Nén tâm hương kính dâng lên quý Thầy Cô, bạn bè đã ra đi.
Riêng tặng nhóm Trưng Vương 1963-1970 thân yêu.
Buổi chiều nhận được thư mời tham dự Đại Hội Trưng Vương Hải Ngoại tổ chức tại Houston, Texas ngày 30/10/2022 tôi đã không khỏi bùi ngùi, xúc cảm. Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua từ ngày chúng tôi rời khỏi ngôi trường thân yêu? Bao nhiêu lần đã mừng mừng, tủi tủi gặp lại thầy cô xưa, bạn bè cũ trong những dịp đại hội Trưng Vương đây đó trên Bắc Mỹ? Bỗng nhiên, khúc phim dĩ vãng chợt quay lại, thật chậm nhưng rõ ràng từng chi tiết trong trí nhớ đã mòn mỏi của tôi. . .
Định cư ở Montreal năm 1991 tôi đã may mắn đựơc gặp lại một số thầy cô, bạn học cũ. Từ thầy Đặng Phúc Xuân dậy tôi năm lớp Nhất trường tiểu học Phú Thọ đến thầy Lê Hữu Mục giảng dạy môn Lịch sử Giáo dục Việt nam tại Đại học Sư Phạm Sài gòn những năm đầu thập niên 70. Giáo sư của trường Trưng Vương chúng tôi thì có cô Tổng Giám Thị Vũ Thị Nguyệt Minh, thầy Đào Đức Hoàng, cô Trần Thị Ngà, cô Bùi Kim Đoan, thầy Vũ Thanh Bảy. Gia đình cựu nữ sinh Trưng Vương sống ở Montreal khá đông. Chỉ riêng nhóm 63-70 chúng tôi cũng đã trên dưới 20 người, trong đó có Nguyệt Minh và Di Linh là hai bạn cùng lớp với tôi. Mỗi khi có bất kỳ người bạn cùng khoá nào từ phương xa ghé thăm chúng tôi lại tổ chức họp mặt. Ăn uống, chuyện trò, cười nói suốt mấy giờ đồng hồ ở một nhà hàng nào đó. Rồi kéo nhau về nhà một bạn trong nhóm, tiếp tục họp chợ, đàn địch, hát hò suốt đêm. Nếu có thời gian, chúng tôi lại đưa bạn phương xa đến thăm cô Tổng hay thầy Hoàng là giáo sư Anh văn của nhóm chúng tôi ngày xưa.
Năm nay Cô Tổng đã gần trăm tuổi, lại thêm nỗi buồn đau khi Thầy qua đời cách đây mấy tháng nên Cô cũng đã chịu ít nhiều ảnh hưởng. Trước đây, từ phong cách đến lời ăn, tiếng nói lẫn lối trang điểm, phục sức, Cô luôn luôn thể hiện nét thanh lịch, quý phái của người Hà Nội xưa. Đặc biệt là Cô có một trí nhớ phi thường. Gắn bó với ngôi trường Trưng Vương Sài Gòn gần ba mươi năm, dạy dỗ, uốn nắn biết bao nhiêu lớp học sinh khác nhau, thế mà Cô vẫn nhớ rõ họ tên, tính nết, gia đình của từng người. Mỗi lần chúng tôi đến thăm Cô đều nhắc lại các trò nghịch ngợm, phá phách thưở học trò của từng đứa một, không sai chạy vào đâu!
Nhưng thân thiết nhất với nhóm TV 63-70 Montreal chúng tôi chính là thầy Hoàng. Thầy ân cần, giản dị, lúc nào cũng vui vẻ tham gia những buổi họp mặt lớn nhỏ của chúng tôi, chẳng ngại tuổi già, sức yếu. Từ đầu đến cuối buổi Thầy chỉ từ tốn, nhẫn nại ngồi nghe chúng tôi - đám trò nhỏ năm xưa giờ đã thành bà nội, bà ngoại cả rồi - tranh nhau nói cười, đùa giỡn. Dăm khi, mười họa Thầy mới nhỏ nhẹ khuyên bảo, góp ý.
Còn nhớ có lần Bạch Mai từ San José bay sang Montreal mà không hề báo trước. Muà hè, bạn bè đi chơi xa gần hết, chỉ còn lại Nguyệt Minh, Hồng Châu và tôi. Thế là chúng tôi tức tốc kéo Bạch Mai đến nhà thăm Thầy Cô rồi mời Thầy Cô đi ăn tối. Cô bận trông cặp cháu nội sinh đôi Ú Na, Ú Nu nên đành cáo lỗi, ở nhà. Thầy trò kéo nhau đi ăn xong chạy thẳng ra downtown nhâm nhi cà phê. Gặp đúng lúc thành phố tổ chức lễ hội nhạc Jazz nên thầy trò thong dong dạo bước khắp phố phường, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm dạy và học dưới mái trường thân yêu. Thỉnh thoảng thầy trò lại ghé vào các sân khấu lộ thiên, vừa thưởng thức tiếng kèn, tiếng trống của các nghệ sĩ, vừa cho đôi chân nghỉ ngơi chốc lát. Cứ như thế đến hơn nửa đêm chúng tôi mới đưa Thầy về. Thật là một kỷ niệm chẳng thể nào quên về thầy Đào Đức Hoàng kính yêu của chúng tôi!
Năm 1993 là lần đầu tiên tôi được tham dự Đại Hội Trưng Vương tổ chức tại thành phố Montreal. Lúc đó chúng tôi tương đối cũng còn trẻ nên ngày đêm hăng hái tập dượt văn nghệ, làm đặc san, nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho ngày hội ngộ. Đại hội thời ấy thường được tổ chức ở một hội trường rộng lớn nào đó chứ không mướn nhà hàng, khách sạn như sau này. Ngày họp mặt, ngoài các thầy cô địa phương còn có những thầy cô từ các nơi khác về tham dự. Nhờ đó tôi đã được gặp lại giáo sư Toán kiêm giáo sư hướng dẫn lớp đệ Ngũ A3 của chúng tôi- cô Hà Dương Thị Uyên. Phút đầu cô trò tái ngộ thật hy hữu, bất ngờ. "Thưa Cô, em là Như Mai, em xin chào cô ạ. Mấy chục năm rồi em mới đựơc gặp lại cô" Lạ thay, cô đã không cười mà còn nhíu mày, hỏi ngược lại, "Như Mai đã mất lâu lắm rồi mà?" Tôi ngẩn người một lúc mới chợt hiểu ra là Cô đã nhầm tôi với cô bạn chung lớp, cùng tên, khác họ- Phạm Như Mai, người đã mất ở Mỹ vì căn bệnh ung thư khi tuổi đời còn rất trẻ.
Lần đại hội này tôi cũng được gặp lại thầy Loan, giáo sư Lý Hoá lớp 12C1 của chúng tôi ở Gia Long năm xưa. Thầy sống ở Calgary nhưng lần này tháp tùng hiền thê của Thầy- cô Vinh, là giáo sư Trưng Vương đến Montreal họp mặt. Thật đúng là, " hữu duyên thiên lý năng tương ngộ!" Còn nhớ niên khoá 69-70 Trưng Vương không có đủ học sinh để mở lớp 12 C. Vì vậy, lớp chúng tôi bị chia làm hai, những bạn ở vùng Gia định thì chuyển sang Lê Văn Duyệt học. Còn 15 người ở Sài gòn, trong đó có tôi, thì vào Gia Long. Lạ trường, lạ lớp, lại thêm vị giáo sư hướng dẫn lớp vốn có nhiều thành kiến với học sinh Trưng Vương từ trước nên chúng tôi đã có một năm học khá khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đã "biến đau thương thành sức mạnh", gắn bó với nhau hơn và cùng nhau học hành siêng năng, chăm chỉ hơn cho khỏi hổ danh con cháu hai Bà. Cũng may là ngoại trừ vị giáo sư hướng dẫn kể trên, chúng tôi lại được những thầy cô giàu kinh nghiệm dạy dỗ, quan tâm như thầy Vĩnh Đễ, cô Chu Kim Long, cô Kim, cô Yến, v. v. Học trò ban văn chương, sinh ngữ nên chúng tôi có khuynh hướng lơ là với các môn Toán, Lý Hóa. Thấy vậy, thầy Loan hay nhắc nhở, "Các chị học hành đàng hoàng thì 'đường mây rộng thênh thang cử bộ'. Các chị học hành làng nhàng thì sau này cũng chỉ trở thành những người làng nhàng mà thôi." 23 năm sau, gặp Thầy, tôi đã nhắc lại lời khuyên bảo này. Thầy chẳng nói năng gì, chỉ nở một nụ cười hiền hoà trên khuôn mặt già nua, mái tóc trắng phất phơ bay.
Đại hội Trưng Vương ở Hoa Thịnh Đốn năm 1998 nhóm 63-70 chúng tôi, trừ Ngọc Anh, Thu Nga và Thảo Uyên Ly là người sở tại, phần đông từ các tiểu bang khác khắp nước Mỹ, hay từ Canada, Châu Âu hoặc Việt Nam bay sang tham dự. Đặc biệt là có thêm vài chàng rể Trưng Vương đi theo hộ tống vợ nhà. Trước giờ khai mạc, chúng tôi mặc áo dài xanh đồng phục đứng dàn thành hàng ngang sau lưng cô Hiệu Trưởng Tăng Xuân An để chụp hình lưu niệm. Chẳng biết cả bọn loay hoay, chen lấn thế nào mà làm đổ cả tấm phông thật to vẽ hình ngôi trường Trưng Vương dựng phiá sau. Thật đúng là nhất quỷ, nhì ma, thứ ba đến đám học trò Trưng Vương chúng tôi!
Chúng tôi chia nhau cứ 4 người ở chung một phòng trong khách sạn Marriott, nơi tổ chức Đại Hội. Nhưng vì đã lâu bạn bè mới có dịp hội tụ đông vui như thế này nên đêm nào cả bọn cũng kéo hết vào một phòng để chuyện trò, cười đùa, ồn ào như chợ vỡ, quên hẳn các ông chồng đang nằm chèo queo một mình trong khách sạn. Thỉnh thoảng nhân viên khách sạn lại phải đến gõ cửa, nhắc nhở chúng tôi giữ yên tĩnh cho các phòng khác nghỉ ngơi!
Sau Đại hội thì ban tổ chức có chương trình đi thăm những thắng cảnh của thủ đô Hoa Thịnh Đốn bằng xe buýt du lịch. Nhóm chúng tôi kéo nhau lên chung một xe để thực hiện buổi trình diễn văn nghệ bỏ túi, tự biên, tự diễn. Minh Quang bắt đầu với những tình khúc du dương, Minh Tâm và Chung Đào song ca màn vọng cổ "Tình anh bán chiếu", nhưng phần lớn các bạn kể chuyện tiếu lâm, chay mặn đầy đủ. Mặc cho xe buýt chạy bon bon trên đường phố hay dừng lại cho mọi người xuống ngắm cảnh, chúng tôi vẫn điềm nhiên an tọa trên xe, tiếp tục hát hò, giỡn hớt, chẳng buồn xuống xem Toà Bạch Ốc lớn nhỏ ra sao, "cây bút chì" Washington Monument cao bao nhiêu, đài tưởng niệm các vị tổng thống Mỹ oai nghiêm tới dường nào...
Gặp nhau mấy hôm, chúng tôi cùng nhau ôn lại những vui buồn của thời áo trắng hay tâm sự, kể lể cho nhau nghe hết chuyện mình đến chuyện đời. Lúc cười dòn tan như pháo nổ nhưng cũng có lúc mắt lại rưng rưng. Ai cũng bắt đầu thấy đau họng, khan tiếng mà sao nói hoài vẫn chưa hết chuyện! Những gói ô mai chanh, cam thảo mà cô bạn khéo tay, hay làm đã chuẩn bị sẵn đem theo cho mọi người ăn thấm giọng cũng chẳng thấm thía vào đâu. Đêm cuối cùng, chúng tôi nán lại bên nhau đến hai ba giờ sáng mới chịu chia tay, ai về phòng nấy. Không ngờ chưa nghỉ ngơi đựơc bao lâu thì chuông báo động cháy của khách sạn vang lên inh ỏi. Thế là mọi người vội vàng chạy bộ mấy tầng lầu xuống tới đại sảnh, quần áo xốc xếch, mặt mày phờ phạc, trông thật thảm!
Đại hội Trưng Vương Hoa Thịnh Đốn năm 1998, ngoài bạn bè chung lớp, chung trường, tôi còn được gặp lại hai cô giáo yêu quý của mình ngày xưa: cô Vũ Tố Lan, giáo sư Việt văn kiêm giáo sư hướng dẫn hai năm Tam C, Nhị C và cô Chu Kim Long, giáo sư Triết lớp 12C1 Gia Long. Tuy cô Long không dạy ở Trưng Vương nhưng thấy bài tôi viết cho đặc san phát hành nhân dịp Đại Hội năm ấy có nhắc đến Cô nên chị Hồng Thuỷ -trửơng ban tổ chức - đã có nhã ý mời Cô đến tham dự Đại Hội cho cô trò chúng tôi có dịp gặp lại nhau.
Điều làm cho tôi ngạc nhiên và ngưỡng mộ không ít là cả hai cô trông vẫn duyên dáng, trẻ trung như lúc đứng trên bục giảng 30 năm về trước. Trong khi đó, chúng tôi- đám học trò 16, 17 của các cô ngày xưa- giờ đã bước sang lứa tuổi trung niên, đứng bên các cô trong ngày Đại Hội mà tưởng như cô trò cùng một trang lứa. Thật tủi thân!
Đại hội Trưng Vương Thế Giới 2017 tại miền Nam California kỷ niệm 100 năm thành lập trường ngôi trường Trưng Vương nên đã có một chương trình thật quy mô gồm hai phần là Đại Hội và Hậu Đại Hội.
Từ khắp mọi nơi chúng tôi hẹn nhau bay về Cali trước Đại Hội một vài hôm để nhóm 63-70 có thời gian họp mặt riêng với nhau. Đến phi trường John Wayne sớm hơn dự định 30', tôi đinh ninh sẽ được gặp đông đủ các bạn tại ngôi nhà khang trang trong khu Irvine của Chu Hồng Oanh, nơi chúng tôi quen gọi là Chu Oanh Tự vì cửa nhà bạn giống như cửa chùa, lúc nào cũng rộng mở chào đón khách thập phương. Ai dè các cô bạn ra đón, ngoài tài xế là "GPS sống" vì đã định cư ở Cali mấy chục năm nay còn có thêm 4 GPS nữa, mỗi người chỉ một hướng khác nhau nên xe chúng tôi cứ chạy lòng vòng, lạc đường mấy bận, hơn một giờ đồng hồ sau mới về tới nơi. Rút cục đêm đó tôi chỉ gặp được Thuý Lan, Ngọc Trần, Ngọc Anh, Mỹ Bùi, Kỷ Niệm, Kim Trang, Mỹ Điệp và Hồng Oanh. Thật là tiếc vì tôi đã bị hụt mất chương trình xổ số gây quỹ, văn nghệ và ăn nhậu với tất cả các bạn trong nhóm trước đó.
Nắng ấm Cali đã thu hút khá nhiều bạn bè tôi về đây định cư nên lần Đại Hội này chúng tôi không đặt phòng khách sạn như hôm ở Hoa Thịnh Đốn nữa mà tản mác ra. Một số đóng đô tại Chu Oanh Tự. Một số tá túc tại tổ ấm của chú Cuội và chị Hằng Minh Hải ở phố biển thơ mộng Huntington Harbour. Riêng Ngọc và tôi thì ghé nhà Thuý Lan ở Anaheim vì ba chúng tôi đã chơi thân với nhau từ năm đệ Thất. Sau 75 Thuý Lan và tôi đều về Rạch giá làm việc, đứa gõ đầu trẻ, đứa "giăng mùng" chế nước biển trong bệnh viện thị xã. Nhưng phải thành thật mà nói, chính cái vườn trái cây rộng mênh mông nhà Thuý Lan với những chùm nhãn, những trái ổi xá lị, mãng cầu xiêm, mãng cầu ta, quít, hồng dòn, thanh long, v. v. chín mọng trên cành đã lôi cuốn Ngọc và tôi đến vùng Anaheim này.
Buổi tối ba đứa chui vào phòng ngủ của Thuý Lan, nằm trên giừơng rủ rỉ, rù rì suốt đêm. Ngọc vốn là người có duyên ăn nói nên chúng tôi cứ hết chuyện nọ lại sọ chuyện kia rồi cười khúc khích, dẫu miệng không ngừng nhắc nhở, "thôi khuya rồi, ngủ đi, mai còn đi dự Đại Hội."
Đại Hội Trưng Vương Thế Giới 2017 tổ chức tại nam California là dịp hội ngộ với thầy cô, bạn bè Trưng Vương ngày xưa cùng với thân hữu, gia đình. Hội trường của khách sạn Irvine rộng lớn đến thế mà vẫn đầy ắp những người là người. Tà áo xanh truyền thống của nữ sinh Trưng Vương tựa như đàn bướm bay lượn khắp nơi. Tiếng nói, tiếng cười trong niềm vui tái ngộ cộng với tiếng đàn, tiếng hát trên sân khấu trong phần trình diễn văn nghệ thật đặc sắc của các cựu nữ sinh Trưng Vương cùng các ca sĩ tên tuổi, tất cả đã tạo nên bầu không khí lễ hội thật hân hoan, nhộn nhịp.
Hậu Đại Hội có chương trình du ngoạn bằng du thuyền lộ trình Mexico (Mexico Cruise) kéo dài 4 ngày, khởi hành từ Long Beach, qua Catalina Island, Ensenada và trở về Long Beach. Nhóm Trưng Vương dành trọn tầng 6 của du thuyền Cardinal Inspiration. Sang Dương, Hồng Yến, Lệ Nga và tôi ở chung một phòng ocean view. Vợ chồng Minh Hải ở phòng lân cận nên khi đi dạo trên đảo Catalina hay đi tour viếng thăm thành phố Ensenada của Mexico chúng tôi thường đi chung với nhau. Anh Dũng - ông xã của Minh Hải - vốn là dân Chu Văn An nên rất galant. Anh đi theo chuyến này, không những chỉ bảo vệ vợ yêu cùng 4 em vịt già ra khơi mà còn làm cameraman chụp cho chúng tôi những tấm ảnh kỷ niệm thật đẹp. Cám ơn anh Dũng nhiều lắm lắm!
Trong chuyến cruise này, nguyên nhóm Trưng Vương chọn early dining lúc 6 giờ chiều mỗi ngày để cùng nhau dùng bữa tối trong một phòng ăn riêng, có ánh nến lung linh, ấm cúng và có cả nghệ sĩ đàn hát giúp vui. Chúng tôi cũng được dành riêng một conference room rộng rãi với hệ thống âm thanh tuyệt vời để họp mặt, hát hò suốt cuộc hành trình. Nhờ đó tôi đã được gặp lại một số Trưng Vương đàn chị quen biết ngày xưa như chị Khiêm Vũ, chị Đức Tân, chị Lộc Thăng Long, v. v. Nhưng cảm động nhất là trong đêm văn nghệ, một chàng rể Trưng Vương khá lớn tuổi đã hát tặng chúng tôi "Bài Không Tên số 50" do Vũ Thành An phổ nhạc từ một bài thơ ngoại quốc mà cả tác giả lẫn dịch giả tới giờ vẫn còn là một ẩn số.
Giọng anh thiết tha, trầm ấm khiến bầu không khí trong phòng đang ồn ào, náo nhiệt bỗng lắng đọng hẳn xuống. Riêng chị MC Phương Liên thì vội vã quay mặt đi, dấu giòng nước mắt chỉ chực tuôn rơi. Chúng tôi ngậm ngùi, đồng cảm với chị vì biết người bạn đời thương yêu của chị vừa từ giã cõi trần trước Đại Hội ít lâu.
Cuộc đời đầy rẫy những bất ngờ mà chúng ta chẳng thể nào lưởng trước được! Để đánh dấu 50 năm ngày rời trường, nhóm 63-70 chúng tôi đã hẹn gặp nhau tại Đại Hội Trưng Vương Houston dự định tổ chức vào tháng 4 năm 2020. Vé máy bay đã mua từ mấy tháng trước. Khách sạn đã đặt xong. Ngoài hai ngày họp mặt chính thức và chuyến du lịch trên vùng biển Caribbean với các bạn chung trường, nhóm 63-70 chúng tôi còn có chương trình riêng, đi thăm các vùng lân cận như San Antonio, New Orleans và Austin với nhau. Điện thoại viễn liên vang lên tới tấp chẳng kể ngày đêm. Điện thư từ khắp bốn phương trời bay đến liên tục. Chúng tôi thật sự nôn nóng, trông chờ ngày tái ngộ. Tuy chẳng nói ra nhưng ai cũng ngầm hiểu có lẽ đây sẽ là lần họp mặt cuối cùng trong đời mình. Ở vào lứa tuổi “cổ lai hy” thì tai hoạ, bệnh tật, và ngay cả cái chết lúc nào cũng rình rập, chực chờ đâu đây. Có ai biết được sau giấc ngủ đêm nay, sáng mai thức giấc mình sẽ ra sao? Nghĩ vậy nên chúng tôi đã ghi tên tham dự Đại Hội Trưng Vương Houston 2020 đông đảo hơn bao giờ hết.
Thế mà trời lại không chiều lòng người. Phút chót, mọi kế hoạch đều bị huỷ bỏ vì sự xuất hiện của con corona virus nhỏ xíu nhưng vô cùng hung hãn. Ngỡ rằng những hẹn hò chỉ tạm thời khép lại trong một thời gian ngắn, không ngờ dịch bệnh tràn lan, làm xáo trộn cuộc sống của toàn thế giới ròng rã cho tới cuối năm 2020 và còn bước sang cả năm 2021. Tang thương bao trùm khắp nơi. Người chết không kịp chôn. Gia đình ly tán. Mọi người, già trẻ, lớn bé đều cảm thấy ngột ngạt như đang sống trong một nhà tù vĩ đại. Kinh tế toàn cầu suy sụp. Và dù rằng loài người đã nỗ lực tìm ra thuốc chủng ngừa nhưng biết đến khi nào cuộc sống của chúng ta mới có thể bình thường trở lại?
Ngày tháng cứ tiếp tục trôi. Bước sang năm 2022, loài người vẫn tiếp tục chiến đấu chống lại dịch bệnh. Chích mũi vaccine thứ nhất rồi lại đến mũi thứ hai. Liều booster đầu tiên chưa xong đã có liều booster tiếp theo. Cuối cùng thì loài người cũng đành phải chấp nhận "sống chung với lũ". Mọi hạn chế nhằm ngăn chận sự lây lan của covid cùng các biến thể của nó trước đây giờ đã bị từng quốc gia một lần lượt dỡ bỏ hết. Những sinh hoạt hằng ngày của con người cũng như các lễ hội, đình đám, giao thông, du lịch đã được bình thưởng hoá như thời kỳ chưa có covid. Trong bối cảnh đó, đại hội Trưng Vương Hải Ngoại một lần nữa sẽ đựơc tổ chức tại Houston vào ngày 30/10/2022 với chủ đề "MUÔN THUỜ TIẾNG LÒNG TÔI, TRƯNG VƯƠNG"
Chủ đề của đại hội Trưng Vương năm nay đã khiến tôi suy nghĩ mông lung. Với chúng tôi, những cô học trò 11, 12 bé bỏng, rụt rè trong chiếc áo đầm trắng lần đầu tiên bước qua khung cửa gỗ nâu của ngôi trường cổ kính, cho đến khi trở thành những thiếu nữ 16, 17 thướt tha, e lệ trong chiếc áo dài trắng ngày hai buổi đi về trên con đường đỗ dốc Nguyễn Bỉnh Khiêm, ròng rã suốt bảy năm trời như thế, thử hỏi còn có gì thân thương hơn hai tiếng TRƯNG VƯƠNG?
Trưng Vương chính là tuổi học trò ngây thơ, trong sáng của tất cả chúng tôi. Trưng Vương đã ươm mầm rồi chắp cánh cho những mộng ước, những hoài bão thời thanh xuân của chúng tôi được vươn lên, được bay xa. Trưng Vương là tình nghiã thầy trò thanh cao, bất diệt, chẳng phải chỉ gói gọn trong khuôn viên ngôi trường ngày còn đi học mà còn đậm đà mấy chục năm sau trên quê hương thứ hai của người Việt lưu vong. Như buổi sáng ở San José, thầy Đinh Văn Khôi đã cảm động nhưng không khỏi tự hào giới thiệu với các con của Thầy, " Học trò của Bố mấy chục năm về trước đấy" khi Bạch Mai, Phong Mỹ và thêm một cô bạn nhóm 63-70 chúng tôi trong chiếc áo dài trắng đơn sơ đến tiễn đưa người vợ thương yêu của Thầy về nơi an nghỉ cuối cùng. Như cô Tổng đã vô cùng hãnh diện nói với những cụ già Canada da trắng, mắt xanh ở cùng viện dưỡng lão Providence với Cô, " Đây là những học sinh của tôi cách nay nửa thế kỷ" khi chúng tôi đến thăm Cô nhân dịp bạn Thục từ Đức sang chơi.
Trưng Vương đã gắn kết thầy trò, bạn bè chúng tôi lại với nhau sau biết bao biến đổi thăng trầm trong cuộc sống. Tình nghiã Trưng Vương khi thì được gói ghém trong những món quà nho nhỏ gởi về quê nhà để chia sẻ với thầy cô, bạn bè những lúc đau yếu, khó khăn. Lúc được thể hiện qua việc đào giếng, xây cầu, cất nhà tình nghiã, giúp đỡ người dân vùng sâu, vùng xa với mục đích hồi hướng công đức cho thầy cô, bạn bè thân yêu đã quá vãng.
Trưng Vương đã khiến bạn bè chúng tôi, mỗi đứa một phương trời, một tôn giáo khác nhau nhưng cùng một lúc ngồi chắp tay cầu nguyện cho một người trong nhóm trước giờ giải phẫu, hay khi bạn chuẩn bị điều trị một căn bệnh ngặt nghèo. Tình Trưng Vương cũng giúp chúng tôi tụ họp lại với nhau những lúc có chuyện vui buồn, hiếu hỷ trong nhóm. Như khi chúng tôi dựng vợ, gả chồng cho con cháu. Hay lúc vào chùa tụng kinh cầu siêu hoặc rải tro trên sông nước cho bạn mình sớm được siêu sinh tịnh độ.
Thật khó có thể diễn tả cho trọn tình nghiã thầy trò, bằng hữu Trưng Vương. Nhưng tôi luôn tin tưởng rằng, dẫu thành công hay thất bại trên đường đời, từ khi thơ dại đến lúc bạc đầu, chúng tôi mãi mãi vẫn tự hào là NGƯỜI TRƯNG VƯƠNG.
Lê Như Mai, Montreal
TV 1963 - 1970
*Màu Thời Gian, thơ Đoàn Phú Tứ.
** Tranh Liên Hương, TV 63-70