Hoàng Anh Thư
Một sáng chủ nhật tháng tư tôi cùng một nhóm bạn và một thầy giáo với nhóm sinh viên của thầy đến Bình Dương. Đó là một cơ sở bảo trợ xã hội chuyên thu gom những người già, tàn tật neo đơn, những em bé bị bỏ rơi vì nhiều lý do như bị bại não, bại liệt, hội chứng down, thậm chí do lầm lỗi của mẹ mà không muốn nuôi con....
Chúng tôi cùng góp tiền rồi chuẩn bị mua hàng, rồi đóng gói mấy trăm phần quà mất nhiều ngày.....Tất cả đã sẵn sàng để chuyển lên xe. Nắng đã lên cao chúng tôi đi xuyên qua một cánh rừng mới đến nơi. Được một lãnh đạo của cơ sở khái quát về tổ chức và tình hình tài chánh nơi này, tôi không thể nào hình dung được với món tiền quá ít ỏi chỉ bằng nửa tô phở để chi phí cho mỗi người ở đây với cơm ngày ba bữa và cả thuốc men cùng các vật dụng vệ sinh cần thiết, họ vẫn tồn tại và "phát triền". Người "xuất" thì ít mà người "nhập" thì hầu như lúc nào cũng có.
Đi qua cổng có chốt bảo vệ là một khu đất rộng mênh mông trồng rất nhiều cây. .Ở đây còn được chia ra nhiều trại, mỗi trại gồm nhiều nhà. Những dãy nhà mái tôn, xây song song với nhau được đánh số rất to trên tường 01, 02, 03, ....Nhà nào cũng có nhiều cửa sổ và nền được lát gạch bông .Trại người già, trại của trẻ em, trại người bệnh thiểu năng...v..v...Trại người già thì lại có nhà cho cụ ông riêng, cụ bà riêng, rồi lại riêng nhà cho các cụ bà bị loãng xương gãy chân, không đi lại được v...v...
. Ngoài ra còn có khu làm việc của ban điều hành , khu vực trạm xá y tế ,nấu ăn, vệ sinh...Tôi thích nhất là những mảnh vườn trước mỗi nhà được chăm bón tưới tắm với những cây hoa đang trổ bông tươi thắm, những thảm cỏ xen kẽ như trong công viên. Tất cả đều do công sức của nhân viên và của những người ngụ cư ở đây chăm lo. Dưới cái nắng tháng tư gay gắt, đến người còn héo hắt thì đủ hiểu công sức tưới tắm cho vườn cây xanh tốt như vậy thật không dễ dàng gì.
Chúng tôi chia thành nhiều nhóm nhỏ để đến từng nhà phát quà. Tôi và ba em học sinh đến nhà số 02 .Nhà có nhiều cửa sổ nên rất sáng và thoáng. Chính giữa là lối đi khoảng một mét , hai bên là hai cái bệ xây bằng gạch và xi măng cao khoảng tám mươi cm chạy dài dọc theo hai bức tường , trên mặt được tô láng sạch sẽ . Trên cái bệ đó cũng có kẻ vạch để ngăn ra mỗi người một ô khoảng một mét bề ngang và hai mét bề dài. Mỗi bên có khoảng mười ô như vậy .Đó là phần của mỗi cụ ông làm "giường" . Đầu giường là để gối, chăn, mùng, mền... Phía trên tường người ta còn đóng một hàng kệ . Tôi nhìn thấy những thùng carton xếp ngay ngắn. . Những thùng ấy là cả một "gia tài" của các cụ chứa quần áo hay những đồ vật riêng tư ...Có lẽ đã được báo trước nên các cụ đã ngồi xếp bằng trên giường, trước mặt để cái khay nhựa có nhiều ô, có lẽ là khay đựng thức ăn hằng ngày . Chúng tôi chia nhau để từng gói quà vào cái khay ấy. quà cũng chỉ là bánh mì, phomai, bánh giò, bánh bao, hộp sữa tươi, hộp yaourt. ..đủ cho các cụ một bữa trưa. Chúng tôi mời các cụ ăn, nhưng hầu như các cụ cất hết. Tôi có hỏi thì các cụ nói mình đã được ăn sáng no rồi nên để dành ăn dần....
Nói chuyện với một vài cụ thì được biết có cụ đã ở đây mười lăm năm, có cụ mười năm và có cụ mới chỉ vào được vài tháng. Tất cả đều tóc muối tiêu và bạc trắng. Cụ nào cũng gầy gò , hom hem nhưng trông rất tươm tất. Có cụ còn đeo cả đồng hồ, kính lão trông rất "lịch sự", có cụ mặc sơ mi, có cụ mặc đồ bộ nhưng chẳng có cụ nào mặc may ô, có lẽ các cụ được báo trước có phái đoàn từ thiện xuống thăm...Phần lớn các cụ người miền Bắc , một ít là người miền Trung hay miền Nam thất lạc gia đình do chiến tranh hay con cái nghèo khổ bỏ bê hoặc tự đi lang thang xin ăn được gom về đây.
Nhóm của chúng tôi còn dành ra vài chai dầu gíó và hai hộp bánh để làm sổ số cho các cụ vui. Các em cũng biết hát vài bài và mời các cụ hát theo. Nhìn các cụ tươi cười và bị lôi cuốn vào các câu đố hay trò chơi tôi biết các cụ cũng tạm quên đi những chuỗi ngày buồn tẻ lặng lẽ nơi đây. Tạm biệt các cụ chúng tôi sang nhà số 03
Nhà này gồm các cụ bà bị yếu chân không di chuyển được. "Giường " ở đây cũng được xây bằng gạch và xi măng nhưng không liền nhau mà cách khoảng nửa thước và đặc biệt là "giường" nào cũng có khoét lỗ tròn ỡ giữa,có nắp đậy. Bên trên các cụ che bằng cái khăn lông hay manh chiếu để các cụ có thể nằm lên trên.Bên dưới cái lỗ ấy người ta xây chỗ để cái bô để có thể làm vệ sinh dễ dàng. Các cụ không đi được nên cứ tiêu tiểu tại chỗ. Không biết ngày thường ra sao nhưng hôm nay tôi cảm thấy nhà này hơi nặng mùi hơn nhà của các cụ ông mặc dù có rất nhiều cửa sổ thông thoáng. Còn lý do nữa là các cụ bà hay tích trữ nhiều thứ để trên giường, ly nước, đồ ăn, quả chuối, mì gói, quần áo, khăn lông v..v...nên trông bừa bộn hơn và cũng vì các cụ không di chuyển được nên thứ gì cũng phải để trong tầm tay. Có cụ cắt tóc ngắn, có cụ để tóc dài búi lại như củ hành, nhưng phần lớn đã bạc màu hoặc muối tiêu.Ai cũng mặc đồ bộ nhưng quần nọ áo kia đủ màu đủ kiểu. Cụ lớn tuổi nhất đã chín mươi hai người nhỏ nhất cũng gần sáu mươi. Có cụ đã ở đây gần ba mươi năm, từ lúc còn khỏe đến khi ngã gẫy chân thì chuyển vào nhà này. Có bà khoảng gần sáu chục khi được hỏi thăm lại khóc rưng rức vì con cháu bỏ rơi mới vào được hai tháng, lúc nào cũng nhớ nhà. Có cụ nằm cong như con tôm trên giường, có cụ ngồi nói chuyện vui vẻ. Xem ra cụ nào cũng mang một nỗi niềm không dễ gì chia xẻ.Chúng tôi chia nhau phát quà và thăm hỏi các cụ . Các em hát và kể chuyện hay đố vui , có cụ hào hứng tham gia cũng có cụ ngồi im lặng mắt nhìn xa xăm. Tôi "đọc" thấy trên những gương mặt da đã nhăn nheo, sạm đen với những nét khắc khổ những trầm luân mà các cụ trải qua. Có cụ kể : "Mồ côi từ nhỏ, đi làm giúp việc cho người ta mấy chục năm qua bao nhiêu chủ đến khi về già, yếu sức không thể làm được là ra đường chẳng biết về đâu nên nhận đây làm nhà..." Có cụ trôi dạt tận Thái Bình vào thành phố làm hành khất chưa được bao lâu. ..Có cụ cứ mãi hy vọng con sẽ vào đón mình về... Dù sao ở đây các cụ cũng còn có mái nhà che nắng, che mưa, có cơm ăn , có bạn nói chuyện.
Chúng tôi đến khu trẻ em, những cặp mắt to tròn , trong veo nhìn không biết lạ, các em rất thèm được bế ẵm, nâng niu. Mặc cho các em tấm áo quần mới , cho các em uống sữa, ăn bánh mới thấy hết các em cần tình thương biết bao.Mong sao số phận các em sẽ tươi sáng hơn. Dù sao các em cũng may mắn hơn những em tật nguyền, ngơ ngẩn ở nhà kế bên . Thật xót xa khi thấy các em đã lớn khoảng mười tuổi mà bò bằng cả tứ chi, hay những em cười, ngó một cách vô thức. Chăm sóc các em này cũng rất cực . Các anh chị nhân viên ở đây cũng phải có tấm lòng bao la mới có thể trụ lại với đồng lương ít ỏi khiêm tốn mà công việc thì cứ luôn tay từ sáng sớm đến chiều tối...
Những đóng góp của chúng tôi thật ra chẳng thấm vào đâu chỉ như muối bỏ bể. Còn nhiều trại, nhiều nhà chúng tôi không thể đến được vì cũng đã hết quà, đành hẹn lại dịp khác vậy. Chúng tôi chỉ mong sao mang được ít niềm vui nho nhỏ đến những người mà chúng tôi đã thăm, mong họ quên đi phần nào nỗi buồn thân phận của mình...
Anh Thư