May 8, 2015

Những đoản văn về Mẹ



NHỮNG ĐOẢN VĂN VỀ MẸ

                                                    

      Thư gửi bạn nhân ngày lễ Mẹ
      TUL

           Nhân ngày Mother's day ĐSTV muốn dành những tình cảm trân trọng thương yêu dâng lên Mẹ của chúng ta, lòng Mẹ vẫn luôn được ví như biển thái bình , chúng ta đã được sinh ra, chăm đẵm và trưởng thành trong biển tình thương của Mẹ . Ở tuổi này hầu hết Mẹ chúng ta đã ra đi , chỉ còn một số rất ít bạn vẫn còn may mắn có Mẹ , ngày lễ Mẹ gần kề , thắp nến hương , dâng Mẹ đoá hoa , nếu Mẹ còn sống hãy mời Mẹ bữa ăn tối , không cần thịnh soạn nhưng ấm áp tình Mẹ con , chúng ta sẽ đi cùng Mẹ vào nhà hàng , con cháu sẽ chăm sóc Mẹ như Ba sẽ làm nếu ông có mặt ở đó. Chúng ta sẽ không để Mẹ lủi thủi một mình , Mẹ chẳng đòi hỏi gì, hãy nhớ điều đó .
           Với những bạn đang làm Mẹ, luôn nhìn xuống con cháu với "muôn triệu ngàn đợt sóng thương yêu" - nói vây để bạn hiểu rằng biển thái bình trong tim Mẹ không ngừng một giây hạnh phúc . Xin chúc tất cả các bạn một ngày lễ của Mẹ tràn đầy ý nghĩa nhất . Cũng xin cầu chúc sức khoẻ và bình yên cho tất cả các bà Mẹ ở trên đời này ......



SÁNH VỚI ƠN XƯA

An Khanh


Canh khuya giấc điệp mơ màng
Kìa ai thao thức bên giường đợi tôi
Giấc xuân chợt tỉnh bồi hồi
Kìa ai bế ẵm , kìa ai dỗ dành ? 
Ấy là công mẹ sinh thành
Làm con phải biết phận mình làm sao ?
Một mai tuổi hạc càng cao..
Tấm lòng báo đáp biết sao cho vừa ?
Phải nên khuya sớm phụng thờ
Hiếu này sánh với ơn xưa vẹn toàn
Ấy là bổn phận làm con...

( bài học thuộc lòng lớp Ba )


Tôi đang ngồi đọc, bàn học kê cạnh cửa sổ, mẹ tôi đứng ngoài ô cửa, mẹ cười hiền từ nhìn tôi và vẫy gọi :
- Hà , ra đi chơi với mẹ không ?
- Tôi buông sách, hí hửng chạy ra theo mẹ .
Trăng sáng vằng vặc trên trời cao... Nước biển rút ra xa ngút ngàn...Sóng ở xa lắm và bãi biển lồng lộng. Theo mẹ , tôi đi sung sướng. Dẫn tôi đi về phía xóm chài. Những thuyền đánh cá khuya vừa cập bến... Bãi lưới đông người ồn ào tấp nập. Mẹ mua một con cá Chim khổng lồ, tươi rói, còn xanh óng màu nước biển thanh thanh. 
Đi dưới ánh trăng, một thứ ánh sáng dịu dàng trong vắt , và đủ sáng để nhìn rõ mặt người , tiết trời êm ả. Vì đi chơi ngắm trăng nên chẳng ai xách giỏ. Mẹ tôi cứ cầm con cá trắng bạc, lấp lánh dưới trăng. Gặp chỗ vũng nước biển còn đọng lại , mẹ bảo : 
- Thả con cá này xuống một chút cho nó tươi...
- Tội nghiệp con cá... Đã tàn giấc mơ trở về biển cả...
- Và như thế là đã trôi qua nửa thế kỷ. Biển đêm trăng vẫn ở trong tôi như một giấc mơ đẹp.

Có còn đêm sáng trăng 
Gió lay cành Liễu úa
Mẹ cười ngòai song cửa
Vẫy tôi như tình mơ...

An Khanh

Mẹ đã không còn để được cài một bông Hồng lên áo... Nhưng tôi cũng đã là mẹ, là bà, và nhờ cái thiên chức này mà tôi có được những đứa con đứa cháu. Chúng nó là ruột thịt thân thiết. Một thứ tình cảm thiêng liêng không thể diễn tả phô bày... Con ngoan không cần phải khuyên nhủ dậy bảo nhiều vì " Xích Tử Chi Tâm " Ai cũng có sẵn cái lòng nhân nghĩa từ lúc còn là con đỏ. Và tấm lòng yêu giữa cha mẹ con cái... nó đã thiêng liêng ràng buộc con người , một thứ tình cảm vô vị lợi. Tất cả đều để cho con. Nhìn con ăn ngon, ngủ ngon...Mẹ yên lòng sung sướng . Những bước chập chững tập đi... Tay mẹ dìu dắt.. đứa trẻ níu lấy bàn tay mẹ như một chỗ nương tựa vững chãi vô bờ. ...

Lúc tôi năm mươi tuổi - Tôi mất mẹ, và cái hụt hẫng đã để tôi nghiệm thấy như tôi vừa mất đi một mái nhà che chở...Tục ngữ bảo : " Con không cha như nhà không nóc " Sao mà đúng quá. Cho dù tuổi có chồng chất, nhưng các đấng sinh thành ra mình vẫn là nơi nương tựa vững chãi cần thiết như nhà cần nhất phải có mái che. 
Những ngày còn có mẹ. Tôi hay nói chuyện với bà rất thân thiết... Tôi không ngại bầy tỏ những hoài bão, những ước mơ, hoặc kể lể những thất bại vấp phải trên đường đời... Mẹ vẫn là người nhìn tôi thông cảm thương sót...ánh mắt nhân từ, và những lời khuyên giản dị nhưng làm tôi lúc nào cũng thấy mình được nâng đỡ và che chở.
Còn sự báo hiếu của tôi ? Quả thật từ tấm lòng son trẻ thuở lên năm hay lên mười cho tới ngày tôi già cả và đã mất đi mẹ hiền . Lúc nào tôi cũng quý bà tận ở trong tâm ! Miếng ngon khao khát tặng người... 
Có bát canh Cần cũng muốn mang cho..

Bóng mẹ như Lan Hạc Trắng

- Làm gì cũng chỉ sợ mẹ không vui...Và đặc biệt theo văn hóa Á Đông rất Việt Nam là đi làm về trao hết tiền lương cho mẹ giữ tiêu dùng trong gia đình!
Những kỷ niệm quý báu mà tôi gọi là trả Hiếu , chính là thời gian tôi được săn sóc mẹ khi bà trở bệnh, vì bị Alzheimer nên bà theo tôi ( kẻ săn sóc bà ) như một đứa trẻ. Tôi tắm rửa, thay đổi áo quần , chải đầu , đánh răng rửa mặt và xúc cơm cho bà ăn . Tôi dẫn cả mẹ vào lớp học sau khi đã xin các thầy cô giáo cho mẹ tôi ngồi cạnh. Các thầy giáo Mỹ cũng rất tử tế . Họ OK cho tôi mang mẹ vào lớp học . Nhờ vậy mà tôi đã không bỏ phí thời gian học được một số lớp cần phải theo... Rồi giờ ra chơi... hai mẹ con bách bộ trong sân trường, những đóa Hồng dại mọc lan tràn trên hàng rào sân cỏ...tôi chẳng thấy đời bơ vơ khi có mẹ đi bên cạnh tôi... Và cái lớp học ngày xưa , tôi được nhớ nhiều vì hình ảnh dẫn mẹ đi học . Bạn học cũ gặp lại tôi cũng đều hỏi thăm mẹ. Nếu biết cụ đã qua đời thì đều tỏ lòng thương tiếc... Tôi có làm tròn bổn phận làm con ? Khi đã có một thời gian dài gần gũi ? Chỉ một mình tôi trong bầy con năm đứa của bà , được săn sóc miếng ăn giấc ngủ, và trong tâm khảm của bà những ngày cuối cùng chỉ còn mỗi tên " Con Hà " trong trí nhớ.

Biết ra sao ngày sau ? Nay tôi cũng đã tuổi xế chiều, ngồi mong con nhớ cháu. Ước mong chúng gần gũi để được ẵm bồng những đứa bé bụ bẫm dễ yêu. Hoặc được nghe những đứa con tỉ tê tâm sự , khoe những thành công hay kể những thất bại , những chuyện vặt hàng ngày được bày tỏ hầu mong một tâm tình thông cảm ? Tôi lại thấy xứ Mỹ người ta lập ra đủ thứ nhân quyền ghi vào hiến pháp...Lạ một điều họ không hề kể ra cái quyền được con cái phụng dưỡng ? Hay bổn phận làm con ? Cha mẹ thì vất vả làm lụng nuôi con, thức khuya dậy sớm, mất ăn mất ngủ khi con cái đau ốm. Phải săn sóc dậy dỗ hơn nửa đời người...Sao khi về già lại không được cái quyền được con nuôi lại và kính mến ? Trái lại An Nam ta thì phụng dưỡng bố mẹ già là cả một hân hạnh diễm phúc. " Nước mắt chảy xuôi. " Trẻ con còn cha mẹ thì được nâng niu trìu mến, lẽ đương nhiên. Nhưng cái tình con cháu đối với ông bà cha mẹ thì phải được văn hóa bồi dưỡng nó mới nảy nở. 
Người nào cũng yêu con ; nhưng chỉ người nào có văn hóa mới kính yêu cha mẹ ( Lâm Ngữ Đường )
Lại một bài học thuộc lòng lớp Ba kết thúc câu chuyện :

Mai sau người mẹ của tôi 
Lưng còng tóc bạc da mồi già đi
Đưa tay ngăn lệ dâng mi
Con thưa mẹ chớ lo gì cho con
Bây giờ trăng đã rất tròn
Con làm nuôi mẹ trả ơn sinh thành.

An Khanh





          SINH  NHẬT  MẸ
          Bích  Quy

         Bố mất khi hai anh em trai còn đang học cấp ba. Tuy có vẻ lớn nhưng cả hai đứa vẫn chưa.... lớn. Đi học về  vẫn chí chóe, tỵ nạnh nhau việc nhà, vậy nhưng lại rất thương nhau.

        Chẳng mấy chốc đã đi làm và có bạn gái.  Hôm sinh nhật mẹ, hai đứa đồng thanh mời mẹ đi ăn nhà hàng. Mẹ tiếc tiền bảo để mẹ làm ở nhà, tha hồ ăn  nhưng hai đứa nhất định không   chịu.

      - "Mẹ vất vả  nhiều rồi, hôm nay chúng con đãi mẹ"

        Bà mẹ bèn sửa sọan quần áo thật đẹp  ngồi chờ. Lát sau hai cô bạn của con cũng đến.  Chúng xúm xít chúc mừng rồi tất cả lên xe đến nhà hàng.

        Xuống xe, chúng thành ra hai cặp dắt tay nhau dung dăng phía trước. Bà mẹ già chậm chạp theo sau...

         Đến nhà hàng, chúng hỏi mẹ muốn ăn món gì, bà chưa kịp trả lời vì cũng chưa biết nhà hàng có món gì.

       -  "Thôi để con gọi cho mẹ"

Bà ngồi lặng lẽ  , múc từng muỗng súp   và  nhìn chúng vui vẻ chuyện trò, ăn uống những món chúng thích .  Giá có gắp cho bà thì bà cũng chẳng thể nhai nổi .
 Bà lẩn thẩn ngẫm nghĩ chẳng biết có phải sinh nhật mình không? Cơ  mà vẫn... vui "  !!!

Bích Quy






MẸ VÀ BIỂN
TUL


Cả đời Mẹ chỉ lo chăm dưỡng đàn con , Mẹ không nghĩ gì tới thân mình . Khi tôi hỏi sao MẸ chẳng bao giờ đi chơi đâu , Mẹ đáp :
- lúc còn trẻ MẸ  không dám đi chơi đâu xa , chỉ để ba  đi một mình thôi .
-sao thế  MẸ ?
MẸ cười đáp:
- sợ nhỡ có gì .... các con để ai nuôi!.
Nghe MẸ nói thế lòng tôi không khỏi sững sờ, se thắt.
- giờ con sẽ thay ba đưa MẸ đi chơi .
MẸ cười chẳng nói .
 Rồi tôi đưa MẸ đi biển . Khi  gần tới  , thấy  biển thấp thoáng  từ đằng xa , MẸ  hỏi:
- Biển đấy à !!!
Giờ nhớ lại những lời MẸ,   tôi vẫn trào nước mắt.

TUL

                                               


BA BÔNG HỒNG CHO NGÀY CỦA MẸ
P.Hà.

Tôi có ba bà mẹ.
Mẹ sinh ra tôi, một người mẹ hiền hậu, nhân từ. Thuở còn trẻ mẹ cũng được ông Ngoại tôi cho đi học cả tiếng Pháp , nhưng sau khi lập gia đình với ba tôi ,cả một đời mẹ sống thật đơn sơ giản dị, hanh phúc của bà là dồn hết tình thương , lo lắng cho bầy con gái ăn học thành tài rồi lập gia đình yên ổn. Khi đến tuổi khôn lớn và hiểu biết tôi mới thấu hiểu được nỗi niềm tâm sự của mẹ mà không một người phụ
nữ nào có thể chấp nhận được là mẹ đã sống cùng một mái nhà với người đàn bà đã chia sẻ bớt tình yêu thương của chồng mình ( tức là ba của tôi)
Nhưng không vì điều này mà chị em tôi mất đi lòng thương yêu và kính trọng đối với ba của tôi. Ông hẳn là người đã có một chiến lược tề gia rất hiệu quả mới duy trì được gia đình yên ấm như vậy.
Nhưng có một điều mà chị em chúng tôi rất khâm phục và yêu kính mẹ là mẹ vẫn đối xử với " tình địch" của mình rất tốt và thương yêu như chị em. Tôi còn nhớ Mẹ may chiếc áo dài nào thì tình địch của mẹ cũng có một cái giống y hệt như vậy và tôi luôn luôn là con bé được ngồi giữa hai bà.
Mẹ còn dạy bảo chị em tôi là phải luôn yêu thương, kính trọng và chăm sóc " tình địch" của mình như một người mẹ thứ 2.
Tôi đã học được sự hy sinh, thương yêu và tha thứ từ người mẹ hiền từ, nhân hậu này. Mẹ sinh ra tôi đã khuất núi, ngày làm lễ hỏa thiêu cho mẹ, tôi đã không về được để chịu tang mẹ. Xin lạy mẹ tha tội bất hiếu. Hôm nay ngày của mẹ, tôi tự cài một bông hoa trắng lên áo để nhớ đến người mẹ sinh thành.

Người Mẹ thứ hai của tôi lại chính là "tình địch" của Mẹ sinh ra tôi. Xin gọi bà là Mẹ Hai cho dễ . Tôi không biết mẹ hai đã có mặt trong gia đình tôi từ lúc nào chỉ biết rằng lúc tôi còn nhỏ chính bà là người đã chia sẻ với mẹ sinh ra tôi mà chăm sóc cho tôi với tất cả tình thương của một người mẹ ruột , nên tôi đã quen gọi bà là mẹ từ thuở nhỏ và cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ có một ý nghĩ bà không phải là mẹ mình. Thủa xa xưa, Mẹ hai tôi đẹp từ hồi còn trẻ nên có một ngày ba tôi đi công tác về miền quê của bà, rồi tiếng đàn mandoline của ông đã làm cô gái vùng quê rung động và ba tôi trở về nhà với mẹ hai. Không biết ông làm cách nào và không biết mẹ hai ăn ở làm sao mà Mẹ sinh ra tôi và cả hai bên nôị ngọai của tôi đều công nhận bà như là một thành viên trong đại gia đình với thứ bậc thấp hơn mẹ sinh ra tôi một bậc. Mẹ sinh ra tôi được gọi là Chị Cả và mẹ hai được gọi là Chị Hai
Có một điều tôi nghĩ đó cũng là sự sắp đặt của số mệnh là mẹ Hai của tôi không thể có con , nên cái bất hạnh của bà lại giúp cho gia đình tôi sống hòa thuận vui vẻ và có lẽ vì vậy mẹ Hai thật sự thương yêu chị em tôi và chúng tôi cũng thương yêu bà như mẹ ruột. Thuở tôi còn bé bà thường chăm sóc tôi nên bà rất vui và hạnh phúc khi có bất cứ ai nói là tôi trông rất giống bà. Thỉnh thoảng những lúc gọi điện thoại về thăm nhà, bao giờ bà cũng nói mẹ nhớ tôi nhiều lắm, rồi kể chuyện ngày mồng 1 và ngày rằm mẹ đi chùa cầu an cho gia đình tôi bên này luôn được Trời Phật và ba má tôi phù hộ độ trì.
Năm nay bà đã hơn 80 tuổi. Hôm này Ngày của mẹ, tôi cũng tự cài thêm lên áo, bên cạnh bông hoa màu trắng, một bông hoa màu hồng để nhớ đến người mẹ hai và cầu xin Trời Phật phù hộ cho mẹ luôn khỏe mạnh.

Tôi có thêm người mẹ thứ ba kể từ ngày tôi về nhà chồng .
Buổi đầu về làm dâu tôi cũng như bao nhiêu nàng dâu khác, không sao không có nỗi lo sợ vu vơ về một gia đình chồng mới lạ . Nỗi lo sợ còn tăng lên hơn nữa khi ông chồng tôi lại là con trai trưởng với một đàn em trai gái đông đảo. Nhưng thôi đã lỡ rồi, tôi đành phải lấy câu tục ngữ "Yêu ai yêu cả tông chi họ hàng" ra làm câu niệm chú để " đối phó " với gia đình bên chồng. Nhưng số tôi thật may mắn, gia đình chồng tôi thật dễ dãi và mẹ chồng tôi lại thương tôi như con gái của bà. Ở bên bà được 7 năm, tôi học được ở bà nhiều đức tính tốt, tình thương yêu con vô bờ bến, hy sinh tất cả để các con có được một cuộc sống tự do, nên bây giờ tuy con đàn cháu đống, bà sống trong tuổi già với nỗi thương con nhớ cháu vì con cháu bà lại ở xa bà cả nửa vòng trái đất. Hai mươi năm trước các chú em chồng tôi có bảo lãnh cho bà mẹ chồng tôi qua bên Âu Châu, nhưng hai cụ ở được 2 năm thì lại đòi về lại VN vì nhớ hàng xóm làng giềng, nhớ tiếng chuông nhà thờ xứ đạo, và hơn hết là ông bà nhớ và thèm nghe và nói tiếng Việt Nam.
Ba chồng tôi đã mất , nên bây giờ mẹ chồng tôi lại càng thấy cô đơn trong tuổi già mong con ngóng cháu.
Hôm nay ngày của mẹ, tôi lại tự cài lên áo mình thêm một cành hoa màu hồng nữa để nhớ và tri ân tình thương yêu và hy sinh cho con cho cháu của mẹ.

Và bạn ơi, cho dù bạn có cài lên áo một bông hoa màu hồng hay màu trắng trong ngày của Mẹ thì bạn hãy cùng tôi vui sướng đi vì chúng ta đang có và đã có những người mẹ Việt Nam kính yêu đầy lòng yêu thương, hy sinh, hiền từ, và nhân hậu.

Tháng 5 - 2011
P.H.



               TẢN MẠN NGÀY MOTHER'S DAY
PHà


Bà Ba  đẩy chiếc xe troley vào siêu thị. Ui trời sao hôm nay thiên hạ lại đổ xô đi shopping đông như thế này. Họ đang sale cái gì mà người ta bu đông thế ! Bà Ba cũng mon men tới nhìn xem coi có cái gì mua được không thì hóa ra là chỗ bán hoa. Chao ôi cả một rừng hoa đủ loại đủ màu được bó lại và trang trí thành từng bó , từng lẵng hoa thật đẹp. A, bà Ba chợt nhớ ra là ngày mai là ngày Mother's Day một trong những ngày lễ quan trọng ở các nước Tây Phương hèn chi người ta đua nhau mua hoa tặng mẹ để nhớ ơn đến công ơn của các bà mẹ.

Bà Ba nhớ lại hồi mới qua định cư ở đây đâu cũng hơn 20 năm rồi, lần đầu tiên bà biết đến ngày Mother's Day là một ngày Ông Bà dắt mấy đứa con đi phố chơi thì gặp những cô gái Úc thật dễ thương , mỗi cô đều xách theo những  giỏ hoa đi vòng vòng trong mấy cái mall hễ cứ thấy người phụ nữ nào đi ngang là mấy cô lại lấy một cành hoa tặng và kèm theo lời chúc Happy Mother's Day. Hồi đó còn như nhà quê ra tỉnh Bà Ba hỏi ông Ba Mother's Day là ngày gì vậy ông? Thì là ngày của mẹ . Mà ngày của mẹ là ngày gì? Nghe Bà hỏi tới , ông ba nín khe luôn vì cũng không hiểu ý nghĩa của nó.
Dần dần Bà Ba cũng hiểu được ý nghỉa ngày của mẹ khi các con của Bà ngày này mang về tặng cho Bà những tấm thiệp chúc mửng Happy Mother's Day mà tụi nó làm ở trong trường học. và đã cặm cụi bỏ biết bao  nhiêu cố gắng và chắc chắn là có cả tình yêu thương để làm nên nhửng tấm thiệp ngộ nghĩnh đáng yêu về tặng mẹ với những hàng chữ Con yêu mẹ.  Bà ba còn nhớ hồi nẳm, thằng út đâu mới có chừng 8,9 tuổi cũng đã biết nhờ ba nó chở ra chợ mua một bó hoa về tặng cho bà, còn con hai và thằng ba  thì đi đâu đó một hồi rồi về nhà đưa cho bà một tấm thiệp, bà  mở ra đọc được những câu như vầy " tuy rằng con không nói nhưng con luôn biết ơn và tri ân những gì mà mẹ đã làm cho tụi con."   Chỉ có bấy nhiêu chữ thôi mà đọc rồi bà thấy cảm động và trong lòng vui biết  bao.
 Mấy đứa nhỏ dần dần lớn hơn thì những  tấm thiệp bà nhận được mỗi lần trong ngày Lễ mẹ  cũng nhiều hơn và bà luôn cất giữ nó như một món quà thân yêu của mình.
Bây giờ mấy đứa nhỏ lớn hết rồi,  theo  với thời đại hi tech bà Ba đã hết còn nhận được những tấm card như hồi xưa. Con Hai với thằng Ba từ trong sở làm gừi email cho bà chúc  H APPY  MOTHER' S DAY MUM. Còn thằng Út thì biết nịnh hơn nó ỏn ẻn " Con không tưởng tượng được là nếu không có má giúp thì con không biết làm sao ". Tụi nó còn đưa ông bà tới nhà hàng để ăn mừng ngày lễ mẹ nữa chứ.
Đi được vài lần vừa tốn tiền vừa phải ngồi chờ ngồi đợi mới được phục vụ tới phiên mình, mà ông Ba  lại không hạp với những món ăn nhà hàng nên bà quyết định là sẽ mừng ngày lễ mẹ ở nhà , vừa vui vẻ vừa được ăn uống thoải mái không cần phải giữ ý giữ tứ,  như phải  ăn uống từ tốn, nhẹ nhàng lịch sự khi ngồi trong những nhà hàng nhiều người dòm ngó.

Bà Ba đẩy chiếc xe đi một vòng siêu thị, lấy thêm một ít đồ cần dùng rồi đứng chờ tính tiền. Bà nghĩ trong đầu mấy đứa lớn  thì thích ăn món VN bà sẽ nhồi thịt làm nem nướng cho tụi nó, còn thằng út thích ăn món Tây sẽ lấy con gà ướp gia vị rồi nướng với khoai tây cho nó. Bà biết là ngày mai , ngày Lễ mẹ bà lại lúi húi trong bếp để làm những món ăn ngon cho các con,  nhưng bà lại thấy niềm vui rộn rã  trong lòng.

 Ừa nhưng mà kỳ không ta, ngày lễ của mẹ hay là ngày mừng con đây! Bà Ba bật cười với ý nghĩ ngộ ngĩnh này.
Thân chúc các bà bạn của bà Ba một ngày MOTHER'S DAY thật hạnh phúc với con cháu.

Tháng 5- 2012
P.H.


MẸ TÔI

Bích Quy

 Năm nay mẹ tôi đã tám mươi bảy tuổi rồi. Cái tuổi mà các bạn mẹ tôi nhiều người đã quy tiên. Bà được sáu cháu ngoại, có nếp, có tẻ, có đứa ở gần, lại có đứa ở quá xa , có đứa đang đi học và có cả đứa đã đi làm . Mẹ thương tất cả các cháu hay nhắc đứa ở xa và hối bố mẹ đứa đi làm lo mà dựng vợ gả chồng cho con.
           Thời còn trẻ, mẹ tôi cũng đẹp lắm, Đấy là tôi chỉ nhìn hình mà thấy thế thôi.
           Gương mặt bà toát ra vẻ hiền hậu, thật thà. Mẹ tôi không có con trai nhưng bố tôi lại rất yêu quý bà. Vừa rồi chúng tôi còn được ăn mừng ngày cưới thứ 63 của ông bà. Đó cũng là "kỷ lục" mà chị em tôi cùng thầm mơ ước. Chỉ cần đủ năm mươi năm , người ta đã làm lễ "kim cương" được rồi , vậy mà...tình yêu của bố mẹ tôi còn quý hơn cả kim cương?

           Hằng năm cứ đến lễ hội Hai bà Trưng mà cô Ninh là hội trưởng hay mời mẹ tôi và các bà bạn đồng trang lứa về dự hội. Mẹ tôi kể các bà đều là nữ sinh trường Đồng Khánh, tiền thân của trường Trưng Vương bây giờ. Đã có lần cô Ninh còn viết một tiểu phẩm để mẹ tôi và một bà bạn lên sân khấu diễn kịch . Chỉ có hai nhân vật diễn tả "Mối tình của chàng trai trường Bưởi và cô nữ sinh Đồng Khánh" . "Cô nữ sinh " lúc ấy là mẹ tôi đã ...Bảy mươi lăm tuổi !!! . Chao ơi, Tôi không thể biết bằng tuổi ấy tôi sẽ ra sao? Có còn ...hăng hái được như mẹ tôi không?

           Tôi còn nhớ Đại hội Trưng Vương năm ấy các bà mặc áo dài lục tục lên sân khấu . Các bà đứng chen nhau thành hàng dài . Cô Ninh đứng giữa cầm micro và bắt nhịp cho các bà hát bài hát ngắn quen thuộc từ hồi còn đi học bằng tiếng Pháp và một bài tiếng Việt. Rồi cứ mỗi năm mỗi thưa dần đi , cho đến năm ngoái thì tôi chỉ còn thấy vài cụ lên sân khấu phải có con cháu dìu đi. Các cụ đều trên tám lăm tuổi cả rồi . Chỉ lên cho có mặt để đại diện cho lứa học trò xưa của thế kỷ trước thôi . Thật là ngậm ngùi vì có cụ đã về miền tiên cảnh, có cụ ốm đau và có cụ theo con cháu dời đi xa không thể đến được. Thời gian trôi thật nhanh, ngay cả các thầy cô giáo dạy chúng tôi là thế hệ sau của lớp người như cô Ninh và mẹ tôi cũng đã quá già rồi . Bọn học trò như chúng tôi cũng có đứa làm "bà nội, bà ngoại" đấy thôi.

           Càng ngày tôi càng thấy mẹ tôi quên nhiều những chuyện mới xảy ra nhưng lại nhớ được cả những chuyện lúc tôi chưa sinh ra. Mẹ tôi hay nhớ về quê ngoại , ở tận làng Hữu xa xôi miền Bắc. Đặc biệt mẹ tôi chẳng bao giờ bầy tỏ cái sự thương nhớ ấy với chúng tôi, " lũ vịt giời" chỉ có hai đứa kịp sinh ra trên đất Hà nội nhưng lại chẳng biết tý nào về chốn ấy vì quá nhỏ đã phải theo bố mẹ vào Nam khi đất nước bị chia cắt. Chỉ khi có các anh chị họ tôi ở miền Bắc vào thăm là mẹ tôi mới trút nỗi niềm :
- Cô nhớ quê quá, bao giờ mày ra cho cô theo với. Cô vẫn nhớ cái nhà lớn ở giữa cái sân to có cây nhãn bên cạnh cái bể nước ấy cháu ạ. Cây nhãn sai quả lắm, thưở nhỏ cô vẫn trèo lên hái đấy.
             Mẹ tôi quên là mình chẳng thể đi đâu xa được nữa rồi.

             Có khách đến nhà là mẹ tôi thích lắm, cứ tưởng như ai cũng biết quê của bà.
- Này , cháu có biết làng Hữu không ? Làng Hữu Thanh Oai ấy .
Mẹ tôi đinh ninh rằng ai cũng phải biết cái làng Hữu yêu quý của bà . Lúc mới thông thương, mẹ và tôi cũng có dịp được ra thăm . Đó là quê nội của mẹ tôi , một làng quê yên ả , có con sông Nhuệ chảy qua cây đa đầu làng. Phong cảnh thật hữu tình . Lúc ấy , làng của mẹ tôi chưa có gì thay đổi vẫn y như hồi mẹ rời xa nên khung cảnh ấy cứ in đậm mãi trong tâm trí của bà.
Thỉnh thoảng bà hay kể mình nằm mơ thấy trở về làng cũ. Có lẽ mẹ tôi cứ sống với cái tiềm thức ấy lại đẹp hơn. Hiện tại thì nó đã chẳng còn dấu vết gì của cái hồi xa xưa ấy. Người ta đã biến cải nó thành phố phường mất rồi .
             Mẹ tôi mà đi tắm thì rất lâu mới ra . Chẳng ai biết bà làm những gì mà lâu thế? Có lần bà kể :"Suýt nữa thì ngã may mà bám được vào cái lavabo " Từ đó chúng tôi thuyết phục bà không được cài cửa nhà tắm. Có lần, cần lấy cái khăn tôi đã hé cửa vào thì thấy bà đang... cọ sàn nhà tắm. Lần khác thì bà đang ngồi giặt khăn....Chung quanh bà xếp những bốn cái chậu nhựa. Hỏi sao bà để lắm chậu thế? Bà bảo thế mới tắm đủ. Thì ra bà chẳng tắm bằng vòi sen có nước nóng, lạnh mà cứ hứng ra chậu rồi mới tắm.

           Tôi bắt đầu nấu bữa cơm chiều thì bà cũng lấy quần áo vào nhà tắm. Tôi nấu xong và dọn cơm ra , gọi bà thì bà bảo :"Cứ mời ông ăn trước đi, mẹ ăn sau" Bố tôi ăn xong rồi mà mẹ tôi vẫn chưa ra. Vậ̣y là bà đã ở trong nhà tắm hơn hai tiếng đồng hồ. khi ra ngoài với đầu tóc ướt nhem, mấy đầu ngón tay nhăn nheo vì ngâm nước quá lâu. Không thể để tình trạng này kéo dài. Tôi quyết định từ nay phải tắm cho bà. Lúc đầu nghe tôi nói là bà giãy nảy lên ngay, phản ứng rất quyết liệt không chịu để tôi tắm .

           Tôi phải vừa cương quyết vừa dịu ngọt mới dỗ được bà vào nhà tắm. Tôi dẹp hết các chậu của bà và để bà ngồi vào một cái ghế tắm , vừa gội đầu xong thì tôi nhẹ nhàng xoa xà bông tắm rửa , kỳ cọ cho bà. Ngày xưa thân thể mẹ tôi thẳng thớm , cao ráo là thế, vậy mà bây giờ...tôi xót xa nhìn cái lưng còng xuống cong như con tôm khiến hai bầu vú mẹ tôi gần chạm đến rốn. Cái bụng cũng to ra, chảy xệ xuống che lấp cả háng. Có lẽ mẹ tôi bị bệnh loãng xương nên mới thế.
Tôi lau khô người và mặc quần áo vào cho bà . Xong đưa bà ra ngoài ngồi vào ghế. Bà nói :" Sao mà tắm nhanh thế? Tắm thế thì sao mà sạch được?" Tôi hiểu là mẹ tôi đã quen tắm lâu và cho như thế mới kỹ càng , mới sạch được. Tôi quyết định từ đây sẽ mỗi ngày tắm cho mẹ và tôi thấy rằng chỉ trong vòng một tuần bà đã quen cho tôi tắm và bà cũng cảm thấy như thế khỏe ra. Sau đó , dù tôi bận việc hay đi vắng thì bà cũng đợi tôi về để tắm cho bà.
           Xem truyền hình, mẹ tôi hay hỏi những câu :
           - Nó nói cái gì thế con?
           - Xem chẳng hiểu gì cả
           - Phim gì mà cứ chốc lại đánh nhau .
Mẹ tôi đã nghe không rõ và không nghe kịp nữa rồi. Chỉ có phim hoạt hình là mẹ ít hỏi nhất.



            Đến bữa , cha mẹ tôi ngồi cạnh nhau . Ông luôn xẻ nửa bát cơm cho bà, còn bà thì gắp thức ăn cho ông. Món ăn thường được cắt thật nhỏ hoăc xay ra hay nấu thật mềm cho dễ ăn. Có khi ông còn xúc cho bà ăn và cứ nhìn bà thật "đắm đuối" . Thỉnh thoảng ông còn nắm lấy tay bà thật là tình cảm. Ông cũng đã chín mươi hai tuổi rồi , mắt mờ, chân run nhưng vẫn cứ muốn săn sóc bà.

Trước kia mẹ tôi rất chăm chỉ làm việc nhà, bây giờ bà đã quên và lẫn nhiều nhưng vẫn thích làm như một thói quen. Bà lấy quần áo ra , sắp xếp lại nhưng lại quên không biết cất thế nào cho đúng chỗ, thế là thay vì gọn gàng bà lại làm bừa bãi ra thêm. Rốt cuộc bà lại có thêm việc mới là đi tìm những vật dụng của mình chẳng biết cất ở đâu.
           - Có đứa nào lấy của mẹ cái lược không? Vừa để đây mà đâu mất rồi?
Bà cũng chẳng còn nhớ là mình "vừa để" hay đã dúi vào một xó xỉnh nào rồi. Có lần người ta cho hộp bánh, bà đem cất kỹ rồi quên , đến khi tôi sắp xếp lại tủ mới tìm thấy thì nó đã quá date và không còn dùng được nữa rồi.

        Mẹ tôi vẫn ăn được và ngủ rất nhiều. Lưng còng nên bà nằm cong lại như con tôm . Mẹ tôi đã chẳng còn phân biệt được ban ngày hay ban đêm . Mời bà ăn cơm chiều thì bà bảo :
- Mới sáng ra đã ăn cơm à? Chưa ăn sáng mà.

        Một hôm mẹ tôi leo được hai bậc cầu thang thì ngã . Bà nằm sõng soài ở chân cầu thang. Máu chảy ướt cả áo. Tôi đỡ bà lên ghế, cầm máu và băng bó vết thương cho bà. Tôi chỉ có thể đoán rằng khi ngã bà đưa tay lên đỡ và cái vòng vỡ đã cứa vào sau tai làm chảy máu. Bà rất tỉnh táo hỏi :
        - "Mẹ nghe bịch một cái to lắm. Đứa nào ngã thế?"
Trời ơi, bà đã không biết là mình ngã. Khi tôi băng bó thì bà bảo :
        -"Làm cái gì trên đầu mẹ thế? " Rồi lấy tay giật cái băng ra. Mấy lần như vậy. Cuối cùng phải xỏ hai cái tất vào tay bà , rồi giữ yên thì bà mới thôi.
       
          Đi khám thì chẳng phát hiện ra bệnh gì nhưng kể từ ngày ấy thì mẹ tôi cứ yếu dần đi. Tất cả thức ăn đều phải xay nhiễn và mẹ tôi chỉ có thể nuốt chứ không phải nhai nữa.
Mẹ tôi đã chẳng phân biệt được ngày đêm và vị trí nữa rồi . Bà hay hỏi "Giường ở đâu?" "Nhà tắm ở đâu?". May mà mẹ tôi vẫn còn "nhận diện" được những người thân quen.

          Cũng y như khi chăm em bé nhưng bé thì dễ thương , mỗi ngày mỗi lớn, mỗi nở ra như một đóa hoa còn mẹ tôi dù có chăm sóc kỹ lưỡng thế nào thì mẹ tôi cũng ngày càng yếu đi, héo dần đi thôi ....

         Tôi nghiệm ra rằng qua bên kia con dốc cuộc đời, ông Trời sẽ lấy lại từ từ sức khỏe và tâm trí để người ta lại trở về với tuổi thơ vô tư như hồi còn là nhi đồng.

          May là Trời còn thương không để mẹ tôi phải bệnh tật nan y gì. Vẫn biết sinh tử là lẽ tự nhiên nhưng tôi vẫn mong mẹ cứ sống với tiềm thức đẹp đẽ một thời, cứ vô tư như trẻ thơ với hiện tại và cả tương lai để cho con cháu được ngày ngày cận kề bên mẹ , Mẹ ơi....

Tháng 5- 2014
Bích Quy.


3 comments:

  1. Thân Mời các bạn đọc lại những đoản văn và những vần thơ về Mẹ đã được post trong DSTV từ những ngày đầu tiên, của các " văn sĩ, thi sĩ tài tử" 63 70.

    DSTV xin chúc tất cả các bạn một ngày Mother's Day thật hạnh phúc bên con cháu.

    ReplyDelete
  2. Đọc lại những bài viết về mẹ của An Khanh,BQ,PH, TUL vẫn thấy hay, ăn ở hiếu thảo với mẹ cha thế nào cũng sẽ được đền bù xứng đáng.
    KĐ,

    ReplyDelete
  3. H da doc nhung bai van & tho nay roi ma doc lai van thay hay qua va thay long am cung. Cac bac co Me nen nhung bai viet ke lai nhieu ky niem that em dem cam dong qua...

    ReplyDelete