X Ả Y
BICH QUY
Sáng hôm ấy bà Thơ đạp xe đến sở như thường lệ. Mặc dù có bầu nhưng bà vẫn đạp xe đi làm, đi chợ bình thường . Thời ấy khó khăn, xe đạp là phương tiện duy nhất để bà có thể di chuyển từ chỗ nọ đến chỗ kia. Cũng may nhà bà chỉ cách sở làm khoảng hai cây số. Linh tính như báo cho bà biết có điều gì đó không ổn. Bỗng dưng bà dọn dẹp, thu vén sổ sách, giấy tờ trên bàn làm việc và dặn dò cô bạn đồng nghiệp ngồi kế bên :
- Mình thấy khó chịu, có lẽ phải xin nghỉ vài bữa....
Cô còn bảo : " Chị còn ba tháng nữa mới sinh mà"
-Ừ, nhưng mình cứ dọn từ từ. Mai mình xin nghỉ đi khám thai.
Bà cảm thấy hơi lâm râm đau bụng nhưng nghĩ là mình ăn no nên tức bụng vậy thôi.
Nhà gần bệnh viện nên hôm sau bà đi bộ một mình đến nơi, dù chưa đến ngày hẹn nhưng bà cảm thấy bất an nên tự đi khám.
Cô y tá nhận bệnh la hoảng lên :" Cổ tử cung bà mở được ba phân rồi, bà cần nhập viện ngay.". Rồi cô chạy đi mời bác sĩ đến khám . Ông báo cho bà biết tin xấu vì nghe hoài không thấy tim thai đập . Cầm giấy khám ghi : " Nghi thai chết lưu".
Ngay lúc ấy bà chưa thấy hết sự nguy hiểm, chỉ buồn thôi, hụt hẫng như vừa mất đi một cái gì quý giá nhất. Bà phải năn nỉ hết lời, ông mới cho bà về nhà lấy quần áo, đồ đạc để nhập viện . Ra khỏi bệnh viện, đi bộ thất thểu về nhà, hoang mang và lo sợ không biết sẽ ra sao...
Thời ấy cách nay đã hơn ba mươi năm rồi , Saigon còn khó khăn lắm, còn ăn độn sắn khoai và tất nhiên là không có điện thoại di động để liên lạc với người thân như bây giờ. Vừa về đến nhà thì chồng bà cũng vừa đi làm về. Bà ôm lấy chồng, oà khóc nức nở như chưa từng bao giờ được khóc. Ôi , bao nhiêu mong đợi và hy vọng đã tan tành rồi. Chồng bà vỗ về, an ủi, cùng bà ăn vội chén cơm rồi thu xếp quần áo, đồ đạc vào giỏ. Xong đâu đấy, ông gọi xích lô và cùng bà vào bệnh viện Từ Dũ vì cảm thấy sự việc nghiêm trọng nên không dám vào bệnh viện nhỏ gần nhà. Dạo ấy Saigon chưa có taxi như bây giờ. Đường phố cũng không đông đúc như bây giờ, phương tiện giao thông đa phần là dùng xe đạp và xe xích lô ...Bệnh viện này cũng là bệnh viện mà trước đây bà đã từng đem cơm vào cho mẹ khi cụ sinh đứa em út của bà. Bây giờ lại đến lượt bà.
Sau những thủ tục giấy tờ ban đầu, thay quần, mặc váy,.... bà nhanh chóng được chuyển lên phòng chờ sanh. Nhìn những bà bầu nhăn nhó , hai tay ôm bụng đi qua đi lại bà Thơ thấy bồn chồn và lo lắng cho hoàn cảnh của mình ... Sao lại có thể thế được, bà đã giữ gìn, ăn uống và đi đứng hết sức cẩn thận mà... Thỉnh thoảng có bác sĩ hoặc y tá đến hỏi thăm, nghe và đo mạch mấy lần. Ai cũng chỉ nói : " Bụng cao 29 phân. Không nghe tim thai.."
Khoảng tám giờ tối thì họ đưa bà lên bàn đẻ. Bà còn nhìn thấy cô y tá cầm ống chích với cái kim thật dài...chích vào cửa mình....Và thế là nước tuôn ra, ào ào, xối xả, tưởng chừng như mưa to, như ai lấy xô nước mà dội từ trên cao xuống...Nước văng lênh láng, tung tóe ra sàn nhà. Bà nghe nóng ran ở phía dưới...Có ai đó nói khẽ "Nước ối ra hết rồi..."
Mệt quá, bà nhắm mắt lại, nằm được một lúc thì bụng đau, đau không thể tả. Đau như ai lấy ruột mà buộc , mà xoắn lại, nghe cuồn cuộn trong bụng. Đau dữ dội...Bà nghiến hai hàm răng thật chặt để khỏi bật ra tiếng kêu...Mấy cô y tá xúm lại : "Ráng lên, ráng hết sức, nào chị dặn di..." Thần kinh , mạch máu căng ra tưởng chừng như đứt hết đến nơi. Ôi, mệt quá...Sao vẫn chưa ra? Đau bụng quá, thở không được nữa..Lại ráng..."Ráng lên chị ơi..." tiếng cô y tá nghe mơ hồ, xa xa...Lại vang vang tiếng mẹ dặn trong đầu : "Phải ráng lên con, đừng để phải mổ, không có thuốc tê đâu..." Sợ quá, lại ráng mà dặn. Thật đúng là không có cái đau nào bằng đau đẻ....
-Ôi, ra được cái đầu rồi, ráng lên chút nữa, chút nữa...Rồi con cũng trôi ra khỏi mẹ ....A! con trai...Còn sống này...Mau lên...
Thoáng thấy cô y tá ôm con đi... Mệt quá, bà thiếp đi một lúc.... Đúng là :
"Đàn ông đi biển có bạn,
Đàn bà vượt cạn lẻ loi một mình..."
"Con của bà đây này, được một ký mốt...." "Mẹ chỉ kịp nhìn thấy con là cô y tá đã bế con đi liền. Con được quấn kín trong cái khăn lông trắng. Cái đầu tròn nhỏ như trái cam, tóc đen mượt , ló ra. Con líếc mắt nhìn mẹ và khóc oe oe. Tiếng con thanh và nhỏ. Mũi , miệng con xinh quá. Mẹ tíếc không kịp xin cô y tá cho được ôm con, hôn con một lần. Chắc chẳng được đâu vì con yếu quá phải nhanh vào lồng ấp, vì mẹ còn mệt lả và đang nằm trên bàn đẻ. Con bé nhỏ của mẹ, lúc ấy mẹ mong con sống, mẹ sẽ yêu con biết chừng nào. .. Nhưng mẹ vẫn linh cảm thấy con lần này là lần đầu và cũng là lần cuối" . Bà buồn rầu nghĩ ngợi ...Chơi vơi....
.Gần 12 giờ đêm, họ đưa bà nghỉ tạm trên giường và gần sáng thì chuyển sang khu sản khó. Bà nằm còng queo, máu me còn bê bết, không chăn, không màn, lạnh run, muỗi đốt, khát và mệt. Chung quanh chẳng có ai quen, cô đơn và sợ hãi...
Sáng sớm, người nhà mới được vào thăm, bà nhìn chồng ứa nước mắt, cảm giác như mình có lỗi, như lúc không thuộc bài và không làm được bài, bất lực, đau đớn...bà khóc mãi không thôi....Ông ôm lấy bà an ủi...nhưng bà chẳng còn nghe được gì, chẳng còn thấy gì ngoài nỗi đau mất đi một cái gì đó quý giá nhất trong đời.. Ánh mắt xót thương của bố mẹ và của các em rồi những lời an ủi pha lẫn trách móc của mọi người khiến bà lại càng tủi thân. Có người cho là bà không cẩn thận, không biết giữ gìn... Ôi, họ không thể nào hiểu được nỗi lòng của bà đâu...Hết giờ thăm, mọi người lại ra về...Bà nằm đó, trống trải, muộn phiền....Một cuộc sống mới bắt đầu...
Khoảng 9 giờ sáng, người ta đẩy vào phòng một xe cháo, múc cho mỗi sản phụ một tô cháo nóng hổi, Đấy là bữa điểm tâm của nhà thương. Sau đó, bác sỹ và cô y tá đi một vòng thăm bệnh. Mười giờ thì phát thuốc và mười một giờ thì ăn cơm. Mẹ dặn : " Một lần sa bằng ba lần đẻ..." nên phải kiêng nhiều thứ lắm. Nào là không được ăn canh cải ? Không được tắm gội ngay, không được đọc sách báo..v...v...Vậy mà trong nhà thương thì ngày nào cũng canh bắp cải hay cải xanh và một món xào, rồi trứng chiên, sườn rim, thịt kho tàu...Tắm gội thì chịu rồi nhưng buồn quá làm sao mà không đọc sách báo được...
Đến khoảng bốn giờ chiều lại ăn cơm. Có lẽ phải ăn sớm thế để cho nhân viên còn dọn dẹp và ra về. Đến tám giờ tối thì làm thuốc và thay băng. Thời ấy "băng" như cái võng , chứ đâu được tiện lợi như bây giờ . Ngày đầu bà Thơ cứ lúng túng mãi trong việc này, rồi dần dần cũng quen. Thời gian trôi một cách chậm chạp, nặng nề. Bà nằm đó, mong chờ đến giờ người nhà vào thăm, nhưng ai cũng bận rộn đi làm, đi học. Đến giờ thăm thì cùng uà vào hỏi han làm bà không kịp trả lời. Hết giờ mọi người lại về hết, bà lại nằm suy nghĩ , buồn hiu.. Bà lấy chồng muộn, gần ba mươi tuổi mới có bầu. Bao nhiêu hy vọng tràn trề vậy mà.....Bà vẫn chưa hiểu tại sao mình bị thế, bà chỉ nghe loáng thoáng mình bị "đa ối" nhưng vẫn không rõ lắm...
.Phòng của bà có bốn giường kê vào bốn góc, chừa lối đi ở giữa, mỗi đầu giường có cái tủ con để đựng đồ đạc của bệnh nhân. ngang giường với bà có cô bé tên Thủy, khoảng mười tám, đôi mươi. Trông cô xinh xắn, trẻ trung. Cứ khoảng năm giờ sáng, trời còn mờ tối đã thấy anh chồng đến rồi. Họ rù rì, to nhỏ như đôi chim gi ! Rồi họ ăn sáng với nhau, đến bảy giờ thì anh ta thu dọn các thứ và đi làm. Chiều lại thấy đến, đến mà không muốn về. Họ vừa có đứa con gái sinh thiếu tháng nhưng nuôi được trong lồng kính. Còn con của bà ? Số phận con mong manh quá, con bé nhỏ của mẹ, con yếu ớt quá. Hy vọng cũng thật mong manh....Chồng bà lại bận rộn công việc ngập đầu nên chỉ có thể đến giờ vào thăm bà trong chốc lát. Bà cũng biết anh rất vất vả, vừa đi làm lại phải vừa lo cơm nước , nhà cửa..,Anh gầy rộc hẳn đi. Biết thế nhưng cứ nhìn cảnh hai bạn trẻ quấn quít nhau , bà lại chỉ muốn khóc. Dù biết khóc lúc này rất tai hại cho mắt nhưng sao cứ nghĩ đến phận mình là bà không sao giữ được nước mắt.Vừa thương chồng , vừa giận mình không làm nên chuyện gì cả....
Các bà y công ở đây tìm mọi cách để kiếm thêm tiền. Họ bán đủ thứ cần thiết cho người đẻ. Từ quần áo sơ sinh , giày mũ, vớ đan đến quà bánh...Từ bông băng vệ sinh đến cái bô đi tiểu...Tất cả đều được đem đến tận giường, miễn là có tiền...Thi thoảng cũng có bà y công cầm cái chổi quét cả dép của bệnh nhân đi đâu mất, còn cho họ tiền thì dép được xếp ngay ngắn dưới gậm giường...Hình như cũng là cách để họ có thêm tiền. Kể ra thế cũng là tệ quá nhưng cũng may là không phải ai cũng vậy. Có chị cũng rất tử tế, vui vẻ giúp đỡ mà không đòi hỏi gì. Mong sao có nhiều người như vậy....
Y tá thì bán kẹo bánh hoặc vé số, những thứ đựng được trong túi áo , họ cũng không dám làm công khai, lộ liễu , nếu bị bắt gặp thì sẽ lôi thôi to. Ít thì cũng bị kiểm điểm, cắt tiền thưởng hoặc nặng hơn thì bị đuổi việc... Họ nhặt nhạnh từ xu lời như thế. Thời buổi khó khăn nên thêm được chút nào hay chút ấy. Thật ra đã vào đây thì hầu hết các sản phụ đều dúi thêm tiền cho họ khi có việc cần nhờ. Hoặc không nhờ nhưng thấy họ làm cho mình dù biết đó là công việc, bổn phận của họ thì cũng tự giác mà "thưởng" thêm họ chút đỉnh cho vui vẻ. Áp lực làm việc căng thẳng , đời sống quá khó khăn nên chẳng ai nở được nụ cười.
Sáng nay ở giường phía trong, người chồng đến đón vợ về. Lấy nhau mấy năm bây giờ mới có con. Cả hai vợ chồng đều xấu xí nhưng đứa con lại thật xinh. Chị vợ lớn tuổi phải sinh mổ . . Người cha cuống quít ôm nựng đứa nhỏ và nói rõ to : " Nào , về với ba nhá " . Cái vẻ quê mùa , chất phác của họ làm bà Thơ vừa buồn cười , vừa cảm động . Ông ta cứ hôn hít, nựng nịu đứa nhỏ và nói thật to làm nó phải khóc thét lên. Họ sung sướng đùm túm đưa nhau về...Bỗng dưng bà thầm ao ước mình có được một phần cái hạnh phúc của họ.
Đến chiều người ta đẩy vào một chị to béo. Chị này đã có ba con, đến đứa thứ tư , đi bác sỹ ở phòng khám gần nhà, chẳng biết loay hoay thế nào mà đứa nhỏ chết trong bụng mẹ, phải chở vào đây mổ cấp cứu lấy ra. Người chồng khoảng trên dưới bốn mươi. Bà Thơ thấy ông ta cầm cái bô dẹt cho vợ đi tiểu rồi nhẹ nhàng lau cho vợ. Nghĩa vợ chồng thể hiện thật sinh động. Chỉ vài cử chỉ nhỏ thôi cũng đủ để cho người vợ sung sướng hy sinh cả cuộc đời cho chồng con. Buổi tối ông đưa hai đứa con khoảng ba và năm tuổi vào thăm mẹ, chúng được tắm rửa sạch sẽ, áo quần tươm tất. Ông đỡ vợ dậy rồi nhấc hai đứa con ngồi bên cạnh. Sau đó ông mở cà mên cơm ra và bắt đầu xúc từng thìa cho cả ba mẹ con ăn.. Bà Thơ nghĩ thầm : "Sao lại có người thương vợ , quý con đến thế. Ước gì có cái máy ảnh, mình sẽ ghi lại khoảnh khắc quý báu này..."
Đến nửa đêm thì người ta lại đẩy vào một chị xanh như tàu lá chuối. Đẻ xong được về nhà thì bị băng huyết trở lại. Y tá và bác sý làm việc lịch kịch cả đêm, tiếp máu cho chị. Không ngủ được, bả Thơ thò đầu ra khỏi màn thì một chị y tá đi ngang qua bảo : " Ngày mai người nhà vào thăm bà nói lên phòng trực gặp bác sỹ nói chuyện nhé..." Bà nghe lạnh người, biết ngay chuyện gì nhưng vẫn cứ hy vọng không phải...
Cả đêm chẳng ngủ được bà chỉ mong trời sáng khi chồng bà vào thăm, bà sẽ nói cho anh biết. Và đúng như bà đã đoán trước, thiên thần bé nhỏ đã bỏ bà đi rồi. "Mẹ cầu cho con sớm siêu thoát. Con thương mẹ, con bỏ mẹ cho mẹ khỏi khổ đây mà..." Nước mắt tuôn rơi, mặc cho mọi người an ủi...Có nói gì nữa thì con cũng bỏ mẹ đi rồi. Chẳng ai chia sẻ được nỗi đau quá lớn này đâu, không ai giúp mẹ được đâu. Làm thế nào bây giờ?" Không một ai cho bà đến phòng nhi, nơi con bà nằm đó để được nhìn con lần cuối. Bà cũng yếu quá, vừa ngồi dậy đã thấy choáng váng ...đành bất lực nằm khóc khôn nguôi. Mọi người lại an ủi và lo chuyện hậu sự cho bé. Dù sao con cũng đã có mặt trên cõi đời này. "Mẹ xin lỗi con, mẹ đã không giữ được con vậy con hãy mau siêu thoát đến nơi tiên cảnh , xa hẳn cõi trần đầy tục lụy này con nhé"....
Thời gian cứ đều đặn trôi qua, nhịp nhàng và thong thả....Sốt ruột đến mấy thì cũng cứ phải nằm đây....Bác sỹ chưa cho về được vì bà còn yếu quá..Nhìn Thủy sửa soạn về bà lại càng sốt ruột. Con của nó là một bé gái nhỏ xíu như cái phích nước nhưng lại nuôi được. Con bé cũng nhiều tóc, mắt mở to đen láy, Cái miệng chúm chím đòi bú trông thật xinh. Bà nhìn hai vợ chồng tíu tít đưa nhau về mà ứa nước mắt. Ngoài kia, cây trúc đào nở đầy hoa, lung linh trước gió. Gần Tết rồi, mọi khi là mình đã lo dọn dẹp , vệ sinh nhà cửa, mua sắm thứ nọ , thứ kia...Vậy mà giờ này còn nằm đây. Thôi , đừng nghĩ gì nữa rồi sẽ đến ngày được về thôi, mọi việc cứ như một giấc mơ. Bà Thơ khép mắt lại và chìm dần vào giấc ngủ trưa, trên mặt vẫn còn nhòe nhoẹt nước mắt....
Mời các bạn ghé thăm ĐSTV có bài mới của Bích Quy ,kể chuyện một người Mẹ bị xảy thai . Nỗi đau mất con đã vô cùng tận lại vào lúc sau 75 nghèo đói ,tình cảnh bi thảm đó đươc BQ kể lại rất thật , rất chi tiết , trần trụi máu và nước mắt . Xin cảm kích trước văn phong tả chân vô cùng lôi cuốn của BQ , xin mời các bạn theo dõi .
ReplyDelete