Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã vĩnh viễn rời những Phiên Gác Đêm Xuân
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một tên tuổi lớn của nền văn nghệ ở miền Nam Việt Nam và là tác giả của Chiều Mưa Biên Giới, Phiên Gác Đêm Xuân, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Nhớ Một Chiều Xuân… và còn rất nhiều tác phẩm bất hủ khác được biết bao thế hệ khán thính giả yêu mến từ trước 1975 đến tận bây giờ.Theo tin từ ca sĩ Giao Linh cung cấp cho tờ báo Thế Giới Nghệ Sĩ , ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 19 giờ 30 ngày 26/2/18 (nhẳm 11 tháng Giêng năm Mậu Tuất) tại bệnh viện Chợ Rẫy – Sài Gòn, hưởng thọ 86 tuổi.Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15 tháng 3 năm 1932 tại Sài Gòn. Nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông thì phải nhắc đến 2 khía cạnh đi liền với nhau: Binh Nghiệp và Âm Nhạc.Về binh nghiệp , vào năm 1946, Ông tự ý xin gia nhập trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam. Đây là trường võ bị đầu tiên và lâu đời nhất của Việt Nam. Đó cũng là nơi đào tạo nhiều vị tướng lãnh tài ba của Quân Đội VNCH. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã trải qua 5 năm học ở ngôi trường này. Và chính tại đó ông đã được học nhạc và văn hóa với những giáo sư người Pháp có thực tài, những giảng viên của Viện Âm Nhạc quốc gia Pháp được cử về trường Thiếu Sinh Quân giảng dạy. Chính vậy mà nền văn hóa Tây Phương đã ảnh hưởng đến ông rất nhiều.Trong thời gian ông theo học tại trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một thành viên của ban quân nhạc thiếu niên, khi mới 15 tuổi. Nhạc sĩ từng chia sẻ: “…Trường Thiếu Sinh Quân có riêng một đoàn quân nhạc trên 40 người có tầm vóc của người lớn, nhưng lại do chính những em thiếu sinh qưân chưa quá 16 tuổi đời cử hành nhạc, và do một giáo sư nhạc trưởng người Pháp chỉ huy. Đòan quân nhạc của chúng tôi có những nhạc sĩ tí hon có mặt trong những buổi lễ duyệt binh, diễu hành quan trọng một cách đường hoàng như các đoàn quân nhạc chuyên nghiệp người lớn”.Trong đoàn quân nhạc tí hon này, ông sử dụng nhiều nhạc khí như: trompette, clairon, trống, chập chả, vv… Nhưng chuyên nghiệp hơn hết, là ông sử dụng đàn madoline và guitar Hawaiienne trong ban nhạc nhẹ của trường.Nhờ sống trong một môi trường âm nhạc sôi động như vậy trong trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã có dịp học sáng tác từ những giáo sư người Pháp. Kết quả là ông đã viết được những ca khúc đầu tiên ở tuổi 16 như Thiếu Sinh Quân Hành Khúc, Tạm Biệt Mùa Hè… Những nhạc phẩm này đã được nhà trường chấp thuận cho phổ biến, và được rất nhiều bạn bè ưa thích. Ông cho biết gần 60 năm sau, khi ông gặp lại một số bạn bè, những người này vẫn còn thuộc nằm lòng những ca khúc này, và hát lại cho nhau nghe như những kỷ niệm khó quên của thời niên thiếu.Trong suốt 5 năm theo học ở trường Thiếu Sinh Quân, ông luôn luôn đoạt giải giọng ca hay nhất toàn trường. Nhưng sau một thời gian gia nhập quân đội, Bộ Quốc Phòng đã chính thức cấm ông không được xuất hiện hát trên sân khấu và các nơi công cộng, vì các chức vụ do ông đảm nhiệm thời đó có thể gây ảnh hưởng không tốt cho quân đội.Sau khi ra trường Thiếu Sinh Quân, ông gia nhập trường Võ Bị Sĩ Quan Vũng Tàu, tốt nghiệp năm 1952 với cấp bậc thiếu úy. Kế đó ông nắm chức vụ trung đội trưởng tại trường Võ Bị Đà Lạt, và tốt nghiệp năm 1953. Qua năm 1954, ông về trường Chiến Thuật tại Hà Nội để giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng.Trong hai năm 1955 và 1956, ông phục vụ tại Phân Khu Đồng Tháp Mười trong chức vụ trung úy Trưởng Phòng Hành Quân. Cũng trong thời gian này, ông kiêm nhiệm thêm chức vụ Trưởng Phòng 3 của Chiến Khu Đồng Tháp Mười do đại tá Nguyễn Văn Là làm chỉ huy trưởng, tham gia chiến dịch Thoại Ngọc Hầu do thiếu tướng Dương Văn Minh chỉ huy. Ông không sao quên được một kỷ niệm có lần tướng Minh đã đến bắt tay ông để tỏ lòng ngưỡng mộ tác giả của những ca khúc về đời lính chiến ngay tại mặt trận Chiến Khu Đồng Tháp. Và hình ảnh cái bắt tay này đã được in trên trang nhất của báo Chiến Sĩ Cộng Hoà.Đến năm 1957, ông theo học khóa Chỉ Huy Và Tham Mưu tại Hawaii. Và cũng trong thời gian này ông cho ra đời nhạc phẩm “Nhớ Một Chiều Xuân”.Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho biết dù ông được học nhạc chính quy, nhưng âm nhạc chỉ là nghề tay trái. Ông chọn binh nghiệp là nghề nghiệp chính. Từ cấp bậc thiếu úy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bước dần lên cấp bậc đại tá. Ông từng được nhận huy chương cao quí nhất của Việt Nam Cộng Hòa là Bảo Quốc Huân Chưong vào giữa thập niên 60.Sau biến cố tháng 4 năm 75, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã kết thúc cuộc đời binh nghiệp của mình trong tăm tối bằng 10 năm tù cải tạo. Lúc đầu ông bị đưa đi tù cải tạo tại trại Suối Máu. Sau đó, ông bị chuyển về nhà tù Chí Hòa cho đến khi được trả tự do vào năm 1985. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho biết ông đã rất đau buồn vì không được nhìn thấy mặt thân phụ lần cuối trong thời gian ông ở tù cải tạo. Đúng như ông đã dự đoán cuộc đời thăng trầm của mình, bằng 2 câu kết của nhạc phẩm Chiều Mưa Biên Giới: “…Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần còn mưa bay gió cuốn còn nhiều anh ơi…”.Sau khi được trả tự do vào năm 1985, sức khỏe của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không được mấy khả quan đến từ nhiều căn bệnh như đau bao tử, thấp khớp và nhất là cao huyết áp nên đã không còn cảm thấy hứng thú trong việc sáng tác ngoài một số bài viết trong khoảng hơn 30 năm nay. Ông không xin đi xuất cảnh theo diện H.O. Cho đến cuối đời, ông sống tại Phú Nhuận, Saigon cùng với gia đình.Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông Ông đã từng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc ở Sài Gòn trước 1975. Từ thập niên 1950, ông nổi tiếng khi là Trưởng Đoàn văn nghệ Vì Dân với thành phần Ca nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc, và các nghệ sĩ danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim… Ông đã tổ chức và điều khiển các chương trình Đại nhạc hội tại Sài Gòn và khắp các tỉnh của Việt Nam Cộng hòa.Từ năm 1958, ông là Trưởng ban Ca nhạc Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn, qui tụ những danh ca, nhạc sĩ danh tiếng như Lệ Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Thu Hồ, Quách Đàm, Anh Ngọc…Ông còn là Giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, cộng tác với những nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Thiện, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Y Vân… Hai trung tâm này cho ra đời nhiều chương trình tân nhạc cũng như cổ nhạc gồm các vở Tuồng và Cải lương. Chính ông là người đã tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa từng ai làm. Ông đã thực hiện loạt băng nhạc Sơn Ca nổi tiếng trong đó có Khánh Ly với băng nhạc Sơn Ca 7, Thái Thanh và Ban Thăng Long – Sơn Ca 10, Lệ Thu – Sơn Ca 9, Phương Dung – Sơn Ca 5 và 11, Giao Linh – Sơn Ca 6, Sơn Ca – Sơn Ca 8… và một số album riêng cho Trịnh Công Sơn.Nhiều sáng tác của ông viết về chủ đề người lính Miền Nam thời đó. Nhạc phẩm “Phiên gác đêm xuân” được ông viết vào đêm 30 Tết năm 1956 khi gác phiên ở khu 9 Đồng Tháp Mười. “Chiều mưa biên giới” ra đời năm 1956 và nổi tiếng qua tiếng hát của Trần Văn Trạch. Vào Năm 1961, ca khúc “Chiều Mưa Biên Giới” này đã được đài Europe No.1 và Ðài Truyền Hình Pháp thu âm, rồi thu hình với tiếng hát của nghệ sĩ Trần Văn Trạch đã gây tiếng vang lớn ở Âu Châu. Tại Việt Nam, chỉ trong vòng 3 tháng đã bán hết 60,000 bản nhạc lẻ, một con số kỷ lục thời đó. Cũng trong năm 1961, nghệ sĩ Trần Văn Trạch trình bày ca khúc Chiều Mưa Biên Giới tại “Ðại nhạc hội Trăm Hoa Miền Nam” với dàn nhạc của Ðài Truyền Hình Pháp thu “play back”.Ông còn có nhiều bút danh khác như Phượng Linh, Phương Hà trên một số nhạc phẩm tình cảm như “Khi đã yêu”, “Thầm kín”, “Niềm đau dĩ vãng”, “Nhớ một chiều xuân”… Với bút danh Đông Phương Tử và Phượng Linh, ông đã viết nhạc nền và đạo diễn cho trên 50 vở tuồng, Cải lương nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975 như Nửa đời hương phấn, Đoạn tuyệt, Tiếng hạc trong trăng, Mưa rừng…Bây giờ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã rời xa cõi đời này. Nhưng những “khúc tình ca hàng hàng lớp lớp” mà ông đã viết sẽ sống mãi với thời gian. Vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa với những dòng nhạc nhẹ nhàng sâu lắng, trác tuyệt.Jimmy Thái Nhựt / SBTN
Hồi ký của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông
Vào năm 1956, đơn vị tôi đóng quân ở Chiến khu Đồng Tháp Mười, được xem là mặt trận tiền tiêu nóng bỏng vào thời bấy giờ.. Khi ấy, tôi mang cấp bực Trung úy, mới 24 tuổi đời, còn bạch diện thư sinh. Tuy hồn vẫn còn xanh nhưng tâm tình đã nung trong lửa chín ở quân trường. Chính tại Đồng Tháp Mười, vùng đất địa linh nhân kiệt, đã gợi hứng cho tôi sáng tác những bản hùng ca như Súng Đàn, Vui Ra Đi, một thuở được hát vang trong Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu. Rồi tiếp sau đó là các bản nhạc Phiên Gác Đêm Xuân, Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ được ra đời cũng tại vùng đất thiêng này. Khi đi vào vùng hỏa tuyến, là chàng trai trẻ độc thân, với một mối tình nho nhỏ thời học sinh mang theo trong ba-lô, tôi bước nhẹ tênh vào cuộc chiến đầu đời.
Ngày đó Đồng Tháp Mười còn là đồng không mông quạnh, lau sậy ngút ngàn, dân cư thưa thớt, sống co cụm trên những gò đất cao giữa vùng đồng lầy nước nổi quanh năm. Người ở hậu phương lúc bấy giờ nhìn về Đồng Tháp Mười như là vùng đất bí hiểm với những huyền thoại Lúa Ma nuôi quân đánh giặc, về Tổng Đốc Binh Kiều, Thiên Hộ Vương thời chống Pháp qua những trận đánh lẫy lừng ở Gãy Cờ Đen, Gò Tháp mà chiến tích được tạc vào bia đá ở Tháp Mười Tầng còn lưu lại đến ngày nay.
Mùa xuân năm đó, đơn vị tôi đóng trên Gò Bắc Chiêng, có tên là Mộc Hoá, nằm sát biên giới Việt Nam-Campuchia, sau này là Tỉnh lỵ Kiến Tường. Đơn vị của tôi đã có những cuộc giao tranh đẫm máu vào những ngày giáp tết trên những địa danh Ấp Bắc, Kinh 12 và tuyến lửa Thông Bình, Cái Cái, Tân Thành. Dù vậy, mùa xuân vẫn có cánh én bay về trên trận địa và hoa sen Tháp Mười vẫn đua nở trong đầm dù bị quần thảo bởi những trận đánh ác liệt. Cứ mỗi độ xuân về, sông Vàm Cỏ lại mang về từng đàn tôm cá từ biển hồ Tông Lê Sáp, vượt vũ môn theo đám lục bình trôi về vùng Tam Giác Sắt, như nhắc nhở Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Đồng Tháp Mười lập danh sách cho những người được về quê ăn Tết. Vì còn độc thân nên tên tôi được ưu tiên ghi vào Sổ Nhật Ký Hành Quân và ở lại đơn vị trong những ngày Tết. Dù không ai nghĩ có đánh nhau ngày đầu năm nhưng quân lệnh phải được tuân hành nghiêm chỉnh.. Trước ba ngày Tết, tôi được lệnh lên chốt tiền tiêu, tăng cường cho cứ điểm, mang theo chiếc ba-lô với chút hành trang lương khô, cùng tấm ảnh của người em gái hậu phương, cũng là cơ duyên sau đó để tôi viết nên bài tình ca Sắc Hoa Màu Nhớ.
Tiền đồn cuối năm, đêm 30 Tết, trời tối đen như mực, phút giao thừa lạnh lẽo hắt hiu, không bánh chưng xanh, không hương khói gia đình. Tôi ngồi trên tháp canh quan sát qua đêm tối, chỉ thấy những bóng tháp canh mờ nhạt bao quanh khu yếu điểm như những mái nhà tranh, chập chờn dưới đóm sáng hỏa châu mà mơ màng về mái ấm gia đình đoàn tụ lúc xuân sang. Thay cho lời chúc Tết là tiếng kẻng đánh cầm canh và tiếng hô mật khẩu lên phiên gác.. Vào đúng thời điểm giao thừa, ngọn đèn bão dưới chiến hào thắp sáng lên như đón chào năm mới thì cũng là lúc những tràng súng liên thanh nổ rền từ chốt tiền tiêu. Khi ấy vào buổi tinh mơ của trời đất giao hòa, vạn vật như hòa quyện vào trong tôi, có hồn thiêng của sông núi, có khí phách của tiền nhân. Tôi nghe tâm hồn nghệ sĩ của mình rộn lên những xúc cảm lạ thường, làm nảy lên những cung bậc đầu tiên của bài Phiên Gác Đêm Xuân:
“Đón giao thừa một phiên gác đêm
chào Xuân đến súng xa vang rền.
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
ngở rằng pháo tung bay
ngờ đâu hoa lá rơi…”
Rồi mơ ước rất đời thường:
“Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh
mơ rằng đây máinhà tranh
mà ước chiếc bánh ngày xuân
cùng hương khói vương niềm thương…”
chào Xuân đến súng xa vang rền.
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
ngở rằng pháo tung bay
ngờ đâu hoa lá rơi…”
Rồi mơ ước rất đời thường:
“Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh
mơ rằng đây máinhà tranh
mà ước chiếc bánh ngày xuân
cùng hương khói vương niềm thương…”
Bài Phiên Gác Đêm Xuân được ra đời trong hoàn cảnh như thế, cách đây nửa thế kỷ, đánh dấu một chuỗi sáng tác của tôi về đời lính như Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Sắc Hoa Màu Nhớ, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Xin Đừng Trách Anh, Lá Thư Người Lính Chiến, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giã Biệt… vân vân. Sau ngày 30 tháng Tư năm 75, các bản nhạc này cùng chung số phận tan tác như cuộc đời chìm nổi của tôi.
Còn với hãng dĩa Continental:
Vào năm 1960, tôi và người bạn cao niên tên là Huỳnh Văn Tứ, một nhà doanh nghiệp có tiếng ở Sàigòn, cùng đứng ra sáng lập hãng dĩa Continental và Sơn Ca. Ông Huỳnh Văn Tứ phụ trách Giám Đốc Sản Xuất, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông phụ trách Giám Đốc Nghệ Thuật. Chủ trương của chúng tôi là nhắm vào hai bộ môn Tân Nhạc và Sân Khấu Cải Lương Ca Cổ.
Về lãnh vực Tân Nhạc, tôi cho ra đời hàng trăm chương trình mang dấu ấn của hãng Continental, Sơn Ca, Premier. Chính hãng Continental, Sơn Ca đã đi tiên phong trong việc thực hiện Album riêng cho từng cá nhân ca sĩ, như Khánh Ly với Sơn Ca số 7, Lệ Thu với Sơn Ca số 9, Thái Thanh và Ban Hợp Ca Thăng Long với Sơn Ca số 10 và nhiều Album cho Phương Dung, Thanh Tuyền, Giao Linh, làm vinh danh những tài năng này ở thập niên 60 và 70. Riêng về bộ môn Sân Khấu Cải Lương Ca Cổ , tôi đã thực hiện hàng trăm chương trình Tân Cổ Giao Duyên và trên 50 vở tuồng cải lương kinh điển nổi tiếng như Nửa Đời Hương Phấn, Đoạn Tuyệt, Tiếng Hạc Trong Trăng, Sân Khấu Về Khuya, Mưa Rừng… vân vân.
Chính trong thời gian này, tôi tạo thêm hai bút danh nữa là nhạc sĩ Phượng Linh và soạn giả Đông Phương Tử, nhằm phục vụ cho bộ môn Cải Lương Sân Khấu và Tân Cổ Giao Duyên. Bút danh Phượng Linh để sáng tác phần nhạc đệm và bài ca tân nhạc lồng trong các vở tuồng cải lương, phối hợp với giàn cổ nhạc gồm những danh cầm như Văn Vỹ, Năm Cơ, Hai Thơm. Còn bút danh Đông Phương Tử là soạn các bài tân cổ giao duyên và đạo diễn thâu thanh các vở tuồng cải lương. Tiếc thay, những công trình tâm huyết đó đã bị gạt ra bên lề xã hội sau biến cố lịch sử 30 tháng Tư năm 1975.
Nói về những nhạc phẩm sau này, nhạc sĩ NVĐ tâm sự
Sau tháng 4/1975, tôi đi học tập “cải tạo” 10 năm. Khi trở về nhà, tôi mang theo nhiều chứng bệnh trầm trọng, tinh thần và thể xác bị suy sụp. Suốt 30 năm qua, tôi không tham gia bất cứ hoạt động nào ở trong nước cũng như ngoài nước. Vào năm 2003, nhà nước Việt Nam có cho phép lưu hành 18 bài hát của tôi, gồm: Hải Ngoại Thương Ca, Nhớ Một Chiều Xuân, Về Mái Nhà Xưa, Khi Đã Yêu, Đom Đóm, Thầm Kín, Vô Thường, Niềm Đau Dĩ Vãng, Tình Cố Hương, Cay Đắng Tình Đời, Tình Đầu Xót Xa, Khúc Xuân Ca, Kỷ Niệm Vẫn Xanh, Truông Mây, Bài Ca Hạnh Phúc, Trái Tim Việt Nam, Núi và Gió...
Rất tiếc một số bài hát tâm đắc không được nhà nước cho phép. Tôi hy vọng rồi đây theo thời gian mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Đặc biệt trong lãnh vực văn hoá, văn nghệ, tôi nghiệm rằng những gì có giá trị nghệ thuật, dù bị vùi dập vì sự ganh tỵ hay hiểu lầm, sẽ có ngày được mang trả lại vị trí đích thực của nó. Tôi chỉ tiếc đời người ngắn ngủi mà tôi đã phí phạm quãng thời gian dài 30 năm. Thật lấy làm tiếc!
*****************************************
Hải Ngoại Thương CaHạt Sương Khuya
Hải Ngoại Thương CaChủ nghĩa tham vọng….chẳng biết có loại chủ nghĩa này hay không, nhưng nó hình như chưa từng hiện hữu trong đời sống tôi, có chăng chỉ là niềm đam mê và sống hết mình trong nghệ thuật âm nhạc, một bức tranh đẹp có giá trị phải được phù thủy hóa bằng trái tim qua nét vẽ của người họa sĩ.Tôi không muốn phác họa « thần tượng » của mình trên đôi tay vụng về, bởi giá trị của ông đã được quá nhiều văn nhân thi sĩ nhắc đến bằng tất cả ngôn từ đẹp nhất trong sự ái mộ và trân trọng, tôi không muốn mình trở thành thừa thãi khi viết về ông. Dù không là sa mạc cũng xin làm hạt cát được quyện tròn trong cơn lốc yêu thương, tôi tìm về ông như một nơi trú ẩn cho tâm hồn, xoa dịu trong tôi những vết xước của gai đời, ở nơi đó tôi tìm lại cho mình sự thăng bằng để tiếp tục bước đi trên đoạn đường còn rất dài nhưng chưa tận.
Viết về người nhạc sĩ khả kính Nguyễn Văn Đông, quả thật tôi không đủ khả năng để nói được hết những tinh hoa trong nghệ thuật âm nhạc mà ông đã mang đến cho đời, tất cả những gì hay và đẹp nhất đã được nhà thơ Du Tử Lê viết lại một cách rất trân trọng và chi tiết, bao gồm :Tiểu sử, thân phận, cũng như những nhận định về hình ảnh người lính trong nhạc Nguyễn Văn Đông. Xin được khép lại những tinh hoa của một nhà thơ nói về người nhạc sĩ khả kính, bởi chính ông đã « hữu xạ tự nhiên hương », sự chuyển tải đôi khi vụng về của tôi sẽ trở nên thừa nếu không muốn nói là….dở. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn hoài niệm lại một quãng đời tôi đã đi qua, trong đó có hình ảnh của người Bố đã một thời khoác áo chinh y, ngoài những ca khúc tiền chiến bất hủ, Bố là người đã đưa tôi đến gần với nhạc Nguyễn Văn Đông, để từ đó âm nhạc Nguyễn Văn Đông đã sống cùng tôi trong suốt cuộc chiến dài và cho đến mãi tận hôm nay.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Ông sinh ra vừa kịp lớn để bước theo tiếng gọi núi sông, tôi sinh ra để kịp nghe tiếng tầm bay của đạn pháo.Hai mảnh đời nhưng cùng một thân phận, thân phận của những con người sinh trong thời ly loạn, để cùng gặm nhấm chung những nỗi đau mất mát của chiến tranh, ông bước vào đời bằng lý tưởng của người trai vì sông núi, tôi bước vào đời bằng giấc mơ đoàn viên bên cạnh bếp lửa hồng.Và chính nơi này tôi đã gặp ông trong cái duyên âm nhạc….
Mỗi lần được tin Bố sắp về phép, lòng tôi nôn nao thấp thỏm đứng ngồi không yên, trường học tôi nằm ngay trên con đường đi ra cổng làng, rất thuận tiện cho việc đi đón Bố sau khi tan học, ngày ấy còn bé quá , tôi không có khái niệm về thời gian, nhiều hôm về đến nhà bị ăn đòn vì cái tội học xong không về thẳng nhà mà còn đi lêu lỏng, những lần như thế bịnh lì bẩm sinh lại tái phát, mình tôi lầm lũi đi ra chiếc cầu nằm cạnh nhà bắc ra sông, ngồi thả chân đánh đu cùng sóng nước, mắt nhìn về một cõi xa xăm tìm Bố để than van kể lể về nỗi lòng « Oan Thị Kính », biển là người bạn duy nhất đã cất giữ dùm tôi những giọt nước mắt của nhớ thương, hình ảnh Bố với gương mặt thoáng buồn cùng đôi mắt trĩu nặng trong bộ quân phục bên cạnh cây súng và chiếc nón sắt đang nhìn tôi như muốn nói điều gì…
- Bố ơi, con nhớ Bố lắm..
Tôi quay về mang theo chút tia hy vọng, mong ngày mau qua cho đêm xuống, để khi thức giấc tôi lại có thêm một ngày chờ đợi và đón Bố khi bóng người còn đang ở rất xa…
- Sao con không ở nhà, ra ngoài trời nắng chang chang thế này
Và câu nói muôn đời bất di bất dịch của tôi
- Sao Bố đi lâu thế
Những ngày phép qua đi thật ngắn ngủi, nhìn cách chuẩn bị của Mẹ cho tôi biết …ngày mai này Bố lại ra đi….. Tôi lầm lũi trở nên ít nói, với lên vách tường lấy xuống cây đàn Mandolin trao vào tay Bố…
- Bố đàn và hát cho con nghe nhé
Cầm cây đàn trên tay sửa lại cho đúng nốt, giọng Bố trầm buồn….Chiều mưa biên giới anh đi về đâu
Sao còn đứng ngóng nơi Giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt
Người về bơ vơ …..
Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gửi ra sa trường
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi !
Tiếng đàn khi trầm lúc bổng réo rắt như những nhịp bước quân hành.Hình ảnh những người lính hiên ngang nối đuôi nhau đi trong mưa bão lúc ẩn lúc hiện, trước mặt là núi rừng trùng trùng điệp điệp, văng vẳng bên tai tôi, tiếng quân hành lướt đi ngoài sương gió, tôi nhìn theo bóng dáng người lính cuối cùng đã khuất dần dưới cơn mưa bão, lòng chợt bồi hồi « Chiều mưa biên giới anh đi về đâu »…..Bản nhạc đã dứt, tâm hồn tôi còn mãi tận nơi đâu…..Giọng Bố đánh thức tôi trở về với thực tại và chỉ còn kịp nghe ….
- Chiều Mưa Biên Giới của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đó con gái.
Kể từ đó… « Em chưa biết yêu đã biết sầu »… Âm nhạc Nguyễn Văn Đông đã đi bên cạnh tôi như một người tình trong suốt cuộc chiến, xoa dịu trong tôi những nhớ thương về người Bố ngoài chiến trường, đang ngày đêm miệt mài ôm tay súng gìn giữ sơn hà cho tôi có được những giấc ngủ bình an.
Những cánh phượng rời xa cuống đi tìm giấc ngủ vùi trong cơn mưa thu, một vài tiếng ve sầu đang cố cất lên những cung bậc thê thiết sau cùng để lìa xa nhân thế, xa xa vọng về những âm thanh của sự chết, máu quyện cùng đất chan hòa cùng nước mắt của người thiếu phụ, người lính vẫn miệt mài tay súng, vẫn tình thu thắm thiết, và vẫn nhớ muôn vàn đến một « Sắc Hoa Màu Nhớ »Hoa phượng rơi đón mùa thu tới
Màu lưu luyến nhớ quá thu ơi
Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi
Sắc tươi màu phố vui
Tiễn em chiều năm ấy….
Đời tôi quân nhân, chút tình duyên gửi núi sông
Yêu mầu gợi niềm thủy chung
Nhưng rồi vẫn nhớ,một trời vẫn nhớ đời đời
Phượng rơi rơi trong lòng tôi….
Người lính vẫn hiên ngang bước đi trong oan nghiệt của đất trời, mưa…mưa da diết, mưa như vuốt mặt, mưa như cài thêm nỗi nhớ để bước chân anh không biết mỏi, dù gian khổ, dù hiểm nguy , hay dù tóc anh có tơi bời lộng gió bốn phương, nhưng chân anh chưa mỏi, chí anh chưa sờn… chuyện mưa nắng bụi đường có xá gì với đời trai đã nguyện hiến dâng mình cho đất nước. Người lính Nguyễn Văn Đông cũng như bao chàng trai cùng trang lứa, đã bước theo tiếng gọi của tiền nhân băng mình trong lửa đạn, đêm nằm gối súng trông ánh sao trời nghe tim mình thèm khát một chút tình đơn sơ, ươm những giấc mơ cho ngập tràn nỗi nhớ, để khi tìm về bên người yêu, dư vị thuốc súng vẫn phảng phất vương trên màu áo trận, xóa tan đi những giọt tủi hờn. Hạnh phúc lại một lần nữa được khai sinh trên nỗi nhớ, dù có mong manh tựa sợi tơ trời, thì hạnh phúc ấy cũng đủ gía trị để ta nâng niu trọn một kiếp người.
Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng
Ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê
Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông
Kết trong lòng thế hệ, nghìn sau nối nghìn xưa…
Anh như ngàn gió, ham ngược xui, theo đường mây
Tóc tơi bời lộng gió bốn phương
Nước non còn đó một tấc lòng
Không mờ xóa cùng năm tháng
Mấy ai ra đi hẹn…về dệt nốt tơ duyên…
Dù chưa một lần được làm người yêu của lính trong thời chiến, nhưng trong tôi đã có đủ những cảm nhận phút giây giã biệt, nỗi quyến luyến trước phút chia tay khi Bố trở lại chiến trường vẫn in hằn trong trái tim, những giọt nước mắt trong cái ôm siết chặt rớt trên vai Bố đã nuôi tôi khôn lớn từng ngày, để từ đó tôi biết yêu và quý trọng hơn những gì đang hiện hữu. Lời giã biệt…như nói lên một sự hứa hẹn nhưng không phải là tuyệt vọng, dù có làm tan nát lòng kẻ ở người đi, thì đó cũng chính là chất xúc tác để ta không phải hoài một đời, sống trọn vẹn một lần trong “ thú đau thương ”.
Thôi nhé về đi em buồn chi
Lưu luyến càng thêm đau người đi
Một trời binh lửa nhuốm tang thương
Người đi chốn sa trường
Hàn gắn tình mến thương…
Nơi ấy dù bôn ba đời lính
Anh vẫn còn yêu thuở học sinh
Trời chiều biên giới hết mưa bay
Người đi chóng quay về
Em gắng chờ đợi nhau.
Từng đàn bướm đang lượn quanh muôn hoa, đám cỏ non đang nô đùa trước gió, từng cụm mây trắng như bóng giai nhân nằm khoe mình dưới bầu trời xanh vắt. Xuân đã về…
Dù ai buôn bán nơi đâu
Nhớ đến ngày tết rủ nhau mà về
Chiến tranh dù có tàn ác cách mấy, cũng chẳng ai nỡ gieo tang tóc trong những ngày xuân, thế nhưng… mùa xuân năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám. (1968) Mùa xuân của điêu linh,của tang tóc, của máu và nưóc mắt trộn lẫn xác người cùng xác pháo đẫm ướt trên khắp quê hương miền Nam. Người người khóc, nhà nhà khóc, tiếng pháo giao thừa đã phải chào thua những tiếng nấc uất nghẹn, những ánh mắt hờn căm,những kêu gào tuyệt vọng. Làm sao nói cho hết sự tàn bạo của cái chủ thuyết vô thần, luân lý và đạo đức không giá trị bằng những ly rượu máu chảy từ người dân được nâng lên chúc mừng cho loại chiến thắng lừa bịp, hung tàn. Thương cho thân phận những người lính miền Nam phải đón giao thừa trong một phiên gác xuân, nghe tiếng súng mà ngỡ rằng tiếng pháo, ngồi trong chòi mà ngỡ mái nhà tranh, hình ảnh đó đã đủ nói lên hết cái tinh thần trách nhiệm của người trai thời loạn. Một lần nữa xin được tri ân các Anh, những người còn sống hôm nay và những người đã ngủ sâu trong lòng đất Mẹ.
Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi…
Chốn biên thùy này xuân tới chi
Tình lính chiến khác chi bao người
Nếu xuân về tang thương khắp lối
Thương này khó cho vơi,thì đừng đến xuân ơi.
Nếu như định mệnh có dành sẵn cho người lính một kết thúc oan nghiệt, thì con dân miền Nam cũng phải gánh chịu những đọa đày sau ngày tàn của cuộc chiến. Tất cả những gì người lính làm đã vượt lên số phận, họ không là một tín đồ ngoan của thuyết “định mệnh”, nhưng than ôi, số phận như một tiền định mà con người không thể chống lại. Đã bao lần tôi khóc cho Anh và khóc cho dân tộc này. Ngày Anh bước vào trò chơi mãn tính của loài thú, là ngày con dân miền Nam sống nô lệ khổ sai trên chính quê hương mình, bóng tối và sự chết luôn rình rập đe dọa trên nỗi sợ của con người, làm sao không biết sợ khi đứng trước loài cầm thú chỉ biết phục tùng cho bản năng. Và tôi rời quê hương mang theo bên mình nỗi buồn viễn xứ, Anh ở lại gậm nhấm nỗi nhục của người ngã ngựa.
Trong những năm đầu sống vật vờ làm trăng viễn khách, hồn tôi xuôi ngược chẳng biết về đâu…Những chiều mưa biên giới, những sắc hoa màu nhớ, những phiên gác đêm xuân… Tất cả đã mờ dần, trong tôi giờ chỉ có sàigon ơi vĩnh biệt, người di tản buồn, ai trở về xứ Việt, hay một chút quà cho quê hương... Tôi đã quên ông, quên người nhạc sĩ đã nuôi lớn trái tim tôi, con dân miền Nam cũng thôi nhớ về ông, những khuôn mẫu suy tư độc đoán đã dìm chết cả một dân tộc đắm chìm trong “chủ nghĩa tuân thủ” những tiếng hát vô hồn như những thây ma cùng bước lên “chủ nghĩa đại đồng”, và tất cả cùng ngã gục xuống tận đáy điêu linh của “ thời bao cấp”.
Mười năm của tủi nhục đã bào mòn thân xác, ông trở về mang theo một túi hành trang trống rỗng, chứa đựng sự rách nát toàn diện của tâm hồn. “Ông bước đi …không thấy phố…không thấy nhà…chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ ”. Đây…đây mới đích thực là nỗi đau tận cùng của những giọt lệ khô đã làm trơ đi hốc mắt. Xa lạ lắm phải không ông? Nếu không còn nước mắt để khóc thì cười đi ông nhé, cười cho thật man dại, để khi tiếng cười ngưng bặt, trong sự tĩnh lặng ông sẽ nghe rõ hơn tiếng thét gào từ đáy vực tâm hồn. Là một người mang ơn ông , hãy để tôi khóc thay ông, khóc cho cái gía mà ông đã trả cho tình yêu đất nước và niềm đam mê sáng tác, để tôi có được thừa hưởng chân giá trị mà ông đã để lại cho đời.Lần trở về tìm lại cảnh cũ người xưa, trong nỗi xót xa bồi hồi xúc cảm, ông chỉ kịp nhìn những điêu tàn đổ nát, nhưng không kịp đuổi bắt quá khứ chưa một lần vấy đục sông mê…
Về đây ngơ ngác, chim bay tìm đàn
Về đây hoang vắng, lạnh buốt cung đàn
Tôi lắng nghe tâm tình nhân thế
Qua đáy tim chưa đục sông mê
Qua ước mơ duyên tình đơn sơ…..
Nơi xưa quê nghèo, nhà tranh nát tiêu điều
Tình xưa khôn hàn gắn
Người đã đi rồi, người về đâu có hay
Đâu vòng tay đắm say …..
Nói đến âm nhạc Nguyễn Văn Đông, nếu như không nhắc đến “ Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp” thì quả là một thiếu sót rất lớn. Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp như một tiêu biểu cho sự chọn lựa lý tưởng của người trai thời loạn, bao gồm cả ý thức hệ. Sự dung hòa giữa tình nhà nợ nước, đã không làm mất đi cái giá trị nhân bản của một con người bình thường trong “ hàng hàng lớp lớp” của ông. Có lẽ đó cũng là một nét riêng, một đặc điểm để trở thành một biểu tượng trong lòng những người lính khi đến với âm nhạc Nguyễn Văn Đông.
Còn đây giây phút này
Còn nghe tiếng hát, nụ cười xinh tươi
Còn trong ánh mắt, còn cầm tay nhau
Ngày mai xa cách nhau
Một người gối chiếc cô phòng
Còn người góc núi ven rừng, chân mây đầu gió
Hỡi người anh thương, chứa trọn thề ước
Nhưng tình đất nước ôi lớn lao
Không đành lòng dệt mối thắm riêng tư
Phương trời anh đi, xa xôi vạn lý
Đêm nằm gối súng trông ánh trăng
Cho người này gợi nhớ thương người kia …..
Và xin em hiểu rằng
Người đi giúp nước nào màng danh chi
Cầu cho đất nước vượt ngàn gian nguy
Đời dâng cho núi sông
Lòng này thách với tang bồng
Đừng sầu má ấy phai hồng, buồn lắm em ơi.
Thời gian tựa bóng câu qua mành, mới đó mà đã hơn ba mươi sáu năm, kể từ ngày quê hương đắm chìm trong biển lửa. Theo làn sóng tị nạn cộng sản, tôi cũng như những người con dân Việt, đành đứt ruột lià xa những người thân yêu, lìa xa Tổ Quốc sống những tháng ngày lưu vong nơi đất lạ quê người, hình ảnh hoảng loạn không định hướng của những ngày đầu, lại một lần nữa trở về hiện diện trong ký ức tôi…! Mọi người đang đón mừng giáng sinh trong an bình hạnh phúc, con dân Việt chúng tôi đón mừng giáng sinh trong nước mắt tủi nhục của một thân phận lưu đày, tất cả cùng khóc, ôm nhau khóc, tức tửi khóc, khóc cho Tổ Quốc, cho Cha Mẹ, cho anh chị em , cho vợ, cho chồng, cho các con, và sau cùng là giọt nước mắt dành cho chính mình. Trải qua biết bao thăng trầm, con dân Việt lưu lạc mới có được sự bình ổn trong đời sống, cuộc chạy đua để được sớm hội nhập với một nền văn hóa mới, tôi đã bị thua cuộc so với những bạn bè cùng trang lứa, trong lúc nhiều bạn bè chạy theo nền âm nhạc đang rất thịnh hành của thập niên tám mươi, thì tôi cặm cụi như một bà già tìm kiếm lại những âm thanh ngày cũ, khóa chặt hồn mình trong một ốc đảo cùng với những tình khúc của một thời binh lửa, gặm nhấm những cảm xúc đau thương nghe trái tim dằn vặt để cùng đau với sự nổi trôi của vận nước. Mang ơn ông đã thắm nhuần trong tôi những ca từ của chiều mưa biên giới, của khúc tình ca hàng hàng lớp lớp, để tôi không phải đi khập khễnh trên chính đôi chân mình, và nhờ thế tôi nhận thêm ra những chân giá trị của ông. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một người có óc sáng tạo trong cải cách âm nhạc, dựa trên căn bản cái mình đã có làm nền tảng cho sự cái cách, chẳng bởi vì “ Tân” mà phải mất đi cái “ Cổ ”. Vì thế, trên nền trời âm nhạc của Việt Nam đã xuất hiện thêm một thể nhạc mới được gọi là “ Tân Cổ Giao Duyên”, xuất thân từ miền bắc, nhưng tôi cũng rất mê cái thể loại nửa Tân nửa Cổ này. Theo nhà thơ Du Tử Lê, bài “ Tân cổ giao duyên” đầu tiên được sáng tác vào năm 1963, đó là bài “ Khi Đã Yêu”, và phải đợi tới sáng tác thứ hai “ Mùa Sao Sáng” thì phong trào “ Tân cổ giao duyên” mới thực sự rộ lên. Viết đến đây làm tôi lại nhớ đến Bố, điều làm tôi rất ngạc nhiên, Bố bị ảnh hưởng vào nền âm nhạc thời “ Tiền Chiến” rất sâu đậm, thế mà ông cũng rất mê thể loại “ Tân Cổ Giao Duyên” này mới chết tôi, cái chết ở đây là vì …Bố bắt tôi hát tân cổ cho Bố nghe, dù đang còn trong tuổi thắt bím nhai ô mai, vậy mà tư duy tôi đã hình thành cái mặc cảm rất dễ thương “ Bắc kỳ hát tân cổ sẽ lòi cọng rau muống”. Nhờ Bố mà tôi cảm nhận được cái đẹp cái hay qua sự sáng tạo của người nhạc sĩ, tôi ví “ Tân Cổ Giao Duyên” như sự kết hợp của nghĩa vợ chồng, như hình với bóng không thể tách rời.
Khi đã yêu thì mơ mộng nhiều
Mơ ngày mai pháo nhuộm đường vui
Mơ vành môi thơm ngát hương đời
Tình kia phong kín mây trời
Nhưng yêu riêng một người thôi….
Chớ nói tình yêu
Bằng chót lưỡi đầu môi
Bằng khóe mắt xa vời
Thì dẫu sau này nên câu luyến ái
Ân tình còn vương mãi mãi
Muôn đời trọn kiếp không phai….
Ngoài ra, với tôi âm nhạc và con người Nguyễn Văn Đông là cả một triết lý sống, ông là người biết giữ gìn cái giá trị của mình, không để biến chứng theo thời cuộc, biết tìm cho mình một hạnh phúc trong chữ “ Nhẫn ”, sự sắt son và tấm lòng thủy chung của ông đã phá tan mọi đam mê của quyền lực, của danh vọng. Hãy thử một lần kềm hãm sự thèm khát của bản năng, để thấy rõ hơn cái chân giá trị của lý trí. Là một người sống có lý tưởng, ông đã trọn lòng phục vụ cho đất nước, trọn lòng phục vụ đời sống tâm linh cho xã hội, đem niềm vui cho người làm hạnh phúc mình,vì thế tôi không ngạc nhiên khi nghe ông thở dài về ba mươi mấy năm hoang phế. Tôi nhìn ông ở khía cạnh đời sống tâm linh nhiều hơn những biệt tài mà ông đã mang đến cho đời.
Chiến tranh chấm dứt là điều mong muốn của tất cả con dân Việt, nhưng định mệnh đã an bài cho đất nước phải kết thúc trong sự đau đớn ê chề, đường ranh giới đã được lấp, nhưng lòng người vẫn vạn nẻo ly tan. “Hải Ngoại Thương Ca” như một sắp xếp của định mệnh, “sáng tác năm 1964” để sau bốn mươi bảy năm, “Đàn Chim Việt” vẫn ngậm ngùi trong cảnh ly hương, nhin về cố quận mà đau lòng con Cuốc Cuốc. “Tôi đi giữa trời bồi hồi, Cờ bay phấp phới quên chuyện ngày xưa” ... đó là tâm tình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông dành cho những người bạn đang sống ly tán trong cuộc binh biến đảo chánh năm 1960, như một lời kêu gọi hãy quên đi oán thù và trở về cùng xây dựng lại Quê Hương. Điều đó đã nói lên tính chất nhân bản của người nhạc sĩ đối với tình bạn và nghĩa đồng bào. Ngày nay, những cánh chim viễn xứ vẫn đi giữa trời bồi hồi, Cờ bay phấp phới “mong ngày đoàn viên”. Làm sao có thể xóa tan được oán thù, khi quê hương ngày một hấp hối trước họa diệt vong, những trái tim xanh đã không còn chỗ đứng trong một xã hội mang đầy kịch tính, nước nát, nhà tan, cái ác vẫn hiên ngang tồn tại, sự nhẫn nhục đã vượt trên sức chịu đựng của con người, thì lòng thù hận không phải là một sự lựa chọn của những người con xa xứ, mà đó là lập trường kiên định để nuôi chí đấu tranh, dành lại quyền sống, quyền làm người cho thế hệ mai sau. “Hải Ngoại Thương Ca” với tôi là một sự chờ đợi hát cho ngày quật khởi, ngày Cờ Vàng phấp phới bay trên khắp ba miền đất nước để nghe tiếng hát sum vầy của Hội Trùng Dương. Xin Hồn Thiêng Sông Núi phù hộ cho con thuyền nước Nam được anh dũng oai hùng chen chân cùng thế giới…
Mặc thời gian tóc pha đôi màu
Mặc đại dương sóng to mưa gào
Đàn chim bé trong làn chớp xanh
Yêu trời tự do Á Đông
Thương về đồi núi xa xa.
Hạt sương Khuya - Paris 2012
Cám ơn bạn đã chuyển. Người viết bài này thật hay, chỉ ngạc nhiên
ReplyDeletemột điều là cô Hạt sương khuya còn rất trẻ ( dưới 50)
Làm sao mà lại có được những cảm nghĩ sâu đậm với nhạc VN
Ngày trước như thể này vả đặc biiệt nhạc NVĐ? Tác giả là một khuôn mặt MC khá nồi tiếng ở Đức và Tây Âu, ăn nói lưu loát đanh thép ít e dè, hát hay , dạn dĩ trên sân khấu, tên thật lả Thu Sương.
Bài viết từ 2012 khi NS Nguyễn văn Đông còn sống.
MN