CÓ HAY
KHÔNG, MỘT TUỔI TRẺ VĨNH VIỄN?
BÙI TRÂN THÚY
(Kính tặng BS Đỗ Hồng Ngọc,
người đã gợi cho tôi cảm xúc để viết bài này)
….Khi tôi 40 tuổi, tôi đã bắt
đầu có cảm giác…sợ già, bởi vì, số “4” nghe nó nhiều so với số “3”. Bởi vì…, 30, em hãy còn xuân nhưng đến…40 thì…xuân
có còn nữa không?! Nhiều đêm, tôi tự hỏi rồi băn khoăn, ray rứt, tóc đã có vài
sợi bạc, nở nụ cười trước gương, xem thử…đã có vài dấu chân chim khiến tôi…hơi
ngậm ngùi. Chẳng lẽ vĩnh viễn không còn nụ cười trên môi, trong mắt đã từng làm
xao xuyến lòng ai….
….Rồi 10 năm sau, tôi 50 tuổi,
ngày tháng vùn vụt trôi qua, nhanh đến chóng mặt. Lúc này, gia đình tôi đã có
thêm những thành viên mới: con dâu rồi cháu nội. Sức khỏe tôi cũng bắt đầu có
nhiều vấn đề, “Gió heo may” đã về thật rồi! Nhưng nói là nói vậy thôi, tôi vẫn
còn làm việc, và công việc cứ cuốn tôi đi, đôi lúc cũng có băn khoăn về tuổi
tác hay thỉnh thoảng, phải nghỉ làm việc vài ngày do đau yếu thì cũng là lẽ thường.
Khi tôi trên 50 thì các bạn
tôi gần 60, trên 60, gặp lại nhau, chủ đề chính là thuốc men, chứng bệnh này,
cái tật nọ…. Tôi nhận được nhiều tư vấn,
đôi ba lời khuyên, có khi áp dụng được cho mình nhưng thường là nghe chỉ để
mà…nghe. Tôi vẫn lập luận: “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” và mỗi người có
một tình trạng sức khỏe khác nhau nên tôi không để tâm cho lắm.
Theo “trào lưu”, được bạn bè
khuyến khích, tôi tạo blog rồi bắt đầu viết, viết say sưa. Một số entries của
tôi được nhiều bạn đọc chia sẻ, cũng ấm lòng. Nhưng hỉnh thoảng, đọc lại, sao
mà buồn vậy? Mà phải đâu, cuộc đời của tôi không có những niềm vui, không được
tận hưởng những hạnh phúc lớn lao?! Tôi đã thảng thốt:
“ Khi ánh nắng xô vào khe cửa
Em giật mình tỉnh giấc
Bình minh rồi, ngày mới đã sang
Nhớ gì thế em, đừng khóc
Bởi trong em đã có mỗi ngày
Bóng của một hoàng hôn”
“Bóng hoàng hôn” ấy khi thì thấp thoáng, lúc
thì che phủ tôi. Cứ như vậy, tôi dằn vằn vặt triền miên trong những suy tư về
thân phận, về “những nỗi buồn chẳng thể gọi tên”! Tôi đã tự nhắc nhở: “điểm phấn
tô son lại” để “ngạo với nhân gian một nụ cười” bằng cách: “Mỗi ngày tôi chọn một
niềm vui”, mỗi ngày, mở blog ra, tôi đều thấy câu này nhưng rồi, cũng chính tôi
lại than thở:
“Có
người hỏi tôi vì sao đã "điểm phấn tô son lại" mà vẫn chưa "ngạo
với nhân gian một nụ cười"?! Quả đúng như vậy, ngày nào trước khi ra đường
mà không tô son, điểm phấn để làm đẹp cho chính mình. Để tự thấy mình trẻ hơn
tuổi, một nhan sắc đã từng...và giờ đây thì thôi, chẳng chờ mong, nuối tiếc.
Tôi yếu đuối nên tự dặn lòng như vậy mà hình như cũng không mạnh mẽ thêm chút
nào.
Mặc dù tôi cũng đã
rất cố gắng để tự nhủ: “Hãy quên những điều không đáng nhớ”, nhưng dường như đó
vẫn chưa phải là một “lối thoát” cho tôi, bởi vì, khi tôi dặn mình “đừng nhớ”
cũng chính là lúc “tôi không thể quên”! Trớ trêu làm sao!
" Ngày nào đi làm mà không gặp chuyện
bực mình, nhưng cứ quên cho xong!... Mỗi khi dắt xe ra khỏi trường là
thôi, tạm biệt công việc nhé. Về nhà, ăn uống, dọn dẹp, chuyện trò
với mọi người, xem TV, thích thì xem lâu, không thích thì đi ngủ sớm.
Trước khi ngủ, nghĩ một chút chuyện nọ, chuyện kia và...hãy quên điều
không đáng nhớ, người không đáng bận tâm và...ngủ”.
Trước
6g00 thức dậy, nấu nước, cafe, tưới cây, dọn dẹp, ăn sáng rồi đi dạy
hay đi làm. Đường phố vẫn đông đúc ngược xuôi, việc chưa
làm xong hôm qua thì hôm nay làm tiếp, có lúc hanh thông, có khi trở
ngại, lẽ thường tình mà! Thỉnh thoảng, có những đêm dài thao thức, không biết làm sao cho qua được một đêm dằng dặc, mông lung:
Đêm vẫn mông mênh
Dài trắng mắt
Trắng những cuộc tình
Trắng cả những niềm tin…
Cứ quẩn quanh như
thế với những vui, buồn bất chợt, với những điều muốn quên mà vẫn nhớ, muốn bứt
phá nhưng rồi vẫn tiếp tục bị ràng buộc. Có những ngày trong lòng thấy “thê
lương, ảm đạm” quá thì tôi đã tưởng tượng mình đang đứng dưới cơn mưa to:
Hãy đứng giữa trời mưa
Cho gió làm roi
Quất mặt, quất đầu
Cho mưa làm kim
Chích vào thịt da
Để lòng tĩnh lặng
Bước qua trăm ngàn nỗi đau!
Mơ hồ, tôi cảm
nhận mình chưa thật sự “bước qua trăm ngàn nỗi đau”. Tôi vẫn vui vẻ với mọi
người, có ngày, cười đến mỏi cả miệng nhưng khi một mình, tôi mới hốt hoảng,
như người đứng trước biển cả mênh mông:
Buổi sáng bình minh
Hoàng hôn tắt nắng
Biển chẳng đổi thay màu
Có con dã tràng
Xe hạt cát li ti
Sóng biển vô tư
Cuốn trôi xa mãi
Như em mỗi ngày
Gom góp niềm vui
Cất giấu nỗi buồn
Dòng đời đưa đẩy
Nỗi buồn ở lại
Niềm vui ra đi
Tôi vẫn luôn “gom
niềm vui”, cố gắng “cất giấu nỗi buồn” nhưng không hiểu sao, niềm vui thì ra đi
mà nỗi buồn lại “lì lợm” ở lại!
Cho đến một ngày….tôi
dự buổi trò chuyện của BS Đỗ Hồng Ngọc: “Thiền và sinh viên”. Thú thật, từ
trước đến nay, tôi chưa tìm hiểu về thiền vì vẫn cứ nghĩ đâu đó, có màu sắc tôn
giáo mà tôi thì, hơn nửa đời người, vẫn là người chưa có tín ngưỡng. Hơn nữa,
tôi cho rằng, muốn “thiền” thì chắc chắn “tâm” phải “tịnh”, lòng phải yên mà
tôi đã có lúc nào “yên” được đâu. Nhưng khi biết sức khỏe ngày càng có nhiều
vấn đề hơn thì thỉnh thoảng tôi nghĩ tại sao mình không tự tìm một giải pháp. Tôi đã từng thở than, bi lụy nhưng chính BS Đỗ
Hồng Ngọc đã nhắc đi, nhắc lại nhiều lần định nghĩa của tổ chức Y tế thế giới:
“Sức khỏe phải được hiểu là một tình trạng sảng khoái về: thể chất, tâm thần và
xã hội”. Tôi biết mình đang có nhiều “bệnh”, đầy đủ như BS đã khuyến cáo: “ba
cao, một thấp” nhưng ai mà không có bệnh, vấn đề là làm sao để được “sảng
khoái” thì mới có thể vui sống được.
Khi nghe BS nói về
phương pháp “thở bụng”, mặc dù chưa tin lắm về sự “diệu kỳ” của nó nhưng tôi
cũng kiên trì tự luyện tập, mặc dù không phải là không có khó khăn. Vì tôi vẫn
cứ theo thói quen hít vào, thở ra như tập thể dục. Từ khi, “ngộ” ra nhiều điều
thú vị từ cách thở này, cớ sao nhiều người làm được mà mình lại bó tay? Tôi ngẫm
nghĩ để “quán niệm” hơi thở của mình, quả thật hơi thở quí giá biết bao. Cuối
cùng, tôi thành công với hy vọng: tập trung “thở” thì sẽ quên những điều khác,
nhất là những lo toan, buồn đau.
Tôi còn tự học
thêm những động tác luyện tập nhẹ nhàng cho phù hợp với đôi chân giãn tĩnh mạch
của mình. Tập xoa huyệt trên mặt mỗi sáng. Sau một thời gian, nghiêm túc nhìn
lại mình, tôi không phải là người kém sức khỏe so với nhiều người khác cùng
tuổi, chọn công việc là lựa chọn đúng đắn của tôi. Tôi vẫn thường xuyên khám
sức khỏe định kỳ, có hơi hốt hoảng khi bắt đầu phải điều trị tiểu đường, nhưng
rồi, bình tĩnh nhớ lại thì cũng có những người mấy chục năm sống cùng tiểu
đường nhưng vẫn sống khỏe, sống vui thì tôi không có điều chi đáng lo ngại. Lúc
bấy giờ, tôi đã bình tâm để:
“…biết dửng dưng với những điều không đáng nhớ, bàng
quan với những gì không thể thay đổi, có thể chấp nhận thực tại như nó vốn có… Tự
tin vì vẫn còn cống hiến được cho đời, vẫn là nơi cho con cháu
tìm về. Và cứ vậy, an nhiên mà sống, mà tìm niềm vui trong mỗi ngày”.
Khi tôi 59
tuổi…, nhân kỷ niệm sinh nhật của
vài người bạn đã bước sang tuổi 60, tôi gửi tặng các bạn bài thơ “Em vẫn trẻ”
với sự thanh thản của một người đã tự mình bỏ bớt những căng thẳng, những điều
chưa hài lòng trong cuộc sống:
Vậy mà em cũng đã sáu mươi
Em
sợ già, anh lại bảo em còn trẻ
Mỗi
ngày em vẫn soi gương
Lưu
luyến mái tóc đen giờ đốm bạc
Vết
chân chim vô tình trên đuôi mắt
Vài
nếp nhăn lì lợm chẳng chịu đi…
Rồi
em ngậm ngùi tiếc thời con gái
Anh
nhắc: “Này, em yêu ơi,
Thời
gian có ngừng lại bao giờ
Đã
hơn nửa đời người em lo toan vất vả
Các
con trưởng thành, no cơm ấm áo
Chúng
mình vẫn đang thuộc về nhau
Mái
tóc em, dẫu có nhiều sợi bạc
Cũng
là quà tặng em dành cho anh
Để
anh nhớ về những đêm dài mất ngủ
Bởi
cơm áo, gạo tiền, bon chen, tủi cực
Vết
chân chim không làm mắt em thôi lúng liếng
Nếp
nhăn chẳng làm em kém tươi xinh
Với
anh, em mãi như thời son trẻ
Dẫu
năm tháng có qua đi, cuộc đời có dài ra
Tình
yêu trong anh vẫn là mới mẻ
Và
em ơi, em vẫn trẻ đời đời….”
Giờ đây, đến sinh nhật
lần thứ 60 thì tôi lại ngẫm nghĩ về một chủ đề mà
tôi đã được BS Đỗ Hồng Ngọc giới thiệu: “Một tuổi trẻ vĩnh viễn”, tôi lại “vỡ”
ra nhiều điều thú vị. Trước đây, hình như tôi hay xét nét mọi người và với
chính mình nữa. Vậy thì làm sao có thể “từ bi với mình”? Tôi hay suy nghĩ tiêu
cực, thấy cuộc đời màu xám nhiều hơn màu hồng, rồi lại “hay thương vay khóc mướn”
nữa. Để được gì? Không được gì cả! Trong khi tôi đang có: tình yêu (từ người
thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò…), một gia đình vui vẻ, như vậy vì sao tôi lại
không tự thương thân, thương người bằng cách từ bi hỉ xả? Cuộc sống vô thường
thì “sinh, lão, bệnh, tử” là lẽ tự nhiên, không có gì đáng thán oán, thở than.
Tôi có ý thức đầy đủ về một bữa ăn đủ chất, một giấc ngủ tròn đầy, cũng đã biết
tác dụng của việc vận động thể lực. Tôi cũng thường xuyên được gần gũi để chia
sẻ, học hỏi từ những người trẻ rất dễ thương. Và trong công việc hiện tại, tôi
đang được xã hội chấp nhận, được tổ chức tôn trọng, thử hỏi, tôi còn thiếu điều
gì để mà quay lưng với cuộc đời này? Đáng lý tôi phải “cám ơn đời mỗi sớm mai
thức dậy” thay vì ủ rũ vì từ “bình minh” mà đã thấy “bóng một hoàng hôn”.
Thỉnh thoảng, tôi vẫn khó ngủ, nhưng trong những đêm
dài ấy, tôi đã không còn triền miên trong những dằn vặt “trắng những cuộc tình,
trắng cả những niềm tin” mà tôi cứ nhắm mắt lại, thở đều, an tâm rằng giấc ngủ
từ từ rồi sẽ đến vì theo BS Đỗ Hồng Ngọc thì:
“Khi nào buồn ngủ thì sẽ đi ngủ ngay. Chưa buồn ngủ thì kệ nó, việc gì phải ngủ.
Cơ thể ta sẽ biết cách ngủ bù!” (Trích “Ngủ sao cho dễ?”- BS ĐHN).
Ai cũng ao ước giữ được
tuổi
trẻ (không phải là trẻ mãi không già!) nhưng có lẽ vì chúng ta chưa biết
sống một cách “hồn nhiên” chưa biết “từ bi”, còn “tham, sân, si” nhiều quá nên
chưa thấy được “bình minh”.
Cám ơn cố nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn đã để lại cho đời lời hát: “…Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”.
Cám ơn BS Đỗ Hồng Ngọc
về buổi trò chuyện “Một tuổi trẻ vĩnh viễn” để một người, khi bước vào tuổi 60
như tôi, có dịp nhìn lại những chặng đường đã qua của mình, hạnh phúc khi nhận
ra mình đang “hồn nhiên”, và hy vọng sẽ có “bình minh” mỗi ngày với những tia nắng
ấm áp, tươi vui nhất.
24-9-2012
Mời các bạn ghé thăm ĐSTV , để cùng nhìn xuyên suốt tâm mình , để nghe lời ru ngậm ngùi của tuổi già đang đi xuống con đồi tuổi tác . những thảng thốt lúc bình minh , những buồn bã buổi chiều tà , những tiếc nuối một thời tuổi trẻ !!!!!!!! Phải chăng đứng dưới mưa nghe đau và lạnh để rồi sức mạnh đó đẩy ta về hướng mặt trời ...... sẽ làm mới chính mình và lay gọi hạnh phúc giản đơn , phải chăng đó là tuổi trẻ vĩnh viễn ?
ReplyDeleteHaỹ đứng giữa trời mưa
Cho gío làm roi
Quất mặt , quất đầu
Cho mưa làm kim
Chích vào thịt da
Để lòng tĩnh lặng
Bước qua trăm ngàn khổ đau!
Bài viết thật hay, những tâm tình sâu sắc nhưng rất chân thật.
ReplyDeleteMừng T. đã tìm ra được ngõ thoát cho những dằn vặt tâm tư.
"Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh
Em hồn nhiên em vẫn trẻ đời đời"
Thân mến .
P.H
Mong Thúy luôn duy trì được sức khỏe nhe, Thúy viết hay quá và phản ảnh đúng những lo âu ở tuổi 60 của chúng mình, KĐ mỗi ngày tìm cho mình niềm vui nho nhỏ và cứ hồn nhiên sống dù tuổi chớm già đang xuất hiện.Sáng tác đều nhe Thúy
ReplyDeleteThân mến
KĐ
Các bạn ơi,
ReplyDeleteCám ơn các bạn đã hiểu và chia sẻ bài viết của T.
Hy vọng sẽ còn sáng tác tiếp để được các bạn quan tâm và…khen ngợi.
Vậy là hôm nay, T đã có niềm vui, đã hạnh phúc rồi.
Em hồn nhiên mà!!!
Vui, khỏe nhé, các bạn yêu.
Trân Thúy