Feb 3, 2021

Quái Kiệt Trần Văn Trạch

TRẦN VĂN TRẠCH khi còn là học sinh lớp 7 trường Nguyền đình Chiểu đã từng làm mưa làm gió về văn nghệ tại rạp hát Thầy Năm Tú Mỹ Tho-Mặc Nhân TVC



Hiện tượng Trần Văn Trạch đã đến với tôi vào năm 1939 tại rạp hát Thầy Năm Tú, Mỹ Tho vào mùa bãi trường năm ấy.

Trần Văn Trạch sinh năm 1924 tại làng Đông Hòa, tỉnh Mỹ Tho, học sinh trường Collège de Mỹ Tho. Ngày lễ phát thưởng bãi trường niên học 1937-38 của trường được tổ chức long trọng tại rạp hát Thầy Năm Tú. Trần Văn Trạch lúc bấy giờ mới học lớp 2ème (deuxième année tức là đệ nhị niên tức là lớp 7 bây giờ) được phân công phụ trách phần văn nghệ, đồng thời là hoạt náo viên (animateur) vừa bằng tiếng Việt vừa bằng tiếng Pháp. Có nghĩa là nhà trường khoán trắng cho Trần Văn Trạch, một học sinh lớp 7 cáng đáng một trọng trách không dễ chút nào.

Lúc bấy giờ, chính quyền Pháp ở Đông Dương đang tổ chức cuộc đua xe đạp vòng quanh Đông Dương, nên sau khi ra trình diện và chào khán giả xong, MC. Trần Văn Trạch nói: “Kính thưa quí vị. Hiện nay chúng ta đang theo dõi cuộc đua xe đạp vòng quanh Đông Dương, tôi cũng xin đưa quí vị đi vòng quanh Đông Dương nhưng bằng lời ca tiếng hát.”. Đợi cho tiếng vỗ tay chấm dứt, cậu bé lóp 7 tiếp tục: “Tôi xin bắt đầu cuộc hành trình từ Nam ra Bắc. Ở Nam kỳ có lối nói thơ “Lục Vân Tiên”, tôi xin nói một một đoạn thơ Lục Vân Tiên:

Vân Tiên cõng mẹ đi ra
Đụng phải cột nhà cõng mẹ trở vô
Vân Tiên cõng mẹ trở vô
Đụng phải cái bồ cõng mẹ trở ra
Vân Tiên cõng mẹ trở ra
Đạp bãi cứt gà cõng mẹ trở vô
Vân Tiên cõng mẹ trở vô
Đụng phải chày vồ cõng mẹ trở ra
Vân Tiên cõng mẹ trở ra

Mặc dù còn nhỏ tuổi, trới phú cho Trần Văn Trạch một giọng ấm áp, cùng với lối diễn xuất lẩm ca lẩm cẩm cỏng mẹ ra, vô... đầy tính chất mộc mạc phương nam, khán giả đổ ra cười nghiêng, cười ngửa. Đợi cho mọi người thôi cười, Trần Văn Trạch lấy lại vẻ trịnh trọng, xoa xoa tay và nhỏ nhẹ thưa: “Kính thưa quí vị, quí vị có biết Lục Vân Tiên cõng mẹ đi đâu không? Chính mẹ bịnh nên Lục Vân Tiên cõng mẹ đi tìm thầy hốt thuốc, nhưng vì mù loà, Lục Vân Tiên đi ra đụng vật nầy đi vô đụng vật kia. Loay hoay mãi không tìm ra lối đi... Vậy mà quí vị nỡ nào cười cho cái đau khỏ của một người con hiếu thảo cõng mẹ đi trị bịnh. Lẽ ra quí vị nên chỉ đường cho Lục Vân Tiên mới phải...”.

Không khí đang vui vẻ ồn ào bỗng trở nên lặng trang. Quí bà mẹ học sinh dự lễ lấy khăn ra lau nước mắt. Các cô học sinh gái sụt sịt khóc, kể cả thầy cô cũng chưng hửng cho cái tài năng sớm lộ của đứa học trò mình.
Chưa hết, tiếp tục đi vòng quanh Đông Dương, Trần Văn Trạch đưa khán giả ra Huế. Nơi đây, chàng nghệ sĩ tí hon nầy không biết học ở đâu, vì thời bấy giờ việc giao lưu văn hóa giữa ba miền còn rất hạn chế, đã cho khán giả nghe với một giọng Huế nữ đặc sệt, trọ trẹ, nặng nặng, ấm ấm, ức ức... khó cho người miền Nam bắt chước:

Chiều chiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông.
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

Tiếp tục ra Bắc, lại một thể loại dân ca đặc thù bài hát theo điệu cò lả:

Con cò... là cò bay lả... í a lả lả bay la
Bay từ... là từ cửa phủ... bay ra là ra cánh đồng
Tình tính tang... là tang tính tình
Cô mình rằng... ấy anh chàng ơi
Rằng có biết biết hay không... rằng có nhớ là nhớ hay không?

Với giọng Bắc ẻo lả, mấy từ nhồi duyên dáng theo điệu ca dân gian, và qua từ màn văn nghệ đầu tiên đến giờ, anh học sinh Trần Văn Trạch thật sự đã chinh phục khán giả. Rạp hát Thầy Năm Tú rộng là thế, khán giả đông là thế mà cả rạp im phăng phắc để nghe, để thưởng thức một cái gì mà từ trước đến giờ chưa được nghe, chưa được thưởng thức.

Đến khi anh đưa khán giả vào xứ Lào để trông anh múa lèo với những cánh tay uyển chuyển đưa lên cao, cùng với 10 ngón tay uốn éo cử động, và hai bàn chân khi nhón lên khi hạ xuống nhịp nhàng uyển chuyển theo dòng nhạc Lào buồn buồn, xa vắng. Rồi anh lại đưa khán giả vào xứ Chùa Tháp qua màn biểu diễn điệu múa Lâm thôn độc đáo Khmer cùng với nhưng câu hát Dù kê bòn ơi! Bòn ơi!... tâu náaaa...

Những điều nầy tôi viết theo ký ức của tôi không hề qua tư liệu hay bài viết của ai vì tôi nhỏ hơn anh 2 tuổi, học chung trường với anh nhưng sau anh 2 lớp. Tôi đến dự lễ phát thưởng để xem anh trình diễn văn nghệ không phải với tư cách lãnh thưởng, càng không thể là khách mời chỉ là thằng nhỏ... đi coi hát cọp.

Sau buổi văn nghệ nầy một cô đầm, con của một người Pháp làm việc tại Mỹ Tho, nói với cha: “Ba gả con cho anh học trò đó, nếu không con cũng theo không ảnh.”. Và cô thiếu nữ người Pháp nầy, người bị anh chàng học trò tài ba nầy hớp hồn ngay trong đêm văn nghệ nầy, sau nầy là Trần Văn Trạch phu nhân.

Chuyện nhân vật “Mỹ Tho Trần Văn Trạch” đến đây chấm dứt cũng đũ rồi nhưng tác giả xin phép viết thêm đôi dòng. Nói về Trần Văn Trạch phải nói đủ: 
Trần Văn Trạch nhạc sĩ, Trần Văn Trạch ca sĩ, Trần Văn Trạch kịch tác gia, Trần Văn Trạch kịch sĩ, Trần Văn Trạch soạn giả, Trần Văn Trạch người dẫn chương trình, Trần Văn Trạch người lập chương trình... Bất cứ trong lĩnh vực nào mà Trần Văn Trạch tham gia, ai ai cũng thấy cái “dấu ấn đặc thù Trần Văn Trạch” nổi lên.

Một chuyện nhỏ. Ông Trần Văn Trạch có rất nhiều biệt tài. Như trong chương trình văn nghệ phát thưởng ở Trường Nguyễn Đình Chiểu nói trên, ông đã đưa khán giả từ đoạn đầu vui cười hả hê qua chất hài có duyên của ông, rồi lập tức chuyển qua chất bi thương xúc cảm một cách tài tình. Nhạc phẩm “ Chuyến xe lửa mùng năm ” cũng vậy. 

Đoạn đầu với cái giọng của một thằng bé ngoài Trung vì chiến tranh lìa mẹ vào Sài Gòn bán báo kiếm sống. Tết đến em có dư một số tiền nhỏ về quê cho mẹ. Ngồi trên xe lửa về quê thằng bé ca hát nghêu ngao vui vẻ nghĩ rằng sẽ gặp mẹ, ôm mẹ vào lòng, nhưng khi về quê thì mới biết chiến tranh đã thiêu rụi ngôi nhà và mẹ cũng đã chết từ lâu. Đoạn nầy dòng nhạc, lời ca chuyển thành thống thiết... thính giả chỉ còn biết lấy khăn lau nước mắt.

Một chuyên nhỏ. Nhanh trí. Trong một vở kịch, nghệ sĩ Trần Văn Trạch đóng vai một anh hùng trừ gian diệt bạo. Theo vở kịch là khi bắt được tên cướp... đưa cây súng sáu chĩa vào đầu tên ăn cướp, bóp cò, súng nổ, tên cướp ngã ra chết, đền mạng... Nhưng trớ trêu, đạn giả bị lép, súng không nổ trái với kịch bản... Trần Văn Trạch bình tĩnh không để cho vở kịch bị sượng nên lớn tiếng nói với giọng kẻ cả, bảo tên cướp: “Ha… ha... lần nầy ta tha cho ngươi, lần sau còn tái phạm ta không tha đâu... ha... ha...”. Tên cướp lẽ ra khi súng nổ ngã lăn ra chết nhưng súng không nổ cũng lỡ bộ nhưng nghe Trần Văn Trạch cương một câu mừng quá cũng cương theo và xin... lạy Trần Văn Trạch cám ơn cứu tử. Màn hạ. Ông bầu... chịu quá. Khán giả không biết gì, cũng vỗ tay...

Một chuyện nhỏ. Bản nhạc “Xổ số Kiến thiết”, một bản nhạc “quảng cáo” thôi, tầm thường như vậy, thế mà vào tay của Trần Văn Trạch đã trở thành một ca khúc hay mãi đến bây giờ cũng không ai có thể hát được như vậy.
Một chuyện không nhỏ. Ngay khi còn nhỏ tập tành ca hát là Trần Văn Trạch, với giọng thiên phú nên bắt chước ca sĩ Pháp là Tino Rossi hát giọng ténor. Ca sĩ ténor Tino Rossi biết được điều nầy nên khi Trần Văn Trạch đến Pháp, chính Tino Rossi, không tị hiềm, lại tìm Trần Văn Trạch để lời khen ngợi và còn lăng-xê cho Trần Văn Trạch hát trên Radio, trên Télé của Pháp.

Người đời ban tặng ông danh hiệu “quái kiệt” không ngoa và quái kiệt Trần Văn Trạch bị ung thư gan từ Mỹ trở về Paris chữa bệnh và đã mất vào ngày 12 tháng 4 năm 1994 ở tuổi 70. Và ông đã yên nghĩ tại nghĩa trang Valenton, Paris

A. Thư chuyển

No comments:

Post a Comment