Jan 22, 2011

FW: NGÀY XUÂN ĐI THĂM THẦY CÔ GIÁO




NGÀY XUÂN
ĐI THĂM THẦY CÔ GIÁO






Hoàng Anh Thư


Chỉ còn chừng nửa tháng nữa là đến Tết Tân mão rồi. Ngoài đường người ta đã chăng đèn kết hoa, mặc dù đây đó vẫn còn những cửa hàng còn chưng nguyên cây Noel cùng những trang trí của Tết Tây. Có lẽ năm nay Tết ta đến sớm hơn mọi năm. Hôm nay ngoài những bạn trong nước như Thanh "ông", Anh Bằng, Đoàn Mai ,Bích Quy còn có Minh Tâm ở Mỹ về mang theo "quà" của các bạn bên ấy góp tặng thầy cô. Những phần quà đã góp phần xoa dịu những khó khăn và an ủi thầy cô lúc tuổi già.

Đầu tiên đoàn đến thăm nhà cô Nở. Nhà cô ở gần như cuối xóm nên phải làm cái "đê" nhỏ ở cửa ngăn nước chảy vào nhà mỗi khi mưa lớn. Cô đang ngồi trên giường, mái tóc cắt tém trắng xóa dán vào đầu. Khuôn mặt xương xương, trắng xanh của người luôn phải ở trong nhà.. Các bạn ríu rít hỏi thăm, nhưng hình như cô chẳng nhận ra ai và cũng chẳng biết các bạn nói gì bởi những câu trả lời một cách vô thức chẳng ăn nhập gì vào câu hỏi. Các bạn ngơ ngác nhìn nhau. Cô lẫn mất rồi . Chắc cô cũng chẳng còn nhớ mình đã từng đứng trên bục giảng trường Trưng Vương năm nào. Đã từng sang sảng giảng bài và làm thót tim những đứa không chịu học bài...Chỉ có bà chị của cô túc trực bên cạnh cô là sáng suốt thay cô trả lời những câu hỏi và rất vui đón nhận "món quà" của các bạn giúp cô.


Xe đi vào ngõ nhà thầy Lân nhưng vì là buổi tối nên phải qua lại mấy lượt mới tìm ra nhà thầy. Mới khoảng tám giờ tối nhưng thầy đã ngủ rồi, con thầy phải lay mãi thầy mới ngồi dậy được, ngơ ngác nhìn lũ học trò già lố nhố đứng ngồi. Trông thầy có vẻ mệt mỏi, có lẽ đang ngủ mà bị gọi dậy. Mỗi đứa lại hỏi han một câu , thầy chỉ cười và gật, chắc cũng chẳng còn nhận ra ai. Vợ và con thầy nói dạo này thầy quên và yếu đi nhiều. Còn nhớ năm ngoái, cũng bằng khoảng này, trước Tết, thầy cũng yếu nhưng còn nói chuyện vui vẻ với học trò được. Thầy còn ký tặng cho các bạn đến thăm mỗi người một cuốn sách có tựa là Tây Thi Đệ nhất mỹ nhân do thầy dịch từ nguyên bản tiếng Trung hoa của Đổng Vân Khanh. Đủ biết thầy thông thạo tiếng Trung hoa biết chừng nào.. Vợ thầy còn cho biết thầy dịch cả sách tiếng Anh và tiếng Pháp nữa. Chao ơi, vậy mà chỉ một năm thôi, thầy đã lạc dần vào cõi u mê rồi...Phần quà của các bạn ở nước ngoài gửi do Tâm trao cho thầy và đã được vợ thầy nhận để lo chăm sóc thầy. Thầy cũng còn hạnh phúc là được ở nhà mình, đầm ấm bên vợ con và được chăm sóc tử tế.


Ngõ nhà cô Vượng đây rồi nhưng chẳng bao giờ cô dám tiếp học trò ở trong nhà, mặc dù nhà cô rất rộng, có cả phòng cho thuê. Học trò phải cử người vào đón cô ra quán nước đầu hè. Trông cô già đi nhiều, gương mặt lúc nào cũng đăm chiêu, buồn khổ. Mái tóc bạc đã được cô cắt tỉa gọn gàng. Răng cái còn, cái rụng xen nhau nhưng cô còn tinh tường lắm. Cô kể đời cô lúc nào cũng khổ :Lên ba thì mất mẹ, lên chín thì mất bố . Đi lấy chồng cũng chẳng được yên. Cô xin con nuôi từ tấm bé để được chút hạnh phúc làm mẹ nhưng mà nào có xong, con cô lớn lên cũng chẳng phải của cô lại hóa ra thành cái nợ mà cô phải gánh cho đến tận bây giờ. Cô được rất nhiều các thế hệ học trò khá giả ở nước ngoài giúp đỡ vật chất nhưng xem ra cô cũng chẳng được hưởng bao nhiêu, vẫn phải đối phó, dấu giếm cả với con mình. Học trò phải trao quà cho cô một cách kín đáo .


Sáng nay trời mát, có lẽ ảnh hưởng chút không khí lạnh miền Bắc tràn về. Đường phố đã nhộn nhịp hơn, càng gần Tết người ta lại càng hối hả trên đường. Những giỏ quà xanh đỏ gói sẵn, những quần áo, giày dép hạ giá tràn ra cả lề đường, người ta mua bán tấp nập với nhau. Trong khi đó Thanh ông cùng với Thành Oanh và Bích Quy lại rong ruổi lên đường đến thăm cô giáo.

Nhà cô Ninh đây rồi, đó là một ngôi biệt thự rất xinh, Ba đứa vào phòng khách còn đang mải ngắm bức chân dung cô do con trai cô vẽ rất đẹp thì cô đi vào. Cô chăm tập thể dục nên trông cô vẫn còn duyên dáng lắm nhưng hôm nay trông cô có vẻ mệt mỏi nhưng mắt lấp lánh niềm vui vì có học trò đến thăm. Trao cho cô giỏ hoa hồng tươi thắm và thiệp chúc Tết có "nhân" của Minh Tâm tặng. Cô rất cảm động nói lời cảm ơn các em đã đến với cô . Cô kể rằng hôm qua huyết áp của cô tự nhiên tăng vọt lên 17 khiến cô rất mệt và nhức đầu phải gọi bác sĩ quen đến nhà khám và cho thuốc uống. Tuy thế cô nói chuyện rất vui và minh mẫn lắm. Cô bảo : "Năm nay cô đã 85 tuổi rồi, lại là năm tuổi của cô, mà bố mẹ cô đều mất vào năm tuổi nên cô cũng có lo lắng " . Thanh liền nhanh nhẩu : "Không sao đâu cô, đó là con Mèo sắp tới chứ không phải mèo bây giờ." Oanh tiếp :" Như vậy là cô còn thọ 12 năm nữa cơ . Thôi chúng mình về cho cô nghỉ ngơi " . Cô đứng dậy ôm mỗi đứa một cái, thật là cảm động. Trước đây cô làm giám học nên chẳng dậy đứa nào cả nhưng đứa nào cũng rất quý cô. Hiện nay cô là con chim đầu đàn của cựu nữ sinh TV. Cô mời mọi học trò về trường cũ để dự lễ hội TV sắp được tổ chức tới đây. Cầu mong cho cô đủ sức khỏe để làm thơ , viết kịch cho học trò đóng mỗi khi có lễ hội. Lúc nào cô cũng là tâm điểm để quy tụ các thầy cô và học trò cũ về trường, điều này không phải ai cũng làm được nếu không có cái tâm và yêu mến ngôi trường của mình.


Mấy hôm nay cô Hiền lên nhà cháu ở vì cô cũng hay về đây khi có việc cần vào thành phố. Cô nói nhà cô ở ngọai ô, rộng rãi, mát mẻ, yên tĩnh hơn. Cô kể hôm nọ cô đi khám kiểm tra sức khỏe định kỳ vì trước đó cô cũng chưa phải uống thuốc và thấy trong người cũng dễ chịu, bình thường vì thế cô tự lái xe máy đi đến bệnh viện. Thế rồi sau khi làm các xét nghiệm và đo đạc, người ta đã giữ cô lại vì thấy các chỉ số về tim và huyết áp của cô tăng vọt lên 17 . Chỉ đến khi Bác sĩ bảo phải gọi người nhà vào đưa cấp cứu thì cô mới biết là mình đã già thực sự. Cô là một giáo viên dạy thể thao nên chăm chú luyện tập sức khỏe thì là đương nhiên, vậy mà bệnh tật có chừa một ai, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi.
Cô cắt bánh thạch ra mời mọi người và vui vẻ nhận lẵng hoa hồng cùng cánh thiệp có "nhân" tặng cô. Cô nói cô rất vui và cảm động khi có học trò TV đến thăm, Cô nhận hết quà nhưng "nhân" thì cô trả lại vì mấy năm nay cô đã có đức lang quân rất yêu cô, chăm sóc cho cô rồi. Chẳng là cô cũng mới lập gia đình vài năm gần đây thôi. Thật là mừng cho cô, Cô còn dự định sang năm sẽ đi Châu Âu chơi và mời các học trò đến nhà cô chơi. Học trò cũng chúc cho cô luôn khỏe mạnh để thực hiện được nhiều chuyến du lịch như ước nguyện của cô.


Chiều nay trời mát mẻ chỉ còn Thanh chở Bích Quy đến thăm cô Chi Hương. Nhà cô ở đường Hai bà Trưng gần chợ Tân Định, đó là một con đường có rất nhiều cửa hàng lộng lẫy , buôn bán tấp nập. Nhà cô có cửa hiệu bán Giày thời trang của Nam ở tầng trệt, còn cô ở trên lầu. Cô xuống tận cửa đón hai đứa với nụ cười rạng rỡ rất duyên năm xưa. Cô kể vừa rồi cô cùng đi với Minh Tâm xuống tận Cà Mau để dự lễ khánh thành những cây cầu và giếng nước do nhóm của Minh Tâm đã xây xong. Thật vui khi thấy cô còn khỏe và còn đến được những nơi xa xôi để thăm viếng và làm từ thiện.
Học trò hỏi thăm sức khỏe của cô, nghe cô nói :"Sinh và lão thì cô có rồi, giờ chỉ còn bệnh và tử thôi. Phải chống chọi với bệnh tật sao cho tử nó lâu đến để còn làm được nhiều việc có ích nữa...." Nghe mà thấy xót xa và thương cô làm sao. Cô rất vui và cảm động khi nhận phần quà của mình. Chỉ là giỏ hoa cùng cánh thiệp có chút "nhân" mà làm cho cô vui thì học trò cũng cảm thấy vui là mình đem lại vui vẻ, an ủi cô lúc tuổi già. Cô cứ dặn lúc nào rảnh hãy đến thăm cô...


Nhà cô Vân Nhung cũng ở ngay mặt tiền đường nhưng là một con đường nhỏ. Đó là một căn nhà không có lầu, thấp bé so với hai nhà bên cạnh và rất cũ kỹ bởi không có bàn tay chăm sóc của người thân. Đồ đạc của cô cũng cũ kỹ như nhà cô vì Cô sống một mình , dạy học, dịch sách . Bích Quy còn nhớ lúc học ở Trưng vương đã được cô dạy môn toán vậy mà vừa rồi cô đã dịch cả cuốn truyện Kim Vân Kiều của thi hào Nguyễn Du ra tiếng Anh, mục đícnh là để giới thiệu cho người nước ngoài hiểu hơn về một tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam . Cô đã được mời ra Hà Nội để dự các cuộc hội thảo về văn chương với các nhà văn nước khác . Cô nói bên Pháp còn in những bài viết của cô về Danh nhân nước Việt nữa. Ngoài ra cô còn sáng tác nhiều bài hát về trường như Trưng vương hành khúc, Vọng Mê linh, Giã biệt trường yêu....v...v... Cô thật là uyên bác nhưng lại bị cao huyết áp nên thường hay nhức đầu. Thanh có hỏi : "Sao cô không đem cháu nào về ở chung? " thì cô bảo :" Cháu cũng có việc của cháu nên không ở " .Có lẽ cô cũng cần sự yên tĩnh để làm việc nhiều hơn. Bích quy thấy lo lắng cho cô nên hỏi :"Thế những lúc cô đau ốm thì sao?" Cô bảo :"Thì cứ cố gắng với lấy cái điện thoại". Chao ơi thật là ái ngại cho tuổi già mà lại lẻ loi một mình.

Cô nhận lẵng hoa và quà nhưng cứ băn khoăn :"Sao năm nay lại tặng cô nhiều thế này?" Cô làm học trò cảm thấy thật xấu hổ là đã lâu không đến thăm cô. Học trò đành chỉ biết chúc Cô giữ gìn sức khỏe để viết được nhiều bài hay cho khuây khỏa tuổi già...



Trong tất cả các thầy cô vừa đến thăm thì cô Cao Hương trông rất khỏe khoắn và yêu đời. Cô chuẩn bị đi lễ nhà thờ nên mặc rất đẹp với chuỗi vòng cổ và trang điểm nhẹ nên thấy cô rất trẻ trung và duyên dáng. Cô ôm lấy từng đứa và nói rất vui mừng như được đón con từ xa về. Cô hỏi tên từng đứa nhưng rồi lại lẩm bẩm :"Cô chẳng nhớ ra được em nào..". Cô ơi Cô chỉ cần nhớ chúng em là học sinh Trưng vương là học trò của cô thế là đủ rồi. Chúng em mới có lỗi vì đã lâu không đến thăm cô...Trao giỏ hoa hồng và thiệp chúc Tết có "nhân" cho cô, Bích quy thấy cô vui sướng, nói cười luôn miệng : "Sao mà các em còn nhớ đến cô, cảm động quá, đi ngoài đường thì chắc cô chẳng nhận ra đâu".
Vâng, làm sao mà cô còn nhận ra chúng em được khi đứa nào cũng hai thứ tóc và về hưu cả rồi. Đâu còn là những cô học trò nhỏ mười mấy tuổi luôn nghịch ngợm, trêu ghẹo các cô năm xưa. Cô còn nhớ :" Này, có đứa còn gọi cô là Lùn Hương chứ không phải Cao Hương vì cô hơi bị thiếu thước tấc đấy " Rồi cô cười to "Thế mà đã mấy chục năm rồi , này, thỉnh thoảng lại đến chơi với cô nhé" "Vâng, bây giờ chúng em xin phép về để cô còn đi lễ". Cô lại bịn rịn nắm tay từng đứa chẳng muốn rời

Học trò già đi thăm thầy cô già, còn hình ảnh nào đẹp hơn. Cảm ơn các bạn ở nước ngoài đã tạo cơ hội cho các bạn trong nước có dịp viếng thăm các thầy cô. Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng tình nghĩa thầy trò Trưng vương vẫn thắm thiết lắm. Học trò cũng vui vì mình đem lại chút an ủi , vui vẻ cho thầy cô lúc tuổi già. Rồi ra học trò sẽ còn thăm thầy cô được bao lần nữa?





No comments:

Post a Comment