MỸ DU KÝ
Tập 8 – CỰU KIM SƠN (thành phố SAN
FRANCISCO)
Phần
1 – Cầu Cổng vàng (hay Kim Môn kiều / Golden Gate bridge)
Making
the impossible, possible;
the
story of the Golden Gate Bridge
Cách đây rất nhiều năm, khi nhận tấm hình của một
người bạn đứng ở cầu Golden gate, tôi thấy sao cầu sơn màu đỏ mà tên là cầu
vàng. Sau này ai qua tới Mỹ cũng đều gửi cho tôi tấm hình đứng ở cầu đỏ này. Dường
như không có tấm hình bên cầu đỏ này là chưa tới nước Mỹ hay sao mà ai cũng đều
phải tới đây chụp hình? Bắt chước mấy người đi trước, tôi cũng tới đây chụp… cả
chục tấm.
Phải công nhận là nhìn trong hình và tới bên cầu đều
thấy vẻ đẹp lộng lẫy về mỹ thuật của nó. Nếu hiểu chữ “Cựu Kim Sơn” là ngọn núi
vàng xa xưa thì cũng rất hay. Các bạn ở Việt Nam hãy hình dung ra ở thành phố
này, thiên nhiên đã khoét sâu vào đất liền tạo nên một túi nước biển khổng lồ,
chúng ta hay gọi là vịnh. Cái chỗ nhỏ xíu nối vịnh ra cửa biển Thái Bình Dương
gọi là Golden Gate (Cửa Vàng). Giờ tôi mới hiểu tại sao cầu tên là vàng mà lại
sơn màu đỏ.
Kim Môn kiều là cây cầu treo dài thứ nhì ở Mỹ, 2.
737 m, do James Wilkins, sinh viên mỹ thuật đưa ra ý tưởng lúc đó là năm 1916. Trước
khi hoàn tất vào năm 1937, cây cầu được gọi là “bất khả thi” vì sương mù dầy đặc.
Gió thì thổi 60 dặm / 1 giờ và sóng biển rất mạnh. Kỹ sư Joseph Strauss đưa ra
bản thiết kế. Phải mất 10 năm để thuyết phục cộng đồng ở bắc Cali chấp thuận bản
thiết kế của ông. Ai trong chúng ta có đầy lòng kiên trì để theo đuổi việc thuyết
phục nhiều người trong một thời gian dài như vậy?
Còn màu đỏ là do Irvin Morrow, kiến trúc sư, hằng
ngày đi trên phà để đến công trường làm việc ông đã nhìn thấy xung quanh thường
xuyên có sương mù bao phủ, nên ông quyết định chọn màu đỏ cam để làm nổi bật
cây cầu so với khung cảnh xung quanh. Cây cầu rực rỡ màu sắc dưới ánh nắng ban
ngày cũng như lộng lẫy huy hoàng vào ban đêm. Một tấm bảng ở gần cầu mà tôi chụp
được “biến cái không thể thành có thể, câu
chuyện cây cầu Golden Gate”.
Đố bạn ở Việt Nam cây cầu nào dài nhất: đó là cầu vượt biển Thị Nại ở Quy Nhơn,
dài gần 7 km.
Phần
2 – thành phố San Francisco
Nếu có ai hỏi tôi về tính độc đáo của Mỹ thì có lẽ
tôi sẽ chọn thành phố San Francisco vì nó được xây trên 43 ngọn đồi, bao bọc ba
mặt là biển. Trước đây tôi có nghe người bạn nói là ai ở Mỹ mà lái xe chạy được
ở thành phố San Francisco là coi như chạy được tất cả các nơi. Lúc đó tôi chỉ
mơ hồ nghĩ chắc là đường sá chật hẹp như ở Sài gòn chứ gì? Bây giờ khi chiếc xe
ngừng, tôi nhìn con đường ở trước mặt
mới thấy …chút nóng lạnh
và nhớ lại lời người bạn đã nói. Đặc biệt là khu China town, đường nào cũng như
thách thức lòng can đảm của mình vậy, vừa hẹp mà lại dốc nữa. Ghê hơn khi các bạn
nhìn thấy họ đậu xe dọc 2 bên con đường nhỏ hẹp với độ dốc kinh khủng mới thán
phục tài lái xe của người dân bản xứ. Giả sử nếu như tôi là cư dân ở đây thì liệu
tôi có đầy đủ can đảm để lái xe vòng vòng ở China town này không nhỉ? Không hiểu
trong vịt TV6370 có bạn nào lái xe lên núi, xuống đèo dễ dàng ở khu China town
chưa? Xin bái phục. Nhà của khu này có 2 loại: hoặc là căn phố nhỏ xíu, nhỏ hơn
ở Sài gòn nữa (giá triệu đô không đó bạn) hoặc là cao rất nhiều tầng. Đa số là
người Hoa họ định cư ở đây từ thập niên 1850. Tự thắc mắc không hiểu sao nước Mỹ
đất đai rộng bát ngát như vậy mà người dân lại phải định cư chen chúc ở một nơi
chật hẹp và độ cao thấp của đường sá có thể gây nguy hiểm cho người dân? Và lúc
xây dựng nhà cửa cũng khó khăn lắm. Nói theo tâm linh thì chắc ở đây phong thủy
vượng khí nên làm ăn sinh sống dễ dàng, không như nơi khác khó xin việc làm. Only
God knows.
Phần
3 – cầu San Mateo
(tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “thánh Matthew”)
Hệ thống xây dựng đường sá ở Mỹ dựa trên 2 trục lớn:
Đông Tây và Nam Bắc (chiều dọc, chiều ngang). Cây cầu San Meteo này dài gần 12
km (gấp 5 lần chiều dài cầu đỏ), hoàn tất năm 1929, nhưng mức độ nổi tiếng về đẹp
thì không bằng cầu đỏ nhưng lợi ích kinh tế rất lớn vì nó bắt qua chiều ngang
nơi rộng nhất của vịnh San Francisco. Chạy xe trên cầu chúng ta chỉ thấy chung
quanh toàn biển và biển. Một ngày nó cõng trên lưng gần 100.000 xe các loại. Nó
vẫn được xếp vào loại cầu dài nhất trên thế giới.
Ngô Oanh