Lời giới thiệu : Giáo Sư Đoàn văn Phi Long là giáo sư dạy Toán tại trường Trưng Vương trước 1975. Sau khi định cư tại Úc song song với việc dạy Toán cho nhiều thế hệ học sinh Việt tại gia, từ năm 1987 Thầy còn bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu về Nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Đây là một chương trong khoảng 30 chương của " Nguồn gốc dân tộc Việt Nam".
Đặc san TV6370 xin cám ơn Thầy Đoàn văn Phi Long đã gửi bài cho, và xin trân trọng giới thiệu đến các bạn TV và độc giả khắp mọi nơi .
Giáo sư Đoàn Văn Phi Long
Giao Chỉ, Yuồn, Keo
Gs Đoàn văn Phi Long
Nạn “cáp duồn” xuất hiện tại Cao Miên và ngay cả trên lảnh thổ VN: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, vào cuối 1945, đầu 1946 thời Pháp thuộc.
Cáp Yuồn tiếng Miên là chặt đầu dân Việt, do VN chiếm Thủy Chân Lạp và do người Miên bị khích động bởi chuyện truyền miệng ”Tả quân Lê Văn Duyệt chiếm đóng Campuchia bắt ba người phản loạn chôn sống, chụm lữa để chảo trên đầu nấu nước trà. Bị nóng dãy dụa làm đổ nước bị quân lính đánh và nói Chắc tức tê ông tức là làm đổ trà của Ông”. Chuyện này ở Campuchia ai cũng biết.
Học giả Vương Hồng Sểnh giải thích Yuồn hay Duồn là biến dạng của từ Vương, tên người Miên dùng để chỉ Nguyễn Vương, giải thích không đúng vì tộc Mã Lai gọi VN là Yuavan hay Yavana, Chàm là Yuan, Bà Na là Yuân, Radê là Yoân, Gia Rai là Yuăn, Stiêng là Yuơn, Mạ là Yen, Mường là Yịt. Tộc Juang ở bang Odisha đông bắc Ấn Độ, thuộc ngữ tộc Munda trong Nam Á, Juang gần với tộc Kharia. Tên Juang phát âm tương tự như Yuồn. (TK 1)
Đa số đều cho từ yuavana có gốc Ấn Độ: Người dân ở những nước bị ảnh hưởng văn hoá Ấn độ gọi dân khác văn hoá là yuon, yuan, biến thể từ chữ yuavana, có nghĩa là man di– một hình thức tự cao, cho rằng văn hoá của mình là số một.
Nhưng trong website Hindu baby names, Yuvana thường dùng đặt tên cho con trai trẻ, khỏe mạnh (young, healthy boy), còn tính từ là yuva. Vậy yuvana là mầm non, sơ khai, nguyên thủy không có ý xấu, trái ngược với quan niệm thông thường. Human tiếng Anh chuyển sang Ấn là man danh từ hay mana tính từ. (TK 2)
Yuồn ở Khmer
Theo ghi chép bởi sứ thần Zhou Daguan, được nhà Nguyên (Mông Cổ) gởi tới Angkor năm 1296 thời đế quốc Khmer “Khi Đế quốc Khmer xâm lấn, dân bản xứ đã trốn lên núi cao và trở thành nô lệ và được gọi là Tchuang” mà theo tộc Pear từ juang có nghĩa là người. (TK 3)
Như vậy chứng tỏ người dân Khmer đã chiếm đất của dân Yuồn Tchuang để rồi bị Yuồn VN chiếm lại, đúng là gậy ông đập lưng ông.
Yuồn Quảng Đông, Quảng Tây
Người Tàu giải thích các từ này là Khoảng rộng phương Đông, Khoảng rộng phương Tây, giải thích không hợp lý vì họ không biết ý nghĩa của từ này. Thứ nhất không ai dùng tên tầm thường cho một nước, thứ hai tên đáng lý phải là Đông Quảng, Tây Quảng nếu đây là tiếng Hán có tính từ đi trước, đằng này tính từ đi sau nên hai tên trên không phải là tiếng Hán. Quảng là Guang có âm rất gần với từ Yuang, Yuan, Yuồn do đó hai từ này là Yuồn Đông, Yuồn Tây tiếng Việt cổ.
Nguồn gốc từ Yuồn
Yuồn cố nguồn gốc từ Human chớ không phải từ Yuvana Ấn độ mặc dầu có phát âm tương tự.
HumanàYuanàYuồn, Duồn
Ý nghĩa từ Keo
Có đọc trên mạng viết là tộc thiểu số miền Bắc vẫn còn gọi người Việt là Keo. Đi hỏi một anh bạn kỷ sư người Bắc từng đi khắp miền thượng du Bắc Việt thì được xác nhận đúng là Keo.
Người miền Nam và Trung được đồng bào Thượng và các nước phía Nam gọi là Yuồn như đã nói ở trên.
Có mạng viết “Dân Việt có trên 70 triệu người , chiếm 86 % dân số cả nước, người Tày -Thái gọi người Kinh là "Cần Keo, côn Keo" ( Keo= Giao...). Người Giao Chỉ khác người Hán ở chỗ tầm vóc thấp nhỏ hơn, lăn lẳn thân mình (gắm) chứ không to béo” (TK 4)
Nơi khác viết chữ "Kinh" (để chỉ về dân tộc Kinh chúng ta, ngày xưa dân tộc Kinh chúng ta có tên gọi khác là “Kằn Keo, Kon Yuôn” có lẽ được xuất phát từ trùng âm của danh động từ chỉ về ăn uống là từ "Kin" của các dân tộc thuộc ngữ hệ Tày, Thái, Lào... gọi tộc người chúng ta. (TK5)
Bên Tàu có tộc thiểu số Jing-zu là tộc chiếm đa số ở Việt Nam hiện nay. Từ jing có nghĩa là kinh đô nên người Kinh chỉ dân ở kinh thành còn người Thượng là dân sắc tộc ở vùng cao nguyên, rừng rú.
Trung Hoa hay rút gọn một cụm từ thành từ kép như bành trướng củng cố thành bành củng, dân sắc tộc thiểu số thành tộc dân được Hà Nội đảo ngược cho đúng văn phạm VN một cách chẳng giống ai là người dân tộc!! Một thí dụ khác, từ chất lượng là chữ rút gọn của hữu chất hữu lượng nhưng dùng ở VN thì sai vì ta đã có vũ lượng, tửu lượng nên chất lượng là lượng của chất, mất ý nghĩa ban đầu. Tiếng Tàu không có văn phạm (phát biểu của Tôn Dật Tiên), họ muốn nói thế nào cũng được nhưng tiếng Việt có văn phạm nên không phải tiếng Tàu nào cũng áp dụng được cho VN. Người Quảng Đông nói “nị gả cho ngộ li” nhưng người Việt phải nói “Má gả em cho anh đi” mặc dầu từ gả có gốc Tàu.
Ngoài ra đây là từ xì trum nghĩa là một từ có hàng chục, hằng trăm nghĩa. Lý do là chữ Hán rất khó học khó nhớ, học 7 năm trung học được 2000 từ chỉ đủ cho việc hằng ngày. Trung Cộng đơn giản lại chừng vài trăm từ cho cán bộ nói như máy và vì vậy từ ngữ rất nghèo nàn, thua xa từ Hán Việt có từ thời Tần.
Người Keo là người Cau
Theo một số tác giả tên Văn Lang là cây Cau vì cây cau tượng trưng cho người Việt, đền thờ ở VN đều có trồng cau. Vì thế người Việt là người Cau?
Chùa Keo
Có một tên Keo khác là chùa Keo ở miền Bắc mà không ai biết có nghĩa là gì. Có người cho Keo là tên làng Keo ở gần chùa Keo.
Tỉnh Tà Keo của Campuchia gần Châu Đốc là Blue Emeral God tức là Thần Ngọc bích. Như vậy chùa Keo miền Bắc thờ thần Tà Keo đạo Bà La Môn.
Tôn giáo đầu tiên ở VN và Trung Hoa là Bà La Môn, phù hợp với ý kiến nhiều học giả Tây phương.
Nho Giáo của người Thương (Shang) là một tôn giáo phát xuất từ Ấn Độ gồm có hai hoạt động chính:
-cúng bái
-trình diễn lễ nhạc
Dao ni
Sách Điền hải Ngũ hành chí kể tộc Dao ni đánh trống gõ chuông vào buổi sáng. Dao là do chữ Iu của Iu Mien, còn ni là người tu hành.
Người Dao theo Ấn giáo, làm lễ nhạc và do đó có từ ni. Tiếng Tàu là song âm tiết như bá bá, cô cô, và không có văn phạm, nên từ Dao phải đi kèm một từ khác, ở đây là từ ni.
Người Keo trong khảo cổ
Đây là giả thuyết duy nhất nói về từ Keo do các nhà khảo cổ miền Bắc đưa ra:
"Ở Bắc Việt thời tiền sử có hai loại người chính yếu là Indonesian cổ và Austromélésien. Sau đó loại Austromélanésien biến lần và chỉ còn lại loại Indonésien cổ. Về sau kết hợp với các bộ lạc khác thành một loại nhân chủng mới: loại Nam-Á tức dân tộc Keo tổ tiên chính xác của dân tộc Việt Nam ngày nay. Dân Keo đã cư trú lâu đời ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Việt từ xa xưa".
Giả thuyết không cho biết tổ tiên Keo của dân tộc Việt là ai vì tên Indonesien cổ do các nhà khảo cổ Tây phương đặt ra dùng để chỉ một loại người cổ ở Đông Nam Á, không ám chỉ Nam Dương.
Keo, Dao có nguồn gốc từ Hu trong Human
Hu-->Hi-u-->Ki-u, Jiao, Jiu, Chiu -->Keo, Dao, Cửu
Giao Chỉ
Có hai cách lý giải từ Giao Chỉ
Lý luận theo ý nghĩa (meaning)
Giao Chỉ có nghĩa ngón chân cái bẻ quẹo ra.
Trung Hoa phiên âm từ Tây phương rất kỳ quặc như Malasia thành Mã lai á (ngựa lại Á châu), America thành Mỹ lị gia (Đại gia lị người đẹp), Hawaii thành Hạ oai di (rợ làm oai kẻ dưới), Paris thành Bá lê (trăm trái lê), Washington (Hoa thịnh vượng bất ngờ), Nhật Nam (phía Nam mặt trời) nhưng vùng này lại ở Bắc bán cầu. Thực sự Nhật Nam là từ phiên âm của Chenan hay Jenan, tiếng Chàm.
Do vậy nếu lý giải theo nghĩa hầu hết không đúng, xin dẫn chứng như sau:
1. Gen không thể biến đổi quá nhanh.
Cổ sử ghi quận Giao Chỉ có 10 huyện, 92.379 hộ, 746.237 người. Quận Cửu Chân có 7 huyện, 35.743 hộ, 166.013 người. Còn quận Nhật Nam do nhà Hán mới đặt sau khi đánh chiếm Nam Việt, gồm có 5 huyện, có 15.460 hộ, 69.485 người.
Thời Mã Viện dân số Giao Chỉ dưới một triệu hầu hết có ngón chân cái bẻ quẹo, thế mà chỉ khoảng hơn 2000 năm sau thì 99.999% ngón chân cái hết dị tật.
Lời bàn: Điều này khó có thể xãy ra vì theo di truyền học phải cần thời gian tối thiểu vài triệu năm.
Vì ở trên cây nên khỉ có ngón cái bẻ quẹo ra để chân có thể bám vào nhánh cây nhưng khi con người xuống đất đi bằng hai chân thì hai ngón cái phải khép vào, nếu không sẽ bị gảy khi chạy nhanh.
2. Nước Âu Lạc nối tiếp Văn Lang thời Hùng Vương gồm Vĩnh Yên, Phú Thọ, Sơn Tây.
Khi bị Mã Viện (14TCN-49) xâm chiếm thì bị đặt tên là Giao Chỉ.
Sách khác: Hán Thư chép”năm Tân Vị, 110 BC một năm sau khi nhà Triệu mất, nhà Hán diệt nước Tây Vu”, Tây Vu theo Hán Thư chính là vùng đất Cổ Loa cũ.
Lời bàn: Vậy là dân Việt thời xưa có hai chân bình thường nhưng khi bị Mã Viện xâm lăng thì bổng chốc hai ngón chân cái bẻ quẹo thành giao chỉ, chắc là do phẩn uất quá độ.
Một ông ở Hà Nội còn viết là có gặp đồng bào thiểu số có ngón cái giao nhau và nhìn thấy nỏ thần An Dương Vương ở Hà Nội.
3. Không phải cái gì học giả Ta,Tây Tàu nói đều đúng.
Cổ sử ghi Giao Chỉ còn được dùng để gọi người Việt cổ. Chữ Giao (交) nghĩa là giao nhau, qua lại, kết hợp với nhau. Ý kiến quan trọng khác chữ Giao trong Giao chỉ liên quan đến Giao Long là một linh vật của vùng này mà sau này phổ biến rộng rãi hơn trong vùng được biết như là con Rồng.
Riêng chữ Chỉ không được chép và lý giải thống nhất. Do vậy chữ Chỉ được hiểu theo nhiều cách, từ đó chữ Giao Chỉ cũng được hiểu theo nhiều cách. Đỗ Hựu trong bộThông Điển cho rằng: "Giao Chỉ là người Nam di, ngón chân cái toạc ra, đứng thẳng hai bàn chân thì ngón chân cái giao vào nhau, cho nên gọi là Giao Chỉ (chỉ là ngón chân cái)". Ý kiến này được nhiều học giả Trung Hoa và Việt Nam chấp nhận.
Các nhà sử học Việt Nam kể từ Nguyễn văn Siêu, Trần Trông Kim, Đào Duy Anh…đều theo cách giải thích thứ hai này.
Năm 1868, bác sĩ Clovis Thorel trong đoàn thám hiểm đã nhận xét hiện tượng hai ngón chân cái giao nhau là "một đặc điểm của giống người An Nam". Sau này các học giả Pháp khác cũng ghi nhận điều này.
Hiện tượng hai ngón chân cái trẹo ra ngoài để có tư thế giao nhau khi hai bàn chân đặt song song gần nhau được gặp không chỉ ở các dân tộc Đông Dương mà còn ở các dân tộc khác như người Mã Lai, Xiêm, Trung Hoa, Ả Rập, Malanesia, và người Negrito, chỉ khác nhau ở mức độ. Nhưng hiện tượng này rất hiếm gặp ở người châu Âu. Đây không phải là hiện tượng bệnh lý, mà có thể coi là một biến dị lại tổ (variation atavique) do xương mọc không thẳng như bình thường (TK 6)
Lời bàn: Hầu hết các học giả đều cho người Giao chỉ có chân bị tật di truyền nhưng người Âu Mỹ thì không. Thực sự người Âu Mỹ mang giày từ nhỏ nên ngón cái thẳng vì bị bó sát. Các giống khác, nhất là dân nước chậm phát triển thường đi chân đất nên ngón cái quẹo ra, nhất là những người mang dép râu, thế nhưng sinh con có chân bình thường. Tương tự đàn bà nhà Thanh có tục bó chân thành nhỏ xíu đi đứng rất khó khăn nhưng con cái thì chân to.
4. Chữ Giao trong Giao chỉ liên quan đến Giao Long là một linh vật của vùng này mà sau này phổ biến rộng rãi hơn trong vùng được biết như là con Rồng.
Lời bàn: Vậy Giao Chỉ là móng rồng à?
5. 80% dân Trung Hoa là người Việt tức ngưới Dao từ ĐNÁ di cư lên phía bắc theo Genetic Relationship of Population in China, bài báo của Giáo sư J.Y.Chu và đồng nghiệp thuộc trường Đại học Texas, đăng trong Tạp chí Proceedings of the National Academy of Science (USA) (Hàn Lâm Viện Khoa Học Quốc Gia của Hoa Ky) ở USA - Vol.95, issue 20, 1763-1768, 29 tháng 7, 1998). (TK7)
Nếu người VN là dân Giao Chỉ thì Trung Hoa ắt phải có tộc Giao Chỉ. Điều này không hề xảy ra trong thời cổ lẫn hiện tại, vậy là có mâu thuẩn trong Luận lý (contradiction).
6. Tất cả các tộc Dao ở Trung Hoa, VN, Lao, Thái, Miến Điện có chân bình thường ngọai trừ người Dao ở Giao chỉ, chuyện quái lạ khó tin.
Lý luận theo phát âm (pronounce)
Muốn tìm nguồn gốc chỉ cần so sánh với từ đồng âm có nghĩa rõ ràng.
Giao chỉ tiếng QT là Jiao zhĩ còn Dao di là Yáo yí (rợ Dao, barbaric Dao). Từ Đông di dùng chỉ rợ phía đông (barbaric), di tiếng QT là yí, sau được dùng cho rợ ở phía nam Hoàng Hà như Man di, Miao di.
Jiao zhĩ và Yáo yí gần đồng âm với nhau. Vậy Dao di đã bị Mã Viện sữa lại thành Giao Chỉ với mục đích nhạo báng hay hạ nhục:
Dao zu (tộc Dao)à Dao di (rợ Dao)à Yáo yíà Jiao zhĩàGiao chỉ
Cửu Lê
Lý giải theo nghĩa, Cửu Lê tiếng Quan Thoại là Jĩu Lí. Lí là đám đông, lê dân là đám dân, dân chúng và Cửu Lê là 9 dân chúng.
Nếu Lý giải theo âm, Jĩu lí đồng âm với Jĩu Yí tức Cữu Di.
Từ Lê rất bí mật nên có rất nhiều học giả bàn đến như BN Lộc cho Lê là dân chúng, LM Kim Định cho Cửu Lê là chín thứ dân trong số đó có Tam Miêu, H. Maspero cho Lê là Thái nhưng Y.Goloubew bảo họ có văn hóa Đông Sơn, Lê Đạo Nguyên tả họ là dân Nhật Nam, Hán Thư gọi họ là Lạc Việt (BNL trang 96,97, TK1), có người còn cho Lê là Mã Lai, Hải Nam, Tây Âu, Thái, Tam Miêu, Hẹ hay Hakka.
Nguyên nhân là từ gốc bị thay đổi làm sai ý nghĩa. Từ Cửu Lê ban đầu có tên là Cửu Di tức Jĩu yí, 9 thứ rợ (thực sự chỉ có Iu Mien, H’Mong), về sau dưới sự thống lĩnh của thủ lãnh Xi Vu mới đổi thành Cửu Lê (jiủ lí) vào thời bàn cổ Thần Nông, Phục Hi, Hoàng Đế (bấy giờ họ Thần Nông đang trên đà suy thoái nên tộc Cửu Lê thừa cơ trỗi dậy xâm lấn quấy phá các bộ lạc khác.
Vậy Cửu Lê là Cửu di. (TK 8)
Ý nghĩa từ Cửu Chân
Lý giải theo nghĩa, Cửu chân là 9 nhận định, thẩm xét hay kiểm tra rất tối nghĩa nên phải loại bỏ.
Lý giải theo theo phát âm Cửu Chân là Jĩu Zheng đồng âm với Jĩu Rén tức Cửu nhân mà từ này gần với Cửu dân tức Jĩu mín.
Jỉu phát xuất từ Hu còn mín là Mong trong từ H’Mong, phù hợp với người H’Mong.
Tên cổ của Cửu Chân
Không một học giả nào tìm được tên cổ trước thời Mã Viện của Cửu Chân.
Lục lọi mãi mới tìm được một tài liệu Trung Hoa cổ hơn thời Mã Viện “Chiu-chih hay Chuli là nơi dừng chân cho tàu thuyền trong các cuộc hải hành từ Trung Hoa tới Ấn Độ, nằm ở phía nam của Đồng Cổ (Đông Sơn)”. (trang 30 TK 9)
Chiu, Chu, Jỉu là số 9, Chiu-chih là Cửu Chỉ (9 ngón) còn Chuli là Cửu Lê (9 dân). Do đó tên cổ nhất của Cửu Chân là Cửu Chỉ hay Cửu Lê, cả hai là biến đổi của Cửu di như trường hợp Giao Chỉ. Vậy Cửu Chân có tên cổ là Cửu Di và là tên của người Mường tức H’Mong.
Địa danh hay sắc tộc có thể mang nhiều tên biến đổi theo thời gian, không gian hay tùy theo sự lựa chọn Hán tự vốn rất rắc rối, lộn xộn, một từ có hàng chục hay hàng trăm nghĩa, tra cứu khó khăn mất thì giờ.
Xi Yu
Xi Yu là tổ tiên của người Khương ở Tứ Xuyên. Người Tây Khương (Khel hay Khmer, BNL, TK 1), theo Hậu Hán Thư, có nguồn gốc từ Tam Miêu. Sử ghi là người Khương ở Tây Bắc di cư về Tây và Nam. Vậy người Khương cư ngụ ở Thanh Hải phía bắc, Tây Khương ở Tây Tạng, Tứ Xuyên, Quí Châu và Vân Nam ở phía nam. Dân di cư tới Tây Tạng tự xưng là Wu (Human) Khương, họ ở rải ra các vùng tự trị ở Tây Khương, Thanh Hải, Tứ Xuyên, Gansu và Vân Nam, ngoài ra còn có người H’Mong. Người Khương là hậu duệ của Cửu Lê và Tam Miêu và Xi Yu là thủ lãnh của Cửu Lê cũng là tổ tiên của người Khương. (Từ Xi Yu part II TK 10).
Người Khương là người Iu Miên tức là người Dao.
Người Dao hay nổi loạn, sớm nhất từ thời Hán. Trong thời Tấn và Tống họ có thêm nhiều cuộc nổi loạn chống người Hán. Trong 15 năm từ 1316 tới 1331, họ có hơn 40 cuộc nổi dậy. Lớn nhất là cuộc nổi dậy một thế kỷ từ 1371 làm hoàng đế nhà Minh hoảng sợ (1368-1644) phải gởi ba đoàn đại binh tới dẹp các cuộc khởi nghĩa.
Một giải thích khác của Giao Chỉ
Một nhà nghiên cứu Nhật Bản và một tiến sĩ người Mỹ dựa vào một Lễ Ký của học giả Khổng Dĩnh Đạt (574-648) đời Đường (618- 907) như sau
"Chỉ, túc giả, ngôn Man ngoại thời đầu hướng ngoại nhi túc tại nội nhi giao, cố vân Giao Chỉ (Lễ Ký chính nghĩa của Khổng Tử, quyển 12, Vương chế sớ, Kinh Lễ, TK11). Dịch như sau:
"Chỉ là ngón chân hay bàn chân, chữ Hán viết khác, có nghĩa dân Man lúc nằm ngủ thì đầu hướng ra ngoài còn chân thì hướng vào trong, đâu lại với nhau, do đó có tên Giao Chỉ" (Kinh Thi TK 11)
Bài này gồm hai chương Giao Chỉ và Yuồn Keo, rút gọn lại thành một chương, nằm trong tổng số 30
chương của quyển “Nguồn gốc người VN”.
GS. Đoàn Văn Phi Long
Tham Khảo
1. Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Bình Nguyên Lộc
2. bachpan.com/Meaning-of-Yuvana.aspx
3. en.wikipedia.org/wiki/Zhou_Daguan
4. chimviet.free.fr/dantochoc/nguyenkhoi/ngkhoin066_TenHoCacDanToc2.htm 5. http://lvlkhoa1993.nice-gallery.net/t1001-topic
6. vi.wikipedia.org/wiki/Giao_Chỉ
7. Genetic Relationship of Population in China, by Dr J.Y.Chu Texas University
8. https://vi.wikipedia.org/wiki/Cửu_Lê
9. A History of South-East Asia của D.G.E.HALL
10. XI Yu part II
11. vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_Lễ
vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_Thi
No comments:
Post a Comment