Jun 27, 2014

MỸ DU KÝ- TẬP 1 - NGÔ OANH





*Tập 1: ẤN TƯỢNG ĐẦU TIÊN*

Tôi đến phi trường San Fransisco lúc 8 giờ tối. Nhìn trời mà cứ tưởng 4 giờ
chiều, nắng vẫn còn rực rỡ như ở Sài gòn. Làm thủ tục nhập cảnh theo
visitors, phải mất hơn 1 tiếng rưỡi tôi mới thoát ra cửa gặp được thân
nhân. Hình như mùa hè du khách đổ xô đến Mỹ đông quá. Ngồi trên xe chạy về
nhà thân nhân ở San Jose, tôi thấy đường xá rộng thênh thang. Chiếc xe chạy
trên đường Free Way tốc độ trên cả trăm cây số, chắc ai đau tim sẽ thấy dễ
sợ lắm. Cái đập vào mắt tôi đầu tiên là hạ tầng cơ sở, cảnh quan hai bên
đường được chăm chút cẩn thận. Dường như chỗ nào cũng có bàn tay con người
chăm sóc kỹ lưỡng. Nhà nước trồng cây, nhà nhà trồng cây…Xã hội ai cũng yêu
cây cỏ môi trường. Sau cả tuần đi lòng vòng nhiều chỗ trên nước Mỹ, tôi có
một nhận xét sự khác biệt giữa 2 xã hội Việt Nam và Mỹ:

* *Giao thông*: trật tự, kỷ luật, dường như mọi người rất sợ bị cảnh sát rờ
gáy, còn tôi thì mắc cái bịnh là hay quên seat belt. Tôi phải tự nhắc nhở:
“nước Mỹ tự do, nhưng mà lên ngồi xe thì phải tự trói mình” (seat belt).
Tôi học được nhiều ký hiệu giao thông mà bên VN không có: như dấu hình thoi
trên lane đường, chữ XING, chữ FIRE LANE màu đỏ ở lề đường (dành cho cứu
hỏa, cấm không được đậu xe cặp sát lề có dòng chữ này), chữ EXIT. Tốc độ
trên đường FREE WAY, EXPRESS, DRIVE, ROAD, LANE…. khác nhau.

Đi bộ muốn băng qua đường thì lại ngã tư bấm đèn để xin qua đường. Trời ạ!
ở trung tâm Sàigòn thì phải ráng mà dùng “lăng ba vi bộ” để nhảy cho kịp
đặng tránh xe, không thì coi chừng. Người Mỹ đã tiến hóa trước Việt Nam rất
nhiều năm nên họ phát triển hạ tầng cơ sở rất hay. Cái mà tôi ao ước là xã
hội VN giống như xã hội Mỹ đó là khi lưu thông trên đường ta không còn phân
biệt thành phố hay nông thôn vì tất cả được phát triển đồng bộ. Nhà cửa ở
nông thôn cũng đẹp, đầy đủ tiện nghi như một nhà ở thành phố.

Bên VN từ lâu tôi cũng thấy đèn giao thông ít có nơi để đèn dành riêng cho
quẹo trái (chắc là mấy anh giao thông làm biếng cài đặt thêm hệ thống tự
động), đó là lý do kẹt xe ở trung tâm Sàigòn rất nặng nề vì khi có một anh
xe buýt to đùng quẹo trái y như là 5 phút sau chỗ đó hình thành một cuộn
chỉ rối. Bên Mỹ có đèn giao thông quẹo trái rất hay nhằm giải quyết bớt nạn
kẹt xe.

Tôi gần như không thấy được người ăn xin, bán hàng rong dọc hai bên đường
phố Mỹ. Vì lãnh thổ nước Mỹ rộng lớn nên khoản cách từ nơi này đến nơi khác
rất xa, không lái xe hơi được thì coi như què giò. Đón taxi thì tốn tiền
lắm, còn xe bus thì không phải lúc nào cũng ở gần đâu đó. Điều đó giải
thích vì sao có những người già họ đã quay về VN sống vì họ đã không thể
học lái xe được.

* *Nhà cửa*: phải nói là cảnh quan nhà cửa rất đẹp. Cảnh quan ở Mỹ đẹp là
do không có người ăn uống, ăn xin tụ tập trên lề đường.

Còn cảnh quan của Sàigòn nhìn bát nháo là do buôn bán ăn uống ở lề đường
quá nhiều. Nhà cửa được tô vẽ mỗi nhà một màu nên nhìn bức tranh Sài gòn
không còn như thời tôi còn nhỏ học ở Trưng Vương. Thời đó chính phủ cũng
đâu có cho tự do mở cửa hàng buôn bán tràn lan như bây giờ. Tôi nhớ là mình
muốn uốn tóc, cắt tóc thì phải ra chợ Đa Kao. Muốn ăn uống gần như chạy ra
chợ, chứ không như bây giờ, chung quanh tất cả nhà cửa đều tận dụng mặt
tiền để kinh doanh. Nhà nhà buôn bán, nhà nhà kinh doanh. Sài gòn ngày xưa
được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông” nhưng bây giờ thì bức tranh đó đã bị
hoen màu.

Cái mà tôi không thích là hệ thống cửa nẻo ở Mỹ. Toàn là cửa kiếng không có
chấn song sắt. Bọn trộm cướp chỉ cần đập một nhát cửa kính là lọt vô trong
nhà như chơi. Tôi có nghe kể lại có nhiều vụ đột nhập như vậy – trộm dọn
sạch nhà mà đến nay cảnh sát vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Ở Mỹ cần phải kể đến sự im lặng đến tĩnh mịch. Nhà nào cũng đóng cửa kín
mít không giao tiếp với ai. Xứ Mỹ tự do nhưng vô trong nhà là như ở tù. Có
phải vì cái tĩnh mịch đó mà để cân bằng lại người Mỹ thích nhạc rock và
giỏi về nhạc rock nữa, còn người Việt quanh năm ồn ào ở ngoài đường nên
ngược lại người Việt ít mặn mà với nhạc rock, mà đa số người Việt chỉ thích
nhạc vàng hoặc ở quê họ sẽ thích vọng cổ.

Ở Mỹ không có chuyện ra ngồi ngoài đường nhìn xe cộ qua lại. Ở VN, rảnh
rảnh là xách ghế ra ngồi ngoài đường “tám” chuyện. Chuyện đầu trên xóm
dưới: bà này ly dị chồng, ông kia đánh vợ…. được mấy tay rảnh rỗi bàn ra
tán vào. Tôi bỗng nhớ câu chuyện sau năm 75, lúc đó nhà nước chỉ cho đi
chính thức sang Pháp. Bà già trên 70 tuổi nhai trầu bỏm bẻm không còn thân
nhân ở VN nên đi đoàn tụ với con cái ở Pháp. Lúc Hải Quan VN khám hành lý
của bà toàn là cau khô, thuốc xỉa, lá trầu. Bà qua Pháp thì mấy đứa con đi
làm không ai ở nhà nói chuyện với bà. Buồn tình quá bà mò xuống chung cư
ngồi ở lề đường vừa nhai trầu vừa nhìn xe cộ qua lại. Cái tật của bà là
phun nhổ trầu đại xuống lề đường. Có một anh Tây trẻ lái xe ngang qua thấy
bà như vậy tưởng là bà bị ói ra máu. Anh Tây dừng xe hốt hoảng bồng bà chở
vô nhà thương. Bà giẫy giụa cũng không được. Anh Tây nói với bác sĩ ở bịnh
viện là bà bị ói ra máu. Bác sĩ, y tá đè bà ra chích cho bà mũi thuốc gì
đó. Bà giẫy giụa quá trời nhưng vì bất đồng ngôn ngữ không ai hiểu ai. Thật
là cười chảy nước mắt. Sau đó khi con cháu về nhà họ tá hỏa tìm bà khắp
nơi. Cuối cùng họ cũng tìm được bà ở bịnh viện và đem về. Con cháu của bà
giải thích để bác sĩ ở Pháp hiểu ăn trầu là thói quen của những người VN
xưa. Sau vụ đó bà nằng nặc đòi về VN và ở luôn trong một ngôi chùa tại quê

nhà

                                 /.


NGÔ OANH

Texas 27/6/2014

Jun 26, 2014

KIẾP ĐỜI



Chung Dao

Sáng nay tôi và con gái phải làm một quyết định đau lòng, đem con chó 12 năm tuổi của cháu vào Animal Shelter để chích thuốc cho nó ngủ giấc ngàn thu.  Nhớ ngày mới mang Yoyo về, nó xinh đẹp và bụ bẫm, con gái tôi đi đâu nó cũng lẽo đẽo theo sau như hình với bóng, Yoyo là một con chó không dễ gần, khi tôi đến nhà con gái ở, phải một thời gian lâu mới làm quen được với nó nhưng khi đã quen thì nó rất thân thiện.

Nó cũng đã có vài lứa con, đã trải qua thời trẻ trung xinh đẹp và bây giờ thì vừa không còn nhìn thấy gì vừa ốm đau bệnh hoạn và theo lời khuyên của BS thú y, chúng tôi nên “put her to sleep”.  Cứ tưởng tưởng một con chó đã sống với bạn 12 năm, nay vì không muốn nó phải chịu đựng bệnh tật đau đớn bạn phải quyết định lấy đi cuộc sống của nó, thật đau lòng.

Buổi tối hôm trước Yoyo chu liên tục cả đêm, chưa bao giờ nó kêu khóc như vậy.  Tôi có cảm giác như nó hiểu được những gì bàn cãi giữa hai mẹ con tôi mà chu lên những tiếng đớn đau như thế.  Trong đám 4 con chó của con gái tôi thì Yoyo là con chó điềm đạm nhất, trong khi những con khác đôi khi giành giật đồ ăn và cắn nhau thì Yoyo luôn thanh thản như thể một người tu hành.  Mới ngày nào nó bé nhỏ xinh đẹp mà hôm nay lại là ngày kết thúc cuộc đời nó sao? Mẹ con tôi cùng yêu chó và khi một con mất đi vì bệnh tật, chúng tôi lại đau khổ như mất một cái gì quý giá lắm đến nỗi một người bạn đã nói “khi nuôi chó chúng ta phải khẳng định nó sẽ ra đi xa rời chúng ta một ngày nào đó vì vòng đời ngắn ngủi của nó…..” thật chí lý.

Buổi sáng bỏ Yoyo vào lồng chở đi shelter, thỉnh thoảng nhìn vào ghế sau, tôi luôn phải quay đi vì không tránh khỏi xúc động khi nhìn vào đôi mắt mờ đục và vô hồn của nó, nhưng nếu để nó cứ phải chịu cảnh mù lòa bệnh tật tôi cũng không đành, thôi thì phải đau lòng mà giải thoát cho nó khỏi kiếp này.  Tôi tưởng tượng nếu biết nói chắc hẳn nó sẽ hỏi “sao mọi người nỡ bắt tôi chết, tôi còn muốn sống mà…”

Chiều nay gia đình tôi đi ăn ở Brodard Chateau, nỗi trống vắng khi thiếu một con chó trong đàn đã vơi bớt phần nào.  Nhà hàng này thật đông vào ngày cuối tuần, ngồi cạnh bàn chúng tôi là một gia đình Việt Nam đông đúc, bố mẹ, con cháu và một bà cụ già trên chiếc xe lăn.  Bà đeo một cái yếm trước ngực để tránh cho rớt dãi khỏi chảy xuống ướt ngực áo, tôi thấy vui trong lòng khi nhìn con cháu chăm sóc đút cho bà từng muỗng súp, ít nhất thì bà cũng còn may mắn trong số hàng triệu người già trong các “nursing home” trên khắp thế giới.  Thỉnh thoảng bà lại gục xuống như thể không chịu nổi sự ồn ào của nhà hàng và những tiếng cười đùa rôm rả xung quanh.  Con cháu thì huyên thuyên nói cười, mỗi khi bà gục xuống lại được con cháu nhẹ nhàng đỡ lên và tiếp tục đút cho bà ăn.  Tôi có cảm giác bà chẳng còn thiết gì ăn uống và cũng chẳng thích thú gì với cái không khí nhộn nhịp của ngày cuối tuần ở đây.  Bất chợt tự hỏi lòng mình, mai đây khi đến tình trạng như bà cụ mình có còn thiết sống hay chỉ mong được ra đi cho con cháu thảnh thơi.  Dù con người hay loài vật đều phải trải qua giai đoạn cuối đời này, nhưng hình như càng gần tới cõi chết người ta lại càng tha thiết được sống thì phải….
Cali June 23rd 2014
CHUNG DAO

Jun 21, 2014

Chung thất thầy Đào Đức Hoàng



                                               

Những hoa đỏ tình thương
Từ cánh đồng Trưng Vương
Dâng lên thầy yêu kính
Xin muôn đời ngát hương


TV6370









Các bạn thân mến,

Sáng mai, chủ nhật 22/6/2014 là ngày chung thất của Thầy Đào Đức Hoàng tại Tổ Đình Từ Quang.
Nhóm TV 63-70 Montreal sẽ đại diện tất cả các bạn đồng niên khóa đến tụng kinh cầu siêu cho Thầy.
Nhân dịp này chúng em sẽ gửi đến Cô và gia đình tấm thiệp phân ưu trong đó có $1000 Canada ( do các bạn TV6370 ở khắp nơi đã đóng góp để phúng viếng thầy )
 để Cô và gia đình tùy nghi sử dụng trong những công tác từ thiện nhằm hồi hướng công đức cho Thầy.
Em có đính kèm thiệp phân ưu trong email này để các bạn cùng xem.
Ít hàng để các bạn rõ.
Chúc các bạn và gia đình weekend vui vẻ nhé.
Thân mến,

Như Mai




TRANG THƠ NHẠC CUỐI TUẦN

TÌNH KHÚC THÁNG 6




"Tháng 6, mưa mưa 
Nếu trời đừng mưa 
Và anh đừng nhớ.....
Anh còn biết làm gì....
Em....
Như hạt mưa rơi trên phố xưa
Nuôi kỷ niệm bám hoài trí nhớ
Kỷ niệm như rêu
Anh níu vào trượt ngã
Tình xưa giờ quá xa..... " 
 ( Thơ Đỗ Trung Quân )

Trang thơ nhạc cuối tuần thân mời  các bạn thưởng thức những tình khúc mưa tháng 6. 

Tháng 6 trời mưa- Thơ Nguyên Sa- Nhạc Hoàng Thanh Tâm.


Nhạc Ngô Thụy Miên- Ca sĩ Khánh Hà - Thái Hiền

KHÚC MƯA
Thơ Đỗ Trung Quân

Tháng 6
Mưa, mưa
Giá trời đừng mưa 
Và anh đừng nhớ
Trời không mưa và anh không nhớ
Anh còn biết làm gì....

Em
Như hạt mưa rơi trên phố xưa
Nuôi kỉ niệm bám hoài trí nhớ
Kỉ niệm như rêu
Anh níu vào trượt ngã
Tình xưa giờ quá xa

Hoa cúc vườn nhà ai
Thả từng chùm
Cho anh thương áo em vàng
Tháng sáu trời buồn 
Tháng sáu riêng anh
Bầy chim sẻ hiên nhà bay mất
Như em
Như em



Mưa trên ngày tháng đó- Nhạc sĩ &Ca sĩ Từ Công Phụng

GIẾNG NHỚ ƠN CÔ GIÁO

GIẾNG NHỚ ƠN CÔ GIÁO



Các bạn thân mến,

Như đã trình bầy với các bạn hôm trước về việc giếng cho cô Vượng ,hôm nay Tâm xin gửi đến các bạn hình giếng của cô vừa mới làm xong .

Chúc các bạn một cuối tuần vui vẻ va` thoải mái .

Thân mến,

Minh Tâm A1



July 15-  2014
Các bạn thân mến,

 Giếng của cô Vượng vừa được làm xong , Tâm xin gửi để các bạn xem . Tâm cũng gửi kèm theo đây hình cái giếng thứ nhất của cô đã làm xong hôm trước . 
 Số tiền còn lại ,theo dự định mình sẽ dùng để mua tập vở phát cho các em học sinh . Ngày mùng 2 tháng 8 tới đây ở Cà Mau , cac´ cha va` các sơ có ngày " Khuyến Học " , thường được tổ chức vào trước mùa tựu trường . Chủ đề của ngày Khuyến Học năm nay sẽ là " Nhớ ơn cha mẹ va` nhớ ơn Thầy Cô  " . Các em nào niên khoá trước học giỏi và có cố gắng sẽ được nhận một phần thưởng khuyến khích . Năm nay có quà của nhóm mình nên tất cả các em đều sẽ có quà .Tâm đã đề nghị với họ là tập vở của nhóm mình sẽ được phát cho các em học sinh vào ngày hôm ấy cho được thêm ý nghĩa . Khi nào xong việc phát quà , Tâm sẽ xin gửi hình ảnh đến các bạn sau .

Cám ơn tất cả các bạn .

Thân mến,

Minh Tâm 
                                                       
                                     

  

Jun 19, 2014

BÁU VẬT HOÀNG CUNG - TUL

       


            TUL có dịp đi xem triển lãm BÁU VẬT HOÀNG CUNG ở Hà Nội . Xin có những hình ảnh hầu các bạn. tuần tự theo slide show , đầu tiên là những mũ mấn cung đình , đương nhiên chỉ dành cho Hoàng Gia . Có kèm theo hình các vị vua , hoàng hậu , thái hậu , hoàng tử đội những cái mũ này . Tất cả đều làm bằng những chất liệu đặc biệt ( không biết đặc biệt cỡ nào nhưng nhìn chung có nền như nhung , nỉ , dạ vv...)
           Đặc điểm của những báu vật tự nó đã nói lên tất cả , mũ áo đều có dát vàng ngọc lấp lánh , có những đĩa vàng nguyên chất , trạm trổ cầu kỳ , chắc là thơ phú hay kinh kệ bằng tiếng Hán hoặc hình rồng phượng , mai , lan , cúc trúc vv..
            Những tách uống trà bằng ngọc xanh , được bọc vàng , những bình đựng ...( chả hiểu đựng gì?) cũng được cẩn đá quý nhiều màu lấp lánh. Nổi bật là những quyển sách , có lẻ là những dụ chiếu của nhà vua được làm bằng vàng nguyên chất , những chữ được khắc trên từng trang
            Những hình tượng các con vật được sùng bái như Long , Phượng , Kỳ , Lân được điêu khắc từ những khối ngọc hoặc đúc bằng vàng.
            Những thanh kiếm tượng trưng cho uy quyền được làm bằng thép không rỉ , hoặc bằng bạc , đuôi kiếm cẩn vàng , ngọc trạm trổ thật công phu và nghệ thuật . Xin các bạn thưởng thức slide show BÁU VẬT HOÀNG CUNG và nếu có thể , xin chú thích hay diễn giảng thêm về những hình ảnh , nguồn gốc lịch sử cũng như triều đại ....Sự đóng góp của các bạn là những tài liệu vô giá, TUL sẽ cập nhật tất cả vào chung một bài viết để chúng ta được tìm hiểu nhiều hơn về những giá trị lịch sử quý giá này . chân thành cảm ơn tất cả..





Jun 16, 2014

Mắt Khô - TUL




TUL

Người trở về nhà
Ngày hè biển  lặng
Nắng  vẫn  rất hiền
Trên sân  gạch đỏ

                                             Mở tung cửa sổ
                                             Lay động giàn hoa
                                             hương thơm ngày xưa
                                             Ùa về trò chuyện


Bàn kia  bụi phủ
bình hoa chết  khô
thừa một bài thơ
trong ngăn kéo vỡ

                                             Cây đàn trong góc
                                             im lặng đứng chờ
                                             từng nốt  chần chừ
                                             dường như tê cóng

Phòng trong hoang lạnh
Tìm đôi mắt khô
Chiếu chăn xô lệch
Tường câm ơ  hờ


                                              Trên sàn hoen ố
                                              vết rượu thời gian
                                               nằm xuống nhẹ nhàng
                                               mắt khô lệ chảy

Như vừa tìm thấy
Hai bàn tay không
vuốt trên tóc rối 
thôi rồi cũng xong.  


Tranh của hoạ sĩ  ĐỖ QUANG EM


Jun 14, 2014

NỖI LÒNG CHA TÔI- Bích Quy


                     

                                 Bích Quy

      Năm ấy tôi mới có bảy tuổi theo cha me qua Pháp  sinh sống. Hồi đó tôi còn  nhỏ nên cũng không rõ lắm tại sao phải rời bỏ nhà cửa đi xa như thế. Tôi chỉ nhớ ông bà nội tôi đã ôm tôi thật chặt , hôn lên khắp người tôi, nước mắt của bà ướt đẫm tóc  tôi.
      Lúc mới sang,  phải ở nhờ nhà bác tôi. Bác là anh ruột của mẹ tôi, bác có vợ là người Pháp, đó là một phụ nữ rất xinh đẹp, hiền ḍiu. Hai vợ chồng bác không có con nên chị em tôi được hai bác rất thương. Bác  sắm cho chúng tôi chẳng thiếu thứ gì.  Ba mẹ tôi cũng rất nỗ lực đi tìm việc.     Trước đây ba là kỹ sư, nhưng bằng cấp của ba ở đây người ta không công nhận .  May mắn là ba đã xin được làm công nhân trong một nhà máy. Ở đó những người xếp của ba còn nhỏ tuổi hơn ba.  Còn mẹ tôi thì xin việc rất khó khăn, phần hơi lớn tuổi, phần xin làm một buổi nên cũng khó có việc. Mẹ tôi muốn mình có thời gian chăm sóc chúng tôi và cơm nước cho cả nhà. Sau cùng mẹ đành nhận trông hai em bé cho hàng xóm. 
       Ngày nào ba tôi cũng đưa tôi đi học nhưng  trở về nhà  rất muộn, có khi tôi đã ngủ rồi.  Buổi chiều mẹ đón hai chị em về nhà , tắm rửa, cho chúng tôi ăn cơm. Còn mẹ thì chờ ba về. 
       Hóa ra , tan sở là ba đi học liền. Ba muốn có bằng cấp bằng tiếng Pháp   để có thu nhập tốt hơn và nhất là để  trở lại vị trí mà ba đã từng làm trước đây. Tôi thấy ba toàn đi bằng xe đạp. Ba còn mang theo cả dụng cụ chữa xe và bơm xe nữa.  Lỡ ra có hư thì có mà dùng. Ba tôi luôn lo xa như thế. Trời mùa đông lạnh lẽo, lắm hôm lại có bão nhưng ba chẳng bỏ buổi học nào.  Thế rồi sau mấy năm chăm chỉ học hành ba cũng lấy được tấm bằng tốt nghiệp. Than ôi, khi xin việc người ta lại chê bằng của ba không phải bằng chính quy, chỉ là bằng bổ  túc học ban đêm nên sở cũ chỉ có thể tăng lương cho ba chút ít.  Ba chẳng nề hà, lại tiếp tục công việc của mình
.
         Ba cảm thấy mình không gặp may mắn và hay cho  là  mình  "sinh bất phùng thời"  nên ông dồn tất cả khả năng có được của mình dậy dỗ các con.  Ba  muốn chúng tôi thay ba thực hiện được ước muốn mà ba không đạt được.

         Sáng sớm ba lôi chúng tôi dậy , mặc dù trời lạnh , đứa nào cũng cuộn tròn trong chăn , chỉ muốn ngủ nướng thêm. Ba chạy trước và chị em tôi lúp xúp chạy theo. Rồi ba dạy vài thế võ đơn giản .  Tôi vốn là đứa trẻ gầy gò, tập theo ba cứ toát hết cả mồ hôi. Lâu dần chị em tôi cũng quen với thời khóa biểu của ba. Bài học nào ở trường chưa hiểu về nhà ba đều giảng lại cho chúng tôi kỹ lưỡng.  Chỉ mất một năm chúng tôi lạng quạng vì chưa quen nhưng đến những năm sau này chúng tôi luôn cố gắng được đứng trong năm đứa đầu lớp. Ba luôn khuyến khích chúng tôi phải cố gắng hơn nữa.  Rồi ba dắt chị em tôi đến tập võ , tập bơi ở các Câu lạc bộ.  Trong khi các bạn mặc những bộ đồ học võ mới tinh thì chúng tôi  phải mặc lại quần áo của cha mẹ mang theo từ quê nhà, vừa cũ vừa rộng dài. Mẹ tôi phải  sửa lại chút ít mới vừa. Ba tôi nói :" Quan trọng là con phải chiến thắng , quần áo cũ mới không thành vấn đề..."
        Chúng tôi cũng dần lớn khôn,  luôn cố gắng học để lấy được học bổng đỡ tốn kém cho ba mẹ được chừng nào hay chừng đó.  Nghỉ hè chúng tôi còn xin làm trong nhà hàng hoặc đi giao báo cho người ta. Lâu dần Ba mẹ tôi cũng mua được căn nhà nhỏ trả góp mỗi tháng.  Cuộc sống ngày càng dễ thở hơn.  Tuy vậy ba tôi vẫn luôn nhắc nhở chúng tôi lúc  nào  cũng  phải cố gắng hết sức mình . 
        Ba tôi rất nghiêm khắc nhưng ẩn sau đó là tình thương bao la ông dành cho chúng tôi. Tôi còn nhớ có lần đi học về bị sốt cao. Ba đã thức cả đêm trông nom tôi, tẩm khăn ướt đắp trên trán cho tôi với vẻ mặt vô cùng lo lắng...
     Chị tôi tốt nghiệp đại học rồi ̣đi làm , lương khá cao. Chị là niềm hãnh diện của ba tôi. Một hôm chị dẫn về nhà một anh bạn da trắng, tóc vàng, mắt xanh và giới thiệu với cả nhà là bạn trai của chị. Khỏi phải nói, ba mẹ tôi đã " sốc" biết chừng nào. Ba tôi quyết liệt phản đối và mong muốn chị  phải lấy người Việt, mẹ tôi không nói gì chỉ lặng lẽ khóc. Ba cấm chị không được dẫn anh ta về nhà và không được liên lạc với anh ta. Nói gì thì nói, làm gì thì làm. Chị vẫn cứ cương quyết lấy bằng được. Công bằng mà nói , anh ta là bạn học của chị, cũng đi làm nhưng không cùng sở với chị  và là người tử tế. Sau cùng thì ba mẹ tôi cũng phải đồng ý gả chị , tuy trong lòng không được vui  mấy.
      Tôi xin được việc làm nhưng lại xa nhà tới ba giờ máy bay, vì thế chỉ có nghỉ Noel tới Tết thì tôi mới về nhà. Tóc ba bạc nhiều quá , nhìn ba đăm chiêu nhiều hơn, tôi hiểu ông còn lo lắng nhiều cho tương lai của tôi  . Tôi biết ba tôi rất mong tôi có bạn gái người Việt vì tôi là con trai duy nhất của ông. Khổ nỗi tôi lại có bạn người Pháp.  Cô cũng dịu dàng, tử tế và bé nhỏ , Bên cạnh tôi, cô cũng cân xứng với vóc dáng của tôi. Cô lại là bạn học với tôi trước kia, chúng tôi rất thương nhau nhưng tôi vẫn chưa muốn giới thiệu với cha mẹ tôi. Tôi biết ba tôi lại phản đối thôi.
 
       Một hôm, ba tôi giơ ra hai tấm vé máy bay. Ông bảo "Con sửa sọan đi, mười ngày nữa chúng ta sẽ về quê"  Tôi ngạc nhiên hết sức
      "Sao ba không đi cùng mẹ?"  Tôi hỏi.
      "Kỳ sau mẹ sẽ đi với ba. Kỳ này ba muốn con cùng đi   trước.  Từ khi sang đây, chúng ta chưa về lần nào.  Đây là tiền ba được thưởng và lại vào dịp lễ nữa, con chỉ xin nghỉ thêm chừng một tuần thôi. "
       Tôi cũng háo hức , muốn biết xóm tôi ở bây giờ ra sao? Những bạn cùng xóm có còn ở đó không?  Tôi còn nhớ con Tâm cắt tóc bum bê và thằng Tùng mập là hai đứa mà tôi hay sang nhà tụi nó chơi. Thằng Tùng học lớp một với tôi và con Tâm em nó học lớp Lá mẫu giáo.  Tôi biết chẳng thể nào nhận ra chúng nó nữa.  Hơn hai mươi  năm rồi còn gì.  
      Ở Saigon, ba tôi còn một người chị và cô em gái , họ rất quý ba tôi và rất mong muốn gặp lại. Chúng tôi không phải lo chỗ ăn ở chi cả. Chúng tôi vừa về được ba hôm là ngày giỗ ông nội tôi. Bác tôi xếp cho tôi ngồi cạnh một cô gái mà bác giới thiệu là con của bạn bác, vừa tốt nghiêp đại học và cũng mới đi làm. Thỉnh thoảng  tôi cũng được những người quen của ba giới thiệu con gái của họ. Có cô cũng duyên dáng, lanh lợi... .  Chúng tôi cũng nói chuyện với nhau nhưng sao tôi không thấy tình cảm như với Julie của tôi  .
 
         Tôi hiểu ra là ba muốn tôi lấy vợ Việt và trách nhiệm của con trai trưởng quan trọng thế nào.  Tôi thương ba quá nhưng tôi cũng không thể theo ý ông được.  Ba đã đưa tôi ra nước ngoài , tôi đã lớn lên và hấp thụ nền văn hóa, văn minh ở xứ người từ nhỏ, nay ba lại muốn tôi phải giống như ...ba, sao tôi có 
thể làm được?  Tôi như một cái cây non nớt được bứng cả gốc rễ đem trồng vào một cái chậu khác trong một xứ sở khác thì tôi biết mình cũng khó có thể suy nghĩ  đồng cảm với người đã sống và lớn lên ở đây.
       Ba cùng tôi hay đi bộ qua những chỗ quen biết của ba khi xưa. Tôi thấy rõ ba rất xúc động khi đưa tôi về thăm trường cũ của ba. Ba nói :
   - Đây là đường Hồng thập Tự , con đường ngày xưa ba  thường đi qua   để đến trường Jean Jacques Rousseau , đó là tên hồi ba còn học. Sau này đổi tên thành Lê quý Đôn rồi
   - Ba ơi, con thấy tên đường ghi là  Nguyễn thị Minh Khai mà.
   - Ừ, đổi thay hết cả rồi. Ba tôi ngậm ngùi..
      Ngày nào, ăn sáng xong là hai cha con cùng nhau đi bộ thăm thú khắp nơi. Ba bảo chỉ có đi bộ thì mới vào được các ngõ ngách, mới thấy được hết sự thay đổi như thế nào. Chỉ có ba tôi thấy chứ tôi thì thấy cũng bình thường như nó phải thế vì tôi đâu còn nhớ gì mấy khung cảnh hồi xưa. Có những nơi nhà cao, cửa rộng, lộng lẫy sáng chói ánh đèn. Lại cũng có những nơi ẩm thấp, bẩn thìu, tối tăm với những em bé đen nhẻm, tóc cháy vàng , cởi trần, mặc quần đùi chạy nhảy trong xóm...
       Ba còn cho tôi đi tắm biển ở Vũng Tàu. Bãi biển thật là đẹp. Tôi thấy yêu quê hương mình biết bao...
       Mấy ngày nghỉ trôi qua nhanh chóng. Ba thấy tôi không tỏ vẻ quan tâm đến các cô gái mà tôi được giới thiệu , ông cũng không nói gì. Chỉ đến khi lên máy bay rồi ông mới dò ý tôi : 
     - Con thấy cô Vân thế nào?
     -  Con thấy cũng bình thường thôi ba.  Đôi khi cô ấy nói nhanh quá, con không hiểu cô ấy định nói gì ba ạ.
      - Ba đưa con về để con xem có cô nào ưng ý thì ba sẽ đưa mẹ về hỏi cho con.
       Tôi bèn rụt rè thưa với ba:
       - Con cảm ơn ba nhưng ba cứ để con tự tìm lấy cho mình. Con thấy mình không hợp lắm với các cô ở đây.
        Ba tôi chẳng nói gì nhưng tôi cảm thấy nỗi buồn đọng lại nơi mắt ba.  Ba đã có hai đứa cháu ngoại tóc vàng, mắt đen đẹp như thiên thần , tôi biết ba mong mỏi có đứa cháu nội thuần Việt biết bao.  Tôi hiểu nỗi lòng của ba và rất biết ơn ba nhưng tim tôi lại không chịu hiểu điều đó. Biết làm sao được. Tôi vẫn thấy thương Julie của tôi. Chúng tôi rất hiểu nhau. Kỳ này về thế nào tôi cũng nói chuyện với mẹ. Tôi biết mẹ rất thương tôi và ủng hộ tôi trong mọi chuyện.
       Tôi muốn nói với ba rằng :"Con rất kính yêu ba, từ nhỏ đến giờ con luôn nghe lời ba nhưng trong chuyện này ba hãy nghe con ba nhé..."
       
    

Trang thơ nhạc cuối tuần - Nhạc sĩ và tác phẩm.


Thân mời các bạn thưởng thức Trang thơ nhạc cuối tuần với những nhạc phẩm được sáng tác bởi những nhạc sĩ thời tiền chiến . Có những nhạc sĩ không sáng tác nhiều , nhưng chỉ cần một tác phẩm hay cũng đủ để lại tên tuổi của họ trong làng âm nhạc. Những người nhạc sĩ tài hoa này đã xa rời thế giới âm nhạc vĩnh viễn , nhưng những tác phẩm của họ đã là những nốt nhạc đẹp , những tác phẩm giá trị của nền âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Tô Vũ  1923- 2014

Nhạc sĩ Tô Vũ và nhạc sĩ Phạm Duy


Nhạc sĩ Tô Vũ sinh năm 1923 tại Bắc Giang nhưng từ khi còn nhỏ ông đã chuyển đến sống tại Hải Phòng cùng bốn người anh em ruột. Ông tên thật là Hoàng Phú, là một nhạc sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu âm nhạc đương đại của Việt Nam. Cùng người anh là nhạc sĩ Hoàng Quý (tác giả ca khúc Cô láng giềng nổi tiếng), Hoàng Phú góp mặt từ những ngày đầu tiên của tân nhạc Việt Nam.
Trong số các anh em, Hoàng Quý và Hoàng Phú đặc biệt say mê âm nhạc. Hai anh em học được những kiến thức âm nhạc đầu tiên (violin) qua một phụ nữ người Pháp tên là Leprêtre - chủ cửa hiệu Orphée, chuyên bán nhạc cụ và sách nhạc Tây ở Hải Phòng thời đó. Tuy nhiên, người tích cực khuyến khích hai anh em họ Hoàng đi theo “âm nhạc cải cách” (tân nhạc) là thầy dạy môn văn chương Pháp tên là Ngô Đình Hộ (tức nhạc sĩ Lê Thương), để cùng thầy biểu diễn trong các tiết mục văn nghệ của trường.
Năm 1939, Hoàng Quý và Hoàng Phú quy tụ một số bạn bè trong đó có Phạm Ngữ, Canh Thân và Văn Cao để lập ra nhóm nhạc Đồng Vọng. Nhóm Đồng Vọng sinh ra từ phong trào hướng đạo sinh do Hoàng Quý làm trưởng nhóm với ý nghĩa như là tiếng gọi tập hợp thanh niên lại với nhau. Từ phương châm này, nhóm Đồng Vọng đã góp phần cổ súy cho nền tân nhạc Việt Nam. Một số tình khúc của nhóm như Cô láng giềng của Hoàng Quý và Bến xuân của Văn Cao cho đến nay vẫn được coi như những tuyệt phẩm của nền tân nhạc Việt Nam.Rạng sáng 13/5, Tô Vũ, một trong những nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam qua đời tại nhà riêng ở Saigon vì bệnh già, sức yếu.

Các nhạc phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Tô Vũ sáng tác thời tiền chiến gồm có: Em đến thăm anh một chiều mưa (1947), Tạ từ, Tiếng chuông chiều thu.

Nguồn : internet






Nhạc sĩ Thanh Bình  1932- 2014


Nhạc sĩ Thanh Bình và Ca sĩ Khánh Ly

Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932, quê ở Bắc Ninh. Ông mồ côi mẹ từ năm 10 tuổi, cha cũng mất sau đó vài năm. Nhà có 4 anh chị em nhưng 2 người đã mất, ông còn một cô em kế sống ở Pháp nhưng không có liên lạc. Ông từng là nhà văn, nhà báo viết cho nhiều tờ báo thời bấy giờ. Ngoài ca khúc Tình lỡ, ông còn là tác giả của các ca khúc: Còn nhớ hay quên, Đừng đến rồi đi, Tiếc một người

Biết bao người đã chìm đắm trong cảm xúc mỗi khi những câu hát khắc khoải như rút tâm can trong bài Tình lỡ mà chẳng hay biết tác giả của nó là ai. Mãi cho đến khi ca sĩ Ánh Tuyết có bài viết về cuộc đời ông, trước lần tổ chức đêm nhạc quyên góp giúp đỡ ông vào đầu tháng 1 năm nay, nhiều người mới biết đến nhạc sĩ Thanh Bình. Cuộc đời ông không hề “thanh bình” như tên gọi. Cả một đời, ông phải chôn chặt và cất giấu quá nhiều nỗi buồn tủi khi không có được một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc riêng trọn vẹn.

Đúng như tên gọi ca khúc Tình lỡ nổi tiếng của ông, cuộc tình nào của ông cũng đầy nỗi buồn thăm thẳm. Đời ông không biết bao lần rơi vào cảnh chông chênh, không ít lần tưởng chừng đã chạm tay vào hạnh phúc nhưng rồi lại tan như bọt nước. Ca khúc Tình lỡ chính là câu chuyện tình mà ông viết cho mình, khi duyên tình với người con gái Hải Phòng quá ngắn ngủi. Cô gái bị gia đình ép lấy chồng, ông phải thốt lên bằng những lời ca da diết: “Thôi rồi, còn chi đâu em ơi! Có còn lại chăng dư âm thôi. Trong cơn thương đau men đắng môi…”.

Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, khi Thanh Bình đã là nhạc sĩ, ông chỉ là nhạc công đi đàn dạo. Một lần, ông được bạn bè giới thiệu gặp đàn anh trong nghề để học hỏi. Ấn tượng của ông về Thanh Bình là “một chàng trai đẹp, hào hoa, phong nhã”. Ông chỉ dám đứng xa xa nhìn chứ không dám lại gần. Mãi một thời gian sau, 2 người quen biết nhau, coi nhau như anh em. Thanh Bình đã dạy ông rất nhiều về nghề. Nguyễn Ánh 9 không biết nhiều về đời tư của nhạc sĩ Thanh Bình vì lúc đó, Thanh Bình sống rất khép kín, ít khi chia sẻ chuyện riêng: “Có lẽ anh ấy gặp quá nhiều chuyện buồn trong cuộc sống nên giữ cho riêng mình”. Thanh Bình sáng tác ít, nổi tiếng nhất là ca khúc Tình lỡ do được sử dụng trong phim Nàng. Nguyễn Ánh 9 kể: “Có lần tôi hỏi anh ấy tại sao lại viết nhạc ít vậy, anh ấy nói rằng viết nhạc đâu phải để kiếm tiền. Có cảm xúc thì mới viết được”.

Trong những năm tháng cuối đời, sống với các cháu trong gian nhà đơn sơ, ông ít khi nhắc lại quá khứ với ai, chỉ tâm sự với ca sĩ Ánh Tuyết mỗi lần chị đến thăm. Người nhạc sĩ tóc đã phai màu vẫn ôm nỗi cô đơn với một biển sầu hiu hắt.
Sau nhiều năm bệnh tật, nhạc sĩ Thanh Bình đã ra đi vào ngày 23 tháng 5 năm 2014 hưởng thọ 82 tuổi.

Nguồn: Internet



Nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng    1919 - 1967


Phạm Duy Nhượng


Nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng là anh trai kế của nhạc sĩ Phạm Duy.
Theo trang web phamduy.com nhạc sĩ Phạm Duy đã viết :

 "Là một nhà mô phạm, xuất thân từ một gia đình -- gọi là gia giáo -- lại thêm mặc cảm miệng méo từ nhỏ tới lớn, anh Nhượng rất khép kín của tôi được coi như là một người ngoan hiền và dễ thương... hơn thằng em út là cái chắc !
Từ lúc sinh ra cho tới khi trưởng thành, tôi và người anh thứ hơn tôi hai tuổi -- Phạm Duy Nhượng -- có khoảng 16 năm sống gần nhau. Kém tuổi người anh cả trong gia đình tới hơn 10 năm cho nên chúng tôi là những đứa em rất xa lạ đối với người anh lớn Phạm Duy Khiêm. Ðó là chưa kể anh Khiêm đi du học bên Pháp trong bẩy năm trời, khi trở về với gia đình vào năm 1935 thì đã trở thành một ông Giáo Sư Thạc Sĩ, đối xử với mọi người và nhất là với các em như một ''ông Tây''.
Anh Nhượng chăm học và ít ham chơi hơn tôi nhiều. Anh luôn luôn đứng đầu trong các lớp ở Trường Nguyễn Du. Có lẽ vì anh bị bệnh thương hàn lúc còn bé rồi mang tật méo mồm nên anh có một đời sống hơi khép kín. Tài hoa của anh chỉ có dịp phát tiết ra ngoài khi, về sau, tôi kéo anh vào chơi trong một lĩnh vực nghệ thuật mà tôi đang cổ võ : phổ biến một nền âm nhạc mới toanh, so với nền nhạc cổ đang suy tàn.

Thế rồi, cuộc đời làm cho anh em tôi phải xa nhau, tôi thì bỏ nhà đi Bắc Giang, Moncay rồi đi theo một gánh hát lưu diễn từ Bắc vào Nam, anh Nhượng thì lấy vợ là Hoàng Thị Sâm, học trò của mình và là cô con gái nhà lành đẹp nhất Hưng Yên. Trong khi tôi đi xa và không hề có thư từ liên lạc gì với gia đình thì ở nhà, chị Sâm đẻ cho anh Nhượng hai đứa hai con trai, rồi chị dâu tôi bất ngờ qua đời vì bệnh thương hàn do sự cẩu thả của ông bác sĩ tỉnh nhỏ. Mẹ tôi, chị tôi vẫn ở với anh Nhượng cho tới ngày Sở Học Vụ thuyên chuyển anh tôi đi Thái Nguyên thì Mẹ tôi và chị tôi cùng đi Thái Nguyên sống với anh Nhượng..."

Năm 1953 , với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Phạm Duy, gia đình nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng di cư vào Nam và dạy học ở một trường tư thục ở Thủ Dầu Một.
Ông mất năm 1967 vì bệnh ung thư phổi.

Tác phẩm của ông không nhiều trong đó nổi tiếng nhất là nhạc phẩm Tà áo Văn Quân đã được sáng tác vào thời cực thịnh của dòng nhạc tiền chiến.



Tà Áo Văn Quân - Tiếng hát Thanh Lan



Jun 12, 2014

CHUYỆN BUỒN TRÊN NHỮNG CHUYẾN BAY



Chung Dao

Trên những chuyến bay dài và tẻ nhạt đã mang tôi đi và về giữa Mỹ và Việt Nam, đặc biệt là những chuyến bay từ Việt Nam sang Mỹ, tôi đã được nghe những cãu chuyện về nhiều mành đời bất hạnh.  Trên những chuyến bay đó tôi đã thường gặp những khuôn mặt ngơ ngác, với sticker “transit” dán trên ngực áo.  Họ là những người mới xuất cảnh lần đầu, tuy khuôn mặt có phãn lo lắng sợ hãi nhưng kèm theo đó là niềm phấn khởi sắp được đoàn tụ với thân nhân mình trên đất M.  Cho dù nỗi hân hoan đócũng sẽ chẳng kéo dài bao lâu khi phải đối mặt với thực tế cuộc sống không mấy thơ mộng và thanh thảnở Mỹ, khác hẳn với những gì họ đã nhìn thấy qua những hình ảnh đầy hấp dẫn được gởi về.  Tuy nhiên đó cũng là những người hạnh phúc hơn hàng ngàn người khác đang mỗi ngày bỏ tiền và công sức cho cuộc phỏng vấn khá gay go để lấy được tấm thông hành vào Mỹ.

Trên chuyến bay từ Việt Nam sang Mỹ vào tháng 2/2014, tôi tình cờ ngồi gần một em gái trong độ tuổi 30.  Thường thì khi thấy những người Việt Nam đeo sticker trên ngực áo tôi thường tìm cách làm quen nói chuyện, giúp họ trong việc trao đổi với tiếp viên khi cần, đồng thời làm giảm đi căng thẳng trong họ.
“em đi Mỹ đoàn tụ với gia đình hả?”
“dạ con qua theo diện đoàn tụ do mẹ bảo lãnh nhưng buồn lắm cô ạ”
“sao thế em?”
“dạ em gái con vừa bị chồng nó bắn chết vài tuần trước, vừa vặn con sang đoàn tụ với mẹ và lo cho mấy đứa cháu nhỏ, con của em con.”
“ủa sao lại bị bắn chết?”
“dạ vì chồng nó hơn nó 20 tuổi và rất ghen tuông, chồng nó đuổi mẹ con ra khỏi nhà nên nó đòi ly dị.  Ông ta bắn em con 3 phát vào đầu lòi cả mắt ra.  Sau đó ông chở hai đứa con nhỏ về cho mẹ con và quay về nhà tự bắn vào thái dương mình để tự sát.  Báo chí ở Little Saigon có đăng rùm beng đó cô ạ”
“trời sao hãi hùng vậy, thôi tôi xin chia buồn với em.  Mong em can đảm để lo cho mẹ và hai đứa cháu vì chúng đã mất cả cha lẫn mẹ.”
Tôi tưởng những câu chuyện buồn tương tự như vậy chỉ diễn ra với những cô gái Việt Nam vì nghèo và muốn cứu lấy gia đình mình khỏi cảnh đói khổ, đã đành nhắm mắt đưa chân lấy những ông chồng già, tật nguyền Đài Loan hay Đại Hàn. Sao đó lại kết thúc mạng sống của mình nơi đất khách quê người do thói vũ phu của ông chồng hay do tự mình kết liễu cuộc đời chẳng đáng sống của mình.  Chẳng ngờ câu chuyện thương tâm này cũng xảy ra trên đất nước văn minh bậc nhất thế giới như nước Mỹ, buồn thaycô lại trong danh sách những số phận nghiệt ngã đó.  

Vẫn còn chưa quên câu chuyện buồn đó, sau hai tháng ở Việt Nam, trở lại Mỹ tôi lại tình cờ nghe được một câu chuyện thương tâm khác.  Hầu như các chuyến bay đi Mỹ tôi đều xin được chỗ ngồi hoặc ngay cửa thoát hiểm hay ngay chỗ dành cho các bà mẹ có con nhỏ, như thế trong suốt chuyến bay tôi có thể duỗi chân thẳng ra cho đỡ mỏi, dù rằng đôi lúc cũng phiền vì bị quấy rầy bởi tiếng khóc của trẻ em.  Kỳnày tôi cũng ngồi gần một em gái khoảng 30 và đứa con gái nhỏ.  Thấy em đeo sticker “transit” trên ngực áo, cùng tay xách nách mang với đứa con nhỏ, tôi hỏi:
“em đi Mỹ đoàn tụ cùng chồng phải không?”
“dạ không cô, con sang làm đám tang cho chồng vì anh vừa mất mấy ngày trước. Con sang làm lễ phát tang thôi vì anh đã được hỏa thiêu” cô trả lời với giọng nói run run và đôi mắt ngấn lệ
“tôi xin lỗi, tội nghiệp quá.  Chồng em bao nhiêu tuổi và vì sao mà mất đột ngột như vậy”
“dạ thứ sáu chồng con còn nói chuyện với con, sau đó anh đi ngủ.  Thường thì cuối tuần, do không phải đi làm chồng con gọi điện thoại về nói chuyện cả ngày.  Tuy nhiên suốt thứ bảy con chẳng nhận được gì, gọi vào máy chồng thì không ai bắt máy cho đến tối chủ nhật, linh cảm có chuyện chẳng lành, con đành gọi cho cậu em chồng nhờ ghé nhà coi thì thấy anh nằm xõng xoài trên nền nhà, mặt đã bắt đầu trương phình có lẽ vì mất đã mấy ngày mà không ai biết.  Do đó chính phủ bắt phải thiêu và không cho quàn lại
“anh ấy bao nhiêu tuổi”
“dạ mới có 40, còn con 32, tụi con yêu nhau thật sự đã chin năm mới cưới chứ không phải do mai mốivậy mà trời bắt tụi con chia lìa nhau.  Anh ấy là hàng xóm cũ của con, khi sống anh vẫn thường nói với con sao anh có linh cảm anh sẽ luôn cô đơn một mình cho đến chết.  Bố mẹ bỏ anh từ nhỏ, bố đi lấy vợ, mẹ đi lấy chồng khác, anh em chia lìa sang nhà nội ngoại ở và đúng là khi chết anh vẫn một minh không có ai bên cạnh.  Kỳ về Việt Nam sau cùng, anh để lại một valise nói là để mẹ con con cuối năm sang đoàn tụ sẽ sử dụng ai dè bây giờ thay vì đi đoàn tụ thì đi nhận tang chồng và cha
“thôi thì số phận đã an bài, con của em đã có quốc tịch Mỹ, em nên xin ở lai đây vì bà mẹ đơn thân (single mom) ở đây rất được chính phủ giúp đỡ.  Rồi thời gian sẽ là liều thuốc nhiệm màu giúp em nguôi đi nỗi buồn để sống vì con của em
Cuối cùng thì máy bay cũng đáp xuống sân bay LA, tôi vội vàng ghi lại số điện thoại của mình ở Mỹ, trao cho em dặn khi nào có tin tức gì tốt lành thì báo cho tôi biết.  Chỉ tiếc là dù rất muốn giúp em với hành lý ngổn ngang và đứa con nhỏ nhưng đứa bé thì không theo người lạ, còn hành lý mình chẳng dám xách vì không biết có gì trong đó.

Một tuần sau, vào buổi trưa khi vẫn còn đang gà gật vì bị jet lag, tôi nhận được điện thoại của em báo tin đã nhờ người đưa đến sở An Sinh Xã Hội (Social Security) để trình bày hoàn cảnh của mình và xin ở lại chính thức, các nhân viên đã hứa sẽ làm hết sức mình và sẽ trả lời em trong vòng 3 tuần.  Dù tin vuichính thức chưa thực sự tới với em, nhưng tôi nghe như lòng mình bớt trĩu nặng khi nghe tin tốt từ em.  Chỉ cầu xin cho em được định cư ở Mỹ và có một cuộc sống ổn định ở đây, tôi tin là em sẽ được như vậy vì ông trời chẳng lấy của ai tất cả bao giờ……

Cali June 9th, 2014


Jun 11, 2014

PHÓNG SỰ ĐI THĂM CÔ MỸ YẾN





Tháng 6 Úc Châu đã vào mùa Đông, trên TiVi dự báo sẽ mưa gió suốt mấy ngày liền.  Đã hẹn nhau  sẽ đến thăm Cô Mỹ Yến , nên Mỹ Điệp liên lạc với cô trước. Cô vui lắm nhưng thương các em học trò già bé bỏng cô bảo " Trời mưa gió mà các em đến làm chi  cực lắm" . Nhưng đã hẹn rồi nên hôm nay dù có mưa gió bão bùng ba em Vit Tây Úc cũng  hăng hái lên đường.

Sáng sớm còn nằm nướng trong chăn ấm, hé mắt nhìn thấy tia nắng nhẹ xuyên qua khung cửa sổ, em Hà vội vàng tung mền vén màn nhìn ra ngoài. Ôi sao trời xanh mây trắng đẹp thế tuy gió lạnh lắm nhưng không mưa bão là nhất rồi. 
 Hẹn gặp nhau tại car park mà chờ mãi chẳng thấy Mai  tới, Mỹ Điệp đậu xe đại ngay chỗ no parking để chờ ! Chờ hơn nửa tiếng mới thấy nàng  tới, 3 em vội vàng ghé chợ mua ít trái cây làm quà đến thăm Cô.

Bấm chuông 2 lần, cô ra mở cửa, thầy trò ôm nhau vui mừng hôi ngộ. Mừng vì thấy Cô tương đối vẫn còn khỏe đi đứng bình thường sau lần bị stroke cách đây 10 năm. Ngồi nghe Cô kể chuyện về thời gian cô bị bệnh , mới cảm phục ý chí quyết tâm của cô khi cô cố gắng tập đi lại, tập nói và chịu đựng bao nhiêu đau đớn sau khi bị stroke,  rồi Cô còn phải trải qua một cuộc giải phẫu lớn sau đó mà cô nói là cô không nghĩ là cô chịu đựng nổi . Cô nói là nếu không được chữa trị ở Úc và nhờ vào ý chí lạc quan mạnh mẽ của cô thì chắc cô không được khỏe mạnh như bây giờ. Nhìn Cô nước da trắng hồng mịn màng mặc dù Cô đã 80,  vui cười  kể đủ chuyện với học trò gần 2 tiếng mà không mệt, quên cả lo bữa trưa cho Thầy mà 3 em học trò già vừa mừng vừa cảm phục cô quá !





Cô đem album hình ra cho xem những hình ảnh ngày xưa khi cô còn là cô giáo Trưng Vương trẻ trung chụp chung với các cô bé học trò TV bé bỏng . Nhìn những hình ảnh xưa đã ngả màu thời gian , cô trò cùng cảm thấy bùi ngùi luyến tiếc nên bao nhiêu là kỷ niệm đẹp thủa nào dưới mái trường TV lại được nhắc đến qua những câu chuyện tâm tình.


                                        Cô Mỹ Yến và các cô học sinh TV bé bỏng của thập niên 1970


Chia tay tạm biệt Cô, nhìn Cô đứng trước nhà vẫy tay cho tới khi Mỹ Điệp lái xe đi khuất,  mới thấy tình thầy trò Trưng Vương sao đầm ấm yêu thương . 
Ngồi trên xe, ba em vịt mới thấy đói cồn cào, bèn ghé vào nhà hàng làm mỗi em một tô súp cho ấm bụng và hẹn ngày sẽ đến thăm thầy Phi Long.

Có vài hình ảnh chụp với Cô , gửi các bạn cùng xem.

P.Hà.








                                                      Cây Olive sau vườn nhà Cô Mỹ Yến.




Nhà hàng Basil Leaves ở Perth.


                                                                       Wonton Soup

Tom Yum Soup


Hủ tíu xào thập cẩm

Nỗi Niềm Tháng Sáu- Bích Quy



                (Thương mến tặng Hảo Chi)

        
            Cho dẫu cả năm buồn
            Cũng chừa lại tháng sáu
            Mẹ cho ta góp mặt
            Rồi nuôi ta khôn lớn

            Đi giữa cuộc đời này
            Ta đem cả trái tim
            Dâng cho người mình yêu
            Tưởng đâu gặp tri kỷ

            Rồi người yêu cũng xa
            Mang theo cả nỗi nhớ
            Với bầu trời rộng mở
            Cho lòng ta cô đơn

            Chi ơi đừng vọng tưởng
            Hãy dang rộng vòng tay
            Cùng chồng con yêu dấu
            Cùng bạn bè thân thương

            Đường chẳng bao giờ hẹp
            Nỗi buồn đầy lại vơi
            Tháng sáu vẫn tuyệt vời
            Chi ơi đừng tuyệt vọng ....