CĂN CƯỚC NGƯỜI TỊ NẠN
Nguyễn Ngọc Phúc
Hôm nay kỷ niệm 14 năm, ngày 9/11/2001, nước Mỹ bị tai họa khủng bố.
Xin gửi các bạn một bài viết của tôi được đăng trên báo Người Việt 9/12/2011 với tựa đề:
CĂN CƯỚC NGƯỜI TỴ NẠN TRONG NGÀY 9/11.
Một ngày quay về nỗi nhớ không quên khi xem tin tức CNN nhân dịp kỷ niệm 10 năm Twin Towers bị sụp đổ vào sáng 9/11, tôi có một chút vui và nhiều cái buồn.
Chút vui vì đã tìm thấy được một chút hạnh phúc nho nhỏ trong cuộc đời tỵ nạn của mình trên quê hương thứ hai.Nhiều cái buồn vì nhớ lại buổi sáng ngày 9/11 tại nơi làm việc của mình, tôi đã lặng mình chết trân cùng tất cả mọi người chung quanh để theo dõi Twin Towers đang bị cháy, khói mù mịt, lửa hãi hùng trên một cái LCD 46' treo trong phòng làm việc. Thay vì được dùng để phát tin tức của công việc thì tất cả đã được nối ngay với CNN về hình ảnh đau khổ này.
Không ai còn cái gì để nói với nhau và không ai còn biết mình đang làm gì. Mọi tiếng động của việc làm đã hoàn toàn ngưng lại, không có tiếng bước chân đi, không có tiếng nói chuyện, bàn tán xôn xao, ngay cả tiếng máy lạnh chạy gần như câm nín, không nghe thấy.
Tất cả chỉ còn tiếng tường thuật hốt hoảng của đài CNN về Twin Towers, hiện đang cháy trước mắt vang dội chung quanh. Nỗi lặng im đó chợt bị phá vỡ bởi tiếng kêu kinh hoàng hoảng hốt của nhiều người: “OOOH My god - My God “ khi tòa nhà đầu tiên sụp đổ.
Không còn có tiếng nào thảm thiết hơn tiếng kêu với trời này.
Một nhân viên đàn bà chừng 50 tuổi đã phải gục mặt xuống bàn và kêu lên với chính mình:
“I can't watch this.”
Ðứng bên cạnh bàn của bà ta, tôi chỉ sợ bà ngất xỉu vì heart attack. May thay, nỗi sợ hãi đó chưa đủ sức giết bà nhưng tôi chắc chắn nó sẽ ở với bà cũng như ở trong tôi mãi mãi mỗi khi ngày 9/11 quay trở lại hàng năm.
Trong những ngày sau đó, tôi cảm thấy đã đến lúc tôi, một người tỵ nạn trên quê hương thứ 2 của mình, cần phải làm một điều gì để chia sẻ nỗi khổ đau của đất nước nơi có những người đã cho tôi và gia đình việc làm, nơi ăn ở,... cho tôi những hơi thở tự do và sung sướng.
Với sự giúp đỡ của một người bạn Ấn Ðộ trong cùng phòng, tôi đã tự làm những patriot ribbons để gây quỹ giúp cho các gia đình nạn nhân. Tôi đã tự động gắn các ribbons này trên một tấm bảng trong phòng lobby của sở với một thùng đựng tiền bên canh.
Tất cả được đặt trên một cái bàn ngay lối ra vào cửa chính.
Hình ảnh patriot ribbons với 3 mầu Blue & Red & White đan chéo quá đủ nghĩa để mọi người hiểu sự hiện diện của thùng tiền bên cạnh. Không có một dòng chữ giải nghĩa nào ngoài trừ một chữ trên bảng: $1.00.
Không cần chữ nghĩa giải thích, không cần có lời mời mọc và không cần ai có mặt ở đó, tất cả ribbons đã được chuyển từ tấm bảng gắn sang các túi áo của mọi người trong sở.
Nội trong một ngày, không còn một chiếc ribbon nào trên bảng, nhiều người đã hỏi tôi còn có cái nào nữa không? Tôi hiểu sự ưu tư của họ cũng như tôi. Lòng muốn chia sẻ nỗi đau của đất nước.
Vì vậy, tôi đã phải chạy đi mua thêm ribbons, glue sticks để tiếp tục làm thêm. Ngày hôm sau, một tấm bảng mới với đầy ribbons đã được dựng lên trong phòng lobby.
Nhìn thấy ribbons cài trên túi áo của mọi người, tôi thấy thật vui. Niềm vui còn trải dài tới các văn phòng của sếp lớn vì các patriot ribbons được dán ngay ngoài cửa của họ.
Ngoài ra, tôi còn nhìn thấy những khách của công ty bước đến thăm viếng hãng cũng có những ribbons này cài trên áo.
Niềm vui của tôi cuối cùng đã trở thành một hạnh phúc kỷ niệm không bao giờ quên.
Hạnh phúc kỷ niệm này đến với tôi mỗi khi ngày 9/11 trở về .
Niềm tự hào cho một công việc đóng góp nhỏ nhoi của mình với quê hương thứ hai luôn luôn sống mãi trong tôi, niềm tự hào đơn sơ của một người Việt Nam tỵ nạn.
Niềm vui - Hạnh phúc - Tự hào nho nhỏ của ngày 9/11 này là những gì tôi muốn được chia sẻ với những người hiện còn mang trong tim căn cước tỵ nạn của mình, như tôi.
Phil Nguyen
11/09/ 2011
thật cảm động và ý nghĩa . xin cảm ơn
ReplyDelete