Dec 29, 2021

MELBOURNE VÀ TÔI. NAM DIỆP

 MELBOURNE VÀ TÔI.

NAM DIỆP

Háo hức. Nghe đây là một trong những thành phố lớn và nổi tiếng của Úc.

Bước ra khỏi máy bay, một chút thất vọng!
Mẹ con tui phải lết cầu thang từ máy bay xuống đất (ÚC)!!!
Sống ở cái xứ “tư bản giảy chết” đã lâu, quen thói tiện nghi có sẵn, lại nghe Úc là nước văn minh, hiện đại có hạng trên thế giới, giờ, đối diện với thực tại, tự dưng tui so sánh với thiên đường bên kia, thấy không khác xa mấy!!!

Sau khi làm thủ tục nhập cảnh nhanh, gọn, tụi tui ra ngoài đón taxi về khách sạn.
Một anh chàng người Middle East, mắt láo liêng, muốn chở mẹ con tui, không nói giá cả.
Tui nhớ, con gái booked KS cách phi trường không xa, tui hỏi anh ta bao nhiêu, 70 đô.
Không đi. Làm bộ quay đi để thử thời vận, chứ thật ra, chân ướt chân ráo lần đầu, biết mắc, rẻ ra sao???
Đi trở ngược vài bước, đón Taxi. Bác tài này có vẻ đàng hoàng hơn.

Phi trường có hơn Tân Sơn Nhất một chút.
Ngoài phi trường, quang cảnh xác xơ, như chốn đồng không mông quạnh! Tui hơi cụt hứng!
Nước Úc như vầy sao???
Nghe đứa cháu nói, luật không cho cất gì chung quanh phi trường (?)

Xe chạy về hướng trung tâm thành phố. Phải mất hơn tiếng mới tới KS. Đồng hồ chỉ 62 đô.
Thành phố thì lớn, dân thì quá đông mà đường xá chật ních, thảo nào nạn kẹt xe thật trầm trọng!

Trên chuyến bay về Sydney, nói chuyện với ông khách ngồi cạnh, ông nói, khoảng bảy tám năm trước, dân số Melbourne khoảng 5 triệu, hiện nay (2018) là 17 triệu, mà đường xá thì không phát triển. Chánh phủ cho dân nước ngoài vô như kiến nhưng không mở mang đương xá(?). Ổng nói, 7 năm trước, ổng mua nhà giá nửa triệu, bây giờ là 1 triệu hơn rồi!

Hai mẹ con check in, bỏ hành lý ở KS rồi đi kiếm cái bỏ bụng.
Cũng tật cũ không bỏ, thấy quán ăn Á đông là nhào vô, đói quá chứ không là tui phải tìm cho ra quán phở hay hủ tiếu mới thôi.

Quán sạch sẽ, tiếp đãi…ok. Giá cả hơi cao. Bên tui, vợ chồng con cái đi ăn dim sum căng bụng, mua thêm đồ ngọt đem về, khoảng 80 đô là cùng, thêm tip là trăm bạc. Ở đây, chỉ có hai mẹ con, tui thì chỉ còn có nửa cái bao tử, vậy mà sơ sơ đã 125 đô.

 Trước khi đi, mọi người nhắc nhở "no tip “, vậy mà khi đứng lên, không để tiền, thấy guilty làm sao! Thôi kệ,nhét 10 đô dưới cái tách trà rồi đi nhanh ra như bị ma đuổi! 
Bên này, không có lệ cho tip, giống như bên Nhật, bên Pháp, vì họ làm lương hướng đàng hoàng, không như bên Mỹ, phục vụ chỉ được trả $2.15 một giờ, sau khi trừ thuế má, đem về được $1 là may!
Bởi vậy, gặp khách không tip hoặc tip dởm là mấy em đưa ngón tay giữa lên ì xèo!

Hôm sau, cậu cháu hẹn 8 giờ xuống chở bà dì đi chơi.
Sáu giờ sáng, hai mẹ con đã thức, cà phê cà pháo xong, ngồi ngóng cổ cò chờ.
 Anh cháu có mặt lúc 9 giờ rưỡi vì… kẹt xe.
Đi lòng vòng Melbourne, phong cảnh bắt mắt. Cây cối xanh um mọi nơi dù trong thành phố. Không khí thật trong lành. Đặc biệt, những cây phượng tím khắp nơi, trĩu hoa, tím rịm, bao trùm cả không gian thật ngoan mục. Giòng sông nước xanh trong vắt, lượn lờ giữa thành phố, in hình những tòa building cao ngất, lung linh, lung linh!
Buổi trưa, vợ chồng đứa cháu đưa đi sở thú. Sau khi giành giựt trả tiền mua vé, vô cửa rồi, chỉ thấy người là người và mấy em…khỉ đột! Những con thú chỉ ở Úc mới có thì đang… nghỉ trưa!!! Trời! đúng là thú của tư bản có khác! 
Trời thì nắng chang chang lại không coi được gì, tui nổi quạo đòi về. Ra tới cổng, một em Úc hỏi tui có happy không, tui muốn nói với ẻm là tui muốn coi thú chứ không muốn coi người, anh cháu phải chận tui lại, không cho phát ngôn bừa bãi!

Thân già, đi bộ giữa trưa nắng. Thời tiết đang mùa hè mà cứ thay đổi liên miên. Đang nóng, mười phút sau lạnh, không biết đường nào mà trở, tui đành chơi luôn, trên đầm, dưới legging, xỏ luôn cái áo lạnh cho chắc ăn. Lúc nào muốn chụp hình đầm thì xắn quần qua khỏi gối, lúc bất cần đời(lạnh) thì chơi luôn quần và đầm môt lượt. Chắc dân bản xứ tưởng tui là con mẹ…khùng!

Tối đó, mẹ con, dì cháu đi nhà hàng để ăn mừng cậu cháu tốt nghiệp và sinh nhật cô cháu dâu.
Tui đề nghị ăn nhà hàng Úc, cậu cháu nói thịt Kangoroo, thịt trừu khó ăn, hơn nữa, Úc là nơi dân tứ xứ đổ về, con gái bèn chọn nhà hàng được anh Gồ cho biết thực khách cho nhiều sao trong thành phố.

Một dĩa to, đủ thứ thịt: bò, heo, gà, trừu,tôm, một tô khoai nghiền, sợ không đủ, con gái gọi thêm garlic bread, rau cải và một cái đùi trừu nướng. Thấy bàn thức ăn, bụng tui đã no rồi chưa nói tới ăn, vậy mà bầy nhỏ cũng thanh toán tận tình!

Đậu xe trong thành phố là cả một vấn đề, cậu cháu lái lòng vòng tìm chỗ đậu có hơn 15 hai mươi phút. Tui nói, kệ đi,đi ăn chứ đâu phải đi đâu mà vội vàng, đậu xa chút cũng được. 
Vậy là cậu cháu tấp ngay vô chỗ trống, cách nhà hàng khoảng cây số.
Coi vậy chứ không phải vậy! Ăn xong, vừa no vừa mệt (ăn mà cũng mệt!), thân thể không còn như mười, mười lăm năm trước, lết được tới chỗ đậu xe, tui muốn…xỉu!
)
Sáng hôm sau đi Ballarat, chỗ vợ chồng đứa cháu ở và làm việc.
Trên đường, ghé vào khu VN mua bánh mì thịt, cà phê sữa đá, tò mò ngắm nghía hàng quán dân mình làm ăn nơi xứ người, mua thêm một ít thức ăn vặt cho mấy cái miệng khỏi thất nghiệp. 
Sau đó, trực chỉ Baccus March, với những vườn dâu,đào,cherry… ngút mắt.
Mục này tui thích nhất, vì bẩm sinh là nhà nông chân lấm tay bùn!
Dâu tây, đào… khỏi trả tiền trước, họ đưa cho mình cái sô, ăn bao nhiêu ăn, hái đem về thì họ cân, tính tiền. Còn cherry thì trả trước 5 đô một người.

Lần đầu thấy cây trái xum xuê, tui mê quá cỡ!
Nhớ thuở hàn vi, có dịp gặp đám đệ tử Ngụy, thầy trò ước ao sau này nếu ra khỏi thiên đường, chỉ ao ước được vô các nông trại hái trái sống qua ngày, không đứa nào dám nghĩ tới học hành để trở thành ông nọ, bà kia! 
Bỗng dưng nhớ bầy trẻ da diết, không biết bây giờ tụi nó ra sao???
Tui xách cái sô, chổng mông hái không nghỉ. Hai vợ chồng đứa cháu theo sau lưng nhắc chừng, đừng hái nhiều, tui có nghe đâu, hái cho tới lúc cái lưng đau mới chịu ngưng. Tội nghiệp, bọn nhỏ đi theo ăn đám dâu tui hái mệt nghỉ!
Qua tới vườn cherry, đào, nectarine thì bụng ai cũng no nóc, cây nào cũng trĩu cành mời gọi, ráng vài trái nữa thôi rồi bắt đầu chụp hình. 
Phải nói, đây là điều thích thú nhất của tui trong chuyến đi Melbourne này.

Nhà vợ chồng đứa cháu ở Ballarat Victoria. Thành phố tuy nhỏ nhưng rất yên bình, căn nhà không lớn nhưng thật ấm cúng. Vì là dân Giao chỉ thứ thiệt, vợ chồng nhà này cũng không bỏ tật trồng trọt, rau củ đủ loại, hành ớt mọi nơi, cây ăn trái cũng không thiếu, hai em tự hào đỡ tốn tiền rau!
Tui cũng nhân tiện ghé thăm Federation University, Science and Engineering Department, nơi thằng cháu làm việc. 
Vậy là cặp đôi này đã chọn nơi này làm quê hương!

Sáng hôm sau là phải bay về Sydney.
Sáu giờ sáng, mẹ con tui đã dậy, chuẩn bị cho chuyến bay 10 giờ 50.
Trời mưa tầm tã!
8 giờ, con gái đã bắt đầu gọi Taxi. Tụi tui muốn đi sớm, ra phi trường chờ cho chắc ăn.
8 giờ 30, không một chiếc xe nào đến.
Gọi qua Uber, họ đòi 72 đô. Chê mắc, gọi qua hãng Taxi khác. Chờ. Không đến.
9 giờ 15, gọi qua Uber. Chờ. Không đến. Mưa mỗi lúc một lớn, giá mỗi lúc một tăng! Từ 72 đô, lên 95 đô, rồi 112, rồi 125 đô!!! Cũng không đến! 10 giờ, tiếp tục chờ!
Tui không quen với cách làm business kiểu này! Sáng sớm mà đã bực mình rồi! Không tới được tại sao không cho khách biết để họ gọi xe khác??? 
Tánh tui xưa nay, có hoặc không, phân minh rõ ràng, không chấp nhận được cách làm ăn lửng lửng lơ lơ theo mấy anh Úc này!!!
Bụng tui nóng như lửa đốt. Mẹ con tui mỗi đứa một cái phone, mạnh ai nấy gọi.
10 giờ 15, chiếc Taxi đến. Tài xế nói đậu phía sau khách sạn. Mẹ con phải đội mưa kéo hành lý chạy bạt mạng! Ngồi được trong xe, mẹ con thở một hơi dài nhẹ nhõm. Cũng may, không bị kẹt xe trầm trọng. Đến phi trường, đồng hồ xe chỉ 52 đô.
Vào được bên trong, đúng lúc máy bay đang boarding.

Thôi! một lần tui tởn rồi!!!
Chắc không muốn và không bao giờ muốn đến Melbourne lần thứ hai!
Hai mẹ con tui đến Sydney để kịp chuyến Cruise buổi chiều cùng ngày.
Ngày mai, thuyền sẽ cập cảng Melbourne. Tui nhất định không bước chân xuống thành phố nightmare này nữa.
Adieu Melbourne!!!
ONE and ONLY. Never again. Sorry!!!

12/2018.

Dec 15, 2021

Kim Thanh làm Lễ Gia Tiên cho con trai 28-11-2021

Nhận được tin vui, bạn Kim Thanh vừa làm lễ Gia Tiên cho con trai vào ngày 28-11-2021, Kim Đoan xin chia vui với Kim Thanh cùng hai họ Vũ Trần và mến chúc hai cháu Đức Phú - Thu Hiền trăm năm hạnh phúc.

Kim Thanh cho biết chỗ Thanh ở người ta chỉ cho tổ chức có hai mươi mấy người thôi !!! Họ hàng cũng phải tiết giảm... nên Thanh không mời các bạn 
TV ở Việt Nam được... Tiếc lắm, nhưng thời thế đành phải chịu...

Thanh có gửi vài tấm hình cho các bạn xem nhé...

Thu Hiền- Đức Phú





Dec 7, 2021

HỌC BỔNG CHO TRẺ EM KHUYẾT TẬT VÀ TRẺ EM NGHÈO HIẾU HỌC

 Các bạn thân mến,


 Hôm trước, sau khi bạn Liên Hương ngỏ ý muốn đóng góp vào việc trợ giúp học bổng cho trẻ em nghèo, ngoài $500 mình trích ra từ Quỹ Tương Tế xã hội và sự đóng góp thêm của các bạn, mình đã có được như sau:

1) Liên Hương: $500
2) Quỹ Tương Tế xã hội: $500
3) Kim Trang: $300
4) Kỷ Niệm: $100
5) Bạn ẩn danh: $200
5) Minh Tâm:$400
---------------------------
Tổng cộng: $2,000

Tâm đã chuyển số tiền $2,000 này về để trợ giúp học bổng cho các em học sinh khuyết tật, và trẻ em nghèo côi cút đang được các soeur Dòng Providence (Dòng Chúa Quan Phòng) nuôi dưỡng và chăm sóc ở Ninh Kiều, Cần Thơ. Tâm xin gửi kèm theo đây biên nhận của Mother Superior,  Soeur Bernadette Nguyễn Thị Sáo.






Xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn. Cầu xin ơn trên luôn che chở và ban trả mọi ơn lành xuống cho tất cả các bạn 6370 và gia đình.  

Thân mến,

Minh Tâm

Dec 4, 2021

GIẾNG HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC CHO CÔ TĂNG THỊ HIỀN

Các bạn thân mến,


Giếng nhóm 6370 chúng mình làm để hồi hướng công đức cho Cô Tăng Thị Hiền vừa hoàn thành, Tâm xin gửi hình giếng đến Minh Trâm và gia đình, cũng như đến các bạn.


Minh Trâm có đưa cho Tâm một số tiền để mua thêm gạo phát cho đồng bào nghèo quanh khu giếng. Vì tình hình dịch bệnh còn nghiêm trọng ở vùng Cà Mau nên chính phủ vẫn bắt mọi người phải giãn cách. Ban bác ái xã hội của mình phải có giấy phép đặc biệt của chính quyền để đến phát gạo cho từng nhà, không được tụ họp để chụp hình.

Các bạn 6370 xin thành thật chia buồn cùng Minh Trâm và gia đình một lần nữa. Cầu xin cho hương linh Cô Diệu Chí Tăng Thị Hiền được sớm tiêu sinh tịnh độ.

Thành kính phân ưu.

Học trò Trưng Vương niên khoá 6370 của Cô Hiền.