Phương Hà và Minh Châu trên đường NBK phía bên Sở Thú
Hai hàng cây sao ngày cũ
HỘI NGỘ RỒI CHIA TAY
CHUNG DAO
Hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế….” Một bài thơ đã được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Phú Quang, phải cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn, hai bạn TUL và Phương Hà đã về VN thăm gia đình, gặp gỡ bạn bè và lại ra đi. TUL đã về lại Mỹ cả nửa tháng trước và hôm nay chúng tôi lại rủ nhau đi uống café tán dóc với PH lần sau cùng để tiễn bạn trở lại đất nước Kangaroo.
Trời Saigon chưa bao giờ nắng gắt như hôm nay, cái nắng xuyên qua hai lần áo, găng tay và cả helmet rọi vào mặt chói chang. PH chắc về từ nước Úc, một xứ có mùa hè còn nắng gắt hơn VN nên có vẻ vẫn OK chỉ có giọng nói hơi khàn một chút vì Saigon bây giờ bụi bặm hay vì siêng nói quá chăng?
Chúng tôi chọn quán café ngay đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đối diện với sở thú vì muốn tìm lại những kỷ niệm xưa cũ của một thời áo trắng. Tôi không nhớ ngày xưa góc này là trụ sở hay cơ quan gì nhưng nay đã là tòa nhà cao tầng, xây dựng tối tân không khác gì các office building của nước ngoài. Tầng dưới cùng là quán café kem, mở ra một vườn hoa đầy gió mát. Ba đứa chúng tôi Phương Hà, Minh Châu và tôi chọn một bàn bên ngoài với tâm nhìn sang ngay vị trí của quán Hẹn ngày xưa. Chẳng biết quán Hẹn này đã được người ta “bứng” đi từ bao giờ, nhưng khi nhìn lại vị trí cũ của nó, bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa lại ùa về trong ký ức của từng người chúng tôi. MC kể có lần đi xe Honda ngang qua VTT, không biết sao lại ngã lăn quay ra giữa đường, và dĩ nhiên người đẹp như MC thì có vô số các anh Võ Trường Toản nhào đến giúp nâng xe lên và đưa dầu Nhị Thiên Đường cho xoa (chẳng hiểu con trai sao lại có sẵn dầu trong người thế?), tuy nhiên vì quá xấu hổ nên sau khi các anh đỡ chiếc xe Honda lên, Châu vội vàng lên xe cám ơn và phóng thật nhanh. Còn kỷ niệm của tôi với VTT thì không được đẹp lắm, hồi đó tôi và 3 người bạn nữa (Dung, Thủy và Liên) hay mặc áo dài trắng và bím tóc thắt nơ đỏ như nhau, đi ngang qua VTT đã có một anh buông lời khiếm nhã “băng Tây Thi”…hồi đó cả nhóm giận lắm nhưng bây giờ nghĩ lại chỉ tự an ủi “ôi nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” mà.
Chỉ có ba người thôi mà chúng tôi ồn ào như một cái chợ chẳng kể số gì đến những người ngồi bàn bên cạnh, chúng tôi cười nói huyên thuyên nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa đi học, hồi đó em nào cũng có bao nhiêu là cái đuôi theo, cứ phân vân cân nhắc mãi chẳng biết chọn ai. Sau chuyện ngày xưa là chuyện bệnh tật, chúng tôi nhắc tới những bạn đã ra đi vĩnh viễn, rồi tự nhủ rằng ngày xưa khi ta nói “ôi một ngày như mọi ngày..” là diễn tả một cái gì đó chán nản có tính “routine”, nay thì tất cả chỉ mong “một ngày như mọi ngày..” có nghĩa là còn khỏe mạnh còn gặp nhau, còn thích diện. Em PH chêm vào “không có đâu C, khi mình khỏe rồi thì lại mong được trẻ ra….” Điều mong muốn này chắc là chẳng của riêng ai mà là của chung tất cả phụ nữ trên thế giới.
Sau mục uống café, chúng tôi đi bộ dọc con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đong đầy kỷ niệm, sau gần 40 năm biết bao thay đổi đã xảy ra trên con đường này. Đây là trường trung học Võ Trường Toản, nơi tụ họp bao nhiêu là nam sinh ngồi rải rác hai bên lề đường, làm run rẩy bước chân các em nữ sinh Trưng Vương mỗi khi buộc phải đi bộ ngang qua. Sau đó đền Nha Học Vụ bây giờ đã được đổi tên khác cho hợp thời thế hơn, và cuối cùng là ngôi trường Trưng Vương thân yêu của chúng tôi. Cửa trước của trường ngày xưa với cánh cửa bằng gỗ màu đỏ sậm mà sau hồi chuông vào học đã hoàn toàn khép kín ấp ủ chúng tôi trong đó, cánh cửa này đã được thay bằng các hàng rào và một cửa to đùng bằng sắt mà người đứng bên ngoài lúc nào cũng có thể nhìn tất tần tật vào bên trong, mất hẳn cái vẻ khép nép, cổ kính dịu dàng của ngôi trường nữ nổi tiếng ngày nào. Cửa trước của trường bây giờ đã thành cửa sau để chứa xe của các em học sinh, một số em khác thì đi xe phân khối lớn (thay vì tuổi các em chỉ được đi xe dưới 50 cc) phải gỏi xe vào Thảo Cầm Viên vì nếu nhà trường bắt được sẽ đuổi học. Cửa sau của trường thì ngược lại được cải biến thành cửa chính, với bảng hiệu khá mờ nhạt “Trường Trưng Vương” (thay vì nữ trung học TV) vì ngày nay các em học sinh nam nữ học chung một trường. Chúng tôi đến đúng giờ tan trường, các bộ đồng phục quần tây màu navy và áo sơ mi trắng đã thay thế cho những tà áo dài tha thướt ngày nào. Ngày xưa khi tan trường là chúng tôi bâu vào những xe đậu đỏ bánh lọt, các hàng bò bía, hàng tàu hũ dọc hai bên đường.. … bây giờ không còn thấy một hàng quà nào, thay vào đó là những chiếc xe hơi đậu dọc hai bên đường. Có lẽ vì thời buổi này xe hơi được nhập khẩu quá nhiều so với hạ tầng cơ sở không được nâng cấp nên tài xế của các ông bà chủ làm trong các office building gần đấy đã mang xe vào đây kiếm chỗ đậu.
Đứng từ dưới đường nhìn lên, một kỷ niệm khó quên lại ùa về, ngày xưa nhà bà Nguyệt Minh, tổng giám thị ở trên lầu sát với mặt đường, cầu thang dẫn chúng tôi lên lớp học cũng là con đường dẫn lên tầng trên nhà bà. Thế mà chúng tôi chẳng sợ gì, cứ len lén cúp cua, vén áo dài cột hai vạt vào nhau, trèo lên cửa số ra một platform rộng tráng xi măng để cùng nhau nhìn xuống Thảo Cầm Viên theo dõi các cặp nhân tình mùi mẫn với nhau trong các hốc cây. Đến đoạn nao gay cấn quá thì lại xấu hổ leo xuống không dám nhìn nữa.
Chúng tôi đi bộ dọc theo con đường dốc Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngày xưa con đường này là đường cụt bởi nó sẽ được chắn ngang bởi xưởng đóng tầu Bason. Bây giờ nó đã được thông sang một con đường mới mở (Nguyễn Hữu Cảnh) cho phép xe cộ chạy từ cầu Saigon về thẳng trung tâm mà không phải qua cầu Thị Nghè. Một phần Thảo Cầm Viên cũng được xén bớt (hình như là khu vực chuồng voi cũ) để phục vụ cho việc xây dựng con đường này.
Ngày xưa trước cửa trường là hàng rào bằng lưới của Thảo Cầm Viên, vì nghịch ngợm chúng tôi vẫn trốn học và thường chui vào các “lỗ chó” ngay Thảo Cầm Viên để chơi, vừa không tốn tiền vé vào cửa vừa thỏa tính nghịch ngợm học trò. Ngày nay, một bức tường kiên cố đã được xây lên để phân chia Thảo Cầm Viên với con đường NBK thân yêu. Nhớ lại lúc chui vào thì dễ nhưng khi chui ra để về lại trường phải phân công nhau canh cho kỹ, nếu không vô phúc bị bà Tổng Giám Thị bắt được thì chỉ có nước phải mời bố mẹ vào để nghe bà giảng moral.
Buổi chiều tan trường, âm thanh hỗn độn dậy lên, PH cố gắng đứng ra giữa đường chụp hình để lấy được hai hàng cây sao. Một chiếc xe hơi vụt qua bấm còi inh ỏi làm cô nàng khiêp vía thụt vào. Chúng tôi đi trên lề đường mà cứ bị các người đi xe Honda đón con về học bóp còi inh ỏi sau lưng, họ đậu xe trên lề để chờ con nhưng thay vì đi xuống đường họ lại tiếp tục đi trên lề và bóp còi cứ như thể lề đường dành cho xe chạy chứ không phải cho khách bộ hành vậy. Nàng PH lại thắc mắc, nhưng tôi bảo đó là nét đặc trưng của một số người VN hiện nay, nếu không bóp còi như thế thì đã không phải là người VN.
Nét đáng yêu duy nhất ngày xưa còn được giữ lại cho chúng tôi là hai hàng cây dọc theo con đường NBK, ba người chúng tôi đã đi qua đi lại giữa hai hàng cây sao cao vút mà lòng lâng lâng nhớ lại thời tuổi trẻ mộng mơ và sôi nổi của mình. Sau biến cố 75, trải qua bao thăng trầm, ngôi trường và hai hàng cây vẫn còn đây nhưng thầy cô và bạn bè đã lưu lạc khắp năm châu bốn bể. Người đi thì cứ đau đáu với kỷ niệm còn bỏ lại, người kẹt lại thì miễn cưỡng làm nhân chứng lịch sử, gậm nhấm nỗi buồn vì kỷ niệm vẫn đầy ắp và nồng nàn. Ngôi trường, dù bao thay đổi, vẫn sừng sững trong lòng những nữ sinh TV một thời, và ngày trở lại chốn cũ chúng tôi cứ tiếc nuối mãi những tà áo dài trắng tung bay trong gió ngày xưa, tiếc thầy cô, tiếc bạn bè nhưng có tiếc nuối thì tất cả cũng đã lui vào dĩ vàng chẳng thể quay ngược thời gian. Chia tay nhau hẹn ngày gặp lại, cầu chúc cho PH trở về Úc bình yên, và lại có những ngày tháng êm ả hạnh phúc bên chồng con.
Saigon Feb 29th 2012