Aug 10, 2013

TRANG THƠ NHẠC CUỐI TUẦN

                                              
                                        TÀ ÁO TÍM TRONG THƠ VÀ NHẠC


                                                 

Trang thơ nhạc cuối tuần  thân mời các bạn đọc bài viết của tác giả Lê Hữu  Tà Ào Dài trong Thơ và Nhac (nguồn trên internet) . Phần đầu  xin giới thiệu về Tà áo tím , màu tím mà khi nói đến thường gợi lên  hình ảnh dịu dàng có chút e ấp của cô gái Huế với mái tóc thề thơ mộng  đã được không ít nhà thơ và nhạc sĩ mang vào thơ và nhạc. 

                                                 ÁO DÀI TRONG THƠ VÀ NHẠC

                                                                   Lê Hữu

Giọng hát trầm ấm, dìu dặt của Duy Trác cất lên đâu đó trong một ngày đầu thu gợi nhớ hình ảnh và nơi chốn thân quen trước “cổng trường áo tím” những chiều tan học. Áo tím túa ra như đàn bướm, áo tím thướt tha dọc theo những “lối đi dưới lá” trên lề đường Phan Thanh Giản, trên những đường phố Saigon ngập nắng. Những tà áo nhẹ bay trong gió từ lâu lắm đã đi vào thi ca, làm rung động lòng người và là nguồn cảm hứng vô tận của những người làm thơ, viết nhạc. Tà áo nên thơ ấy, dưới đôi mắt ngắm nhìn của người nghệ sĩ, là bức tranh sinh động với nhiều đường nét, nhiều dáng vẻ, thể hiện qua từng lời thơ ý nhạc:

Có những gặp gỡ rất tình cờ, bất chợt, như gặp gỡ một tà áo tím, cũng đủ để lòng chàng nhạc sĩ Hoàng Nguyên mãi vấn vương theo mầu áo:

Một chiều lang thang bên dòng Hương giang 

 tôi gặp một tà áo tím 
 nhẹ thấp thoáng trong nắng vương…
Rồi lòng bâng khuâng theo mầu áo ấy… (Tà áo tím)





 

 Trong mắt Vũ Thành, “nhà thơ của mầu tím”, khi mùa thu buông áo xuống một phương trời, mầu mây tím trông như mầu áo người mình yêu để lòng chàng gợn lên nỗi buồn trăn trở:

“Áo em tím cả phương này
anh nghe thành phố đêm nay trở buồn” (Áo tím)


Vạt áo dài mầu tím hoa sim, trong thơ Phạm Thiên Thư, chỉ là thoáng lay động, vừa ngập ngừng e ấp vừa nao nức gọi mời:

“Áo em vạt tím ngàn sim
nửa nao nức gọi, nửa im lặng chờ
Yêu nhau từ độ bao giờ
gặp đây giả bộ hững hờ khói bay” (Động hoa vàng)


Rồi áo tím qua cầu, mang theo cả mùa thu, để lại nỗi trống vắng mênh mang trong lòng nhà thơ 

Trang Châu:
“Thế giới của anh không có chân trời
không có mùa xuân lấy đâu hoa bướm
không có bàn tay cho bàn tay hò hẹn
áo tím qua cầu nên cũng hết mùa thu” (Thế giới của anh)


Áo mầu tím, mầu của “định mệnh”, của mộng mơ, của nhớ nhung và chia cách. Chuyện tình “ngàn thu áo tím” của cô bé trót yêu màu tím, được Hoàng Trọng, “nhạc sĩ của mầu tím”, kể lại:

Ngày xưa xa xôi em rất yêu mầu tím...
Chiều xuống áo tím thường thướt tha 

 bước trên đường thắm hoa  ngắm mây trời lướt xa…

Rồi khi vừa biết yêu là khi chia tay với mầu tím, chia tay với tình đầu:


Ngàn thu mưa rơi trên áo em mầu tím
Ngàn thu đau thương vương áo em mầu tím… (Ngàn thu áo tím)



Làm sao kể hết được câu chuyện về những vạt áo dài dịu dàng và thướt tha, những vạt áo dài lộng gió trong thơ và nhạc. Tà áo dài mềm mại đã nhẹ nhàng êm ái đến với cuộc đời, nhẹ nhàng êm ái đi vào lòng người...
Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, dù ở chốn quê nhà gần gũi, hay ở phương trời nào xa thẳm, chiếc áo dài cũng mang theo bầu trời quê hương, cũng mang về mùa xuân ấm áp trong lòng người Việt tha hương. Chiếc áo dài còn là biểu tượng thân quen để người Việt nhận ra nhau trên bước đường lưu lạc trong cuộc sống nổi trôi nơi xứ lạ quê người.
Thấy một vạt áo dài, thấy quê hương xa xăm mà gần gũi.
Qua bao mùa tang thương dâu bể, qua bao nhiêu vật đổi sao dời, chiếc áo dài truyền thống, chiếc áo dài duyên dáng và trữ tình của người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn luôn là hình ảnh khó phai mờ và còn đọng lại mãi trong lòng người.


Lê Hữu



Thêm một vài nhạc phẩm mà màu tím cũng được đưa vào âm nhạc, mời các bạn cùng thưởng thức

2 comments:

  1. Nghe nhạc xưa cuối tuần luôn làm cho mình thấy vui và thanh thản. Cám ơn PHà nhiều.
    Thân

    ReplyDelete
  2. Ôi! Nhạc hay tuyệt vời .... Thanh đang ngồi bên song cửa nghe tiếng mưa rơi mà nghe các bài hát và các hình ảnh quá đẹp về tà áo tím....phải nói là mê mẩn luôn đó Hà ơi!!!!

    ReplyDelete