Sống với "Trí-Huệ"
Bước vào quỹ đạo của nền văn minh khoa học và kỹ thuật hiện đại, chúng ta được hưởng đời sống tiên nghi tối tân về vật chất. Song con người cũng phải cung ứng cho xã hội khả năng trí óc, sức lực của mình ở một mức cao, cả về phẩm và lượng.
Nếu nhu cầu đòi hỏi càng nhiều, đời sống càng thêm áp lực, tất bật, căng thẳng, "Tâm" chúng ta càng bị xao lãng bấy nhiêu.
Vì Tâm rất quan trọng. Tâm không được chăm sóc, thu thúc, sẽ bị buông thả, phóng dật, chạy theo ngoại cảnh. Và những ý nghĩ, cảm xúc thiếu lành mạnh, độc hại, xấu xa vv..đầy rẫy trong ta dễ trỗi dậy, điều khiển Tâm qua lời nói việc làm sai lầm, đưa đến hậu quả tai hại. Phiền não, ân hận, hối tiếc, khổ đau vv.. là kết-quả của những việc xấu mình đã làm.
Nhưng giáo-lý nhà Phật có nói : " Sống với trí-huệ"
Câu hỏi được đặt ra như sau :
1. Thế nào là sống với trí-huệ ?
2. Làm sao có được trí-huệ soi sáng tâm thức chúng ta trong mọi ý nghĩ, lời nói và hành động?
Sống với trí-huệ là sống hiểu biết, sáng suốt, khôn ngoan. Khôn ngoan đây không có nghĩa là dùng phương tiện kém ngay thẳng bước lên trên người khác. Trí-huệ là thoát ra khỏi sự vô minh ( không sáng), si mê, lầm lạc, không phân biệt được xấu với tốt, lẫn lộn giữa hư và thật.
Tri-huệ đây giống như ánh sáng của một " flash light" làm biến mất bóng đêm trước mặt ta, trên đường đi. Nó rẽ ra một lối nhỏ để ta khỏi vấp ngã, hoặc không rớt xuống vực thẳm, đến nơi được an tòan. Có trí-huệ, chúng ta biết giải quyết từ việc nhỏ đến lớn trong đời sống sao cho đúng, đạt đến kết quả tốt đẹp, có lợi cho mình và cho người, hoặc đưa từ hoàn cảnh khó khăn đến cho sáng sủa hơn.
Nhưng làm thế nào để có được trí-huệ sáng-suốt ?
Một nhà tu hành đưa ra hình ảnh lu nước , tượng trưng cho cái " Tâm" của con người : Hãy quan sát một lu nước để ngồi trời. Bụi đất, rác rến, vật nhỏ, lá cây vv.. do gío thổi bay vào trong lu.
* Hãy để lu nước lắng trong khoảng 3,4 ... ngày, ngày trời im gió. Tất nhiên rác rưởi, bụi bặm, lá cây ... lắng xuống đáy. Nước trở thành trong vắt. Cúi xuống , soi mặt trong lu, sẽ thấy nước trong như tấm gương, phản chiếu gương mặt của ta rất rõ.
* Nếu bây giờ dùng một cây que khá dài quấy mạnh nước trong lu. Rác rến, bụi đất, cỏ, lá cây vv.. bị động sẽ lẫn-lộn, khiến nước đục lầm. Cúi mặt xuống, soi vào lu nước , ta không nhìn rõ được gương mặt thật của mình.
Nhận xét :
* Cái lu nước không ai động đến, rác rưởi, bụi bặm,đất cát vv.. lắng yên dưới đáy ( cúi xuống thấy rõ mặt ) : tượng trưng cho Cái Tâm không bị giao động bởi những tư tưởng, cảm xúc, dục vọng xấu xa, độc hại, không lành mạnh hoặc vọng tưởng (1) lắng xuống không cần thiết.
* Rác rến, đất cát, cỏ vv.. tượng trưng cho những ý nghĩ, tình cảm xấu, độc ác vv.. nói ở trên như (a): ích kỷ, nhỏ nhen, thiếu độ lượng, thù oán, tham đắm, sân hận, si mê, giận dỗi, phiền não, lo âu, ngạo mạn vv..
* Lu nước đục lầm khi ta lấy que quậy từ dưới đáy (soi mặt không thấy rõ ) : tượng trưng cho Tâm con người bị giao động bởi ảnh hưởng bên ngoài. Những độc tố (a) đang nổi lên trong ta có sức mạnh điều khiển Tâm, đưa đến những hành động, lời nói sai trái vv.. nếu mình không làm chủ được Tâm ( hay ta để Tâm làm chủ ) (unconsciousness).
* Lu nước lắng trong ( mặt nước sáng như gương, cặn bã nằm yên dưới đáy ) : tức là ta đã nhận biết được những ý nghĩ, tình cảm, dục vọng vv.., nhất định không để nó điều khiến mình. Tâm không bị giao động, yên tĩnh trở nên trong sáng (2). Sự suy nghĩ, giải quyết mọi vấn để sẽ không sai lạc và đúng ( consciousness). Đời sống ta ít những rắc rối, được bình an, tự tại. Đó là sống với Trí Huệ.
Ngoài ra, một phương pháp khác rất đơn giản cũng giúp chúng ta sáng suốt trong cuộc sống. Kinh sách Phật nói (b): Phải suy ngẫm, phân biệt thiện và bất thiện trong lúc, sau khi vv.. làm điều gì ( cả về thân, khẩu, ý ).
1. Việc ta đã làm trong quá khứ :
a. Nếu việc đã làm, hại cho mình và hại cho người ----.> Tuyệt đối không làm nữa
b. Nếu việc đã làm, lợi mình, hại người ----> Nhất định không tái phạm
c. Nếu việc đã làm, lợi mình, lợi cho người ----> Tiếp tục phát triển
2. Việc ta đang làm trong hiện tại :
a. Việc đang làm, hại mình, hại cho người ---> Ngừng ngay
b. Việc đang làm, lợi mình, hại cho người ---> Quyết Tâm ngưng làm
c. Việc đang làm, lợi mình (2) lợi người _---> Tiếp tục làm
3. Việc sẽ làm trong tương lai
a. Việc sẽ làm , hại mình, hại cho người ---> Nhất tâm phải tránh
b. Việc sẽ làm , lợi mình, hại cho người ---> Sẽ không bao giờ làm
c. Việc sẽ làm , lợi mình, lợi người ---> Thực hiện nhiều lần
Chúng ta khẳng định rằng : cần có " Trí huệ soi sáng tâm thức mình từ ý nghĩ, lời nói đến mọi hành vi để gieo nhân lành, gặt quả tốt." Là con người biết tự chủ, ta có những ngày tươi sáng, nhẹ nhàng, bình yên không sóng gió trong cuộc sống đầy cạm bẫy với những khuyến dụ, bất lương, sa đọa, thiếu đạo đức vv.. Cuộc sống an vui, sáng suốt, chúng ta mới có khả năng đem yên vui, sự giúp đỡ tới những người kém may mắn, hiện đang phải gánh chịu nhiều khổ đau, bất hạnh trên cõi đời này.
Cũng vậy, 1 trong 3 lời hứa của Ông Tổ Hướng Đạo Sinh Quốc Tế ( c ) truyền dạy :
" Trong Sạch Từ Lời Nói Đến Việc Làm".
TRÍ HUÊ : "Tâm Trong Sáng" là thế.
G.S Nguyễn Liên Dung
April 16 2012
Bài cô viết với những hình ảnh cụ thể diễn giải đã đưa người đọc hiểu được phần nào Tâm trong sáng - Trí Huệ, để gần hơn với Trí Huệ cũng như hy vọng đạt được Trí Huệ . Chúng con xin cảm ơn cô và cầu chúc cô thật nhiều sức khoẻ để viết nhiều hơn về Trí Huệ thiền định.
ReplyDelete