Apr 2, 2013

CHUYỆN CÁI XE- BÍCH QUY


      CHUYỆN   CÁI   XE
        BICH  QUY

Chân dung cái xe cổ.
                   Tôi là một cái xe hơi thể thao, mui trần được
ông chủ mua từ một hãng xe hơi danh tiếng của Pháp.  Khỏi
phải nói là tôi đã hãnh diện, sung sướng  thế nào khi được
ở cái nhà xe rộng rãi, tiện nghi trong một dinh thự to lớn ,
bề thế. Ngoài tôi ra còn có một anh bạn  nhỏ thó , dáng như
một con cóc, nghe đâu gốc của anh ta mãi tận bên nước Đức.
Thật ra  quê của hai chúng tôi Đức và Pháp  thì  cũng là
hàng xóm với nhau cả thôi.

              Chúng tôi được bác tài  xế của  ông chủ chăm sóc
 tận tình lắm . Chúng tôi luôn được lau chùi, tắm rửa bằng
thứ xà bông riêng, sạch sẽ, bóng loáng.  Chúng tôi chẳng bao
giờ phải đói bụng vì luôn luôn được  "uống" đầy xăng.  Hằng
ngày anh bạn tôi phải theo ông chủ đi làm .  Chỉ khi nào đi
chơi với vợ con hay bạn bè,  ông mới cần  dùng đến tôi.  Tôi
đã từng lên núi, xuống biển, nơi nào có cảnh đẹp là tôi đều
được đến tham quan.  Tôi được ông chủ yêu quý hơn vì dù sao tôi
cũng là một cái xe  thể thao , mui trần,  sơn trắng, dáng thon
dài. Kiểu xe của giới nhà giầu, quý tộc nói lên đẳng cấp
của chủ tôi.  Mỗi khi lướt êm trên đường  phố  thì bàn dân
thiên hạ đều ngắm nhìn  ông bà chủ  hãnh diện, lộng lẫy
ngồi trong xe...

               Thế nhưng  thời thế thay đổi, cuộc đời không
phải cứ một màu hồng như thế mãi.. Tôi thấy mọi người nhốn
nháo, chạy qua chạy lại, có cả tiếng súng nổ...Rồi thì
chẳng hiểu sao mà  bỗng dưng , ai cũng muốn mình nghèo khổ,
chẳng có gì hết càng tốt. Và thế là tôi được ông chủ đem
tặng cho bác tài như tống đi  được một của nợ để khỏi gây
phiền phức cho gia đình ông. Nghe đâu, anh bạn  "con cóc"  của
tôi chở cả nhà ra bến cảng để di tản và bị bỏ lăn lóc ở
đó .  Tôi chẳng bao giờ gặp lại anh bạn ấy nữa, chẳng biết
anh trôi dạt  nơi nào.  Còn tôi , cuộc đời tôi lại thay đổi từ
đây...

              Nhà bác tài  bây giờ là chủ mới của tôi ở
ngoại ô nên có sân vườn rộng rãi.  Bác che chắn  một góc sân
và thế là tôi có một mái nhà tôn, hai bề thoáng gió.  Chẳng
bù cho cái gara  tiện nghi đẹp đẽ tôi đã từng trú ngụ bấy
lâu.  Tôi tự an ủi mình  "thời thế, thế thời phải thế" , may
là còn có chỗ trú ngụ ...Tôi cầu mong cho bạn mình cũng tìm
được chỗ ấm thân,  chứ tôi có nghe   nói  nhiều  xe còn bị
người ta tức giận lật ngang và đem đốt nữa kia...

             Thời buổi càng ngày càng khó khăn vì bị cấm vận
sao đó nên xăng dầu thành quý hiếm. Người ta đã phải "cải
lùi" xe để có  thể  chạy được bằng than củi cho đỡ tốn kém
vì thế đương nhiên  là tôi được trùm mền "an dưỡng". Thỉnh
thoảng tôi cũng được ông chủ lôi ra tắm rửa, lau chùi, để khô
và lại .... trùm mền. Lúc này thực phẩm cũng bắt đầu khan
hiếm  do bị ngăn sông cấm chợ.  Người ta phải ăn độn sắn khoai
và cả bo bo nữa mà  ông chủ thì thất nghiệp và bà chủ là
cô giáo cấp một trường làng .   Nhiều nhà trong xóm  khó khăn
, người ta  đua nhau làm đơn xin trợ cấp trong khi gia cảnh ông
bà chủ tôi cũng thực sự khó khăn vì cha mẹ già, em đông, con
còn nhỏ với đồng lương quá eo hẹp . Có bữa cả nhà đã phải
ăn cháo rồi nhưng bà chủ vẫn không dám viết đơn xin  trợ cấp
vì trong  sân lù lù cái xe láng lẫy là tôi. Đúng là  "mở
miệng mắc quai" vì cả xóm ai cũng biết , chẳng thể dấu đi
đâu được. Đã thế trong vườn  lại trồng hai cây mít to cao  như
hai cây cổ thụ , sai quả từ gốc đến ngọn. Nhà thì lợp ngói
nhưng đã xuống cấp từ lâu, thấm dột khắp nơi,  tường vôi loang
lở, có chỗ xây gạch nhưng chẳng được tô nên trông thật nham
nhở....Thế   nhưng ngôi nhà vẫn nổi bật trong cái xóm nghèo
này  vì người ta chỉ thấy "nhà ngói, cây mít" lại có cả xe
hơi là ngang với bá hộ thời xưa rồi. Thật là tai họa.  Đã
thế mỗi lần phải đóng góp cho  các phong trào  trong phường
khóm,  lại được nhắc khéo :  "Nhà anh chị khá giả có cả xe
hơi thì nên đóng góp nhiều hơn một chút...". Thế là đành
"ngậm đắng, nuốt cay", bóp bụng nhịn ăn mà đóng

                       Bà chủ  thì khó chịu với tôi ra mặt,
chẳng bao giờ muốn ngó tới tôi, trong bụng chỉ muốn tống tôi
đi cho khuất mắt.  Tôi cũng biết chính vì mình mà nhà bà bị
mang tiếng giàu có nhất xóm.  Thưở ấy   giàu có cũng  là
một cái tội.   Có giàu thật thì người ta cũng giả nghèo để
khỏi bị chú ý.  Đằng này tôi biết  ngoài tôi ra , trong nhà
họ cũng chẳng có gì đáng giá.   Nhiều lần bà đề  nghị bán
rẻ tôi nhưng ông chồng không chịu, dù sao ông cũng còn quý mến
tôi vì  đã gắn bó, chăm sóc tôi từ xưa. Vả lại tôi cũng là
chút kỷ niệm của người chủ cũ với ông.

                     Thế rồi đất nước cũng dần đổi mới, mọi
thứ trở nên dễ dàng hơn, bớt cảnh ngăn sông cấm chợ. Mọi
người chăm chỉ làm ăn và cũng  dần dần khá hơn. Ông chủ tôi
cũng kiếm được việc làm.  Ông lại chạy thêm xe ôm nên gia
đình cũng thoải mái hơn.  Hàng hoá khắp nơi lại tràn về,
dễ thấy nhất là bà chủ  cho  dẹp ngay cái bếp than tổ ong
mà mỗi lần nhóm là khói bay mù trời. Bà đem về cái bếp
dầu hôi, dù sao cũng đỡ khổ hơn đun than .  Người ta cũng trở
lại đun bếp gaz nhưng   ông chủ không chịu.  Ông rất tiết kiệm
vì  mua cái lò gaz thì đắt hơn bếp dầu,  vả lại ông chủ
cũng sợ bị cháy nổ  thùng gaz...  Tuy cũng  còn chật vật,
khó khăn nhưng cũng không đến nỗi thiếu thốn. Thỉnh thoảng tôi
cũng được ông chủ giở mền, ngắm nghiá lau chùi và lâu lâu mua
chui được ở đâu vài lít xăng đem   đổ  cho tôi. Chừng ấy xăng
thì cũng chỉ đủ cho tôi "rồ̀" lên vài tiếng xem có êm không?
Vậy nhưng bà chủ  cũng  lấy làm  tiếc lắm.  Bà cằn nhằn :
"Để tiền ấy mua dầu hôi đun bếp cũng được nửa tháng".  Còn
tôi lâu ngày nằm im nên vừa được "Rồ" lên một  chút tôi cũng
thấy khỏe người.  Cứ như bị ốm lâu ngày,  nay mới ăn được
chút ít vậy

                 Thời gian thấm thoát thoi đưa, cha mẹ ông chủ
cũng theo nhau  về miền tiên cảnh. Các em ông  cũng trưởng
thành, lập gia đình  và ra ở riêng.  Con cái ông cũng dần lớn
khôn.  Cuộc sống cũng khấm khá hơn so với trước. Có lần được
thưởng món tiền , ông đã dám mua cả can xăng  đổ cho tôi
"uống" rồi lên "rồ" máy cho tôi chạy thử. Oái oăm là tôi nằm
lâu quá nên nhiều bộ phận hư hỏng, chạy được một quãng ngắn
, chưa  ra  khỏi  xóm  là tôi ..ỳ ra,  không  sao đi tiếp được .
 Tôi như một ông lão, đã già lại nằm lâu nên trong người đau
hết chỗ nọ đến chỗ kia. vậy là  phải sửa chữa, thay cái
này, phục hồi cái kia, tốn kém cũng khá bộn. Bà chủ cứ
luôn miệng kêu ca và đòi bán quách tôi đi nhưng ông chủ là
người thích đồ cổ nên rất ưu ái tôi. Có bao nhiêu tiền, ông
đều săm soi, sửa chữa cho tôi "nên người"

              Rồi một ngày nắng đẹp,  ông rủ bà cùng đi một
vòng thành phố.    Bà cũng thầm ao ước điều này nên nghe ông
chủ đề nghị như vậy bà cũng thấy vui nhưng cũng  có hơi ngại
ngùng,   vì lâu nay cứ một hai đòi "tống khứ" tôi đi.  Tuy  bà
 hay cằn nhằn nhưng lại là người luôn phục tòng chồng, ông
bảo sao nghe vậy nên bà lật đật đi thay  ngay bộ áo dài đẹp
nhất trong số các áo bà mặc đi dạy học, đeo một chuỗi hạt
trai và đôi bông tai lấp lánh,  đánh một chút phấn hồng và
thoa chút môi son , thêm đôi giầy cao gót nữa... , rồi   lên xe
ngồi cạnh ông. Khỏi phải nói, trông họ như một cặp vợ chồng
đại gia giàu có trong cái xe mui trần trắng toát, dài ngoằng
thật sang trọng. Hàng xóm đổ ra xem vì xưa nay ở cái xóm này
chưa thấy ai có cái xe đẹp như vậy. Thằng con cũng đòi đi,
ngồi ở băng sau.  Tôi biết bà cũng hơi mắc cở nhưng lại hãnh
diện khi được ngồi cùng chàng  trên chiếc xe đẹp mà đi ra phố
như vậy.

              Xe  ra khỏi xóm đi được một quãng chừng hơn cây
số trên đường lộ thì tôi thấy "rêm" người quá, chắc là có
bộ phận nào đó "kiếm chuyện" rồi đây. Thế rồi tôi bèn "ho"
lên  "cà khực, cà khực" và nằm im...Báo hại bà chủ và cậu
con phải xuống đẩy cho ông lái xe về nhà. Bà đẩy toát mồ
hôi, giận quá  "tu" hết nửa chai nước, giận quá chẳng nói
được lời nào.  Cứ nghĩ mà coi, diện quần áo đẹp, đi giầy
cao gót mà phải gò lưng đẩy xe, không tức sao được. Thằng con
thì lầm bầm :  "Xe hư mà bố cũng lái ra đường làm chi không
biết"  .   Ông  cũng bực mình , lại mở nắp ca pô xem xét :
"Thôi  mai phải kêu thằng cháu lại xem hư ở đâu..."  Chẳng là
ông có thằng cháu ở xóm trên làm thợ sửa xe.

               Cuối cùng ông lại phán bà phải chi tiền thay
vài ba bộ phận ,  nghe đâu tốn ngót nghét gần ba chỉ vàng.
Bà xót đứt ruột nhưng cũng chỉ dám lầu bầu trong họng : "
Mới đi có một tý mà tốn còn hơn đi máy bay du lịch ".  Rồi
tôi cũng khỏe hơn nhờ được sửa chữa, thay mới ..Có lần tôi
đưa cả nhà ra Vũng tàu chơi một tuần. Lần đó đi và về đều
suông sẻ , êm thắm. Ông bà chủ rất hài lòng về tôi.  Một vài
lần khác bà còn rủ cả bạn bè đi chơi xem ông thả diều.  Ông
chủ có thú mê chơi diều, ông vào hội hẳn hoi và làm được
những con diều độc đáo, có kèm sáo vi vu trên bầu trời... Tôi
cũng hãnh diện vì thấy mình trở nên hữu ích.

            Thời gian cứ thế trôi đi,  cho đến một hôm  đang đi
trên đường, bệnh cũ tái phát. Tôi lại "khục khặc" và... nằm
im .  Tôi biết lần này nặng lắm đây,  "bác sỹ" cho biết có
vài bộ phận phải gửi mua ở nước ngoài, tức là chỗ cha mẹ
đã sanh ra tôi  chứ những bộ phận riêng của tôi thì không thể
tự chế được như trước. Vậy là tôi lại được trùm mền an
dưỡng. Có vài người bạn của ông bà chủ gợi ý : "Cái xe này
mà cho thuê chụp hình đám cưới thì đẹp lắm đấy"  Có người
lại bảo : " Hay là báo với cái hãng sản xuất,  bán cho họ
làm xe cổ cũng được khối tiền" .  Họ sẽ dùng để quảng cáo
: "Xe nửa thế kỷ vẫn chạy tốt"  ... Ai nói gì thì ông chủ
tôi vẫn kiên quyết giữ tôi lại để ngày ngày ra săm soi mà
"níu kéo dĩ vãng".  Tôi cũng chẳng biết  cuộc đời mình rồi
sẽ trôi về đâu.....

Anh Thu

Cái xe cổ và tác giả.



8 comments:

  1. Mờicác bạn ghé thăm ĐSTV 6370 với bài mới của Bích Quy , chủ đề mới lạ nhưng quen thuộc và
    đầy thích thú , bâng khuâng nhẹ nhàng, vừa đáng yêu vừa lo lắng không biết về đâu? Tâm trạng của những đồ cổ có thể đáng giá ngàn vàng hơn nhưng cũng có thể chỉ là đống sắt vụn , tùy theo mệnh.....". nước nổi trôi ."....

    ReplyDelete
  2. Thanh Ong oi, bay gio moi biet Thanh Ong giau den the co a.

    ReplyDelete
  3. Ôi, Trời cao có thấu??? Giá như có thể "tặng" được ai chiếc xe này ...thì mừng biết sao mà nói được?
    Người ta bảo:" Ở trong chăn mới biết chăn có rận" đúng ơi là đúng!!!
    Cái xe hơi nếu biết nói nó phải cảm ơn Thư biết dường nào???

    ReplyDelete
  4. This is such a thoughtful story I've ever read!! From the car's story, I could see what had happened to the country after the war. It is phenomenon!!
    An Nguyen

    ReplyDelete
  5. Anh Thư viết truyện này hay quá , càng đọc càng lý thú .

    ReplyDelete
  6. Biet duoc "cai xe" la cua mo Kim Thanh thi cau truyen da hay lai cang hay hon! Mo Thanh dung co tang ai xe vi lo sau nay co nguoi suu tam xe muon mua lai thi mo tiec hui hui day!
    HHoe

    ReplyDelete
  7. Không phải chỉ một minh` Tâm ma` chị Liên va` nhiều ngươì ai cũng thích bài " Cái xe" cuả Anh Thư . Vui nhất la` đoạn Anh Thư so sánh Thanh với bá hộ ngày xưa . Đúng quá đấy chứ . Chối cãi vào đâu được hở ba` bá hộ? Cả nha` bá hộ phải nhịn ăn bấm bụng khổ sở vì cái mẽ nha` ngói cây mít , lại có cả xe hơi đậu trong sân nhà . Mỗi lần nghĩ lại Tâm đều buồn cười ! May ma` bây giờ bá hộ không còn phải xơi bo bo nữa nên bạn bè mới đem ra để đùa bỡn .

    ReplyDelete
  8. Ôi Ôi Ôi !!! Nhả chồng Thanh thì quả là có cây mít, có cái xe hơi từ thời "đánh tư sản" rước về!!!! Nhưng mà Bá Hộ thì...oan uổng quá!!! Vì thời ấy nhà chồng Thanh chỉ ăn toàn bobo thôi,thèm gạo muốn chết mà cả tháng trời cũng chẳng có mà ăn đâu!!! Các trẻ em bây giờ đố mà biết bobo nó ra làm sao ấy nhá!!!

    ReplyDelete