Jun 25, 2023

BÀI THƠ CÓ THỂ ĐỌC 8 CÁCH - TIẾNG VIỆT TUYỆT VỜI

  BÀI THƠ CÓ THỂ ĐỌC 8 CÁCH -  TIẾNG VIỆT TUYỆT VỜI



1. Bài thơ gốc:

Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.

2. Ðọc ngược bài gốc từ dưới lên:

Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.

3. Bỏ hai chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, ta được bài (ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):

Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.

4. Bỏ hai chữ cuối mỗi câu trong bài gốc,
đọc ngược từ dưới lên, ta được bài
(ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):

Mắt ai bóng thướt tha
Ðàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.

5. Bỏ ba chữ cuối mỗi câu trong bài gốc,
ta được bài (tám câu x bốn chữ ):

Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.

6. Bỏ ba chữ đầu mỗi câu trong bài gốc,
đọc ngược từ dưới lên, ta được bài (tám câu x bốn chữ):

Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.

7. Bỏ bốn chữ đầu mỗi câu trong bài gốc,
ta được bài (tám câu x ba chữ) :

Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Ðàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.

8. Bỏ bốn chữ cuối mỗi câu trong bài gốc,
đọc ngược từ dưới lên, ta được bài (tám câu x ba chữ):

Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta.

Nguyễn Cảnh Tân

Hồng Phúc sưu tầm

Jun 23, 2023

TƯỞNG NHỚ MUSICOLOGIST, PROFESSOR DR. TRẦN VĂN KHÊ

 TƯỞNG NHỚ MUSICOLOGIST, PROFESSOR DR. TRẦN VĂN KHÊ

(June 24, 2015-June 24, 2023)
NGƯỜI ĐÃ ĐI VỀ CÕI HƯ VÔ ĐƯỢC 8 NĂM.

image

“Nhà Nhạc Học Trần Văn Khê”
Bài viết của tôi.
Đăng trên Việt Báo (California -USA)
Ngày 30/06/2015.
Có khoảng 7000+ người đọc.
Bổ túc ngày 23 tháng 6, 2020 (Los Gatos, California-USA)

Ba bậc thầy âm nhạc tôi tri ân rất nhiều là nhà nhạc học Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy & nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Tôi được trao đổi và học hỏi với hai người trên tuy không liên tục nhưng trong thời gian rất dài. Nhạc sĩ Phạm Duy đã giảng giải cho tôi rất nhiều về áp dụng những thang âm dân ca Việt vào việc sáng tác ca khúc nhạc phổ thông hiện đại. Tôi đã viết về nhạc sĩ Phạm Duy trong hai bài báo “Thế Giới Ca Khúc Phạm Duy” và “Một Vài Cảm Xúc Âm Nhạc Qua Trường Ca Con Đường Cái Quan của Phạm Duy” trên báo Văn Học của Nguyễn Mộng Giác và báo Hợp Lưu của Khánh Trường trong thập niên tám muơi thế kỷ hai mươi. Trước khi hồi hương vào năm 2005 ông đã nhờ Duy Minh, con trai thứ hai của ông sao chép và cung cấp cho tôi hầu hết tác phẩm của ông để tôi hoàn tất cuốn sách về ông, trước khi bán toàn bộ tác phẩm cho nhà sản xuất Phương Nam.

Nhà nhạc học Trần Văn Khê đã đưa tôi vào con đường nghiên cứu Âm Nhạc Dân Tộc Học (Ethnomusicology) nghiêm chỉnh bằng những bài giảng qua cassette tapes, thư từ và rất nhiều tài liệu tiếng Pháp, Anh và Việt. Viết về nhà nhạc học Trần Văn Khê, tôi không biết bắt đầu từ đâu cho phải đạo. Một phần vì yêu kính ông như bậc thầy với nhiều kỷ niệm gặp gỡ riêng tư. Phần khác tôi khâm phục ông như một nhà nhạc học người Việt có tầm vóc quốc tế. Ông đã đi giảng dậy Âm Nhạc Học (Musicology) và Âm Nhạc Dân Tộc Học (Ethnomusicology) ở nhiều quốc gia trên thế giới. Phải nói thêm là ngoài sức hấp dẫn, duyên dáng khi trình bày một vấn đề âm nhạc bằng tiếng Việt, ông còn giỏi nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức, Hoa... Những công trình về âm nhạc trong hai lãnh vực nói trên của ông đã được nói đến trong nhiều tự điển âm nhạc quốc tế và các sách vở hàn lâm ngành Âm Nhạc Dân Tộc Học. Khiến tôi không làm sao bàn hết được công trình đồ sộ của ông. Chi bằng tôi chỉ nên nói đến những kỷ niệm riêng tư khi ông hướng dẫn tôi trong việc nghiên cứu và những lần gặp gỡ thảo luận những đề tài về Âm Nhạc Dân Tộc Học.

Khi tôi học năm cuối cùng ở trường Luật Sài Gòn (1970), vì sửa soạn đi du học tại Mỹ nên tôi hay lang thang ở hiệu sách Khai Trí đường Lê Lợi hay Xuân Thu trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) mua một số sách mang theo. Tôi mua được cuốn “Dân Ca Việt Nam” của Nguyễn Hữu Ba do Bộ Quốc Gia Giáo Dục Xuất Bản năm 1962. Sang nhà sách Xuân Thu, thật may mắn tôi đã mua được cuốn sách “La Musique Vietnammiene Traditionnelle” của Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Văn Khê do Press Universitaires de France xuất bản năm 1962. Có lẽ đây là một định mệnh. Vì cuốn sách này đã mở cho tôi một cách cửa thênh thang để tôi bước vào âm nhạc truyền thống Việt Nam một cách bài bản.

Đó cũng là luận án Tiến Sĩ Văn Chương – Âm Nhạc Học của thầy Trần Văn Khê đỗ năm 1958 tại đại học Sorbonne, Paris. Đến giờ phút này (2005) tôi đã sưu tầm được nhiều luận án tiến sĩ âm nhạc viết về nhạc truyền thống Việt Nam của người Việt lẫn người nước ngoài ở Việt Nam và ngoại quốc, tôi cũng chưa thấy công trình nào trình bày có hệ thống và tương đối đầy đủ như cuốn sách vừa nói, trừ Nhạc Sử phần “Periode Obscure” [ cần bổ túc một ít chi tiết với công trình của Lê Mạnh Thát (“Vài Tư Liệu Mới Cho Việc Nghiên Cứu Âm Nhạc Việt Nam trước năm 939” công bố năm 1970 tại Sài Gòn và tái bản năm 2001 tại Việt Nam với tựa đề “Lịch Sử Âm Nhạc Việt Nam từ thời Hùng Vương đến Lý Nam Đế”)].

Trở lại luận án Tiến Sĩ của thầy Trần Văn Khê,với 384 trang bằng tiếng Pháp, ông trình bày ba phần: Nhạc Sử Việt Nam, Nhạc Cụ Việt Nam và Những Vấn Đề Lý Thuyết. Cuốn sách này là kim chỉ nam để tôi tiếp tục sưu tầm thêm tài liệu, đào sâu vào việc nghiên cứu ba vấn đề Nhạc Sử, Nhạc Cụ và Lý Thuyết Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam qua các thư viện ở Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Cuốn sách này đã dược dịch ra tiếng Việt, lưu hành nội bộ và là tài liệu để giảng dậy cho các nhạc sinh trong những nhạc viện ở Việt Nam. Tuy nhiên những tài liệu tôi có được cũng chỉ là những mảnh rời rạc của nền âm nhạc dân tộc học nếu không có sự hướng dẫn của Thầy Trần Văn Khê.

Ngày mười một tháng sáu năm 1988 là ngày tôi không bao giờ quên. Vì ngày ấy là tôi gặp thầy Trần Văn Khê ở San Francisco qua sự giới thiệu của Prof. Dr. Bùi Duy Tâm.

Thầy có ưu ái viết vài trang về chuyện này trong “Hồi Ký Trần Văn Khê” cuốn số năm Đãi Cát Tìm Vàng” với tựa đề nhỏ “Lấy Luật Học Nuôi Nghệ Thuật”. Thật vậy, tôi mưu sinh bằng nghề Luật Sư để có phương tiện nghiên cứu âm nhạc. Sau khi ký tên trên cuốn luận án tiến sĩ của thầy mà tôi sưu tầm được, thầy nhận tôi làm môn sinh. Tôi đã nêu rất nhiều câu hỏi về thang âm và điệu thức của nhạc truyền thống Việt Nam. Tôi cũng đưa thầy xem biểu đồ nghiên cứu của tôi đối chiếu hai hệ thống âm nhạc Tây Phương và hệ thống ngũ cung Việt Nam. Rồi tựa trên hệ thống này nghiên cứu về âm nhạc của Ca, Ngâm, Sân Khấu, Nhạc Hoà Tấu, Vũ Điệu...Mục đích cuối cùng của sự học hỏi của tôi là để sáng tác tác phẩm âm nhạc có màu sắc dân tộc. Sau khi xem xong biểu đồ thấy nói: “đời người thì ngắn mà biển học thì mênh mông, nên giới hạn lãnh vực nghiên cứu thì mới đi tới đích được”.

Sau lần hội kiến nói trên, thầy Khê tiếp tục gửi cho tôi làm nhiều kỳ những casssette tapes về Định Nghĩa Ca, Hát, Ngâm; Điệu Thức Trong Nhạc Tài Tử Miền Nam; Buổi Nhạc Thoại giữa Nhạc Sĩ Phạm Duy và Thầy Khê về một số vấn đề nhạc dân tộc; một số tài liệu âm thanh của Ca Trù, Tuồng và Hát Quan Họ, Hội Diễn Hát Ru...Có một cuốn tape độc đáo là Thầy dùng guitar phím lõm để dạo raga Singh Bhanavi của Ấn Độ. Thầy cũng khuyên tôi nên sưu tầm các nhạc khí Việt Nam như Bàu, Tranh, Đáy, Nhị, Nguyệt, Tỳ Bà, Guitar phím lõm, Sáo, Tiêu để thử nghiệm những điệu thức Việt Nam. Từ đó tôi tiếp tục tựa trên biểu đồ nghiên cứu, sưu tầm rất nhiều tài liệu viết và âm thanh về nhạc cổ truyền, dân ca của Việt Nam gồm dân tộc Kinh và 53 dân tộc anh em sinh sống trên nước Việt Nam. Ngoài ra Thầy còn khuyến khích tôi tìm nghe nhạc truyền thống và dân tộc của Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Lào, Kampuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Bali, Ai Cập...để mở rộng tầm hiểu biết về âm nhạc. Trong cuộc hành trình này tôi đã biết được nhiều điều thú vị như điệu “Hý” ở Quảng Châu có ảnh hưởng đến điệu Oán của Việt Nam (“Thanh Điệu Tiếng Việt Và Âm Nhạc Cổ Truyền”, Hoàng Kiều, Viện Âm Nhạc, 2002), Nhạc Lâm Ấp có ảnh hưởng đến Gagaku và Nhã Nhạc Nhật Bản (“Gagaku và Nhã Nhạc”, Văn Minh Hương, NXB Thanh Niên 2003)...

Tôi vừa nghiên cứu vừa thử nghiệm âm nhạc dân tộc khi sáng tác ca khúc. Mỗi lần làm được bài mới tôi đều gửi cho Thầy Khê và Nhạc Sĩ Phạm Duy. Hai vị cho ý kiến rất là chân tình như sửa đổi lỗi kỹ thuật dùng thang âm và cách sử dụng những luyến láy trong dân ca và dân nhạc.

Xem cuốn hồi ký số năm của Thầy “Đãi Cát Tìm Vàng” thì biết Thầy có nhiều học trò trên thế giới đủ mọi quốc tịch, đủ mọi trình độ, đủ mọi hoàn cảnh. Mỗi loại học trò thấy lại áp dụng phương pháp sư phạm khác nhau để họ đạt mục đích riêng biệt. Nhìn vào mười chín trang Curriculum Vitae của Thầy (Thầy gửi cho tôi năm 1989) mới thấy những công trình đồ sộ của Thầy về Âm Nhạc Học. Kể từ khi Thầy hoàn thành luận án tiến sĩ (1958) đến giờ (2015) sau 57 năm, công trình của Thầy ít ai bì kịp về phẩm lẫn lượng. Công trình này gồm kinh nghiệm nghề nghiệp, tham dự vào các tổ chức và hiệp hội âm nhạc học, các giải thưởng quôc tế về giảng dậy và trước tác, các công trình khảo cứu và ấn bản, hội viên các hội đồng khảo thí quốc tế về âm nhạc học...

Tạp chí âm nhạc “La Revue Musicale” xuất bản ở Paris đã dành ba số báo 402, 403, 404 (146 trang, xuất bản năm 1987) để giới thiệu những công trình của Thầy về Âm Nhạc Học (musicology).

Ngoài những tư liệu về giảng dậy (Anh, Pháp, Việt) thầy Khê gửi cho tôi trong thời gian học với Thầy, Thầy còn viết cho tôi một số thư riêng nhắc nhở việc nghiên cứu, cho biết sinh hoạt quốc tế của Thầy lẫn công trình mới công bố hoặc những sách Thầy mới xuất bản. Hiện giờ tôi có được một số sách của Thầy như “La Musique Vietnamienne Traditionnelle” (Press Universitaires de France – 1962), “Vietnam par Tran Van Khe, Les Traditions Musicales” (Buchet/Chastel –1967), “Âm Nhạc Đông Nam Á” (Đông Nam Á – 1986, bản chính Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1983), “Tiểu Phẩm” (NXB Trẻ-1997), “Hồi Ký Trần Văn Khê” (5 cuốn, NXB Trẻ - 2002), “Du Ngoạn Trong Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam” (NXB Trẻ - 2004), “Tự Truyện Trần Văn Khê” (NXB Trẻ - 2010), “Tính Dân Tộc Trong Âm Nhạc Phạm Duy & Tình Bạn Duy-Khê” (Phương Nam Book & NXB Thời Đại – 2003)

Quãng thời gian về Việt Nam dạy học (2015-2019) tôi lại có may mắn thứ ba trong đời là được thọ giáo trực tiếp với Nhạc Sư Vĩnh Bảo về Đàn Nguyệt. Đồng thời tôi cũng được thầy giảng giải thêm về nét tinh hoa của Đàn Tranh và các nhạc khí dân tộc khác như Nhị, Bầu...Nhưng ấn tượng nhất là được thầy phân tích một cách khoa học về Thang Âm Điệu Thức của Nhạc Tài Tử Miền Nam. Vấn đề này tôi sẽ bàn vào status tới. Học đàn thì ít mà thầy tâm sự với tôi nhiều chuyện rất có giá trị về lịch sử, sinh hoạt Cổ Nhạc Miền Nam & cuộc đời trôi nổi của thầy. Thầy rất giỏi ngoại ngữ Anh, Pháp, Hoa (Tiếng Quảng Đông) và đã được mời là GS. Thỉnh giảng ở Đại Học Southern Illinois  University (Carbondale) USA.  Thầy cũng dậy ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn trước 1975. Thật là 4 năm (2015-2019) quí giá tôi được gần nhạc sư Vĩnh Bảo. Thời gian này thầy cũng đã trên 100 tuổi.

Có điều ngẫu nhiên cả ba bậc thầy tôi được học là Trần Văn Khê, Phạm Duy & Vĩnh Bảo đều là bạn của nhau và cùng là Giáo Sư thỉnh giảng ở Southern Illinois University (SIU Carbondale) vào cuối thập niên 60 thế kỷ 20 qua lời mời của GSTS Nguyễn Đình Hoà, Giám Đốc Trung Tâm Việt Học (SIU).

Như đã nói trên tôi không phải là nhà nghiên cứu hàn lâm để đi dậy học. Tôi học hỏi và nghiên cứu về Âm Nhạc Dân Tộc Học (Ethnomusicology) chỉ đề sáng tác (ca khúc, trường ca và nhạc không lời). Có kiến thức và kỹ thuật do các bậc thầy chỉ giáo, nghe nhạc, sưu tầm nghiên cứu tài liệu để mở rộng kiến văn, còn lại lòng yêu quê hương, nhưng quan trọng nhất là sự rung động do Thầy Khê truyền lửa cộng với những chuyến điền dã tại địa cũng giúp tôi không ít để sáng tác.

Nhửng dòng chữ này như nén hương lòng để tri ân Thầy Trần Văn Khê và chúc Thầy bình yên nơi cõi Phật.

Môn Sinh Phạm Văn Kỳ Thanh

Viết Ngày 24 tháng 6, 2015
Bổ túc Ngày 23 tháng 6, 2020

Los Gatos, California

Cảm ơn LS Phạm Mỹ Lộc (hay nhà nhạc học Phạm Văn Kỳ Thanh). Rất hân hạnh được đọc lại bài viết này và hơn nữa đã có thêm nhiều bổ túc mới vào năm 2020. Các học trò luôn kính nhớ về Thầy! Trân trọng.

1. Thầy Trần Văn Khê nói chuyện về “Truyền Thuyết Những Cây Đàn”

2. Tổng hợp những nhạc thoại của Thầy Trần Văn Khê

3. Thầy Trần Văn Khê nói về “Âm Nhạc Phạm Duy

4. Thầy Vĩnh Bảo đờn tiễn đưa Thầy Trần Văn Khê.
https://youtu.be/LVIJDyqXWHE 

image
Thầy trò sau nhiều năm gặp lại tại Sài Gòn (HCMC) 2008

image
Phạm Văn Kỳ Thanh đàm đạo với GSTS. Trần Văn Khê tại Sài Gòn (HCMC) 2012.

image
Luận Án Tiến Sĩ của thầy trình tại đại học Sorbonne (Paris)

image
Thầy ký tặng trò luận án TS lần đầu tiên gặp gỡ tại San Francisco .

image

Hồng Phúc sưu tầm


Jun 19, 2023

PHÚC ĐỨC.

PHÚC ĐỨC


“ Bản thân mỗi người được tồn tại trên đời, được hạnh phúc hay gặt hái được nhiều thành công hơn người khác ... tất cả đều do Phúc Đức mà ra. Phúc đức càng nhiều thì vật chất càng đầy đủ, tinh thần càng thoải mái và luôn đứng ở vị thế cao hơn những người khác.

Phúc đức là một lá chắn bảo vệ chủ nhân, là một siêu năng lực mang đến may mắn. Khi có biến cố, lập tức phúc đức phát huy sức mạnh của mình, hóa giải tai ương, mang đến sự bình an cho chủ nhân.

Phúc đức được chia làm hai phần, Phúc và Đức .

Phúc được tích lũy từ quá trình ăn ở của các bậc tiền bối có chung huyết thống với mọi người. Ông bà, cha mẹ, Tổ tông sẽ là người tạo ra phúc truyền lại cho con cháu, do đó mới gọi là hưởng phúc.

Còn Đức lại được tích lũy từ chính quá trình sống hằng ngày của bản thân mỗi người và được cộng dồn lại để chuyển phúc cho đời tiếp theo.

Đức là do chính bản thân mỗi người tạo ra, vì thế người ta mới gọi là tích đức. Phần Phúc sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của một người trước 30 tuổi,phần Đức sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống từ 30 tuổi cho đến lúc chết và đời con cháu tiếp theo.

Con số 30 là cột mốc quan trọng của đời người, con số này đánh dấu sự chín chắn, sự trưởng thành. Do đó tuổi 30 người ta gọi là tuổi lập thân, là độ tuổi tôi phải có trách nhiệm với cuộc đời của chính mình và không còn bị ảnh hưởng từ gia đình.

Có những người may mắn được sinh ra trong một gia đình có đạo đức, ông bà cha mẹ là người thiện lương nên phần phúc của người này rất nhiều. Vì thế, trước tuổi lập thân, người này sẽ vô cùng may mắn. Nhưng từ 30 trở đi, cuộc đời và số mệnh của người này sẽ phải chịu ảnh hưởng của phần Đức.

Trong quá trình sống trước đó nếu người này tử tế, sống lương thiện thì phần đời còn lại cũng sẽ được thành công và yên bình, còn không thì bắt đầu từ giai đoạn này họ sẽ phải trả giá cho những gì mình đã làm. Người ta gọi đó là nghiệp chướng, nếu phần nghiệp chướng này quá nhiều, nó sẽ được truyền lại cho đời sau.

Đó là lý do giải thích cho việc tại sao nhiều những người ăn ở bất lương nhưng vẫn có thể thành công trong cuộc sống. Có điều nếu những người này không biết tích đức cho mình thì đến một lúc phần phúc mất đi sẽ còn lại phần nghiệp, lối sống có đức thì phần đức này sẽ hóa giải nghiệp chướng còn không thì tai họa bắt đầu ập đến từ đây.

Nếu bạn cảm thấy bản thân kém may mắn do không được hưởng phần phúc thì chúng ta vẫn còn lại phần đức để tự cứu lấy chính mình. Phúc không thể được sinh sôi hay tạo thêm vì nó đã được mặc định ngay từ khi bạn sinh ra, nhưng phần Đức thì không có giới hạn, bạn càng làm nhiều điều tốt, sống càng lương thiện thì Đức càng được tích trữ nhiều .

Cuộc đời một nửa là do số mệnh an bài nhưng một nửa còn lại vẫn nằm trong tay chúng ta. Ông trời có đức hiếu sinh, không triệt đường sống của ai bao giờ, chỉ có chúng ta tự đẩy mình vào vực thẳm mà thôi.

Phúc Đức là một dạng sức mạnh tâm linh, một dạng siêu năng lực bảo vệ mỗi người. Người hơn người một phần là do tài năng nhưng phần nhiều là do cách sống đã tạo ra Phúc Đức khiến người khác tôn trọng họ. Tiền bạc và địa vị khi chết sẽ không thể đem theo nhưng Phúc Đức hay Nghiệp Chướng sẽ được truyền từ đời này qua đời khác.

Phúc đức bị tiêu trừ khi Nghiệp chướng xuất hiện và Nghiệp Chướng sẽ được hóa giải khi Phúc Đức được tích lũy. Mỗi người đều đang cầm trên tay một thanh gươm báu sử dụng vào việc tạo Phúc hay tạo nghiệp.

Nghiệp là do chúng ta quyết định bởi mọi việc chúng ta làm không chỉ ảnh hưởng đến mỗi mình mình mà còn ảnh hưởng tới rất nhiều người khác. Số mình có tốt hay xấu ở nửa đời người còn lại là do chúng ta định đoạt.

Chúng ta không thể chọn cách bắt đầu, nhưng kết thúc đều do mỗi người định đoạt.

Anh Thư chuyển