Jun 23, 2011

THƯ HỌC TRÒ CŨ

THƯ HỌC TRÒ CŨ
BÙI TRÂN THÚY





Sáng nay, nhận email này, tôi thật sự xúc động
Kính gởi cô Bùi Trân Thúy.
Tình cờ, qua bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Tôi được biết trường ĐH Hoa Sen có một cô giáo tên Bùi Trân Thúy; như vậy cùng họ tên với người giáo sư dạy Văn cho tôi cách nay gần 40 năm.
Vì vậy xin mạo muội hỏi thăm cô có từng dạy học trên Bình Dương, trường Phan Văn Hùm, vào niên khóa 1973-1974 không ạ?
Nếu không có thì đây chỉ là trường hợp trùng tên họ, mong cô thông cảm và bỏ qua cho.
Còn nếu đúng là cô, thì em là Yên Sơn, học trò lớp 7A2 của cô đây ạ! Em đã nhiều lần tìm hiểu tin tức của cô nhưng không được, em mong được gặp cô để bày tỏ lòng tri ân và kính mến với cô.
Kính.




Nguyễn Yên Sơn
Tôi đã trả lời em: “Đúng là cô đã từng dạy học ở trường Phan Văn Hùm- Lái Thiêu từ năm 1973”.
Và tôi tiếp tục nhận một email khác của em:
Thưa cô!
Em thật xúc động suýt rơi nước mắt khi được xác nhận chính là cô, người giáo sư mà suốt bao năm qua em vẫn luôn tưởng nhớ, bởi ơn nghĩa mà cô đã dành cho em.
Em còn nhớ, năm lớp 7 niên khóa 1973-1974. Đầu năm lớp em học môn Văn với thầy Nguyễn Văn On, và cô hình như mới ra trường, về dạy thay thầy On sau 2, 3 tháng gì đó. Ngay tuần đầu tiên, theo thời khóa biểu thì tổ em có giờ trần thuyết và cô cho em tự chọn đề tài. Em đã chọn truyện ngắn "Đại dương trong lòng con ốc nhỏ" của nhà văn Duyên Anh. Em là thuyết trình viên nhưng bị tật nói ngọng các từ R và TR, cũng như không phát âm được vần Â. Vậy là cô ở lại lớp vào những lúc ra chơi để tập cho em phát âm cho đúng, cô ơi...! cô có biết ân tình đó em luôn giữ trong lòng suốt mấy chục năm qua không?
Sang năm lớp 8, gặp biến cố 30/4 nên em không gặp lại cô được nữa. Lúc đó có tin nói cô có gia đình và đã sang Pháp. Em có dọ hỏi và biết địa chỉ nhà cô ở số 7 đường Tự Đức (giờ là Nguyễn Văn Thủ), sau 75 em có tìm đến nhưng hỏi không ai biết.
Một kỷ niệm về cô mà em còn nhớ mãi, đó là khi em lảnh thưởng cuối năm lớp 7, em đùa giỡn sao đó mà áo em bị đứt khuy. Thế là cô biểu em cỡi áo đưa cô tra lại khuy áo ngay dưới bục lảnh thưởng, lúc đó em thương cô lắm, em cứ nghĩ cô không phải cô giáo mà là một người mẹ hay chị ruột của em.
Năm đó kèm trong phần thưởng có món quà của cô, cuốn "Chánh tả phân minh" của Hoàng Lan, với lời đề tặng: "Thương mến chúc Yên Sơn học giỏi mãi và mong sẻ được đọc một tác phẩm của chính em. Cô Bùi Trân Thúy, niên khóa 73-74", quyển sách này em đang còn giữ và là báu vật trong tủ kỷ vật của em.
Nhắc lại vài kỷ niệm hồi xưa, hy vọng cô nhớ lại đứa học trò nhỏ của cô ngày nào.
Rất mong có dịp được gặp lại cô.
Quả thật, tôi không thể nhớ em và nhớ những việc tôi đã làm cho em, để em còn “tri ân” tôi cho đến bây giờ. Mail của em khiến tôi bàng hoàng cả ngày hôm nay. Rồi hồi ức của những ngày dạy học ở Lái Thiêu hiện về, rõ ràng từng chi tiết.
Vừa học xong Đại học Văn Khoa, tôi chưa biết phải làm gì tiếp theo thì ông chú hỏi: “Con có muốn xin đi dạy giờ không? Trường ở Lái Thiêu gần lắm, đi dạy cho quen với người ta, rồi muốn làm gì tiếp thì làm…”
Lúc đó, chú tôi đang là Giám đốc Sở Học Chánh (Sở Giáo dục) nên tôi không có khó khăn nào khi được dạy tại trường Phan Văn Hùm mà nếu đi bằng đường xa lộ thì chỉ mất khoảng 20p ngồi “xe lô”. Tôi đón xe tại Cầu Bông, cũng gần nhà nên tôi đi bộ ra đó. Mỗi tuần tôi chỉ dạy 3 ngày, liên tục từ sáng đến chiều, trưa ở lại tại trường. Tôi còn nhớ rõ, phòng GV có 2 dãy ghế bố dành cho GV nam và nữ. các thầy thì thường ra quán ăn cơm (phải đi bằng xe Honda) rồi mới về nghỉ khoảng 30p, dạy tiếp buổi chiều. Tôi không đi mà đã có cơm sẵn do chị giúp việc để sẵn trong lon Guigoz (loại lon sữa thông dụng mà ngày xưa gọi là lon gô!).
Tôi đã bắt đầu ra khỏi tháp ngà của cô tiểu thư để bước vào cuộc đời. Mãi đến bây giờ, tôi cũng không quên cảm giác run sợ khi thầy Hiệu trưởng đưa tôi đến lớp giới thiệu với HS lớp 12. Các em cao to, nhìn có vẻ “lam lũ”, thầy vừa đi khỏi lớp là các em lao nhao: cô giáo gì mà trẻ quá! Tôi hơi “xao xuyến”, đi dạy học là như thế này sao? Lúc đó, khi làm hồ sơ xin đi dạy, tôi đã nộp thêm chứng nhận của Trung tân văn hóa Pháp (Idecaf bây giờ) mà trường đang thiếu GV Pháp văn nên tôi được nhận ngay để dạy PV (sinh ngữ 2). Tôi trấn tĩnh bằng cách bước lên bục bảng, cầm viên phấn để viết ngày tháng, tựa bài, lại xì xào: “ô, bàn tay cô đẹp quá tụi bay”.
Tôi nóng mặt, không lẽ mình chịu thua? Tôi không cười, bắt đầu “xổ” 1 tràng tiếng Pháp, dĩ nhiên là các em bất ngờ…lớp bắt đầu im lặng, không xì xào bàn tán nữa. Và… vài tuần sau đó, tôi cũng tiếp tục nói tiếng Pháp với đám học trò “nhà quê” và giờ của tôi thể nào các em cũng bị “Conjuguez le verbe…, vite..”. Học tiếng Pháp, có ai mà không sợ phải chia động từ vì nó phức tạp vô cùng! Dần dần, tôi bớt căng thẳng và các em cũng không còn trêu chọc tôi nữa. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác chua xót, có chút hụt hẫng khi thỉnh thoàng, cuối giờ, có em rụt rè nói: “Em từ giã cô, ngày mai em đi lính”. Tôi đã lúng túng, không biết phải nói gì với em? Biết khi nào gặp lại? Chẳng biết ai đúng, sai nhưng bom đạn thì không chọn người!
Ngoài môn tiếng Pháp, tôi còn dạy Việt Văn cho HS cấp 2, lớp 7. Các em không la hét khi tôi vào lớp nhưng hay nói chuyện. Cấp 2 học buổi chiều. Tôi không sao quên được cái nóng hầm hập của những dãy nhà tôn, lớp không dưới 60 HS mà hầu như lúc nào cũng như bầy ong vỡ tổ! Ổn định liên tục, tôi cũng mệt nên có lần tôi khóc, cô giáo tiểu thư trẻ mà! (lúc đó, tôi mới 21 tuổi!). Cái “chiêu” này của tôi, không ngờ rất lợi hại, lần sau, vào lớp, em này nhắc em kia: thôi, đừng có nói chuyện, coi chừng cô…ấy nữa!
(Sơn ơi, hồi đó, lớp em có làm cho cô khóc không vậy?).
Những điều Sơn kể, tôi không nhớ đến từng chi tiết như vậy, chỉ biết rằng tôi thương học trò lắm và rất hay mua sách tặng các em và rất thích các giờ trần thuyết (thuyết trình) nên các em hay theo tôi để chuyện trò sau giờ học, khi tôi đi bộ ra đường lớn, đón xe từ Bình Dương xuống để về Saigon. Vào mùa trái cây, Lái Thiêu là vườn nên tôi thường được học trò cho dâu, măng cụt. Nhiều lắm nhưng thật là buồn cười cho tôi, tôi không dám nhận (cứ nghĩ mình là cô giáo mà nhận quà của học trò thì…kỳ lắm!). Thế là học trò cứ xách túi trái cây ra đến tận xe đò!
Khoảnh khắc ấy là những bước chập chững vào đời của tôi, sau này, tôi tiếp tục dạy học, chuyện buồn vui, phải viết hồi ký, may ra mới kể hết. Nhưng ngôi trường nhỏ, nằm giữa đồng, có vài ngôi mộ quạnh hiu đã để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp cùng với những trải nghiệm của một môi trường giáo dục. Sau này, tôi từng làm lãnh đạo ở nhiều trường PT, vẫn nhớ cách hành xử của thầy Hiệu trưởng năm xưa: ân cần, tận tụy với GV và chính thầy đã dìu dắt tôi những bước chập chững vào nghề.
Hôm nay, nhận tin của Sơn, một trong nhiều học trò, xúc động vì em đã làm cho tôi thêm vững tin vào nghề nghiệp mà tôi đã chọn. Tôi là người đưa đò nhưng khách qua đò rồi vẫn nhớ cho dẫu bến đò xưa có khi không còn nữa.


23-6-2011
BÙI TRÂN THÚY





8 comments:

  1. Làm thầy cũng có niềm vui và sự hãnh diện riêng phải không cô giáo BTT
    Đọc bài này P có cảm tưởng mình là học trò và bây giờ ngồi viết những hàng hỏi thăm cô giáo cũ ở TV
    Không thầy đố mày làm nên ,câu nói từ ngày xưa nhưng vẫn đúng cho đến bây giờ
    Cám ơn BTT với những tâm sự rất dễ mến cuả một cô giáo
    MP

    ReplyDelete
  2. Cau^ chuyen^. ve^`cau^. hoc. tro` nho? ngay` xua va`tam^ tinh`cua? co^ giao' BTT that^.hay va` cam? dong^. lam co^ giao' BTT a.

    P.Ha`.

    ReplyDelete
  3. Chúc mừng Thúy, được học trò nhớ đến sau bao nhiêu năm xa cách là một niềm hãnh diện lớn lao cho cô giáo. Bài viết rất hay cho thấy cô giáo Thúy rất tận tâm và được nhiều học trò thương mến.
    Thân KĐ

    ReplyDelete
  4. Đứng ở vị trí cô giáo , nhận được nhửng lời thương yêu từ học trò cũ , thật là tuyệt diệu . Nhưng đâu phải tự nhiên mà có , bao năm cô đã làm những gì để rồi ấn tượng đẹp đó đã khắc sâu trong tim người học trò bé nhỏ đó . Không thể nào quên. Xn mời các bạn thưởng thức. TUL

    ReplyDelete
  5. Chúc mừng Thúy, được học trò nhớ đến sau bao nhiêu năm xa cách là một niềm hãnh diện lớn lao cho cô giáo. Bài viết rất hay cho thấy cô giáo Thúy rất tận tâm và được nhiều học trò thương mến.

    Mỗi năm cứ vào hè , luôn làm KĐoan nhớ đến một kỷ niệm đẹp muốn chia sẻ với các bạn.

    Làm nhà giáo, niềm vinh dự nhất là được học trò còn nhớ đến. Nói chung thì sinh viên Gia Nã Đại (Canadian) không có sự kính trọng thầy cô như sinh viên VN, kêu thầy bằng tên (KIM), bên Pháp có thể khác hơn (vous chứ không tu) tuy nhiên khi dạy học, nếu mình có thì giờ tiếp xúc thêm với nhóm học trò, nói chuyện giữa 2 giờ cours kế giảng đường thì cũng tạo được mối thân tình hơn.

    Hơn 20 năm đi dạy ở Sherbrooke , KĐoan có một nhóm học trò đã gây cho mình một ấn tượng khó quên, có sự khác biệt hơn với nhóm khác là vì Đoan được dạy nhóm này 3 cours nên gặp nhau nhiều lần có thời gian để phát huy mối tình thân và khi xong kỳ thi chót vào hè, KĐoan nhận được tấm thiệp với những lời chân tình và 1 CD 'Star academy' làm KĐoan rất cảm động và cố giữ những cảm tình trân quý đó; Có lẽ học trò thấy KĐ yêu thích nhạc và cũng hay theo dõi đều đặn chương trình 'Star Academy' nên mới mua đem tặng cô giáo
    KIM ĐOAN

    ReplyDelete
  6. TV6370 thật hãnh diện với các cô giáo đáng kính , đáng yêu như BTT và KĐ.

    ReplyDelete
  7. Sao giưã chị và Thuý có nhiều điểm trùng hợp

    Ngày xưa ,chị ở số 13 đường Tự Đức ,Thuý ở nhà số 7
    Chị bắt đầu đi dậy học năm 68/69,lúc đó chị 21 tuổi ,Thuý cũng 21 tuổi
    Khác là chị dậy ở một trường tư thục ,trường Thánh Mẫu Gia Dịnh còn Thuý dậy ở trường công tại Bình Dương ( học trò tỉnh lẻ cũng khách xa học trò ở thành phố lớn )

    Cô giáo trẻ con cũng khóc trước mặt học trò không phải vì học trò phá phách ,mà vì thầy giám thị là một tu sĩ,cầm roi đánh học trò ngay trước mặt cô giáo,vì cô phạt học trò bằng cách đứng dậy khoanh tay ,không được quay trước ,quay sau
    cười đùa trong lớp ,thầy giám thị đi ngang bắt gặp
    Ngày xưa đi học,cho dù là ngồi bàn đâu cũng cứ tưởng là thầy cô không biết được mình đang làm gì ,nhưng đứng trên bục giảng ,làm thầy cô mới biết là nhất cử nhất động cuả học trò ,thầy cô đều thấy rõ mồn một .......
    Tuy chị chỉ có dậy có hai niên khoá mà sau đó học trò rủ nhau tìm đền nhà và viết cho chị những lá thưngắn hật dễ thương ,nếu những lời lẽ trong thư được viết lúc mà chị còn đang dậy học thì chắc không làm chị cảm động được
    Chị hoàn toàn đồng ý với BTT trong nghề có những giây phút ,những câu chuyện,làm thầy cô cảm động ,và cảm thấyđược là mình đã chọn đúng nghề
    Một nghề thật cao quý chứ không phải là nghề bán cháo phổi như vài người đã nói

    Bích Liễu TV 58/65

    ReplyDelete
  8. Bùi Trân Thúy quá ư là thân mến,nhờ buổi họp mặt TV 63_70 chiều chủ nhật 5.02.12, Diệu Hiền mới được gặp lại cô bạn cũ nhỏ nhắn ngày nào. Chao ôi, sao mà lâu vậy Thúy dù chúng ta vẫn quanh quẩn cái đất Sài gòn này thôi.Mình "chiếu tướng" bạn rất kỹ. "Sao bây giờ nó lanh thế nhỉ, lại cao lớn hơn mình nữa" nhưng qua bài viết của bạn thật đúng chất của một cô tận tụy,yêu thương học trò. Chị đã đi dạy học, nhưng học trò chị đủ mọi thành phần trong xã hội, đủ mọi chuyện vui buồn hỷ nộ ái ố...từ từ chị sẻ kề em nghe, nhé. Tống Hồ Diệu Hiền

    ReplyDelete