Jun 27, 2011

Dịch nhiễm trùng EHEC

Mỹ Nga sưu tầm






Dịch nhiễm trùng EHEC

Dr. Dương hồng Ân.


Dưa leo hay giá sống?


Phần I

CHLB Đức, 08.06.2011 Từ mấy tuần nay vi trùng EHEC đe dọa sức khỏe dân chúng Ðức, nhất là ở miền Bắc Đức. Vi trùng độc này không những hoành hoành ở Ðức mà đã lan ra các nước láng giềng như Thụy Điển, Đan Mạch, Hòa Lan, Pháp, Tiệp và ngày 02.06.2011 qua cả Mỹ Quốc (du khách Mỹ từ Âu Châu về). Đến ngày chủ nhật 05.06.2011 đã có 21 bệnh nhân thiệt mạng và khoảng 2000 người bị lây bệnh. Vì vừa có anh bạn đặt với tôi vài câu hỏi liên quan đến EHEC nên tiện dịp tôi xin có vài dòng thưa cùng với cô bác, bạn bè, thân hữu về dịch nhiễm trùng EHEC.


E.coli là gì?


E. coli là chữ viết tắt tên vi trùng Escherichia coli, một loại vi trùng hoặc là vô hại hoặc còn có ích cho cơ thể con người. E.coli sống trong bộ phận ruột người cũng như vật. Ai làm việc trong ngành thực phẩm đều biết vi trùng này. E.coli là một vi trùng căn bản khi người ta thử nghiệm thực phẩm. Thực phẩm phải hoàn toàn không có E.coli thì mới được coi là an toàn. Nhưng tại sao lại có đòi hỏi này nếu E.coli được coi là vô hại như đã nêu ở trên. Lý do là trong ruột người hoặc vật bên cạnh E.coli còn có nhiều loại vi trùng độc khác, có thể cùng với E.coli nhiễm vào thức ăn. Ðáng lẽ ra khi thử nghiệm thực phẩm ta phải tìm tất cả các vi trùng độc này, nhưng việc này không phòng thí nghiệm (Labor) nào thực hiện được. Bạn thử nghĩ là một Labor mổi ngày phải thử nghiệm cả trăm mẫu hàng cả về vi sinh học lẫn hóa học thì làm sao có thể tìm kiếm đủ cả các loại vi trùng độc. Thí dụ bạn có 500 mẫu hàng mà trong đó bạn muốn tìm 5 loại vi trùng thì như vậy bạn phải có 2500 (500 x 5) cuộc thử nghiêm. Vì thế trong việc thử nghiệm hàng ngày tìm vi trùng độc trong thực phẩm các nhà khoa học giới hạn chỉ kiếm vi trùng E.coli mà thôi. Người ta kết luận là nếu không tìm thấy E.coli trong thức ăn thì thức ăn được coi là an toàn. Theo luật vệ sinh của CHLB Đức thì E.coli phải vắng mặt trong 100 ml nước uống. Ngược lại nếu E.coli "lù lù" xuất hiện thì có nghỉa là , các bạn vi trùng đồng hành “ ộc địa của E.coli trong ruột, cũng rất có thể nhiễm vào thức ăn và trong trường hợp này thực phẩm được đánh giá là nguy hiểm cho sức khỏe. Trong ngành sinh học người ta gọi loại vi trùng "đại biểu, báo động" này là Indikatorkeim (Ðức ngữ) và indicator organism (Anh ngữ).




Cấy vi trùng trên môi trường Vi trùng E.coli


Còn EHEC thì sao?


EHEC, chữ viết tắt của tên tiếng Ðức enterohämorrhagische Escherichia coli, và tiếng Anh enterohemorrhagic E. coli, là một hình thức biến dạng của vi trùng E.coli. EHEC, một loại vi trùng siêu độc, có đặc tính tiết ra chất độc Shigatoxine tấn công màng ruột khiến người bị nhiễm trùng đau bụng dữ dội và đi tiêu chẩy có máu (phụ chú: đi tiêu dính máu vì bị trĩ không "mắc mớ" gì đến EHEC). Trong vài trường hợp còn đưa đến chứng tán huyết tăng urê máu HUS (viết tắt của chữ hämolytisch-urämische Syndrom/ haemolytic-uraemic syndrome) một hiện tượng thiếu máu và suy thận làm bác sĩ phải lọc máu, chạy thận (Dialyse) cho người bệnh. EHEC còn nguy hiểm ở chỗ là chỉ khoảng trên dưới 100 con vi trùng xâm nhập vào ruột là đã đủ gây bệnh, trong khi các loại vi trùng độc khác phải cần cả triệu con mới sinh bệnh được.





EHEC thường sống ở đâu? sinh sản như thế nào?


EHEC thường sống trong ruột súc vật, bò, heo, cừu, dê...và được thải ra bên ngoài cùng với phân của các súc vật kể trên. Rồi từ phân EHEC nhiễm vào nước dơ, nước phế thải của nông trại. Nếu rời khỏi ruột, loại E.coli bình thường không tồn tại ngoài thiên nhiên lâu được. EHEC, ngược lại, có thể sống vài tuần bên ngoài cơ thể vật hay người nếu có điều kiện thích hợp như ấm, ẩm và môi trường dinh dưỡng đầy đủ.


Nếu có đủ các điều kiện thích hợp EHEC sinh sản rất nhanh. Vi trùng sinh sản theo lối chia đôi (trực phân) có nghĩa là một tế bào mẹ phân tách ra làm 2 tế bào con. Một tế bào vi trùng E.coli (hay EHEC) sẽ tách ra thành 2 tế bào con trong vòng 20 phút, thành 4 sau 40 phút, thành 8 sau 60 phút, thành 16 sau 80 phút… thành 159.744 sau 6 tiếng…vv…

Nông phẩm nào bị nhiễm trùng E.coli và EHEC?


Nói một cách tổng quát, tất cả mọi nông phẩm không ít thì nhiều đều có thể nhiễm các vi trùng độc nếu chủ nông trại làm ăn tắc trách, không giữ đúng các điều kiện vệ sinh căn bản.


Phân bò, nước phế thải… trong chuồng súc vật tại các nông trại lúc nào cũng chứa vi trùng E.coli, EHEC và các vi trùng độc khác.

Nông phẩm thực vật như sà lách, dưa leo, cà chua, trái cây….sẽ nhiễm vi trùng độc nếu nhà nông thay vì dùng nước sạch lại dùng nước dơ để tưới cây. Dưa leo xuất xứ từ Tây Ban Nha (TBN) bị coi là nguồn truyền nhiễm EHEC vì một Labor ở Đức đã tìm được EHEC ở loại dưa leo này và một công nhân TBN khi qua Thụy Sĩ bị tiêu chẩy khai là nông trại chổ bà ta làm dùng nước dơ để tưới cây. Nhưng sau ðó dưa leo TBN được coi là bị oan, vì loại vi trùng tìm được ở dưa leo TBN không phù hợp 100% với loại EHEC siêu ðộc tìm thấy tại bệnh nhân. Hôm 06.06.2011 lại có tin giá sống có thễ là nguồn gây bệnh EHEC, một thực phẩm thường có trong mọi bữa ăn người Việt chúng ta. Một nông trại trồng giá ở quận Uelzen (tiểu bang Niedersachsen) bị đóng cửa. Nhưng qua ngày hôm sau kết quả thử nghiệm lại cho thấy giá sống "vô tội“. Tất cả mẫu giá sống đều không chứa EHEC.


Nông phẩm động vật như sữa là một loại thực phẫm rất dễ bị nhiễm trùng độc. Ðây là chuyện dễ hiểu vì các con bò sữa không những có vi trùng độc trong ruột mà cả ở ngoài da nữa. Khi vắt sữa, người vắt sữa có giữ sạch sẽ đến mấy cũng không tránh được vi trùng nhiễm vào, nhất là khi họ vắt bằng tay thay bằng máy. Vì lý do này mà chúng ta phải tránh không uống sữa thô (Rohmich/raw milk) chưa được khử trùng. Môt cậu bé hàng xóm tôi sau khi uống sữa thô do bà mẹ cậu mua trực tiếp ở một nông trại bị tiêu chảy nặng và nằm nhà thương cả vài tuần. Chuyện này cách đây 15 năm, lúc đó chưa ai nghĩ đến dịch EHEC.


Các loại sữa bán trong cửa hàng siêu thị đều được đun nóng khử trùng, các bạn cứ tự nhiên uống. Tuy nhiên không nên uống sữa, nếu cơ thể bạn không chịu được loại đường có trong sữa (Lactose intolerant) như đa số người Việt mính mắc phải (đầy bụng, đau bụng, thả hơi…sau khi uống sữa). Trong trường hợp này bạn nên mua sữa loại L-minus không có đường Lactose nữa.

Tiện đây xin phụ chú thêm là phần lớn người Việt mình sống ở Âu Châu, Mỹ Châu còn bị dị ứng với phấn hoa. Cứ mỗi độ xuân về, hè tới là anh em, bà con Việt Nam mình hắt hơi lia lịa, ngứa mắt, ngứa mũi, nước mắt, nước mũi ràn rụa….Các bạn nên đi bác sĩ, chứ không sau này lúc cao niên bị suyễn (Asthma) là phiền lắm.


Các cơ quan y tế phản ứng như thế nào vói bệnh dịch EHEC?


Nếu theo dõi tin tức báo chí và TiVi mấy ngày nay bạn có cảm tưởng là các cơ quan y tế công quyền ở Ðức gần như bất lực không giải quyêt được dịch nhiễm trùng EHEC. Có quá nhiều viện này, viện nọ, quá nhiều chuyên gia nọ, chuyên gia kia xía vào câu chuyện, bàn ra tán vào. Ở Ðức có đến 3 viện y tế cùng có nhiệm vụ giải quyết dịch EHEC. Mỗi viện lại trực thuộc một bộ khác nhau. Viện y tế Robert Koch Institut, chuyên nghiên cứu bệnh tật, thuộc bộ y tế. Viện liên bang đánh giá các mối nguy hại (Bundesinstitut für Risikobewertung) lại thuộc bộ canh nông và bảo vệ người tiêu thụ. Rồi lại còn có sở liên bang bảo vệ người tiêu thụ và an toàn thực phẩm (Bundesamt für Verbraucherschutz und Lebensmittelsicherheit). Thế là từ đó xẩy ra chuyện kèn cựa về thẩm quyền giữa các viện. Một viện loan báo khám phá ra dưa leo là thủ phạm, bữa sau phải cải chính. Một viện khác tuyên bố tìm được giá sống là nguyên do, hôm sau lại rút lại. Ðấy là chưa kể một số nhà thương, bác sĩ cũng lên tiếng. Giám đốc y viện Charite ở Berlin phê bình viện Rober Koch Institut làm việc dở, thiếu tính cách chuyên môn nhà nghề. Bên Mỹ có cơ quan CDC (Centers for Disease Control and Prevention) ở 1600 Clifton Rd. Atlanta, GA 30333, USA, một cơ quan trung tâm đặc trách lo giải quyết mỗi khi có dịch nhiễm trùng xẩy ra, tránh được việc tranh chấp thẩm quyền.


Chính vì sự loan báo kết quả thử nghệm chưa được xác định 100% khiến nhà nông nhiều nơi không bán được và phải vứt bỏ cả tấn nông phẩm, bị thiệt hại tài chánh nặng nề, nhất là các nông trại bên TBN. Cả nông trại trồng giá ở Uelzen cũng than phiền lỗ lã. Ngày 07.06.2011 liên hiệp Âu Châu (EU) dự tính sẽ bồi thường cho các nhà nông bị "oan" số tiền lên đến khoảng 0,5 tỷ Euro.


Người tiêu thụ như mình làm sao tránh được bệnh dịch EHEC?
Đừng ăn rau, dưa, trái cây chưa rửa sạch! Ðừng uống sữa thô chưa đun nóng!!!

Dưa leo và giá sống là hai thực phẩm chính bị nghi ngờ, chỉ nghi ngờ thôi vì cho tới ngày 07.06.2011 vẫn chưa có kết quả chắc chắn chứng tỏ chúng đích y "là thủ phạm". Dù vậy nếu muốn ăn hai loại thực phẩm này hay các loại rau, trái cây khác, mình nên rửa thật sạch và gọt vỏ được thì càng tốt như ở trường hợp dưa leo. Dao, thớt cũng phải rửa sạch sau khi dùng. Tốt hơn nữa là bạn sào giá, rau, cà chua…nếu được, vì nhiệt độ cao là phương cách khử trùng tốt nhất. Cần đun, sào nóng ít nhất 10 phút ở 70°C. Ngoài ra mình cũng nên chú ý là không để các loại rau chưa được rửa sạch còn dính đất cát vào tủ lạnh chung với các thực phẩm khác.


Ðối với các thực phẩm động vật như các loại thịt, xúc xích (Wurst, sausage), trứng mà vỏ còn dính rơm rạ, đất....mình cũng nên hết sức cẩn thận, vì chúng cũng là nguồn chứa EHEC. Biết đâu trong những ngày tới các viện y tế cũng tìm được các thực phẩm động vật bị nhiễm EHEC. Có tin nước Cộng Hòa Tiệp đang thử nghiệm tìm EHEC trong thịt nhập cảng từ Đức qua.

Các điều kiện vệ sinh căn bản trong nhà bếp như rửa, lau chùi sạch sẽ, nếu cần thì phải dùng thuốc bơm, xịt diệt trùng…cũng rất quan trọng.

Còn vệ sinh cá nhân là chuyện ta dĩ nhiên không quên được. Ðừng quên rửa tay trước khi bạn "sờ mó" các thức ăn và lại rửa tay sau khi nấu xong. Còn chuyện rửa tay cho sạch sau khi đi cầu, đi tiểu phải là chuyện đương nhiên. Sau khi thăm ai trong bệnh viện, mình cũng phải rửa và khử trùng tay trước khi rời nhà thương. Trong khu bệnh nhân nằm thường có các chai nước diệt trùng (Desinfektionsmittel, disinfectants) treo trên tường dùng cho mục đích này. Bạn chỉ cần nhấn váo chai là tự động chai xịt thuốc khử trùng vào tay bạn .

Trước khi chấm dứt phần này xin lưu ý bạn là trong thời buổi bệnh EHEC đang đe dọa này, mình nên tránh mua các món sà lách trộn và làm sẵn (Fertigsalate, ready-to-eat packed salads) bầy bán tại các siêu thị hay ở các tiệm McDonald. Mình không lường được tình trạng vệ sinh của các nơi sản xuất thực phẩm này cũng như không biết được nguồn gốc các loại sà lách từ đâu đến.

Xác định được nguồn gây bệnh (Kontaminationssquelle, source of contamination) vô cùng khó khăn
.


Phần II

Đi tìm nguồn nhiễm trùng?



CHLB Đức, 25.06.2011. Dịch nhiễm trùng EHEC nay đang lắng dịu, số người bị nhiễm trùng đã suy giảm. Thống kê cho biết cho tới nay có tất cả khoảng 3600 trường hợp nhiễm bệnh và 42 bệnh nhân EHEC thiệt mạng, tất cả đều sống ở các tiểu bang miền bắc Đức.

Như đã nhắc đến trong phần I, việc xác định được nguồn nhiễm trùng (Infektionsquelle, souce of infection) rất khó khăn. Trong phần II tôi xin bàn thêm vài chi tiết về vấn đề khó giải quyết này.

Để xác định được nguồn nhiễm trùng người ta thường phải có các giai đoạn hành động sau.

Giai đoạn 1:

Tìm và xác định loại vi trùng nào khiến bệnh nhân lâm bệnh.

Tìm và xác định thực phẩm nào bị nhiễm trùng.

Lòi khai của bệnh nhân.

Phương cách điều trị.

Giai đoạn 2:

Tìm và xác định nguồn vi trùng nhiễm vào thực phẩm.

GIAI ĐOẠN 1:

LỜI KHAI CỦA BỆNH NHÂN?

Bệnh nhân là đối tượng đầu tiên cần được quan tâm đến. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân đã ăn uống gì và lúc nào. Câu hỏi này nghe thì đơn giản lắm nhưng trả lời chính xác thì không dễ gì. Bạn còn nhớ là đã ăn gì, uống gì cách đây 12 tiếng, 24 tiếng.... không? Nhất là khi nằm trên giường bệnh, bị đau bụng, bị “tào tháo” đuổi thì không biết trí nhớ của bạn có còn sáng xuốt không để trả lời cho rõ ràng. Có thể bạn sẽ trả lời là đã ăn thịt, ăn cá, ăn rau sà lách, nhưng lại quên nói bạn đã ăn cơm nguội….Bạn trả lời đã uống nước suối, nước trà, nhưng lại quên khai đã uống sữa vài tiếng trước khi ăn cơm tối…. Hoặc bạn cho biết là đã ăn ở một tiệm cơm nào đó…Lời khai của bạn nhiều khi làm cho tiệm này “lãnh đủ”, bị cơ quan y tế lục xoát, có thể bị đóng cửa nữa. Tôi còn nhớ, cách đây khoảng 20 năm, một bệnh nhân khai đã ăn mì tây (Nudel, noodle) do hãng Birkel sản xuất. Thế là mì Birkel bị mang tiếng là nguồn gây bệnh và bị tịch thu. Vì lời khai này mà Birkel xém bị phá sản, nhưng sau này được bồi thường vì bị oan.

Như thế đủ thấy lời khai của người bệnh rất quan trọng. Khai chinh xác được chừng nào càng tốt chừng ấy. Ngoài ra it ai ngờ được là lời khai của mình có tác dụng “sống còn” cho một tiệm ăn, một siêu thị, một hãng thực phẩm….Nếu bạn theo dõi tin tức các ngày qua, bạn còn nhớ viện Robert Koch Institut đã bị chỉ trích là làm việc quá “tài tử”. Viện này chỉ gửi một bản câu hỏi (Fragebogen, questionnaire) cho các bệnh nhân EHEC, xin họ điền các câu trả lời vào mẫu câu hỏi, thay vì đến gặp tận mặt, đối thoại với bệnh nhân dưới hình thức Interview. Hỏi qua giấy tờ như vậy khó thẩm định được tình hình một cách đích xác. Hơn nữa bản câu hỏi chỉ giới hạn vào 4 loại rau sà lách, dưa leo, cà chua và dâu mà không hỏi thêm về bất cứ một thực phẩm nào khác, mà bệnh nhân có thể đã ăn. Giá sống hoàn toàn không được quan tâm đến.

Có lẽ dựa theo những lời khai không được chính xác cho lắm của người bệnh, nên Robert Koch Institut đã lúng túng và kết luận sai lầm dưa leo Tây Ban Nha là lý do gây bệnh tiêu chảy. Đến gần một tháng sau khi dịch EHEC bộc phát, các viện y tế mới tìm ra được giá sống bị nhiễm trùng EHEC là thủ phạm gây bệnh qua lời khai của một số bệnh nhân đã ăn giá sống tại một tiệm ăn ở Lübeck. Giới chức y tế cũng tìm ra được một nông trại ở Bienenbüttel thường bán giá sống cho tiệm ăn nói trên. Kể từ lúc này dưa leo được “trắng án!.

Tiện đây tôi xin phụ chú (hơi ra ngoài đề!) vài câu về việc nấu đồ ăn một lần, bỏ vào tủ lạnh để ăn dần.

Bạn hãy để ngay đồ ăn “thừa” vào tủ lạnh, kể cả cơm nguội. Nếu được thì để vào ngăn đá là tốt nhất. Chắc bạn cũng biết là nhiệt độ thấp trong tủ lạnh (6°C đến 8°C) kìm hãm sự sinh sản của phần lớn các loại vi trùng. Đồ ăn có giữ lâu được trong tủ lạnh hay không còn tùy thuộc nhiều dữ kiện khác như đồ ăn lỏng (nhiều nước) hay đồ ăn khô (rất ít nước), thành phần các hóa chất, độ chua pH... trong thực phẩm, Tuy nhiên cho “chắc ăn “bạn hãy chỉ giữ các đồ ăn trong tủ lạnh một ngày thôi và phải hâm nóng lên 70-80°C khoảng 5-10 phút trước khi ăn.

Cũng xin nhắc các bạn hãy vứt bỏ thực phẩm bị mốc, dù chỉ mốc một phần nhỏ thôi (trái cây, bánh mì, sữa chua Joghurt, nước ngọt…vv...) ngay cả khi để trong tủ lạnh. Nhớ là vứt cả miếng, cả quả, chứ không phải chỉ cắt bỏ chỗ bị mốc đi thôi.

Trong trường hợp cơ thể bạn không chịu được vài hóa chất trong thực phẩm như đường có trong sữa (Milchzucker. Milk sugar, Lactose) - coi phần I - hay bột hành tây (Zwiebelpulver, Onion powder), ăn vào bị phình bụng, thì nên tránh các đố ăn có chứa các chất kể trên. Để biết thực phẩm có chứa các chất này hay không, bạn chỉ cần đọc thành phần hóa chất in trên bao bì (Zutaten, Ingredients). Có người ăn súp đóng bao hoặc ăn bánh biscuit (Keks) xong thì bị đau bụng, phình bung, coi lại thì hóa ra súp, biscuit có lượng đường sữa rất cao do hãng thực phẩm bỏ thêm vào.. Tương tự, mì Nhật ăn liền cũng chứa nhiều bột hành tây.

Bạn có thể tưởng tượng được là trong dịp ăn sinh nhật một người bạn Đức, sau khi ăn bánh sinh nhật (Kuchen) xong, tôi lại ngà ngà say, mặc dù không uống rượu. Hóa ra là bà chủ nhà bỏ vào bánh nhiều rượu nặng, có hiệu quả ngay đối với những ai tửu lượng kém như tôi.

Thành phần các hóa chất trong sôcôla Thụy Sĩ Lindt&Sprüngli

TÌM VÀ XÁC ĐỊNH VI TRÙNG GÂY BỆNH?

Trước tiên người ta phải lấy mẫu từ bệnh nhân (trong trường hợp này thường là phân) hay từ các thực phẩm bị nghi ngờ bị nhiễm vi trùng EHEC trong vụ này như dưa leo, cà chua, sà lách, giá sống… để thử nghiệm trong phòng thí nghiệm (Labor). Các mẫu được cấy lên nhiều loại môi trường nuôi vi trùng khác nhau. Sau khi chờ cho vi trùng sinh sản và mọc trên môi trường xong, người ta sẽ xác định loại vi trùng qua các phương pháp đặc biệt. Kết quả thử nghiệm có thể là „âm“ (vi trùng không mọc hay mọc nhưng không được xác định là EHEC) hay „dương“ (vi trùng mọc và được kiểm chứng đích y là EHEC). Thử nghiệm vi trùng thường tốn nhiều thì giờ, từ 2,3 ngày đến 5,6 ngày. Nếu dùng một vài phương pháp tân tiến, có thể có kết quả trong vòng 1, 2 ngày.

Thử nghiệm trùng EHEC (nguồn: AFP) EHEC mọc trên môi trường nuôi vi trùng

Trong việc thử nghiệm, xác dịnh EHEC cũng có nhiều xung khắc, tranh luận giữa các viện y tế, các Labor. Chẳng hạn như giáo sư Klaus-Dieter Zastrow, chủ tịch hội các chuyên viên vệ sinh học Đức (Berufsverband der Deutschen Hygieniker) không những phê bình bản câu hỏi của Robert Koch Institut có nội dung hời hợt, mà ông còn chỉ trích các phòng thí nghiệm đã dùng các phương pháp không thích hợp.

Các phòng thí nghiệm thực sự đã tìm và xác định được vi trùng EHEC trong dưa leo Tây Ban Nha, nhưng loại EHEC này lại không phù hợp với loại EHEC O104:H5 tìm được ở bệnh nhân. Về sau các kết quả thử nghiệm EHEC trong giá sống mới kết luận rỏ ràng được 2 loại EHEC trong thực phẩm và trong người bệnh là một.

Thử nghiệm dưa leo, giá trong Labor

PHƯƠNG CÁCH ĐIỀU TRỊ ?

DÙNG TRỤ SINH ĐƯỢC KHÔNG?

Đề tài phương cách tri bệnh tiêu chảy EHEC thuộc lãnh vực của các bác sĩ y khoa chuyên ngành, nằm ngoài phạm vi bài này.

Nói chung chung thì người ta thường dùng thuốc trụ sinh (Antibiotika), khi bệnh nhân bị nhiễm trùng, bất cứ loại gì, từ cảm lạnh (nhưng cúm thì không), các chứng sưng... đến tiêu chảy....vv... Tuy thế việc xử dụng trụ sinh là cả một vấn đề, vì nhiều lý do.

Theo các chuyên gia y khoa thì trụ sinh tuyệt đối không được dùng để trị bệnh EHEC, vì sau khi vỏ tế bào của vi trùng bị trụ sinh phá hủy thì chất độc, có nhiều trong tế bào, sẽ “tự do” thoát ra và tấn công màng ruột.

Tiện đây xin có vài dòng phụ chú về việc xử dụng trụ sinh. Chắc các bạn cũng đã thường nghe báo chí nói đến các loại vi trùng có sức đề kháng rất cao (multiresistent) khiến các loại trụ sinh mất hiệu lực tiêu diệt vi trùng. Trong nhà thương có một loại vi trùng đặc biệt tên là MRSA (viết tắt chữ Methicillin-resistenter Staphylococcus aureus) có tính chất kháng cự được hầu hết các loại trụ sinh. Nhiều bệnh nhân, vì duyên cớ khác phải nhập viện, bị lây MRSA đã thiệt mạng vì “hết thuốc chữa”. Nguyên do cho sức đề kháng mãnh liệt của của MRSA là trong quá khứ người ta đã dùng trụ sinh quá “ồ ạt”, “bạ” gi cũng cho bệnh nhân uống trụ sinh, hoặc tệ hại hơn nữa, người ta còn trộn trụ sinh vào thức ăn của nông súc như bò, heo để ngừa bệnh cho chúng, nên loại vi trùng Staphylococcus aureus lâu ngày thành “quen thuốc” và hóa “nhờn, lờn” với trụ sinh. Staphylococcus aureus dần dần biến dạng thành loại vi trùng “siêu kháng” có tên MRSA nói trên. Loại vi trùng “Siêu Kháng” này được gọi trong Anh ngữ là SUPER BUG Các loại SUPER BUG này không những xuất thân từ vi trùng Staphylococcus aureus nói trên mà còn “thay hình, đổi dạng” từ các loại vi trùng khác nữa. Đây là một hiểm họa cho nhân loại.

Một ngày nào đó sự kiện “hết thuốc chữa” có thể thật sự sẽ xẩy ra như cơm bữa, đe dọa tinh mạng cho mỗi bệnh nhân bị lây bệnh truyền nhiễm. Hiện nay SUPER BUG là một đề tài nghiên cứu tại nhiều đại học. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm tòi một loại thuốc mới thay thế cho trụ sinh đang dần dần hết hiệu nghiệm.

Chính vì loại vi trùng siêu kháng MRSA này mà trong phần I tôi đã nhắc quý bạn, sau khi thăm ai trong bệnh viện, nên rửa và khử trùng tay cho kỹ trước khi rời nhà thương. Ở bên Nhật người Nhật còn có biện pháp hơi quá đáng như luôn luôn đeo loại mặt nạ che miệng, mũi và đeo găng tay để tránh cảm cúm và các bệnh truyền nhiễm khác.

Mặt nạ che mũi, miệng ngừa lây bệnh truyền nhiễm Bình chứa thuốc khử trùng

GIAI ĐOẠN 2:

VAI TRÒ CỦA NÔNG TRẠI, CỦA CÁC HÃNG THỰC PHẨM.... NHƯ THẾ NÀO?

Lời khai của người bệnh đã quan trọng thì lời khai của nông trại, của các hãng thực phẩm, các siêu thị ....còn quan trọng hơn nũa.

Từ nhiều năm nay, các tổ chức quốc tế đã soạn thảo những tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm (Standard für Lebensmittelsicherheit) có giá trị cho mọi quốc gia. Các tiêu chuẩn này đòi hỏi tất cả các thành phần trong chuỗi dây thực phẩm (Nahrungskette/food chain), từ nông trại, vận chuyển thực phẩm, các hãng biến chế, đóng hộp, đóng bao bì, tiệm bán thực phẩm cho đến tiệm ăn phải giữ đúng các quy định vệ sinh căn bản. Tiếng Anh gọi chuỗi dây thực phẩm này là from farm to fork (từ nông trại đến nĩa ăn),. Chỉ một thành phần trong chuỗi này “trật đường rầy” là thực phẩm có thể sẽ gây bệnh cho người tiêu thụ (thành phần đứng sau chót trong chuỗi dây thực phẩm).

Một khi có tin dịch nhiễm trùng xẩy ra là người ta phải quan tâm ngay đến thành phần đầu tiên trong chuỗi dây thực phẩm, tức là nơi thực phẩm được nuôi, trồng, sản xuất, chế biến. Trường hơp thực phẩm thực vật (rau ,dưa leo, cà chua, giá sống, trái cây...vv...) thì ta lập tức phải đến các nông trại bị nghi ngờ, đòi hỏi nhà nông phải cho biết kỹ lưỡng họ trồng trọt, vun sới, tưới bón cây...như thế nào, ngoài việc lấy mẫu hàng mang về thử nghiệm.

Nếu thực phẩm động vật (thịt, xúc xích, sữa..vv...) bị nghi ngờ thì các nông trại nuôi bò, heo...các hãng chế biến thực phẫm....là nơi sẽ được quan sát, thanh tra kỹ càng. Vì sữa bị “hư” mà cá nhân tôi đã bao lần thăm viếng các cơ xưởng công nghệ biến chế sữa (Molkerei, dairy plant) trong và ngoài nước, có khi lưu lại đó cả 3, 4 ngày để “thẩm vấn” nhân viên công ty, từ cấp quản lý lãnh đạo (management), cho tới các công nhân, điều khiển trực tiếp các máy móc...chưa kể phải mang mẫu hàng về Labor thử nghiệm. Trong trường hợp, này Labor chúng tôi làm việc túi bụi, tối ngày, thử cả trăm, cả ngàn mẩu hàng. “Thẩm vần” ở đây có nghĩa là “xin” tin tức trong xuốt quá trình sản xuất mà mọi người làm việc trong công ty cung cấp được. Thường ra họ quên những chuyện cũ xẩy ra mấy ngày trước thành ra phải hỏi đi, hỏi lai, vặn trí nhớ của họ. Có trường hợp thợ thuyền bực tức với chủ, cố tình phá hoại (Sabotage) thì việc “săn” tin càng khó hơn, họ sẽ dấu nhẹm tin tức. Chẳng hạn như anh nhân viên nào đó, xích mích với “ca bô”, ngừng cho máy chậy vài giây, rồi nhổ nước miếng vào thực phẩm là thực phẩm sẽ có ngay vi trùng Staphylococcus aureus. Khi thâu thập đủ các dữ kiện, cộng thêm kết quả Labor thử nghiệm, chúng tôi sẽ có thễ dự đoán được “thủ phạm” gây nhiễm trùng là ai, là chỗ nào trong máy, trong hãng xưởng. Với kết quả này chúng tôi bàn thảo với nhân viên trách nhiệm trong hãng về các biện pháp loại trừ ngun nhiễm trùng.

Trong phần I ngày 08.06.2011 tôi đã đề cập đến việc nhiễm trùng có thể xẩy ra vì nhà nông làm ăn tắc trách, dùng nước phế thải tưới cây. Ngày 17.06.2011 có tin trùng EHEC tìm được trong một kênh rạch nhỏ gần Frankfurt am Main.

Nông trại trồng rau Kênh rạch nhỏ Erlenbach ở gần Frankfurt am Main

Một nông trại gần đó đó đã dùng nước ở kênh rạch này để tưới rau. Sau khi xác định được rau trồng ở đây quả thật chứa EHEC, dù không phải là loại EHEC O104. H4, rất độc vì gây thêm chứng tán huyết tăng urê máu (HUS), các viện y tế lập tức cấm các nông trại chung quanh không được tưới rau bằng nước lấy ỡ sông rạch này.

Kết luận

Qua các thống kê dò hỏi ý kiến của giới tiêu thụ thì trên phân nửa dân Đức không hài lòng với lối giải quyết (Management) vấn đề bệnh dịch EHEC của các cơ quan y tế nhà nước. Cũng dễ hiểu thôi, vì các viện y tế ở Đức làm việc không ăn khớp. Thí dụ viện Robert Koch Institut đã công bố kết quả thử nghiệm quá sớm, khiến dưa leo bị oan, nước Đức phải bồi thường cho

nông dân cả trăm triệu Euro. Mấy hôm sau một viện y tế khác lại kiếm ra EHEC trong giá sống. Ngày 21.06.2011 Nga (Russland) bỏ lệnh cấm nhập cảng rau xuất phát từ các nước EU, nhưng lại cấm sản phẩm của 10 hãng sữa và 3 hãng thịt của Đức không được xuất cảng qua Nga vì cho rằng trùng E. coli (không phải trùng EHEC) có trong các thực phẩm sữa, thịt.

Không những ở Đức mà ở cả Pháp và Anh câu chuyện EHEC cũng rối beng. Tuần trước ở Lille (Pháp) có vài bệnh nhân tiêu chảy, bị nghi ngờ nhiễm trùng EHEC sau khi ăn thịt đông lạnh, xuất phát từ Đức. mua ở tiệm Lidl. Hôm nay 25.06.2011 ở vùng Bordeaux (Pháp) phát hiện 10 trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng EHEC. Nhưng giá sống họ ăn lại bắt nguồn từ bên Anh.

Qua những trường hợp trên, dù giá sống nhiễm trùng EHEC được coi là thủ phạm chính, nhưng các nhà khoa học vẫn còn nhiều hoài nghi không biết EHEC chỉ nhiễm vào giá sống thôi hay còn vào nhiều thực phẩm khác.

Cấm ăn, đừng ăn….. ….sà lách, dưa leo….. ……..cứ ăn………….

Như đã thưa với các bạn ở trên, việc đi tìm nguồn nhiễm trùng hết sức khó khăn. Nhiều lúc chẳng khác gì như cảnh sát, thám tử đi tìm một hung thủ mưu mô, xảo quyệt, vô hình, vạn trạng. Tôi nghĩ, có khi chẳng bao giờ khám phá ra được kẻ tội phạm thật sự.

Trong khi chờ đợi nội vụ được đưa ra ánh sáng, tôi đề nghị các bạn ..cứ ăn các loại rau, dưa, giá, với điều kiện bạn giữ đúng các tiêu chuẩn vệ sinh tôi đã nói đến trong phần I.

Neckartenzlingen, Đức Quốc

Dr. Dương Hồng-Ân – chuyên viên vi trùng học và vệ sinh học thực phẩm (con trai trưởng của cố nhạc sĩ Dương thiệu Tước.....)




No comments:

Post a Comment