C Ó C H A B Ê N Đ Ờ I
Từ lâu, tôi đã muốn viết về cha, người cha kính yêu của tôi. Ngày bé tôi đã từng ao ước sau này lớn lên tôi sẽ lấy người chồng ... giống y hệt như cha tôi. Sau này khi có gia đình rồi tôi mới thấy mẹ tôi là người đàn bà hạnh phúc nhất trên đời.
Cha tôi chỉ là một công chức mẫn cán, chăm chỉ hết lòng với công việc và thương yêu vợ con hết mực. Ngày bé tôi đã rất sung sướng đi giữa cha và mẹ dạo chơi trong công viên hay đi sở thú vào mỗi sáng chủ nhật . Khi các em tôi lần lượt ra đời, cha lại càng vất vả hơn, thức khuya hơn. Bữa cơm cha luôn muốn có mặt đông đủ cả nhà. Cha hay vui vẻ điểm danh : "Một, hai , ba, bốn, năm..đủ rồi. Mẹ nó mau ra ăn đi" Chả là mẹ tôi hay hý hoáy trong bếp cố thu dọn cho gọn gàng trước khi ra ăn.
Mẹ tôi kể hồi còn trẻ cha đẹp trai lắm, da trắng, môi đỏ thắm như con gái, cao dong dỏng nhưng lại rất đàn ông và rất hiền. Ở nhà cha không nề hà việc gì giúp đỡ vợ con. Từ sửa chữa thay thế bóng điện không cháy,cây quạt không chạy cho đến cầu tắc, cống nghẹt hay nhà dột đều tự tay ông leo trèo, sửa chữa. Có lần cây điệp bông vàng toả cành dầy đặc trước cửa sổ phòng chúng tôi. Cha đã leo lên chặt bớt cành và trượt chân rơi thẳng xuống, hai chân cắm vào cái sọt rác đầy lá mà bác hàng xóm vừa quét gom vào đấy rồi lặng lẽ tự đứng dậy, phủi quần áo vào nhà như không có việc gì xảy ra. Chỉ đến khi một bác hàng xóm khác đang tập thể dục chứng kiến và thì thầm kể cho mẹ tôi nghe thì cả nhà mới biết chuyện ngã cây một cách "diệu kỳ" như vậy. Cha như cái cây tỏa bóng mát che chở cho mẹ con tôi.
Cha hay đưa tôi đến trường và lúc về thì tôi đi bộ lại sở cha để chờ cha làm xong việc thì chở tôi về. Tôi hay ngồi xem cha làm việc giữa bộn bề giấy tờ, cũng có khi tôi nghịch ngợm thử gõ lóc cóc vào cái máy chữ cũ kỹ bên cạnh ....Khi còn học tiểu học thì cha để mẹ kèm cặp tôi. Khi lên cấp hai, còn lạ lẫm với bao điều mới mẻ thì cha lại là người hướng dẫn cho tôi học. Tôi chẳng phải là đứa trẻ thông minh, đã học chậm lại hay mơ mộng , lãng đãng nên cha cũng vất vả với tôi nhiều. Còn nhớ hết năm đệ thất là lớp sáu bây giờ thấy điểm toán của tôi kém quá, thế là ngày nào cha cũng giảng giải và ra bài tập cho tôi trước khi đi làm. Chiều về cha kiểm tra và tôi đã từng bị phết ba roi quắn đít vì cái tội ham chơi quên làm bài. Khỏi phải nói , sau mùa hè ấy , vào lớp tôi đã tiến bộ hẳn. Bạn bè phải ngạc nhiên là đầu óc tôi chắc đã "vỡ ra" nên mới giơ tay nhiều thế. Bao nhiêu năm rồi mà cha vẫn nhớ các công thức và tìm cách giảng giải cho cái đầu óc u tối của tôi sáng ra thì thôi. Được cái các em tôi thông minh hơn, chúng học nhanh hơn và không làm cha tôi phải mất công nhiều như tôi.
Ngày hè , cha thường đưa vợ con lên Đà lạt để nghỉ ngơi thăm ông bà ngoại hàng tháng trời. Cha chỉ nghỉ chừng ba ngày là lại về đi làm. Ngày ấy còn nhỏ quá nên tôi chẳng hình dung ra được những ngày chúng tôi vui vẻ thì cha tôi đã phải cặm cụi vừa đi làm vừa nấu cơm ăn một mình sẽ buồn như thế nào. Lúc nào cha cũng muốn dành những điều vui sướng nhất cho vợ con. Cha hay giúp đỡ mọi người. Đã có lần tôi thấy người ta mang đến một giỏ trái cây mà cha nhất định bắt mang về. Cha nói :" Làm ơn không phải chỉ để chờ trả ơn " Tôi cứ nhớ mãi điều này vì khi ấy tôi cứ thấy tội nghiệp cho người ta cứ phải nằn nì. Tôi còn nhớ lúc nhỏ nhà tôi ở sát bên cạnh nhà cô Tư. Cô trẻ hơn cha tôi vài tuổi, cũng làm công chức. Thỉnh thoảng có việc gấp cô cũng hay nhờ cha tôi chở đi. Rồi cô nấu chè mang sang cho chúng tôi ăn. Chúng tôi cũng thích sang nhà cô chơi và lấy giầy dép cao gót của cô đi gõ lọc cọc khắp xóm. Tôi còn nghe bác hàng xóm bảo với mẹ tôi :"Bà coi chừng ông đi kiếm quý tử đó nghe". Tôi thấy mẹ chỉ cười. Mẹ bảo thật ra trong lòng cũng lo nhưng không sợ vì mẹ biết tính cha tôi. Cha hay giúp đỡ mọi người chứ chẳng riêng gì cô Tư. Cha hay pha trò dí dỏm nhưng lại rất nghiêm với con cái và yêu quý chúng tôi vô cùng.
Cha yêu thương chăm sóc cả năm đứa con lít nhít " trứng gà trứng vịt" theo cách của cha.Tôi còn nhớ mỗi khi cha đi làm về, ông hay bảo tôi ngồi sau xe và chở tôi ra chợ mua ...chuối. Cha vào tận chỗ người ta bán sỉ để mua nguyên một quầy có sáu bảy nải rồi đem về treo ở góc nhà. Lũ con cứ việc chín đến đâu vặt ăn đến đó. Cũng có khi ông chở tôi ra chợ NT là nơi hay bán thực phẩm nước ngoài do những người lính Mỹ mua được trong PX không dùng rồi đem ra bán lại. Ngày ấy tôi đã được ăn những thỏi chocolat ngon tuyệt hay những quả cam Sunkit ngọt lịm có vỏ màu vàng tươi hoặc những hộp sữa tươi thật béo.
Ngày thường chúng tôi đi học bằng xe trường, còn đứa nào học gần nhà thì đi bộ....Chúng tôi muốn đi đâu cha đều chịu khó đưa đến nơi rồi đón về. Còn nhớ có lần đi ăn sinh nhật bạn, tôi nói sẽ nhờ bạn đưa về nhưng cha không cho. Có hôm bị ốm phải nghỉ mấy ngày, cha đưa đến tận nơi cho tôi mượn tập vở rồi chở về nhà. Có lần em Bốn đi họp lớp , quá giờ cho phép mà chưa về làm cha cứ đứng ngồi không yên...Cha bảo em " Lần sau con đừng như thế nữa làm cả nhà lo..." Thật ra , cha là người lo hơn cả, thời buổi chiến tranh, nhiễu nhương biết thế nào... Lúc nào cha cũng muốn dang cánh "đại bàng" che chắn cho lũ con đang tuổi ăn tuổi lớn , vô tư và ngây thơ trước cuộc đời...
Chiến sự xảy ra khắp nơi và đôi khi có những cuộc "cách mạng" tranh giành quyền lực xảy ra cũng không ảnh hưởng gì lắm đến cuộc sống của gia đình chúng tôi ở Saigon . Những cuộc tranh chấp ấy rồi cũng qua đi, cha vẫn đi làm bình thường, cha vẫn là một công chức với chuyên môn riêng của mình, cần mẫn và chăm chỉ...Chỉ có mẹ tôi hay kêu ca vì mỗi lần xảy ra chuyện gì thì giá cả cứ thế mà tăng vọt khiến cho đồng lương của cha tôi bị "teo tóp" đi. Tuy thế mẹ tôi cũng rất vén khéo để cả nhà có cuộc sống bình yên.
Rồi dần dần chúng tôi lớn lên lần lượt vào trung học thì biến cố lớn với đất nước xảy ra. Trước đó mấy ngày, Chú Út tôi có điều kiện đã đem xe hơi đến rước cả nhà tôi để đi bằng máy bay ra nước ngoài nhưng cha tôi nhất định không đi. Ông nhìn lũ con gái đang tuổi lớn và bảo chú tôi: " Hãy cứ đi trước đi . Chú cứ lo cho gia đình chú an toàn là được rồi". Hai anh em ôm nhau và tôi thấy mắt cha rớm lệ, còn chú tôi mắt cũng đỏ hoe vì nghĩ không bao giờ còn thấy nhau nữa. Cha thấy tôi cũng đã trưởng thành nên cũng có hỏi tôi có muốn theo chú không? Tôi nhìn cha vừa khóc vừa lắc đầu quầy quậy . Thật ra tôi chẳng muốn xa cha mẹ, em nhỏ và cũng không biết nếu đi thì sẽ ra sao? Tôi quen được sống có đông đủ mọi người rồi. Tôi hiểu rằng đây mới thực sự là một biến cố lớn làm đảo lộn cuộc sống , làm đảo lộn mọi ước mơ toan tính tương lai của gia đình tôi.
Sau đó là cả một chuỗi ngày vất vả không thể nào quên. Cha tôi mất việc, ông ngơ ngác vì thấy bạn bè , họ hàng cứ chia tay dần dần, Người thì đi "cải tạo", người thì ra nước ngoài .Rồi cha theo bạn bè xuống các tỉnh làm kế toán cho người ta. Kiên Giang, Cà Mau, Cần thơ, Sóc Trăng...chỗ nào có việc là cha cũng đi, chẳng quản xa xôi. Ngày ấy phương tiện đi lại khó khăn và đường xá xấu hơn bây giờ nhiều. Chỗ gần thì một tuần, chỗ xa thì cả tháng cha mới về thăm nhà. Trông ông phong trần, đen sạm và rắn rỏi... Rồi công việc cũng hết và cha lại nghĩ cách làm ở nhà cùng với mẹ và tôi để cho bốn em tôi không phải bỏ học. Những bữa cơm bo bo độn khoai sắn càng khiến các em tôi cố sức học để vươn lên . Tôi học được ở cha tính kiên trì, nhẫn nại, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn. Cha đã từng đạp xe hàng chục cây số đi lấy sữa tươi ở trại bò để chúng tôi làm yaourt cho mẹ tôi mang đi bỏ mối . Các em tôi cũng vừa đi học vừa dạy kèm để đỡ đần chi phí cho cha mẹ. Cũng may khó khăn nào rồi cũng qua, các em tôi đều tốt nghiệp và ra đi làm. Tôi cũng kiếm được việc làm ổn định hơn. Cha mẹ tôi có thể an tâm hơn về những đứa con của mình.
Rồi tôi lập gia đình, ngày tôi sinh con trai, ai cũng vui mừng nhưng người vui nhất lại là ..ông ngoại bé. Cha tôi không có con trai , tuy ông rất yêu thương các con gái của mình nhưng trong sâu thẳm tôi biết ông vẫn thèm có con trai biết bao. Khỏi phải nói thằng cu nhà tôi đã được ông yêu quý biết nhường nào, phần vì cu cậu là cháu đầu tiên của ông, là niềm mơ ước thầm kín bấy lâu ông chẳng nói ra vì sợ bà buồn.
Tôi xin cha đặt tên cho cháu, cha nói ngay là ông sẽ lấy họ của ông làm tên cho cháu bên cạnh họ của bố nó. Như vậy sẽ ghép hai họ lại với nhau và tôi biết cha cũng muốn kéo dài ra cái họ của mình mà ông đã " lỡ" làm cho ngắn đi vì sinh con một bề. Ngày nào cha cũng đến thăm cháu và bế nó nựng nịu. Hết hai tháng nghỉ hộ sản, ông bảo đem thằng bé sang nhà để ông bà trông cho mà đi làm. Ôi , tấm lòng của ông thật bao la, lúc nào cũng muốn ôm hết con cháu vào lòng. Lúc này cha mẹ tôi cũng không phải làm gì nên có cháu cũng vui. Thằng bé bụ bẫm đã biết theo ông, gọi ông và đòi ông bế. .
Cha tôi ngày càng già yếu đi. Ông hay ngồi một mình, trầm tư và hút thuốc lá. Tóc đã bạc nhiều . Bạn bè của cha cũng chẳng còn bao nhiêu, thỉnh thoảng họ lại thăm cha, ngồi với nhau hàng giờ rồi lại chia tay, có khi chẳng gặp lại...Cũng có khi cha lại thăm họ nhưng khi về thấy buồn hơn, cha nói với mẹ là:"Bác ấy lại sắp "đi" rồi, con bảo lãnh". Thế nhưng khi chú tôi muốn bảo lãnh thì ông cũng nhất định không "đi". Tôi hiểu ông không muốn bất kỳ sự sáo trộn nào trong cái gia đình bé nhỏ của mình và cũng lượng sức mình không thể sống nổi khi ra xứ người, nơi mà lúc còn đi làm ông đã có dịp viếng thăm. Chỉ đến khi em Bốn đi làm việc và em Út của tôi theo chồng, ra nước ngoài sinh sống thì ông mới thật hụt hẫng mặc dù vẫn mong cho các con được sung sướng. Tôi thấy cha buồn lắm vì biết các con đã lớn và không thể ôm mãi chúng được, đủ lông đủ cánh thì phải để cho chúng bay đi...Bù vào đấy, cha lại có thêm những đứa cháu ngoại quấn quít, líu lo nên ông cũng vui. Cha hay đi siêu thị gần nhà mua quà cho chúng hay mua một vài thực phẩm cần thiết cho cả nhà.
Những người bạn hay họ hàng của cha lần lượt trở về thăm nhà. Người thì trách ngày ấy cha không chịu đi để có cuộc sống tốt hơn, người thì khen cha tôi có lý khi ở lại . Với ai cha cũng chỉ cười và bảo rằng :"Ấy , cái số tôi nó thế vì sống ở đâu quen ở đó rồi. Cuối cùng thì con cái, đứa nào cũng có dịp ra nước ngoài đấy thôi" Họ cũng được thấy cha mẹ tôi cũng sống thảnh thơi chẳng thiếu thứ gì, muốn đi chơi đâu thì gọi là có xe đón tận nhà. Chẳng như ở nước ngoài, chú tôi phải đợi đến ngày nghỉ mới nhờ được con cháu, mà có khi bận quá chúng cũng chẳng đưa đi được hay như bạn cha tôi đau yếu, bại liệt con cái phải đưa vào viện dưỡng lão vì còn bận đi làm , chẳng có ai săn sóc.
Thấm thoát thế mà cha đã chín mươi rồi. Nhờ trời, cha vẫn đi lại và ăn uống bình thường mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào của con cháu. Chỉ đến khi cha bị ngã rách cùi tay phải đi khâu mấy mũi thì cha mới cần đến sự trợ giúp của con cái. May mà không gãy xương. Ngoài những bữa ăn hàng ngày, tôi còn phải tắm rửa cho cha vì tay chân ông yếu không thể tự mặc ́ áo quần được nữa.Tôi thấy cha gìà hẳn đi. Mắt trũng sâu, cánh mũi khum khum trên cái miệng lúc nào cũng như tủm tỉm cười. Ở ông vẫn toát ra cái vẻ hiền từ dễ mến. Cả ngày ông có thể ngồi yên trên cái ghế nệm ở phòng khách nhìn mọi việc diễn ra trước mắt nhưng lại như chẳng thấy gì vì ông không để ý đến bất cứ điều gì nữa. Ông ngồi đấy nhưng có hỏi : Ai vừa vào nhà ? thì ông cũng chẳng biết. Có chuông điện thoại thì ông nhấc máy nhưng họ nói gì thì ông cũng chẳng nghe và cũng chẳng buồn trả lời. Ông ăn ít đi và ăn làm nhiều bữa. Tắm cho cha , tôi mới thấy ông gầy quá, chỉ còn da bọc xương mà da thì cũng mỏng như tờ giấy, thấy được cả gân máu bên trong. Vậy nhưng ông luôn cố gắng không muốn cho ai thấy mình già yếu đi. Tôi đưa can cho ông chống để chia bớt sức nặng cơ thể ra, để cho bước đi vững hơn nhưng ông nhất định không dùng. Tôi đau lòng khi thấy ông đi liêu siêu, tay bám lấy thành ghế hay bờ tường nhưng nói thế nào ông cũng không dùng can.
Lúc này bạn bè ông cũng chẳng còn ai, có còn thì cũng chẳng có hơi sức để đi thăm nhau. Trông ông lại càng cô đơn. Mẹ tôi cũng già yếu đi nhiều. Chỉ đến bữa ăn tôi thấy ông vẫn sẻ nửa bát cơm cho bà, mặc dù tôi đã sới ít đi để ông đỡ phải sẻ...Rồi ông lại gắp thức ăn cho bà và bảo :"Bà ăn đi..." Tôi hiểu ra là ông luôn muốn quan tâm đến bà và cũng chỉ còn làm được như vậy để săn sóc bà. Mẹ tôi hay lẫn và quên nhiều thứ, con cái đôi lúc bực mình kể với ông thì ông lại bảo :"Bà già rồi nên mới thế, đừng trách bà" . Lúc nào ông cũng yêu quý mẹ tôi, tôi chưa thấy ông to tiếng với mẹ bao giờ. Đôi lúc mẹ tôi có cằn nhằn vì ông làm điều gì đấy không vừa ý bà nhưng rồi mẹ tôi luôn phục tùng ông. Có lẽ điều này làm nên hạnh phúc của cha mẹ tôi chăng? Tôi chỉ còn biết cầu xin trời phật ban tặng cho cha mẹ tôi thêm nhiều sức khỏe để tôi luôn có được cha mẹ bên đời.
Với tình cảm dạt dào viết về người cha thân yêu cho thấy Bích Quy thật hạnh phúc dưới mái ấm gia đình. Xin chúc các bác sức khỏe, bình an.
ReplyDeleteThân mến
KĐ
Ôi! Cha của Thư quả là người cha đáng thương yêu và tôn kính! Rất khó kiếm được một người thương yêu vợ con và mẫu mực được như Ông! Cầu mong Ông luôn khỏe mạnh bên vợ con yêu thương!!!
ReplyDeleteKimThanh
Hình ảnh hai cụ thấy thương quá . Chúc các cụ luôn được manh khỏe và được hưởng phước bên các con cháu.
ReplyDeleteChuyen cua gia dinh BQuy that la em dem nhe nhang hanh phuc. Doc ma thay thoai mai vo cung... Cam on Bich Quy. LH.
ReplyDeleteBài Thư viêt về cha rất cảm động, đơn giản mà chân thành làm người đọc xúc động.
ReplyDeleteCHUNG DAO