Mar 22, 2016

Làm Bà Khó Lắm - Bích Quy.


   LÀM  BÀ  KHÓ  LẮM


        Bích Quy

Cháu nội Anh Thư


   Được lên chức Bà Nội hay Bà Ngoại ai mà chẳng thích. Tự nhiên
thấy mình "Oai" hẳn ra và  "Già" hẳn đi  !!!  Già thì mới được
"lên chức" bà và  cứ được "lên chức" là đã thấy "oai"  rồi.

   Lúc em bé mới sinh, mẹ nó còn "ở cữ" Bà tha hồ "tung hoành"
: Nào là  thay tã, giặt tã, tắm bé, cho bú bình hoặc đưa bé cho
mẹ nó cho bú. Rồi là hơ háp cho cả hai mẹ con v...v...Thích nhất
là cái khoản bế bồng , bà cứ hít hà cái mùi sữa thơm thơm từ
em bé .Bà mới có cháu thì chỉ cần "oa oa" là đã vội vàng bế
lên ngay mà dỗ dành nựng nịu. .Dù bận và mệt nhưng bà vẫn thấy
vui mà quên mệt mỗi khi được nựng nịu cháu trong tay.

    Thế rồi sau đầy tháng cháu, mẹ nó cũng dần khỏe lên . Mọi
sự cũng dần thay đổi . Mẹ sẽ tắm cho con ,  tự cho con bú ...Bố
nó đã có thể thay tã cho con nhuần nhuyễn , ru con ngủ và thế là
bà sẽ  "ra rià"  chỉ  "chạy" vòng ngoài thôi : Đi chợ , lau nhà,
giặt giũ  khăn, áo cho bé  rồi phơi phóng v....v....Bà cũng thấy
thảnh thơi hơn. Cháu có khóc thì mẹ nó chỉ vỗ vỗ không bế . Bà
thấy  sốt ruột và khó chịu nhưng mẹ nó chẳng cho đụng vào nên
bà cũng thôi mà trong lòng thấy ấm ức. Mẹ nó bảo : "Hơi chút bà
đã bế là nó sẽ quen, sau này bà không bế nổi mãi đâu"  . Của
đáng tội, thằng bé khóc mà chẳng thấy ai dỗ cũng tự  nín , cho
ngón tay cái vào miệng mút ngon lành . Bà thấy thương quá đi thôi.

Bác sĩ dặn trong vòng sáu tháng đầu chỉ cho bé bú sữa mẹ,
ngoài ra không thêm bất cứ thứ gì dù là nước lọc.  Thế là bố
mẹ nó nghe theo răm rắp. Bà cũng dò hỏi các bà nội ngoại khác
thì thấy ai cũng nói thế nên cũng yên tâm là bây giờ người ta có
nghiên cứu nên như vậy tốt hơn chăng?

     Nhìn  cháu thay đổi lớn lên từng ngày bà cũng thấy vui .
Thời của bà chỉ biết bồng bố nó cho bú là xong. Bây giờ thì mẹ
nó có cả máy hút sữa ra bình rồi để vào tủ lạnh. Lúc nào
cũng có sữa cho con bú đúng giờ dù có bận việc hoặc đi vắng
thì người nhà chỉ việc lấy ra hâm nóng là bé bú được ngay mà
làm thế lại chẳng phí đi giọt sữa nào. Chẳng bù cho ngày xưa,
cứ cho con bú bên phải thì bên trái sữa tự động chảy ra.  Tiếc
của thì hứng vào cái chén và uống lại chứ đâu dám cho con bú .

 Một hôm đến thăm cháu của bà bạn mới được hai tháng . Thấy bà
ấy lật sấp thằng bé mà nó đã tự ngóc đầu dậy được. Rồi bà
ấy vuốt lưng mát- sa cho nó, rồi nắn tay chân nữa. Bà ấy bảo
:"Ngày nào tôi cũng làm thế cho nó mau lớn, thẳng tay chân. Chị
xem mới hai tháng mà nó cứng cáp ngóc đầu lên được này.
Bà gật gù :"Hay quá để tôi về thử tập cho cháu nhà mình xem"
Bà nghĩ bụng :"Cháu của mình lớn hơn nó  nửa tháng  chắc là
áp  dụng  được"
Một hôm bà thử lật sấp thằng bé , rồi vuốt lưng cho nó. Mẹ  nó
thấy thế thì tỏ vẻ không bằng lòng.  Nó  nói :"Cháu còn nhỏ mà
bà làm thế là  rất không tốt cho xương nó" .  Chẳng biết nó nói
với chồng điều gì nhưng con bà nói : "Mẹ đừng bắt chước mấy bà
khác làm cho cháu như thế, không tốt đâu"
Bà chẳng hiểu không tốt chỗ nào nhưng đâm ra e ngại chẳng muốn
đụng vào con nó nữa mặc dù trong lòng cũng thấy sót thằng bé.
Khi xưa bà cũng nắn vuốt  con nên nó mới thẳng thớm, cao lớn thế
chứ
.
   Dạo này bà thấy bố mẹ nó "nghiên cứu" sách nuôi con ăn dặm
theo kiểu Nhật, kiểu Hàn, kiểu Mỹ  rồi mua cái bàn ăn nhỏ xíu,
có cái khay trước ngực ;  cái yếm quàng cổ bằng cao su có túi
để đồ ăn có rơi rớt vào đó thì không bẩn áo và  cả những thứ
đồ chơi mà em bé có thể nhá khi ngứa lợi muốn  mọc răng . Ôi
dào, thời nay con nít cần lắm thứ thế.

 Cứ đến giờ ăn là bố hoặc mẹ nó nhấc thằng bé vào ghế, quàng
khăn và cứ thế là há mồm ăn ngon lành , chẳng phải dỗ dành gì
hết.
 Thỉnh thoảng mẹ  nó đổ đồ ăn ra khay, con muốn ăn gì cứ bốc cho
vào mồm  , chẳng  cần chén bát gì hết.  Thế mà thằng bé lại
thích thú vừa ăn vừa nghịch vung vãi hết ra nhà .  Thấy ngứa mắt
nhưng bà cũng chẳng dám "ý kiến ý cò" gì. Bố nó cắt nghĩa để
nó ăn như vậy nó sẽ thấy vui mà không phải "ép"  gì cả.

      Bà nhớ lại hồi đó cứ cặp nách con, tay cầm chén cháo đi
quanh một vòng cư xá là  thằng anh ăn rất nhanh , còn đứa em là
bố của thằng cháu bà bây giờ, mỗi lần cho cu cậu ăn là phải dỗ,
phải dọa thậm chí chồng bà còn phải làm trò thì nó mới chịu
ăn cho. Cứ thấy nó ngậm thức ăn phồng cả hai má mà không chịu
nuốt là bà đã muốn nổi điên, chỉ muốn bóp hai má nó thôi. Nói
vậy nhưng bà đâu có nỡ mà cứ ra sức dỗ dành cho nó ăn. Hết được
chén cháo là toát mồ hôi .

    Đút bột cho cháu mà cứ thổi phù phù cho nguội thì bố mẹ
nó cũng cho là làm thế mất vệ sinh.  Phải khuấy nhẹ nhàng rồi
hớt mặt trên là  bột nguội vừa ăn.

    Hồi trước con biết ngồi là bà đã canh giờ "xi" tè hoặc cho
đi tiêu trong bô. Bây giờ bố mẹ nó cứ đóng "bỉm".  thằng bé cứ
thoải mái tiêu tiểu trong đó. Thỉnh thoảng mẹ nó sờ tay vào rồi
thay bỉm khác. Không sợ trây ra giường . Thật là tiện nhưng bà vẫn
cảm thấy đóng bỉm thì nóng nực và bí bách thế nào ấy nhưng có
nói thì bố mẹ nó lại cho là người ta đã nghiên cứu rồi nên mới
chế ra sản phẩm tiện ích như thế. Chúng bảo bà đừng nói chuyện
của "hồi xưa" nữa , bây giờ ai cũng thế ?  Ừ , thì không nói ,
nhưng có phải cái gì hồi xưa cũng  bỏ đi cả đâu ....

    Rồi bà  thấy chúng cũng có lý của chúng . Thời buổi bây
giờ cứ lên "Mạng" hỏi "Thầy Google" là bao nhiêu  thắc mắc cũng
được "giải tỏa" .  Bà cũng chỉ nên "nhắm một mắt và mở một mắt
thôi" . Thật ra bà còn muốn thêm vào "Cái mắt mở cũng chỉ nên he
hé thôi"  Không thể làm "Mama tổng quản" cho  chúng mãi được.  Đôi
khi cái "sốt sắng"  của mình chúng cũng chẳng thích đâu.  Không
phải việc gì mình cũng "tham gia" vào được.

     Rồi đây cháu sẽ lớn lên , sẽ đi học sẽ ngày càng rời xa bà
như con chim non rời tổ, như con thuyền rời bến  để đi tới những
chân trời mới lạ .       Bà lại sẽ trở về với cái "thế giới
riêng" của mình nhưng bà vẫn mong ước dù đi đău, cháu cũng không
quên ngôi nhà mình đã từng chập chững những bước đầu tiên , đã
từng bi bô gọi "Bà ơi" ...Còn bà thì chẳng bao giờ quên được cháu
dù có thể lúc ấy bà đã quên đi nhiều thứ vì cháu đã  in hẳn
trong tim bà rồi.

1 comment:

  1. Được lên chức Bà nhưng đâu phải Bà muốn cưng muốn yèu cháu kiểu ngày xưa như Bà đã từng nuôi " bố chúng nó " mà được.
    Quan niệm xưa nay đã khác, lại không thể so bì với những văn minh tiện bộ trong mọi lãnh vực nhất là cách thức nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em . Chính vì thế Bà cảm thấy hụt hẫng , bâng khuâng với những kinh nghiệm của mìn

    ReplyDelete