NGÀY ẤY
Đây là bài viết của Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Phúc ( cậu của TV Phương Thảo ).
Ông viết :" Xin gửi đến các bạn một kỷ niệm không quên của tôi mà cháu tôi là một nửa trong câu chuyện đó".
ĐSTV 6370 xin cám ơn Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Phúc đã gửi cho DSTV hình ảnh và video clip ghi lại hình ảnh và tiếng hát của Phương Thảo.
Xin được lưu giữ lại trong ĐSTV 6370 để chia sẻ cùng các bạn một kỷ niệm thời áo trắng của Phương Thảo , cũng như thay lời tiễn biệt một người bạn TV vừa mới xa bầy.
Trong niềm thương tiếc vô vàn vĩnh biệt Phương Thảo, các bạn sẽ mãi nhớ đến Phương Thảo với tiếng hát mênh mông của một thuở mộng mơ ngày ấy...
Trong niềm thương tiếc vô vàn vĩnh biệt Phương Thảo, các bạn sẽ mãi nhớ đến Phương Thảo với tiếng hát mênh mông của một thuở mộng mơ ngày ấy...
Anh An và Phương Thảo
NGÀY ẤY
Nguyễn Ngọc Phúc
CHÚC CHÁU BÌNH YÊN TRONG GIẤC NGỦ NGÀN THU NÀY.
Ngày ấy…
Trước năm 1975 có một số quán văn nghệ "đình đám" ở Sài Gòn thu hút thanh niên nam nữ, văn nghệ sĩ tới uống cà phê, thưởng thức văn nghệ với sân khấu nhỏ, rất đơn sơ, chỉ là một bục gỗ cao cho ca sĩ đứng hát và người đệm đàn thùng, một chân cắm micro có dây, dàn âm ly và loa. Những dụng cụ này đặt trong một ngôi quán bên đường khu trung tâm quận 1, quận 3 với vài chục cái bàn thấp, ghế ngồi chẳng cần trang trí hoa hòe, đã là một tụ điểm thu hút dân sành điệu, tạo một sinh hoạt rất riêng của Sài Gòn về đêm bên cạnh những nơi giải trí ồn ào khác như vũ trường, quán bar, nhà hàng ăn nhậu...
Quán cà phê Thằng Bờm nằm ở góc đường Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão (quận 1) của nhóm sinh viên Luật khoa được coi là quán cà phê văn nghệ dành cho giới sinh viên học sinh, có lẽ là tiền thân của sân khấu "hát với nhau" sau năm 1975. Bởi ngoài các ca sĩ được tăng cường và hai buổi tối cuối tuần thì ngày thường người tới uống cà phê cao hứng có thể lên hát, chỉ cần viết một mảnh giấy đăng ký ca khúc và họ tên đưa cho chủ quán rồi ngồi chờ tới lượt mình được giới thiệu lên "sân khấu"; không hát thì đọc thơ, tự đệm đàn hay nhờ "nhạc sĩ" của quán đệm giúp. Quán Thằng Bờm rất nổi tiếng, tồn tại một thời gian khá dài ( trích đoạn trên internet)
Cà phê thằng Bờm được khai sinh ra từ câu chuyện sau đây của Lưu Trọng Đạt và Phí Ngọc Hùng do Phí Ngọc Hùng kể lại .
Tiếp đến hai thằng con cháu tướng cướp rủ nhau mở quán… cà phê, kéo thêm mấy thằng bạn ăn cơm nhà vác ngà voi bên Vạn Hạnh, Kiến Trúc và Luật. Để có chuyện… ”tào lao” như thể dưới đây.
Và nó “khảo” về thằng Bờm như thế này : Bờm không phải là tên gọi mà tiếng Hán là “bần”, tiếng Nôm “bờm” là…“nghèo”. Vì thế sau này các cụ phó cạo mới có từ… bờm đầu. Hiểu theo nghĩa là không có tóc, thế nên mới có cụm từ nắm thằng có tóc chứ ai lại nắm thằng trọc đầu. Thằng bờm Lưu Trọng Đạt được thể “luận” tiếp qua một bài báo là khi không thằng Bờm được khoác lên người cái áo bàng bạc với thuyết vô vi như con chuồn chuồn của Lão-Trang… khi vui thì đậu khi buồn thì bay. Thế nên nó đề nghị đặt tên là… quán Thằng Bờm. Tôi ứ hử thì nó ậm ừ ai muốn hiểu sao thì hiểu, miễn chắc như cua gạch có… nắm sôi là được rồi. Nghe dễ ăn như… ăn trứng luộc. Từ tiếng Việt cổ đại, lúc này tôi mới chợt nhớ ra nó là thằng nghèo lõ đít. Hiếm có và ít thấy !
Tôi thuê “căn hộ” ngay ngã ba Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, về trang trí tôi có ý đồ dùng tre rồi lấy đèn hàn sì hun nóng cho lên nước ở mấy cái đốt tre. “Học thuật” này tôi học được qua anh họa sĩ Thái Bá lúc tôi làm “thợ vịn” cho anh, nhưng gia chủ không chịu vì phải khoét lỗ, đục tường. Sau thằng bạn Kiến Trúc tên… Trúc “sáng tạo” ra mấy cái khung gỗ, bọc vải bố nhà binh mầu cứt ngựa, vừa để treo tranh triển lãm, vừa để vải bố giữ khói thuốc lá. Ghế, bàn là những khúc cây ghồ ghề thấp tũn, ra cái dáng hòa nhập về một vùng hoang sơ thái cổ. Tiếp đến, tôi bổ nhào đi bắt bộ máy Akai ở quán Lam của nhóm bạn Quốc Gia Hành Chánh vừa tưng bừng khai trường đã âm thầm đóng cửa.
Khoảng thời gian này với địa linh nhân kiệt thì quán Anh Vũ gần quán thằng Bờm có Thanh Thúy. Quán Hầm Gíó đường Phan Bội Châu với Thanh Lan, cùng thời Khánh Ly đi chân đất hát nhạc Trịnh Công Sơn ở quán Văn. Thế là quán thành hình trụ trì là ngâm sĩ Thanh Hùng, lâu lâu có cặp Lê Uyên Phương từ Đà Lạt xuống, cuối tuần có mục giới thiệu sách, bình thơ, triển lãm tranh… Bởi nhẽ ”tụ điểm” văn nghệ của những nhà báo, nhà văn lớn, nhà thơ thời danh với vang bóng một thời của thập niên bẩy mươi lúc bấy giờ. Quán đông vào những tối thứ sáu, thứ bẩy, vì có văn nghệ góp gió thành bão như đã dự trù, đông đến độ khách thập phương phải đứng ngòai đường. Ban ngày phất phơ đóng hụi chết có Nguyễn Hoàng Đoan, Vũ Thế Ngọc, Nguyễn Quỳnh và chẳng thể thiếu mặt người của đám đông là anh Đỗ Ngọc Yến…
Thời gian vỗ cánh như quạ bay với một nhớ hai quên. Thế nên thêm một lần, đành phải nhờ vả đến người viết Thụy Vi ở trên qua bài viết Chữ nghĩa – Cà phê văn nghệ:
“…Thời gian này anh và anh Đinh Tiến Luyện tập sự ở tòa sọan Công Luận với Duyên Anh. Đóng chốt ở quán Lú một thời gian, anh và những người bạn đời qua Thằng Bờm vừa mới khai trương. Không hiểu do đâu ngâm sĩ Thanh Hùng biết tôi làm thơ nên đề nghị anh và tôi ngâm thơ ở quán Thằng Bờm cho chương trình thêm phần sôi động. Tôi gặp cặp Lê Uyên và Phương và “Tình khúc cho em” ở đây. Rồi gặp Vũ Thành An với “Bài không tên số 2” cũng ở đây. Gặp cả Phạm Duy với “Thà như giọt mưa”, phổ thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Và cặp Từ Công Phụng và Từ Dung với “Bây giờ tháng mấy” cũng ở nơi chốn này…
Những tối cuối tuần Thằng Bờm đông lắm, đứng tràn cả ra con đường Đề Thám nhỏ hẹp. Nơi đây cũng ghi nhiều kỷ niệm của tôi và anh, thường thì khi rời Thằng Bờm chúng tôi thả bộ dưới trời đêm, có lần sau cơn mưa đường đầy nước, tôi tháo đôi giầy đi chân trần cho thỏa thích đùa nghịch dầm trong vũng nước như con nít. Vì thế mảnh sống tôi cứ êm ả với ngất ngầy cùng không gian văn nghệ quyến rũ dễ thường từ quán Thằng Bờm…”
Nhớ với quên, để chẳng quên một vài lập dị nhân. Chuyện là có khứa lúc nào cũng ngồi ở một góc cố hữu và quay mặt vào tường, mặt mày đăm táo bón như một triết nhân sinh bất phùng thời qua… dạng Phạm Công Thiện với mặt trăng hiếp dâm mặt trời. Có một nhóm chỉ ngồi ở một bàn từ ngày này qua tháng nọ, đến mụ người như cánh vạc bay, rồi đàn bò vào thành phố cùng cỏ hoang lạc lối. Lắm khi trái nắng trở trời bắt cô thấu ngân cho nghe đi nghe lại… một bản nhạc cho nó phê… Bắt qua một nhóm khác cùng : tuổi trẻ phải là một cái gì. Cái gì đâu không thấy, chỉ toàn nói chuyện đội đá vá trời, trên thông thiên văn dưới thuộc lòng địa lý. Thuốc lá điếu mồi, điếu hút, điếu “sơ cua” thì nhớ đâu vào đó, nhưng khoản chi tiền chầu cà phê thì lờ tít. Rồi bỗng dưng đột nhiên đứng dậy và biến mất như ma… và hôm sau giữa ban ngày ban mặt xuất hiện như ma trơi, lại tiếp nối chuyện… tuổi trẻ phải là một cái gì. Cái thằng tôi không biết làm gì hơn là làm thinh, là lẳng lặng bỏ bao thuốc vào túi. ( trích đoạn trên Internet)
Ngày ấy,
Những tên Lê Uyên và Phương, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Phạm Duy những bài hát như Tinh Khúc Cho Em, Bài Không Tên số 2, Thà Như Giọt Mưa, Bây Giờ Tháng Mấy…là những ngôn ngữ, chữ nghĩa và âm nhạc của mộng mơ tuổi học trò và những lãng mạng của tuổi yêu đương và của thời đại.
Tôi đã bắt đầu đến làm quen với thằng Bờm trong những ngày cuối tuần và những ngày diễn đàn bục gỗ mở cửa tự do.
Có một đêm, tôi ngồi im ở một góc phòng có bóng đêm làm bạn và đã cất tiếng hát lên một mình chơi vơi như ở một cõi riêng của mình không cần một lời giới thiệu hay chào mời. Tôi không còn nhớ và biết ai chung quanh nhưng chỉ tỉnh giấc mê say sau khi ngưng tiếng hát và nghe bên tai có tiếng dào dạt vỗ tay không pha trộn lẫn tiếng phiền hà chê bai nào cả.
Quán cà phê gọi đúng hơn là một căn phòng, nó đơn sơ về ánh sáng bởi tối mù mờ , nghèo nàn bởi những chiếc bàn gỗ thấp nhỏ bé, vây quanh bởi vài chiếc ghế con lùn tịt, trang trí đơn giản bởi những khung gỗ bọc vải bố mầu nhà binh, có treo vài ba bức tranh nhỏ để làm nền mầu sắc nổi bật lên trong sự nghèo nàn đó.
Đọc câu chuyện kể trên internet về quán thằng Bờm, ký ức chợt trở về với tôi thật xôn xao.
Xôn xao giật mình khi nghe một cú điện thoại của cháu tôi, Phương Thảo vẫn là con chim nhỏ hát ví von mỗi ngày gọi đến:
- cậu có nhớ quán thằng Bờm ở Saigon không?
Tôi bỗng thấy trái tim giật nẩy mình vì hai tiếng " thằng Bờm".
Ngày ấy,
Khi tôi còn học năm chót ở Đại Học Luật 1967-68 thì cô cháu tôi, Phương Thảo, đang vào tuổi Em Tan Trường Về ở trường Trưng Vương đệ tam hay đệ nhị, không rõ?.
Phương Thảo không cao lớn và không ồn ào. Cháu tôi là một cô học trò nhỏ nhắn, duyên dáng, hay cười và thích hát.
Với một dáng dấp như vậy, tôi nghĩ cháu tôi không mang nhiều giấc mộng mơ to lớn quá ngưỡng cửa của tuổi đời bời tôi ít được nghe Phương Thảo nói về giấc mộng mơ của mình nhưng tôi biết chắc rằng cháu tôi rất thích hát và đã thuộc trong đầu lời của hàng trăm bài hát khác nhau.
Tôi chỉ biết đến độ như vậy thôi chứ mỗi ngày, Em Tan Trường Về nhưng không biết có ai theo Ngọ về hay không? Tôi ít được nghe đến.
Tôi kể chuyện về quán Thằng Bờm cho cháu tôi nghe, tôi kể những đêm văn nghệ cuối tuần hay tự do cho khách đến uống cà phê thưởng thức và trình diễn, tôi kể cái không khí nhỏ bé, cái trang trí đơn sơ và nghèo nàn nhưng không phải bình dân của nó, tôi kể những khuôn mặt và dáng điệu dễ thương của khách hàng, tôi nói đến những tiếng hát và vài khuôn mặt giai nhân tài tử tôi nghe thường xuất hiện.
Và tôi kết luận:
- cậu đang định làm một chương trình nhạc chủ đề ở đó, cháu có muốn đi hát không?
Cháu tôi đã ngớ ra khi nghe câu hỏi bất ngờ này.
Chỉ biết rằng khi tôi đưa ra ý kiến đó, Phương Thảo rất thích nhưng có vẻ hơi ngại ngùng nếu phải làm.
Nhưng cuối cùng, cậu cháu tôi đã cùng nhau gật đầu để bắt đầu thực hiện một giấc mơ chưa biết mơ cái gì trong đó.
Việc đầu tiên là đi tìm chủ đề.
Ngày ấy,
Tôi là người mù nhạc và cũng chỉ biết thích hát. May được trời cho một thính giác rất nhậy cảm về âm thanh và một trái tim dễ xúc động về nghệ thuật.
Tôi có thể nghe và biết được một giọng hát không đúng cao độ đến 1/10 hay một tiếng đàn lên giây sai rất nhỏ. Sự biết được này khi nghe gây một cảm giác khó chịu trong tôi liền tức khắc.
Ngoài ra, tôi mới chỉ viết được 1 bài hát duy nhất và nó vẫn còn nằm nguyên trong tập vở ký âm của tôi từ vài ba năm nay.
Trong một cái quán nhỏ bé như cái phòng, tôi nghĩ không thể có một cái chủ đề to lớn nằm ngang giữa phòng nhất là của các nhạc sỹ nổi danh hiện tại và cũng không thể có những âm hưởng giai điệu của chiến tranh và cuộc đời ở nơi tuổi học trò đang ôm ấp những ngày mộng mơ của mình, nghĩa là không có các tình khúc không tên, không có đại bác đêm đêm dội về thành phố và cũng không có Em Tan Trường Về hay Bây Giờ Tháng Mấy.
Chúng tôi nghĩ chắc không thể chuyên chở nổi các dòng nhạc đó bởi thưởng thức thì có dư nhưng trình bầy thì thật thiếu. Cuối cùng, cậu cháu tôi đã dừng lại được ở một nơi, không phải là quá xa để gọi là nhạc tiền chiến hay quá gần để gọi là nhạc hậu chiến hay thời đại.
Một nơi rất cận kề tha thiết và phảng phất nỗi lãng mạng thương yêu nhẹ nhàng với chút day dứt nghe như thoảng mưa rơi và nhớ nhưng lặng lẽ của tuổi mới biết yêu.
Đó là Đoàn Chuẩn và Từ Linh.
Chương trình chủ đề nhạc Đoàn Chuẩn và Từ Linh cuối cùng đã thành hình và thực hiện với sự có mặt của cậu cháu tôi, Nguyễn Ngọc Phúc & Nguyễn Phương Thảo và các bạn bè như Thúy Liễu ( trường Regina Pacis) - Trần ĐìnhThiện ( Luật Khoa) và sự bảo trợ của anh Phú về âm thanh và chương trình, người có cửa tiệm sửa chữa radio và âm thanh trên đường Phan Đình Phùng và cũng là người có bộ máy Akai surround sound hiện đại thời đó.
Tôi không biết các đêm nhạc khác trình diễn như thế nào chứ đêm chủ đề Đoàn Chuẩn và Từ Linh này đã có nhiều sự xúc động và hồi hộp dữ dội trong tiếng hát của tất cả bốn chúng tôi bởi lần đầu tiên, những người của tuổi 20 và trẻ hơn sẽ trình diễn trước nhiều người lạ trong một quán nhạc của sinh viên học sinh với tiếng hát của mình rất là xa lạ với mọi người.
Nhưng cuối cùng, khi đêm nhạc được kết thúc với nhiều tiếng vỗ tay và tán thưởng, chúng tôi biết mình đã hát với tất cả trái tim và chinh phục được hồn người nghe.
Chúng tôi đã không cần mượn đến những nhạc phẩm thạt ăn khách cũng như những tác giả nổi tiếng của thời đại để chinh phục người nghe.
Đêm hát sau đó, đã được anh Phú khoản đãi bằng một chầu cháo đêm cho tất cả mọi người.
Khi nghe câu nói của Phương Thảo:
- cậu có nhớ quán thằng Bờm ở Saigon không?
Có, cậu vẫn nhớ và đó thật là một nõi nhớ không bao giờ quên trong tim tôi. Một nỗi nhớ và một kỷ niệm của tuổi mơ mộng và tuổi học trò cho cả hai cậu cháu tôi.
Cả hai cậu cháu tôi đã cùng chia nhau một quãng đời này. Mỗi người mang đi một mảnh của nó.
Mảnh tôi mang đã chìm xâu trong ký ức mình ở một nơi không có tên để gọi.
Cho đến khi Phương Thảo chạy đến vực nó dậy, tôi mới chợt nhớ ra nhưng cũng chỉ nhìn thấy một hình ảnh nhạt nhòa trước mặt.
Lục lọi mãi trên internet để tìm thêm các nét vẽ còn mờ mịt của kỷ niệm này, cuối cùng, tôi đã tìm được các các mảnh vụn ở mỗi nơi khác nhau nhưng rồi khi nối chúng lại gần với nhau, bức hình trắng đen đã dần dần lộ ra và bắt đầu đượm mầu.
Đến khi nhìn thấy được mảnh đời có tôi và cháu tôi trong đó, tôi mới hiểu mảnh đời đấy chỉ đến có một lần và trôi qua, chỉ để lại bên tôi hai chữ thằng Bờm, còn Phương Thảo, người mang mảnh đời còn lại, buồn ơi, nay đã buông tay bỏ đi.
Bức hình gẫy đôi ngày ấy nay đã gẫy đôi vĩnh viễn hôm nay.
Đây không hiểu có phải là một nỗi day dứt và dấu hiệu của một lời nhắn nhủ cuối cùng của cháu tôi hay không?
Nhưng tôi chỉ biết rằng Thằng Bờm chính là tấm gương soi của cháu đấy, Phương Thảo ơi.
Và cậu phải cám ơn cháu, Phương Thảo, đã giúp cậu tìm lại được hai chữ thằng Bờm để mình nhớ được 48 năm trước đây, ở một cái quán đơn sơ của tuổi mộng mơ, trên bục gỗ với một cây đàn guitar trong tay, bên cạnh, có một cô gái áo trắng nhỏ bé với một tiếng hát tự nhiên của thơ ngây đang cất lên lời của tuổi mộng mơ bình thường:
" Với bao tà áo xanh, đây mùa Thu…"
Ngày ấy là mùa Thu và hôm nay cũng là đầu Thu tháng 9 ngày 22 năm 2015.
Đã bao nhiêu Thu qua? 47 năm rồi.
CHÚC CHÁU BÌNH YÊN TRONG GIẤC NGỦ NGÀN THU NÀY
Nguyễn Ngọc Phúc
Cậu Phúc( đứng cạnh PT), anh và em gái PT
Clip này là một clip trong một đêm nhạc trên đỉnh núi Lake Arrow Head ở nam Cali, cao hơn 7000 ft ngày March 27 2010 do nhóm CVA 646566 tổ chức.
Tôi đã rủ hai vợ chồng An Thảo đi chơi và ngủ đêm trên đỉnh Hồ Mũi Tên.
Lần đầu tiên, hai vợ chồng tham dự.
Chúng tôi đã có một đêm nhạc thật là vui và ấm cúng dù An Thào là khuôn mặt mới của đêm hội ngộ.
An Thảo là người đã tạo không khí sôi động của đêm gặp gỡ với tiếng đàn keyboard của Nguyễn Ngọc Phúc.
Đã rất lâu từ năm 67-68 ở Saigon tới năm 2010 này sau 43 năm, cậu cháu tôi mới có dịp đàn và hát với nhau trong một đêm thật đáng nhớ.
Sau khi chương trình của đêm đã chấm dứt luc 12am sáng, mọi người bắt đầu chia nhau vào 6 phòng ngủ của căn nhà sàn trên núi, cậu cháu tôi và vài người bạn rất mê hát, đã tiếp tục mở một màn hát cho nhau nghe bỏ túi ở một góc nhà riêng với một cây đàn guitar.
Thảo thuộc rất nhiều bài và hát liên tục. Tôi chơi guitar theo suốt gần 2 tiếng đồng hồ với Thảo và An cho đến khi các ngón tay đau buốt quá và tiếng hát không còn hơi, chúng tôi mới ngưng đêm nhạc bỏ túi.
Mọi người không ai lên tiếng cả.
Không biết vì họ đã say ngủ hay còn thức bởi buổi hội ngộ đã bắt đầu từ 12giờ trưa. Tới 12 đêm là nửa ngày đã qua, quá nhiều chứ không phai chơi. Chắc chắn mệt mỏi.
Nhưng chúng tôi không mỏi mệt và vẫn còn thèm ca hát đến độ không thể ngủ được.
Hát mà không có khán giả và không có người nghe, không sân khấu và không microphone máy móc, tôi chưa bao giờ thấy tình yêu âm nhạc của chúng tôi nó dữ dội và bất cần đến như vầy.
Hát như thời thượng và hát như chỗ không người. Điều gì đã làm cho chúng tôi say mê đến như vậy?
Tôi không hiều nhưng tôi biết chắc rằng giờ hát bỏ túi từ 12-2am sáng của chúng tôi đã không làm họ mất ngủ hay bị phá rối giấc ngủ vì không có tiếng phàn nàn hay là tiếng hát của mình đã ru mọi người ngủ đến mê say??
Đằng nào cũng được mang tiếng tốt. tôi nghĩ vậy.
Ngày ấy năm 1967 , có quán thằng Bờm, đêm ấy năm 2010, có hồ Mũi Tên, cậu cháu tôi đã gặp và hát với nhau.
Phải chờ 43 năm sau, mới đàn hát với nhau lần thứ 2.
Cám ơn bạn bè tôi như Bùi Đức Uyên đã có mặt với chúng tôi đêm đó để ghi lại đêm vui kỷ niệm này.Cám ơn Phượng, Tuấn, Thịnh, chị Dung, Đại, Mai Phương, Giám đã chia xẻ nỗi buồn này của gia đình tôi.
Xin chia xẻ với các bạn bè của Phương Thảo, một câu chuyện của 43 năm sau.
24/09/2015
Nguyễn Ngọc Phúc.
Xin click vào link để nghe Phương Thảo hát " Hoa soan bên thềm cũ "
|