Sự tích ông Công ông Táo
Ngày 23 tháng chạp hằng năm Âm lịch, người ta quen lệ tiễn ông Táo về trời. Người miền Bắc gọi là Chạp ông Công, người miền Nam gọi cách cụ thể hơn là ngày đưa ông Táo về Trời
Việc tin thờ Táo quân chắc hẳn rất xa xưa, nhưng không vượt trước thời kỳ con người còn sống theo lối du mục, sớm nhất cũng chỉ từ giai đoạn biết định cư trồng lúa, làm rẫy… nghĩa là biết nấu nướng, làm chín thức ăn. Các loại phương tiện để kê nấu (sau này là cà ràng, hỏa lò) được xem là một sự hóa thân của thần bếp.
Tích ông Táo
Học phái Lão Tử cho rằng có một vị thiên thần coi việc thiện ác của từng gia đình và mỗi năm một lần về tâu sự với Ngọc Hoàng. Người Việt Nam quan niệm về ông táo khác với người Trung Hoa, tích kể rằng:
Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ rất nghèo khổ. Chồng tên là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Họ lấy nhau đã lâu mà không có con, cho nên thường buồn phiền cãi lẫy với nhau.
Một hôm Trọng Cao quá tức giận mà đánh vợ. Tức mình, Thị Nhi bỏ nhà ra đi, rồi gặp một chàng trai là Phạm Lang, anh này đã dùng lời ngon ngọt và khéo léo quyến rũ được Thị Nhi. Hai người ăn ở với nhau thành vợ chồng. Khi Trọng Cao hết giận, thấy vợ bỏ đi mất, liền đi tìm kiếm vợ khắp nơi, nhưng không thấy tăm hơi, buồn rầu bỏ công ăn chuyện làm, ra đi làm người hành khất để đi tìm vợ.
Một hôm, Trọng Cao đến một nhà khá giả xin ăn, bà chủ nhà đem cơm ra cho. Thì ra đó là Thị Nhi. Hai người nhận ra nhau, tình xưa nghĩa cũ dễ nào quên. Thị Nhi hối hận vì đã lấy Phạm Lang. họ đang hàn huyên thì bất ngờ người chồng mới là Phạm Lang từ ngoài đồng đi làm về, Thị Nhi mới nói Trọng cao vào ẩn trong đống rơm. Phạm Lang về nhà để cốt lấy tro bón ruộng, nên đốt đống rơm lấy tro. Trọng Cao đang say ngủ trong đống rơm vì đường xa mỏi mệt ấy bị chết cháy, người vợ cũ là Thị Nhi, thấy vậy cũng lao vào lửa chết theo. Phạm lang thấy vợ chết cũng lao mình vào đống rơm đang cháy ấy mà chết.
Cũng có tích khác: sau khi Thị Nhi lấy Phạm Lang, một hôm trong nhà cúng đốt mã ngoài sân, có một hành khất vào ăn xin. Thị Nhi nhận ra người chồng cũ của mình, động lòng thương đem gạo ra cho. Bị Phạm Lang nghi ngờ, Thị Nhi lấy làm xấu hổ đâm đầu vào đống lửa đang đốt mã mà tự tử. Trọng Cao cảm tình ân nghĩa cũng lao vào lửa mà chết theo, Phạm lang vì mối tình thương vợ, cũng nhảy vào cùng chết.
Thượng đế thấy ba người có nghĩa mới phong cho làm Táo Quân, và phân chia mỗi người một việc:
Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp.
Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà.
Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom việc chợ búa.
Ý nghĩa của tích truyện
Vượt qua cái lý để đạt tới cái tình: Người Việt xưa không bao giờ có thể chấp nhận việc đa phu, một bà hai ông. Người ta thường chỉ trích “Thế gian một vợ một chồng, không như vua bếp hai ông một bà”. Như vậy, điều mà tích truyện nhắc tới, đó không phải là cái lý, nhưng là cái tình nghĩa phu thê, sống chết cùng nhau.
Liên hệ đến gia đình: Quan niệm táo quân là vị thần thứ nhất, quan trọng hàng đầu trong gia đình, nhiều địa phương có tục lệ, người con gái khi mới về nhà chồng, phải làm lễ ở bếp, hay ở bàn thờ Thổ Công, để xin phù trợ về sau trong công việc bếp núc, tề gia, nội trợ, quán xuyến gia đình. Tục ngữ phương Tây có câu: “bàn tay đưa nôi là bàn tay cai trị thế giới”, người Việt Nam thì quan niệm: Người nội trợ là nội tướng trong gia đình.
Bếp lửa mang một ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài công dụng nấu chín thực phẩm, nó còn là nơi quy tụ cả gia đình để chia sẻ với nhau bữa ăn cũng như lửa ấm. Lễ hội bao giờ cũng gắn bó với nghi thức thắp lửa thiêng. Lửa xua đuổi thú dữ, tạo bầu không khí ấm áp…Không gia đình nào là không có bếp lửa. Ngày nào lửa không bén trên bếp, ngày ấy là một ngày gia đình thiếu hơi ấm, thiếu tình thương.
Thường xưa kia, có gì lủng củng, đau yếu là người ta phải xem lại bếp núc tức là ông táo có được giữ sạch sẽ hay không?
Táo quân định đoạt phúc đức cho gia đình. Phúc đức này là do sự ăn ở phải đạo của gia chủ và của mọi người trong nhà.
Sự tích ông táo trong dân gian Việt Nam, có những nét đẹp truyền thống. Người Việt Nam tiễn ông Táo ngày 23 tháng Chạp chứ không tế Táo quân vào mùa hạ như người Hoa. Xưa. Trước ngày 23 tháng Chạp, người ta đến hàng vàng mã mua hai cái mũ nam, một cái mũ nữ và một hoặc ba con cá chép (dùng cho Táo cưỡi), rồi đem đốt những vật dụng đang thờ, đã hư cũ. Đồng thời người ta cũng thay luôn mấy “Ông Táo” đã sứt mẻ bằng cách “trân trọng” gửi ở bụi tre hoặc một gốc cây nào đó sau vườn, về sau.
Tuy nhiên, hiện ở nông thôn, nhiều nơi vẫn làm gà, cúng “hăm ba tháng Chạp Táo quân về trời” đàng hoàng. Họ coi ngày này như hội nghị thường kỳ của thượng giới, và cũng có ý tạo điều kiện cho Táo quân kịp trở về trần gian ăn Tết với gia đình.
Ba Vị
Thổ Công trông nom việc trong bếp, Thổ Địa trong nom việc trong nhà, Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa cho đàn bà và việc sản sinh của vật nuôi và cây trồng trong gia đình. Gộp lại cả ba vị Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ được gọi là Táo Quân với nhiệm vụ định phúc cho cả gia đình. Táo Quân, được hiểu nôm na là vua bếp, ba ông đầu rau hay ông núc vốn.
Táo Quân được các gia đình cúng lễ quanh năm, vào các dịp sóc, vọng thường hương hoa oản quả. Những dịp lễ tết giỗ chạp hay có công to việc lớn trong nhà có thể cúng chay hoặc cúng mặn tuỳ nghi. Dịp lễ long trọng nhất dành riêng cho Táo Quân chính là tết ông Công ông Táo vào 23 tháng chạp. Theo tín ngưỡng cổ truyền, đây là ngày Táo Quân lên trời báo cáo Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian, những hành vi, việc làm tốt, xấu của các thành viên trong gia đình trong năm một cách khách quan, trung thực. Phương tiện để Táo Quân lên trời là cá chép vàng. Tết ông Công ông Táo làm to nhỏ, chay mặn tùy khả năng mỗi gia đình, nhưng dứt khoát phải có bộ mã Táo Quân mới. Sau khi cúng Táo Quân, người ta hóa mã, đồng thời hóa cả bộ mã năm trước
Lễ cúng Táo Quân
Hình ảnh Táo Quân – vua bếp cũng trở nên gần gũi với cuộc sống hiện đại hơn với quan niệm gia đình nào được Táo Quân phù hộ nhiều thì hạnh phúc, yên ổn, thành đạt, bếp đỏ lửa mỗi ngày. Những gia đình không có điều kiện đỏ lửa mỗi ngày để ông vua bếp làm nhiệm vụ thì ngầm hiểu là Táo Quân chưa hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn tổ ẩm gia đình một cách trọn vẹn.
Lễ vật cúng Táo Quân gồm có: mũ ông công ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những giây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấỵ.
Những đồ “vàng mã” này (mũ, áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo Quân.
Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo Quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy !
Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc Việt Nam người ta còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý “cá hóa long” nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông táo về trời. Con cá chép này sẽ sau đó được “phóng sinh” (thả ra ao, hồ hay sông). Tại miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Ở miền Nam thì giản dị hơn, người ta chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.
Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…v…v) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc..v…v..) để tiễn Táo Quân.
Sự tích Táo Quân bắt nguồn từ Trung Hoa, cho nên truyện đã được “Việt Nam hóa” với nhiều tình tiết khác nhau. Tuy nhiên, các câu truyện vẫn nói lên “tình nghĩa yêu thương” giữa một người vợ và hai người chồng cũ và mới. Chính vì những mối ân tình đó mà ba người đều đã quyên sinh vì nhau… Thượng đế thông cảm mối tình sâu nghĩa đậm này đã cho về bếp núc ở gia đình… Bài vị thờ vua Bếp thường được ghi vắn tắt là “Định Phúc táo Quân” nghĩa là thần định mọi sự hạnh phúc.
Sưu tầm trên internet.
Cam on Phuong Ha. Truyen hay va tranh ve ong Tao cuoi con ca chep chau troi cung tieu lam lam. Huong cu thac mac la tai sao ong Tao cuoi ca chep. Ca chep co y nghia gi dac biet trong truyen khong cac mo nhi?
ReplyDeleteCám ơn Hà đã sưu tầm bài Táo Quân rất hay, hy vọng sinh ra đúng ngày này nên mong ông phù hộ nhiều thì được hạnh phúc, yên ổn, thành đạt, bếp (điện) đỏ lửa mỗi ngày.
ReplyDeleteKĐ