May 30, 2015

CHÚC MỪNG MINH QUANG CÓ CHÁU ĐÍCH TÔN.


DSTV thân mến gửi lời chúc mừng Minh Quang vừa có cháu đích tôn  Henry Liêm Trần.
 Thương chúc bé Henry Liêm  mau ăn chóng lớn nhé !


 Bé Henry Liêm Trần xin chào cácVịt bà ạ !




Chị Ái Liên bế em Liêm dễ thương quá !

Bé Liêm mới hơn 1 tháng mà cứng cáp biết lật rồi đó ạ .
Chúc cháu mau ăn chóng lớn nhé !

May 17, 2015

TRANG THƠ NHẠC CUỐI TUẦN - CA SĨ MỘC LAN

 CA SĨ MỘC LAN.

Vào khoảng thập niên 60 trên những chương trình phát thanh và truyền hình Saigon khán thính giả thường được thưởng thức những chương trình tân nhạc thật đặc sắc . Một trong những ban nhạc nổi tiếng thời đó là ban nhạc Tiếng Tơ Đồng do nhạc sĩ Hoàng Trọng làm trưởng ban với sự góp mặt của 3 giọng hát Châu Hà, Kim Tước và Mộc Lan.

Ngày 11 tháng 5 năm 2015, nữ danh ca Mộc Lan đã qua đời tại Thủ Dầu Một.
Để tưởng nhớ về một người ca sĩ tài danh  trong nền tân nhạc Việt Nam, DSTV xin được trích lại một phần bài viết của tác giả Hà Đình Nguyên viết về ca sĩ Mộc Lan và  xin mời các bạn và độc giả thưởng thức lại tiếng hát của nữ danh ca Mộc Lan.




Những người am hiểu và gắn bó với nền tân nhạc Việt Nam, hẳn vẫn còn nhớ về một thế hệ nữ ca sĩ cách đây hơn 60 năm. Đó là những giọng ca: Mộc Lan, Tâm Vấn, Châu Hà, Kim Tước... Thời may, tôi được gặp một người trong số họ: danh ca Mộc Lan.
Tiếng tăm của nữ danh ca một thời Mộc Lan thì tôi đã từng nghe biết từ lâu qua những lời truyền tụng và sách báo. Thời hoàng kim của bà đã cách đây hơn nửa thế kỷ nên một kẻ hậu bối như tôi dù rất ao ước cũng khó lòng gặp được, bởi bà đã “mai danh ẩn tích” từ rất lâu... Qua sự giới thiệu của một nhà thơ, được biết nhà văn Trần Áng Sơn (vốn là chỗ quen biết với tôi) chính là em ruột của bà, tôi nhờ anh Sơn dẫn đến thăm bà. Một ngày cận Tết, anh Trần Áng Sơn đưa tôi đi, nhưng dặn nhỏ: “Hạn chế hỏi chuyện đời tư nhé!”. Tôi vâng dạ mà... buồn thiu bởi thú thực tôi đang rất muốn hỏi bà một số chuyện tình cảm liên quan đến các nhạc sĩ Châu Kỳ, Đoàn Chuẩn..., đành gặp trước rồi tính sau.

Dù đã được anh Trần Áng Sơn báo trước nhưng tôi cũng không thể ngờ người đàn bà tài sắc một thời này, nay lại có hoàn cảnh khó khăn như thế. Bà hiện sống - có thể nói là cô độc trong một căn nhà chỉ chừng mười mấy mét vuông ở cuối con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM). Càng cô độc hơn khi một mình bà phải nuôi nấng, chăm lo cho người con gái trên 50 tuổi bị bệnh tâm thần. Mảnh lưng ong ngà ngọc một thời nay đã còng xuống, trí nhớ có phần mai một nhưng vẻ xuân sắc ngày ấy vẫn chưa phai nét trên khuôn mặt mà mái tóc đã gội tuyết sương... Bà khoe: “Tôi mới vừa nói chuyện qua điện thoại với nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân ở bên Mỹ gọi về (nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân là tác giả các ca khúc Buồn thu, Đường tơ lưu luyến, Người đưa thư đã đi qua...). Bây giờ buồn lắm, bạn bè chỉ còn dăm người, ai nhớ đến mình, gọi điện hỏi thăm hay gửi cho chút quà là mừng lắm, cảm động lắm... Châu Hà, Kim Tước đang ở nước ngoài, chỉ có Tâm Vấn thỉnh thoảng có ghé thăm. Tất cả đều già yếu rồi nên chẳng ai trách ai...”.

* Cô đi hát từ bao giờ và bài hát đầu tiên cô biểu diễn trước công chúng là bài nào?

- Tôi tên thật là Phạm Thị Ngà, sinh năm 1931, tuổi Mùi. Đi hát từ thời 14 - 15 tuổi ở Đài Pháp Á. Nghệ danh Mộc Lan do nhạc sĩ Lê Thương đặt cho tôi. Bài hát đầu tiên thì không nhớ nổi nhưng tôi nổi tiếng với bài hát Em đi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc Trần Văn Khê). Ông Khê viết bài này rất kỳ công, có xen kẽ những đoạn vừa nói vừa diễn tả rồi lại hát, cho nên bài hát rất dài và rất kén người hát. Tôi may mắn được coi là người đầu tiên thể hiện thành công bài hát này... Nghe nói ông Khê về nước mấy năm nay rồi, lẽ ra tôi phải đến thăm ông vì cái ơn hồi đó ông uốn nắn cho giọng hát của tôi từng chút một, nhưng giờ cả hai đều già yếu. Tôi nhớ dạo ông ấy còn ở bên Tây, tôi đã từng về quê của ông ấy ở xã Vĩnh Kim (Cái Bè, Mỹ Tho) hát. Mới đó mà đã hơn 50 năm rồi...

* Ngoài Em đi chùa Hương, cô còn hát thành công những ca khúc nào nữa?

- Nhiều lắm. Tiếng thời gian, Hình ảnh một buổi chiều (Lâm Tuyền), Gởi gió cho mây ngàn bay, Chuyển bến (Đoàn Chuẩn), Thoi tơ (Đức Quỳnh), Nhớ nhung (Thẩm Oánh), Phố buồn (Phạm Duy)... Sau này, tôi hát trong ban Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng. Lúc đó, Hoàng Trọng được mệnh danh là “Vua Tango” nên những bài tango của Hoàng Trọng đều do tôi hát đầu tiên...

* Hiện cô còn giữ băng đĩa nào ghi âm những bài hát này không?

- Hồi xưa, tôi ghi âm nhiều lắm. Thu vào đĩa 45 vòng, vào băng Magne, Akai... nhưng rồi mấy lần dọn nhà đâm ra thất lạc, cái nào giữ được thì ẩm mốc, hư hỏng hết... Có mấy người bạn ở nước ngoài gửi cho vài đĩa nhạc nhưng nhà chẳng có máy mà nghe nên cũng chỉ để đó.

*Nhiều người cho rằng bài hát Gởi người em gái là của Đoàn Chuẩn viết riêng cho Mộc Lan. Điều này đúng không?

- (cười...). (Anh Trần Áng Sơn gật đầu xác nhận: “Đã có rất nhiều tài liệu cho rằng nhân vật nữ trong Gởi người em gái của Đoàn Chuẩn chính là chị Mộc Lan”)... Thực ra thế này, dạo đó tôi ở trong Nam, còn ông Đoàn Chuẩn ở ngoài Bắc, ông ấy sáng tác và gửi bài hát vào Nam cho các ca sĩ, không cứ gì gửi cho riêng tôi. Tôi vào Nam từ rất sớm do ông anh tên là Long dắt vào. Mấy năm sau, khi tôi chung sống với ông Châu Kỳ ở Huế thì tôi đón Trần Áng Sơn vào ở chung (1952).

* Cô nhận xét thế nào về nhạc sĩ Châu Kỳ?

- Ông ấy rất hiền lành, đã hứa làm cái gì thì làm tới nơi. Riêng với phong trào âm nhạc thì ông ấy rất nhiệt tình. Sống có tình cảm nên bạn bè rất quý. Có điều nhậu vô là nói lèm bèm. Tính tôi nghe nhiều không chịu được, bực lắm! Mình đi hát thì phải tiếp xúc với nhiều người mà ông ấy lại quá ghen...

* Nhạc sĩ Châu Kỳ mất, cô có biết tin không?

- (ứa nước mắt)... Trước đó ít lâu, tôi có việc đi ngang Hội quán Nghệ sĩ trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3), thấy Châu Kỳ ngồi phía bên ngoài. Thấy tôi, Châu Kỳ ngoắc lia lịa: “Bà vào đây chút đã!”. Tôi xua tay: “Tôi mắc công chuyện phải đi gấp!”... Ít lâu sau nghe tin ông ấy mất. Tâm Vấn và Thanh Nhạn gọi điện thoại bảo tôi nên đến viếng ông ấy một chút nhưng tôi bệnh quá không đi được. Để chừng nào tôi khỏe khỏe một chút, tôi với Tâm Vấn sẽ đến thắp cho ông ấy một nén hương...

...Chia tay người của một thời mà lòng tôi nặng trĩu. Nhan sắc ấy, giọng ca ấy từng khuấy đảo sân khấu ca nhạc cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Kẻ đưa người đón dập dìu mà nay vò võ còng lưng trong căn nhà chật hẹp. Có tâm sự cũng chẳng biết sẻ chia với ai bởi bên cạnh bà giờ chỉ còn người con gái ngờ nghệch, khật khùng... Anh Trần Áng Sơn bảo thậm chí đến cơm nước bà cũng không thể tự nấu, phải đặt cơm tháng, người ta mang đến nhà cho mẹ con bà... Buồn ghê!

Hương sắc 60 năm trước 
Khi biết tôi có ý định viết về nữ ca sĩ một thời vang bóng Mộc Lan, nhà văn Trần Áng Sơn không nói gì nhưng trao cho tôi bộ Những trang sách khép mở (3 tập). Để bạn đọc hình dung được một Mộc Lan hương sắc của 60 năm về trước, xin trích từ những trang viết của Trần Áng Sơn:
“Khi tôi chưa đầy một tuổi thì mất cha. Mẹ tôi, người đàn bà chân quê không đủ sức nuôi dưỡng, dạy bảo 8 đứa con đang sức ăn sức lớn. Tình cảnh gia đình thật bi đát, 8 anh chị em tôi ở trong tình trạng xẻ nghé tan đàn bất cứ lúc nào... Cuối cùng người lãnh trách nhiệm hy sinh để cứu những đứa em còn quá nhỏ dại là anh hai tôi - anh Long. Anh phải từ bỏ trường học, từ bỏ võ đài - nơi anh ấy đang nổi lên như một võ sĩ quyền Anh trẻ tuổi đầy hứa hẹn. Anh dắt theo hai chị tôi: chị Ngọc, chị Ngà từ Hải Phòng vào Sài Gòn tha phương cầu thực. Cảnh chia ly ấy diễn ra khi tôi vẫn còn là một đứa trẻ lẫm chẫm tập đi. Tôi lớn dần lên trong cơ cực, trong đạn bom Thế chiến thứ hai, và khi tiếng súng toàn quốc kháng chiến nổi lên cũng là lúc gia đình tôi hoàn toàn bị đứt liên lạc với các anh chị tôi ở Sài Gòn...

Ngày các anh chị rời xa gia đình, tôi còn quá nhỏ nên không hình dung được họ ra sao, nhưng qua lời mẹ tôi kể lại thì các anh chị tôi đều rất đẹp: anh Long cao lớn, đẹp như thầy chúng tôi. Còn chị Ngà (sau này là nữ danh ca Mộc Lan - PV) đẹp như tranh vẽ, mẹ kể da của chị trắng như trứng gà bóc, răng đều tựa như hạt cườm, tay cứ như tay tiên. Tóm lại trong 5 chị gái, chị Ngà tôi đẹp nhất. Tôi giữ hình ảnh đẹp như tranh vẽ của người chị trong tâm hồn như một niềm kiêu hãnh...

Một hôm vừa đi học về, tôi ngạc nhiên thấy nhà có khách - một người phụ nữ sang trọng, rất đẹp, cái đẹp sắc như dao cau. Tôi ngỡ ngàng ngộ nhận đó là chị Ngà tôi ở Sài Gòn mới về. Nhưng không phải, người ấy là chị Thanh, chị dâu tôi - vợ anh Long. Đúng là chị về từ Sài Gòn để tìm lại gia đình sau hơn 10 năm thất lạc. Mẹ tôi rất mừng, cơn ác mộng những đứa con thất lạc trong chiến tranh không còn phủ cái bóng ảm đạm lên gia đình tôi nữa. Mẹ tôi còn cho biết chị Ngà tôi bây giờ đã trở thành ca sĩ nổi tiếng khắp Bắc - Trung - Nam. Chị ấy đang lưu diễn ở Hà Nội theo lời mời của Đài phát thanh Hà Nội cùng với nữ ca sĩ số một của Hà Nội bấy giờ là Minh Đỗ. Tin này đối với tôi thật bất ngờ. Thời thơ ấu khổ cực nhưng tôi luôn giữ hình ảnh người chị đẹp như tranh trong ký ức, chị ấy đã phải rời xa tổ ấm để chia bớt phần ăn cho những đứa em. Thế mà cô gái nghèo ấy sau hơn 10 năm xẻ nghé tan đàn đã trở thành ca sĩ danh tiếng. Tuy chưa biết khi hát chị tôi lấy nghệ danh là gì nhưng tôi tin chắc cái tên phải xứng với sắc đẹp và giọng hát của chị ấy. Vào thời điểm này (1952), tôi sắp bước sang tuổi mười lăm...

Sau chuyến lưu diễn ở Hà Nội, chị Ngà tôi và anh Long về Hải Phòng thăm mẹ và các em sau hơn 10 năm đứt liên lạc. Đúng như mẹ tôi nói, chị tôi đẹp thật, đẹp hơn cả lời miêu tả với tất cả niềm âu yếm của mẹ tôi. Các anh chị tôi nhìn thấy cảnh mẹ và các em sống quá cơ cực đã đi đến quyết định làm thay đổi cuộc đời tôi. Cuối năm 1952, các anh chị tôi về thăm mẹ lần thứ hai và chuyến bay của hãng Air France cất cánh từ sân bay Gia Lâm đến Huế có tôi bay cùng...

Những ngày đầu ở Huế, tôi sống chung với chị và anh rể - đôi vợ chồng ca nhạc sĩ Mộc Lan - Châu Kỳ trong một căn phòng nhỏ phía sau Ty Thông tin Huế dưới chân cầu Tràng Tiền. Căn phòng quá nhỏ cho một đôi uyên ương quá nổi tiếng ở đất Thần Kinh. Tôi cứ ngỡ đẹp và hát hay như chị tôi thì phải ở trong lâu đài khuê các. Vậy mà thực tế lại như thế này ư? Nó khác xa với hình ảnh rực rỡ của chị tôi khi đứng trên sân khấu cất tiếng hát họa mi làm say mê biết bao tâm hồn mơ mộng, đa tình, trong đó có cả tôi. Tiếng hát của chị tôi nâng tâm hồn tôi bay theo cánh diều căng gió trên bầu trời xanh ngắt...

Anh rể tôi - nhạc sĩ Châu Kỳ khá đẹp trai, giỏi nhạc hát hay, không cao lớn nhưng đứng trên sân khấu không đến nỗi bị khuất lấp bởi sự rực rỡ của chị tôi. Giọng hát của anh chị tôi là một sự tô điểm cho nhau, khi họ song ca, cảnh vật trở nên tưng bừng, lòng người rộn rã. Mặc dù lúc đó ở Huế có cặp song ca nổi tiếng Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết nhưng họ thuộc về một lớp khán giả riêng biệt, khác hẳn với đôi uyên ương Mộc Lan - Châu Kỳ, họ thuộc về mọi lứa tuổi, mọi thành phần nhưng trước hết là giới trẻ bởi sự trẻ trung của mình và cũng vì nghệ thuật ca hát mới mẻ mà họ cống hiến mỗi khi xuất hiện...

Ít lâu sau, anh Long có lệnh gọi nhập ngũ. Anh Châu Kỳ và chị tôi vào Sài Gòn và họ chia tay nhau. Tôi rất buồn vì cuộc chia ly này. Người chị đẹp như tranh của tôi bước chân xuống đời cũng vấp váp như bất kỳ cô gái nào, vì yếu đuối, vì ảo vọng. Thế là Huế để lạc mất con chim họa mi của mình. Liệu có còn ai nhớ đến bản nhạc Đi chơi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, Trần Văn Khê phổ nhạc) khi duy nhất thời đó chỉ một ca sĩ hát thành công, đó là chị tôi - Mộc Lan.

Mấy năm sau tôi cũng từ biệt Huế vào Sài Gòn. Tôi lại về sống chung với chị tôi đang trong tình trạng phòng không chiếc bóng. Trên bước đường công danh, chị tôi đã tiến một bước dài. Khác với Thái Thanh, Tâm Vấn, chị tôi bước lên sân khấu như một nữ hoàng. Không sân khấu đại nhạc hội nào vắng bóng chị tôi. Các ban nhạc trên đài phát thanh, các câu lạc bộ, phòng trà, nơi nào cũng muốn có ca sĩ Mộc Lan hiện diện...”.

Giai thoại cuộc tình Đoàn Chuẩn - Mộc Lan 
Bấy lâu nay, trong giới nghệ sĩ vẫn lưu truyền có một mối tình thật lãng mạn giữa chàng nhạc sĩ phong lưu Đoàn Chuẩn và nữ ca sĩ lừng danh Mộc Lan. Chuyện tình này mang đậm phong cách hào hoa của “Đoàn công tử”. Thực hư như thế nào chỉ những người trong cuộc mới rõ.
Ở đây chúng tôi xin thuật lại như là một giai thoại. Xuất phát của giai thoại này có lẽ là từ bộ sách Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến (2 tập) do nhạc sĩ Lê Hoàng Long biên soạn, trong đó có bài viết Gởi gió cho mây ngàn bay nói về cuộc gặp gỡ và lối tỏ tình ly kỳ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với ca sĩ Mộc Lan. Nhiều bài viết (trên báo chí, trên mạng internet) và cả những lời kể hầu như đều dựa theo những tình tiết mà nhạc sĩ Lê Hoàng Long đã viết. Người viết bài này cũng đã từng gặp gỡ những người trong cuộc (Lê Hoàng Long, Mộc Lan, Châu Kỳ) chỉ trừ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (do ông ở ngoài Bắc và nay đã mất). Cuối năm 2002, khi thực hiện bài phỏng vấn tác giả ca khúc Gợi giấc mơ xưa tại tư gia của ông ở đường Cách Mạng Tháng Tám (gần Bệnh viện Thống Nhất - ngã tư Bảy Hiền), nhạc sĩ Lê Hoàng Long có tặng cho người viết bộ Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến, do đó mới “thắc mắc” chuyện tình cảm giữa nữ danh ca sắc nước hương trời Mộc Lan và “Ông hoàng nhạc tình” Đoàn Chuẩn.

Như ở bài trước chúng tôi đã từng nói đến, nữ ca sĩ Mộc Lan nổi tiếng cả nước với bài hát Đi chơi chùa Hương của nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp. Bài hát này có những đoạn xen kẽ giữa hát và nói thơ cho nên rất dài và kén người hát. Dạo ấy (đầu những năm 1950), bài hát này hầu như chỉ có Mộc Lan độc diễn. Nàng là người gốc Hải Phòng nhưng vào Sài Gòn khá sớm (khoảng cuối thập niên 1940), lập gia đình với ca sĩ kiêm nhạc sĩ Châu Kỳ, rồi về quê chồng ở cố đô Huế sinh sống. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nàng vẫn được mời đi lưu diễn, kể cả ra Bắc (sau năm 1954, chia đôi đất nước mới cách ngăn sự đi lại giữa hai miền). Và trong một lần hát Đi chơi chùa Hương ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), giọng ca và sắc đẹp của nàng đã khiến một anh chàng đẹp trai, tài hoa và phong lưu bậc nhất thời đó ngây ngất. Chàng chính là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn...

Thời ấy ở miền Bắc có những sản vật nổi tiếng được truyền khẩu và trở thành “ca dao, thành ngữ”: “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét” (dưa của làng La, cà của làng Láng, nem do làng Báng gói, tương do làng Bần làm, nước mắm của hãng Vạn Vân, cá rô sống ở Đầm Sét mới là món ngon đích thực). Đoàn Chuẩn chính là con của chủ hãng nước mắm Vạn Vân giàu có nức tiếng ở Hải Phòng. “Cái nết” ăn chơi của Đoàn công tử cũng là đề tài râm ran từ Hải Phòng đến tận Hà Nội (có lẽ chỉ thua bậc tiền bối là công tử Bạc Liêu ở trong Nam mà thôi). Chàng có hai thú đam mê, đó là âm nhạc và... ô tô! Về âm nhạc, ông từng học đàn guitar với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và học guitar Hawaii với nhạc sĩ Wiliam Chấn. Sáng tác đầu tay của ông là ca khúc Ánh trăng mùa thu (1947) ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh (kể cả sau này, tất cả tác phẩm của Đoàn Chuẩn đều ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Nhiều người cho rằng đến nay Từ Linh vẫn là một ẩn số, nhưng theo tìm hiểu của người viết thì Từ Linh tên thật Hà Đình Thâu, vốn là nhiếp ảnh gia và là em ruột một người bạn thân của Đoàn Chuẩn. Người được nhạc sĩ chia sẻ từng bản nhạc khi vừa viết xong cũng như trút hết bầu tâm sự về những bóng hồng đi qua đời mình. Sau 1954, Từ Linh vào Nam và mất năm 1992. Một tình bạn “tri âm, tri kỷ” rất đáng trân trọng. Về ô tô thì vào thời điểm đó ông có đến 6 chiếc, trong đó có chiếc Ford Frégatte (cả Việt Nam chỉ có 2 chiếc của ông và... Thủ hiến Bắc kỳ). Tài tử Ngọc Bảo, người cùng thời với nhạc sĩ đồng thời là giọng hát được coi là hát nhạc Đoàn Chuẩn thành công nhất từng thú nhận: “Tôi là tay ăn chơi có hạng nhất Bắc kỳ nhưng còn thua xa người lịch lãm, hào hoa Đoàn Chuẩn”... Đoàn Chuẩn kết hôn từ rất sớm (năm 1942), vợ ông là cô bạn cùng lớp, cùng 18 tuổi - tên Xuyên, đẹp người đẹp nết, chịu đựng sự hào hoa của chồng cũng như chung thủy chăm sóc ông cho đến cuối đời một cách rất đáng khâm phục...

Trở lại với sự kiện sau khi nghe nữ danh ca Mộc Lan hát Đi chơi chùa Hương ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), “Đoàn công tử” quyết tâm chinh phục người đẹp nhưng thời gian nàng lưu lại Hà thành quá ngắn, không đủ thời gian cho công tử “xuất chiêu”. Khi Mộc Lan trở về Sài Gòn thì ít lâu sau chàng cũng đáp máy bay theo vào. Nhưng rồi qua dọ hỏi, chàng lâm vào tình trạng bẽ bàng khi biết được cành lan kia đã có chủ, nàng đã là vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ. Tuy thế với cách “chơi ngông công tử”, Đoàn Chuẩn đã đặt một khoản tiền rất lớn cho một tiệm hoa, để mỗi buổi sáng người đẹp sẽ nhận được một bó hoa hồng tươi thắm mà không hề có tên người gửi tặng. Suốt 3 tuần đều đặn như thế, Mộc Lan không khỏi xúc động cũng như rất tò mò muốn biết người tặng hoa “mai danh ẩn tích” kia là ai? Nghĩ hết cách, nàng đành phải nhờ chủ tiệm hoa chuyển tới người ấy một bức thư cảm ơn với những lời lẽ chân thành nhưng cũng có những đoạn đầy ẩn ý. Được sự đồng ý của Đoàn Chuẩn, người chủ tiệm hoa đã tiết lộ tên và địa chỉ của “gã tình si hào hoa” - chính là... “Ông vua slow” Đoàn Chuẩn vang danh khắp nước. Mộc Lan thật bất ngờ và xúc động. Đoàn Chuẩn lại tiếp tục gửi tiền vào để tiệm hoa đều đặn tặng hoa cho nàng trong suốt hai tháng nữa... Rồi một ngày, Mộc Lan nhận được một cánh thư gửi từ phương Bắc. Trong phong bì không phải là những lời tỏ tình yêu thương mà là một bài hát. Khuông nhạc được kẻ bằng tay cẩn thận, ca từ được viết nắn nót trên tờ giấy pơ-luya xanh mỏng tang: “Gởi gió cho mây ngàn bay. Gởi bướm đa tình về hoa. Gởi thêm ánh trăng, màu xanh lá thư về đây với thu trần gian...”. Và dường như Đoàn Chuẩn cũng nhận biết đây là mối tình vô vọng nên lời ca càng trở nên da diết: “Nhưng thôi tiếc mà chi, chim rồi bay, anh rồi đi. Đường trần quên lối cũ, người đời xa cách mãi. Tình trần không hàn gắn thương lòng...”.

Cũng theo nhạc sĩ Lê Hoàng Long thì nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn viết Gởi người em gái (tựa cũ Gởi người em gái miền Nam) tặng riêng cho... ca sĩ Tâm Vấn (bạn thân của Mộc Lan). Người viết đã có may mắn được gặp bà Tâm Vấn trong một cuộc triển lãm tranh ở đường Lê Thánh Tôn (Q.1, TP.HCM), bèn đánh bạo hỏi bà chuyện này. Bà cười xòa: “Không, ông ấy làm bài này là để tặng cho Mộc Lan, bạn tôi”.....

Hà Đình Nguyên.

Xin mời thưởng thức giọng hát của danh ca Mộc Lan 

(Các bạn highlight rồi right click vào link  youtube thì sẽ vào youtube được )


  Em đến thăm anh một chiều mưa - Tô Vũ
 https://youtu.be/AAn1KbaGxTo

Suối tóc - Văn Phụng
https://youtu.be/cULsPKhQMh0

Hoài Cảm - Cung Tiến
https://youtu.be/RQeHy-YupYQ

Chuyển biến - Đoàn Chuẩn Từ Linh
https://youtu.be/RQeHy-YupYQ

Còn gì nữa đâu - Phạm Duy
https://youtu.be/WsHa4DOGw7o

Phố Buồn
https://youtu.be/eYLmjZm2JpA

Bóng người  đi
https://youtu.be/sxYUuW3nyB4

Một đời hoa
https://youtu.be/Q5Csz0nKfpo

May 12, 2015

BÀI VIẾT DÂNG MẸ - Đoàn Dung

MẸ TÔI

Đoàn Dung



Thấy các bạn viết về Mẹ nhiều quá nên tôi cũng muốn viết một tí về Mẹ của mình.

Mẹ tôi năm nay đã 92 tuổi rồi, gánh trên đầu gần một thế kỷ nhưng mẹ vẫn còn sáng suốt nhớ được rất nhiều chuyện xưa và nay. Sáng sáng mẹ vẫn ra trước cửa nhà đi dạo vài vòng cho có chút nắng ấm, cho  khỏi yếu xương, tôi thường nhắc mẹ như vậy. Mẹ đúng là một bà mẹ quê mà các nhạc sĩ thi sĩ nhắc tới trong các tác phẩm của mình. Suốt đời mẹ chỉ búi tó, mặc áo cánh quần đen, đi tiệc tùng hay đám cưới mẹ mới vấn khăn nhung đen và diện áo dài cổ điển, và nhất là hàm răng đen hạt huyền mẹ nhuộm khi còn trẻ bây giờ đã ngả sang màu nâu như màu của chiếc bàn gỗ với lớp vecni loang lổ tuy mẹ chỉ mới rụng 3 cái răng thôi.

 Mẹ chẳng hề đánh mắng tụi tôi bao giờ vì thương lũ trẻ sớm mồ côi cha, mẹ thường nói như vậy. Việc gì sai trái mẹ chỉ nhẹ nhàng dạy bảo chúng tôi. Tôi nhớ có lần khi ấy tôi chỉ 8 hay 9 tuổi, mẹ bảo tôi đổ gạo vào nấu cơm vì mẹ bận 2 đứa em tôi và người giúp việc vừa xin nghỉ, tôi với mãi mới đổ được rá gạo vào nồi cá đang ướp của mẹ, vậy mà mẹ chả mắng tôi câu nào chỉ nói lần sau phải cận thận hơn... rồi mẹ gắp mấy khúc cá ra và rửa lại gạo.
Mẹ như thế đó vẫn nét chịu thương chịu khó của những bà mẹ Việt nam. Thời trẻ mẹ cũng xinh gái lắm, các dì tôi nói vậy. Khi đã có 3 đứa con mẹ còn buôn bán ở chợ Đồng Xuân lúc ấy bố đóng quân trong trại Đồng Khánh sẵn có chỗ quen biết nên xin cho mẹ buôn bán. Chúng tôi được bà nội và các cô chăm sóc. Mẹ bán rổ rá, chiếu nón, nồi đất là các mặt hàng của chị dâu và chị ruột bố tôi ở Bắc Ninh ký gởi. Mẹ chỉ biết lõm bõm các mặt chữ, nhưng mẹ bán nhanh nhẹn và tính tiền thoăn thoắt. Ông ngoại không cho mẹ đi học vì sợ biết chữ sẽ viết thư cho giai, mẹ bảo vậy.. 

Sau này chúng tôi có kèm cho mẹ đọc và viết những câu đơn giản và mẹ đã ký được tên mình bằng ba chữ H..O..A cong queo trên những giấy tờ cá nhân. Mẹ chẳng đòi hỏi chúng tôi điều gì.. mẹ ăn uống đơn giản là xong.. Thỉnh thoảng mẹ dặn "cái Hồng đi chợ nhớ mua nải chuối về cúng Phật nhá" hay " mai cái Dung nấu cho mẹ bát miến ".

Tôi làm việc gần mẹ một ngày 8 tiếng, nhưng nhiều khi cũng lu bu chả nói chuyện với mẹ được nhiều, nhưng tắm gội cho mẹ thì tôi dành phần vì chả ai hiểu ý mẹ bằng tôi.. Các em tôi có đứa ở xa chục cây số, nhưng mẹ chỉ muốn gặp nó mỗi ngày. Mẹ nhắc " thằng Nam mấy hôm nay đi đâu chả thấy mặt, đó là mới chỉ là hai ngày không thấy cậu Nam mẹ cứ lẩm bẩm như thế.
Hôm 30 tháng 4 vừa rồi tôi hỏi mẹ có nhớ ngày gì không.. mẹ xa xăm..ngày VC vào SG chứ ngày gì nữa. Đây là một trong những ngày mẹ tôi nhớ nhất trong đời. Đó là ngày mẹ tôi mất việc làm, mất lương hưu  của bố tôi.. đẩy chúng tôi ra lề đường buôn bán lặt vặt kiếm cơm qua ngày. Năm ấy tôi cũng thi tốt nghiệp và nhận nhiệm sở ở một tỉnh miền Tây với mức lương vừa đóng tiền cơm là hết nhẵn.

Mẹ thưòng bảo " Tụi mày sướng hơn mẹ nhiều" vì bà ngoại tôi mất khi mẹ mới 10 tuổi. Vâng, chúng tôi sung sướng thật vì chúng tôi còn mẹ trên đời này dù em út tôi năm nay đã 55 và chị cả của tôi mới có 72 thôi.

Ngày lễ Mẹ tháng 5 - 2015.
Đoàn Dung

May 10, 2015

CÙNG XEM TI VI - Ngắn Thôi 15- BÍCH QUY

 


 CÙNG XEM TIVI
                                                          Bich Quy

     Năm nay bà đã  gần  chín mươi  tuổi , vẫn còn thích xem tivi mặc dù tai đã nghễnh ngãng, mắt đã kém tinh.  Một hôm cô cháu gái cùng ngồi xem một chương trình ca nhạc với bà . Bà bảo:
     - Cô này đang hát gì thế cháu ?  
     - Hát tân nhạc đấy bà
     - Bà chỉ thấy ngoác mồm ra hét chứ có hát gì đâu
     - Nhạc trẻ mà bà . 
     -  Sao phải nhảy múa chung quanh nhiều thế? Bà thấy  rối cả mắt
     - Người ta múa minh họa cho bài hát thêm hay đó bà
     - Con cái nhà ai mà chổng ngược đầu rồi quay tít trên sàn không sợ gãy cổ  à      - Không sao đâu bà , tụi nó phải luyện tập dữ lắm mới làm được đó bà.
     Cô cháu gái  hào hứng nhún nhảy hát theo . 
      - Bà chẳng thấy hay gì cả . Mấy thằng con trai múa gì như mấy con cung       quăng chẳng ra làm sao cả.
      - Bây giờ nhảy điệu mới phải thế bà ơi
      - Đấy , nó lại đọc một tràng những gì thế cháu?
      - Đọc Rap bài hát đó bà
      -  Sao nó nói nhanh thế ? Bà chẳng hiểu gì cả, chữ nghĩa cứ ríu vào với nhau .
      - Thôi để cháu mở kênh sức khỏe cho bà xem nhé.

May 9, 2015

Chia buồn cùng Chung Đào

 

NHẬN ĐƯỢC TIN BUỒN :

Thân mẫu bạn Chung Đào

 
Cụ bà 




Lưu thi Ái Lan
Pháp Danh Diệu Hương


mất ngày 30/04/2015  tại VN
Hưởng thọ 97 tuổi

Các bạn đồng niên cùng ĐSTV 6370 xin thành kính chia buồn cùng Chung và tang quyến.  Nguyện xin cho hương linh Bác được an nghỉ  nơi cõi Vĩnh Hằng.
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU


Khóc Mẹ - Chung Đao


Cụ bà Lưu thi Ái Lan
Pháp Danh Diệu Hương




Mỗi lần đi xa là mỗi lần con có cảm tưởng sẽ o còn gặp lại mẹ nữa, và cứ như vậy đi xa và trở về luôn với niềm hân hoan được gặp lại mẹ, nhìn mẹ cười, nghe giọng nói rổn rảng của mẹ.  Bao giờ cũng thế làm thủ tục check-in xong ở phi trường là con điện thoại gọi về cho mẹ "bà ơi con làm thủ tục xong và sắp lên máy bay rồi mai con gặp bà" , thế là lúc nào mẹ cũng trả lời bằng câu nói quen thuộc "lâu thế cơ à, thôi cô đi bình an, mai tôi gặp cô".  

Với mẹ, một người đàn bà Việt Nam, đóng khung cuộc đời mình trong hạnh phúc và nỗi đau của chồng con, suốt đời chưa có cơ hội bước ra khỏi đất nước này, nước Mỹ trong mắt mẹ là một nơi xa thật xa và hiện đại, nơi đã mang con cháu ra khỏi vòng tay đùm bọc của mẹ và khiến nỗi mong nhớ của mẹ ngày càng dầy thêm.  

Hôm nay cũng ngay tại phi trường này, nơi con đã tới lui hàng chục lần, làm xong thủ tục con ngơ ngác ngồi đợi, đâu còn mẹ để báo tin rằng con lại sắp về mà lần này về chỉ để nhìn thấy mẹ nằm đó vĩnh viễn ngủ yên trước khi người ta vùi sâu mẹ trong lòng đất lạnh.  

Mẹ ra đi vào đúng ngày đau buồn nhất của dân tộc và của gia đình, 30 tháng tư lịch sử đã biến một người đàn bà chân yếu tay mềm suốt đời chỉ biết khép mình trong nhà lo cho chồng con, giờ phải lăn xả ra đời kiếm sống vì sự tồn tại của 4 đứa con vì chỉ một năm sau đó bố đã ra đi để lại gánh nặng oằn trên vai mẹ.

Từ nơi xa xôi con gọi về cho mẹ hầu như mỗi ngày, con vui khi nghe bà chị dâu nói "mẹ đi chùa với mấy bà bạn chiều mới về cô Chung ơi" như vậy có nghĩa là mẹ khỏe và mẹ đang vui.  Mẹ là người luôn chú trọng chăm sóc bản thân và ngoại hình của mình.  Hơi khó chịu là mẹ tự lo đi BS mà o nhờ đứa con nào dù con đã căn dặn mẹ bao lần phải cho các con biết để lo cho mẹ. Tuy lớn tuổi nhưng mẹ luôn chỉn chu trong cách ăn mặc, chưa bao giờ con thấy mẹ ra đường với quần áo xốc xếch dù có bận đến mấy.

Hôm nay con về đây tiễn đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng cạnh phần mộ của bố con, con chắc mẹ chẳng bao giờ muốn nhìn thấy anh em con ngơ ngác trong màu tang trắng dù rằng mẹ biết với số tuổi cao của mẹ ngày đó đang đến rất gần.  Với mẹ đứa con nào cũng vẫn nhỏ nhoi cần sự che chở của mẹ, thế nên 97 năm lặn lộn cuộc đời không được bao nhiêu ngày mẹ sống thanh thản, từ việc lớn như khi có một đứa bị tai nạn xe cộ, một đứa dang dở chuyện chồng  con, một đứa phải lên bàn mổ.......đến chuyện nhỏ như hai đứa con trai đi ăn nhậu chưa về đến nhà, đứa con gái đi làm về khuya biết có an toàn, thậm chí đứa cháu nội hay ngoại đang tuổi lớn có chuyện trục trặc với người yêu mẹ đều biết, rồi mẹ lại lo lắng bồn chồn như chính mẹ là nạn nhân, hình như lúc nào lũ con cháu cũng mang nhiều phiền muộn hơn là niềm vui cho mẹ và hình như chẳng bao giờ chúng con trưởng thành trong mắt mẹ.

Con vẫn nhớ ngày xưa khi còn bé nằm nhà thương vì sốt thương hàn.  Một đêm khi nhiệt độ của con lên quá cao, mẹ báo tin cho y tá yêu cầu trợ giúp, đáp lại là một sự yên lặng đến lạnh lùng, thế là mẹ gầm thét lên như một con thú dữ sắp bị ai đó cướp mất đứa con thân yêu của mình, mẹ xông vào cả phòng BS trực la lối om sòm.  Ngày thường mẹ lịch lãm nhỏ nhẹ bao nhiêu mà khi tính mạng con mình bị đe dọa mẹ đã bất chấp tất cả để "cứu con".  Để rồi hôm sau mẹ "được" mời lên phòng BS Giám Đốc bệnh viện nhi đồng để xin lỗi vì đã làm náo loạn bệnh viện, nhưng mẹ vẫn sẵn sàng chấp nhận tất cả vì con.

Mới ba năm trước thôi khi con phải mổ bướu cổ, dù đã 94 tuổi mẹ vẫn theo vào bệnh viện ngồi chờ từ khi con được đưa vào phòng mổ đến khi ra phòng hồi sức mẹ mới chịu về.  BS còn phải ra an ủi mẹ, con không màng thân mình vì rủi ro có chết là hết nhưng con lo mẹ sẽ hoàn toàn gục ngã nếu có tin xấu về con.

Cả đời mẹ hy sinh vì con vì cháu thế mà mẹ cũng chẳng để các con phải lo nhiều cho mẹ.  Một người phụ nữ tuy không học cao nhưng rất tự trọng luôn có uy quyền đối với các con, được bạn bè mến phục và hàng xóm yêu mến.  Mẹ là người o bao giờ yêu cầu điều gì từ các con, hình như mẹ chỉ biết cho đi mà o mong nhận lại, đứa con nào nghĩ tới nhớ tới ghé thăm và biếu mẹ tiền thì mẹ nhận thế thôi, có khi còn từ chối đối với đứa còn khó khăn trong cuộc sống.  

Cho đến những phút cuối của cuộc đời mẹ cũng không muốn nhờ vả các con, ngày mẹ vĩnh viễn ra đi, mở chiếc tủ mà mẹ dặn chỉ được mở ra khi mẹ mất này là tấm hình đã được mẹ phóng sẵn để đặt trước quan tài, này là bộ áo quần để tẩm liệm, rồi vài phân vàng để bỏ vào miệng, miếng đất cạnh bố thì mẹ mua đã lâu nhưng tội nghiệp nhất là 30 khâu vàng mẹ chắt chiu dành dụm để lo hậu sự của chính mình, tội quá mẹ ơi.  Con cháu đã dự định đưa thằng chắt trai về thăm bà cố cuối năm nay vậy mà mẹ chẳng ráng chờ, trễ thật rồi sao mẹ?

Có những lúc mẹ nói với con là mẹ già rồi o giúp đỡ gì được cho con cháu, ăn không ngon ngủ o yên, chỉ mong được trời phật rước đi một cách thanh thản thôi, con biết tuy nói thế nhưng mẹ vẫn mong sống để dõi theo các con.  Thế nên khi được đẩy vào phòng mổ những giọt nước mắt trần thế cuối cùng vẫn lăn dài trên khoé mắt mẹ vì sót con thương cháu khi biết mình sắp đi xa.  Gần đây nhất tinh thần mẹ suy sụp thấy rõ khi chứng kiến sự ra đi liên tiếp của 4 người hàng xóm mà người nào cũng nhỏ tuổi hơn mẹ, con biết nói sao đây chỉ biết an ủi mẹ rằng ai cũng có phần số riêng nên khi nào nó tới thì tới mẹ đừng lo.

Con ỏ xa lúc nào cũng lo ngay ngáy về mẹ, cũng may nhờ trời mẹ có dâu hiếu thảo đi thưa về gửi, chăm sóc mẹ chu đáo cho tới giây phút cuối cùng.  Có một lần con ghé thăm chẳng biết mẹ có chuyện gì buồn mà mặt mẹ lạnh lùng không vui, ngồi chơi chỉ một chút rồi con nói với anh Hiếu "không biết tôi có làm gì cho mẹ giận không", anh Hiếu nói lại với mẹ và chỉ hôm sau con nhận được thư viết tay của mẹ" Chung đừng phải bận tâm về mẹ con có làm gì đâu mà mẹ giận con, ông giời sinh ra mỗi người có một suy nghĩ riêng chừng nào vui thì vui chuyện nào đáng buồn thì buồn.  Trong 4 đứa con con là người hiểu mẹ nhiều nhưng đừng hiểu mẹ già hay nhầm lẫn.  Mẹ lúc nào cũng mong con mạnh khoẻ và hạnh phúc con cứ yên tâm gần ngày sanh đẻ con Vy con sang đó trông con cháu còn mẹ ở đây ít chỉ vàng lỡ có sao thì bán đi.  Mẹ 96 tuổi rồi sống chết chẳng biết lúc nào còn cần gì tiền nhiều".  Mẹ là như thế lúc nào cũng lo cho con cháu chẳng màng thân mình.

Mẹ ăn ở nhân nghĩa đức độ, cứ thấy ai khổ là mẹ lấy tiền giúp ngay.  Ông anh con bị tai nạn giữa khuya bất tỉnh, nhờ có người đi đường giúp mang đi nhà thương chưa kịp đi thăm và cám ơn người ta thì mẹ bịnh vào nhà thương.  Thế mà những giây phút cuối đời trên giường bệnh mẹ vẫn luôn nhắc con cháu phải mang quà đến biếu và cám ơn ân nhân, mẹ chu đáo như vậy đó.

Sau khi mẹ mất thằng chắt cố thấy mẹ nó khóc mới hỏi "sao mẹ khóc?" Mẹ nó trả lời "vì mẹ nhớ bà cố" hôm sau thấy mẹ nó lại khóc nó nói " bao giờ thì bà cố hết chết hả mẹ?" Mẹ nó hỏi "con hỏi làm gì" thì nó trả lời "để mẹ hết khóc" nhưng bà cố làm sao hết chết được.


Mẹ ơi con còn quá nhiều điều để kể về người mẹ hết sức tuyệt vời là mẹ, tuy cùng cực khắt khe với con cháu nhưng trong lòng luôn lo lắng và yêu thương các con cho tới những giây phút cuối đời.  Nhưng con phải dừng lại ở đây thôi vì càng chạm vào những kỷ niệm con càng đau đớn nhớ mẹ.  Từ nay trên những nẻo đường cuộc đời con sẽ còn ai để chia sẻ niềm vui hay nỗi bất hạnh, thẻ điện thoại con mua vẫn còn quá nhiều nhưng còn mẹ đâu mà gọi.   

Niềm hãnh diện về người mẹ sống khoẻ và minh mẫn từ nay vụt tắt rồi, nếu tin theo thuyết nhà Phật thì mẹ đã trả xong nợ trần gian và ra đi thanh thản không chịu nhiều đau đớn kéo dài.   

Mẹ ơi con vẫn biết rằng rồi sẽ đến một ngày con không thể níu tay mẹ mãi, mà phải thả ra cho mẹ về thế giới bên kia theo luật trời đất vậy mà con vẫn hoang vắng cả lòng khi mẹ ra đi.  Có ai đó nói rằng người ta đã chọn một ngày trong năm làm Ngày Của Mẹ nhưng mẹ thì chọn cả đời hy sinh cho các con.  Từ đây mẹ không còn phải lo lắng cho con cháu nữa nhưng nỗi đau mất mẹ quá lớn, bao giờ con quên được mẹ mẹ ơi.  Cây cỏ trước nhà mẹ trồng vẫn xanh tươi mà sao mẹ vội héo rũ, mẹ ơi con nén nước mắt vào trong cố nghĩ rằng mẹ đang thanh thản cùng bố ở cõi vĩnh hằng, giờ thì con phải giữ bản thân cho khỏe mạnh vì mẹ muốn như thế.   Vĩnh biệt và yên nghỉ mẹ nhé.

Viết cho mẹ tôi và cho lời cám ơn đối với người chị dâu đã thay tôi săn sóc mẹ già những ngày cuối đời khi tôi ở xa, ơn này tôi o bao giờ quên.


Saigon May 8th, 2015

May 8, 2015

TÂM KINH

TÂM KINH

Thơ của BIỂN


TÂM KINH

Một ngày bốn năm trước 
Sau trận tai biến não
Mẹ tôi mất tiếng nói
Mẹ tôi mất nụ cười 
Mẹ mất đi tất cả
Tám mươi sáu tuổi đời
Mẹ đi lại từ đầu 
Mẹ bắt đầu tập đi
Mẹ bắt đầu tập nghĩ
Không nghĩ được ra lời
Mẹ nhìn chữ tập viết
Tay phải bị tê liệt 
Mẹ viết bằng tay trái
Từng ngày mẹ tập viết 
Những trang kinh phật pháp
Từng trang rồi từng trang
Ngày này qua tháng khác
Khi nét bút nở hoa
Là tâm già lắng đọng
Kinh phật pháp thăng hoa
Trong lòng già câm nín
Mẹ phát nguyện bồ tát
Mẹ nở tâm vô thường
Mẹ tìm trong chánh niệm
Tâm từ bi tịnh độ
Mẹ vui trong hạnh ngộ
Nhiệm mầu của Tâm kinh

Tháng 5- 2015

BIỂN

     


Những đoản văn về Mẹ



NHỮNG ĐOẢN VĂN VỀ MẸ

                                                    

      Thư gửi bạn nhân ngày lễ Mẹ
      TUL

           Nhân ngày Mother's day ĐSTV muốn dành những tình cảm trân trọng thương yêu dâng lên Mẹ của chúng ta, lòng Mẹ vẫn luôn được ví như biển thái bình , chúng ta đã được sinh ra, chăm đẵm và trưởng thành trong biển tình thương của Mẹ . Ở tuổi này hầu hết Mẹ chúng ta đã ra đi , chỉ còn một số rất ít bạn vẫn còn may mắn có Mẹ , ngày lễ Mẹ gần kề , thắp nến hương , dâng Mẹ đoá hoa , nếu Mẹ còn sống hãy mời Mẹ bữa ăn tối , không cần thịnh soạn nhưng ấm áp tình Mẹ con , chúng ta sẽ đi cùng Mẹ vào nhà hàng , con cháu sẽ chăm sóc Mẹ như Ba sẽ làm nếu ông có mặt ở đó. Chúng ta sẽ không để Mẹ lủi thủi một mình , Mẹ chẳng đòi hỏi gì, hãy nhớ điều đó .
           Với những bạn đang làm Mẹ, luôn nhìn xuống con cháu với "muôn triệu ngàn đợt sóng thương yêu" - nói vây để bạn hiểu rằng biển thái bình trong tim Mẹ không ngừng một giây hạnh phúc . Xin chúc tất cả các bạn một ngày lễ của Mẹ tràn đầy ý nghĩa nhất . Cũng xin cầu chúc sức khoẻ và bình yên cho tất cả các bà Mẹ ở trên đời này ......



SÁNH VỚI ƠN XƯA

An Khanh


Canh khuya giấc điệp mơ màng
Kìa ai thao thức bên giường đợi tôi
Giấc xuân chợt tỉnh bồi hồi
Kìa ai bế ẵm , kìa ai dỗ dành ? 
Ấy là công mẹ sinh thành
Làm con phải biết phận mình làm sao ?
Một mai tuổi hạc càng cao..
Tấm lòng báo đáp biết sao cho vừa ?
Phải nên khuya sớm phụng thờ
Hiếu này sánh với ơn xưa vẹn toàn
Ấy là bổn phận làm con...

( bài học thuộc lòng lớp Ba )


Tôi đang ngồi đọc, bàn học kê cạnh cửa sổ, mẹ tôi đứng ngoài ô cửa, mẹ cười hiền từ nhìn tôi và vẫy gọi :
- Hà , ra đi chơi với mẹ không ?
- Tôi buông sách, hí hửng chạy ra theo mẹ .
Trăng sáng vằng vặc trên trời cao... Nước biển rút ra xa ngút ngàn...Sóng ở xa lắm và bãi biển lồng lộng. Theo mẹ , tôi đi sung sướng. Dẫn tôi đi về phía xóm chài. Những thuyền đánh cá khuya vừa cập bến... Bãi lưới đông người ồn ào tấp nập. Mẹ mua một con cá Chim khổng lồ, tươi rói, còn xanh óng màu nước biển thanh thanh. 
Đi dưới ánh trăng, một thứ ánh sáng dịu dàng trong vắt , và đủ sáng để nhìn rõ mặt người , tiết trời êm ả. Vì đi chơi ngắm trăng nên chẳng ai xách giỏ. Mẹ tôi cứ cầm con cá trắng bạc, lấp lánh dưới trăng. Gặp chỗ vũng nước biển còn đọng lại , mẹ bảo : 
- Thả con cá này xuống một chút cho nó tươi...
- Tội nghiệp con cá... Đã tàn giấc mơ trở về biển cả...
- Và như thế là đã trôi qua nửa thế kỷ. Biển đêm trăng vẫn ở trong tôi như một giấc mơ đẹp.

Có còn đêm sáng trăng 
Gió lay cành Liễu úa
Mẹ cười ngòai song cửa
Vẫy tôi như tình mơ...

An Khanh

Mẹ đã không còn để được cài một bông Hồng lên áo... Nhưng tôi cũng đã là mẹ, là bà, và nhờ cái thiên chức này mà tôi có được những đứa con đứa cháu. Chúng nó là ruột thịt thân thiết. Một thứ tình cảm thiêng liêng không thể diễn tả phô bày... Con ngoan không cần phải khuyên nhủ dậy bảo nhiều vì " Xích Tử Chi Tâm " Ai cũng có sẵn cái lòng nhân nghĩa từ lúc còn là con đỏ. Và tấm lòng yêu giữa cha mẹ con cái... nó đã thiêng liêng ràng buộc con người , một thứ tình cảm vô vị lợi. Tất cả đều để cho con. Nhìn con ăn ngon, ngủ ngon...Mẹ yên lòng sung sướng . Những bước chập chững tập đi... Tay mẹ dìu dắt.. đứa trẻ níu lấy bàn tay mẹ như một chỗ nương tựa vững chãi vô bờ. ...

Lúc tôi năm mươi tuổi - Tôi mất mẹ, và cái hụt hẫng đã để tôi nghiệm thấy như tôi vừa mất đi một mái nhà che chở...Tục ngữ bảo : " Con không cha như nhà không nóc " Sao mà đúng quá. Cho dù tuổi có chồng chất, nhưng các đấng sinh thành ra mình vẫn là nơi nương tựa vững chãi cần thiết như nhà cần nhất phải có mái che. 
Những ngày còn có mẹ. Tôi hay nói chuyện với bà rất thân thiết... Tôi không ngại bầy tỏ những hoài bão, những ước mơ, hoặc kể lể những thất bại vấp phải trên đường đời... Mẹ vẫn là người nhìn tôi thông cảm thương sót...ánh mắt nhân từ, và những lời khuyên giản dị nhưng làm tôi lúc nào cũng thấy mình được nâng đỡ và che chở.
Còn sự báo hiếu của tôi ? Quả thật từ tấm lòng son trẻ thuở lên năm hay lên mười cho tới ngày tôi già cả và đã mất đi mẹ hiền . Lúc nào tôi cũng quý bà tận ở trong tâm ! Miếng ngon khao khát tặng người... 
Có bát canh Cần cũng muốn mang cho..

Bóng mẹ như Lan Hạc Trắng

- Làm gì cũng chỉ sợ mẹ không vui...Và đặc biệt theo văn hóa Á Đông rất Việt Nam là đi làm về trao hết tiền lương cho mẹ giữ tiêu dùng trong gia đình!
Những kỷ niệm quý báu mà tôi gọi là trả Hiếu , chính là thời gian tôi được săn sóc mẹ khi bà trở bệnh, vì bị Alzheimer nên bà theo tôi ( kẻ săn sóc bà ) như một đứa trẻ. Tôi tắm rửa, thay đổi áo quần , chải đầu , đánh răng rửa mặt và xúc cơm cho bà ăn . Tôi dẫn cả mẹ vào lớp học sau khi đã xin các thầy cô giáo cho mẹ tôi ngồi cạnh. Các thầy giáo Mỹ cũng rất tử tế . Họ OK cho tôi mang mẹ vào lớp học . Nhờ vậy mà tôi đã không bỏ phí thời gian học được một số lớp cần phải theo... Rồi giờ ra chơi... hai mẹ con bách bộ trong sân trường, những đóa Hồng dại mọc lan tràn trên hàng rào sân cỏ...tôi chẳng thấy đời bơ vơ khi có mẹ đi bên cạnh tôi... Và cái lớp học ngày xưa , tôi được nhớ nhiều vì hình ảnh dẫn mẹ đi học . Bạn học cũ gặp lại tôi cũng đều hỏi thăm mẹ. Nếu biết cụ đã qua đời thì đều tỏ lòng thương tiếc... Tôi có làm tròn bổn phận làm con ? Khi đã có một thời gian dài gần gũi ? Chỉ một mình tôi trong bầy con năm đứa của bà , được săn sóc miếng ăn giấc ngủ, và trong tâm khảm của bà những ngày cuối cùng chỉ còn mỗi tên " Con Hà " trong trí nhớ.

Biết ra sao ngày sau ? Nay tôi cũng đã tuổi xế chiều, ngồi mong con nhớ cháu. Ước mong chúng gần gũi để được ẵm bồng những đứa bé bụ bẫm dễ yêu. Hoặc được nghe những đứa con tỉ tê tâm sự , khoe những thành công hay kể những thất bại , những chuyện vặt hàng ngày được bày tỏ hầu mong một tâm tình thông cảm ? Tôi lại thấy xứ Mỹ người ta lập ra đủ thứ nhân quyền ghi vào hiến pháp...Lạ một điều họ không hề kể ra cái quyền được con cái phụng dưỡng ? Hay bổn phận làm con ? Cha mẹ thì vất vả làm lụng nuôi con, thức khuya dậy sớm, mất ăn mất ngủ khi con cái đau ốm. Phải săn sóc dậy dỗ hơn nửa đời người...Sao khi về già lại không được cái quyền được con nuôi lại và kính mến ? Trái lại An Nam ta thì phụng dưỡng bố mẹ già là cả một hân hạnh diễm phúc. " Nước mắt chảy xuôi. " Trẻ con còn cha mẹ thì được nâng niu trìu mến, lẽ đương nhiên. Nhưng cái tình con cháu đối với ông bà cha mẹ thì phải được văn hóa bồi dưỡng nó mới nảy nở. 
Người nào cũng yêu con ; nhưng chỉ người nào có văn hóa mới kính yêu cha mẹ ( Lâm Ngữ Đường )
Lại một bài học thuộc lòng lớp Ba kết thúc câu chuyện :

Mai sau người mẹ của tôi 
Lưng còng tóc bạc da mồi già đi
Đưa tay ngăn lệ dâng mi
Con thưa mẹ chớ lo gì cho con
Bây giờ trăng đã rất tròn
Con làm nuôi mẹ trả ơn sinh thành.

An Khanh





          SINH  NHẬT  MẸ
          Bích  Quy

         Bố mất khi hai anh em trai còn đang học cấp ba. Tuy có vẻ lớn nhưng cả hai đứa vẫn chưa.... lớn. Đi học về  vẫn chí chóe, tỵ nạnh nhau việc nhà, vậy nhưng lại rất thương nhau.

        Chẳng mấy chốc đã đi làm và có bạn gái.  Hôm sinh nhật mẹ, hai đứa đồng thanh mời mẹ đi ăn nhà hàng. Mẹ tiếc tiền bảo để mẹ làm ở nhà, tha hồ ăn  nhưng hai đứa nhất định không   chịu.

      - "Mẹ vất vả  nhiều rồi, hôm nay chúng con đãi mẹ"

        Bà mẹ bèn sửa sọan quần áo thật đẹp  ngồi chờ. Lát sau hai cô bạn của con cũng đến.  Chúng xúm xít chúc mừng rồi tất cả lên xe đến nhà hàng.

        Xuống xe, chúng thành ra hai cặp dắt tay nhau dung dăng phía trước. Bà mẹ già chậm chạp theo sau...

         Đến nhà hàng, chúng hỏi mẹ muốn ăn món gì, bà chưa kịp trả lời vì cũng chưa biết nhà hàng có món gì.

       -  "Thôi để con gọi cho mẹ"

Bà ngồi lặng lẽ  , múc từng muỗng súp   và  nhìn chúng vui vẻ chuyện trò, ăn uống những món chúng thích .  Giá có gắp cho bà thì bà cũng chẳng thể nhai nổi .
 Bà lẩn thẩn ngẫm nghĩ chẳng biết có phải sinh nhật mình không? Cơ  mà vẫn... vui "  !!!

Bích Quy






MẸ VÀ BIỂN
TUL


Cả đời Mẹ chỉ lo chăm dưỡng đàn con , Mẹ không nghĩ gì tới thân mình . Khi tôi hỏi sao MẸ chẳng bao giờ đi chơi đâu , Mẹ đáp :
- lúc còn trẻ MẸ  không dám đi chơi đâu xa , chỉ để ba  đi một mình thôi .
-sao thế  MẸ ?
MẸ cười đáp:
- sợ nhỡ có gì .... các con để ai nuôi!.
Nghe MẸ nói thế lòng tôi không khỏi sững sờ, se thắt.
- giờ con sẽ thay ba đưa MẸ đi chơi .
MẸ cười chẳng nói .
 Rồi tôi đưa MẸ đi biển . Khi  gần tới  , thấy  biển thấp thoáng  từ đằng xa , MẸ  hỏi:
- Biển đấy à !!!
Giờ nhớ lại những lời MẸ,   tôi vẫn trào nước mắt.

TUL

                                               


BA BÔNG HỒNG CHO NGÀY CỦA MẸ
P.Hà.

Tôi có ba bà mẹ.
Mẹ sinh ra tôi, một người mẹ hiền hậu, nhân từ. Thuở còn trẻ mẹ cũng được ông Ngoại tôi cho đi học cả tiếng Pháp , nhưng sau khi lập gia đình với ba tôi ,cả một đời mẹ sống thật đơn sơ giản dị, hanh phúc của bà là dồn hết tình thương , lo lắng cho bầy con gái ăn học thành tài rồi lập gia đình yên ổn. Khi đến tuổi khôn lớn và hiểu biết tôi mới thấu hiểu được nỗi niềm tâm sự của mẹ mà không một người phụ
nữ nào có thể chấp nhận được là mẹ đã sống cùng một mái nhà với người đàn bà đã chia sẻ bớt tình yêu thương của chồng mình ( tức là ba của tôi)
Nhưng không vì điều này mà chị em tôi mất đi lòng thương yêu và kính trọng đối với ba của tôi. Ông hẳn là người đã có một chiến lược tề gia rất hiệu quả mới duy trì được gia đình yên ấm như vậy.
Nhưng có một điều mà chị em chúng tôi rất khâm phục và yêu kính mẹ là mẹ vẫn đối xử với " tình địch" của mình rất tốt và thương yêu như chị em. Tôi còn nhớ Mẹ may chiếc áo dài nào thì tình địch của mẹ cũng có một cái giống y hệt như vậy và tôi luôn luôn là con bé được ngồi giữa hai bà.
Mẹ còn dạy bảo chị em tôi là phải luôn yêu thương, kính trọng và chăm sóc " tình địch" của mình như một người mẹ thứ 2.
Tôi đã học được sự hy sinh, thương yêu và tha thứ từ người mẹ hiền từ, nhân hậu này. Mẹ sinh ra tôi đã khuất núi, ngày làm lễ hỏa thiêu cho mẹ, tôi đã không về được để chịu tang mẹ. Xin lạy mẹ tha tội bất hiếu. Hôm nay ngày của mẹ, tôi tự cài một bông hoa trắng lên áo để nhớ đến người mẹ sinh thành.

Người Mẹ thứ hai của tôi lại chính là "tình địch" của Mẹ sinh ra tôi. Xin gọi bà là Mẹ Hai cho dễ . Tôi không biết mẹ hai đã có mặt trong gia đình tôi từ lúc nào chỉ biết rằng lúc tôi còn nhỏ chính bà là người đã chia sẻ với mẹ sinh ra tôi mà chăm sóc cho tôi với tất cả tình thương của một người mẹ ruột , nên tôi đã quen gọi bà là mẹ từ thuở nhỏ và cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ có một ý nghĩ bà không phải là mẹ mình. Thủa xa xưa, Mẹ hai tôi đẹp từ hồi còn trẻ nên có một ngày ba tôi đi công tác về miền quê của bà, rồi tiếng đàn mandoline của ông đã làm cô gái vùng quê rung động và ba tôi trở về nhà với mẹ hai. Không biết ông làm cách nào và không biết mẹ hai ăn ở làm sao mà Mẹ sinh ra tôi và cả hai bên nôị ngọai của tôi đều công nhận bà như là một thành viên trong đại gia đình với thứ bậc thấp hơn mẹ sinh ra tôi một bậc. Mẹ sinh ra tôi được gọi là Chị Cả và mẹ hai được gọi là Chị Hai
Có một điều tôi nghĩ đó cũng là sự sắp đặt của số mệnh là mẹ Hai của tôi không thể có con , nên cái bất hạnh của bà lại giúp cho gia đình tôi sống hòa thuận vui vẻ và có lẽ vì vậy mẹ Hai thật sự thương yêu chị em tôi và chúng tôi cũng thương yêu bà như mẹ ruột. Thuở tôi còn bé bà thường chăm sóc tôi nên bà rất vui và hạnh phúc khi có bất cứ ai nói là tôi trông rất giống bà. Thỉnh thoảng những lúc gọi điện thoại về thăm nhà, bao giờ bà cũng nói mẹ nhớ tôi nhiều lắm, rồi kể chuyện ngày mồng 1 và ngày rằm mẹ đi chùa cầu an cho gia đình tôi bên này luôn được Trời Phật và ba má tôi phù hộ độ trì.
Năm nay bà đã hơn 80 tuổi. Hôm này Ngày của mẹ, tôi cũng tự cài thêm lên áo, bên cạnh bông hoa màu trắng, một bông hoa màu hồng để nhớ đến người mẹ hai và cầu xin Trời Phật phù hộ cho mẹ luôn khỏe mạnh.

Tôi có thêm người mẹ thứ ba kể từ ngày tôi về nhà chồng .
Buổi đầu về làm dâu tôi cũng như bao nhiêu nàng dâu khác, không sao không có nỗi lo sợ vu vơ về một gia đình chồng mới lạ . Nỗi lo sợ còn tăng lên hơn nữa khi ông chồng tôi lại là con trai trưởng với một đàn em trai gái đông đảo. Nhưng thôi đã lỡ rồi, tôi đành phải lấy câu tục ngữ "Yêu ai yêu cả tông chi họ hàng" ra làm câu niệm chú để " đối phó " với gia đình bên chồng. Nhưng số tôi thật may mắn, gia đình chồng tôi thật dễ dãi và mẹ chồng tôi lại thương tôi như con gái của bà. Ở bên bà được 7 năm, tôi học được ở bà nhiều đức tính tốt, tình thương yêu con vô bờ bến, hy sinh tất cả để các con có được một cuộc sống tự do, nên bây giờ tuy con đàn cháu đống, bà sống trong tuổi già với nỗi thương con nhớ cháu vì con cháu bà lại ở xa bà cả nửa vòng trái đất. Hai mươi năm trước các chú em chồng tôi có bảo lãnh cho bà mẹ chồng tôi qua bên Âu Châu, nhưng hai cụ ở được 2 năm thì lại đòi về lại VN vì nhớ hàng xóm làng giềng, nhớ tiếng chuông nhà thờ xứ đạo, và hơn hết là ông bà nhớ và thèm nghe và nói tiếng Việt Nam.
Ba chồng tôi đã mất , nên bây giờ mẹ chồng tôi lại càng thấy cô đơn trong tuổi già mong con ngóng cháu.
Hôm nay ngày của mẹ, tôi lại tự cài lên áo mình thêm một cành hoa màu hồng nữa để nhớ và tri ân tình thương yêu và hy sinh cho con cho cháu của mẹ.

Và bạn ơi, cho dù bạn có cài lên áo một bông hoa màu hồng hay màu trắng trong ngày của Mẹ thì bạn hãy cùng tôi vui sướng đi vì chúng ta đang có và đã có những người mẹ Việt Nam kính yêu đầy lòng yêu thương, hy sinh, hiền từ, và nhân hậu.

Tháng 5 - 2011
P.H.



               TẢN MẠN NGÀY MOTHER'S DAY
PHà


Bà Ba  đẩy chiếc xe troley vào siêu thị. Ui trời sao hôm nay thiên hạ lại đổ xô đi shopping đông như thế này. Họ đang sale cái gì mà người ta bu đông thế ! Bà Ba cũng mon men tới nhìn xem coi có cái gì mua được không thì hóa ra là chỗ bán hoa. Chao ôi cả một rừng hoa đủ loại đủ màu được bó lại và trang trí thành từng bó , từng lẵng hoa thật đẹp. A, bà Ba chợt nhớ ra là ngày mai là ngày Mother's Day một trong những ngày lễ quan trọng ở các nước Tây Phương hèn chi người ta đua nhau mua hoa tặng mẹ để nhớ ơn đến công ơn của các bà mẹ.

Bà Ba nhớ lại hồi mới qua định cư ở đây đâu cũng hơn 20 năm rồi, lần đầu tiên bà biết đến ngày Mother's Day là một ngày Ông Bà dắt mấy đứa con đi phố chơi thì gặp những cô gái Úc thật dễ thương , mỗi cô đều xách theo những  giỏ hoa đi vòng vòng trong mấy cái mall hễ cứ thấy người phụ nữ nào đi ngang là mấy cô lại lấy một cành hoa tặng và kèm theo lời chúc Happy Mother's Day. Hồi đó còn như nhà quê ra tỉnh Bà Ba hỏi ông Ba Mother's Day là ngày gì vậy ông? Thì là ngày của mẹ . Mà ngày của mẹ là ngày gì? Nghe Bà hỏi tới , ông ba nín khe luôn vì cũng không hiểu ý nghĩa của nó.
Dần dần Bà Ba cũng hiểu được ý nghỉa ngày của mẹ khi các con của Bà ngày này mang về tặng cho Bà những tấm thiệp chúc mửng Happy Mother's Day mà tụi nó làm ở trong trường học. và đã cặm cụi bỏ biết bao  nhiêu cố gắng và chắc chắn là có cả tình yêu thương để làm nên nhửng tấm thiệp ngộ nghĩnh đáng yêu về tặng mẹ với những hàng chữ Con yêu mẹ.  Bà ba còn nhớ hồi nẳm, thằng út đâu mới có chừng 8,9 tuổi cũng đã biết nhờ ba nó chở ra chợ mua một bó hoa về tặng cho bà, còn con hai và thằng ba  thì đi đâu đó một hồi rồi về nhà đưa cho bà một tấm thiệp, bà  mở ra đọc được những câu như vầy " tuy rằng con không nói nhưng con luôn biết ơn và tri ân những gì mà mẹ đã làm cho tụi con."   Chỉ có bấy nhiêu chữ thôi mà đọc rồi bà thấy cảm động và trong lòng vui biết  bao.
 Mấy đứa nhỏ dần dần lớn hơn thì những  tấm thiệp bà nhận được mỗi lần trong ngày Lễ mẹ  cũng nhiều hơn và bà luôn cất giữ nó như một món quà thân yêu của mình.
Bây giờ mấy đứa nhỏ lớn hết rồi,  theo  với thời đại hi tech bà Ba đã hết còn nhận được những tấm card như hồi xưa. Con Hai với thằng Ba từ trong sở làm gừi email cho bà chúc  H APPY  MOTHER' S DAY MUM. Còn thằng Út thì biết nịnh hơn nó ỏn ẻn " Con không tưởng tượng được là nếu không có má giúp thì con không biết làm sao ". Tụi nó còn đưa ông bà tới nhà hàng để ăn mừng ngày lễ mẹ nữa chứ.
Đi được vài lần vừa tốn tiền vừa phải ngồi chờ ngồi đợi mới được phục vụ tới phiên mình, mà ông Ba  lại không hạp với những món ăn nhà hàng nên bà quyết định là sẽ mừng ngày lễ mẹ ở nhà , vừa vui vẻ vừa được ăn uống thoải mái không cần phải giữ ý giữ tứ,  như phải  ăn uống từ tốn, nhẹ nhàng lịch sự khi ngồi trong những nhà hàng nhiều người dòm ngó.

Bà Ba đẩy chiếc xe đi một vòng siêu thị, lấy thêm một ít đồ cần dùng rồi đứng chờ tính tiền. Bà nghĩ trong đầu mấy đứa lớn  thì thích ăn món VN bà sẽ nhồi thịt làm nem nướng cho tụi nó, còn thằng út thích ăn món Tây sẽ lấy con gà ướp gia vị rồi nướng với khoai tây cho nó. Bà biết là ngày mai , ngày Lễ mẹ bà lại lúi húi trong bếp để làm những món ăn ngon cho các con,  nhưng bà lại thấy niềm vui rộn rã  trong lòng.

 Ừa nhưng mà kỳ không ta, ngày lễ của mẹ hay là ngày mừng con đây! Bà Ba bật cười với ý nghĩ ngộ ngĩnh này.
Thân chúc các bà bạn của bà Ba một ngày MOTHER'S DAY thật hạnh phúc với con cháu.

Tháng 5- 2012
P.H.


MẸ TÔI

Bích Quy

 Năm nay mẹ tôi đã tám mươi bảy tuổi rồi. Cái tuổi mà các bạn mẹ tôi nhiều người đã quy tiên. Bà được sáu cháu ngoại, có nếp, có tẻ, có đứa ở gần, lại có đứa ở quá xa , có đứa đang đi học và có cả đứa đã đi làm . Mẹ thương tất cả các cháu hay nhắc đứa ở xa và hối bố mẹ đứa đi làm lo mà dựng vợ gả chồng cho con.
           Thời còn trẻ, mẹ tôi cũng đẹp lắm, Đấy là tôi chỉ nhìn hình mà thấy thế thôi.
           Gương mặt bà toát ra vẻ hiền hậu, thật thà. Mẹ tôi không có con trai nhưng bố tôi lại rất yêu quý bà. Vừa rồi chúng tôi còn được ăn mừng ngày cưới thứ 63 của ông bà. Đó cũng là "kỷ lục" mà chị em tôi cùng thầm mơ ước. Chỉ cần đủ năm mươi năm , người ta đã làm lễ "kim cương" được rồi , vậy mà...tình yêu của bố mẹ tôi còn quý hơn cả kim cương?

           Hằng năm cứ đến lễ hội Hai bà Trưng mà cô Ninh là hội trưởng hay mời mẹ tôi và các bà bạn đồng trang lứa về dự hội. Mẹ tôi kể các bà đều là nữ sinh trường Đồng Khánh, tiền thân của trường Trưng Vương bây giờ. Đã có lần cô Ninh còn viết một tiểu phẩm để mẹ tôi và một bà bạn lên sân khấu diễn kịch . Chỉ có hai nhân vật diễn tả "Mối tình của chàng trai trường Bưởi và cô nữ sinh Đồng Khánh" . "Cô nữ sinh " lúc ấy là mẹ tôi đã ...Bảy mươi lăm tuổi !!! . Chao ơi, Tôi không thể biết bằng tuổi ấy tôi sẽ ra sao? Có còn ...hăng hái được như mẹ tôi không?

           Tôi còn nhớ Đại hội Trưng Vương năm ấy các bà mặc áo dài lục tục lên sân khấu . Các bà đứng chen nhau thành hàng dài . Cô Ninh đứng giữa cầm micro và bắt nhịp cho các bà hát bài hát ngắn quen thuộc từ hồi còn đi học bằng tiếng Pháp và một bài tiếng Việt. Rồi cứ mỗi năm mỗi thưa dần đi , cho đến năm ngoái thì tôi chỉ còn thấy vài cụ lên sân khấu phải có con cháu dìu đi. Các cụ đều trên tám lăm tuổi cả rồi . Chỉ lên cho có mặt để đại diện cho lứa học trò xưa của thế kỷ trước thôi . Thật là ngậm ngùi vì có cụ đã về miền tiên cảnh, có cụ ốm đau và có cụ theo con cháu dời đi xa không thể đến được. Thời gian trôi thật nhanh, ngay cả các thầy cô giáo dạy chúng tôi là thế hệ sau của lớp người như cô Ninh và mẹ tôi cũng đã quá già rồi . Bọn học trò như chúng tôi cũng có đứa làm "bà nội, bà ngoại" đấy thôi.

           Càng ngày tôi càng thấy mẹ tôi quên nhiều những chuyện mới xảy ra nhưng lại nhớ được cả những chuyện lúc tôi chưa sinh ra. Mẹ tôi hay nhớ về quê ngoại , ở tận làng Hữu xa xôi miền Bắc. Đặc biệt mẹ tôi chẳng bao giờ bầy tỏ cái sự thương nhớ ấy với chúng tôi, " lũ vịt giời" chỉ có hai đứa kịp sinh ra trên đất Hà nội nhưng lại chẳng biết tý nào về chốn ấy vì quá nhỏ đã phải theo bố mẹ vào Nam khi đất nước bị chia cắt. Chỉ khi có các anh chị họ tôi ở miền Bắc vào thăm là mẹ tôi mới trút nỗi niềm :
- Cô nhớ quê quá, bao giờ mày ra cho cô theo với. Cô vẫn nhớ cái nhà lớn ở giữa cái sân to có cây nhãn bên cạnh cái bể nước ấy cháu ạ. Cây nhãn sai quả lắm, thưở nhỏ cô vẫn trèo lên hái đấy.
             Mẹ tôi quên là mình chẳng thể đi đâu xa được nữa rồi.

             Có khách đến nhà là mẹ tôi thích lắm, cứ tưởng như ai cũng biết quê của bà.
- Này , cháu có biết làng Hữu không ? Làng Hữu Thanh Oai ấy .
Mẹ tôi đinh ninh rằng ai cũng phải biết cái làng Hữu yêu quý của bà . Lúc mới thông thương, mẹ và tôi cũng có dịp được ra thăm . Đó là quê nội của mẹ tôi , một làng quê yên ả , có con sông Nhuệ chảy qua cây đa đầu làng. Phong cảnh thật hữu tình . Lúc ấy , làng của mẹ tôi chưa có gì thay đổi vẫn y như hồi mẹ rời xa nên khung cảnh ấy cứ in đậm mãi trong tâm trí của bà.
Thỉnh thoảng bà hay kể mình nằm mơ thấy trở về làng cũ. Có lẽ mẹ tôi cứ sống với cái tiềm thức ấy lại đẹp hơn. Hiện tại thì nó đã chẳng còn dấu vết gì của cái hồi xa xưa ấy. Người ta đã biến cải nó thành phố phường mất rồi .
             Mẹ tôi mà đi tắm thì rất lâu mới ra . Chẳng ai biết bà làm những gì mà lâu thế? Có lần bà kể :"Suýt nữa thì ngã may mà bám được vào cái lavabo " Từ đó chúng tôi thuyết phục bà không được cài cửa nhà tắm. Có lần, cần lấy cái khăn tôi đã hé cửa vào thì thấy bà đang... cọ sàn nhà tắm. Lần khác thì bà đang ngồi giặt khăn....Chung quanh bà xếp những bốn cái chậu nhựa. Hỏi sao bà để lắm chậu thế? Bà bảo thế mới tắm đủ. Thì ra bà chẳng tắm bằng vòi sen có nước nóng, lạnh mà cứ hứng ra chậu rồi mới tắm.

           Tôi bắt đầu nấu bữa cơm chiều thì bà cũng lấy quần áo vào nhà tắm. Tôi nấu xong và dọn cơm ra , gọi bà thì bà bảo :"Cứ mời ông ăn trước đi, mẹ ăn sau" Bố tôi ăn xong rồi mà mẹ tôi vẫn chưa ra. Vậ̣y là bà đã ở trong nhà tắm hơn hai tiếng đồng hồ. khi ra ngoài với đầu tóc ướt nhem, mấy đầu ngón tay nhăn nheo vì ngâm nước quá lâu. Không thể để tình trạng này kéo dài. Tôi quyết định từ nay phải tắm cho bà. Lúc đầu nghe tôi nói là bà giãy nảy lên ngay, phản ứng rất quyết liệt không chịu để tôi tắm .

           Tôi phải vừa cương quyết vừa dịu ngọt mới dỗ được bà vào nhà tắm. Tôi dẹp hết các chậu của bà và để bà ngồi vào một cái ghế tắm , vừa gội đầu xong thì tôi nhẹ nhàng xoa xà bông tắm rửa , kỳ cọ cho bà. Ngày xưa thân thể mẹ tôi thẳng thớm , cao ráo là thế, vậy mà bây giờ...tôi xót xa nhìn cái lưng còng xuống cong như con tôm khiến hai bầu vú mẹ tôi gần chạm đến rốn. Cái bụng cũng to ra, chảy xệ xuống che lấp cả háng. Có lẽ mẹ tôi bị bệnh loãng xương nên mới thế.
Tôi lau khô người và mặc quần áo vào cho bà . Xong đưa bà ra ngoài ngồi vào ghế. Bà nói :" Sao mà tắm nhanh thế? Tắm thế thì sao mà sạch được?" Tôi hiểu là mẹ tôi đã quen tắm lâu và cho như thế mới kỹ càng , mới sạch được. Tôi quyết định từ đây sẽ mỗi ngày tắm cho mẹ và tôi thấy rằng chỉ trong vòng một tuần bà đã quen cho tôi tắm và bà cũng cảm thấy như thế khỏe ra. Sau đó , dù tôi bận việc hay đi vắng thì bà cũng đợi tôi về để tắm cho bà.
           Xem truyền hình, mẹ tôi hay hỏi những câu :
           - Nó nói cái gì thế con?
           - Xem chẳng hiểu gì cả
           - Phim gì mà cứ chốc lại đánh nhau .
Mẹ tôi đã nghe không rõ và không nghe kịp nữa rồi. Chỉ có phim hoạt hình là mẹ ít hỏi nhất.



            Đến bữa , cha mẹ tôi ngồi cạnh nhau . Ông luôn xẻ nửa bát cơm cho bà, còn bà thì gắp thức ăn cho ông. Món ăn thường được cắt thật nhỏ hoăc xay ra hay nấu thật mềm cho dễ ăn. Có khi ông còn xúc cho bà ăn và cứ nhìn bà thật "đắm đuối" . Thỉnh thoảng ông còn nắm lấy tay bà thật là tình cảm. Ông cũng đã chín mươi hai tuổi rồi , mắt mờ, chân run nhưng vẫn cứ muốn săn sóc bà.

Trước kia mẹ tôi rất chăm chỉ làm việc nhà, bây giờ bà đã quên và lẫn nhiều nhưng vẫn thích làm như một thói quen. Bà lấy quần áo ra , sắp xếp lại nhưng lại quên không biết cất thế nào cho đúng chỗ, thế là thay vì gọn gàng bà lại làm bừa bãi ra thêm. Rốt cuộc bà lại có thêm việc mới là đi tìm những vật dụng của mình chẳng biết cất ở đâu.
           - Có đứa nào lấy của mẹ cái lược không? Vừa để đây mà đâu mất rồi?
Bà cũng chẳng còn nhớ là mình "vừa để" hay đã dúi vào một xó xỉnh nào rồi. Có lần người ta cho hộp bánh, bà đem cất kỹ rồi quên , đến khi tôi sắp xếp lại tủ mới tìm thấy thì nó đã quá date và không còn dùng được nữa rồi.

        Mẹ tôi vẫn ăn được và ngủ rất nhiều. Lưng còng nên bà nằm cong lại như con tôm . Mẹ tôi đã chẳng còn phân biệt được ban ngày hay ban đêm . Mời bà ăn cơm chiều thì bà bảo :
- Mới sáng ra đã ăn cơm à? Chưa ăn sáng mà.

        Một hôm mẹ tôi leo được hai bậc cầu thang thì ngã . Bà nằm sõng soài ở chân cầu thang. Máu chảy ướt cả áo. Tôi đỡ bà lên ghế, cầm máu và băng bó vết thương cho bà. Tôi chỉ có thể đoán rằng khi ngã bà đưa tay lên đỡ và cái vòng vỡ đã cứa vào sau tai làm chảy máu. Bà rất tỉnh táo hỏi :
        - "Mẹ nghe bịch một cái to lắm. Đứa nào ngã thế?"
Trời ơi, bà đã không biết là mình ngã. Khi tôi băng bó thì bà bảo :
        -"Làm cái gì trên đầu mẹ thế? " Rồi lấy tay giật cái băng ra. Mấy lần như vậy. Cuối cùng phải xỏ hai cái tất vào tay bà , rồi giữ yên thì bà mới thôi.
       
          Đi khám thì chẳng phát hiện ra bệnh gì nhưng kể từ ngày ấy thì mẹ tôi cứ yếu dần đi. Tất cả thức ăn đều phải xay nhiễn và mẹ tôi chỉ có thể nuốt chứ không phải nhai nữa.
Mẹ tôi đã chẳng phân biệt được ngày đêm và vị trí nữa rồi . Bà hay hỏi "Giường ở đâu?" "Nhà tắm ở đâu?". May mà mẹ tôi vẫn còn "nhận diện" được những người thân quen.

          Cũng y như khi chăm em bé nhưng bé thì dễ thương , mỗi ngày mỗi lớn, mỗi nở ra như một đóa hoa còn mẹ tôi dù có chăm sóc kỹ lưỡng thế nào thì mẹ tôi cũng ngày càng yếu đi, héo dần đi thôi ....

         Tôi nghiệm ra rằng qua bên kia con dốc cuộc đời, ông Trời sẽ lấy lại từ từ sức khỏe và tâm trí để người ta lại trở về với tuổi thơ vô tư như hồi còn là nhi đồng.

          May là Trời còn thương không để mẹ tôi phải bệnh tật nan y gì. Vẫn biết sinh tử là lẽ tự nhiên nhưng tôi vẫn mong mẹ cứ sống với tiềm thức đẹp đẽ một thời, cứ vô tư như trẻ thơ với hiện tại và cả tương lai để cho con cháu được ngày ngày cận kề bên mẹ , Mẹ ơi....

Tháng 5- 2014
Bích Quy.