May 30, 2021

BÀ GIÁO U80 NGÀY ĐI BÁN VÉ SỐ, TỐI ĐỨNG LỚP GIEO CHỮ CHO HỌC SINH

ảnh minh họa (internet)

Đều đặn hơn 5 năm nay, ban ngày bà Nguyễn Thị Ba (72 tuổi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) rong ruổi đi bán vé số, buổi tối lại đứng trên bục giảng dạy chữ cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn....

Bà Ba từng học tại ĐH Sư phạm Sài Gòn năm 1968. Ra trường, bà được phân công về dạy ở trường Tiểu học Tương Bình Hiệp (Bình Dương) đến năm 2003 thì về hưu. Có sẵn nghề trong tay nên việc dạy những học sinh khó khăn biết viết, biết đọc không phải là vấn đề lớn...

Lớp học cách nhà khoảng 2km nhưng bà Ba ít đi xe ôm mà thường đi bộ đến lớp. Dù 17h30 mới vào lớp nhưng bà thường đến sớm 1 tiếng để chuẩn bị bài vở và đón các em đến lớp...

Bà Ba đứng lớp tình thương từ năm 2016 đến nay đã được 5 năm. Lớp học hiện nay có 19 học sinh, rải đều từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi em mỗi hoàn cảnh, mỗi độ tuổi. Em nhỏ nhất cũng đã 10 tuổi, học sinh lớn nhất thì đã 33 tuổi đã gắn bó với lớp từ ngày bà Ba mở lớp giảng dạy...

Biết được lớp học tình thương của bà giáo Ba, nhiều mạnh thường quân thường nấu cơm nấu bún mang đến cho các em ăn lót dạ sau 1 ngày đi bán vé số, đánh giày, chạy bàn để các em có sức đến lớp...

19h, lớp học kết thúc cũng là lúc bà Ba đi bộ về nhà trọ. Trên đường đi, bà tranh thủ đi mời khách những tờ vé số...

Mỗi tháng bà Ba dư khoảng 3 triệu đồng từ tiền bán vé số. Một nữa tiền này, bà mua gạo, đường sữa và sách bút làm quà cho học sinh của mình, một nửa còn lại, bà chi trả phí sinh hoạt hàng ngày...

"Cuộc đời cô có nhiều nỗi buồn nhưng từ ngày có lớp học, có các em học sinh khiến cô yêu đời hơn nên cô sẽ gắn bó với lớp đến khi nào ko còn sức làn nữa" bà Ba tâm sự...!

Anh Thư chuyển

' Em lớp sáu ' - Học trò Saigon xưa- Bùi Bảo Trúc

 “Em lớp sáu” – Học trò Saigon xưa.

   Bùi Bảo Trúc 


Đang lang thang tôi tình cờ tìm thấy những bức ảnh ấy trong Internet nhưng không biết ai là người chụp nó, cố gắng mãi tôi cũng không biết những cô cậu học sinh nhỏ ấy học trường nào mặc dù ở cổ áo dài trắng của cô có gắn huy hiệu trường, tôi chắc đó phải là một trường nữ nào đó, tất cả các bạn của cô đều mặc đồng phục trắng, và tuổi khoảng 11 hay 12 là cùng.
Cô có mái tóc ngắn uốn quăn, không một nỗ lực làm dáng hay chải chuốt nào. Cô đeo ở tai một cặp tòn ten, miệng cười chúm chím. Cô có cái nét tươi tắn hơn tất cả những người bạn cùng lớp trong ảnh. Ở tuổi đó, chắc cô đang học lớp đầu trung học, có thể là lớp Sáu. Có một điều lạ trong bức ảnh đó: cô có nét mặt rất miền Nam. Hỏi cái nét miền Nam đó là nét gì thì quả thực tôi không biết trả lời làm sao. Nhưng nhìn cô học sinh nhỏ ấy, tôi nghĩ ngay cô là một cô bé miền Nam. Hồn nhiên, hiền lành, đằm thắm. Cô cười, hai mắt cũng cười theo.

Tự nhiên khi xếp những chi tiết tưởng tượng đó lại gần nhau, tôi nhớ ngay đến một bài thơ đăng trong tờ Bách Khoa mà một người quen mua được ở Việt Nam khoảng hơn hai chục năm trước và cho lại tôi. Bài thơ ấy nguyên được tìm thấy trong tờ báo xuân năm 1975 của trường trung học Bùi Thị Xuân. Tác giả là một người tên Trần Bích Tiên, chắc là một nữ sinh Bùi Thị Xuân Đà Lạt. Bài thơ nhan đề là “Nói Với Em Lớp Sáu”.
Bài thơ viết bằng 7 chữ có 9 đoạn 4 câu, tổng cộng 36 câu kể lại cuộc gặp gỡ tình cờ buổi chiều ngoài phố. Cô học sinh lớp Sáu tung tăng chạy trước, tác giả Trần Bích Tiên đi sau. Tác giả nhìn cô rồi nhớ lại tuổi thơ trong lửa đạn của mình. Cha mẹ đã khuất, nhà cửa tan nát vì binh lửa, và người từng rót vào hồn tác giả những lời hạnh phúc ngày nào cũng không còn nữa. Tác giả muốn người bạn nhỏ mới quen cứ hồn nhiên, vô tư đuổi hoa bắt bướm như trong buổi chiều hai người quen nhau vì chính tác giả đã đánh mất cái thời hoa niên đẹp đẽ đó.

Câu cuối cùng “Giữ hoài cho chị tuổi Hoa Niên” cũng làm nhớ một câu trong một ca khúc của Lê Trạch Lựu: “Đường đời anh muốn em còn mơ”.

Bức ảnh ít nhất phải được chụp từ hơn 40 năm. Cô học trò nhỏ đó ngày nay phải ở tuổi ngoài 50. Cô đang ở đâu nơi quê hương mù mịt đó? Cô có còn ở cái thành phố nơi cô đi học và lớn lên không? Đời sống của cô như thế nào? Cô có làm được như lời căn dặn của câu cuối trong bài thơ không? Và cả Trần Bích Tiên nữa. Cô có còn làm thơ nữa không? Thơ cô làm còn buồn như bài thơ cô viết cho báo xuân năm nào?

Này em lớp sáu này em nhỏ
Gặp em rồi không quen em đâu
Chiều nay hai đứa về qua phố
Rất tự nhiên mà mình quen nhau

Em chạy tung tăng không mắc cỡ
Chị thì bước bước chậm theo sau
Tuổi mười hai chị xa vời quá
Chị gọi em chờ, em chạy mau

Này em lớp sáu này em nhỏ
Em hãy dừng chân một chút lâu
Chị vuốt tóc em rồi chị nhớ
Tóc em thơm ngát mùi hương cau

Hương cau vườn chị xa như tuổi
Ba má chị nằm dưới mộ sâu
Vườn cũ nhà xưa tàn với lửa
Chị đi về hai buổi âm u

Gặp em ngoài phố mình như bạn
Thời mộng trong bàn tay nắm nhau
Chị ngắt cho em hoa cúc nhỏ
Em cười cái miệng mới xinh sao

Ngày xưa chị cũng như em chứ
Cũng rất ngây thơ rất ngọt ngào
Chị nhớ mỗi chiều tan học sớm
Bạn bè đuổi bướm thật xôn xao

Những con bướm lượn trên bờ cỏ
Chị cũng như em chạy đuổi mau
Bây giờ bướm biệt trên đường phố
Em đuổi sương mù chơi chiêm bao

Này em lớp sáu này em nhỏ
Gặp em rồi muôn thuở không quên
Trời ơi câu đó ngày hôm trước
Ai rót vào hồn chị hỡi em?

Sách trên tay chị nghe chừng nặng
Sao cặp em đây vẫn nhẹ tênh?
Thôi nhé em về con phố dưới
Giữ hoài cho chị tuổi Hoa Niên

Cầu mong cho những cô học sinh nhỏ trong bức hình, cô học sinh lớp Sáu trong bài thơ của Trần Bích Tiên và luôn cả Trần Bích Tiên nữa bình an, giữ mãi được tuổi Hoa Niên cho dù bất cứ ở đâu trong thế giới này.

Bùi Bảo Trúc

( Bùi bảo Trúc, nhà văn, nhà báo tác giả mục “Thư Gửi Bạn Ta” đã qua đời năm 2016 tại California, Hoa Kỳ).

Nhà thơ Trần Bích Tiên (Bùi Thu Huệ) đã định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1980).

Mỹ Trang chuyển (em của nhà văn Bùi Bảo Trúc)

Để nhớ lại một thời cắp sách tới trường với bao ngây thơ trong sáng!
Tuy nhiên cũng không quên nhất quỷ nhì ma và thứ ba là chúng mình!
MTrang


May 27, 2021

Một bài viết về Ngày Cưới Em- Mỹ Nga

 Khi nhạc sĩ Chí Tài còn sống, cá nhân tôi biết rất ít về Chí Tài. Có biết chăng là chỉ qua vai Hài mà anh từng đóng chung với Hoài Linh sau này. Tuy thế khi nghe tin Chí Tài qua đời, cái cảm giác „mất mát“ khiến tôi đâm ra bàng hoàng, một nuối tiếc khó diễn tả.

               Lục lọi trên GG, tình cờ nghe được bản nhạc „Ngày cưới em“ , một bản nhạc xưa đã rất lâu rồi không được nghe, thế rồi bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về…..

               Nhớ đến An, một „ông anh“ của nhỏ bạn học ngày xưa, không hề một lần gặp lại sau lần „gặp gỡ“ cuối cùng trên đường Trần Quý Cáp của một thuở áo trắng xa xưa…..

 

Ngày cưới em (1)

Mỹ Nga

 

Chuyện xảy ra khi cô nàng học đệ lục, đệ ngũ. Hồi đó nhà cô nàng ở đường Thiệu Trị, gần cổng số 6 khu Trương Minh Ký. Đối diện nhà cô nàng là nhà nhỏ bạn học TV cùng đệ nhưng khác lớp. Hai đứa cùng đi xe trường. Trưa nào ăn cơm xong hai đứa cũng lo xách cặp ra đường TMK đón xe.

 

Nếu chỉ chừng đó thì không có gì để kể,  chỉ „gay cấn“ là vì nhỏ bạn của cô nàng có ông anh học Jean-Jacques Rousseau lớn hơn nó vài tuổi. Bước ra cổng để đi học mà thấy ông anh đứng lớ ngớ trong sân (giả bộ) mở cửa đóng cửa cho nhỏ em là bên này cô nàng bắt đầu lính quýnh ... Vì từ lúc nghe nhỏ bạn nói xa gần là ông anh của nó có vẻ “thích” mình là cô nàng ... đâm ra lúng túng, khổ sở, mất tự nhiên, dấu tịt tâm sự là mình cũng hình như .... có cái gì đó!!!

 

Khi ba của cô nàng về Huế nhận nhiệm sở, cả gia đình về theo. Trước ngày đi, nhỏ bạn của cô nàng làm buổi tiệc tiễn bạn.

 

Lần đầu tiên trong đời mang giầy cao gót Escapin, đã lúng túng lại thêm cái Robe bó tó màu xanh đậm có những chấm nho nhỏ màu trắng cùng màu giầy nên cô nàng lại càng lúng túng thêm ... Đã thế cô nàng lại còn bị mấy cậu em „hành hạ“. Mấy cậu em trai thấy bà chị ngày thường vẫn chạy nhảy như bay, đùa giỡn nghịch ngợm như con trai, bữa nay sao lại trở nên điệu bộ, đi chập chững loạng choạng như sắp té tới nơi... Chúng nó nằm lăn ra đất giả bộ làm phóng viên nhà báo chụp hình minh tinh màn bạc, thâm tâm chúng nó chỉ muốn cản đường không cho bà chị đi ra khỏi nhà…. Bà chị thì hồi hộp, chỉ lo trễ giờ với “bạn” dù 2 nhà nằm đối diện, chỉ cách nhau mấy bước là sang tới …. lề bên kia của con đường trong xóm.

 

Qua đến cổng nhà bạn, bấm chuông, người mở cổng không phải nhỏ bạn mà là ông anh. Lúc đó hình như cả hai đều có gật đầu chào nhau nhưng có lẽ chỉ là cái gật đầu trong ý nghĩ, không cách gì thể hiện ra bên ngoài vì cả hai ... đang cảm động oà vỡ trong lòng!

 

Líu ríu theo ông anh vào đến phòng ăn, bàn tiệc lúc này đã bày biện đâu vào đó nhưng nhìn quanh cô nàng không thấy nhỏ bạn và mấy nhỏ em gái của nó đâu cả. ... Mang giầy cao gót chưa quen, đi thì sợ lỡ vấp té hay là cô nàng đang run trong lòng vì trong phòng chỉ có mỗi ông anh?  Ông anh (An) có lẽ tội nghiệp thương cho cô nàng, vì thấy con nhỏ cứ đứng như chôn một chỗ nên An tuột đôi dép đang mang trong chân… nhường cho cô. Mừng như bắt được vàng vì có người hiểu “nỗi niềm” cho mình, cô nàng thả ngay đôi giầy Escapin dễ ghét, tròng ngay vào chân đôi dép Nhật của An.

Một cảm giác âm ấm…. là lạ ... ngây ngất!!!

 

Ăn uổng xong An đem đàn ra đàn cho cả bọn ca hát. Hôm đó là lần đầu tiên trong đời cô nàng được nghe và tập hát bài “Ngày cưới em” ....

 

Hè đó, theo gia đình về Huế, xa bạn xa trường, nhưng những ngày hè của Huế vui quá, đẹp quá…. Những ngày tắm sông ở nhà bà ngoại vùng Đập đá, hay đạp xe đạp lên Thiên Mụ mệt lử vì phải leo dốc, dọc đường hái những trái keo thơm thơm nhâm nhi cho đỡ đói…. Con đường Lê Lợi với hàng Phượng đỏ ối ... Thế là cô nàng quên bạn, quên trường, quên luôn những cảm giác man mác nhớ nhớ thương thương ai đó!!!

 

Huế với những ngày biến loạn miền Trung... Đã đảo Thiệu Kỳ... Biểu tình bãi thị, trường học đóng cửa. Ba mẹ cô nàng đưa cả gia đình về lại Sài Gòn,  nhưng cho 3 đứa con lớn ở lại Huế, chờ trường mở cửa lại để học cho hết năm ... cô nàng học Đồng Khánh, hai anh em trai học Quốc Học ...

 

Hết hè, vào lại SG, ba mẹ xin cho cô nàng vào lại trường Trưng Vương. Bây giờ nhà cô nàng không còn ở đường Trương Minh Ký nữa mà dọn về đường Lê Đại Hành gần trường đua Phú Thọ. Nghĩ mình đã lớn nên cô nàng xin ba mẹ không đi xe trường đưa đón nữa mà đạp xe đạp đi học.

 

Mỗi trưa tan học, phải đạp ngang qua  trường JJ Rousseau, cô nàng cũng chẳng nghĩ ngợi gì …. Cho đến một hôm thấy An đứng bên lề đường Trần Quý Cáp, dơ tay vẫy …. Đang đạp song song với mấy nhỏ bạn học, cô nàng quýnh quáng thắng xe lại, chống vội chân xuống đất, chiếc váy đầm có lót „jupon“ bên trong chưa kịp kéo xuống …. Mấy nhỏ bạn đạp xe đi tiếp, bỏ mặc cô nàng lúng túng một mình với An…. 

 

Sau bao ngày xa cách, gặp lại nhau chưa kịp tỏ bày thì cái mắc cỡ với mấy nhỏ bạn hay vì xa mặt cách lòng hay trái tim của cô nàng chưa đủ rung động vì ….yêu đã khiến cô nàng đâm ra “giận“ An một cách ngang xương.

 

Từ đó, đi học về, cô nàng tránh không đạp xe ngang qua trường JJ Rouseau nữa….

 

Nghe nói ông bố của T. , tên của nhỏ bạn nhà đối diện ngày trước, đã qua đời. Gia đình T. lâm vào cảnh túng quẫn, T. phải nghỉ học, xin đi làm sở Mỹ. Dạo đó, xã hội VN vốn sẵn thành kiến với những ai đi làm sở Mỹ, nên với cô nàng, đi làm sở Mỹ là một sự kiện “ghê gớm”, có nghĩa là „hư đốn“ ghê lắm. Một thành kiến ngu ngốc thiển cận!!!

 

Rồi cô nàng cũng nghe nói An đi biệt kích Mỹ.... Không tin tức gì về nhau từ dạo đó.

 

Trước ngày đi du học, T. báo tin cho hay là An mất tích trong chuyển nhảy dù trên đất bắc ....

 

Mỹ Nga

Udenheim 20.12.2020

 

(1)  https://youtu.be/U6UgzLIpMM8

(Liên khúc „Ngày cưới em“ do Chí Tài trình bày)




Mấy hôm nay chúng mình thật xôn xao với những hình ảnh của một thời …. tuổi "teen".

Mình nhận được ra một số các bạn nhưng không nhanh tay nên chưa kịp hó hé đã bị "hớt" tay trên, thế là đành …tiu nghỉu !!!  

Nhân đây cũng xin gửi đến các bạn một bài viết về kỷ niệm một thời áo trắng….

Ví dầu có ai nhận ra mình thì "đừng bật mí" nhé.

 

Thân mến

Mỹ Nga

May 11, 2021

NHỚ HÈ XƯA

NHỚ HÈ XƯA

Nghe mấy cháu nhỏ xôn xao thi học kỳ 2 trong tháng 5, có nghĩa là một mùa hè nữa lại về. Mùa hè trong tôi vẫn luôn có nhiều kỷ niệm. Hồi đó bạn bè hay viết lưu bút cho nhau. Những tấm hình đen trắng chụp lúc trốn vào Sở Thú, nhìn lại có chút buồn cười, đứa nào đứa nấy chưa biết cách trang điểm sắc sảo như thế hệ trẻ bây giờ nên hình ảnh thì có sao để vậy người ơi !


Thời gian là dòng sông chảy mãi có bao giờ ngừng trôi, tìm về quá khứ chỉ là những tấm hình cũ hoặc tụ tập nhau ôn lại những niềm vui mùa hè hồi ấy . Với trí óc bây giờ ôn lại chuyện xưa phải có đứa này, đứa kia mỗi đứa một chút kỷ niệm mới ghép lại thành một bức tranh xưa. Ôi chà, bức tranh ghép của tụi này chắc là nó bị lỗ chỗ không thể còn nguyên vẹn được. Không sao, còn tụ hợp nhau được là thấy vui rồi. Dễ dầu gì có một tình bạn kéo dài trên 50  năm vậy. 


Hồi xưa đến trường Trưng Vương tôi toàn đi bộ vì cũng không xa 
trường lắm. Con đường nhà tôi, ông chính phủ trồng cây dầu nên tháng 5 bông trái dầu (hay còn gọi là sao đen, chò nâu) bắt đầu điệu luân vũ của chúng. Không sắc màu rực rỡ như hoa phượng vĩ, cũng không tỏa hương thơm quyến rũ, nhưng bông trái dầu có vũ điệu thật đẹp mắt khi hòa mình trong gió rồi cả đám rơi xuống tạo thành quang cảnh thật đẹp mắt. Một điệu vũ lãng mạn trong thiên nhiên mà mỗi năm một lần chúng ta đều có dịp nhìn thấy. Những cánh hoa nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng khi có một cơn gió thổi tới, cả đám rơi rụng xuống, nhìn đẹp lắm. Chỉ tội cho mấy người hốt rác, còn tôi chỉ mãi thưởng thức nét đẹp của điệu luân vũ mùa hè, chưa cụng đầu trúng cây cột đèn là tốt rồi.



Có lần đi bộ, tôi bị một bông dầu loại to rớt trúng đầu. Đau lắm à nhe, không nói giỡn đâu.  

Kế đến là hoa phượng vĩ (vĩ là đuôi, có nghĩa là nhìn xa xa chùm hoa của chúng giống như là đuôi chim phượng) nở màu đỏ thắm đẹp rực rỡ cũng là dấu hiệu báo mùa hè sắp đến. Hoa phượng vĩ còn được các văn thi sĩ gọi là hoa học trò. Vì dưới gốc cây phượng trong sân trường, học sinh có biết bao nhiêu là kỷ niệm.    

Còn tiếng ve kêu ra rả suốt ngày đêm. Dân Sài gòn không còn nghe tiếng ve từ lâu, nhưng  ở vùng ven ngoại ô, nơi thảm thực vật chưa bị chặt bỏ hết, chúng ta nghe dàn đồng ca thiên nhiên này hát hò cả ngày lẫn đêm, mà chắc chắn là chúng không hề bị….viêm họng!    


Về nhà, giờ nghỉ lại còn đi bắt ve, bắt dế với mấy đứa con nít trong xóm. Tình cảm láng giềng của tụi tôi gắn bó với nhau. Bây giờ thấy mấy đứa cháu không thể có những trò chơi gần gũi với thiên nhiên như thời xưa nữa. Lúc nào chúng cũng bị nhốt trong nhà vì phụ huynh sợ ra đường bị tai nạn, bị gạt gẫm. 


Mai này tụi nó già rồi , cỡ như tụi mình bây giờ nếu nhớ lại những mùa hè xưa, cái gì đọng lại trong lòng của tụi nhỏ nhỉ ? vì mùa nào tụi nhỏ cũng đều chơi game giống nhau, không có kỷ niệm nào nổi bật , đặc thù ! 
NGÔ OANH

NGÀY CỦA MẸ

BQ

Mẹ sắp bảy mươi tuổi rồi, không còn trẻ nhưng cũng chưa đến nỗi không biết được hôm nay là ngày dành cho mẹ.

Một ngày như mọi ngày, căm cụi làm công việc của mình . Có lẽ với các con thì chỉ là những việc vụn vặt, chẳng đáng kể gì . Các con còn mải lo cho gia đình nhỏ của minh mà quên đi bà mẹ già lẻ loi này .

Mẹ cũng quen như vậy từ khi các con có gia đình riêng .

Trong khi trên Fb ngập tràn hình ảnh các bạn mẹ tươi cười , hớn hở bên những chiếc bánh, bó hoa tươi rói hay những hộp quà mà con cháu tặng . Trông các bác ấy thật hạnh phúc, rạng rỡ .

Chiều xuống mẹ vẫn lặng lẽ làm công việc của mình, chỉ là lau dọn , chùi rửa cho sạch sẽ các thứ . Những việc này lúc trước mẹ làm rất nhanh nhưng bây giờ có tuổi, cánh tay phải đau không nhấc lên cao được, lúc nào cũng đau như bị vặn sái tay khiến cho mẹ làm việc gì cũng chậm hẳn đi . Mẹ vẫn cố gắng chu toàn mọi việc và chờ một lời hỏi thăm trong ngày này , chẳng cần quà cáp, bông hoa gì đâu .

Chiều tàn rồi đêm tới cũng vậy thôi . Có lẽ các con quên thật rồi .

Thôi đừng mong chi nữa . Ngày mai lại sẽ như mọi ngày .
Mother's Day có lẽ chỉ là ngày lễ ở xứ Tây , chẳng liên quan gì đến mẹ . Mong chờ làm chi ....

Chiều hôm sau , bé con đi học về , ôm bó hoa chạy đến bên bà đưa bằng cả hai tay : "Bà nội ơi, bố mẹ con tặng bà này"



- Sao lại tặng bà ?
- Bố con bảo hôm nay là ngày lễ của bà đó
- Thế à , vậy mà bà cứ tưởng là hôm qua chứ
- Mẹ còn mua bánh cho bà nữa đó
- Vậy sao ? Bà cảm ơn nhé

Bà kéo con bé vào lòng, hôn tới tấp trên hai cái má phinh phính của nó . Bà chẳng thể bồng nó lên như hồi nhỏ nữa rồi . Con bé đã năm tuổi rồi , nó đủ nặng để bà chỉ có thể ôm nó thôi . Và như thế bà cũng thấy mình vui lắm rồi
. Thế mà hôm qua bà lại nghĩ các con đã "quên" mình rồi . Thiệt "bậy" hết sức . Chẳng qua thấy mọi người rộn ràng chúc tụng trên Fb nên cứ tưởng ...chứ già rồi đâu có nhớ ngày tháng gì đâu.

Các con mình đi làm trong cái thời buổi Covid này cũng vất vả, lại lo con nhỏ nên cũng bận rộn lắm . Làm đỡ cho con được việc gì là làm thôi . Người ta bày ra Ngày của mẹ là để nhắc nhở con đừng quên cha mẹ chứ với mình thì ngày nào cũng là ngày của mẹ .

Chăm sóc mẹ già mỗi ngày nhưng cụ bước vào giai đoạn gần đất xa trời , chẳng nhớ gì nhiều . Dù sao mình vẫn còn được làm con , bây giờ làm mẹ và làm bà nên ngày này cũng có ý nghĩa với mình mặc dù ở xứ mình phải đợi đến tháng bảy .

Các thế hệ mẹ cứ nối tiếp nhau làm nên truyền thống gia đình ...
Có những mẹ rất vui trong ngày lễ mẹ nhưng cũng ngày này nếu các con chẳng nghĩ đến mẹ thì có những mẹ sẽ buồn lắm thay , mà nỗi buồn thì dai dẳng biết bao giờ mới hết ....

Anh Thư