TRANH GÀ HOA
Trong những giây phút giao mùa, thân mời các bạn cùng ngắm tranh Gà hoa và tìm hiểu tục lệ tại sao trong mâm cỗ cúng giao thừa trong dân gian thường có chú gà trống.
TRUYỀN THUYẾT CÚNG GÀ ĐÊM GIAO THỪA
Thủa xưa khi đất trời còn u tối lạnh lẽo, ẩm thấp Ngọc Hoàng sai mười ông mặt trời cũng là mười người con cùng chiếu sáng mặt đất. Sự xuất hiện cùng lúc của mười ông mặt trời chiếu sáng khiến mặt đất khô rang, nứt nẻ con người sống rất khổ cực.
Bỗng một ngày xuất hiện một chàng dũng sĩ sức khỏe phi thường dùng những mũi tên thần bắn lên phía ông mặt trời, làm chín ông rụng xuống biển, ông còn lại sợ hãi trốn biệt tăm. Từ đó trở đi trái đất lại trở lại trong u tối, lạnh lẽo, con người vạn vật cố hết sức đi tìm gọi mặt trời nhưng đều trong vô vọng.
Một ngày kia bỗng có một chú gà trống choai to khỏe mạnh vạm vỡ, chú nhảy lên cành cây mọc trên ngọn núi cao lấy hết sức bình sinh , rồi vươn cổ cất lên tiếng gáy vang lừng. Kỳ diệu thay sau tiếng gáy ấy , từ phía Đông một vừng hồng hé rạng và ông mặt trời to như chiếc mâm đồng son xuất hiện, tỏa ra ánh sáng chói lòa khiến mặt đất lại bừng lên những tia nắng ấm áp, xua tan lạnh lẽo đem lại sự sống cho muôn loài.
Đêm giao thừa là đêm trời đất tối tăm nhất ,dân gian thường bảo rằng mặt trời thời gian này ẩn mình sâu nhất thế nên nhà nhà bảo nhau cúng đêm giao thừa một con gà trống, hi vọng ngày mai chú lại đánh thức ông mặt trời chiếu sáng cho đủ ánh nắng cả năm, mang lại mưa thuận gió hòa.
Gà cúng đêm giao thừa phải là gà trống hoa, trống mới le te gáy chưa đạp mái với ý nghĩa khỏe mạnh tinh khiết thì lời thỉnh cầu mới linh nghiệm.
TẢN MẠN VUI VỀ GÀ.
Gà có rất nhiều thứ. Theo giống là gà trống, gà mái, gà trống thiến.
Theo tuổi là gà con, gà giò, gà mái tơ (gà mái chưa đẻ trứng), gà mái so (gà mái mới đẻ lứa trứng đầu), gà mái dầu (đã đẻ nhiều lứa), gà cồ (gà trống to xương, lớn con).
Theo loại là gà ác, hay gà bông (lông tráng, da đen, thường dùng làm vị dẫn thuốc Nam), gà chim (nhỏ con, hay bay), gà ri (nhỏ con, lông bông đen và trắng bạc), gà tre (đuôi dài, cựa nhọn, đá độ), gà xước (lông mọc ngược).
Theo chủng như gà lôi, gà sao, gà Ta, gà Tàu, và gà Tây.
Còn tùy theo chỗ ở là gà nuôi hay gà nhà, gà nước (còn gọi là con cúi, hay con cúm núm), và gà rừng. Ðặc biệt loài gà chọi (là loại để cáp độ đá nhau) có gà nòi để đá độ, theo màu lông mà gọi là nhạn, ô, quạ, tía, xám, cần cổ không có lông, nên tiếng Anh gọi là Naked Neck.
Nhiều khi đi ra các đảo ven biển Việt Nam nhưng cách bờ hay các đảo khác cũng 30 hải lý, nhất là khu ngoài khơi từ Nha Trang ra đến Ðại lãnh, có hòn nhỏ xíu, không người ở, chỉ chừng mươi, mười lăm cây mọc èo uột, sơ sài trên đất đá khô và cỏ lưa thưa không rậm lắm, thế mà có cả rắn, khỉ và gà rừng.
Có thêm ba loại gà, không giống ai, đó là gà mắc nước (không cả quyết, thiếu can đảm), gà nuốt giây thun (bối rối, không biết phải làm gì) và gà mở cửa mả (ngơ ngẩn, khù khờ, hay như người mất hồn). Tây thì chỉ biết có gà mắc nước (poule mouillée) chớ không biết hai loại sau.
Thân mến chúc các bạn và độc giả khắp nơi một năm Đinh Dậu an khang, hạnh phúc.
Nguồn : Góp nhặt trên Internet
P.Hà.
Bài sưu tầm về gà hay lắm PHà !
ReplyDeleteGà hoa đẹp và dễ thương
KĐ