Mar 27, 2016
Lễ Hội Hai Bà Trưng 2016 tại Montreal, Canada
Hội Phụ Nữ Việt Nam vùng Montreal và các Hội Đoàn tổ chức Lễ Hai Bà Trưng vào ngày 20 tháng 3 , 2016
MỤC LỤC :00:00:00
Mở đầu00:04:02 Chào Quốc kỳ và Phút Mặc niệm 00:06:44
Hợp ca "Cô gái Việt" - Hội Phụ Nữ VN
vùng Montreal00:09:28 Nghi lễ
- Dâng hương hoa, cúng Hai Bà 00:13:51 Bà
Nguyễn Thanh Tuyền, Hội trưởng Hội Phụ
Nữ VN00:18:42
Lý ngựa ô - Hội trống Lạc Việt00:25:38
Mẹ Việt Nam ơi - Đoàn Chính 00:31:10
Múa kiếm00:36:50 Mùa xuân đầu tiên
- Mỹ Hương + Thiên Phú 00:42:24 Chuyến tàu hoàng hôn
- Mỹ Hương 00:47:41 Trình diễn áo dài
- Nhạc "Một thoáng tình quê hương"
- Thiên Phú 00:55:26 Tình ca
- Thanh Hương 01:01:38 Cho em quên tuổi ngọc
- Kim Oanh 01:07:04 Ca sĩ Carol Kim - Người con gái Việt Nam 01:14:07
Xin còn gọi tên nhau 01:18:55 Mười năm tình cũ01:24:19 Bài ngợi ca quê hương
- Ban hợp ca Hương Xưa 01:28:36 Mẹ tôi - Thùy Mai 01:35:25 Hòn vọng phu
- Hội giáo chức VN 01:41:50 Xuân và tuổi trẻ
- Thái Hiền01:46:05 Paris có gì lạ không em - Thái Hiền 01:50:44
Kết thúc + Lời tạm biệt
Libellés :
Canada,
Lễ Hội Hai Bà Trưng 2016 tại Montreal
Mar 22, 2016
Làm Bà Khó Lắm - Bích Quy.
LÀM BÀ KHÓ LẮM
Bích Quy
Cháu nội Anh Thư
Được lên chức Bà Nội hay Bà Ngoại ai mà chẳng thích. Tự nhiên
thấy mình "Oai" hẳn ra và "Già" hẳn đi !!! Già thì mới được
"lên chức" bà và cứ được "lên chức" là đã thấy "oai" rồi.
Lúc em bé mới sinh, mẹ nó còn "ở cữ" Bà tha hồ "tung hoành"
: Nào là thay tã, giặt tã, tắm bé, cho bú bình hoặc đưa bé cho
mẹ nó cho bú. Rồi là hơ háp cho cả hai mẹ con v...v...Thích nhất
là cái khoản bế bồng , bà cứ hít hà cái mùi sữa thơm thơm từ
em bé .Bà mới có cháu thì chỉ cần "oa oa" là đã vội vàng bế
lên ngay mà dỗ dành nựng nịu. .Dù bận và mệt nhưng bà vẫn thấy
vui mà quên mệt mỗi khi được nựng nịu cháu trong tay.
Thế rồi sau đầy tháng cháu, mẹ nó cũng dần khỏe lên . Mọi
sự cũng dần thay đổi . Mẹ sẽ tắm cho con , tự cho con bú ...Bố
nó đã có thể thay tã cho con nhuần nhuyễn , ru con ngủ và thế là
bà sẽ "ra rià" chỉ "chạy" vòng ngoài thôi : Đi chợ , lau nhà,
giặt giũ khăn, áo cho bé rồi phơi phóng v....v....Bà cũng thấy
thảnh thơi hơn. Cháu có khóc thì mẹ nó chỉ vỗ vỗ không bế . Bà
thấy sốt ruột và khó chịu nhưng mẹ nó chẳng cho đụng vào nên
bà cũng thôi mà trong lòng thấy ấm ức. Mẹ nó bảo : "Hơi chút bà
đã bế là nó sẽ quen, sau này bà không bế nổi mãi đâu" . Của
đáng tội, thằng bé khóc mà chẳng thấy ai dỗ cũng tự nín , cho
ngón tay cái vào miệng mút ngon lành . Bà thấy thương quá đi thôi.
Bác sĩ dặn trong vòng sáu tháng đầu chỉ cho bé bú sữa mẹ,
ngoài ra không thêm bất cứ thứ gì dù là nước lọc. Thế là bố
mẹ nó nghe theo răm rắp. Bà cũng dò hỏi các bà nội ngoại khác
thì thấy ai cũng nói thế nên cũng yên tâm là bây giờ người ta có
nghiên cứu nên như vậy tốt hơn chăng?
Nhìn cháu thay đổi lớn lên từng ngày bà cũng thấy vui .
Thời của bà chỉ biết bồng bố nó cho bú là xong. Bây giờ thì mẹ
nó có cả máy hút sữa ra bình rồi để vào tủ lạnh. Lúc nào
cũng có sữa cho con bú đúng giờ dù có bận việc hoặc đi vắng
thì người nhà chỉ việc lấy ra hâm nóng là bé bú được ngay mà
làm thế lại chẳng phí đi giọt sữa nào. Chẳng bù cho ngày xưa,
cứ cho con bú bên phải thì bên trái sữa tự động chảy ra. Tiếc
của thì hứng vào cái chén và uống lại chứ đâu dám cho con bú .
Một hôm đến thăm cháu của bà bạn mới được hai tháng . Thấy bà
ấy lật sấp thằng bé mà nó đã tự ngóc đầu dậy được. Rồi bà
ấy vuốt lưng mát- sa cho nó, rồi nắn tay chân nữa. Bà ấy bảo
:"Ngày nào tôi cũng làm thế cho nó mau lớn, thẳng tay chân. Chị
xem mới hai tháng mà nó cứng cáp ngóc đầu lên được này.
Bà gật gù :"Hay quá để tôi về thử tập cho cháu nhà mình xem"
Bà nghĩ bụng :"Cháu của mình lớn hơn nó nửa tháng chắc là
áp dụng được"
Một hôm bà thử lật sấp thằng bé , rồi vuốt lưng cho nó. Mẹ nó
thấy thế thì tỏ vẻ không bằng lòng. Nó nói :"Cháu còn nhỏ mà
bà làm thế là rất không tốt cho xương nó" . Chẳng biết nó nói
với chồng điều gì nhưng con bà nói : "Mẹ đừng bắt chước mấy bà
khác làm cho cháu như thế, không tốt đâu"
Bà chẳng hiểu không tốt chỗ nào nhưng đâm ra e ngại chẳng muốn
đụng vào con nó nữa mặc dù trong lòng cũng thấy sót thằng bé.
Khi xưa bà cũng nắn vuốt con nên nó mới thẳng thớm, cao lớn thế
chứ
.
Dạo này bà thấy bố mẹ nó "nghiên cứu" sách nuôi con ăn dặm
theo kiểu Nhật, kiểu Hàn, kiểu Mỹ rồi mua cái bàn ăn nhỏ xíu,
có cái khay trước ngực ; cái yếm quàng cổ bằng cao su có túi
để đồ ăn có rơi rớt vào đó thì không bẩn áo và cả những thứ
đồ chơi mà em bé có thể nhá khi ngứa lợi muốn mọc răng . Ôi
dào, thời nay con nít cần lắm thứ thế.
Cứ đến giờ ăn là bố hoặc mẹ nó nhấc thằng bé vào ghế, quàng
khăn và cứ thế là há mồm ăn ngon lành , chẳng phải dỗ dành gì
hết.
Thỉnh thoảng mẹ nó đổ đồ ăn ra khay, con muốn ăn gì cứ bốc cho
vào mồm , chẳng cần chén bát gì hết. Thế mà thằng bé lại
thích thú vừa ăn vừa nghịch vung vãi hết ra nhà . Thấy ngứa mắt
nhưng bà cũng chẳng dám "ý kiến ý cò" gì. Bố nó cắt nghĩa để
nó ăn như vậy nó sẽ thấy vui mà không phải "ép" gì cả.
Bà nhớ lại hồi đó cứ cặp nách con, tay cầm chén cháo đi
quanh một vòng cư xá là thằng anh ăn rất nhanh , còn đứa em là
bố của thằng cháu bà bây giờ, mỗi lần cho cu cậu ăn là phải dỗ,
phải dọa thậm chí chồng bà còn phải làm trò thì nó mới chịu
ăn cho. Cứ thấy nó ngậm thức ăn phồng cả hai má mà không chịu
nuốt là bà đã muốn nổi điên, chỉ muốn bóp hai má nó thôi. Nói
vậy nhưng bà đâu có nỡ mà cứ ra sức dỗ dành cho nó ăn. Hết được
chén cháo là toát mồ hôi .
Đút bột cho cháu mà cứ thổi phù phù cho nguội thì bố mẹ
nó cũng cho là làm thế mất vệ sinh. Phải khuấy nhẹ nhàng rồi
hớt mặt trên là bột nguội vừa ăn.
Hồi trước con biết ngồi là bà đã canh giờ "xi" tè hoặc cho
đi tiêu trong bô. Bây giờ bố mẹ nó cứ đóng "bỉm". thằng bé cứ
thoải mái tiêu tiểu trong đó. Thỉnh thoảng mẹ nó sờ tay vào rồi
thay bỉm khác. Không sợ trây ra giường . Thật là tiện nhưng bà vẫn
cảm thấy đóng bỉm thì nóng nực và bí bách thế nào ấy nhưng có
nói thì bố mẹ nó lại cho là người ta đã nghiên cứu rồi nên mới
chế ra sản phẩm tiện ích như thế. Chúng bảo bà đừng nói chuyện
của "hồi xưa" nữa , bây giờ ai cũng thế ? Ừ , thì không nói ,
nhưng có phải cái gì hồi xưa cũng bỏ đi cả đâu ....
Rồi bà thấy chúng cũng có lý của chúng . Thời buổi bây
giờ cứ lên "Mạng" hỏi "Thầy Google" là bao nhiêu thắc mắc cũng
được "giải tỏa" . Bà cũng chỉ nên "nhắm một mắt và mở một mắt
thôi" . Thật ra bà còn muốn thêm vào "Cái mắt mở cũng chỉ nên he
hé thôi" Không thể làm "Mama tổng quản" cho chúng mãi được. Đôi
khi cái "sốt sắng" của mình chúng cũng chẳng thích đâu. Không
phải việc gì mình cũng "tham gia" vào được.
Rồi đây cháu sẽ lớn lên , sẽ đi học sẽ ngày càng rời xa bà
như con chim non rời tổ, như con thuyền rời bến để đi tới những
chân trời mới lạ . Bà lại sẽ trở về với cái "thế giới
riêng" của mình nhưng bà vẫn mong ước dù đi đău, cháu cũng không
quên ngôi nhà mình đã từng chập chững những bước đầu tiên , đã
từng bi bô gọi "Bà ơi" ...Còn bà thì chẳng bao giờ quên được cháu
dù có thể lúc ấy bà đã quên đi nhiều thứ vì cháu đã in hẳn
trong tim bà rồi.
Tưng bừng Đại Lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng tại Little Saigon
Tưng bừng Đại Lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng tại Little Saigon
Sunday, March 20, 2016 4:56:07 PM Quốc Dũng/Người Việt
FOUNTAIN VALLEY, California (NV) - Trưa Chủ Nhật, 20 Tháng Ba, khán phòng của Saigon Performing Arts Center ở Fountain Valley không còn chỗ ngồi, vì rất đông đồng hương và quan khách tới tham dự Đại Lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng do Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương tổ chức.
Gần đến giờ chuẩn bị lễ rước kiệu Hai Bà Trưng, bà Vương Đỗ Mai Phương, hội trưởng, tất bật từng chút một chăm lo quần áo, đạo cụ cho các “nữ tướng, quân lính” của mình. Bà nói: “Lần đầu tiên các cháu mặc những bộ nhung phục thời xưa màu sắc rực rỡ nên cũng còn lọng cọng lắm. Đại Lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng vừa để nhớ ơn tiền nhân, vừa là dịp để chúng tôi bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ, các cháu được sinh ra và lớn lên tại hải ngoại.”
Đoàn rước kiệu Hai Bà Trưng trình diện đồng hương trên sân khấu. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
|
Nghi lễ trang trọng
Đúng giờ, tất cả mọi người đứng lên chào, tiếng chiêng trống vang lên liên hồi, kiệu rước hình tượng Hai Bà do các em thuộc các trường trung học, đại học tại Nam California và các trung tâm Việt Võ Đạo, Nguyễn Bá Học, trong trang phục quan quân thời xưa, rước từ ngoài vào trong hội trường.
Tiếp theo sau kiệu là các diễn viên đóng vai Hai Bà Trưng, cùng đoàn nữ tướng trong các nhung phục vàng, đỏ rực rỡ. Thủ vai Trưng Trắc là cô Ashley Hoàng Thủy Phương Anh, hoa khôi Liên Trường Nam California năm 2016, hiện đang học tại đại học UC Irvine. Đóng vai Trưng Nhị là cô Kathy Phạm, hoa khôi cộng đồng, hiện đang học tại Cal State Long Beach. Đóng vai các nữ tướng của Hai Bà là các á khôi trong hội thi Liên Trường 2016, hiện học tại các trường đại học UC Irvine, UC Riverside, UC Los Angeles, và trung học La Quinta...
Theo sau nữa là đoàn nữ binh và quân sĩ do các em thuộc các trung tâm Việt Võ Đạo, Nguyễn Bá Học, Văn Hóa Việt Nam... với trang phục và cờ lộng đủ màu sắc. Tiếp sau kiệu là Ban Tế Nữ Quan do chín cựu nữ sinh Trưng Vương đảm trách. Cuối cùng, trong đoàn rước kiệu là trang phục áo dài truyền thống với màu vàng là chị em hội Bà Triệu, màu xanh lá cây cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt, màu tím của cựu nữ sinh Gia Long, và màu xanh lam là các cựu nữ sinh Trưng Vương.
Ban tế lễ cử hành nghi thức cổ truyền tại Đại Lễ Tưởng Niệm Hai Bà Trưng. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
|
Hai MC Đỗ Thiên Hương (tiếng Việt) và Phạm Vân Bằng (tiếng Anh) đã nhắc lại tiểu sử Hai Bà Trưng, và khiến nhiều người tham dự phải xúc động bồi hồi khi đến đoạn Hai Bà trước thế cô, đành phải trầm mình nơi dòng sông Hát...
Kế đến, Ban Tế Nữ Quan đầy đủ thành phần gồm chánh tế, phó tế, dâng hương, dâng hoa, dâng trà, tiếp lễ tiến ra sân khấu cử hành những nghi thức tế lễ cổ truyền. Bà Nguyễn Thị Nguyệt diễn ngâm “Văn Tế Hai Bà Trưng” do hội trưởng Hùng Sử Việt là Vương Sinh Nguyễn Song Thuận soạn thảo theo lối đường phú, kể lại công đức của Hai Bà và cầu anh linh Hai Bà độ cho nước Việt Nam sớm tìm được tự do, dân chủ và thoát khỏi cảnh ngoại bang đang âm mưu xâm chiếm.
34 năm làm giỗ Hai Bà
Sau phần lễ tế, bà Vương Đỗ Mai Phương gửi lời chào mừng đến tất cả mọi người tham dự và mạnh thường quân đã yểm trợ về tinh thần cũng như vật chất liên tục nhiều năm nay, để hằng năm Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương Nam California tổ chức ngày Đại Lễ Kỷ Niệm Hai Bà.
“Kể từ ngày thành lập hội với mục đích hoạt động tương thân tương ái, nhớ ơn quý thầy cô, bảo tồn lịch sử của dân tộc, các cựu nữ sinh Trưng Vương đã vượt qua nhiều trở ngại, khó khăn, cũng như đem hết cố gắng, khả năng để hình thành những buổi Đại Lễ Kỷ Niệm Hai Bà. Năm nay là năm thứ 34 hội vẫn giữ truyền thống này để tưởng niệm công đức Hai Bà đã đánh đuổi quân nhà Hán giành lại đất, giành quyền tự do, độc lập cho dân tộc Việt vào năm 40 trước Tây lịch,” bà hội trưởng nói.
Bà Mai Phương nói tiếp: “Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương ở hải ngoại tuy không làm chính trị nhưng với tinh thần dân tộc, yêu đồng bào, yêu tổ quốc Việt Nam, chị em chúng tôi đã nhiều lần góp tiếng nói với các đoàn thể, thông tin cho chính phủ Hoa Kỳ, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc mỗi khi được biết những hành vi đối xử thiếu nhân bản của chính quyền Cộng Sản Việt Nam với đồng bào trong nước, và nhất là mạnh dạn phản đối trước sự cai trị độc tài của Cộng Sản Việt Nam, cũng như sự xâm chiếm đất nước Việt Nam của Trung Quốc.”
“Với đại lễ này, chúng tôi cũng mong rằng các thế hệ con cháu của chúng ta sau này cũng sẽ noi gương Hai Bà và các vị anh hùng của dân tộc tiếp nối chống giặc ngoại xâm, để quê hương Việt Nam được vẹn toàn lãnh thổ do cha ông để lại,” bà hội trưởng chia sẻ.
Các học sinh xuất sắc của các trung tâm Việt Ngữ tại Nam California được trao giải Khuyến học. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
|
Tại Đại Lễ Kỷ Niệm Hai Bà, hội cũng tổ chức phát thưởng cho các em học Việt Ngữ giỏi và các em tích cực tham gia vào các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, đồng thời cảm ơn các thầy cô của các trung tâm Việt Ngữ đã dạy dỗ các em, cũng như cảm ơn các bậc phụ huynh đã khuyên bảo con cháu trau dồi tiếng Việt, khuyến khích các em tham gia các sinh hoạt trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại.
Bà Lý Nguyễn Thu Vân, trưởng ban giáo dục của hội, cho biết: “Để bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc Việt tại hải ngoại, hằng năm cứ vào ngày đại lễ, hội chúng tôi đều trao giải thưởng 'Khuyến Học Trưng Vương' cho các học sinh xuất sắc về 'Học Giỏi Tiếng Việt.' Việc phát giải khuyến học rất quan trọng và cần thiết trong việc phát huy tiếng Việt trong giới trẻ tại hải ngoại.”
“Chúng tôi trao giải khuyến học không những khuyến khích các em phải luôn chuyên cần học tập tiếng Việt, mà còn nhắc nhở các em phải luôn phát triển sự hiếu học của mình qua tìm tòi, học hỏi, để từ đó chính các em hiểu được rõ cội nguồn, nguồn gốc của mình từ đâu qua hiểu biết về phong tục, tập quán do cha ông đã gầy dựng và để lại,” bà Thu Vân nói thêm.
Theo bà trưởng ban giáo dục, năm nay hội trao giải cho 36 học sinh học giỏi và hiếu học tiếng Việt, mỗi giải gồm một cúp lưu niệm và $30. Hội cũng phát giải văn hóa và xã hội cho 12 em xuất sắc về những sinh hoạt cộng đồng, đây là các em giúp trong việc khiêng kiệu và rước kiệu Hai Bà, mỗi giải gồm một bản ban khen lưu niệm và $20.
Trong ngày Đại Lễ Kỷ Niệm Hai Bà, Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương Nam California đã được Thượng Nghị Sĩ California Janet Nguyễn, Giám Sát Viên Andrew Đỗ, Thị Trưởng Westminster Tạ Đức Trí, trao bằng tưởng lục.
Cuối cùng là chương trình văn nghệ thật đặc sắc với 17 tiết mục gồm đơn ca, song ca, hợp xướng, nhạc cảnh, hoạt cảnh, và các vũ khúc của vũ đoàn Việt Cầm và các ca sĩ Quang Bình, Trang Thanh Lan, Phạm Đỗ Mê Linh, cùng Trung Tâm Việt Ngữ Thánh Linh, Trung Tâm Việt Ngữ Tự Lực, Nhóm Thân Hữu Hội Y Sĩ, các hội cựu nữ sinh Gia Long, Lê Văn Duyệt, Trưng Vương, và hội Bắc Ninh... trình diễn đã làm cho khán giả say mê theo dõi.
-----
Mar 20, 2016
Elizabeth Phú - Nữ cố vấn tổng thống
Hầu như không được giới truyền thông Việt ngữ biết đến nhiều cho đến khi tờ LA Times giới thiệu về người phụ nữ gốc Việt Elizabeth Phú, 39 tuổi vừa tháp tùng phái đoàn Tổng Thống Barack Obama sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Châu Á-Thái Bình Dương vừa qua, người ta mới biết rằng cô là Giám Đốc Đông Nam Á và Châu Đại Dương Sự Vụ (Southeast Asia and Oceania Affairs) kiêm thành viên Ban Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ tại Bạch Ốc. Quả không có nhiều thông tin về Elizabeth Phú, tuy nhiên chuyên mục cũng đã tra tầm và tổng lược được những nét chính về nữ cố vấn tổng thống trẻ tuổi và tài năng với nhiều kinh nghiệm đối ngoại này để giới thiệu đến các bạn trên số báo hôm nay.Trong bối cảnh thế giới đang đối diện vấn đề người tị nạn với những chính sách và dư luận khác nhau, tờ LA Times chạy tít, “Cô đã đến như một người tị nạn và bây giờ làm việc tại Bạch Ốc” (She arrived as a refugee and now she works at the White House) khi viết về Elizabeth Phú, cô bé thuyền nhân người Việt hơn ba tuổi ngày đến Mỹ tị nạn 36 năm trước và hiện đang nắm giữ một trọng trách lớn lao tại Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài, cũng như nằm trong số những người đóng vai trò quyết định cho các vấn đề đối ngoại thế giới mà cô chuyên trách. Nhưng như cái tựa và mục đích bài báo, LA Times dường như chỉ mô tả hành trình vượt biển củaElizabeth cùng gia đình như những người tị nạn, và rồi vào làm việc tại Bạch Ốc khi trưởng thành, như là một minh chứng để ủng hộ chính sách nhận người tị nạn mà TT Obama cam kết, hơn là kể về chi tiết con đường cô trở thành một cố vấn an ninh quốc gia ra sao. Chính vì vậy, bài báo cho độc giả một cảm giác như rằng Elizabeth làm việc tại Bạch Ốc mới chỉ vài ba năm. Sự thực là, Elizabeth Phú đã có 15 năm kinh nghiệm làm việc qua hai đời Tổng Thống George W. Bush và Barack Obama cùng các Bộ Trưởng Quốc Phòng đương thời hay tiền nhiệm trong các chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Quả là một sự bất ngờ về chặng đường đáng ngưỡng mộ của cô gái chưa đầy 40 tuổi mà tài năng và tương lai còn rất nhiều hứa hẹn này, khi chuyên mục tra tầm lại hồ sơ của cô.Có người cha là một nhân viên từng làm việc cho quân đội Mỹ trước 75, gia đình Elizabeth là một trong những làn sóng thuyền nhân Việt Nam đầu tiên, những người xuống tàu ra khơi vào những năm 1977-1978, sau đợt người Việt tị nạn 1975. Trong chuyến vượt biên bất thành đầu tiên, gia đình Elizabeth bị bắt và bị đưa vào trại “cải tạo” vài tháng trời. Nhờ ông bà của cô lo lót nên cả gia đình được thả và lại kiếm đường vượt biên. Chiếc ghe vượt biên hai máy nhỏ bé, nhét đến 253 người bắt đầu hành trình tìm tự do đã bị chết máy khi ra đến hải phận. Trôi dật dờ ba ngày giữa biển cả, tàu vượt biên gặp tàu hải tặc kéo đến, không cướp mà đòi vàng bạc để kéo vào Malaysia nhưng sau đó bỏ rơi. Tàu vượt biên của Elizabeth lại gặp tàu hải tặc lần thứ hai, lại bị trấn lột và bị đập bể các thùng chứa nước uống. Tàu trôi dạt trên biển thêm bốn ngày trước khi được tàu của Malaysia kéo vào một trại tị nạn gần Pulau Bidong, nơi gia đình cô đã được nhận tị nạn trước khi đến Mỹ.Bộ trưởng Quốc phòng Donald H. Rumsfeld (trái) nghị họp với Phó Thủ tướng Tony Tan của Singapore (thứ hai từ trái,) tại Ngũ Giác Đài vào ngày 21 tháng 4, 2004, về các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu với trọng tâm là chống chủ nghĩa khủng bố, có sự tham dự của cô Elizabeth Phú(X) - nguồnwikimedia.org
to the world.Được nhận vào Mỹ, gia đình Elizabeth định cư tại Bắc California và mẹ cô trở thành một y tá, nuôi dạy hai con gái và cha cô làm việc cho một hãng tài chính cho đến nay. Năm 1997, Elizabeth tốt nghiệp ưu hạng bằng Cử Nhân Chính trị học tại Đại Học Berkeley chuyên ngành Đối Ngoại, sau đó theo học Cao Học tại ĐH UC San Diego về Quốc Tế Vụ chuyên sâu về Châu Á-Thái Bình Dương. Cô sinh viên gốc Việt đã tỏ rõ sự đam mê về Việt Nam và Châu Á của mình rất sớm, khi trả lời trên tờ báo trường Berkeley vào năm 1995 rằng, “Bấy lâu nay tôi chỉ biết về Việt Nam qua chiến tranh, nhưng thật là tuyệt vời khi có thể được học sâu hơn về văn hóa và lịch sử của mình qua môn học này. Cũng ngạc nhiên là Berkeley mà chưa giảng dạy môn sử Việt cho đến năm nay”. Đó lần đầu tiên ĐH Berkeley đưa giáo trình Lịch Sử Đông Dương Hiện Đại, dạy về lịch sử Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á vào năm 1995, sau khi TT Bill Clinton bỏ lịnh cấm vận Việt Nam lúc bấy giờ. Rồi trả lời trên tờ báo của ĐH San Diego sau khi đã vào làm tại Bạch Ốc, Elizabeth cho biết lý do cô chọn đại học này để học cao học vì đây là một trong những trường ít ỏi có ngành học về Đông Nam Á rất mạnh, đòi hỏi sinh viên biết một, hai ngoại ngữ liên quan đến ngành học để có thể làm việc hiệu quả hơn với các quốc gia này, nếu không nói là cần thiết cho những chuyên việc đặc trách khu vực.Dù vậy, sau khi ra trường, Elizabeth lại khởi đầu công việc với Bộ Quốc Phòng vào năm 2002 như một trợ lý về các chính sách liên quan đến các vấn đề giữa khối NATO với Ukraine và Nga, đòi hỏi những sự phối hợp và thương thuyết bao quát giữa các cơ quan và các chính phủ thay vì khu vực Đông Nam Á. Khoảng một năm sau, tháng 4 năm 2003, cô sinh viên trẻ chỉ có dăm năm kinh nghiệm đã được bổ nhiệm vào chức vụ Giám Đốc Đông Nam Á Sự Vụ của Bộ Quốc Phòng, dưới quyền của Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld thuộc nội các Tổng thống George W. Bush lúc bấy giờ, đúng vào chuyên môn khu vực những quốc gia Đông Nam Á mà cô đã học và nghiên cứu. Trong ba năm rưỡi làm việc trên cương vị này tại Bộ Quốc Phòng, Elizabeth tham gia việc hoạch định các chính sách và thương thuyết về các vấn đề liên quan đến chiến lược quân sự với các nước đồng minh của Hoa Kỳ tại Châu Á - Thái Bình Dương như Singapore, Philippines, Úc châu... Cô cũng tham gia nhóm đặc nhiệm của Bộ Quốc Phòng trong các chương trình cứu trợ và khắc phục hậu quả của cơn sóng thần tsunami đánh vào Đông Nam Á hồi năm 2004.Chuyển sang làm việc một năm trời trong ban chính sách và chiến lược về hạn chế vũ khí của Bộ Quốc Phòng, đến năm 2007, Elizabeth được bổ nhiệm vào ban cố vấn an ninh quốc gia trong cương vị Giám Đốc Đông Nam Á Sự Vụ và rời Bộ Quốc Phòng, về làm việc tại Bạch Ốc. Ở cương vị này, Elizabeth phác thảo những chính sách về quan hệ đối ngoại với các quốc gia Đông Nam Á cùng khối ASEAN. Cô điều hợp việc đưa ra các chính sách và phản ứng của Hoa Kỳ về các mặt ngoại giao, quân sự, kinh tế... trước các phong trào cách mạng tại Miến Điện hồi 2007 hay cơn bão Nargis làm thiệt mạng hàng trăm ngàn người Miến Điện hồi năm 2008. Phối hợp với Bộ Ngân Khố, Elizabeth giám sát toàn bộ các biện pháp chế tài và lịnh cấm vận kinh tế với chế độ quân phiệt Miến Điện vì đã đàn áp các phong trào dân chủ Miến Điện. Trong vai trò cố vấn và tham gia những quyết định quan trọng đến Miến Điện, có thể nói rằng Elizabeth là một trong những cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã ít nhiều góp phần giúp Miến Điện đạt đến con đường dân chủ như vừa qua.Năm 2009, sau khi TT Obama nhậm chức, Elizabeth được tu nghiệp tại Học Viện Dwight D. Eisenhower về tiềm lực và chiến lược an ninh quốc gia gần một năm trời. Đây là học viện quân sự mà tiền thân là Đại Học Kỹ Nghệ về Vũ Trang ICAF thuộc Đại Học Quốc Phòng Hoa Kỳ, nơi huấn luyện những sĩ quan cao cấp trong quân đội hay các viên chức chính phủ cao cấp được chọn lọc, những người có triển vọng trở thành những cấp chỉ huy quân đội hay những lãnh đạo chính phủ cấp cao trong tương lai. Không ít những người được huấn luyện tại đây đã trở thành những vị tướng, đô đốc, đại sứ hay nhân viên cấp cao của Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao. Hàng năm có khoảng hơn 300 người được chọn vào khóa huấn luyện tại học viện này và được cấp bằng Cao Học về Chiến Lược Tiềm Lực Quốc Gia (National Resource Strategy) sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện. Thông thường đây là nhóm những sĩ quan hay viên chức chính phủ xuất sắc và có thâm niên trên 20 năm, trong khi Elizabeth chỉ là một thiếu nữ trẻ và bắt đầu làm việc với Bộ Quốc Phòng từ 2002, tức chỉ bảy năm kinh nghiệm nhưng đã được chọn huấn luyện cho nguồn nhân sự lãnh đạo tương lai, chứng tỏ tài năng của cô trong các trọng trách đã nắm giữ và hứa hẹn một con đường thăng tiến trong tương lai.Tốt nghiệp khóa huấn luyện, năm 2010 Elizabeth quay về làm việc tại văn phòng Bộ Trưởng Quốc Phòng trong chức vụ Giám Đốc về Những mối đe dọa toàn cầu (Global Threats) , quản trị một nhóm sĩ quan và nhân viên dân sự chuyên trách về các chính sách và biện pháp chế tài với các thể chế độc tài, chống lại việc rửa tiền các tổ chức khủng bố, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và cướp biển. Cô cũng hoạch định các thoả thuận về hợp tác và phân bổ ngân sách giữa Bộ Quốc Phòng cùng Bộ Tư Pháp, Bộ Nội An, FBI, DEA... trong việc chống lại các tổ chức tội phạm kể trên. Và từ giữa năm 2013, Elizabeth lại được bổ nhiệm vào Hội Đồng An Ninh Quốc Gia với chức vụ Giám Đốc Đông Nam Á và Châu Đại Dương Sự Vụ tại Bạch Ốc cho đến nay. Đây là ban tham mưu cao cấp tại Bạch Ốc làm nhiệm vụ cố vấn cho tổng thống trong các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Chuyên trách về khu vực Đông Nam Á, Elizabeth đánh giá về các tác động kinh tế, chính trị và diễn biến an ninh của những quốc gia này đến chính sách Hoa Kỳ. Cô cũng tham gia việc chuẩn bị và dàn xếp các thoả thuận về chính trị, quốc phòng và kinh tế cho các cuộc họp giữa TT Obama với hàng chục nguyên thủ quốc gia trong khu vực, bao gồm cả những cuộc gặp gỡ giữa T.T Obama và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam từng đến Mỹ. Không chỉ vậy, Elizabeth còn tham gia soạn thảo các đường lối cố vấn tổng thống cho vấn đề ngân sách khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, như đã từng đứng đầu việc soạn thảo chương trình Hoa Kỳ viện trợ đô la thiết bị và huấn luyện cho các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia với ngân sách khoảng 150 triệu.Từ khi chính sách Hoa Kỳ chuyển trục về Châu Á, cùng với những bất ổn biển Đông do Trung Cộng gây nên trong thời gian qua, chắc chắn cương vị đứng đầu sự vụ về khu vực này không phải là một công việc dễ dàng để có thể cố vấn cho tổng thống những chính sách đối ngoại thích hợp của Hoa Kỳ đến các quốc gia trong khu vực, mà đòi hỏi một bản lãnh và tài năng của người đương nhiệm, tức Elizabeth Phú - người được những giới lãnh đạo cao cấp của Hoa Kỳ tín nhiệm giao cho trọng trách này. Ứng xử và những nước cờ của Hoa Kỳ tại Biển Đông hay Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng ắt không thể thiếu sự dự phần của Elizabeth Phú trong thời gian sắp đến. Chúng ta chúc cô sẽ tròn trọng trách ở mức cao nhất với không chỉ Hoa Kỳ, mà với cả đất nước Việt Nam nơi cô đã sinh ra.
Hiền Nguyễn sưu tầm
Libellés :
Elizabeth Phú - Nữ cố vấn tổng thống
Mar 18, 2016
Nhà thờ có hình dạng độc đáo nhất nhì thế giới
Thứ Bảy, 13/02
(VTC News) - Một nhà thờ có hình dáng mô phỏng giày thủy tinh ở Đài Loan hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến cho các cặp đôi yêu thích màu sắc cổ tích dịp Tết Nguyên Đán.
Talia Pan, người lên ý tưởng cho công trình kiến trúc có một không hai này cho biết cô muốn biến một phần của lịch sử thành một điều gì đó tích cực và tươi sáng hơn.
Công trình kiến trúc độc đáo ở Đài Loan |
“Vì vậy với thiết kế này, tôi mong muốn nhiều người phụ nữ sẽ có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc, giống như những gì may mắn đến với cô bé Lọ Lem”, Talia chia sẻ.
Nhà thờ này được xây dựng với kinh phí đầu tư lên tới 15 tỷ đồng |
Mặc dù chưa chính thức mở đón khách nhưng nhà thờ đã thu hút hàng ngàn lượt khách tới tham quan và chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo này.
Đây hứa hẹn sẽ trở thành điểm hút khách hàng đầu Đài Loan |
Nhà thờ có hình dạng độc đáo nhất nhì thế giới
Oanh Nam chuyển
Hệ thống tàu điện ngầm Seoul
Hệ thống tàu điện ngầm tại Seoul hiện đại văn minh đến nỗi chính người Mỹ cũng phải thừa nhận rằng tàu điện ngầm của họ kém xa Hàn Quốc.
Gần đây, một số chuyến tàu của tuyến tàu điện ngầm số 7 ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã được cải tạo thành những hình ảnh đẹp mắt và đầy tính nghệ thuật, thu hút rất nhiều sự chú ý của người dân nước này.
Những chuyến tàu điện ngầm đầy tính nghệ thuật ở Seoul.
Mỗi toa trên những chuyến tàu đặc biệt này sẽ được trang trí bằng những hình ảnh bắt mắt theo chủ đề các thành phố lớn trên thế giới như: Sydney, Macau, Osaka... khiến cho các hành khách đặt chân lên đó sẽ có cảm giác giống như đang được đi du lịch vòng quanh thế giới.
Được biết, mỗi ngày đoàn tàu này sẽ đi từ 5-6 chuyến và hình ảnh trang trí trên tàu sẽ được thay đổi sau mỗi 3 tháng để không gây ra cảm giác nhàm chán cho hành khách.
Những chuyến tàu điện ngầm tuyệt đẹp này khiến cho các hành khách vô cùng thích thú và đang nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng.
Những hình ảnh 3D sống động khiến cho các hành khách vô cùng thích thú.
Các hành khách sẽ có cơ hội đi "du lịch vòng quanh thế giới" trên những chuyến tàu này.
Đẹp như thế này thì ai mà chẳng muốn đi tàu điện ngầm cơ chứ!
Hệ thống tàu điện ngầm trên thế giới đã rất phát triển và hiện đại. Nếu như ở Moscow, người ta tự hào rằng hệ thống tàu điện ngầm của mình có thể vận chuyển lượng hành khách khổng lồ, lên đến 2.5 lượt tỷ người/ năm, hoặc như ở Pháp, người ta vỗ ngực rằng tàu điện ngầm của mình là thuận tiện nhất thì ở Mỹ tốc độ tàu điện ngầm là cao nhất, lên đến 72km/h.
Tuy nhiên khi đến với Hàn Quốc, tàu điện ngầm tại Mỹ hiện đại là thế cũng phải cúi đầu chào thua. Hệ thống tàu điện ngầm tại thủ đô Seoul thực sự văn minh và long lanh bóng loáng, giống y như người dân nước này vậy, luôn thời thượng và sạch sẽ nhất có thể.
Người Seoul không phải lo mua vé phiền phức, hành khách đi tàu điện sẽ tải ứng dụng vé về máy, sau đó chỉ cần quét qua máy đọc là có thể lên tàu.
Trong trường hợp bạn không có điện thoại thông minh và muốn mua vé, nhưng lại chẳng có tiền lẻ, chỉ cần đút tiền giấy vào chiếc máy này là sẽ được đổi tiền xu, tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Khắp nơi trong khu tàu điện ngầm là các sơ đồ chỉ dẫn tuyến tàu điện ngầm cho các hành khách.
Tại đây người ta xây dựng tường kính để ngăn cách nơi hành khách đứng đợi và tàu điện ngầm để không xảy ra các trường hợp tai nạn đáng tiếc.
Những màn hình này có nhiệm vụ "tường thuật trực tiếp" hành trình tàu điện ngầm. Hành khách sẽ biết tàu đến lúc nào, đi lúc nào một cách chính xác nhất.
Rất nhiều biển quảng cáo cũng như máy bán hàng tự động trong khuôn viên ga tàu điện ngầm Seoul.
Tàu đã tới nơi, và bạn có để ý thấy có gì kì lạ không?
Không hề có lái tàu, tàu điện tại Seoul chạy tự động hoàn toàn, vì vậy nếu không có sự cố gì, tàu sẽ luôn luôn đúng giờ không sai một giây.
Trên tàu cũng có biển chỉ dẫn về điểm đến, vận tốc tàu chạy, thời gian tới bến tiếp theo để hành khách tiện theo dõi.
Luôn có màn hình chiếu các chương trình giải trí cho hành khách.
Wifi ở khắp mọi nơi! Đúng là một chốn thần tiên!
Giống như Nhật Bản, tàu điện Hàn Quốc cũng có khu vực ghế dành riêng cho các hành khách ưu tiên như bà bầu, người già, người khuyết tật.
Thậm chí còn có màn hình quảng cáo sử dụng công nghệ 3D không gian Hologram.
Màn hình quảng cáo cỡ lớn bật 24/7. Ngành quảng cáo ở Hàn Quốc vô cùng phát triển và là thị trường béo bở nhưng cũng mang tính cạnh tranh khốc liệt.
Băng cuốn dành cho người già, người ốm yếu, bà bầu và cả những ông lười.
Thang máy ở đây chỉ hoạt động khi có khách bước lên để tiết kiệm tối đa điện năng.
Nhà vệ sinh lúc nào cũng sạch sẽ trắng bóng. Không một mảnh giấy rác hay vết mực viết bậy bạ trên tường, trên cửa buồng vệ sinh.
Có một điều kỳ lạ ở đây là một số nhà vệ sinh không có giấy. Máy bán hàng tự động ở đây có cả kẹo thơm, khăn giấy, nước súc miệng và giấy lau. Còn vì sao mà bán nhiều thế thì... lớn rồi, tự biết!
Những đường kẻ vàng trong ga tàu điện ngầm là để dành cho người khiếm thị có thể tìm được lối ra khỏi ga.
Oanh Nam sưu tầm
Libellés :
Hệ thống tàu điện ngầm Seoul
Mar 15, 2016
PHÓNG SỰ BẰNG HÌNH LỄ GIỖ HAI BÀ TRƯNG TẠI SYDNEY
PHÓNG SỰ BẰNG HÌNH LỄ GIỖ HAI BÀ TRƯNG TẠI SYDNEY DO HỘI CỰU NỮ SINH TRƯNG VƯƠNG SYDNEY ÚC CHÂU TỔ CHỨC
Thân mời các bạn xem phóng sự hình ảnh Lễ giỗ Hai Bà Trưng tại Sydney Úc Châu do TV Ngô Sinh thực hiện.
Cô Huyến và Sinh Ngô
Video Lễ Giỗ Hai Bà Trưng tại Sydney
Subscribe to:
Posts (Atom)