Feb 2, 2019

MÂM NGŨ QUẢ - NGÔ OANH




MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT

                        

​Không biết tự bao giờ ngày Tết chúng ta cứ quay như chong chóng với bao nhiêu là công việc: trang trí nhà cửa, nấu nướng, mua sắm quà Tết cho người này, người kia…Một trong những việc đó là chưng bày mâm ngũ quả trên bàn thờ. Có lẽ tại ngày đầu Xuân người ta thích có hoa trái đầy nhà, chứ nếu để nhà trống không có vẻ đìu hiu hay sao ấy…Nhà của tôi duy trì tập tục đó, cũng phải có một mâm ngũ quả. ​

Tại sao ông bà xưa lại chọn số 5 nhỉ? Có lẽ vì số 5có ý nghĩa huyền bí xuất phát từ học thuyết Ngũ Hành rất xa xưa: Vạn sự ở thế gian đều được cấu thành từ 5 yếu tố - Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Bàn tay, bàn chân của con người có 5 ngón mỗi chi. Đầu thì có ngũ uẩn: nhãn, nhỉ, tỷ (mũi), khẩu (miệng), thiệt (lưỡi). Thân mình thì ngũ tạng có: tâm, can (gan), tỳ (bao tử + ruột), phế (phổi), thận. Do đó số 5 được coi như biểu tượng của sự sống và trong thời khắc thiêng liêng đêm Giao Thừa, con người muốn dâng lên Thiên Chúa và tổ tiên ý nghĩa giao hòa với đất trời.
Có nhà chưng mâm lục quả, bát quả…gì gì nữa, không phải chỉ là 5 loại trái cây: Mãng cầu, Sung, Dừa , Đu đủ, Xoài. Ở đây là nghệ thuật chơi chữ khi người ta chọn theo cách phát âm (phonetic) hơn là từ vựng (vocabulary). Người ta cầu sự đủ xài về tiền bạc, sung mãn về sức khỏe.

Có năm tôi thấy chị tôi chăm chút tỉ mỉ lựa từng trái thật đẹp cho mâm ngũ quả - “cầu đủ xài” của chị, tôi bèn đề nghị “sao chị chỉ cầu đủ xài yếu quá, đáng lẽ cầu xài “líp ba ga” mới đã. Thêm cái líp và cái ba ga xe đạp nữa đi”.

Có năm tôi đề nghị chị tôi chưng trái chuối, trái cam để trên bàn thờ thì bị chị phản đối: “Chuối có phát âm nghe như chúi mũi, chúi lái, xui lắm, còn cam là cam khổ, cam chịu không được”. À! Ra là thế.

Hèn nào tôi chỉ thấy trái chuối người ta để ở bàn thờ ông địa, dưới đất, chứ không để ở bàn thờ gia tiên. Trái cà thì e là cà chớn, cà cháo, quanh năm không làm ăn gì được. Sầu riêng thì nội cái tên, nghe đã thấy….rầu muốn chết, chưa kể còn gai góc xù xì, chắc thế nào cũng…xui tận mạng. Cũng như tôi không thấy ai chưng trên bàn thờ bông Mồng Gà, bông Dâm Bụt. Hoa Mồng Gà đẹp như vậy mà không ngự được trên bàn thờ! Thật tiếc. Tất cả là tại vì phát âm của cái tên. Cái tên phải có âm tiết nghe sang trọng, ý nghĩa tài lộc….

Tùy theo vùng, miền, người ta có cách trưng bày các loại trái cây khác nhau. Ý nghĩa tượng trưng của một số trái cây như sau:

• Mãng cầu: thể hiện lòng cầu mong, ước ao của gia chủ.
• Sung: Gắn với biểu tượng sung mãn, sức khỏe và tiền bạc. Chùm trái sung có dáng đẹp, dễ chưng.
• Đu đủ: Đủ đầy.
• Xoài (người ở miền quê hay phát âm giống như “xài”): Cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.
• Dừa: tuổi thọ của cây dừa lên đến vài chục năm, gần bằng với tuổi con người.
• Thơm: mong muốn việc làm của mọi người trong gia đình đều danh thơm, tiếng tốt. Trái này nhỏ xíu màu hồng chưng rất đẹp.
• Bưởi: Căng mọng, mong muốn an khang, thịnh vượng.
• Quýt: Màu đỏ cam tượng trưng cho sự thành đạt, hên.
• Lê: Vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
• Lựu: Nhiều hột, tượng trưng cho con đàn, cháu đống. (Thời nay có vẻ mọi người hơi sợ…con đông)
• Đào: Thể hiện sự thăng tiến.
• Táo: Phú quý, giàu sang.
• Thanh long : Rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc. Dáng của trái này đẹp, dễ chưng.
• Dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.
• Sabôchê: Lộc trời cho.
• Phật thủ: Bàn tay Phật che chở cho cả gia đình.
Mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, dù có khác nhau giữa các vùng miền nhưng trên hết đều thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên và ước mong một năm mới an khang, và thịnh vượng (có trích một phần dữ liệu từ Internet).

Oanh Ngô


2 comments:

  1. Cám ơn Oanh đã viết bài Mâm Ngũ Quả một nét đặc trung của văn hòa VN, rất đúng lúc chuẩn bị đón Tết , mừng Xuân.

    CUNG CHÚC TÂN XUÂN

    Thân mến

    ReplyDelete
  2. Rat hay Thanh Oanh a! Sang nam moi ma "Vừa Sung Mãn, Vừa Đủ Xài" là nhứt rồi!
    Xin chuc mung nam moi Thanh Oanh va tat ca cac ban...
    LH

    ReplyDelete