Nov 28, 2013

Mùa Lễ Tạ Ơn 2013

Mừng Lễ Tạ Ơn


Trong sân tối 27-11-2013






Mùa  Lễ Tạ Ơn 2013


Khí hậu năm nay hơi lạ thường, mùa Lễ Thanksgiving bên Mỹ mà lại có tuyết rơi nhiều ở miền Trung xứ này, gây ra khó khăn cho việc đi lại thăm viếng gia đình vào mùa Tạ ơn. Bên Canada cũng thế, trời lại trở lạnh nhanh quá, ban đêm xuống khoảng -12 độ, tuyết đầu mùa khá ẩm ướt bắt đầu rơi, phủ nhè nhẹ lên những cành cây khô làm thành những cây tuyết, càng nhìn càng thấy là tuyệt tác vì cảnh trí toàn diện thật khác lạ, đẹp ôi là đẹp! trắng xóa khắp nơi, hòa với những ánh đèn vàng ấm áp tỏa lan từ các ngôi nhà, thêm vào mùa này một số nhà đã bắt đầu chăng đèn trước sân để Mừng đón Giáng Sinh. Ngồi nhìn tuyết rơi, buồn man mác khó tả, nhớ đến mẹ hiền, cũng vào ngày này đã rời xa các con cháu về miền bình yên vĩnh cửu. Tôi hồi tưởng lại cách đây 6 năm nhân dịp giỗ hết của mẹ tôi vào cuối tháng 11, gia đình tụ họp nhau về Calgary CANADA có các Cô Chú từ Mỹ, Úc, Montréal  sang chơi, ngày ấy bố tôi còn sống, đại gia đình họp lại đông vui,  cùng nhau đi xem cảnh trí của rặng Rocky Mountain ở Banff bên Canada vào mùa đông, trong gondola nhìn ra các cô tôi đã trầm trồ :

- Oh! Sao mà đẹp như tiên cảnh thế này !

Đúng vậy tuyết trắng bao phủ một rặng núi dài, với tuyết  trên rừng thông xanh, được ngắm nhìn từ trên cao, quả thật là hùng vĩ và đẹp như cảnh tiên vì chỉ có ông Tạo mới cho những bức tranh tuyệt hảo như thế. Nhìn phong cảnh thần tiên, nghĩ đến các bậc sinh thành, lòng buồn man mác, biết đâu giờ này các cụ cũng đang thanh thản dạo chơi và đang nhắc về bầy con đám cháu làm tôi cảm thấy ấm lòng dù ngoài trời gió rét lạnh căm. Tôi hướng lòng về người thân, cám ơn trời đất những gì được hưởng và cũng cầu xin cho mọi người được cơm no áo ấm và bớt những tai ương như trận bão Hải Yến vừa qua, đã gây cho bao người chết bên Phi Luật Tân cùng cảnh màn trời chiếu đất thật thảm thương.
Xin thương chúc các bạn và gia đình một mùa lễ Tạ ơn thật đầm ấm và tràn đầy phước hạnh.

HAPPY THANKSGIVING

KĐ (11-2013)

Nov 27, 2013

Chia buồn cùng Minh Phượng và anh Dũng




Nhận được tin buồn

Thân phụ bạn :    Nguyễn thị Minh Phượng

Cụ ông : NGUYỄN ĐỨC HUỆ
Pháp danh: Tịnh Giác

Vừa từ trần tại San Francisco , California,USA

Hưởng Thọ :93 tuổi

TOÀN THỂ CỰU NỮ SINH TRƯNG VƯƠNG THUỘC NIÊN KHÓA 63-70 XIN THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG MINH PHƯỢNG VÀ TANG QUYẾN CÙNG CẦU CHÚC VONG LINH BÁC ĐƯỢC YÊN NGHỈ NƠI MIỀN TỊNH ĐỘ..

 
ĐỒNG THÀNH KÍNH PHÂN ƯU








***************************************************************************
  
CẢM TẠ

Mình xin chân thành cám ơn các BẠN  TRƯNG VƯƠNG  63-70 đã gửi lời chia buồn đến gia đình mình,. nhất là 2 bạn MINH TÂM & BẠCH MAI đã đến tận nơi để đưa tiễn BỐ mình về nơi an nghỉ cuối cùng . 
MộtT lần nữa xin chân thành đa tạ các bạn, kèm theo đây mình xin gửi đến các bạn lời cảm tạ đăng trên tờ báo THỜI BÁO SJ . Trong lúc tang gia bối rối có rất nhiều điều sơ xót  mong rằng các bạn niệm tình tha thứ
Thân thương
pp or Phượng Nguyễn





 
Giếng của các TV63-70 tặng để hồi hướng công đức cho Cụ Đức Huệ
 

Nov 26, 2013

7 cách kết hợp thực phẩm siêu tốt cho sức khỏe



7 cách kết hợp thực phẩm siêu tốt cho sức khỏe
Chăm sóc sức khỏe là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại nhưng không phải ai cũng biết cách. Dưới đây là những cách kết hợp thực phẩm tốt nhất mà bạn nên biết.
>> 12 cách kết hợp thực phẩm gây họa cho cơ thể
 
Trà xanh + Chanh = Một trái tim khỏe mạnh
Trà xanh có liên quan đến việc giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim của bạn, tất cả là nhờ catechin - chất chống oxy hóa mạnh mẽ có trong trà. Nhưng bạn chỉ hấp được khoảng 20% hợp chất có lợi trong trà xanh mà thôi. Tuy nhiên, nếu thêm nước cốt chanh vào trà xanh, chất oxy hóa có trong hợp chất này sẽ tăng lên đáng kể, giúp tim khỏe mạnh.
Theo công trình nghiên cứu của Mỹ được thực hiện bởi một giáo sư tại Đại học Purdue, thì việc cho thêm một ít chanh vào trong trà sẽ thúc đẩy những tác động có lợi lên sức khỏe con người. Việc hòa trộn giữa trà xanh và chanh sẽ khiến chất catechin- chất chống oxy hóa hiện diện trong trà xanh- sẽ được cơ thể hấp thu tốt hơn.
Sau khi pha cho mình một tách trà xanh, bạn cần thêm chanh vào tách trà. Bạn hãy thử xem, bạn sẽ thấy tách trà xanh của mình ngon hơn. 
 
 

Bông cải xanh + Cà chua = Miểm soát ung thư
Bông cải xanh và cà chua đều là những thực phẩm có tác dụng chiến đấu tốt chống lại các tác nhân gây ung thư. Tuy nhiên, nếu như bạn trộn hai loại thực phẩm này với nhau sẽ tốt hơn cho cơ thể bạn rất nhiều. Hỗn hợp này giúp làm chậm sự tăng trưởng của các khối u gây ung thư vú (ở nữ giới), tuyến tiền liệt (ở nam giới). 
Theo một nghiên cứu của Đại học Illinois, Mỹ được tài trợ bởi Viện nghiên cứu ung thư Mỹ và Bộ Nông nghiệp Mỹ, kết hợp bông cải xanh với cà chua sẽ giúp hẹp khối u tuyến tiền liệt tốt hơn so với việc bạn ăn bông cải xanh hoặc cà chua riêng biệt.

Bạn có thể ăn bông cải xanh với nước sốt cà chua cùng bánh pizza hoặc mỳ ý.
Ớt chuông + Đậu đen = Cải thiện miễn dịch
Bạn có thể ăn nhiều ớt chuông đỏ vì thực phẩm nàychứa nhiều vitamin C này sẽ giúp bạn tăng cường miễn dịch. Bên cạnh đó bạn hãy kết hợp ớt chuông với đậu đen để vừa bổ sung vitamin C và sắt. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ, phụ nữ ăn nhiều ớt chuông đỏ với đậu đen có sức khỏe tốt hơn nhiều so với những người khác, đặc biệt, hệ miễn dịch của họ cũng được cải thiện rõ rệt.
Trứng + Xoài = Tốt cho da
Muốn cải thiện cái nhìn tổng thể và sức mạnh của làn da, bạn hãy cố gắng tiêu thụ 2 loại thực phẩm này. Trứng cần thiết cho sự hình thành và phát triển các tế bào của làn da. “Thực phẩm giàu vitamin C như xoài sẽ giúp cơ thể bạn thúc đẩy sản xuất collagen, giúp da khỏe mạnh”, Keri Glassman, một chuyên gia dinh dưỡng ở thành phố New York cho biết.
7 cách kết hợp thực phẩm siêu tốt cho sức khỏe 4
Bơ + Salad rau xanh = Bảo vệ làn da
Da bạn sẽ căng sáng, mịn màng khi bạn hấp thụ hỗn hợp này. Carotenoid có mặt trong các món salad rau có tác dụng làm giảm các gốc tự do để bảo vệ hiệu quả làn da khỏi tác hại của tia UV. Trong một nghiên cứu gần đây tại Đại học bang Ohio (Mỹ), những người ăn bơ trộn cùng món salad gồm rau diếp, rau bina, cà rốt, người đó sẽ hấp thụ tới 15 lần carotenoid hơn so với những người không ăn rau trộn với bơ.
Dầu oliu + Cà chua = Phòng bệnh tim và ung thư
Cà chua là một thực phẩm chứa cả bốn carotenoid chính (alpha-carotene, beta-carotene, lutein, và lycopene) cùng với ba chất chống oxy hóa (beta-carotene, vitamin E và vitamin C), vì vậy riêng cà chua đã có thể giúp bạn phòng chống ung thư và bệnh tim. "Tuy nhiên, bạn sẽ hấp thụ được tối đa những dưỡng chất có trong cà chua nếu như bạn ăn kèm chúng với dầu ô liu," Magee, một chuyên gia dinh dưỡng của bộ Y tế Hoa Kỳ nhận định. 
Quế + Bánh mì nướng = Tăng năng lượng 
Trước khi ăn bánh mì nướng, bạn hãy rắc thêm một chút quế lên đó, điều này sẽ giúp cơ thể bạn giữ được lượng đường trong máu một cách ổn định nhất. Trong một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ, quế giảm sự gia tăng đường trong máu sau bữa ăn. Thêm vào đó, hợp chất này khiến cơ thể bạn nhanh chóng được phục hồi, tăng năng lượng tốt. 
7 cách kết hợp thực phẩm siêu tốt cho sức khỏe 7

Theo Trí thức
.

Nov 23, 2013

NGẮN THÔI /10/



photographer  David Diec

                          Bích   Quy

            QUEN  VẪN  HƠN

     Tại Ủy Ban Nhân Dân  một Phường nọ

   Một cậu trai ôm tập hồ sơ rụt rè đặt vào cái rổ hình chữ nhật trước mặt cô thư ký. Một bà già cũng để hồ sơ của mình  vào đấy.
   - Hôm nay xếp đi họp nên mọi người để hồ sơ ở đây, đầu giờ chiều quay lại lấy.

   Cậu trai liền quay về,  còn bà già tần ngần hỏi cô thư ký:
-  Tôi để cả bản chính ở đây hả cô ?
-  Bà không để thì chúng tôi làm sao được? Bà không tin thì cầm hết về đi
     
       Bà già đành đứng lên mà không dấu vẻ âu lo trong mắt.

       Đúng lúc đó , một bà mặc đầm , xách cái bóp to,  dáng vẻ sang trọ̣ng, bệ vệ bước vào.  Bà ta để tập hồ sơ vào rổ và nói cười với tất cả nhân viên ở đó một cách thân quen.
       - Trưa nay chị mời tất cả các em ăn cơm hộp nhé. Tiền đây, em Liên ra ngoài mua hộ chị , sẵn mua thêm cả nước uống nữa nhé.  À, em Bích sao y cho chị gấp hồ sơ này nhé.  Hôm qua chị mới nói chuyện với xếp rồi, xếp ký ngay ấy mà.
 Gớm , tuần trước chị vừa đi Pháp về, bân nhiều việc quá. Chị có ít kẹo chocolat đây, mời các em nhé.

       Em Bích lật đật mang ngay hồ sơ của chị vào phòng trong cho xếp ký và mang ra đóng dấu ngay lập tức.  Bà mặc đầm hớn hở ra về.

      Đầu giờ chiều, khi bà  già quay lại thì đã  thấy cậu trai đến rồi.  Cả hai vẫn phải chờ thêm  mươi phút .  Cô thư ký bảo :
      - Hồ sơ của em Trần văn Quân chỉ photo có một bản nên không sao y được nhé. Ở đây phải lưu một bản đó em.

      Quân tiu nghỉu cầm hồ sơ đi về.  Bà già yên tâm vì mình photo những ba bản.

      -  Hồ sơ của bác Nguyễn thị Mẹo xong rồi đây.  Bác đóng cho cháu ba mươi ngàn.
      -  Ủa, cô đưa tôi có hai bản, tôi phải đóng cả phần lưu hồ sơ của cô nữa à?
      -  Thủ tục nó thế bác ạ !!!


                     NGHĨ    MÀ    XEM

      Nỗi buồn thì miễn phí
      Niềm vui nhiều khi phải mua

      Thức ăn cũng phải mua
      Chất độc trong đó miễn phí
    
      Sức khỏe có giá của nó́
      Bệnh tật lúc nào cũng miễn phí

      Dốt nát luôn miễn phí
      Thông thái luôn có giá của nó....

Nov 22, 2013

BẢY KỲ QUAN THẾ GIỚI PHẬT GIÁO

       Phim tài liệu của BBC giới thiệu về bảy kỳ quan Phật Giáo trên toàn thế giới . Sự hình thành bắt nguồn từ lòng tôn kính triết lý đạo Phật , người Thầy với những ý niệm  vĩnh cửu và con đường giải thoát bản thân .
      Cám ơn Hải Châu đã chuyển tới các bạn phim tài liệu  này , hình ảnh vô cùng đẹp , cách giới thiệu giản dị lôi cuốn,  mạch lạc và vô cùng   dễ hiểu .
       TUL xin post lên ĐSTV để lưu giữ  tham khảo .khi cần  .
       Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn


Nov 21, 2013

TRANG THƠ NHẠC CUỐI TUẦN

   

  NGƯỜI TÌNH TRONG " NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU"

Trang thơ nhạc cuối tuần xin được đăng lại bài viết của tác giả Thụy Vi  " Người tình trong " Nửa hồn thương đau" của Phạm đình Chương. 
Cám ơn Mỹ Trang đã chuyển tiếp và thân mời các bạn cùng thưởng thức một vài nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.


                        NGƯỜI TÌNH TRONG " NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU "

                                            CỦA PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG.

                                                                                 THỤY VI


Lời ngỏ: “Tôi là người đàn bà sống để yêu thương và viết. Trong loạt bài Người Tình Trong Tình Khúc do tôi sưu tập và viết lại không với ý nghĩa là một công việc “thóc mách” mà viết với tâm cảm chia sẻ để chúng ta cùng chiêm nghiệm và chiêm ngưỡng những cuộc tình đẹp, mãi đẹp… dù phải chia lìa, hay vẫn có nhau bên đời này”.
Công chúng hiếm khi bắt gặp được tấm hình chụp chung cả đại gia đình như tấm hình chúng ta thấy trên gồm có Phạm Duy và người đàn bà người ta đồn chính sự phụ bạc của Khánh Ngọc khiến Phạm Đình Chương phỏng thơ Thanh Tâm Tuyền thành ca khúc “Nửa Hồn Thương Đau” thật xuất thần!
Trước khi chúng ta trở về quá khứ để lần lại sự thật, người viết xin nhắc lại một chút về người nghệ sĩ tài hoa này.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Khi soạn nhạc ông lấy tên thật là Phạm Đình Chương. Đi hát có tên là Hoài Bắc. Quê nội ở Hà Nội còn quê ngoại ở Sơn Tây. Ông xuất thân trong một gia đình mang truyền thống âm nhạc, thân phụ là Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của cha ông, sinh được 2 người con trai tên Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm tức ca sĩ Hoài Trung, trong ban hợp ca Thăng Long như đã nói. Người vợ sau tức mẹ ruột Phạm Đình Chương sinh 3 người gồm trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, và cô con gái út là Phạm Thị Băng Thanh, tức nữ ca sĩ Thái Thanh.
Khánh Ngọc là một ca sĩ thành danh trong làng nhạc từ những năm giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960, cô là một ca sĩ được nhiều người biết với tên gọi “ngọn núi lửa”, bởi cô có bộ ngực hấp dẫn và thường quyến rũ khán giả say đắm mỗi khi cô lên hát.
Ngoài ra cô còn là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng trước cả Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Trang Thiên Kim, Kiều Chinh… Khán giả ngày hôm nay có thể không biết đến cô, nhưng trong ký ức những khán giả miền nam trước năm 1975… và nhất là những khán giả tuổi 60-70 thì Khánh Ngọc là một trong những ngôi sao thuộc thế hệ đầu tiên sáng chói trong làng điện ảnh Sài Gòn.
Từ nhỏ, lúc còn đi học cô rất thích ca nhạc, nên năm 12 tuổi đã theo học nhạc với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Minh Trang, lúc đó cặp nghệ sĩ này giữ phần ca nhạc ở Đài Phát Thanh Pháp Á và Quốc Gia. Cuộc đời nghệ thuật của cô bắt đầu từ đó. Bản nhạc đầu tiên cô trình diễn là bản “Tiếng Hát Lênh Đênh” của Từ Pháp, hát ở rạp Nam Việt, Sài gòn. Lúc đó trước khi trình chiếu phim luôn có những chương trình phụ diễn tân nhạc và Ca sĩ Khánh Ngọc đã hát hằng tuần ở các rạp Nam Việt, Nam Quang, Văn Cầm, Đại Nam và đi lưu diễn nhiều nơi khác.
Đến năm 13, 14 tuổi Ca sĩ Khánh Ngọc hát ở các Đài Phát Thanh và hát trong các chương trình đại nhạc hội ở Sài gòn, các tỉnh, Đà Lạt, và ra Miền Trung, Sau đó Ca sĩ Khánh Ngọc gia nhập Ban Gió Nam trong đó có Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung và Hoài Bắc, rồi ra Bắc thì có Trần Văn Trạch, Nhạc sĩ Võ Đức Thu và ban ca nhạc nhảy múa là Lưu Hồng, Lưu Bình. Vào năm 1955 có phái đoàn ngoại quốc đến Sài gòn để tìm các diễn viên cho phim “Ánh Sáng Miền Nam”. Đạo diễn phim này là người Phi Luật Tân cũng chọn nhiều diễn viên, nhưng qua một chương trình nhạc cảnh “Được Mùa” do Ban Hợp ca Thăng Long trình diễn tại rạp Việt Long, Đạo Diễn Phi Luật Tân “chấm” Cùng lúc là minh tinh của ba bộ phim đều thành công, Khánh Ngọc cũng được khán giả mến mộ nhiều nên cô đã ca hát mỗi tối ở các vũ trường lớn của Sài gòn, Chợ Lớn lúc bấy giờ. Khánh Ngọc là một vì sao sáng chói nhất của vòm trời ca nhạc điện ảnh Việt Nam.
Khánh Ngọc cũng chính là người vợ thương yêu của Phạm Đình Chương. Thời gian này nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã nghe phong phanh Khánh Ngọc ngoại tình nhưng vì tình yêu nên ông vẫn tin tưởng vợ và bỏ ngoài tai tất cả những nguồn tin “lá cải” ấy. Cho đến khi biết được sự thật không thể phủ nhận được. Vào những năm của thập kỷ 60, báo chí Sài Gòn xôn xao vụ ly dị của vợ chồng ca nhạc sĩ Phạm Đình Chương – Khánh Ngọc. Có thể nói rằng sự tan vỡ của gia đình tiếng tăm thời bấy giờ được dư luận quy cho môt cuộc tình vụng trộm giữa ca sĩ Khánh Ngọc và “tình địch” không ai chính là nhạc sĩ Phạm Duy!
Đó là một chia tay bất ngờ, không thể oan trái hơn, giữa ông và nữ ca sĩ Khánh Ngọc.
Thảm kịch với sức chấn động và, dư chấn dội lại dài lâu từ dư luận, thân, tâm, đã dập tắt mọi tiếng cười. Khóa chặt mọi nẻo đường dẫn tới tiếng hát.
“Thăng Long” bị chôn sống sau địa chấn.
Nhà văn Mai Thảo kể, rời bỏ đầu tiên khỏi “bản doanh” đại gia đình Thăng Long ở đường Bà Huyện Thanh Quan là Phạm Duy và Thái Hằng. Phần còn lại gồm cả “Bà mẹ Thăng Long” (thân mẫu nhạc sĩ Phạm Đình Chương), dọn về một ngôi nhà nhỏ ở đường Võ Tánh.
Đó là thời gian họ Phạm sống những ngày gần như cắt đứt mọi liên hệ xã hội. Ông chỉ tiếp xúc với một số bằng hữu thân thiết, giới hạn.
Vẫn theo lời kể của nhà văn Mai Thảo, đang từ một “tay chơi” một “star,” thần tượng của giới trẻ thời đó, Phạm Đình Chương đã lột xác thành kẻ khác.
Ông thay đổi hoàn toàn. Từ sự không còn một chút để ý quần áo, ăn mặc, tới sự tắt ngấm nụ cười. Ông trở thành một người không chỉ kiệm lời, đôi khi còn bẳn gắt nữa.
Mai Thảo, tác giả tiểu thuyết “Mười đêm ngà ngọc,” một truyện dài viết về gia đình Thăng Long, nói:
“Nhiều khi cả ngày Hoài Bắc không mở miệng… Nhưng số anh em thân, vẫn lui tới, không bảo nhau, chúng tôi tôn trọng sự im lặng của Hoài Bắc. Chúng tôi tìm mọi cách, nghĩ đủ mọi chuyện chỉ với mục đích sao cho bạn vui. Bạn có thể có lại nụ cười… ”
Trái với một vài bài viết cho rằng ngay sau đó, họ Phạm đã sáng tác một số ca khúc như “Nửa hồn thương đau” hay “Người đi qua đời tôi,” “Khi cuộc tình đã chết”… Như một phản ứng tức khắc với phần số.
Sự thực dư chấn của thảm kịch đã giảm thiểu mọi hoạt động của nhạc sĩ Phạm Đình Chương một thời gian khá dài. Nó như một dấu lặng (bất thường) trong âm nhạc!
Bản nhạc “Nửa hồn thương đau ” viết xong vào năm 1970, tại Đêm Mầu Hồng, đường Tự Do theo yêu cầu của anh Quốc Phong, giám đốc Liên Ảnh Công Ty, để dùng cho cuốn phim Chân Trời Tím do công ty này sản xuất.
Toàn bản nhạc do chính Phạm Đình Chương đặt lời. Chỉ duy nhất có hai câu cuối bài trích ở tác phẩm Lệ Đá Xanh, thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc Cung Tiến mà thôi.
Khi được hỏi tại sao chỉ còn hai câu chót mà “Nửa hồn thương đau” lại phải mượn nhạc Cung Tiến thì Phạm Đình Chương cho biết:
“Khi tôi nhận lời viết một nhạc phim cho phim “Chân trời tím,” Quốc Phong chi ngay tiền tác quyền. Trước sự điệu nghệ của bạn, tôi đã bắt tay vào việc sáng tác. Thời gian tôi dành cho ‘Nửa hồn thương đau’ không nhiều lắm. Nhưng khi tới phần “coda” tức là lúc phải đi ra, kết thúc ca khúc, tôi loay hoay không biết phải viết sao cho hợp với nội dung bản nhạc… Nghĩ thời hạn “nộp bài” còn xa, tôi cất nó đi. Bất đồ, một buổi tối Quốc Phong ghé lại ‘Đêm mầu hồng’ đòi nợ! Bảo, mọi chuyện đã sẵn sàng. Ê kíp quay đã ‘bấm máy’. Chỉ còn thiếu nhạc phim thôi. Quốc Phong gia hạn cho tôi, tối đa, hai ngày! Ông biết mà, tôi làm gì được với hai ngày phù du đó! May sao, khi ấy, trên nóc chiếc piano của tôi, lại có bài ‘Lệ đá xanh’ của Cung Tiến, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi thấy cái coda bài này có vẻ thích hợp với ‘Nửa hồn thương đau,’ thêm nữa, cả hai đều là bạn rất thân; thế là… ‘a lê hấp’, tôi dùng ngay cái ‘coda’ đó. Và, tôi có ghi rõ là tôi ‘mượn’ của Cung Tiến…”
Nhìn lại giai đoạn “hậu địa chấn” bi kịch vùi dập đời riêng của họ Phạm, kể từ cuối thập niên (19)50 tới 1967, những người theo dõi sáng tác của ông trong giai đoạn này, hầu như không tìm thấy một ca từ nào mang tính kết án, nguyền rủa hay, thù oán… Mà trái lại.
Ngay ca khúc “Nửa hồn thương đau” được dư luận nhắc tới, bàn tán nhiều nhất và, đề quyết rằng, họ Phạm viết ca khúc này nhằm gửi tới người bạn đời đã chia tay trong quá khứ của ông thì, “đỉnh điểm” của ca từ cũng chỉ là những câu hỏi ném ngược về quá khứ. Như một tỏ-tình-với-dĩ-vãng. Một nâng-niu-vết-sẹo-định-mệnh: “Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau / ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau / hay ta còn hẹn nhau kiếp nào? / Anh ở đâu? / Em ở đâu?” (Lời hoàn toàn của Phạm Đình Chương.)
Từ góc độ này, có người đã kết luận, nhạc sĩ Phạm Đình Chương không chỉ lớn lao ở tài năng, mà ông còn lớn lao ở phong cách đối mặt với thảm kịch và, ăn ở với người, với đời nữa. *
Ngay với ca khúc tựa đề “Người đi qua đời tôi” thì họ Phạm cũng đã chọn câu thơ như một câu hỏi, có thể làm nao lòng người nghe là: “Em đi qua đời anh / không nhớ gì sao em?”
Bà Khánh Ngọc giờ ra sao?
Sau khi ly hôn và giao đứa con trai khoảng 4 tuổi lại cho nhạc sĩ Phạm Đình Chương nuôi. Năm 1961 bà Khánh Ngọc qua Mỹ học về điện ảnh. Trong một cuộc phỏng vấn được đưa lên Youtube do bà Tuyết Mai thực hiện tại Florida vào năm 2007 (**), người viết thấy bà Khánh Ngọc còn đẹp, nhất là nhìn hấp dẩn lắm, ánh mắt rất đa tình, ác liệt, miệng rộng, hơi móm nhưng duyên dáng. Bà nhắc lại những giai đoạn ca hát như ở trên. Có lẽ bà Tuyết Mai nóng ruột tò mò muốn hỏi về những chuyện riêng của “ngày xưa” nhưng ý tứ không dám sổ sàng. Riêng bà Khánh Ngọc lúc nào cũng cười, khi nhắc đến ban hợp ca Thăng Long, thái độ bà rất thản nhiên, bà cho biết, khi qua Mỹ bà gặp một du học sinh và hai người hiểu nhau rồi kết hôn. Hiện bà có 3 người con và đang sống hạnh phúc tại Losan. Bà vẫn thường xuyên đi đây đó ca hát trong những hội đoàn cộng đồng bè bạn và ao ước được về sống tại Việt Nam trong những ngày cuối đời.
Người viết chưa thấy tài liệu nào nói ông Phạm Đình Chương có gặp lại bà Khánh Ngọc lần nào không. Nhưng trong bài Tưởng mộ Phạm Đình Chương của Mai Thảo, và trong bài tưởng mộ Mai Thảo của bà Lê thị Huệ có nhắc đến bà Ý Liên, người vợ sau của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và vẽ lại hình ảnh bà như sau: “Hai lần tôi gặp Liên trong hai đêm tối. Một lần ở nhà Phạm Đình Chương ở ngôi nhà vùng Norwalk, khi tôi ngó thấy Ý Liên lần đầu tiên tôi nói với Mai Thảo và Phạm Đình Chương Liên là Liên tiểu thuyết. Liên im ắng nhìn tôi và ngồi yên trong vị trí tôi đặt định cho Liên. Đêm nay tôi gặp lại Liên hai ông kia không còn. Nhưng một người đàn ông khác, ông Đặng Trần Thức quay lưng lại mời Liên ngâm một bài thơ. Đêm sâu và giọng Liên nhung êm: “Trời cuối thu rồi em ở đâu. Nằm trong mồ lạnh chắc em sầu” Tình yêu Liên rút lòng ra rũ rượi như bóng ma da đêm. Đâu đó thấy hai chiếc bóng Phạm Đình Chương và Mai Thảo in trên tường nhà Trần Diệu Hằng đêm nay!…” (***)
Chúng ta hãy nghe lại bài hát này với giọng ca Thái Thanh, để khắc khoải, buồn cho một cuộc tình không trọn vẹn, như của tôi, như của bạn, như của những người chung quanh chúng ta…


thuỵvi


Cảm ơn, và, xin phép được trích:
(*) Trang Du Tử Lê
(**) Mời xem YouTube về bà Khánh Ngọc do Tuyết Mai thực hiện

(***) Trang Gió 



Tự Tình Dưới Hoa - Thơ Đinh Hùng

Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại
Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng

Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay
Ôi mộng nào hơn giấc mộng này
Mùi phấn em thơm mùi hạ cũ
Nửa như hoài vọng nửa như say

Em đến như mây chẳng đợi kỳ
Hương ngàn gió núi động hàng mi
Tâm tư khép mở đôi tà áo
Hò hẹn lâu rồi em nói đi

Em muốn đôi ta mộng chốn nào
Ước nguyền đã có gác trăng sao
Truyện tâm tình dưới hoa thiên lý
Còn lối bâng khuâng ngõ trúc đào

Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ
Nắng trong hoa với gió bên hồ
Dành riêng em đấy khi tình tự
Ta sẽ đi về những cảnh xưa

Rồi buổi ưu sầu em với tôi
Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời
Vai kề một mái thơ phong nguyệt
Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười.





Người đi qua đời tôi - Thơ Trần Dạ Từ
Người đi qua đời tôi
Trong những chiều đông sầu
Mưa mù lên mấy vai
Gió mù lên mấy trời
Mây mù lên mấy biển

Người đi qua đời tôi
Hồn lưng mùa rét mướt
Đường bay đầy lá mùa
Vàng xưa đầy dấu chân
Lòng vắng như ngày tháng
Đen tối vùng lãng quên


Người đi qua đời tôi
Chiều ầm vang tiếng sóng
Bàn tay mềm khói sương
Tiếng hát nào hơ nóng

Người đi qua đời tôi
Nghe những lời linh hồn
Phi lao dài tiếng ru
Êm ái lòng hối tiếc
Trên lối về nghĩa trang
Trong mộ phần tối đen

Người đi qua đời tôi
Không nhớ gì sao người





Đôi mắt người Sơn Tây - Thơ Quang Dũng - NS Phạm Đình Chương song ca cùng trưởng nam Phạm Thành 

Nov 20, 2013

VIẾT NGẮN

 BÀI HỌC QUÁ QUẮT !!!
TUL


Tranh của Bùi Xuân Phái

Đám cưới xong chàng bảo vợ :
- Bây giờ có em về , hàng ngày anh để em mắc màn bỏ màn cho Mẹ  để Mẹ vui nhé. 
Nàng nghe lời chồng, tối mắc màn sáng bỏ màn , giường ngủ Mẹ chồng  sáng tối đâu ra đấy , ngăn nắp ấm áp. Nàng làm như thế được khoảng hai tuần thì  nghe chàng thủ thỉ :
_ em ạ , thôi từ nay lại để anh làm việc đó cho Mẹ.
nàng ngạc nhiên , tưởng mình có lỗi gì:
_ sao thế? chắc em làm gì Mẹ không vừa ý?
chàng cười :
_ không đâu em , nhưng Mẹ mới phàn nàn sáng nay , rằng từ ngày có em về anh không còn để ý săn sóc giường chiếu chăn màn cho Mẹ như  xưa ! giao hết cho em , chỉ biết em thôi quên Mẹ!!!
   Nàng lại nghe lời chồng , để  chàng  trở lại công việc hầu ha Mẹ như ngày xưa khi chưa cưới nàng  ,  nàng còn có ý  nhắc nhở giờ giấc vì đôi khi chàng mải mê công việc , sợ trễ nải  ,  Mẹ phiền lòng . Cứ như thế  được hai ba tuàn , hai vợ chồng lại thầm thì với nhau :
_ Em ạ , Mẹ   nói rằng  có con dâu cũng như không ,  cái màn , cái chăn ....cũng chẳng được nhờ !!!  
nàng ngạc nhiên , không hiểu :
_ Em vẫn làm nhưng anh dành lại đấy thôi !!!
_ ừ , bi giờ anh nghĩ ra kế này , sáng anh bỏ màn tối em mắc màn , thay phiên  ? được không?
_ em cũng nghĩ như thế , tốt lắm 
Hai vợ chồng thay phiên lo liệu giường chiếu  cho Mẹ , nàng ca hát , chàng kể chuyện cho Mẹ vui , tưởng như thế là tuyệt đối hoàn mỹ   Mẹ không thể chê   vào đâu được . Lần này cả tháng trôi qua một hôm  Mẹ ngồi ăn trầu tủm tỉm cười gọi hai vợ chồng lại bảo :
_ Mẹ thấy chỉ có  mỗi cái bỏ màn xếp màn cho Mẹ ,  mà hai đứa phải sáng tối thay phiên , thế còn làm ăn  sinh sống gì  ?
  Hai vợ chồng nhìn nhau , chàng cười vì hiểu những bài học ' quá quắt " của Mẹ , nhưng nàng thì hoang mang ......bài học hơi khó hiểu đấy ,  nhưng nhờ thế  lần đầu tiên nàng nhận ra  mình đã thiếu xót vô vàn , vì ngày xưa còn ở nhà với Má ,  nàng chưa  hề bỏ màn mắc màn cho Má  bao giờ !!!! 

   

Họp mặt Hoa Diên, Xuân Thu với các bạn ở Montréal 10-2013







Nhân dịp Lễ  Tạ ơn bên Canada vào đầu tháng 10, hai bạn Hoa Diên, Xuân Thu từ Ottawa đã đến Montreal để ghé thăm các bạn và cùng  nhau đi ăn nhà hàng có sự hiện diện của các TV  Montréal 6370 như Hồng Châu, Minh Thu, Như Mai, Nguyệt Minh, Ngọc San, hôm ấy Kim Đoan bận không đến chung vui với các bạn được vì đang đi học khóa Khí Công dưỡng sinh Hồng Gia được tổ chức ở làng Cây Phong Bolton, Québec CANADA vào đúng cuối tuần đó.
Sau khi ăn uống chò truyện vui vẻ , vợ chồng Hoa Diên có đến nhà chơi với Như Mai, bạn bè lâu ngày mới gặp lại có dịp nói chuyện riêng với nhau rất quý, tình thân thêm  thắt chặt hơn và các bạn TV ở Montréal đã hẹn sẽ hội ngộ với nhau ở Ottawa  mùa Xuân năm tới vào tháng năm có hội hoa Tulip 2014. Mong chúng mình luôn vui khỏe và có dịp gặp nhau thường xuyên hơn  để cùng vui hưởng nhàn.

Nov 19, 2013

25 câu nói tuyệt vời về người thầy

 

25 câu nói tuyệt vời về người thầy 

  - Chúng ta không thể dạy bảo cho ai bất cứ điều gì, chúng ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn trong họ - Galileo

- Dạy tức là học hai lần - G. Guibe
- Người thầy thực sự hiểu biết không bắt bạn bước vào ngôi nhà tri thức của thầy, mà hướng dẫn bạn đến ngưỡng của tư duy và tri thức của bạn - Khalil Gibran
- Đối với người giáo viên, cần phải có kiến thức, có hiểu biết sư phạm về quy luật xã hội, có khả năng dùng lời nói để tác động đến tâm hồn học sinh. Có kỹ năng đặc sắc nhìn nhận con người và cảm thấy những rung động tinh tế nhất của trái tim con người - Xukhomlinxki
- Giáo dục như ánh thái dương phản chiếu cả đến những gian nhà cỏ thấp bé, mái tranh của con nhà nghèo - Pestalogi
- Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình - Can Jung
- Một thầy giáo tốt như một ngọn nến - ngọn nến cháy để soi đường cho những người khác - Mustafa Kernal Ataturk
- Một gánh sách không bằng một người thầy giỏi - Ngạn ngữ Trung Quốc
- Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học - Comenxki
thay-9487-1384837965.jpg
 
- Một ông thầy mà không dạy cho học trò được việc ham muốn học tập thì chỉ là đập búa trên sắt nguội mà thôi - Horaceman
- Với nghề dạy học không thể nhìn thấy kết quả của một ngày làm việc. Kết quả ấy vô hình và có lẽ vẫn còn đó đến 20 năm sau - Jacques Bazun
- Người dạy học phải tin vào sức mạnh tiềm tàng của học trò, và anh ta phải nỗ lực hết sức để giúp học trò mình trải nghiệm được sức mạnh này - Alfred Adler
- Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên - Gôlôbôlin
- Người cha chính là người thầy đầu tiên của đứa trẻ - T. Thore
- Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng - William A. Warrd
- Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn - Uyliam Bato Dit
- Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác - Usinxki
- Phải tôn kính thầy dạy mình, bởi lẽ nếu cha mẹ cho ta sự sống thì chính các thầy giáo cho ta phương cách sống đàng hoàng tử tế - Philoxêne De Cythêrê
- Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được - Usinxki
- Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái "Chân" và thực hành cái "Thiện" - Vijaya Lakshmi Pandit
- Tôi dường như không phải là thầy giáo… và những con đường dẫn đến trái tim tuổi thơ sẽ bị đóng kín đối với tôi nếu tôi chỉ là người đứng trên bục giảng - V.A.Sukhomlinxki
- Trọng thầy mới được làm thầy - Ngạn ngữ Trung Quốc
- Dạy học là đặt vết tích của một người vào sự phát triển của một người khác. Và chắc chắn học trò là ngân hàng nơi bạn có thể gửi kho báu quý giá nhất của bạn.- Eugene P. Bertin
Văn Hiến

Nov 16, 2013

NGẮN THÔI /9/






     NGẮN    THÔI   /9/     
   Bích   Quy
                          
                       CẦN   TÌM


           Người ta đọc được trong mục rao vặt mẩu tin sau :

        " Cần  tìm một túp lều tranh  với chỉ một trái tim vàng "
  

                                             BỐ   ĐI   ĐÂU  ?

                  Bé Hoa mới sáu tuổi,  hỏi mẹ :
           - Bố đi đâu lâu thế chưa về hả mẹ ?
           - Bố đi công tác xa lắm
           - Chừng nào bố mới về ?
           - Mẹ không biết
           - Mẹ hỏi bà Năm coi, bà bảo bố ở nhà cô Tuyết luôn rồi, không về đâu.

Nov 11, 2013

Canada: Khánh Thành Nhà Máy Đúc Tiền Mang Tên Tiến Sĩ Trương Công Hiếu

Tiến Sĩ Trương Công Hiếu nguyên là cựu học sinh trường Jean-Jacques Rousseau ở Saigon, sau khi đậu Tú Tài II Ban Toán năm 1959, Ông được học bổng sang Hoa Kỳ để theo học ngành kỹ thuật tại trường Đại Học New York. Ông là sinh viên đậu Thủ Khoa khi lấy bằng kỹ sư và theo học lấy bằng Master về Kỹ Sư Hóa Học của trường Đại Học New York. Năm 1964 Ông trở về Việt Nam đi dạy ở trường Cao Đẳng Hóa Học và trường Cán Sự Hóa Học ở Phú Thọ và được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng của trường nầy. Sau 3 năm là giáo sư ở trường Hóa Học nói trên Ông trở lại Hoa Kỳ để lấy bằng Tiến Sỉ Kỹ Sư vào năm 1971.


Giáo Sư Trương Công Hiếu và các sinh viên Trường Cao Đẳng Hóa Học Phú Thọ 1/2/1966


Sau 1971 Ông rời Mỹ sang định cư ở Canada đảm trách chức vụ kỹ sư tại nhiều công ty lớn:
* Ông là Giám Đốc Kỹ Thuật của Công Ty Groupe Victoriaville, Québec, Công Ty sản xuất bàn ghế lớn nhất ở Québec, Canada.
* Ông làm Giám Đốc Sản Xuất của Công Ty Bombardier. Công Ty Bombardier chuyên sản xuất xe chạy trên tuyết (Snowmobile), xe chạy dưới đường hầm (Subway), máy bay Canadair Regional Jet (loại máy bay jet bay đường ngắn).
* Năm 1978 Ông vào làm việc cho Công Ty Đúc Tiền Kim Loại Hoàng Gia Canada (Royal Canadian Mint). Nơi đây ông được giử nhiều trọng trách trông coi về phần kỹ thuật đúc tiền kim loại và đến năm 1980 Ông được bổ nhiệm làm Giám Đốc Kỹ Thuật của Công Ty Đúc Tiền Kim Loại Hoàng Gia Canada.
Năm 2006 Ông được đề cử làm Tổng Giám Đốc Kỹ Thuật Ban Khảo Cứu của Công Ty Đúc Tiền Hoàng Gia Canada (Royal Canadian Mint).
Royal Canadian Mint, Nhà Máy Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại, là Tổng Công Ty thuộc sở hữu của chính phủ Canada, được thành lập vào năm 1908 tại Ottawa để sản xuất tiền kim loại cho Canada và tinh chế vàng ròng được vận chuyển từ rất nhiều mỏ vàng ở Quebec, Ontario, Manitoba, phía Bắc Alberta và British Columbia.
Nhà Máy Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại chuyên sản xuất tiền xu lưu hành và đồng phôi với cao độ dập tự động cho hơn 80 quốc gia trên thế giới tại cơ sở đúc tiền ở Winnipeg. Những kỹ thuật chuyên sản xuất những loại tiền xu lưu niệm, những loại tiền kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim, palladium để đầu tư trên thế giới đều được sản xuất tại cơ sở lịch sử Ottawa.
Năm 2008 Canada tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày thành lập Nhà Máy Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại (Royal Canadian Mint) để đánh dấu sự thành công của Công Ty Đúc Tiền Hoàng Gia Canada được nổi danh là một công ty hàng đầu của thế giới về những kỹ thuật và những phát minh hiện đại, những hiểu biết sâu rộng về khoa học và kỹ thuật đúc tiền.
Trong quyển sách: “Lịch Sử 100 Năm của Nhà Máy Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại”, “ROYAL CANADIAN MINT 100 YEARS OF HISTORY” Tiến Sĩ Trương Công Hiếu đã được ghi nhận là người đầu tiên trên thế giới đã thay đổi hệ thống đúc tiền bằng những kỹ thuật dùng kim loại và thép để làm cho đồng tiền mỏng hơn, nhẹ hơn và không bị rỉ sét.
Ngày nay những kỹ thuật hiện đại của Sở Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại do Ông phát minh đã thay đổi tất cả tiền lưu hành hiện tại của nước Canada. Ông là người đầu tiên và duy nhất phát minh kỹ thuật in màu trên tiền kim loại lưu hành giống như in mầu trên giấy bạc bằng cách sử dụng tia laser để đổi màu trên tiền kim loai… Những phát minh mới về kỹ thuật đúc tiền của Ông hiện nay đã tạo nhiều ảnh hưởng về hình thức và phương cách đánh tiền kim loại trên thế giới như: tinh chế vàng nguyên chất 4 số 9 (.9999) làm tiêu chuẩn quốc tế từ năm 1982, và kỹ thuật lọc vàng 5 số 9 (.99999), kỹ thuật mạ đa lớp trên thép (kỹ thuật nầy đang được xữ dụng trong tiền kim loại của hơn 35 nước trên thế giới).
Ngoài ra Ông cũng là người đã phát minh kỹ thuật sản xuất tiền xu với hình ảnh ba chiều (hologram), và dùng kiến thức DNA trong tiền lưu hành và vàng để bảo mật và định tính xác thực đồng tiền vàng ròng của Canada lưu hành ở bất cứ nơi nào trên thế giới qua hệ thống vệ tinh điện thoại di động (smartphone).
Tiến Sỉ Trương Công Hiếu là người có nhiều phát minh và sáng chế trong ngành kỹ thuật đúc tiền kim loại với hơn 10 bằng sáng chế đã được nhiều nước trên thế giới và Sở Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại ghi nhận là quá xuất sắc.
Hiện nay tiền xu ở các nước như: Canada, Singapore, New Zealand, Barbados, Ghana, Ethiopia, Thailand, Philippines, Venezuela, Panama, Albania, United Arab Emirates… cũng đang dùng những kỹ thuật của Ông. Chính phủ Mỹ cũng đã bình chọn kỹ thuật của Ông để đưa vào áp dụng trong chương trình tuyển lựa kim loại mới cho ngành tiền tệ của Mỹ, do Thượng và Hạ Nghị Viện Mỹ chấp thuận cho phép chánh phủ Obama thay đổi tiền tệ Mỹ trong tương lai.
Trong quyển sách: “Chuyện Kể Về Các Cuộc Triển Lãm Tiền Xu Quốc Tế”, “STORY OF WORLD MONEY FAIR” được xuất bản vào năm 2012, tác giả Albert M Beck, Chủ Tịch và Sáng Lập Viên của Hội Chợ Quốc Tế Tiền Tệ Berlin tại Đức đã viết và bình luận về Tiến Sĩ Trương Công Hiếu như sau:
“Trong 40 năm vừa qua người mà có công lao nhiều nhất trong sự tiến bộ về ngành đúc tiền trên thế giới, người đã đóng góp nhiều nhất về những kiến thức mới về ngành đúc tiền trên thế giới chính là Tiến Sỉ Hieu C. Truong của Sở Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại”.
Ông M. Beck cũng đưa thêm lời bình luận: “Tôi cho rằng ông Hieu C. Truong là người có công nhiều nhất đối với ngành kỹ thuật đúc tiền kim loại của thế giới. Sở Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại cũng công nhận rằng Tiến Sỉ Trương Công Hiếu là người kỹ sư nổi tiếng nhất trên thế giới và là người hiểu biết nhiều nhất trong kỹ thuật đúc tiền. Theo tôi ai muốn biết kỹ thuật đúc tiền sẽ đi về hướng nào trong tương lai thì nên hỏi ông Hiếu”.
Để tiếp tục lưu danh là một Công Ty dẫn đầu thế giới về kỹ thuật đúc tiền và để thành công trong những lảnh vực phát triển các công nghệ mới hầu phục vụ ngành công nghiệp đúc tiền của thế giới và cũng để tôn vinh và ghi nhớ những công trạng của Tiến Sỉ Trương Công Hiếu đối với Sở Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại, Royal Canadian Mint đã cho xây dựng một Trung Tâm Khảo Cứu Xuất Sắc và Hiện Đại với ngân sách 10 triệu đô la tại Winnipeg và đặt tên cho cơ sở khảo cứu về kỹ thuật đúc tiền vừa mới xây dựng nầy là:
TRUNG TÂM KHẢO CỨU XUẤT SẮC Tiến Sĩ TRƯƠNG C. HIẾU
Dr. HIEU C. TRUONG CENTER OF EXCELLENCE
Centre d’ excellence Hieu C. TRUONG, Ph.D.
Royal Canadian Mint, Winnipeg, Manitoba, Canada
Cơ sở khảo cứu nầy đã được khánh thành vào ngày 13 tháng 6 năm 2013 cùng lúc với nhà máy mạ thứ hai được xây dựng với ngân sách 70 triệu đôla. Tất cả những cơ sở nầy là nơi mà những kỹ thuật mới nhất về đúc tiền trong lảnh vực khoa học, trong lảnh vực tự động hóa qua máy vi tính, trong kiến ​​thức mới nhất với điện tín vệ tinh, phát triển phần mềm, khoa học vật liệu trong việc quản lý tiền tệ, trong lảnh vực thông tin liên lạc bằng điện thoại hoán chuyển thói quen của người tiêu dùng … tất cả những phát minh mới về tiền tệ của Tiến Sỉ Trương Công Hiếu sẽ được đưa vào áp dụng và sẽ được phát triển tại nơi nầy để phục vụ cho các thế hệ trong tương lai.
Trung Tâm Khảo Cứu mới nầy cũng sẽ là nơi được dùng để đào tạo các kỹ sư, các nhà quản lý và các giám đốc của các Nhà Máy Đúc Tiền trên thế giới. Những người đi tu nghiệp sẽ được đưa đến Trung Tâm nầy để học các kỹ thuật căn bản cũng như các kỹ thuật hiện đại về đúc tiền, vì từ trước đến nay kỹ thuật nầy chưa từng được giảng dạy tại một trường đại học nào trên thế giới. Trung Tâm Khảo Cứu nầy cũng sẽ là nơi hội tụ của các kỹ sư, các nhà khảo cứu trên thế giới tìm đến với nhau để cùng nhau hợp tác khảo cứu về môn đúc tiền.
Ngoài việc phục vụ cho đất nước Canada, Tiến Sĩ Trương Công Hiếu cũng tham gia và ủng hộ các chương trình họat động của Cộng Đồng Việtnam tại Canada. Ông làm có vấn cho các tổ chức: Thể Thao Người Việt Bắc Mỹ lần thứ IX được tổ chức tại Ottawa năm 1981, Ủy Ban Lập Đền Kỹ Niệm của Liên Đoàn Hội Người Việt, bao gồm 11 Hội Người Việt của các địa phương khắp nước Canada, Ủy Ban xây dựng Trung Tâm Văn Lang, ngân sách do chánh phủ Ontario, Canada tài trợ. Trung Tâm Văn Lang là một chung cư gồm 80 căn hộ được xây dựng lên để nâng đở, trợ giúp cho những bô lão người Việt và những hộ gia đình có nguồn lợi tức thấp có được nơi ổn định cho đời sống. Ông cũng cộng tác với Hội Phật Giáo Người Việt xây dựng lên Chùa Từ Ân với kiến trúc thuần túy của một ngôi chùa Việt Nam tại thủ đô Ottawa.
Mỹ Trang sưu tầm