MÙA THU CANADA
Cô Vũ thị Nguyệt Minh
(Tổng Giám Thị trường Trưng Vương)
(Tổng Giám Thị trường Trưng Vương)
Cô Tổng Giám Thị Nguyệt Minh và TV63-70
Như Mai- Nguyệt Minh- Bạch Mai- Hồng Châu
Thời tiết đã sang Thu.... Không khí thật mát mẻ trong lành.
Những ngày đẹp như vậy tôi thường ngồi trên bậc cửa trước nhà, để ngắm trời, ngắm lá , hoa, cây cỏ, ngắm người qua lại và mơ mộng mông lung.... vì mùa thu Canada gợi cho tôi nhớ lại những mùa thu năm xưa trên quê hương, những mùa thu thật đẹp, thật thơ mộng mà bao nhà văn nhà thơ đã ca tụng vẻ đẹp thanh cao, lãng mạn, với heo may lành lạnh, lá khô xào xạc trên hè phố, với thiếu nữ với những chiếc khăn quàng voan mỏng phất phơ trước gió.
Căn nhà của gia đình tôi ở Hà Nội, ăn hai mặt đường. Cổng trước là phố Hàng Cót, có xe điện chạy ngang, đi từ bờ hồ Hoàn Kiếm đến làng Bưởi. Hai bên đường trồng toàn cây sấu, một loại cây chỉ thấy ở miền Bắc, quả nhỏ như quả nhãn, lúc còn xanh thì rất chua, thường dùng nấu canh hoặc làm "sấu dầm"(ngâm trong nước đường), lúc chín vàng thì có một vị thơm ngon đặc biệt, chua chua, ngọt ngọt, ròn tan, nghĩ lại thấy thèm rõ rãi...
Cổng sau là đường Phan đình Phùng, một con đường nhỏ xe cộ và người qua lại thưa thớt, vì là khu dành cho gia đình sĩ quan Pháp . Hai bên đường trồng toàn cây bàng, lá thật to bản, mùa thu rượp mát cả con đường, mùa thu lá đổi màu đỏ và gió heo may, làm lá khô rơi rụng khắp hè phố. Tôi nhận thấy cứ nếu đêm trước có gió lớn là sáng hôm sau khi dắt xe đạp ra cổng sau để đi học, sẽ có khoảng 5, 6 trẻ em vừa trai vừa gái khoảng 9, 10 tuổi, tay xách một bao tải lớn chạy lăng xăng nhặt lá khô cho vào bị. Chúng làm việc rất lanh lẹ, chân thì vun lá thành đống, tay thì nhặt lá nhanh thoăn thoắt. Nhiều khi vừa vun xong thì có cơn gió thổi mạnh khiến lá bay tứ tung, vậy mà chúng vẫn cười hồn nhiên, vui vẻ đuổi theo đám lá . Sau này hỏi ra mới biết các trẻ em này là con các gia đình lao động nghèo, sống trong những căn nhà lá ở Bãi Phúc Xá dọc bờ sông Hồng. Chúng nhặt lá khô để đun bếp.Tôi nhớ nhà văn Thạch Lam đã viết một phóng sự về các trẻ nhà nghèo ở Hà Nội phải đi nhặt lá khô trên những đường vắng xe cộ để giúp gia đình nhiều khi không đủ miếng ăn, không có củi đun bếp - thật đáng buồn vì thời đó ai cũng ca tụng " Hà thành hoa lệ " - có biết đâu bộ mặt trái của Hà thành.
Trường Nữ trung học Trưng Vương Hà Nội được tái lập năm 1947, sau nhiều năm di tản để tránh hết bom Nhật rồi đến bom Pháp - và cuộc đời " nhà giáo" của tôi đã bắt đầu ở trường này ngay khi trường vừa tái lập. Trường tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng ( một trùng hợp thật ngẫu nhiên ) một đại lộ rất đẹp, cây cao bóng mát, một tòa nhà hai tầng khang trang, bề thế, với những lớp học rộng rãi sáng sủa, mùa hè hoa phượng đỏ ối cả một bầu trời, và mùa thu trong sân trường những tà áo dài tha thướt của nữ sinh tung bay trước gió.
Mỗi năm vào mồng 6 tháng 2 âm lịch, nữ sinh Trưng Vương đồng phục áo lam, tới dự Lễ Tế Hai Bà tại đền thờ ở làng Đồng Nhâm gần Hà Nội.
Cuộc đời tưởng cứ êm đềm trôi, không chút bóng gợn. Trường đương trên đá phát triển mạnh với những thành quả tốt đẹp. Đâu có ai ngờ mùa hè 1954, trong khi toàn trường nghỉ hè chỉ có mấy nhân viên thay phiên trực, thì trường được lệnh di chuyển vào Nam vì đất nước chia đôi.
Trong tôi lúc đó thật ngổn ngang trăm mối. Phần lo thu xếp việc gia đình, phần lo dọn trường, tôi như người mất hồn làm việc như cái máy. Nỗi buồn ly hương rời bỏ quê cha đất tổ với biết bao kỷ niệm một thời niên thiếu, thật đau đớn ,sót sa....
Nhưng rồi ngoài sự mong ước của người TV, tôi cứ nghĩ lẩn thẩn , chắc Hai Bà phù hộ - ngôi trường TV ở Saigon thật là bề thế, khang trang, và cuộc sống bắt đầu hơi lạc lõng, nhưng rồi cũng rất thoải mái, yên vui.
Tòa nhà ba tầng ở cuối con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cây cao bóng mát, với những phòng học rộng rãi, cao ráo, lại đối diện với Thảo Cầm Viên, một khu thật yên tỉnh, không khí trong lành xa hẳn tiếng ồn ào và khói bụi của Đô Thành, giúp cho việc học hành thật thoải mái.
Năm 1975, " Kỷ Yếu TV" ra đời đánh dấu 20 năm sinh hoạt ở miền Nam, với những thành tích lừng lẫy, vẻ vang về cả 3 mặt : giáo đục, đức dục và kỷ luật. Thầy trò hân hoan sửa soạn " Lễ phát thưởng" của cuối niên học - phìa sau sân trường vẳng đưa lại tiếng đàn, hát, tập dợt văn nghệ.... Đâu có ai ngờ, một cuộc đổi đời, đưa tới sự ra đi của hàng triệu đồng bào tới những bến bờ vô định....
Tôi đã rời bỏ quê hương và mái trường thân yêu mà đối với tôi như gia đình thứ 2, vào một ngày đầu năm 1980 để đi đoàn tụ gia đình ở Canada.
Bạn bè đồng nghiệp, thân thích, ai cũng mừng cho chúng tôi và thầm mong ước được may mắn như tôi. Nhưng riêng tôi thật buồn, một nỗi buồn ray rứt, khôn nguôi, như mất đi một kỷ vật thật quí báu, thật thiêng liêng - Cuộc ra đi này chắc không có ngày về, tương lai rồi sẽ ra sao? Bao câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu, làm giảm niềm vui đoàn tụ. Tôi nhớ lại câu nói của một văn hào Pháp : Mọi đổi thay, dù mong ước đến đâu, cũng vẫn đượm buồn ! - " Tous les changements, même les plus souhaites, ont leur tristesse "
Thật đúng với hoàn cảnh của tôi.
Từ đó đến nay, đã 33 mùa thu qua, trên đất nước thanh bình này ! Canada thật xứng đáng với biệt danh " đất lạnh tình nồng ". Người dân Canada đã mở rộng vòng tay đón tiếp người tha hương với tất cả tình người, thật đằm thắm , thật khoan dung, khiến cuộc sống lưu vong thật bình thản, êm đềm.
Nhìn những hàng lá vàng, lá đỏ rực rỡ dưới nắng thu, tôi cảm thấy tâm hồn thật thư thái, và dòng suy tư tưởng nhớ lại quê hương xa vời, tới mái trường xưa luôn vang tiếng cười nói hồn nhiên, vui vẻ của các nữ sinh mà giờ đây tản mác khắp bốn phương trời, vẫn dành cho các thầy cô những tình cảm thật thân thương, trân quí.
Quê hương thân yêu và mái trường yêu dấu mãi mãi sống trong lòng tôi.
Mến gửi các em cựu nữ sinh Trưng Vương ở khắp nơi, lời chào thân ái và lời chúc tụng chân thành may mắn và hạnh phúc.
Montreal mùa Thu 2013
Vũ thị Nguyệt Minh.
Cô Nguyệt Minh và TV6370.
Minh Quang- Ngọc Anh
Kim Trang- Ngọc Nga- Minh Khiết- Như Mai
Trường Trưng Vương Ngày xưa năm 1947
Trường Nữ Trung học Trưng Vương Saigon trước 1975