Jun 13, 2011

BÁNH TRO và RƯỢU NẾP

BÁNH TRO và RƯỢU NẾP

Hoàng Anh Thư



Có một cái Tết ít được nhắc đến : Đó là Tết Đoan Ngọ nhằm ngày 5 tháng 5 âm lịch. Có lẽ xuất xứ cái Tết này có từ Trung quốc. Tôi chỉ thấy ngoài chợ người ta hay bán từng chùm bánh tro và rượu nếp vào những ngày này. Tôi cũng không rõ tại sao ngày ấy lại ăn hai thứ này .

Vào những ngày Tết đoan ngọ, mẹ tôi hay mua từng chùm bánh tro. Mỗi chùm có khoảng hai chục cái bánh bé xíu hình kim tự tháp , gói bằng lá tre, buộc bằng dây lạt ở ngoài. Bóc lớp lá ra sẽ thấy cái bánh vàng óng, trong suốt. Khi ăn chấm với nước đường mật, dẻo và thơm nồng mùi của tro và mật. Ăn mãi không ngán vì độ ngọt do mình thích nhiều hay ít khi chấm với mật..Làm ra được cái bánh này chắc hẳn cũng lắm công phu. Sau này người ta còn làm thêm nhân đậu xanh có mùi sầu riêng, nhân dừa...nhưng tôi không thích lắm vì nó ngọt quá.

Sáng sớm ngày mồng năm mẹ tôi chuẩn bị bữa sáng khác hẳn mọi ngày với bánh tro và rượu nếp. Mẹ tôi bảo phải ăn rượu nếp trước để giết sâu bọ ?
- Mẹ ơi sâu bọ ở đâu ạ ?
- Là những con giun trong bụng con đó.
À ra thế , Nhưng tại sao ăn rượu nếp vào ngày này thì diệt được giun? Đó là một bí ẩn mà ngày bé tôi cứ nghĩ chắc là mình chưa ăn gì mà ăn rượu nếp thì giun nó "say" mà chết ?

Rượu nếp thì thường được làm bằng gạo nếp lức. Thứ gạo đặc biệt này có màu vàng ngà, hạt dài được nấu lên như xôi , đề nguội và rắc men cơm rượu vào. Mùa hè tiết trời nóng nực nên chỉ khoảng ba ngày sau mở nắp hũ ra sẽ ngửi thấy ngay một mùi thơm ngào ngạt đặc trưng của rượu nếp lức. Nếm thử sẽ thấy vị ngọt tự nhiên, đậm đà. Hạt gạo rời từng hột, mềm với nước cơm rượu ngọt ngào tươm ra từ gạo và men. Chẳng thế mà bạn tôi ở xa về đã ghiền ăn món này vô cùng.

Cái chợ nhỏ gần nhà tôi có một bà cụ người Bắc chuyên bán thứ cơm rượu này quanh năm chứ không phải chỉ vào dịp Tết Đoan ngọ như các hàng khác. Cứ khoảng ba ngày thì mới có một đợt nhưng rượu nếp của bà thật ngon. hạt nào như hạt nấy và không bị sượng. Dạo gần đây bà cụ bị ốm nên anh con trai của bà ra bán thay mẹ. Những khách hàng quen hay hỏi thăm bà cụ, anh đều bảo : " Dạo này mẹ cháu yếu nên nghỉ bán một thời gian. Bao giờ khỏe mẹ cháu lại đi bán ạ". Anh nói thế thôi , chứ mấy tháng rồi chẳng thấy cụ đâu, chỉ thấy anh cặm cụi sàng giá đỗ và bán hàng thay cụ. Nhớ lúc cụ còn bán hàng, cụ hay khoe anh con trai làm hàng cho cụ bán. Nào cơm rượu nếp, sữa đậu nành, làm giá đỗ, làm đậu phụ ....Con trai mà như vậy , kể ra cũng là có hiếu và thương mẹ lắm, chẳng như anh con trai bằng tuổi ở xóm tôi, con một bà có chức có quyền mà lại lêu lổng, hư hỏng, suốt ngày vòi tiền cha mẹ để đàn đúm với bạn bè..

Mỗi lần đến thăm bạn, tôi hay mua cơm rượu để làm quà nên nay dù có cách xa cả nửa vòng trái đất mà bạn tôi vẫn không quên được cái món ăn dân dã mà quyến rũ này. Thỉnh thoảng đi chợ tôi vẫn hay mua, ăn để nhớ đến cô bạn mình lúc này đây cũng đang thèm lắm mà nào có được vì : "Lạnh quá, làm sao gạo lên men? "

No comments:

Post a Comment