Ông Minh
An Khanh
Ông bà tôi có 13 người con. Ông bà tôi đặt niềm kỳ vọng của mình bằng những cái tên của con mình: Yên, Ổn, Nhàn, Hạ, Tỉnh, Thông, Minh, Định, Nghĩa..Nhưng Yên, Ổn, Nhàn, Hạ là niềm kỳ vọng ít khi có được của gia đình tôi cũng như của quê hương tôi.
Chạy giặc từ Bắc vào Nam năm 1954, cuộc chiến tranh mệt mỏi 30 năm dài chấm dứt vô cùng đột ngột năm 1975 khi anh Mỹ, anh Tàu, anh Nga bắt tay nhường miền Nam cho cộng sản. Việt Cộng chiếm miền Nam, chúng không thẳng tay chu di tam tộc nhưng chúng giết lần mòn niềm kỳ vọng được yên ổn nhàn hạ và những ước mơ của những người lính thua cuộc và cả những thế hệ về sau của họ.
Ngày chú Định, người em kế của chú Minh tử trận, tôi còn rất nhỏ. Nghe kể lại rằng chú Định không chịu đầu hàng trong trận đánh sáp lá cà nên chú bị bắn nát người và tay bị chém lìa. Chú Minh trở về từ mặt trận đi dự đám tang người em mới 21 tuổi, chú thả bay vào lòng mộ những đồng tiền dành dụm để mua cho chú Định một chiếc xe gắn máy. Cái chết của chú Định biến chú Minh thành người hùng overnight. Die hard with a vengence. Để trả thù cho em, chú ghi thành tích của mình với những chiến công oanh liệt. Chú đi từ cấp Úy lên cấp Tá trong một thời gian rất ngắn. Danh tiếng chú vang lừng khắp các mặt trận ngòai miền Trung. Ngày 30 tháng tư, chú được lệnh quy hàng. Chú đã kề súng vào mang tai để tự sát nhưng lính của chú ngăn chú lại kịp thời.
Kịp thời để trở thành một kẻ sống đã chết. 7 năm tù với cộng sản chú bị đưa ra ngòai Bắc cho chúng nó ném đá. Khi được trả về thì người hùng năm xưa đã chẳng còn gì ngòai sự nghèo đói khốn cùng. Chú sang Mỹ theo diện HO. Tuổi đã cao, tiếng Anh không có là bao, chú cam phận sống qua ngày bằng những odd jobs, bằng tiền trợ cấp của chính phủ.
Lần cuối cùng tôi đến thăm chú, bệnh Parkinson đã vào thời kỳ nan giải-dementia. Chú còn nhận ra tôi, nhưng chú không còn sống trong cái thực cảnh bi thương của mình nữa. Thế giới của chú vào những ngày cuối cùng đã trở thành một thế giới vô thực. Và vì vô thực nên cái thế giới huyền hoặc đó rất thần tiên: Chú gặp lại tất cả những người gần gũi với chú dù rằng những người này đã qua đời đã lâu.
-"Tao mới gặp thằng Long, nó đến chào tao trước khi nó đi Mỹ"
-"Bà cũng qua Mỹ rồi, bà ở với thằng Điệp, cô Tỉnh vẫn còn sống nhưng cô ấy còn kẹt lại Việt Nam."
-"Mày biết không, lính của tao ở khắp cắc tiểu bang bên Mỹ này..nhưng thôi tao đi về đây. Đây không phải là nhà tao, tao đi về nhà tao đây"
Tôi thông hiểu vô cùng cái niềm khao khát được trở về nhà của chú. Cái cảm giác bị bứt gốc, treo lơ lửng lưng trừng trời không biết nơi nao là chốn quê nhà của những kẻ lưu vong. Tôi hy vọng rằng bây giờ chú đã tìm thấy ngôi nhà của sự an bình, gặp lại những người vô cùng thân yêu cũ, chú đã tìm lại niềm kỳ vọng của chú cũng như của ông bà tôi: Sự yên ổn nhàn hạ nơi nhà của Cha ta.
Tôi xin trích lời một bài nhạc của Trịnh Công Sơn mà ngày xưa chú tôi rất thích:
Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Đứa con xưa đã tìm về nhà
Đất ôm anh đưa về cội nguồn
Rồi từ đó trong trời rộng đã vắng anh
Như cánh chim bỏ rừng
Như trái tim bỏ tình
Xin cho một người vừa nằm xuống
Thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang.
AN KHANH
Tháng bảy, ngày bảy năm 2011
Bài viết dành cho ông Minh, đọc trước linh cữu ông khi làm lễ tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Mong ông đến chốn trở về mà ông hằng mong ước.
ReplyDeleteAn Khanh .
Bài viết của Anh Khanh về chú Minh thật cảm động.
ReplyDeleteHà xin gửi lời chia buồn cùng An Khanh . Cầu mong chú Minh được bình an hạnh phúc nơi chốn thiên đường.
Thân mến.
Đọc chuyện chú Minh của Chi ,thấy buồn thấm thía !
ReplyDeleteTội nghiệp cuộc đời của chú quá khổ ! Nếu có thực kiếp sau, xin cho chú một cuộc sống an nhàn hạnh phúc.
Thành thật chia buồn với Chi.
K.T.
Thành thật chia buồn với An Khanh. Cầu xin hương linh chú Minh được hưởng phước thiên đàng.
ReplyDeleteThân KĐ