi đùng đùng chạy ra khỏi nhà bếp, rầm rầm chạy vô phòng ngủ. Tôi cuống quít pha sữa cho cháu, vụng về cho cháu bú. Đến lúc phải thay tã cho cháu mới thật là điều đáng nói. Cái mồm kia bé xíu mà cường độ của tiếng khóc chẳng thua gì cái loa máy karaoke nhà hàng xóm vẫn thường tra tấn màng nhĩ của tôi mấy ngày cuối tuần. Rồi bất thình lình, cái vòi rồng nhỏ xíu bắc một cái cầu nước nóng hổi vào cái giường đôi thơm tho của vợ chồng tôi. Tôi than thầm, khi cháu nội ra về, chắc phải mất cả tiếng đồng hồ để thay lại chăn mền, nệm gối.

Ông chồng tôi là người “nghiện” trẻ con. Một ngày Sydney 43 độ, anh mở máy lạnh toàn nhà, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, ngồi chờ đứa con trai đưa cháu nội về thăm. Trời càng về chiều, nhiệt độ bớt dần, niềm mong đợi cũng bớt dần nhưng cái máy lạnh vẫn chạy đều và đứa con trai không đưa cháu nội tới. Mấy năm trước tôi có xem DVD Thúy Nga Paris, Nguyễn Cao Kỳ Duyên có làm hai câu thơ mà tôi gọi là thơ.... huề vốn :

Em rất thích những hôm trời nắng,

Nhưng nếu trời không nắng cũng không sao.

Tôi thấy chồng tôi ngồi xem Tivi mà mắt cứ trông chừng lối cửa ra vào, ý chờ con trai, con dâu và cháu nội. Tôi bắt chước câu thơ của Kỳ Duyên và đọc cho chồng tôi nghe câu thơ như vầy :

Ba rất thích con đưa cháu tới

Nhưng nếu con không tới cũng không sao.

Chồng tôi cười cười, với tay lấy remote control tắt biến đi cái máy lạnh. Tôi không biết anh cười nụ cười “An Nam ta gì cũng cười” của cụ Nguyễn Văn Vĩnh hay cười nụ cười buồn, cụt hứng.

Ối chà, đến đây thì tôi đã viết được ít nhiều về con trai tôi, về đứa cháu nội mới ra đời. Không phải là nhà văn, tôi cũng viết được một câu chuyện gia đình, có phải là nhờ vào niềm xúc động trước những lời chúc tụng chân thành, những quà tặng quý báu của các chị Trưng Vương dành cho một thành viên mới trong gia đình tôi và cái cảm giác..... “làm bà” lần đầu tiên đến trong đời trong chuỗi những cảm xúc rất thật mà thượng đế đã ban cho loài người có trí óc để suy nghĩ, có trái tim để yêu thương.

6 comments:

  1. Bà và cháu tâm đầu ý hợp : Chup hình đep , Bà tươi như hoa, còn cháu nằm yên đưa cái măt chỉ muốn mimi 1 cái thật kệu .
    Bây giờ Bà dành hết thì giờ vân nghê múa may để vào ôm nâng niu cháu-- mê hơn nhiều

    Mừng Chúc Bà khỏe mạnh để hầu hạ , chăm cho cháu ăn no chóng nhớn nha.

    BM

    ReplyDelete
  2. Đọc bài ngắn ngủi của Sinh , rất cảm động bởi vì mình cũng làm bà ngoại hai cháu trai 4 tuổi và 1 tuổi rưởi...
    Thân mến
    Của

    ReplyDelete
  3. Mình cũng đã là bà nội nên đọc bài của Sinh rất tâm đầu ý hợp. Mợ tiệp tục viết đi nhé... LHương

    ReplyDelete
  4. Sinh ơi , lâu lắm không biết in về Siné , nay mợ đã là bà nội hết xảy, xin chúc mừng nhế. Bài viết thật dễ thương và hợp với tuổi của tụi mình lắm lắm. Cám ơn Sinh và cho TUL mi baby một cái thật kêu.

    ReplyDelete
  5. Bà còn trẻ quá, nếu chỉ xem hình không đọc bài viết lai tưởng 2 mẹ con. Chúc bà cháu luôn quấn quýt bên nhau, bài viết dễ thương lắm Sinh à. Nhớ sáng tác thêm nhé, bên ÚC TV6370 có nhiều nhân tài viết văn làm thơ, mong những bài mới của các bạn.
    Thân KĐ

    ReplyDelete
  6. Chúc mừng bà nội Sinh nhé ( hơi muộn một tí).
    Đọc chuyện " Tôi làm bà nội" của Sinh mà cứ như được nghe bạn kể chuyện vậy.Thích thú lắm.
    PLan ( TV và ĐHSP đàn chị)

    ReplyDelete