Jan 3, 2018

HÙNG VƯƠNG KHÔNG CÓ HỌ HÙNG - Bài Khảo cứu của Giáo Sư Đoàn Văn Phi Long

Lời giới thiệu : Giáo Sư Đoàn văn Phi Long là giáo sư dạy Toán tại trường Trưng Vương trước 1975. Sau khi định cư tại Úc song song với việc dạy Toán cho nhiều thế hệ học sinh Việt tại gia, từ năm 1987 Thầy còn bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu về Nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Đây là một chương trong khoảng 30 chương của " Nguồn gốc dân tộc Việt Nam". 

Đặc san TV6370 xin cám ơn Thầy Đoàn văn Phi Long đã gửi bài cho, và xin trân trọng giới thiệu đến các bạn TV và độc giả khắp mọi nơi .

Hùng Vương không có họ Hùng

Đoàn văn Phi Long

Có hai phương pháp có thể chứng minh tiêu đề trên.

A. Phương pháp Luận lý 

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, tính từ thời Kinh Dương Vương (2879 TCN) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 TCN) kéo dài 2.622 năm. Có hai nước dùng từ Hùng là Sở và Văn Lang nhưng khác một chút. Hùng Vương nước ta có từ Vương: Kinh Dương Vương (Lộc Tục), Hùng Hiền Vương (Lạc Long Quân, Sùng Lãm), Hùng Lân vương, Hùng Diệp vương, Hùng Hi vương… 18 đời vua, trung bình 2622/18= 146 tuổi, dĩ nhiên phải có cụ sống đến 200 tuổi để bù trừ cho một số vua chết yểu. Thực sự thời cổ tuổi thọ trung bình 50 năm, vua trị vì khoảng 20 hay 30 năm mà thôi.

Tên vua Sở không có từ Vương (1030 TCN–223 TCN):

Dục Hùng, Hùng Lê, Hùng Cuồng, Hùng Dịch, Hùng Ngải, Hùng Đáng, Hùng Thắng, Hùng Dương,..., Hùng Tâm (50), Sở Bá Vương Hạng Vỏ (51, 206TCN-202TCN, có từ Vương), tổng cộng có 51 vua trị vì trong khoảng 807, trung bình 807/51=16 năm. Nước Sở còn phải gồm cả nhà Hán vì năm 223 TCN Tần Thỉ Hoàng sai Vương Tiễn đánh chiếm nước Sở và Sở bị diệt vong. Nhưng chỉ 31 năm sau hai công dân nước Sở là Hạng Vỏ và Lưu Bang, cùng có đất tổ ở sông Hán bắt nguồn từ Thiểm Tây chảy tới Hồ Bắc trong nước Sở, giao chiến và Hạng Vỏ tử trận. Lưu Bang lập nhà Hán có một không hai ở Trung Hoa mà chủ lực toàn là dân Sở. Sở và Hán triều (206 TCN – 220=426) cộng lại thành 1233 năm dài nhất nước Trung Hoa.

Hùng Vương không có họ Hùng

Có người bàn như thế này xem ra cũng không phải là không có lý nếu ĐVSKTT đúng: Đế Minh (không rõ tên họ), sinh ra Lộc Tục làm vua hiệu là Kinh Dương Vương, Lộc Tục sinh ra Sùng Lãm làm vua hiệu là Lạc Long Quân. Do đó, vua Hùng Vương đầu tiên của nước ta là Kinh Dương Vương, có tên họ Lộc Tục, thì họ tất nhiên sẽ là Lộc và Hùng vương thành Lộc Hùng vương.

Thời cổ đại dân chúng chỉ có tên mà không có họ. Nếu có họ thì tên thường có 3 từ, thỉnh thoảng có hai từ nhưng hiếm hơn. Thí dụ Phục Hi, Hiên Viên, Hoan Mâu, Cung Công, Xy Vưu, Nữ Oa, Chu Vũ Vương, Chu Thành Vương. Bốn tên sau cùng không có họ mà chỉ có tên, lần lượt là Iu Mien, Nagar (rắn thần của Ấn giáo), Vũ, Thành.

Tên vua Sở đều đứng sau Hùng (trừ tên đầu) như Hùng Lê, Hùng Cuồng và vì không có họ nên Hùng phải là một cái gì khác, chẳng hạn Hùng là Vua.

Ngòai ra không có Đền Hùng ở Sở hay Trung Hoa nên đền Hùng được xây lên là do tín ngưỡng từ đó suy ra Hùng không phải là họ như trong sử sách đã ghi.

Một thí dụ là Quan Công chỉ là nhân vật trong tiểu thuyết Tam quốc chí nhưng được thờ phụng khắp nước Trung Hoa. Lại phải loại ra các truyền thuyết “khó tin nhưng không có thật” được một số học giả bịa ra như Bà Đen là một bà có nước da ngâm đen nhảy núi tự tử vì bị gả ép, Hạ Long là nơi có rồng đất. Thực sự sông Hàm luông ở Bến Tre, còn được gọi là Hàm Long, và Hàm Rồng Thanh Hóa đều do Kampong Luang, Kompong là vũng còn luang là lớn, Cát Bà là nơi “Các Bà” chờ chồng đi chài lưới ở đảo Cát Ông (mà làm gì có đảo Cát Ông?), đồi Trăm voi đồi chỉ còn 99 con voi vì một con voi không nghe lời vua Hùng điều khiển nên bị chém đầu còn để lại vết chém trên một trái núi. Thực sự đồi Trăm voi, Chùa Trăm Gian ở miền Bắc và cả địa danh Đầm Dơi ở Cà Mau đều do Dumrey, tiếng Khmer chỉ Voi Thần trong Ấn Độ giáo. Và gần Châu Đốc, phía Campuchia có dẫy núi tên Dumrey.

Nếu không phải là họ vậy Hùng là gì, tù trưởng, lãnh tụ hay Vua?

Các tộc Mon-Khmer, Shan Miến Điện (vua thuốc phiện Khun Sa), Munda Ấn độ, Thái, Lào, dùng từ khun, kun hay khunz, khá gần với Hùng, để chỉ tù trưởng hay cấp chỉ huy.

Hùng có phải là Vua không?

Các dân không dùng từ vua gồm có Trung Hoa là huang tức màu vàng, Khmer là s’đatch hay ma-ha g’sut, Miến Điện là shin-ba-yin, Thái Lan là nai luãng (nai là ngài, lũang là lớn) hay prá chạo yụ hủa dịch là thần chúa ngụ đầu, Jarai là patô, Mã Lai là pattuan.

Từ vua được nhiều sắc dân xử dụng như Chiết Giang là vò, H’mong là Húa và King of the Heaven là Húa tài ntù, Mường là Bua, Bà Na là Bưa, Chàm là Po.

Số khá đông dùng từ vua nhưng không có sắc tộc nào gọi vua là Hùng. Thế nhưng chuyện cổ tích Sơn tinh Thủy tinh mà dân Nam Đảo cũng có truyền thuyết tương tự lại dẫn đến một chi tiết quan trọng. Tứ bất tử là tên gọi chung của bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam, đó là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử, và Liễu Hạnh Công chúa.

Tản Viên Sơn Thánh là Sơn Tinh ở Ba Vì.

Sơn Tinh có vẽ là quý tộc nhưng làm cho núi lên cao thì phải là ma quỷ hay thần thánh. Theo tiếng Việt và Hán, tinh là yêu quái, K.W.Taylor trong "The birth of Vietnam" in năm 1983 dịch là spirit tức là linh hồn.

Vì có nhiều đền thờ ở Ba Vì nên Sơn Tinh, Thuỷ Tinh không phải là yêu quái mà là thần thánh nên tinh không phải là tiếng Hán mà là tiếng Việt cổ.

Các nước gọi Thần (God) như thế này: Thái là prá chao, Miến Điện là p’ayà thak’in, Malaysia là dewa, Trung Hoa là Thượng Đế, Ấn là Ishvar cho God còn god là deva và goddess là devi, Việt là Trời, Pháp là Dieu, Khmer là Preah, H’mong là sáu. Chúa Trời tiếng H’mong là Vaà Tsủ Sáu tức King Lord Creator, vaà là vua, tsủ là Chúa và Sáu là Tạo hóa. Không có từ tinh với nghĩa là thần thánh ở Đông Á, ngoại trừ tộc Iu Mien.

Trong cuốn Thai Hill Tribes phrasebook của nhà xuất bản Lonely planet trong phần tiếng Iu Mien thì tinh là thần, là Trời, là God như tinh gảu nyac hlax có nghĩa là trời chó ăn trăng hay chó trời ăn trăng tức là nguyệt thực. Sau đây là bằng chứng chứng tỏ Hùng không phải là họ của Hùng Vương nhờ từ Tinh Hùng

“Tinh Hùng là Vua Trời tức là Heavenly King”

Tinh là God, Trời, Thần còn Hùng là từ cổ tiếng Việt có nghĩa là vua.

Như vậy Hùng là vua chớ không phải là họ của Hùng Vương.

Sơn Tinh là Thần Núi, Thủy Tinh là Thần Nước.

Từ Hùng cổ hơn từ vua nhưng từ sau thông dụng hơn.

Vua Sở Dục Hùng, Hùng Lê, Hùng Cuồng, Hùng Dịch là vua Dục, vua Lê, vua Cuồng, vua Dịch, tất cả đều không có họ Hùng nhưng khi qua sử Việt 18 vua Hùng Vương có họ Hùng do móc nối sửa thành sai.

Nước Sở không chiếm Văn Lang

Vua nước Sở cũng có họ Hùng nên được giải thích là do một số quý tộc nước Sở dẫn dân chạy xuống miền Bắc VN hợp với dân bản địa lập nên nước Giao Chỉ. Nhưng Hùng Vương là từ dàn dựng nên thuyết này sai, vậy là một cái gai đã được gở bỏ.

Tiếng VN thời Đền Hùng

Tả Khâu Minh trong Tả Truyện thời Xuân Thu kể lại chuyện một ngàn năm trước tướng nước Sở đánh nước Trịnh, dân Trịnh lên thành nói chuyện bằng tiếng nước Sở, tức tiếng Việt (trang 153 BNL, TK 6).

Một tướng khác nước Sở có họ Đấu tên Nậu Ô Đồ, Nậu là cọp, Ô Đồ là vú (trang 154 BNL, TK 6), tiếng Khmer cọp là khla còn vú là sodn tương tự tiếng Mã Lai hari mâu là cọp còn sú là sú vú, khác tiếng BK cọp là hũ tức hổ và vú là dzũ. Như vậy thời Đền Hùng tiếng VN không là Khmer mà là Iu Mien. Chỉ có hai nước dùng từ Hùng để gọi vua là Sở và VN thời cổ. Dân Sở và Giao Chỉ đều là Iu Mien trong số hằng trăm sắc dân Iu Mien, nhưng có tiếng nói rất gần nhau và gần Mân Việt.

Muốn biết tiếng VN thời cổ ra sao chỉ cần tìm tiếng nước Sở, việc này chắc phải nhờ các vị rành tiếng BK hay có phương tiện (TK 16).

Nếu nói Đền Hùng thì đúng tiếng Việt cổ nhưng nếu nói Đền Hùng Vương, Vua Hùng, Hùng Vương là sai vì đây là từ đã bị sửa đổi.

Hùng là vua nên viết Hùng Vương là thừa một từ. Tương tự gọi sông Mekong là thừa hai từ vì kông là sông và Me cũng là sông, tiếng Thái. Gọi thủ đô Peking là thừa vì king là thủ đô, thế nhưng nếu gọi Thủ đô Pe (Pe=Bắc) thì chắc không ai hiểu gì cả. Tương tự Namking phải gọi là gì? Không lẽ gọi là tỉnh Nam vì đây không còn là thủ đô. Nếu cho rằng gọi sông Hồng Hà không đúng thì dịch ra Red river sẽ làm nhiều người không biết sông này ở đâu, bên ta hay bên Tàu? Qín Shĩ Húang (Tần Thỉ Hoàng) dịch là King Qín thì đố ai biết là gì.

Đền Hùng, Thánh Tản Viên do Phong tục tập quán hay do Sử sách?

Cả hai từ đều do điển tích dân gian đã có từ ngàn xưa chớ không phải dựa vào sử sách. Việt Điện U Linh của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp và gần đây Việt Nam Văn Học Toàn Thư của Hoàng Trọng Miên (TK 9), Hội Hè Đình Đám của Toan Ánh (TK 10) ghi lại hàng trăm điển tích xưa.

Đền Hùng ít nhất được xây dựng thời Đinh Tiên Hoàng 968 BC-980 CN (TK 7) nên phải có trước bộ sử đầu tiên Việt Sử lược (lối thế kỹ 14CN). Suy ra Đền Hùng được thành lập không do sử sách.

Đền Hùng nguyên thủy chỉ có Đền Giếng, Đền Trung và Đền Hạ nhưng từ thời Hậu Lý cho tới nay đã cho xây thêm rất nhiều đền lăng mới, làm giảm giá trị cổ xưa của quần thể Đền Hùng, giống như sử sách đã bị sửa thành sai lệch.

Mà đã có từ Hùng dùng để gọi vua thì ta phải có vua, khoảng nhà Chu hay Văn hóa Đồng Đậu và Gò Mun thuộc các thế kỷ 12, 13, 14 TCN, nghĩa là trước nền Văn hóa Đông Sơn năm thế kỷ (Đông Sơn xuất hiện khoảng thế kỷ thứ 6, 7 TCN).

B. Phương pháp dùng cổ sử

Chữ Lạc có ngay từ thế kỷ thứ 2 trước kỷ nguyên trong sử ký Tư Mã Thiên, nhưng Tư Mã Thiên chỉ mới nhắc qua. Cuốn sử độc nhất Giao Châu ngọai vực ký lối thế kỷ thứ 4 có ghi chép về Lạc Vương mà không hề có ai đọc được, chỉ thấy trích dẩn ở quyển Thủy Kinh Chú (thế kỷ thứ 6) và Quãng Châu ký (có thể ở đời Tấn vào lối thế kỷ thứ 5) như sau: ”Thuở xưa, vào thời mà xứ Giao Chỉ chưa chia thành quận huyện, đất đó có ruộng Lạc (Lạc là nước). Vì vậy mà người ta gọi dân đó là dân Lạc. Lập ra Lạc Vương, Lạc Hầu để coi quận huyện, Lạc tướng mang ấn đồng giải lụa xanh. Về sau con vua nước Thục diệt nước này tự xưng An Dương Vương. Đó là đất Âu Lạc ngày nay”, cho tới đó thì không hề có chữ Hùng.

Một cuốn sách khác muộn hơn lại dùng toàn chữ Hùng, đó là sách Nam Việt Chí của Thẩm Hoài Viễn (vào khoảng thế kỷ thứ 5) ngày nay đã mất, ta biết được sự hiện diện là nhờ vài đoạn ghi lại trong các sách khác, rất giống đoạn dẫn ở Thủy Kinh Chú nhưng dùng toàn chữ Hùng, vì tại đất Lạc xông lên mùi Hùng nên người ta gọi Hùng điền, Hùng dân, Hùng vương. Mà mùi Hùng là gì? Hùng là xióng (âm Bắc Kinh tức Quan Thoại) có nghĩa là đực hay hùng mạnh, xióng huàng là hùng hoàng Đông y rất nặng mùi, như vậy hùng là thuốc Bắc hùng hoàng.

Đến thế kỷ thứ 14 quyển An Nam Chí lược của Lê Tắc (1333) cũng chỉ lập lại sách Giao Châu ngọai vực ký, cũng chỉ có Lạc vương, không có Hùng. Đến Việt Điện U Linh tập (1329) của Lý Tế Xuyên thì có cả Lạc vương lẫn Hùng vương. Rồi tới Việt Sử lược (lối 1377) bộ sử sớm nhất của Việt Nam còn có tên là Đại Việt sử lược viết bằng chữ Hán của một tác giả khuyết danh thời nhà Trần còn được lưu truyền cho đến nay. Tiếp theo năm 1127 -1140 sử thần nhà Lý là Đỗ Thiên biên soạn lại, sau đó khoảng năm 1223 - 1240 sử thần nhà Trần là Trần Phổ hiệu đính lại tác phẩm này thành hai quyển I và II, đồng thời chép tiếp về nhà Lý làm thành quyển III trong khoảng năm 1377 - 1388 gọi Việt sử lược, rồi được Trần Phổ bổ sung thêm đổi tên nó thành Đại Việt sử lược, cuối cùng trải bao binh lửa thì bị thất truyền, mãi đến thời Càn Long thế kỷ 18 sách mới được tìm thấy trong thư khố nhà Thanh (TK15).

Trong Việt Sử lược thì hết Lạc vương mà chỉ còn Hùng vương và ý nghĩa chữ Hùng không theo Nam Việt chí mà là 18 đời Hùng Vương, phỏng theo 50 đời Hùng vua nước Sở. Nguyên do từ Hùng có trong tên vua Sở và trong tên Đền Hùng, và trong rất nhiều chuyện truyền kỳ như Thánh Giống đời Hùng Vương 6 và Thục Phán đánh bại HV 18. Bộ ĐVSKTT bắt đầu được Ngô Sĩ Liên biên soạn dựa vào Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên.

Kế đến Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp được sử ký hóa. Ngoài ra Ngô Sĩ Liên còn bổ sung thêm các chuyện dã sử hay truyền kỳ trong dân chúng như chuyện một bọc nở trăm trứng từng xuất hiện trong truyện truyền kỳ của rất nhiều nước kể cả nước Trung Hoa, có thể có nguồn gốc từ trứng vũ trụ rất cầu kỳ của Bà la Môn, Sơn tinh Thủy tinh, Thánh Giống, giặc Ân mũi đỏ.

Đến đời Tự Đức với Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục ghi chép 18 đời Hùng Vương cùng các chuyện truyền kỳ.

Có thể xem cho rõ thêm TỪ LẠC VƯƠNG TỚI HÙNG VƯƠNG trong Cơ cấu Việt Nho, một chương trong Vật Lý Nguyên Tố của Triết gia Linh Mục Kim Định. Ông được gọi là Tổ sư Kim Định vì có nhiều ý tưởng trái ngược với quan niệm thông thường thời bấy giờ (năm 1960) như Đạo Nho tức Việt Nho là đạo của người Việt, Người Việt kiến tạo nền văn minh Trung Hoa v.v (trang 172 BNL,TK 6). Thuyết này đã được chứng minh bằng Luận Lý Toán Học và DNA trong chương Ý nghĩa từ “Việt”.

Cả hai phương pháp đều dẫn đến là đã có sự dàn dựng nhưng Phương pháp dùng cổ sử không cho biết Hùng là gì. Chỉ nên gọi Đền Hùng, Giổ Tổ Hùng vì từ Đền Hùng Vương, Giổ Tổ Hùng Vương đã bị sửa đổi làm sai nguyên bản.

“Hùng Vương không có họ Hùng” là một chương trong “Nguồn gốc dân tộc VN” của Đoàn văn Phi Long

Tham khảo

1. Đại Việt sử ký toàn thư
2. Sự hình thành Đại Việt sử ký toàn thư
vi.wikipedia.org/wiki/Đại_Việt_sử_ký_toàn_thư
3. Việt sử tiêu án
4. Lĩnh Nam chích quái
5. Thai Hill Tribes phrasebook Lonely planet Publications Pty Ltd
6. Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc VN, Bình Nguyên Lộc
7. vi.wikipedia.org/wiki/Sở_(nước)
8. vi.wikipedia.org/wiki/Hùng_Vương
9. Việt Nam Văn Học Toàn Thư của Hoàng Trọng Miên
10. Hội Hè Đình Đám của Toan Ánh
11. Sử Ký Tư Mã Thiên
12. Vật Lý Nguyên Tố của LM Kim Định
13. Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục
14. An Nam Chí lược của Lê Tắc (1335)
15. vi.wikipedia.org/wiki/Đại_Việt_sử_lược 16. Dự án nghiên cứu ngôn ngữ Sở tại Đại học Massachusetts Amherst trong TK 7.

No comments:

Post a Comment